(LLCT) - Đất nước ta chưa bao giờ có được “cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế” như hiện nay, song cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ góc độ quản trị, an ninh quốc gia. Từ yêu cầu khơi dậy sức mạnh của toàn dân tộc để kiến tạo nên một Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, đã đặt ra nhiệm cho cả hệ thống chính trị, mọi gia đình Việt Nam,của mỗi người dân Việt Nam về giáo dục, phát huy lòng yêu nước, trách nhiệm với dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN hiện nay.
Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc là một trong các mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, đồng thời cũng là trách nhiệm của mọi gia đình trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước - Ảnh: nhiepanhdoisong.vn
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống, hình thành nhân cách… con người và nền văn hóa Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 629/QĐ-TTg, ngày 29-5-2012 về Phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó tiếp tục nhấn mạnh việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc là một trong các mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, đồng thời cũng là trách nhiệm của mọi gia đình trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Chiến lược cũng đã chỉ ra việc xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam hiện nay không thể không kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đã được hình thành, chắt lọc, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bởi vì, văn hóa của một dân tộc nói chung và gia đình nói riêng là một dòng chảy xuyên suốt chiều dài lịch sử.
1. Gia đình và giáo dục lòng yêu nước trong gia đình
Gia đình là tế bào của xã hội, trong đó hiện diện đầy đủ các mối quan hệ xã hội như: quan hệ kinh tế, quan hệ giáo dục, quan hệ văn hoá và quan hệ tổ chức… Để mỗi quốc gia, dân tộc được hưng thịnh, hùng cường, phụ thuộc nhiều vào sự ấm no, hạnh phúc của mỗi gia đình. Tư tưởng Nho giáo cho rằng, gia đình có vị trí quan trọng trong sự ổn định của xã hội, “nếu một nhà nhân hậu thì cả nước nhân hậu. Một nhà lễ nhượng thì cả nước ăn ở đều có lễ nhượng. Một người tham lam thì cả nước bị rối loạn” (Đại học, chương 9). Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò của gia đình trong mối quan hệ với xã hội: “nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”(1).
Là đối tượng của nhiều khoa học nên có nhiều cách định nghĩa khác nhau về gia đình; Có thể hiểu “Gia đình là một hình thức cộng đồng xã hội đặc biệt được hình thành và phát triển trên cơ sở các mối quan hệ hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng, đồng thời có sự gắn kết về kinh tế - vật chất, qua đó nảy sinh những nghĩa vụ và quyền lợi giữa các thành viên trong gia đình”(2).
Gia đình có vị trí quan trọng: Đó là tế bào của xã hội; là tổ ấm, hạnh phúc của cá nhân, đồng thời là cầu nối giữa cá nhân và xã hội. Gia đình có các chức năng cơ bản là: chức năng tái sản xuất ra con người; chức năng nuôi dưỡng và giáo dục; chức năng kinh tế và tổ chức đời sống gia đình; chức năng đáp ứng nhu cầu tâm lý, sinh lý, tình cảm. Trong đó, giáo dục gia đình là một nội dung rất quan trọng. Giáo dục tốt của gia đình sẽ tạo ra cho xã hội những người công dân tốt, hội tụ nhiều phẩm chất, trong đó có lòng yêu nước, tinh thần sẵn sàng phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Giáo dục của gia đình là nền tảng đầu tiên, liên tục, thường xuyên và lâu dài đối với mỗi con người, nó đóng vai trò quan trọng nhất trong các nhân tố giáo dục (gia đình, nhà trường và xã hội).
Trong gia đình, các cá nhân sẽ được giáo dục một cách toàn diện như: Giáo dục đạo đức, lối sống; giáo dục về kiến thức văn hóa; về lòng yêu lao động; giáo dục về giới tính…Thông qua gia đình, các cá nhân không ngừng được xã hội hóa, được tiếp nhận, trao truyền các giá trị, từ đó định hình chuẩn mực, hành vi, niềm tin, cách sống...
Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đã nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, chú trọng phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách. Nghị quyết cũng chủ trương thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp và hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế.
Nội dung giáo dục trong gia đình gồm:
Thứ nhất, giáo dục văn hóa gia đình, tình yêu thương, hòa thuận, quan tâm, chăm lo nhau
Giáo dục về những nguyên tắc, cách ứng xử của các thành viên trong gia đình. Đạo đức trong gia đình Việt Nam đã được hình thành, kết tinh từ truyền thống, gắn liền với xã hội nông nghiệp, nông thôn, chứa đựng trong nó nhiều yếu tố có tính ổn định và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có thể kể đến một số giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam như: Sự nhân từ của ông bà, cha mẹ với con cái; đạo hiếu của con cái với cha mẹ, ông bà; Tình cảm giữa vợ chồng thủy chung, son sắt; tình cảm anh em hòa thuận. Bên cạnh đó, các gia đình còn giáo dục về các chuẩn mực, cách ứng xử đối với những người xung quanh, trong mối quan hệ với bạn bè và với cộng đồng. Những truyền thống quý báu của đất nước như lòng nhân ái, khoan dung, lòng yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách... đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.
Trong văn hóa Việt Nam, Nhà - Làng - Nước luôn có mối quan hệ mật thiết, tác động lẫn nhau và gia đình là một bộ phận gắn kết với dòng họ, với quê hương, đất nước, là tế bào của xã hội. Vì vậy, tình yêu thương, đoàn kết gắn bó, tương thân, tương ái xuất phát từ gia đình, dòng họ, làng xã đã mở rộng ra đến quốc gia tạo thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Quá trình hình thành, phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam chính là một minh chứng cho những giá trị cộng đồng trường tồn đó.
Thứ hai, giáo dục kiến thức văn hóa
Thông qua lễ nghi, phong tục, tập quán, sự truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm hiểu biết về tri thức khoa học, kiến thức xã hội của những người lớn cho thế hệ trẻ, con cháu trong gia đình nhằm nâng cao sự hiểu biết sâu rộng trên mọi lĩnh vực. Qua đây, các thế hệ đi trước trong gia đình giáo dục cho con cháu những kiến thức lịch sử quê hương đất nước, về những tấm gương của các anh hùng dân tộc, về lịch sử dựng nước và giữ nước... những tri thức đó góp phần hình thành niềm tin, bồi đắp lòng yêu nước và sự tự hào, tự tôn dân tộc.
Giáo dục gia đình kết hợp với giáo dục nhà trường và xã hội thông qua sự nêu gương của chính các thành viên trong gia đình, qua các câu chuyện, những cuốn sách, thước phim, những hoạt động trải nghiệm thực tế,... giúp con cháu dễ dàng tiếp nhận, bồi đắp vốn kiến thức của mình.
Thứ ba, giáo dục lòng yêu lao động
Giáo dục lòng yêu lao động không chỉ để rèn luyện thói quen lao động, biết trân quý thành quả lao động mà còn để phát triển khả năng tư duy, năng lực sáng tạo, kỹ năng trong lao động. Nội dung giáo dục lao động gồm lao động trí óc và lao động chân tay, nhằm giúp cho thành viên trong gia đình hiểu được lao động vừa là nhu cầu, nhưng cũng là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người đối với bản thân, gia đình, quê hương, đất nước. Thông qua đó | Giáo dục tốt của gia đình sẽ tạo ra cho xã hội những người công dân tốt, hội tụ nhiều phẩm chất, trong đó có lòng yêu nước, tinh thần sẵn sàng phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Giáo dục của gia đình là nền tảng đầu tiên, liên tục, thường xuyên và lâu dài đối với mỗi con người, nó đóng vai trò quan trọng nhất trong các nhân tố giáo dục (gia đình, nhà trường và xã hội). |
sẽ rèn luyện được tính tự lập, tự giác để thích ứng với cuộc sống xã hội. Tình yêu với lao động sẽ tạo nên khát khao cống hiến, nhu cầu muốn đóng góp trí tuệ, tài năng, sức lực của mình cho quê hương đất nước, đó cũng là cách thức biểu thị lòng yêu nước.
Như vậy, giáo dục lòng yêu nước trong gia đình trước hết là giáo dục về đạo đức, về tình yêu, trách nhiệm với gia đình, quê hương; là tình yêu máu thịt với Tổ quốc “Như mẹ cha ta, như vợ như chồng”, sẵn sàng hy sinh “Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”(3); là hiểu rõ và tự hào về những trang sử hào hùng của dân tộc. Lòng yêu nước không trừu tượng mà có nội dung cụ thể: yêu quê hương, đất nước, Tổ quốc; yêu con người, dân tộc, nhân dân, đồng bào mình; yêu thuần phong mỹ tục cùng những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Trong bối cảnh hòa bình, lòng yêu nước còn là tình yêu lao động, ý thức trách nhiệm, là sự nỗ lực hoàn thiện bản thân, sống có lý tưởng, có khát vọng cống hiến xây dựng CNXH; đó còn là sự nghiêm túc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Giáo dục lòng yêu nước, ý thức dân tộc không thể tách rời việc giáo dục tư tưởng chính trị, yêu dân tộc với yêu Đảng, yêu Bác Hồ và yêu CNXH, nhằm xây dựng non sông đất nước ta ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(4). Lòng yêu nước là một yếu tố tạo nên sức mạnh mềm Việt Nam. "Sức mạnh mềm" là sức hội tụ quốc gia, mức chấp nhận văn hóa và trình độ tham dự tổ chức quốc tế, là sức mạnh để người khác làm theo ý muốn của mình một cách tự nguyện, nó bắt nguồn từ sức thu hút của văn hóa và hình thái ý thức, mức độ phổ biến và được chấp nhận của văn hóa một quốc gia là một nguồn then chốt của quyền lực mềm(5).
2. Phát huy vai trò của gia đình trong việc giáo dục lòng yêu nước hiện nay
Ngày 28-8-2015, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1501/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020. Nhằm thực hiện tốt đề án này, gia đình cùng với nhà trường, xã hội cần chú trọng phối hợp trong các nội dung tuyên truyền như:
Một là, tuyên truyền, phổ biến lý tưởng cách mạng, chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật liên quan đến đời sống, học tập, việc làm; tuyên truyền tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, tinh hoa văn hóa... cho thanh niên; giáo dục các giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa, lối sống tốt đẹp của con người Việt Nam cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
Hai là, tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ; đấu tranh phòng chống “diễn biến hòa bình”, phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, xuyên tạc về lịch sử dân tộc.
Ba là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội trong việc phối hợp giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ.
Nước ta đang xây dựng CNXH với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Để đạt được mục tiêu đó, Đảng, Nhà nước yêu cầu các cấp, ngành, cộng đồng và nhân dân phải thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ khác nhau trên nhiều lĩnh vực.
Hội nhập quốc tế đưa đến cho gia đình Việt Nam rất nhiều cơ hội: từ phát triển kinh tế đến tiếp cận những kiến thức, giá trị văn hóa, lối sống của các quốc gia khác. Nhưng điều đó cũng tác động vào gia đình Việt Nam, dẫn đến nhiều biến đổi giá trị. Mỗi cá nhân đều xác lập vị thế và không gian riêng, cần các thành viên khác tôn trọng; nhiều hiện tượng trong xã hội đi ngược lại với thuần phong mỹ tục, gây hại trực tiếp cho gia đình và xã hội, đặc biệt là tác động đến thế hệ trẻ, làm lệch lạc nhân cách trẻ em. Sự thờ ơ, vô cảm, lối sống thực dụng vẫn diễn ra trong đời sống xã hội. Điều này cho thấy vai trò của giáo dục gia đình, nhất là việc bảo lưu, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống, trong đó có lòng yêu nước là rất quan trọng.
Những vấn đề toàn cầu như: bảo vệ hòa bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường... tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, giáo dục lòng yêu nước, ý thức dân tộc không chỉ dừng lại ở sách vở, mà phải đi vào chiều sâu, tạo nên những chuyển biến tích cực trong nhận thức, tình cảm và hành vi của thanh, thiếu niên để tinh thần dân tộc, chủ nghĩa yêu nước luôn hiện hữu trong tâm trí thế hệ trẻ Việt Nam, sẵn sàng chuyển hóa thành những hành động cụ thể và thiết thực.
Giáo dục lòng yêu nước là một chức năng quan trọng của gia đình Việt Nam, lòng yêu nước tạo nên sức mạnh chiến thắng trong lịch sử cũng như sự nghiệp xây dựng CNXH hiện nay. Giáo dục lòng yêu nước trong gia đình cần được thực hiện bằng nhiều biện pháp, cách thức, đặc biệt là từ sự mẫu mực nêu gương của ông bà, cha mẹ. Giáo dục lòng yêu nước không chỉ là trách nhiệm của gia đình mà còn cần sự phối kết hợp hiệu quả với nhà trường và xã hội. Vì vậy, cần quan tâm vai trò của gia đình đối với sự phát triển của các thành viên trong gia đình, những công dân nói chung để đất nước có được những con người vừa hồng vừa chuyên, có đức, có tài nhằm xây dựng thành công CNXH, phát huy sức mạnh mềm dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.
_________________
Ngày nhận bài: 31-7-2022; Ngày bình duyệt: 02-8-2022; Ngày duyệt đăng: 05-02-2023.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.300.
(2) Giáo trình Cao cấp lý luận chính trị: môn CNXHKH, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2018, tr.258.
(3) Chế Lan Viên:Sao chiến thắng.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.38.
(5) Joseph Nye. Soft Power: The Means To Success In World Politics.
TS HỒ THỊ NHÂM
Học viện Chính trị khu vực III