(LLCT) - Phát triển kinh tế bền vững là mục tiêu chiến lược của các quốc gia. Trong đó, chính phủ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện đường lối phát triển bền vững của quốc gia. Dựa trên tiến trình phát triển kinh tế, bài viết phân tích vai trò của chính phủ trong quá trình hình thành và thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế bền vững.
Mục tiêu tổng quát của phát triển kinh tế bền vững là sự ổn định lâu dài của kinh tế và môi trường - Ảnh minh họa: tapchicongthuong.vn
Phát triển kinh tế bền vững được coi là một trong những mục tiêu phát triển chủ yếu ở các nước. Chính phủ các quốc gia quan tâm tới phát triển kinh tế bền vững nhằm đối phó với sự gia tăng bất bình đẳng và nghèo đói tại các quốc gia đang phát triển. Đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững là một khía cạnh giúp các quốc gia phát triển.
Có rất nhiều định nghĩa về phát triển bền vững, trong đó phổ biến nhất là định nghĩa do Ủy ban Brundtland đề xuất: “Phát triển bền vững là sự phát triển thỏa mãn những nhu cầu của hiện tại mà không phương hại tới khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Đó là quá trình phát triển kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên được tái tạo và tôn trọng những quá trình sinh thái cơ bản, sự đa dạng sinh học và những hệ thống trợ giúp tự nhiên đối với cuộc sống của con người, động và thực vật”(1). Mục tiêu tổng quát của phát triển kinh tế bền vững là sự ổn định lâu dài của kinh tế và môi trường; điều này chỉ có thể đạt được thông qua việc tích hợp và thừa nhận các mối quan tâm về kinh tế, môi trường và xã hội trong suốt quá trình ra quyết định.
Năng lực giải quyết các vấn đề tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường của một quốc gia bắt đầu từ các chính sách của chính phủ. Hỗ trợ song phương và đa phương nên tập trung vào việc thúc đẩy các chính sách trong nước, chứ không phải thay thế chúng.
Mặc dù đều nhận thấy tác động của suy thoái môi trường, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn nghèo, nhưng các nhà hoạch định chính sách ở nhiều nước thường cho rằng bảo vệ môi trường sẽ tiêu tốn nguồn lực lớn, có thể cản trở tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn(2). Tại các nước đang phát triển, có nhiều tranh luận và lo ngại về việc chuyển hướng nguồn lực để thực thi các biện pháp giảm ô nhiễm, trong khi nghèo đói, mù chữ và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh vẫn cao. Tuy nhiên, kinh nghiệm đã chỉ ra, đặc biệt là ở Nga và Đông Âu, rằng các cố gắng gạt bỏ những lo ngại về môi trường để ủng hộ phát triển kinh tế thường thất bại ở cả hai khía cạnh. Kết quả là môi trường càng trở nên ô nhiễm và nền kinh tế bị tàn phá, tài nguyên xuống cấp, sức khỏe người dân kém hơn, năng suất giảm và các ngành công nghiệp trở nên lạc hậu(3).
Các vấn đề xã hội và môi trường ở các nước đang phát triển ngày càng trở nên nghiêm trọng. Ở các quốc gia Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ Latinh và châu Phi, hơn 1 tỷ người không có nước sạch và hơn 2 tỷ người sống trong điều kiện thiếu vệ sinh. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng hơn 4 triệu trẻ em ở các nước đang phát triển đã chết vì các bệnh về đường hô hấp liên quan đến chất lượng không khí kém(4). Sự thất bại của các nước đang phát triển trong việc theo đuổi phát triển và bảo vệ môi trường một cách bền vững bắt nguồn từ việc phải ưu tiên giải quyết các nhu cầu cơ bản của con người, trong bối cảnh chi phí bảo vệ môi trường quá cao. Ngoài ra, còn có các vấn đề khác như thiếu vốn và công nghệ. Tất cả những yếu tố này đều ngăn cản việc thực hiện các chính sách phát triển bền vững.
Việc thực thi các biện pháp phát triển bền vững là một nhiệm vụ khó khăn ngay cả đối với các nước công nghiệp. Các chính sách về năng lượng, vận tải và nông nghiệp vấp phải nhiều chỉ trích và tranh luận. Tuy nhiên, những cuộc tranh luận này là một phần thiết yếu của quá trình thực hành để đạt được sự phát triển bền vững. Thực tế, cần có thời gian đáng kể để tạo ra sự thay đổi lớn trong chính sách công khi vận hành trong một hệ thống chính trị cởi mở. Đây là lý do tại sao phát triển bền vững nên được coi là một quá trình (ở cả các nước công nghiệp cũng như các nước đang phát triển) và chỉ có thể đạt được theo từng giai đoạn với điều kiện đáp ứng những chỉ tiêu cơ bản, bao gồm:
- Công chúng được giáo dục và hiểu biết, được tiếp cận miễn phí thông tin về môi trường;
- Công chúng tham gia vào việc ra quyết định của chính phủ;
- Chính sách kinh tế phù hợp;
- Các chính sách môi trường dựa trên rủi ro và có cơ sở khoa học;
- Khung pháp lý mạnh mẽ, công bằng và khả thi;
- Khuôn khổ khoa học vững chắc cho việc ra quyết định;
- Khả năng lãnh đạo và tầm nhìn chính trị.
Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra các nội dung này trong xây dựng chiến lược phát triển bền vững quốc gia hoặc kế hoạch hành động quốc gia. Trong đó, cần lưu ý việc phát triển quyền sở hữu và lôi kéo công chúng tham gia vào quá trình ra quyết định thường mất nhiều thời gian hơn là chuẩn bị các chiến lược tổng thể.
Phát triển bền vững là kết quả của một quá trình chính trị và xã hội lâu dài, dựa trên các nền tảng đã được xác định ở trên, do đó tương đối khó thực hiện với các nước đang phát triển. Ở nhiều quốc gia, các nội dung thiết yếu về phát triển bền vững không có hoặc không được thực hiện tốt. Thí dụ, hầu hết các quốc gia công nghiệp hóa đều có một bộ phận công dân được trang bị đầy đủ thông tin, tham gia vào quá trình ra quyết định và cung cấp thông tin về môi trường. Đây là bước đi cần thiết để xây dựng sự ủng hộ của công chúng đối với những thay đổi chính sách. Tại Hoa Kỳ, quyền truy cập của công chúng vào thông tin về các chất thải độc hại từ các nhà máy và cơ sở sản xuất là một yếu tố chính của chính sách môi trường.
Một số nước đang phát triển đã xây dựng các biện pháp khuyến khích về kinh tế để thúc đẩy khu vực tư nhân đầu tư vào công nghệ sạch. Thí dụ, Thái Lan đã thực hiện các ưu đãi tài chính cho các công ty đầu tư vào công nghệ sạch. Ngày17-02-1995, phát biểu tại Hội chợ Thương mại và Đầu tư Thái Lan, Thủ tướng Chuan Leekpai cho rằng, môi trường của Thái Lan đã bị ảnh hưởng do hậu quả của sự phát triển kinh tế chóng mặt và nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện tình trạng môi trường của đất nước. Tháng 4-1995, Tổng thống Braxin, Cardosa đã ban hành “Nghị định xanh”, yêu cầu các ngân hàng và tổ chức tín dụng của Chính phủ chỉ cấp tài chính cho các dự án đã tiến hành đánh giá tác động môi trường. Mặc dù đây là những bước khiêm tốn, nhưng góp phần to lớn vào chặng đường dài hướng tới thúc đẩy phát triển bền vững bằng cách tạo ra các khuyến khích cho phát triển sạch hơn và thúc đẩy trách nhiệm xã hội.
Những cách tiếp cận này cũng thừa nhận rằng, khu vực tư nhân là một nguồn chính của phát triển công nghệ và chuyển giao công nghệ.
Điều này cho thấy thực tế mới của hỗ trợ phát triển quốc tế, cụ thể là khu vực công và tư nhân phải làm việc cùng nhau để thúc đẩy phát triển công nghệ. Như vậy, để đạt được sự phát triển bền vững, các quốc gia cần bắt đầu bằng các chính sách kinh tế, đầu tư và xã hội trong nước phù hợp. Các chính sách phát triển bền vững có thể được tăng cường đáng kể nhờ sự hỗ trợ của các nhà tài trợ song phương, các ngân hàng phát triển đa phương (MDB) và khu vực tư nhân. | “Phát triển bền vững là sự phát triển thỏa mãn những nhu cầu của hiện tại mà không phương hại tới khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Đó là quá trình phát triển kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên được tái tạo và tôn trọng những quá trình sinh thái cơ bản, sự đa dạng sinh học và những hệ thống trợ giúp tự nhiên đối với cuộc sống của con người, động và thực vật” |
Các chính sách phát triển nông nghiệp nhấn mạnh đến việc nâng cao hiệu quả sản xuất để đạt được lợi nhuận cao hơn trên một đơn vị đất đai và lao động. Các chính sách chính được áp dụng là sử dụng các giống cây trồng năng suất cao, máy móc nông nghiệp hiện đại, phân bón vô cơ và thuốc trừ sâu. Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ tín dụng cho nông dân thông qua hệ thống ngân hàng quốc gia và hợp tác xã nông nghiệp, để giúp họ tiếp cận công nghệ hiện đại và xây dựng các cơ sở cần thiết để sản xuất hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu.
Để nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới, Chính phủ đã chú trọng các chính sách về marketing cho nông sản thông qua các chương trình xúc tiến thương mại. Khuyến khích người nông dân tham gia các hợp tác xã nông nghiệp nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh, thương lượng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quan tâm đến phát triển các ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chế biến.
Với việc thực thi các chính sách như vậy, nền nông nghiệp của Việt Nam dần thay đổi từ nền nông nghiệp bán tự cung tự cấp, định hướng thị trường trong nước sang nền nông nghiệp thương mại, định hướng xuất khẩu. Nông nghiệp đã trở thành động lực tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Mặc dù đã đạt được những bước tiến lớn trong phát triển nông nghiệp, nhưng hiện nay, nông nghiệp Việt Nam đang dần mất đi lợi thế so sánh. Cây công nghiệp xuất khẩu ngày càng trở nên kém hiệu quả, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp chậm lại, do đó, đầu tư vào phát triển nông nghiệp cũng giảm. Do sử dụng một lượng lớn phân bón vô cơ và thuốc trừ sâu, chất lượng đất canh tác và nguồn nước dần xấu đi, đồng thời sức khỏe người nông dân cũng bị ảnh hưởng. Sự phụ thuộc vào tín dụng để mua nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là phân bón vô cơ, dẫn đến tình trạng nợ nần của nông dân.
Để đạt được sự phát triển bền vững, cần thực hiện ba chiến lược lớn.
Thứ nhất là tăng cường sức mạnh cho nông dân thông qua các chính sách thúc đẩy đa dạng hóa cây trồng, giảm sử dụng phân bón vô cơ và thuốc trừ sâu và hỗ trợ quá trình đào tạo người nông dân trong quản lý bền vững tài nguyên đất và nước.
Thứ hai là củng cố liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp.
Thứ ba là tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp trên thị trường thế giới bằng cách hỗ trợ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp mới có giá trị gia tăng; nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm, đồng thời kiểm soát việc sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Cụ thể:
- Đa dạng hóa cây trồng
Chính sách đa dạng hóa cây trồng là một chương trình tái cấu trúc hệ thống sản xuất nông nghiệp, khuyến khích nông dân chuyển từ độc canh truyền thống sang các hệ thống cây trồng đa dạng và sản xuất các sản phẩm có giá trị cao như cây ăn quả, cây công nghiệp...
Đa dạng hóa cây trồng tức là trồng xen nhiều loại cây trồng, tận dụng tối đa hiệu quả từ nguồn tài nguyên đất cùng việc kết hợp những đặc tính bổ trợ hoặc đối kháng của các loài cây nhằm tạo ra môi trường kích thích cây trồng phát triển toàn diện; có thể hiểu là tạo ra hệ thực vật có khả năng bổ trợ qua lại lẫn nhau.
Đa dạng hóa cây trồng mang lại những lợi ích, như: phát huy hết tiềm năng của đất trồng, tận dụng tối ưu nguồn nước tưới, dinh dưỡng, phân bón; kiểm soát được sâu bệnh hại vì một vài giống cây có công năng xua đuổi côn trùng gây hại và một số cây khác có khả năng dẫn dụ côn trùng có lợi cho cây; nhờ có nhiều loài cây sống chan hòa cùng nhau nên có thể bổ trợ lẫn nhau như một cộng đồng; tăng thêm thu nhập nhờ đa dạng hóa sản phẩm. Khi giá cả một loại nông sản nào đó bị biến động thì còn có những loài cây khác bù lại để gia giảm các tác động kinh tế.
Tuy nhiên, việc đa dạng hóa đòi hỏi kỹ thuật và vốn nhiều hơn. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức tín dụng phải cùng hỗ trợ người nông dân.
- Không khuyến khích sử dụng phân bón vô cơ và thuốc trừ sâu
Việc ngay lập tức giảm triệt để sử dụng các đầu vào phân bón vô cơ và thuốc trừ sâu là không thể. Do đó, nông dân được khuyên nên sử dụng phân hóa học cùng với phân hữu cơ để duy trì năng suất cây trồng ở mức thỏa đáng và giảm chi phí sản xuất.
Trước mối lo ngại ngày càng tăng về tác động của các sản phẩm nông nghiệp đến môi trường và sức khỏe, đặc biệt là của người tiêu dùng ở các nước phát triển và xem xét các tác động có thể xảy ra đối với xuất khẩu nông sản, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng các chính sách và quy định sản xuất thực phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe nhằm thúc đẩy sản xuất thực phẩm an toàn và không chứa chất độc hại bằng cách thay thế đầu vào vô cơ bằng đầu vào hữu cơ. Bên cạnh đó, các quy định về giới hạn dư lượng thuốc trừ sâu trong các sản phẩm thực phẩm cũng đã được ban hành.
- Thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ
Kinh nghiệm từ châu Âu và Hoa Kỳ chỉ ra rằng, các chính sách công có thể đóng vai trò ảnh hưởng trong việc tạo ra nhu cầu đối với các sản phẩm hữu cơ thông qua các chương trình tác động đến sự lựa chọn sản phẩm của người tiêu dùng(5). Tuy nhiên, những nỗ lực trước đây trong việc thực hiện các chính sách bảo tồn môi trường ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà sản xuất đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ ở nhiều quốc gia, ngoại trừ một số trường hợp như ở các nước châu Âu, Canađa và Ốtxtruâylia, nơi những cam kết về bảo tồn môi trường đang được tuân thủ chặt chẽ. Do đó, các chính sách nhằm tác động đến sự lựa chọn và hành vi của người tiêu dùng có khả năng tác động rất lớn đến việc buộc các nhà sản xuất cung cấp hàng hóa và mặt hàng đáp ứng sự lựa chọn của người tiêu dùng.
- Khuyến khích thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành chương trình “Thực hành nông nghiệp tốt ở Việt Nam”(VietGAP). VietGAP được xây dựng trên cơ sở kế thừa các tiêu chuẩn GAP đã có như GlobalGAP, AsianGAP và các GAP khác trên thế giới. VietGAP là tổng hợp những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản xuất.
3. Chương trình kinh tế tân tự do và phát triển bền vững
Khuynh hướng tư tưởng của chủ nghĩa tân tự do bắt nguồn từ niềm tin vào việc thúc đẩy lợi ích chung bằng cách tuân theo các nguyên tắc của một nhà nước tối giản, lợi thế so sánh, thị trường tự do, cạnh tranh mở và tăng trưởng kinh tế. Điều này được thể hiện thông qua các chính sách như tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước, bãi bỏ quy định kiểm soát của nhà nước, tự do hóa thương mại, thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài, giảm chi tiêu xã hội...
Mục tiêu chính của chính sách tân tự do là tăng trưởng kinh tế và năng suất dựa trên các nguyên tắc cạnh tranh thị trường; thường có xu hướng nhấn mạnh quá mức các giá trị kinh tế lên trên các mục tiêu công bằng xã hội và các mối quan tâm về môi trường. Do đó, để cân bằng mục tiêu tự do phát triển kinh tế và công bằng xã hội, chính phủ sẽ là bên hòa giải để hướng tới điểm cân bằng tốt nhất cho thị trường. Mục tiêu quan trọng nhất mà chính phủ cần quan tâm trong trường hợp này là tăng trưởng GDP bình quân đầu người bởi nó là yếu tố quyết định quan trọng nhất của giảm nghèo và phát triển xã hội(6).
Hiện nay, mức độ nghèo đói và bất bình đẳng ngày càng tăng, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững do người nghèo phụ thuộc vào môi trường như một nguồn sinh kế chủ yếu thông qua nông nghiệp. Do đó, tư nhân hóa và tự do hóa thương mại một cách có kiểm soát sẽ là chính sách cần được ưu tiên để thúc đẩy phát triển bền vững. Những chính sách này nếu được chính phủ triển khai tốt sẽ tăng cơ hội việc làm và thu nhập cho người nghèo. Về nguyên tắc, điều đó có thể giúp mọi người thay đổi các nguồn thu nhập truyền thống dựa vào tài nguyên thiên nhiên một cách quá mức. Mặc dù vậy, chính phủ cần kiểm soát mức độ thay đổi sự chuyển dịch công việc bởi khi những cơ hội như vậy xảy ra, chỉ một bộ phận xã hội được hưởng lợi.
Các trường hợp điều chỉnh khác như giảm chi tiêu của chính phủ và thu hẹp quy mô quá mức có thể làm suy yếu công tác quản lý môi trường do cắt giảm ngân sách và giảm số lượng nhân viên của các cơquan quản lý nhà nước về môi trường. Quá trình này ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực thể chế và năng lực quản lý chung của nhà nước trong các sở nông nghiệp và môi trường. Nghiên cứu của Reed về tác động môi trường của các chương trình điều chỉnh cho thấy, năng lực của Bộ Môi trường Vênêduêla giảm đáng kể trong việc thực thi các quy định về môi trường do số lượng nhân viên ít(7). Do đó, vai trò của chính phủ trong trường hợp này là điều tiết tốt các hoạt động quản lý môi trường để các chính sách tân tự do hoạt động hiệu quả hơn.
4. Vai trò của chính phủ trong việc giải quyết vấn đề về năng lượng
Năng lượng là yếu tố cốt lõi để phát triển công nghiệp bền vững. Cung cấp đủ nguồn năng lượng sạch là cơ sở để nâng cao mức sống, cải thiện nguồn nhân lực, cải thiện môi trường tự nhiên và môi trường kinh doanh, tăng hiệu quả các chính sách của chính phủ(8). Tuy nhiên, việc thiếu hụt năng lượng hoặc giá năng lượng quá cao là một vấn đề lớn đối với sự phát triển kinh tế và tính bền vững của môi trường ở nhiều nơi trên thế giới. Nhu cầu về năng lượng đang tăng theo cấp số nhân ở các nước đang phát triển do vấn đề đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh, nhất là tại các thành phố đông dân. Điều này có thể dẫn đến việc sử dụng năng lượng không bền vững trong thời gian tới.
Việc tập trung nhiều vào các nguồn năng lượng như than đá, dầu mỏ và thủy điện lớn sẽ khiến mất đi các lợi thế từ nguồn lực năng lượng thay thế khác. Do đó, chính phủ đóng vai trò là người xem xét và đưa ra các quyết định thúc đẩy sản xuất, chuyển đổi, vận chuyển và phân phối năng lượng nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai. Bên cạnh đó, chính phủ cần thiết lập các chính sách thu hút đầu tư tư nhân và hỗ trợ phát triển. Chính phủ cùng với các nhà đầu tư và nhà tài trợ cần tìm ra những cách hiệu quả hơn và ít tốn kém hơn trong việc cung cấp các dịch vụ năng lượng để khoản tiết kiệm tài chính có thể được đầu tư vào các nhu cầu phát triển bền vững khác.
Thiếu khả năng tiếp cận với điện giá cả phải chăng và phụ thuộc nhiều vào việc sử dụng nhiên liệu sinh khối truyền thống (thí dụ như củi, than, chất thải nông nghiệp và phân động vật) vừa là biểu hiện vừa là nguyên nhân của thiếu hụt năng lượng. Hành động của chính phủ với sự hỗ trợ của các nước công nghiệp và tài trợ từ các nguồn công và tư nhân là cần thiết để đạt được những mục tiêu về năng lượng. Mặt khác, các chính sách cần giải quyết các rào về khả năng tiếp cận, khả năng chi trả và cung cấp điện, nhiên liệu thay thế, vốn đã sẵn có với chi phí hợp lý. Việc tiếp cận các nguồn năng lượng bền vững sẽ là tiền đề hình thành các chiến lược phát triển bền vững lớn hơn.
Thảo luận và kết luận
Hiện nay, không có bất kỳ quy tắc và quy định quốc tế ràng buộc nào đối với việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế bền vững. Một số nước phát triển, như Hoa Kỳ và Nhật Bản, vẫn đang trợ cấp rất nhiều cho các sản phẩm nông nghiệp, điều này đe dọa việc thúc đẩy nông nghiệp bền vững ở các nước đang phát triển. Chừng nào còn theo đuổi những chính sách không công bằng như vậy thì không thể thúc đẩy nông nghiệp bền vững một cách hiệu quả. Do đó, chính phủ cần xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế bền vững một cách hợp lý. Trong đó, dần chuyển từ chính sách kép thúc đẩy bền vững kết hợp với giữ nguyên chính sách phát triển truyền thống sang các chính sách phát triển bền vững. Chính phủ Việt Nam cần phân bổ nguồn lực đủ lớn cho nghiên cứu và phát triển để giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững.
Chính sách thúc đẩy sản xuất là cần thiết, nhưng chỉ điều này thì không thể giúp đạt được các mục tiêu bền vững đã đề ra một cách hiệu quả. Doanh nghiệp hay người nông dân chỉ sẵn sàng đầu tư cho phát triển bền vững khi họ chắc chắn có được thu nhập hợp lý từ việc áp dụng các biện pháp đó.
Những cải cách đi kèm gắn liền với các cách tiếp cận tân tự do đối với phát triển thường dẫn đến những hậu quả tiêu cực như tình trạng thất nghiệp của người lao động trong khu vực chính thức, điều này có thể thu hút người nghèo tìm kiếm sinh kế từ môi trường, do đó làm suy thoái môi trường.
Về vấn đề này, Ngân hàng Thế giới đã khuyến khích tuyên truyền các nguyên tắc Dublin-Rio về thu hồi chi phí, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Các khuyến nghị chính sách chủ yếu được đưa ra trong bối cảnh tư nhân hóa sản xuất để thiết lập quyền sở hữu tư nhân đối với các nguồn tài sản chung giúp bảo đảm tính bền vững(9). Tuy nhiên, tư nhân hóa ở mức độ lớn hơn đã thất bại trong việc cung cấp dịch vụ cho người nghèo cùng với tỷ lệ tham nhũng cao ở một số quốc gia(10). Trong những trường hợp khác, khu vực tư nhân đã làm tăng mức độ ô nhiễm môi trường do các công ty tư nhân không đầu tư vào hạ tầng xử lý chất thải. Do đó, chưa thể khẳng định tư nhân hóa bảo đảm việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên môi trường.
Chính phủ cần có các cơ chế hấp dẫn cho đầu tư trong nước và nước ngoài cùng với các quy định có hiệu lực đối với hành vi của doanh nghiệp. Các chính sách công thúc đẩy hành vi kinh doanh có trách nhiệm bao gồm cung cấp một môi trường thuận lợi, trong đó xác định rõ vai trò của chính phủ và doanh nghiệp; thúc đẩy đối thoại về chuẩn mực ứng xử trong kinh doanh; hỗ trợ các sáng kiến tư nhân và các sáng kiến hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ thực hiện kinh doanh có trách nhiệm.
_________________
(1) Schmidheiny, S., & Zorraquine, F.J.L:Financing change,Cambridge: MIT Press, 1996.
(2) Dua, A., & Esty, D.:Sustaining the Asia Pacific miracle. Washington, DC: Institute for International Economics, 1997.
(3) Mulok, D., Kogid, M., Asid, R., & Lily, J. :Is economic growth sufficient for poverty alleviation? Empirical evidence from Malaysia,Cuadernos de Economı´a, 35(97), 26–32, 2012.
(4) Clear the air for children, unicef.org.
(5) Cohen, M. J., Comrov, A., & Hoffner, B.:The new politics of consumption: promoting sustainability in the American marketplace. Sustainability: Science, Practice and Policy, 1(1), 58-76, 2005.
(6) Reed, D.:Structural adjustment, the environment, and sustainable development. London: Earthscan, 2009.
(7) IEA, International Energy Agency:World energy outlook 2010,Paris: OECD/IEA, 2010.
(8) OECD, Organisation for Economic Co-operation & Development:Energy for sustainable development, OECD contribution to the United Nations Commission on Sustainable Development 15, 2007.
(9) Hardin, G.: Extensions of ‘‘the tragedy of the commons’’, Science, 280, 682–683, 1998.
(10) Narsiah, S. & Ahmed, W.:The Neoliberalization of the Water and Energy Sectors in South Africa and India,Journal of Asian and African Studies, 47(6), 679-694, 2012.
TS PHAN THỊ THU HIỀN
Trường Đại học Ngoại Thương