(LLCT) - Các chủ thể văn hóa có vai trò quan trọng, quyết định trong quá trình xây dựng, phát triển văn hóa theo hướng bền vững của quốc gia, địa phương. Nhiều di sản văn hóa các địa phương miền đã góp phần hình thành, mở rộng các sản phẩm du lịch văn hóa vùng, miền, tuy nhiên còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng. Phát huy vai trò của các chủ thể văn hóa là giải pháp then chốt thúc đẩy phát huy các giá trị văn hóa, góp phần phát triển miền Trung theo hướng toàn diện, bền vững.
THS TRẦN THỊ THÚY LINH
Học viện Chính trị khu vực III
NGUYỄN TRẦN VÂN ANH
Trường Đại học Văn Lang Thành phố Hồ Chí Minh
1. Mở đầu
Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là quan điểm xuyên suốt, nhất quán trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ vai trò quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam(1).
Con người với tư cách là chủ thể của văn hóa, đóng vai trò quyết định đối với sự hình thành và phát triển của văn hóa, nhân tố cơ bản có ý nghĩa quyết định, làm nên sức mạnh văn hóa của quốc gia, dân tộc. Phát triển văn hóa ở nước ta được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và nhân dân là chủ thể sáng tạo. Phát triển văn hóa theo hướng bền vững, theo đó phải bảo đảm sự cân bằng giữa bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nhưng đồng thời phải có sự sáng tạo, bổ sung những giá trị văn hóa mới phù hợp với sự phát triển của tiến bộ nhân loại và đặc điểm cộng đồng dân tộc, quốc gia ở mỗi giai đoạn phát triển. Đối với Việt Nam, phát triển bền vững vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu của quá trình CNH, HĐH và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nền văn hóa mà chúng ta đang xây dựng phải góp phần thúc đẩy xã hội phát triển lành mạnh, bền vững.
2. Các chủ thể văn hóa
Vai trò chủ thể của con người trong phát huy các giá trị văn hóa được Đảng ta đề cập trong các văn kiện đại hội, nghị quyết chuyên đề về văn hóa. Theo đó các chủ thể văn hóa gồm:
Thứ nhất, chủ thể sáng tạo văn hóa: là nhóm người hoặc cá nhân có tài năng, trí tuệ sản xuất và sáng tạo ra những giá trị văn hóa tinh thần nhằm hướng tới những điều tốt đẹp. Đồng thời, họ là những chủ thể sở hữu các giá trị văn hóa.
Con người với tư cách là chủ thể của văn hóa, đóng vai trò quyết định đối với sự hình thành và phát triển của văn hóa, nhân tố cơ bản có ý nghĩa quyết định, làm nên sức mạnh văn hóa của quốc gia, dân tộc.
Thứ hai, chủ thể thụ hưởng văn hóa: là cộng đồng, các nhóm người hoặc các cá nhân hưởng thụ, tiếp nhận, lưu giữ các giá trị văn hóa được trao truyền, bao gồm hệ thống các giá trị chân lý, chuẩn mực, mục tiêu mà con người cùng thống nhất với nhau trong quá trình tương tác và hoạt động sáng tạo; được bảo tồn và chuyển hóa cho những thế hệ nối tiếp theo sau; được tái tạo và phát triển trong quá trình hành động và tương tác xã hội của con người.
Thứ ba, chủ thể quản lý văn hóa: là lĩnh vực rộng và phức tạp, trong đó, người cán bộ làm công tác quản lý văn hóa phải đảm đương nhiều vai trò - vừa hoạt động chính trị, vừa là nghệ sĩ, bởi công việc này không chỉ dựa trên chính sách văn hóa và mô hình quản lý văn hóa nghệ thuật của Đảng, Nhà nước để quản lý, tổ chức, điều hành các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đơn vị/địa phương, mà còn đòi hỏi kinh nghiệm hoạt động thực tiễn cùng vốn kiến thức sâu rộng về văn hóa, kỹ năng, tâm huyết, tinh thần trách nhiệm. Đây là một trong những nhân tố quan trọng góp phần định hướng, tổ chức và huy động sức sáng tạo trong nhân dân.
3. Vai trò của các chủ thể văn hóa trong phát huy giá trị văn hóa nhằm phát triển bền vững ở miền Trung hiện nay
Để hiện thực hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Đại hội XIII về phát triển bền vững các vùng, địa phương, Bộ Chính trị đã ban hành các nghị quyết nhằm khai thác thế mạnh, tiềm năng, nội lực các vùng, trong đó có Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 03-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết 26-NQ/TW nhấn mạnh yếu tố văn hóa trong phát triển bền vững vùng, đồng thời yêu cầu cần bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa của vùng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, chiếm 50% số tỉnh giáp biển của cả nước với chiều dài bờ biển là 1.800km (chiếm gần 60% chiều dài bờ biển cả nước). Vùng có nhiều dấu ấn đặc thù về các giá trị văn hóa. Các di sản văn hóa thế giới vật thể và phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận tập trung nhiều ở khu vực miền Trung như: Ở Thanh Hóa có Di sản văn hóa Thành nhà Hồ; Nghệ An, Hà Tĩnh có dân ca ví dặm; Huế có Quần thể di tích Cố đô Huế - Nhã nhạc cung đình Huế - Mộc bản và Châu bản Triều Nguyễn, thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế; Đà Nẵng có di sản Ma nhai Ngũ Hành Sơn; Quảng Nam có Phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn và Dân ca bài chòi miền Trung. Nơi đây còn là vùng đất đa văn hóa, giao thoa của nhiều nền văn hóa, nơi chứa đựng nhiều lớp văn hóa và sắc thái văn hóa, như: văn hóa Môn Khơme, Việt - Chàm, Việt - Hán; văn hoá vùng miền (biển - đầm phá, đồng bằng, đồi núi), văn hóa tộc người (Việt, Thái, Chăm, Chứt Vân Kiều, Tà Ôi, Cơtu). Nhiều dấu ấn văn hóa truyền thống của miền Trung được ghi nhận, như Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Nghệ thuật bài Chòi Trung bộ; Nghệ thuật làm gốm Chăm…
Để phát huy vai trò các giá trị văn hóa đối với sự phát triển của từng địa phương, từng vùng trong sự phát triển chung của quốc gia trước hết cần tìm ra những nét riêng, giá trị riêng của văn hóa ở mỗi vùng, mỗi tộc người, mỗi tỉnh thành… Đây là sức mạnh nội sinh và là một trong những yếu tố mang tính bản chất của phát triển kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường sinh thái của mỗi địa phương. Chính sự phong phú và đa dạng về các giá trị văn hóa nơi đây đã thúc đẩy các địa phương phải nỗ lực không ngừng trong bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tăng cường sức đề kháng trước sự xâm lăng văn hóa. Để làm tốt điều này, vai trò của các chủ thể văn hóa cần phải được chú trọng. Trong văn kiện các kỳ đại hội của Đảng đều nhấn mạnh đến vai trò, sứ mệnh quan trọng của con người - chủ thể văn hóa - trong gìn giữ, trao truyền và phát huy nền văn hóa dân tộc, theo đó vai trò của chủ thể văn hóa được xét ở các khía cạnh sau:
Thứ nhất, với tư cách là người sản xuất văn hóa, còn có thể hiểu là chủ thể sáng tạo, bổ sung, bảo tồn các giá trị văn hóa. Thông qua hành động sáng tạo của chính họ để xây dựng văn hóa, phát triển văn hóa, tiêu dùng văn hóa và cũng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Thời gian qua, một số địa phương đã làm rất tốt vai trò này như Đà Nẵng có “Lễ hội pháo hoa quốc tế”, Thừa Thiên Huế hướng đến thương hiệu “Huế - Kinh đô áo dài”, “Huế - Kinh đô ẩm thực”; “Thành phố sáng tạo”… Đặc biệt, chương trình “Ký ức Hội An” ở Quảng Nam được vinh danh là chương trình nghệ thuật thực cảnh có giá trị văn hóa, lịch sử hay nhất Việt Nam. Hội An còn là điểm đến văn hóa hàng đầu của châu Á.
Việc tìm tòi, sáng tạo những giá trị văn hóa mới đã tạo nên những đỉnh cao văn hóa của dân tộc. Đây là kết tinh tài năng, trí tuệ, sức sáng tạo của những con người tài năng, trí tuệ. Chính vì thế, việc tôn vinh và chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ có công lao bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được quy định cụ thể trong Chương 3, Điều 26 của Luật Di sản văn hóa, tặng thưởng, truy tặng Huân chương, Huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước cho nghệ nhân, nghệ sĩ nắm giữ và có công bảo tồn, phổ biến nghệ thuật truyền thống; hỗ trợ một phần chi phí cho các hoạt động sáng tạo, biểu diễn, trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm đối với họ; trợ cấp sinh hoạt hằng tháng và một số ưu đãi khác đối với nghệ nhân, nghệ sĩ đã được phong tặng danh hiệu Vinh dự Nhà nước có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Đây là cơ sở tôn vinh xứng đáng những nghệ nhân tài năng và tâm huyết với di sản văn hóa dân tộc. Những Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước được trao tặng hàng năm là những phần thưởng cao quý, là sự ghi nhận và đánh giá của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những người tài năng đã có nhiều cống hiến, vì sự phát triển của nền văn hóa nước nhà.
Hội nghị Tuyên dương già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín có nhiều đóng góp trong bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc diễn ra vào tháng 4-2024 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vị trí, vai trò và trách nhiệm của những người “giữ lửa” cho văn hóa truyền thống của dân tộc; tôn vinh các giá trị văn hóa; tôn vinh, biểu dương sự đóng góp của các chủ thể văn hóa đang gìn giữ, lan tỏa và truyền dạy kiến thức văn hóa truyền thống, văn nghệ dân gian từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Thứ hai, với tư cách là người tiêu dùng văn hóa, tức là ngoài là chủ thể sáng tạo, thực hành, lan tỏa các sản phẩm và giá trị văn hóa, con người còn là đối tượng thụ hưởng, tiêu dùng các sản phẩm văn hóa, thẩm định các giá trị văn hóa. Để những giá trị văn hóa được lan tỏa theo thời gian và không gian, đòi hỏi phải có những chủ thể này thực hành, bảo vệ và trao truyền các giá trị ấy. Và là lực lượng đông đảo nhất để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc chính là nhân dân, các nghệ nhân tại địa phương. Ðứng trước những nguy cơ, thách thức của các giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương dần bị mai một thì những nghệ nhân không chỉ là sợi dây níu giữ các yếu tố văn hóa dân gian truyền thống mang nét đặc trưng, đặc sắc riêng của địa phương mà còn là người kế tục, thụ hưởng các di sản do người đời trước để lại, tích góp thành kho tư liệu đồ sộ truyền dạy các giá trị văn hóa cho thế hệ sau.
Thứ ba, với tư cách là các cá nhân, tổ chức làm công tác quản lý văn hóa. Bằng tri thức, phương pháp, uy tín và trách nhiệm, họ không chỉ truyền dạy cho cộng đồng cách thức thực hành văn hóa, mà còn giữ vai trò nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của sản phẩm văn hóa, để từ đó chung tay bảo vệ, gìn giữ các giá trị văn hóa. Đặc biệt, đối với các di sản văn hóa có nguy cơ mai một, thất truyền, chủ thể quản lý văn hóa có vai trò tổ chức để phục hồi, phục dựng, hóa giải các nguy cơ đó. Ở miền Trung, Huế đang là địa phương đi đầu trong kỹ thuật phục dựng, gia cố và bảo tồn các di sản văn hóa vật thể. Theo đánh giá của UNESCO, việc bảo tồn di tích Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng, nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc đã được sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng thành công như Lễ hội Quán Thế Âm (Đà Nẵng), Lễ hội cầu ngư (Huế), trò chơi dân gian Bài Chòi ở Hội An (Quảng Nam), Hò biển (Quảng Bình)… đã được xuất hiện thường xuyên vào những ngày cuối tuần, lễ, tết…, trở thành địa chỉ văn hóa tiêu biểu của địa phương. Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức vào năm 2023 là điểm sáng đối với ngành văn hóa, với sự tham gia của 11 tỉnh miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận), qua đó đã tôn vinh và quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền Trung tới người dân, du khách quốc tế, góp phần phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Miền Trung cùng cả nước đang tiến nhanh trên con đường hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội. Những di sản văn hóa của miền Trung đã trở thành các giá trị văn hóa, có vai trò đặc biệt quan trọng quyết định cho sự hình thành sản phẩm du lịch văn hóa- loại sản phẩm in dấu ấn truyền thống và nhân văn của dân tộc. Tuy nhiên giữa đời sống văn hóa, di sản văn hóa và sản phẩm du lịch văn hóa có một khoảng cách khá lớn. Hầu hết di sản văn hóa vật thể, phi vật thể ở khu vực miền Trung chưa thể là sản phẩm du lịch mà cần phải thông qua tài năng, trí tuệ của các chủ thể văn hóa, qua tín ngưỡng, truyền thống, thói quen, quan niệm, nhu cầu của con người thì lúc đó các di sản văn hóa mới có thể đồng hành cùng các hoạt động kinh tế - xã hội.
Di sản văn hóa càng đặc sắc, độc đáo, có giá trị phổ quát thì càng đóng góp to lớn vào chiến lược phát triển bền vững của vùng. Điển hình như ở Thừa Thiên Huế, địa phương đang tự khẳng định lối đi riêng khi xây dựng thành công đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam… đang được khai thác phục vụ các tour du lịch, như Di sản thế giới, Thăm lại chiến trường xưa, Sinh thái nhà vườn Huế, Festival Huế, Nhịp cầu xuyên Á... Nhiều địa phương trong vùng ký kết hợp tác phát triển du lịch nội vùng, hình thành các tour du lịch như Con đường di sản miền Trung, Ba địa phương một điểm đến... Đặc biệt, đoàn tàu du lịch mang tên Kết nối di sản miền Trung nối Huế - Đà Nẵng đã chính thức lăn bánh từ ngày 26-3-2024 được đánh giá là một trong những nỗ lực rất lớn kết nối vùng, quảng bá du lịch của 2 địa phương: Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực trên, việc phát triển văn hóa miền Trung hiện còn tồn tại một thực tế là, nhiều cư dân trong cộng đồng có tâm lý hời hợt với giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, địa phương mình. Nhận thức của một bộ phận người dân về văn hóa còn nhiều hạn chế. Với cách suy nghĩ đơn giản, công tác xây dựng, phát triển văn hóa là công việc, trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể chứ không phải là trách nhiệm, công việc của người dân, vì thế có tâm lý thụ động, trông chờ, thậm chí ỷ lại vào sự tài trợ, vào Nhà nước là rất lớn. Nhiều di sản, lễ hội, trò chơi dân gian được phục dựng, tổ chức thì người dân, cộng đồng sáng tạo ra di sản lại trở thành khách thể, đứng ngoài việc thực hành, thụ hưởng những giá trị văn hóa. Điều này phần nhiều là do những thói quen, tập tính và hạn chế của một bộ phận cư dân nông nghiệp, là biểu hiện của những tàn dư lịch sử, nằm trong di tồn văn hóa trước khi bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bên cạnh đó, vai trò là chủ thể sở hữu, chủ thể thực hành và được thừa hưởng những giá trị văn hóa của người dân đã bị hạ thấp khi các yếu tố lợi nhuận, kinh doanh thương mại, dịch vụ được đề cao, người dân lại trở thành “người làm thuê”, các doanh nghiệp thương mại “làm thay, nghĩ hộ”. Lúc này, vai trò là chủ thể văn hóa của nhân dân không còn nữa mà bị đẩy ra ngoài không gian văn hóa cộng đồng. Mặt khác, do không phải là chủ thể quản lý văn hóa nên các công ty, doanh nghiệp tư nhân được ủy quyền đứng ra tổ chức các hoạt động văn hóa, nhiều đơn vị chỉ chạy theo số lượng, phong trào mà lãng quên nhiệm vụ chính là bảo tồn, phát huy những giá trị hạt nhân, cơ bản của văn hóa. Thậm chí trong quá trình khai thác đã đưa ra nhiều chi tiết, hình ảnh văn hóa mang tính ngoại lai, pha tạp, làm méo mó, sai lệch về tính nguyên bản, nguyên gốc của di sản văn hóa.
4. Nâng cao vai trò của chủ thể đối với việc phát huy giá trị văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ở miền Trung hiện nay
Thứ nhất, cần tạo chuyển biến về chất trong nhận thức của các chủ thể văn hóa đối với sự phát triển bền vững của địa phương. Để tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ này trong nhận thức và hành động của các chủ thể, trước hết cần phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu, sự say mê, tâm huyết của những nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức và những tài năng trẻ để họ tận tâm, dốc hết sức mình phụng sự, công hiến cho sự phát triển của nền văn hóa. Đặc biệt, chú trọng đến nhóm người có vai trò tiên phong - đội ngũ trực tiếp quản lý các hoạt động văn hóa tại địa phương, bởi đây là nhân tố “then chốt”, góp phần khơi thông những mạch nguồn văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh, là “sức mạnh mềm” trong phát triển bền vững của địa phương.
Chú trọng việc xây dựng và củng cố niềm tự hào, tự tôn, khơi gợi năng lực nội sinh trong sự nghiệp bảo tồn văn hóa ngay từ trong cộng đồng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, qua đó tạo bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong phát huy các giá trị văn hóa địa phương.
Thứ hai, các địa phương miền Trung cần khai thác tối đa vai trò của các chủ thể văn hóa trong sáng tạo bản sắc văn hóa mới trên cơ sở tài sản văn hóa đặc thù của từng địa phương.
Hiện nay, nhu cầu văn hóa của người dân miền Trung ngày càng cao, các ngành công nghiệp văn hóa khu vực miền Trung cũng đã được mở rộng, nhiều mô hình, chương trình nghệ thuật, sản phẩm văn hóa đã được tổ chức thành công bởi các địa phương đã khai thác tốt nguồn lực văn hóa truyền thống và hiện đại như Hội An (Quảng Nam), kiên trì theo đuổi bảo vệ di sản trong quá trình đô thị hóa; Đà Nẵng mạnh dạn sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa mới trở thành thương hiệu “Thành phố của những cây cầu”; Thừa Thiên Huế nỗ lực xây dựng là Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam… Khi đó vai trò của các chủ thể sẽ được phát huy trọn vẹn, người dân vừa là công chúng thẩm mỹ, đối tượng thụ hưởng thành quả nghệ thuật, những ý kiến góp ý, khen chê của người dân cũng là những chất xúc tác quan trọng, tạo động lực để kích thích nghệ thuật phát triển. Đây cũng chính là động lực thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững ở khu vực miền Trung hiện nay.
Thứ ba, đổi mới và hoàn thiện các chính sách văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực văn hóa như đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, có cơ chế, chính sách cụ thể để huy động sức sáng tạo văn hóa dồi dào trong nhân dân bằng tinh thần tự nguyện và những chính sách mang tính pháp lý với những quy định chặt chẽ, trong đó quyền, lợi ích, trách nhiệm của các chủ thể cần được xác định cụ thể, tránh sự lạm quyền, vượt quyền và can thiệp quá sâu vào đời sống văn hóa của nhân dân. Mục tiêu của các chính sách này phải hướng tới việc khơi dậy tài năng, trí tuệ, trách nhiệm, vai trò của các chủ thể văn hóa đối với sự phát triển các giá trị văn hóa ở địa phương.
Về cơ bản, các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay khi triển khai vào thực tiễn có thể phù hợp với địa phương này nhưng chưa phù hợp với địa phương kia, chẳng hạn như theo Nghị định số 62/2014/NĐ-CP, các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu sẽ được nhận một khoản tiền thưởng, nhưng thiết thực hơn đối với các nghệ nhân là chế độ ưu đãi trong xã hội, cơ chế, điều kiện thuận lợi cho họ được biểu diễn, truyền dạy, bảo tồn vốn cổ... lại chưa được Nghị định đề cập. Hay quy định hoạt động bảo vệ, phát huy, khơi thông nguồn lực văn hóa, đặc biệt là cộng đồng, nhóm người, một số trường hợp là cá nhân đã sáng tạo, duy trì và chuyển giao di sản thì Nhà nước, chính quyền địa phương vẫn chưa có chính sách, quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện và khuyến khích người dân tham gia trực tiếp vào quá trình bảo vệ, thực hành, thụ hưởng, tái tạo và phát huy giá trị di sản. Điển hình như Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam) là 2 di sản thế giới, nhưng lại thiếu cơ chế đặc thù về nguồn vốn đầu tư cũng như cơ chế riêng để tháo gỡ những vướng mắc trong hiện tại; nguồn vốn ngân sách đầu tư cũng chưa theo kịp công tác bảo tồn…
Thứ tư, có chính sách đãi ngộ về vật chất và tinh thần đối với lực lượng văn nghệ sỹ, nghệ nhân, trí thức dân gian, cán bộ làm công tác quản lý văn hóa. Đây chính là nguồn động lực then chốt cho ngành văn hóa phát triển. Hiện nay những người sáng tạo, lưu giữ và quản lý văn hóa còn khó khăn trong bảo đảm điều kiện sinh hoạt vật chất đời thường. Vì thế, thực hiện tốt các chính sách đãi ngộ thỏa đáng với họ là điều kiện cần để thúc đẩy các cá nhân có tài năng, trình độ tập trung sáng tạo, phát huy đến đỉnh cao trong phát triển văn hóa. Các địa phương cần có sự đầu tư hợp lý, có chính sách đặc thù đối với loại hình này.
5. Kết luận
Trong bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quan điểm về phát triển bền vững đã được mở rộng khi đưa văn hóa trở thành một trong những trụ cột của chương trình phát triển bền vững, đồng thời khẳng định phải có sự tham gia của văn hóa mới bảo đảm sự phát triển bền vững một cách toàn diện. Đây là cơ hội để các địa phương ở miền Trung phát triển nhanh nhưng cũng là thách thức rất lớn cho chiến lược phát triển và khai thác các giá trị văn hóa trong quá trình phát triển bền vững.
Để nâng cao vai trò của tất cả các chủ thể trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa, cán bộ quản lý văn hóa, chính quyền các địa phương cần tham mưu hoàn thiện các luật liên quan và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ nhân, nhân dân có môi trường thực hành và truyền dạy những di sản văn hóa phi vật thể đang nắm giữ được thuận lợi và ổn định.
_________________
Ngày nhận bài:23-8-2024; Ngày bình duyệt:25-8-2024; Ngày duyệt đăng: 18-11-2024.
Email tác giả: thuylinhhv3@gmail.com
(1) Toàn băn bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, https://vietnamnet.vn, ngày 25-11-2021.