Diễn đàn

Truyền thông xây dựng thương hiệu xanh của doanh nghiệp với thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đất nước – một số vấn đề đặt ra hiện nay

31/03/2025 10:29

(LLCT) - Truyền thông xây dựng thương hiệu xanh là một trong những nội dung lớn trong hoạt động truyền thông, nâng cao uy tín doanh nghiệp trên thị trường, đồng thời góp phần vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

ThS TRẦN NHƯ HẢI
Trường Đại học Văn Lang

Lễ tôn vinh và trao Danh hiệu Doanh nghiệp xanh TP.HCM năm 2024_ Ảnh: IT

1. Mở đầu

Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thân thiện với môi trường, phát triển bền vững là xu thế tất yếu hiện nay và được Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm, có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên thúc đẩy. Nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng xanh và đạt được những kết quả nhất định. Trong đó, truyền thông xây dựng thương hiệu xanh của doanh nghiệp nhằm góp phần thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của các quản lý, nhân viên, lao động trong doanh nghiệp, nâng cao uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp, qua đó cũng tác động lớn đến nhận thức, thái độ, hành vi của công chúng, đối tác, khách hàng về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh;… Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hoạt động truyền thông xây dựng thương hiệu xanh của doanh nghiệp vẫn còn những hạn chế và rào cản, những vấn đề cần được xem xét, giải quyết.

2. Nội dung

2.1. Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam

Khái niệm “tăng trưởng xanh” hiện được nhiều tổ chức quốc tế sử dụng rộng rãi. Ngân hàng Thế giới (WB) định nghĩa: Tăng trưởng xanh là hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tối đa ô nhiễm và các tác động môi trường, có khả năng thích ứng trước các hiểm họa thiên nhiên và vai trò của quản lý môi trường và vốn tự nhiên trong việc phòng ngừa thiên tai...(1). Phát triển bền vững được hiểu là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai...

Nhằm mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, thực hiện tăng trưởng xanh, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu giảm sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Sự quan tâm, chú trọng thực hiện phát triển kinh tế xanh của Đảng và Nhà nước ta thể hiện tại nhiều văn bản chỉ đạo, chiến lược phát triển. Ngày 25-9-2012, Chính phủ đã ra Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050”. Trong đó, khẳng định quan điểm: “Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đối khí hậu”. Mục tiêu chung được xác định là “Tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững, giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chi tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội”.

Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) khẳng định: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”(2).

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17-11-2022 Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định nội dung cốt lõi của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá giai đoạn đến năm 2030 là thúc đẩy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh các ngành, lĩnh vực. Trong đó chuyển ưu tiên chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải carbon thấp.

Chỉ thị số 44/CT-TTg ngày 9-12-2024 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, trong đó chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, để đạt kết quả tích cực trên nhiều mặt. Chính phủ đã ban hành các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải, thực hiện cam kết trung hòa carbon như: Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27-11-2023 phê duyệt Đề án Phát triển bền vững một triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030; Quyết định 165/QĐ-TTg ngày 07-02-2024 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định 262/QĐ-TTg ngày 01-4-2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII); Thông tư số 10/2023/TT-BKHĐT, ngày 01-11- 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quy định Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh. Nhà nước đã xây dựng, hoàn thiện các luật về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, nổi bật là Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước và Luật Điện lực được sửa đổi.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự chủ động tích cực của các bộ, ngành và địa phương, tiến trình tăng trưởng xanh của Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế theo hướng bền vững.

2.2. Thực trạng xây dựng và truyền thông xây dựng thương hiệu xanh của doanh nghiệp tại Việt Nam

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong bối cảnh vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu trở thành chủ đề được các quốc gia, các nhà quản lý và người dân đặc biệt quan tâm; yếu tố bảo vệ môi trường đã trở thành mối quan tâm của toàn xã hội, là yếu tố tác động đến người tiêu dùng khi lựa chọn mua sắm sản phẩm, dịch vụ, nhiều doanh nghiệp đã hướng tới việc xây dựng thương hiệu xanh. Thương hiệu xanh được hiểu là: doanh nghiệp không gây ra tác động tiêu cực đối với môi trường, đối với cộng đồng hay nền kinh tế; hướng tới sử dụng, cung cấp những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, các sản phẩm có thể sử dụng lại nhiều lần, được làm từ các chất liệu tái chế, hoặc có thời gian phân hủy trong tự nhiên ngắn như túi giấy hay bao bì được làm từ vật liệu thiên nhiên để thay thế đồ nhựa, ni lông.

Nhiều doanh nghiệp đã thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh, từ tìm nguồn cung ứng tiêu chuẩn và bền vững đến xây dựng quy trình sản xuất không ô nhiễm hoặc tác động tiêu cực đến môi trường, phân phối các sản phẩm có “nhãn xanh” thân thiện môi trường đến tay người tiêu dùng.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hoạt động xây dựng và truyền thông xây dựng thương hiệu xanh của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Nhận thức về kinh tế xanh, tiêu dùng xanh, thương hiệu xanh ở Việt Nam còn mới, dẫn tới các doanh nghiệp lúng túng nhất định trong xây dựng nội dung, cách thức truyền thông

Chất lượng truyền thông còn nhiều điểm hạn chế: Nội dung truyền thông đôi khi chưa thực sự phù hợp với từng loại hình, đối tượng và chức năng, nhiệm vụ của từng doanh nghiệp, chưa gắn với các vùng văn hóa. Phương thức truyền thông xây dựng thương hiệu xanh của doanh nghiệp chưa được đổi mới, thậm chí dẫn đến tình trạng đối tượng truyền thông tiếp nhận sai nội dung.

2.3. Một số vấn đề đặt ra trong truyền thông xây dựng và truyền thông thương hiệu xanh của doanh nghiệp ở Việt Nam

Một là, kinh tế xanh, tiêu dùng xanh, thương hiệu xanh là vấn đề còn mới ở Việt Nam, kể cả đối với các doanh nghiệp FDI. Thực tế, sau 35 năm Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lần đầu tiên có báo cáo tổng quan về tình hình đầu tư FDI tại Việt Nam. Trong “Báo cáo thường niên về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam năm 2021” ngày 10-5-2022. Lần đầu tiên, vấn đề xây dựng thương hiệu xanh của doanh nghiệp FDI được đặt ra một cách rõ ràng, truyền thông xây dựng thương hiệu xanh mới được nêu ra trong Báo cáo thường niên FDI của Việt Nam và Báo cáo thường niên FDI ASEAN(3).

Đến năm 2023, cả nước có 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh, thành phố, nhưng chỉ có 31,8% doanh nghiệp tư nhân hiểu rõ các quy định môi trường; 44% doanh nghiệp trong nước và 38% doanh nghiệp FDI thừa nhận chưa tuân thủ đầy đủ các quy định môi trường. Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được trách nhiệm với môi trường hoặc không có nhân lực am hiểu về pháp luật môi trường, chưa có bộ phận chuyên trách hoặc chưa đưa các tiêu chí xanh vào chiến lược phát triển và quản trị doanh nghiệp(4).

Do tính chất mới mẻ của vấn đề, cùng với thực tế là việc thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế xanh chưa quy định thành trách nhiệm bắt buộc, chưa được “luật hoá”, nên nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng thực hiện, hoặc thực hiện cầm chừng, hoặc thực hiện chưa đúng quy trình, quy định, và chưa quan tâm một cách thực sự nghiêm túc đến truyền thông xây dựng thương hiệu xanh,…

Hai là, còn có tình trạng doanh nghiệp nhận thức đúng về xây dựng tăng trưởng xanh và có chiến lược truyền thông nhưng chưa tích cực triển khai trong thực tiễn. Nguyên nhân là doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội. Để thực hiện tốt quy trình xây dựng thương hiệu xanh cần phải có đầu tư nguồn kinh phí lớn vào máy móc, thiết bị hiện đại, có nguyên liệu đầu vào “xanh”, có nhân lực thực hiện. Đòi hỏi doanh nghiệp dành nguồn lực lớn để thực hiện.

Theo thống kê của Schneider Electric, có khoảng 67% doanh nghiệp ở Việt Nam xây dựng, theo dõi và công khai kết quả thực hiện các mục tiêu cụ thể về phát triển bền vững, 47% doanh nghiệp có chiến lược toàn diện về phát triển bền vững. Tuy nhiên, từ ý định tới hành động đang có khoảng cách khá lớn, bởi 52% tổng số doanh nghiệp vẫn chưa biết phải bắt đầu từ đâu(5).

Theo kết quả khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ tại một số khu công nghiệp, số doanh nghiệp FDI có công nghệ tiên tiến, hiện đại rất thấp, chỉ khoảng 5%. Các dự án FDI tại Việt Nam hiện nay chủ yếu có công nghệ ở mức trung bình, khoảng 80% số doanh nghiệp,... Số doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ lạc hậu chiếm khoảng 15%, dẫn tới nguy cơ, thách thức về tiêu tốn năng lượng, cạn kiệt tài nguyên(6).

Hiện nay vẫn còn doanh nghiệp truyền thông về thương hiệu xanh để “đánh bóng tên tuổi”, trong khi vẫn để xảy ra các vi phạm về quản lý chất thải, như thực hiện giám sát chất thải định kỳ không đúng, không đầy đủ theo quy định; kê khai không đầy đủ chất thải nguy hại đã chuyển giao trong chứng từ chất thải nguy hại; tự xử lý chất thải nguy hại khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận...

Chẳng hạn, tại doanh nghiệp Formosa trước đây, do mới chỉ dừng ở khâu truyền thông xây dựng thương hiệu xanh mà không thực sự triển khai trong thực tiễn, dẫn đến khủng hoảng thương hiệu năm 2016.

Ba là, đầu tư nguồn lực cho hoạt động này chưa đáp ứng yêu cầu

Nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã tiên phong trong vấn đề phát triển xanh, bền vững, phát triển tiêu dùng xanh, đã thay đổi về quy trình, thay đổi về cách thức quản lý, cách thức sản xuất. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do “chi phí và nguồn lực của doanh nghiệp còn hạn chế”(7); thiếu hệ thống tổ chức bộ máy truyền thông chuyên nghiệp, nguồn nhân lực truyền thông có trình độ cao, thiếu hệ thống thông tin dữ liệu truyền thông và cơ chế kiểm tra, giám sát thực hiện hoạt động truyền thông xây dựng thương hiệu xanh(8).

Bốn là, nội dung và phương thức truyền thông xây dựng thương hiệu xanh tại các doanh nghiệp chưa khai thác lợi thế của khoa học - công nghệ, chưa kịp thời đổi mới để phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của công chúng

Đổi mới nội dung, phương thức truyền thông xây dựng thương hiệu xanh của doanh nghiệp sẽ góp phần tạo sự thống nhất trong cộng đồng doanh nghiệp và đồng thuận trong xã hội về phát triển kinh tế xanh, tiêu dùng xanh, bảo vệ môi trường… Tuy vậy, truyền thông xây dựng thương hiệu xanh của một số doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp FDI được khảo sát cho thấy, nội dung, phương thức truyền thông mang tính truyền thống vẫn tồn tại; chưa áp dụng các hình thức báo chí sáng tạo để làm sinh động hoá nội dung truyền thông. Chẳng hạn, quảng cáo sản phẩm thường chỉ chú ý đến vẻ đẹp bên ngoài, tiện ích cho người dùng, mà chưa quảng bá các thuộc tính xanh, bảo vệ môi trường, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, trong khi các nền tảng xã hội phát triển rất nhanh, các phương tiện truyền thông hiện đại chiếm lĩnh môi trường truyền thông làm thay đổi nhu cầu tiếp nhận của công chúng, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận rộng rãi với các phương tiện truyền thông mạng xã hội, do vậy, về phương diện phương tiện truyền thông, doanh nghiệp cũng chưa thực sự tận dụng được ưu thế của khoa học - công nghệ truyền thông hiện đại.

Một trong những nguyên nhân là do nhân lực truyền thông chưa cập nhật công nghệ truyền thông hiện đại; doanh nghiệp FDI chưa chú trọng đào tạo công nghệ - kỹ thuật hiện đại vào hoạt động truyền thông xây dựng thương hiệu xanh. Điều này đã hạn chế lượng công chúng - khách hàng đang có nhu cầu tiếp cận thông điệp truyền thông xây dựng thương hiệu xanh của doanh nghiệp trên đa kênh, cũng là gián tiếp hạn chế hiệu quả truyền thông.

Năm là, thiếu sự phối hợp giữa các doanh nghiệp với các bên liên quan trong truyền thông xây dựng thương hiệu xanh. Chỉ khi tạo được sự liên kết, phối hợp với các bên liên quan trong truyền thông xây dựng thương hiệu xanh, doanh nghiệp mới tạo được sự lan tỏa sâu rộng và tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế xanh. Kinh nghiệm cho thấy, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh sự phối hợp giữa các doanh nghiệp với các bên liên quan trong truyền thông xây dựng thương hiệu xanh, bao gồm: phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, về kinh tế, phối hợp với chính quyền địa phương, phối hợp với các doanh nghiệp khác... Khi đó, truyền thông xây dựng thương hiệu xanh của doanh nghiệp mới gắn với mục đích tạo nội lực cho doanh nghiệp, đạt hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy kinh tế xanh, phát triển bền vững của Việt Nam.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, thương hiệu quốc gia là yếu tố quan trọng đối với sự lựa chọn của khách hàng, “Khi ra thế giới, người ta quan tâm đến sản phẩm Việt Nam, chứ không quan tâm đến từng thương hiệu, đó chính là yếu tố thương hiệu quốc gia. Vì vậy, khi phát triển câu chuyện về thương mại xanh, nếu một doanh nghiệp thực hiện thôi thì không đủ mà phải xây dựng được cộng đồng doanh nghiệp xanh, để làm sao khi nghĩ đến hàng Việt Nam là nghĩ đến sản phẩm xanh đầu tiên”(9).

Trong truyền thông, sự phối hợp giữa các doanh nghiệp với các bên liên quan trong truyền thông xây dựng thương hiệu xanh, nhưng trên thực tế, “chúng ta đang thiếu một chiến lược quốc gia mang tính liên kết, hỗ trợ nhằm huy động sức mạnh cộng đồng, bao gồm cộng đồng doanh nghiệp, cho sự phát triển bền vững đất nước... chúng ta chưa có một chiến lược tổng thể về cộng đồng trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”(10).

Việt Nam “vẫn chưa có những quy định, chính sách cụ thể cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa; các tiêu chí tăng trưởng xanh còn chung chung chưa có sự phân cấp theo quy mô doanh nghiệp hoặc khu vực sản xuất; việc thực hiện các quy định tăng trưởng xanh chưa đồng bộ tại tất cả các bộ, ngành, địa phương. Việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh vẫn đang trong tình trạng mạnh ai nấy làm, chưa có tính liên kết giữa các ngành, địa phương. Các dự án mà bộ, ngành, địa phương đã và đang được thực hiện liên quan đến Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đều dựa trên sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, chưa xuất phát từ năng lực nội sinh của bộ, ngành, địa phương”(11).

Hiện nay, Việt Nam chưa có một chiến lược quốc gia định hướng về truyền thông xây dựng thương hiệu xanh của các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp FDI, để thu hút sự chú ý của cộng đồng một cách có quy mô, chiều sâu, và nâng cao được tổng thể ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp FDI trong việc xây dựng thương hiệu xanh cũng như truyền thông xây dựng thương hiệu xanh. Do đó, cũng chưa có sự phối hợp của các cấp, các ngành trong kiểm soát nội dung truyền thông xây dựng thương hiệu xanh cũng như kiểm soát việc thực hiện xây dựng thương hiệu xanh trên thực tiễn của các doanh nghiệp. “Nhiều địa phương trải thảm đỏ thu hút dự án FDI bằng mọi giá, ít chọn lọc, thậm chí đã chấp nhận những doanh nghiệp FDI khai thác tài nguyên giá rẻ với công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”(12), đồng thời, bỏ quên việc quản lý truyền thông xây dựng thương hiệu xanh, dẫn đến hiện tượng doanh nghiệp FDI tự truyền thông một cách rời rạc, chưa thực sự trách nhiệm.

Sáu là, môi trường pháp lý, chính sách còn nhiều rào cản, chưa đáp ứng yêu cầu

Chất lượng, hiệu quả truyền thông xây dựng thương hiệu xanh của doanh nghiệp FDI cũng phụ thuộc nhiều vào môi trường chính sách của Nhà nước, địa phương. Môi trường chính sách, pháp lý hoàn thiện thì doanh nghiệp mới có đủ điều kiện để truyền thông xây dựng thương hiệu xanh tốt, hiệu quả, bởi vì, chất lượng, hiệu quả của truyền thông xây dựng thương hiệu xanh cũng phải trên cơ sở thực tế thương hiệu xanh của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp thực hiện tốt chuyển đổi xanh, thương hiệu xanh, thì hoạt động truyền thông xây dựng thương hiệu xanh mới tốt, mới tạo được niềm tin ở công chúng - khách hàng - đối tác.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã có, nhưng cơ sở pháp lý gắn với truyền thông xây dựng thương hiệu xanh của doanh nghiệp chưa rõ ràng, chưa có tiêu chí về xây dựng thương hiệu xanh. “Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển xanh, trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành đã ban hành những cơ chế, chính sách định hướng cũng như các chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, một số dự án, chương trình, mới dừng lại ở nâng cao nhận thức, đào tạo trên diện rộng chứ chưa đi sâu vào nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp để có giải pháp hiệu quả”(13). Trong Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 của Chính phủ, cũng chưa có tiêu chí, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng thương hiệu xanh của doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu xanh rất cần hành lang pháp lý hỗ trợ để doanh nghiệp có động lực, tiền đề quan trọng, tạo dựng thương hiệu xanh.

Việt Nam vẫn chưa có hành lang pháp lý, bộ tiêu chí để nhận diện, đánh giá mức độ xanh hóa sản xuất, thiếu một số luật làm cơ sở pháp lý trực tiếp cho hoạt động xây dựng thương hiệu xanh của các doanh nghiệp, như luật về tiêu dùng xanh, luật thương hiệu xanh, luật mua sắm xanh... Những yếu tố này nhấn mạnh sự phức tạp và thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt để phù hợp với các quy định về thương mại quốc tế và chính sách môi trường vốn thường hay thay đổi. Đây là vấn đề đặt ra trong truyền thông xây dựng thương hiệu xanh của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, cần được tháo gỡ trong thời gian tới.

3. Kết luận

Trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức đan xen, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động truyền thông xây dựng thương hiệu xanh, từ thực trạng truyền thông xây dựng thương hiệu xanh tại các doanh nghiệp cho thấy có nhiều vấn đề đặt ra trong truyền thông xây dựng thương hiệu xanh của doanh nghiệp nói chung, tại doanh nghiệp FDI nói riêng, cần được xem xét, giải quyết.

Yêu cầu đặt ra là phải có những giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả truyền thông xây dựng thương hiệu xanh của các doanh nghiệp thời gian tới, từ đó, góp phần thúc đẩy tiêu dùng xanh, kinh tế xanh và phát triển bền vững nói chung của Việt Nam.

_________________

Ngày nhận bài: 6-3-2025; Ngày bình duyệt: 19-3-2025; Ngày duyệt đăng: 29-3-2025.

Email tác giả: hai.tn@vlu.edu.vn

(1) Võ Văn Lạc: Tăng trưởng xanh ở các nước và Việt Nam hiện nay, Tạp chí Lý luận chính trị, số 2, 2016, tr.109-115.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.116-117.

(3), (6) Bùi Hằng: Không đánh đổi môi trường trong thu hút vốn FDI, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, ngày 10-5-2022.

(4), (11) Đoàn Thị Thu Hương: Thúc đẩy thực hiện tiêu chí gắn với tăng trưởng xanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 4-7-2024 .

(5) Lan Anh: Lý do doanh nghiệp vẫn ngại chuyển đổi xanh, https://znews.vn, ngày 02-8-2024.

(7), (13) Hạnh Lê: 5 thách thức của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xanh, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, ngày 16-8-2023.

(8) Hà Thu: Thực trạng câu chuyện xây dựng thương hiệu gắn với phát triển xanh, Tạp chí điện tử Thương hiệu và Công luận, ngày 20-4-2024.

(9) Thùy Dương: Xây dựng thương hiệu xanh - tạo nội lực cho doanh nghiệp, Tạp chí Công thương điện tử, ngày 4-7-2024.

(10) Nguyễn Ngọc Sinh, Trần Hiếu Nhuệ: Doanh nghiệp với thương hiệu xanh cho phát triển bền vững, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.242.

(12) Đàm Thị Thanh Thủy: Giải pháp thu hút FDI xanh tại Việt Nam, Tạp chí điện tử Kinh tế và Dự báo, ngày 26-3-2022.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Truyền thông xây dựng thương hiệu xanh của doanh nghiệp với thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đất nước – một số vấn đề đặt ra hiện nay
    POWERED BY