Từ tham nhũng kinh tế đến tham nhũng chính trị và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” - nguy cơ và giải pháp ngăn chặn

11/04/2023 15:00

(LLCT) - Tham nhũng ở Việt Nam ngày càng tinh vi, phức tạp, nhiều vụ đã có sự cấu kết từ cán bộ, công chức cơ quan trung ương đến địa phương. Bài viết góp phần làm rõ hơn các khái niệm “tham nhũng kinh tế”, “tham nhũng chính trị” hiện nay và mối quan hệ giữa các loại tham nhũng này, dự báo về bước chuyển hóa sang “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và một số giải pháp ngăn chặn.

Từ tham nhũng kinh tế đến tham nhũng chính trị và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” - nguy cơ và giải pháp ngăn chặn

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn về thu hồi tài sản tham nhũng - Ảnh: vietnamplus.vn

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đặt mục tiêu cốt tử là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết đã nêu ra các biểu hiện cụ thể để nhận diện sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gồm 27 biểu hiện (mỗi loại có 09 biểu hiện).

Tham nhũng kinh tế được hiểu theo nghĩa phổ biến là hành động lạm dụng chức vụ, quyền lực công được giao để thu lợi bất chính cho mình và người thân về vật chất. Các hành vi tham nhũng kinh tế phổ biến là tham ô tiền và tài sản, nhận hối lộ, chiếm đoạt tài sản, vụ lợi vật chất...

Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhiều vụ việc tham nhũng về kinh tế đã được xem xét, xử lý kiên quyết, hiệu quả. Theo Báo cáo tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 của Bộ Chính trị, trong 10 năm đã có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, trong đó có hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, gồm 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay đã có 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 08 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang bị thi hành kỷ luật. Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế(1). Trong đó, có nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, xảy ra trong các lĩnh vực y tế, quản lý và sử dụng đất đai, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp... Tuy nhiên, số vụ việc đã được xem xét, xử lý nêu trên chắc chắn còn ít hơn rất nhiều so với số vụ việc và số cán bộ tham nhũng chưa được phát hiện.

Như vậy, có thể thấy rằng, tham nhũng kinh tế, vì mục đích kinh tế đã diễn ra ở nhiều địa phương trong toàn quốc, trong các tổ chức thuộc hệ thống chính trị, từ địa phương tới Trung ương và càng lên cấp cao, vụ việc càng lớn, nghiêm trọng. Nhiều vụ tham nhũng kinh tế đã mang tính có tổ chức, cấu kết từ cán bộ địa phương đến cán bộ Trung ương; vừa tinh vi, vừa trắng trợn; có khi công khai, ngang nhiên, bất chấp sự giáo dục, răn đe và cả kêu gọi vô cùng khẩn thiết, chí tình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại nhiều hội nghị, diễn đàn trong Đảng.

Nguyên nhân tham nhũng kinh tế là do lòng tham vô đáy của những phần tử tham nhũng. Đáng chú ý là, một số người tham nhũng đều đã khá giàu còn tham thêm. Với những người này có thể có nguyên nhân sâu xa hơn là tham nhũng vật chất để toan tính, đầu tư vào tham nhũng chính trị và thậm chí tiến hành “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, thực hiện mộng tưởng “làm chủ đất nước” lâu dài vì mục đích của cá nhân và nhóm lợi ích. Cùng với sự phát triển của đất nước, tham nhũng kinh tế ngày càng diễn biến phức tạp và nhanh chóng chuyển sang cấp độ tinh vi hơn là tham nhũng chính trị.

Tham nhũng chính trị là hành vi lạm dụng chức vụ, quyền lực công được giao để giành quyền lực chính trị cho mình, người thân và nhóm lợi ích của mình nhằm mục tiêu thao túng, giành quyền lãnh đạo, quản lý bộ máy của Đảng, Nhà nước.

Các hành vi tham nhũng chính trị phổ biến ở Việt Nam hiện nay là dùng quyền lực, lợi ích để kết nối sự ủng hộ trong nội bộ, kể cả mua chuộc và đe dọa, khống chế để giành quyền lãnh đạo, quản lý bộ máy của Đảng, Nhà nước; bố trí con, cháu, người thân, tay chân thân tín vào các chức vụ chủ chốt để tiếp nối tham nhũng, bảo vệ lợi ích của mình lâu dài; chấp nhận, giúp đỡ, bao che cho các hành vi chạy chức, chạy quyền để thu lợi; kết nối quan hệ, tác động, can thiệp, cấu kết thành hệ thống với các phần tử tham nhũng để chia phần lợi ích; v.v..

Tham nhũng chính trị hình thành các nhóm lợi ích, phát triển thành các tập đoàn lợi ích thao túng quyền lực cả về lập pháp, hành pháp, tư pháp và truyền thông, báo chí. Từ đó, các tập đoàn lợi ích cấu kết để nắm quyền lợi về kinh tế và chính trị, thâu tóm quyền lực để tự do tham nhũng, tiêu cực. Lúc này, thế lực tham nhũng kết nối trở thành thế lực lớn mạnh, sẵn sàng bất chấp quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự bất bình của nhân dân và nguy hiểm hơn là tiến hành vô hiệu hóa những người chân chính, dám đấu tranh chống lại họ. Các tập đoàn tham nhũng hình thành, kết nối, phát triển sẽ thao túng nền chính trị đất nước và ngày càng thách thức nghiêm trọng sự lãnh đạo của Đảng, quyền làm chủ của nhân dân.

Trong lĩnh vực lập pháp, các đối tượng tham nhũng chính trị sẽ tác động vào công tác xây dựng và ban hành pháp luật, thể chế, chính sách theo hướng có lợi cho họ; cao hơn có thể tác động vào công tác nhân sự và đại biểu Quốc hội, vận động hành lang để Quốc hội biểu quyết thông qua những dự án lớn theo tính toán của họ. Dần dần, Quốc hội sẽ bị thao túng, thậm chí khống chế bởi các tập đoàn tham nhũng, không còn là cơ quan quyền lực tối cao của nhân dân, hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, vì quyền lợi nhân dân nữa; nói cách khác, nhân dân đã bị chiếm mất quyền lực tối cao theo hiến định.

Trong lĩnh vực hành pháp, các đối tượng tham nhũng chính trị sẽ trực tiếp can thiệp vào từng hoạt động quản lý nhà nước, từ xây dựng, ban hành chính sách đến thực hiện dự án, quản lý đất đai... để tham nhũng, giành lấy lợi ích. Tham nhũng chính trị trong hành pháp cũng biểu hiện rõ ở việc thao túng công tác cán bộ, đưa người thân, người cùng nhóm lợi ích vào bộ máy nhà nước ở các cấp. Lực lượng này lợi dụng vị trí, quyền hạn để trục lợi, kể cả bất chấp quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trực tiếp tham nhũng vật chất, “mua quan, bán tước”, xây dựng lực lượng để thực hiện mưu đồ chính trị...

Trong lĩnh vực tư pháp, các đối tượng tham nhũng chính trị sẽ dùng các lợi ích vật chất để thao túng các hoạt động tư pháp, từ khâu phát hiện tội phạm đến điều tra, tố tụng, xét xử, thi hành án... làm cho lực lượng tư pháp bị suy thoái, xa rời nguyên tắc “thượng tôn pháp luật”, phản lại sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta.

Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, các đối tượng tham nhũng chính trị dùng lợi ích vật chất và lực lượng tiêu cực để tác động, khống chế, làm mất sức chiến đấu của các cấp ủy đảng, dần dần vô hiệu hóa các tổ chức đảng, lợi dụng Đảng làm bình phong để thông qua, hợp pháp hóa những hành vi tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, đặc biệt đáng quan tâm là công tác cán bộ: các đối tượng tham nhũng chính trị sẽ can thiệp sâu vào quyết định công tác cán bộ, đưa người thân, tay chân vào các vị trí chủ chốt để thao túng, khống chế, điều hành ngầm, thực hiện mưu đồ sâu xa, dài hạn là vô hiệu hóa cả đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị. Điều đó cũng đồng nghĩa là các đối tượng tham nhũng chính trị chiếm hết các vị trí chủ chốt trong hệ thống chính trị của những người tốt, làm bộ máy suy yếu, thậm chí mất tác dụng trong lãnh đạo, quản lý địa phương, đất nước.

Về đối ngoại, các đối tượng tham nhũng sẽ tích cực kết nối quốc tế, tỏ ý sẵn sàng đáp ứng những lợi ích của các thế lực nước ngoài dù trái với lợi ích của dân tộc, nhân dân, tạo dựng sự ủng hộ của những thế lực nước ngoài không thiện cảm với Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc chỉ là do tính toán lợi ích của họ. Từ đó, vào thời điểm quyết định, họ sẵn sàng bán rẻ lợi ích quốc gia, dân tộc vì lợi ích của cá nhân và nhóm lợi ích của mình.

Trong thời gian qua, thực hiện các chủ trương của Đảng, việc bố trí con cháu, người thân không đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào các chức danh lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị đã bị kiểm tra, giám sát và bước đầu đã bị xử lý. Tình trạng “cả nhà làm quan”, “cả họ làm quan”, bổ nhiệm thần tốc đã bước đầu bị phanh phui, lên án và có các quy định để ngăn chặn. Tuy nhiên, so với tham nhũng về kinh tế, tham nhũng chính trị dường như chưa được chú trọng kiểm soát và xử lý thật sự quyết liệt.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là giai đoạn phát triển cao và mang tính lôgic của tham nhũng kinh tế và tham nhũng chính trị. Khi các nhóm tham nhũng kinh tế và tham nhũng chính trị bị Đảng và các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý chuyển hóa rất nhanh sang “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vào thời điểm quyết định. Lúc đó, lực lượng tham nhũng, tiêu cực sẽ tìm cách lật đổ chế độ để bảo vệ khối tài sản có được do tham nhũng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã cảnh báo: “sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại ý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”(2).

Phương thức “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có thể diễn ra đa dạng, nhưng nhìn chung có thể dự báo đều do lực lượng tham nhũng, tiêu cực, bất mãn trong bộ máy hệ thống chính trị là nòng cốt kết hợp với bộ phận bất mãn vì nhiều lý do khác nhau trong quần chúng và có thể kết hợp với các thế lực thù địch nước ngoài.

Để tiếp tục phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ xuất phát từ các đối tượng tham nhũng có hiệu quả, cùng với việc tiếp tục kiên quyết, kiên trì thực hiện những giải pháp mà Đảng, Nhà nước đã và đang tiến hành, cần quan tâm thực hiện một số biện pháp cụ thể:

Thứ nhất, nhận diện rõ mối quan hệ giữa tham nhũng kinh tế và tham nhũng chính trị cũng như nguy cơ chuyển hóa thành “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các đối tượng tham nhũng để nâng cao cảnh giác, có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời khi nó chưa kịp xảy ra. Tiếp tục siết chặt kiểm soát quyền lực bằng cơ chế, chính sách; bằng tuyên truyền, giáo dục kết hợp răn đe, xử lý nghiêm không có vùng cấm đối với các đối tượng tham nhũng cả kinh tế và chính trị.

Thứ hai, kiên quyết loại trừ ngay những phần tử tham nhũng, những người đã bị kỷ luật vì tham nhũng ra khỏi các vị trí chủ chốt trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội theo chủ trương của Bộ Chính trị: khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách tự nguyện xin từ chức, nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định; đồng thời, giám sát chặt chẽ các nhóm lợi ích liên quan, con cháu, người thân trong bộ máy để kịp thời ngăn chặn khi cần.

Thứ ba, đồng thời với loại bỏ các phần tử tham nhũng, tiêu cực, cần có cơ chế phù hợp, sự chỉ đạo sâu sát của cấp thẩm quyền, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, để đưa được những cán bộ có đức độ, tài năng, được đào tạo cơ bản, có kinh nghiệm thực tiễn, tâm huyết vào bộ máy để nắm giữ chức vụ chủ chốt, dần làm trong sạch bộ máy hệ thống chính trị, nhất là trong Đảng, chính quyền các cấp.

Hiện nay, lực lượng cán bộ, công chức nghiêm túc, chân chính là rất to lớn, chiếm tuyệt đại đa số, nắm sức mạnh chính danh, lẽ phải, nhưng số tham nhũng, lợi ích nhóm cũng chiếm một bộ phận không nhỏ, trong đó nhiều người nắm vị trí chủ chốt và nắm quyền lực. Cuộc đấu tranh này rất gay go, phức tạp và chiến thắng của lực lượng chân chính là tất yếu, nhưng rất cần sự cảnh giác cao độ, phương pháp đúng đắn, kiên quyết, kiên trì phòng, chống suy thoái, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ từ sớm, từ xa.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 540 (tháng 02-2023)

Ngày nhận bài: 23-12-2022; Ngày bình duyệt: 03-02-2023; Ngày duyệt đăng: 21-02-2023.

(1) Minh Ngọc: Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, trang Thông tin điện tử Ủy ban Kiểm tra Trung ương, https://ubkttw.vn/danh-muc/tin-tuc-thoi-su/hoi-nghi-toan-quoc-tong-ket-10-nam-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-giai-doan-2012 - 2022.html; truy cập ngày 13-12-2022.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.23.

TS ĐẬU VĂN CÔI

Ban Kinh tế Trung ương

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ tham nhũng kinh tế đến tham nhũng chính trị và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” - nguy cơ và giải pháp ngăn chặn
    POWERED BY