Từng bước kiện toàn tổ chức và hoàn thiện cơ chế hoạt động của chính quyền thành phố Thủ Đức

09/10/2023 15:41

ThS BÙI PHƯƠNG THẢO
Học viện Chính trị khu vực II

(LLCT) - Thành phố Thủ Đức được thành lập với mục tiêu trở thành một cực tăng trưởng mới thúc đẩy sự phát triển của TP Hồ Chí Minh và liên kết vùng, đồng thời là một đô thị vệ tinh nhằm giảm áp lực cho đô thị lớn và phát triển sôi động bậc nhất Việt Nam. Tuy nhiên các cơ chế, chính sách đặc thù vẫn chưa thể đáp ứng được sự kỳ vọng. Do đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 (Nghị quyết 98) thay thế cho Nghị quyết 54/2017/QH14 nhằm tăng thẩm quyền và mở rộng phân cấp, ủy quyền một cách mạnh mẽ cho thành phố Thủ Đức. Bài viết phân tích những điểm “mở” cho tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố Thủ Đức sau khi Nghị quyết số 98 được ban hành.

Từng bước kiện toàn tổ chức và hoàn thiện cơ chế hoạt động của chính quyền thành phố Thủ Đức

Thành phố Thủ Đức được thành lập với mục tiêu trở thành một cực tăng trưởng mới thúc đẩy sự phát triển của TP Hồ Chí Minh và liên kết vùng - Ảnh: baochinhphu.vn

1. Khắc phục một số điểm “nghẽn” về thể chế trong tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố Thủ Đức sau khi thành lập

Thành phố Thủ Đức là thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1-2021 với kỳ vọng trở thành một cực tăng trưởng mới, thúc đẩy sự phát triển của TP Hồ Chí Minh và liên kết vùng, đồng thời là một đô thị lõi, phát triển mạnh về khoa học - công nghệ. Tuy nhiên các quy định pháp luật chưa thể hiện rõ đặc trưng của chính quyền thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, sự khác biệt với các quận, huyện khác đã kìm hãm sự phát triển, dẫn đến không đạt được như kỳ vọng.

Nhận thức được vấn đề cấp thiết này, nhiều nhiệm vụ, quyền hạn, hoạt động phân cấp, ủy quyền của chính quyền thành phố Thủ Đức đã được thể chế hóa kịp thời nhằm khắc phục các điểm “nghẽn” lớn trong việc vận hành bộ máy chính quyền.

* Về cơ cấu tổ chức của chính quyền

Về việc sắp xếp cán bộ dôi dư

Sau khi thành lập, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của 03 quận cũ được tổ chức, sắp xếp lại nên dôi dư biên chế. Theo yêu cầu của Bộ Nội vụ, thành phố Thủ Đức cần tinh giản 30% biên chế hiện tại, nên có nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.
Theo đề xuất, UBND TP Hồ Chí Minh cần sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quận; điều động sang quận khác hoặc sở, ngành, thành phố; giải quyết chế độ nghỉ hưu (đúng tuổi, trước tuổi) hoặc giải quyết thôi việc nếu không đủ chuẩn để tái cử; một số trường hợp dôi dư không bố trí, sắp xếp được sẽ động viên thôi việc, hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của thành phố.

Lộ trình sắp xếp, bố trí các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng sau khi sắp xếp, thành lập, điều chỉnh đơn vị hành chính hoàn thành trong giai đoạn từ năm 2022 - 2025. Tuy nhiên, để thực hiện lộ trình này, đòi hỏi phải có những quy định, chính sách cụ thể mà chưa có tiền lệ, do đó các quy định pháp luật về việc sắp xếp cán bộ dôi dư tại thời điểm đó chưa phù hợp.

Để giải quyết vấn đề nhân sự sau sáp nhập của thành phố Thủ Đức, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 2551/QĐ-UBND ngày 16-7-2021 phê duyệt Đề án “Sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và giải quyết chế độ, chính sách đối với các trường hợp dôi dư khi tổ chức chính quyền đô thị, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức". Theo đó, số công chức và người lao động trong các cơ quan thuộc UBND thành phố Thủ Đức là 459 người. Số cán bộ, công chức, hợp đồng lao động tại thời điểm chính thức đi vào hoạt động là 631 người. Đã sắp xếp 170 người, tiếp nhận mới 39 người đến 12 cơ quan. Số lượng cần tiếp tục sắp xếp là 41 người.

Tính đến ngày 31-12- 2022, số lượng cán bộ, công chức, hợp đồng lao động có mặt là 514 người. Năm 2023, UBND thành phố Thủ Đức được giao 516 biên chế công chức và số người làm việc theo hợp đồng là 32 người. Số lượng cán bộ, công chức, người lao động có mặt đến ngày 31-5-2023 là 514 người, gồm 482 cán bộ, công chức và 32 người lao động(1). Công tác sắp xếp, bố trí và giải quyết nhân sự dôi dư được quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện kịp thời bảo đảm đúng tiến độ thời gian quy định cho thấy sự nỗ lực của các cấp chính quyền trong việc hoàn thiện bộ máy chính quyền thành phố Thủ Đức.

* Về hoạt động của chính quyền

Để bảo đảm cho thành phố Thủ Đức đủ thẩm quyền nhằm chủ động giải quyết các vấn kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh trên địa bàn, các lĩnh vực về tài chính, dự án, đầu tư, đô thị, đất đai, môi trường,… UBND TP Hồ Chí Minh đã phân công, chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với TP Thủ Đức nghiên cứu đề xuất và trình cấp thẩm quyền cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách vượt trội.

Việc lựa chọn và đề xuất mô hình phát triển phù hợp gắn với các cơ chế, chính sách cho thành phố là nhiệm vụ khó khăn và chưa có tiền lệ, nên trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ quan chuyên môn của TP Hồ Chí Minh và TP Thủ Đức đã tham khảo nhiều mô hình, cơ chế, chính sách thí điểm đã được Quốc hội ban hành cho một số địa phương như: Cần Thơ, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế, đồng thời nghiên cứu thực tiễn tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế cũng như đánh giá khả năng đáp ứng của tổ chức bộ máy, con người và nguồn lực của TP Thủ Đức trong điều kiện được tăng thêm thẩm quyền.

Trên cơ sở đó, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 31-12-2021 về phương hướng, nhiệm vụ và một số cơ chế phát triển thành phố Thủ Đức giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1870/QĐ-UBND ngày 03-6-2022 về ban hành danh mục các đề án, kế hoạch, chương trình, phương án triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU với số lượng 33 đề án, kế hoạch, chương trình, phương án do các sở, ngành Thành phố phối hợp với thành phố Thủ Đức triển khai thực hiện.

Đồng thời, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 3229/QĐ-UBND và Quyết định số 3230/QĐ-UBND ngày 23-9-2022 về ủy quyền cho UBND thành phố Thủ Đức, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, theo đó:

- UBND TP Hồ Chí Minh đã ủy quyền cho UBND thành phố Thủ Đức 14 nội dung: lĩnh vực xây dựng - môi trường - đô thị: 03 nội dung; lĩnh vực kinh tế - ngân sách - dự án: 04 nội dung; lĩnh vực tư pháp: 02 nội dung; lĩnh vực văn hóa - giáo dục - thông tin - xã hội - khoa học: 05 nội dung.
- Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã ủy quyền cho Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức 03 nội dung: lĩnh vực đối ngoại: 01 nội dung; lĩnh vực nội vụ: 01 nội dung; lĩnh vực văn hóa - thông tin - xã hội - khoa học: 01 nội dung.

Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức cũng phân cấp, ủy quyền cho thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, UBND các phường, chủ tịch UBND các phường một số nhiệm vụ, quyền hạn theo thẩm quyền được giao.

Những hoạt động thể chế hóa trên đã kịp thời tháo gỡ những điểm “nghẽn” cơ bản, giúp thành phố Thủ Đức vận hành trôi chảy, giảm thiểu tối đa cơ chế xin - cho trong quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách mới mà pháp luật chưa có quy định cụ thể. Các hoạt động phân cấp, ủy quyền mà UBND TP Hồ Chí Minh giao cho UBND thành phố Thủ Đức góp phần tháo gỡ những nút thắt, qua đó giúp bộ máy tổ chức đi vào hoạt động nhanh chóng, ổn định, là cơ sở nền tảng để thành phố thực hiện tốt các nhiệm vụ, từng bước ổn định tình hình, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm động lực phát triển đột phá của TP Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam.

2. Những điểm “mở” cho tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố Thủ Đức theo Nghị quyết số 98

Ngày 24-6-2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Nghị quyết 98 được ban hành đã “mở” ra những cơ chế, chính sách mới, đặc thù cho sự cần thiết để phát triển TP Hồ Chí Minh nói chung và thành phố Thủ Đức nói riêng. Đặc biệt, nội dung Điều 10 của Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền thành phố Thủ Đức đã tháo gỡ nhiều điểm “nghẽn” về cơ chế, chính sách, đồng thời là cơ sở quan trọng “mở” ra những thuận lợi mới cho mô hình chính quyền thành phố Thủ Đức hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Cụ thể, Điều 10 quy định:

“1. UBND thành phố Thủ Đức có thẩm quyền:
Giao cơ quan chuyên môn trực thuộc thẩm định chủ trương đầu tư, thẩm định quyết định phê duyệt dự án; trình HĐND thành phố Thủ Đức quyết định chủ trương đầu tư; quyết định phê duyệt dự án, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và ký kết các hợp đồng dự án đối với các dự án nhóm B, nhóm C đầu tư theo phương thức đối tác công tư trên địa bàn;

Giao cơ quan chuyên môn trực thuộc thẩm định, trình UBND thành phố Thủ Đức chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn thuộc thẩm quyền;

Giao cơ quan chuyên môn trực thuộc thẩm định, trình UBND thành phố Thủ Đức phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các đồ án trên địa bàn thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND Thành phố;
Giao cơ quan chuyên môn trực thuộc thẩm định, trình UBND thành phố Thủ Đức phê duyệt đề án sử dụng tài sản công là nhà, đất vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết trên địa bàn sau khi có ý kiến của HĐND thành phố Thủ Đức;

Thực hiện nhiệm vụ chi nghiên cứu khoa học và công nghệ.

2. UBND thành phố Thủ Đức, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức được phân cấp, ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn trực thuộc, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trực thuộc, UBND các phường, Chủ tịch UBND các phường một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của UBND thành phố Thủ Đức, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức.

3. HĐND Thành phố quyết định tổ chức bộ máy, số lượng và chức năng, nhiệm vụ các phòng, ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc thành phố Thủ Đức.

UBND Thành phố xem xét, quyết định thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của Thanh tra xây dựng và Trung tâm Phát triển quỹ đất trực thuộc UBND thành phố Thủ Đức.

4. HĐND thành phố Thủ Đức quyết định thành lập Ban đô thị thuộc HĐND thành phố Thủ Đức.(2)

Như vậy, Điều 10 của Nghị quyết 98 đã quy định về cơ chế đặc thù cho thành phố Thủ Đức. Nội dung Nghị quyết tập trung vào các nhóm chính sách đặc thù bao gồm: cơ cấu tổ chức bộ máy - phân cấp, ủy quyền và phụ cấp chức vụ cho các chức danh lãnh đạo của các cơ quan thuộc thành phố Thủ Đức. Sự phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn, mang lại thẩm quyền rộng hơn cho chính quyền thành phố Thủ Đức sẽ là một “đòn bẩy” quan trọng để thành phố Thủ Đức vận hành, khắc phục tình trạng cơ chế, chính sách thiếu hụt hoặc chưa phù hợp. Nghị quyết là cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển thành phố Thủ Đức một cách mạnh mẽ, cụ thể:

Thành phố Thủ Đức đã trở thành đơn vị hành chính tương đương cấp huyện có cơ cấu tổ chức bằng một tỉnh loại I đầu tiên khi có đến 04 cấp phó giúp việc cho Chủ tịch UBND (tăng 01 cấp phó), 02 cấp phó giúp việc cho HĐND (tăng 01 cấp phó), được thành lập thêm Ban Đô thị thuộc HĐND thành phố. UBND thành phố Thủ Đức được phép quyết định phê duyệt dự án, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và ký kết các hợp đồng dự án đối với các dự án nhóm B, nhóm C đầu tư theo phương thức đối tác công tư - vốn là thẩm quyền của một đơn vị hành chính cấp tỉnh. Việc thành phố Thủ Đức được chuyển giao thẩm quyền, thay vì TP Hồ Chí Minh thực hiện như trước đây cho thấy Quốc hội đã tăng quyền tự chủ cho Thủ Đức rất lớn. UBND thành phố Thủ Đức đã và đang xây dựng các chương trình, đề án về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nhằm xác định mục tiêu cụ thể và xây dựng các lộ trình thu hút nguồn vốn đầu tư trên địa bàn.

Về cơ cấu tổ chức các đơn vị hành chính thuộc UBND, UBND TP Hồ Chí Minh được phép xem xét, quyết định thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của Thanh tra xây dựng và Trung tâm Phát triển quỹ đất trực thuộc UBND thành phố Thủ Đức cho thấy vấn đề về quản trị đô thị đang được quan tâm, trong đó tập trung khắc phục những vấn đề chồng chéo về thẩm quyền của các cơ quan thực hiện chức năng quản lý đất đai. Chẳng hạn thành phố Thủ Đức có chi nhánh văn phòng Đăng ký đất đai trực thuộc Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Chi nhánh này có gần 170 biên chế và không có quy định rõ ràng về cơ cấu, tổ chức, thẩm quyền cụ thể khiến cho khối lượng hồ sơ trên địa bàn thành phố Thủ Đức tại Sở Tài nguyên và Môi trường nhiều, nên quá trình thụ lý, giải quyết hồ sơ kéo dài. Do vậy, việc thành lập Thanh tra xây dựng và Trung tâm phát triển quỹ đất là cần thiết.

Để giải quyết một số vấn đề cấp thiết của xã hội, đặc biệt là vấn đề an sinh xã hội sau đại dịch Covid -19, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ký quyết định thí điểm thành lập 3 đơn vị hành chính, sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố Thủ Đức, gồm: Trung tâm An sinh xã hội; Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư; Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, Trung tâm An sinh xã hội thành phố Thủ Đức có chức năng kết nối, huy động nguồn lực xã hội theo nguyên tắc hiệp lực công - tư nhằm hướng đến xây dựng hạ tầng phúc lợi xã hội bền vững; cung cấp dịch vụ phúc lợi cơ bản cho người yếu thế, người nghèo ở đô thị, lao động phi chính thức và những người cần được hỗ trợ. Đồng thời, kêu gọi, tiếp nhận các nguồn tài trợ để xây dựng và triển khai chiến lược an sinh cho người có hoàn cảnh khó khăn, người nhập cư trên địa bàn. Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật thành phố Thủ Đức làm chủ sở hữu, quản lý khai thác, vận hành, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, hạ tầng thủy lợi và hệ thống công viên, cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố. Trung tâm này còn là đơn vị đầu mối, thống nhất việc tiếp nhận, tổ chức quản lý, cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công đối với các công trình liên quan đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng thủy lợi và hệ thống hạ tầng - xã hội. Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư thành phố Thủ Đức thực hiện chức năng kêu gọi thương mại, đầu tư. Ba đơn vị hành chính sự nghiệp này được thí điểm thành lập và hoạt động trong thời gian 3 năm.

Bên cạnh đó, HĐND TP Hồ Chí Minh được phép quyết định tổ chức bộ máy, số lượng và chức năng, nhiệm vụ các phòng, ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc thành phố Thủ Đức theo nhu cầu và khối lượng công việc thực tế thay vì theo các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành và Nghị định 33 của Chính phủ như trước đây, cho thấy sự mở rộng thẩm quyền tự chủ của TP Hồ Chí Minh nói chung và thành phố Thủ Đức nói riêng. Những đổi mới về chính sách và cơ chế dành cho thành phố Thủ Đức sẽ là cơ sở để đô thị này phát triển một cách mạnh mẽ và hiệu lực, hiệu quả như mong muốn của cả hệ thống chính trị.

3. Một số kiến nghị

Nghị quyết 98 đã mở ra nhiều cơ hội mới thông qua việc tăng thẩm quyền, phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ cho cả TP Hồ Chí Minh nói chung và thành phố Thủ Đức nói riêng. Tuy nhiên cần có những quy định cụ thể từ chính quyền TP Hồ Chí Minh và thành phố Thủ Đức để có thể áp dụng vào thực tiễn.
Thứ nhất, thành phố Thủ Đức cần ban hành các nghị quyết, quyết định trong việc tổ chức lại và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chuyên môn… Thí dụ như vấn đề quy trình, thủ tục, thẩm định chủ trương đầu tư quyết định đầu tư phê duyệt dự án, nếu trước đây UBND thành phố Thủ Đức phải trình HĐND TP Hồ Chí Minh quyết định, thì Nghị quyết 98 đã phân cấp cho thành phố Thủ Đức; hay đối với vấn đề tổ chức, thực hiện và chi các nhiệm vụ liên quan đến khoa học công nghệ thuộc thẩm quyền của UBND thành phố Thủ Đức, cần có quy định về mức chi, cách chi, hoạt động chi cụ thể đối với các loại đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, bộ máy tổ chức của: Thanh tra xây dựng và Trung tâm phát triển quỹ đất và 03 trung tâm thí điểm gồm: Trung tâm An sinh xã hội, Phòng Xúc tiến thương mại đầu tư và Phát triển hạ tầng kỹ thuật cần có những quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, cách thức hoạt động và vận hành để sớm đi vào thực tiễn.
Thứ hai, HĐND TP Hồ Chí Minh cần ban hành một số quy định liên quan đến tổ chức bộ máy, sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn của thành phố Thủ Đức. Để triển khai trong thực tiễn, cần nghiên cứu việc tổ chức bộ máy một cách hiệu quả, phù hợp với những nội dung được phân cấp, phân quyền. Hiện nay, số lượng cấp phó của các phòng ban chuyên môn thuộc UBND thành phố Thủ Đức đang nhiều hơn so với trước đây, tuy nhiên Nghị quyết 98 đã giao lại thẩm quyền quyết định vấn đề này cho HĐND TP Hồ Chí Minh, vì vậy, HĐND Thành phố cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ trong thực tế vì mỗi phòng chuyên môn có khối lượng công việc khác nhau, đòi hỏi số lượng cấp phó là khác nhau.
Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể về cơ cấu, tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Đô thị nhằm bảo đảm không chồng chéo thẩm quyền hay tăng số lượng biên chế.
Thứ ba, UBND TP Hồ Chí Minh cần cho phép UBND thành phố Thủ Đức thực hiện thẩm định, phê duyệt phương án hệ số điều chỉnh giá đất phục vụ công tác bồi thường, thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư và phế duyệt giá đất. Cho phép UBND thành phố Thủ Đức được thẩm định, cấp phép xây dựng đối với các dự án trên địa bàn thành phố Thủ Đức thuộc thẩm quyền của UBND TP Hồ Chí Minh. Cần quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức và cách thức hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn,… của 03 trung tâm vừa thành lập trên địa bàn thành phố Thủ Đức. Chú trọng khắc phục, xử lý sự chồng chéo thẩm quyền của một số phòng, ban chuyên môn với trung tâm, cụ thể như Trung tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật và Phòng Quản lý đô thị, bảo đảm không làm tăng biên chế công chức.

_________________

Ngày nhận bài: 31-8-2023; Ngày bình duyệt: 8-10-2023; Ngày duyệt đăng: 16-10-2023

(1) UBND TP Hồ Chí Minh: Báo cáo Kết quả 03 năm thực hiện Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 09-12-2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16-11-2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

(2) Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24-6-2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từng bước kiện toàn tổ chức và hoàn thiện cơ chế hoạt động của chính quyền thành phố Thủ Đức
    POWERED BY