Vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở trong xây dựng bản phát triển ở Lào (Qua thực tiễn tỉnh Luông Pha Băng)

17/08/2023 16:07

(LLCT) - Xây dựng bản (đơn vị hành chính cấp cơ sở) ở các địa phương trở thành “bản phát triển” là một trong những nội dung trọng tâm của chiến lược “3 xây” (xây dựng tỉnh thành đơn vị chiến lược, xây dựng huyện thành đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng bản thành đơn vị phát triển) được Đảng và Nhà nước Lào quan tâm triển khai thực hiện trong những năm gần đây. Trên cơ sở phân tích làm rõ thực trạng xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội đáp ứng các tiêu chí “bản phát triển” ở tỉnh Luông Pha Băng, bài viết đề xuất một số khuyến nghị nhằm phát huy tốt hơn vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở, góp phần đẩy nhanh tiến độ đạt các mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. 

Vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở trong xây dựng bản phát triển ở Lào  (Qua thực tiễn tỉnh Luông Pha Băng)

Phong cảnh một bản ở Luông Pha Băng, Lào - Ảnh: golaos.tour

Hệ thống chính trị cấp cơ sở có vai trò quan trọng, quyết định trực tiếp việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách trong thực tiễn xây dựng, phát triển các bản. Ngày 11-3-2000, Thủ tướng Chính phủ Lào ban hành Chỉ thị số 01/TTg về việc xây dựng tỉnh thành đơn vị chiến lược, huyện thành đơn vị kế hoạch, tài chính và bản thành đơn vị tổ chức thực hiện. Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng (NDCM) Lào đã ban hành nhiều chỉ thị triển khai thực hiện như: Chỉ thị số 20/BCTTWĐ ngày 26-9-2003 về việc xây dựng cơ sở toàn diện; Chỉ thị số 09/BCTTWĐ ngày 8-8-2004 về việc xây dựng bản và cụm bản phát triển. Nghị quyết 03/BCTTWĐ ngày 15-2-2012 tiếp tục khẳng định, xây dựng tỉnh thành đơn vị chiến lược, xây dựng huyện thành đơn vị vững mạnh toàn diện và xây dựng bản thành đơn vị phát triển là các chiến lược trọng tâm cần đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội của Lào. Do đó, Đảng và Chính phủ Lào đã ban hành 6 nhóm tiêu chuẩn và 88 tiêu chí cần đạt để các bản trở thành đơn vị phát triển trên các nội dung về hệ thống chính trị; quốc phòng - an ninh, quy hoạch đất đai và thực hiện quy hoạch đất đai; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất; phát triển văn hóa - xã hội và bảo đảm môi trường... Qua đó nhận thấy, hệ thống chính trị cấp cơ sở không chỉ là một tiêu chuẩn cần hoàn thiện để các bản trở thành đơn vị phát triển mà còn cần phát huy mạnh mẽ vai trò trong triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả các tiêu chí về xây dựng đơn vị bản phát triển ở các địa phương.

1. Vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở trong xây dựng bản phát triển ở tỉnh Luông Pha Băng

Tỉnh Luông Pha Bang nằm ở miền Bắc nước Lào, có diện tích 16.875 km2 với dân số 454.095 người(1), gồm 11 huyện, 1 thành phố, 758 bản, trong đó có 746 bản có hệ thống chính trị hoàn chỉnh, còn 12 bản đang cần kiện toàn, hoàn thiện. Toàn tỉnh có 11.956 cán bộ, công chức (tỷ lệ cán bộ nữ chiếm 44,0%); trong đó, cán bộ, công chức cấp tỉnh là 3.508 người; cán bộ, công chức cấp huyện là 8.448 người; cán bộ cấp cơ sở bản (không phải công chức) là 8.148 người.Năm 2021, đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ cao đẳng, đại học chiếm 33,46%và sau đại học chiếm 1,12% trong tổng số cán bộ, công chức toàn tỉnh.

Theo mô hình hệ thống chính trị cấp cơ sở phổ biến của các địa phương ở Lào hiện nay, hệ thống chính trị cấp cơ sở của tỉnh Luông Pha Băng gồm có tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Lào xây dựng đất nước và các tổ chức chính trị - xã hội: (Công đoàn, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Lào). Trong đó, cán bộ khối đảng chiếm 28%, khối chính quyền chiếm 32% và khối Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội chiếm 40%(2).

Qua nghiên cứu các báo cáo về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021-2022 và thực hiện điều tra khảo sát hơn 200 cán bộ, công chức và người dân các bản của các huyện Pạc U, huyện Xiêng Ngân, thành phố Luông Pha Băng, huyện Mương Nan, huyện Phôn Xay của tỉnh Luông Pha Băng năm 2022 nhận thấy, hệ thống chính trị cấp cơ sở ở địa phương đã bước đầu thể hiện, khẳng định vai trò trong triển khai thực hiện các chính sách phát triển bản trên một số lĩnh vực.

Thứ nhất, vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trongxây dựng bản phát triển trên lĩnh vực chính trị.

Xây dựng bản phát triển trên lĩnh vực chính trị được thực hiện chủ yếu theo phương châm đã được Đảng và Chính phủ Lào xác định cụ thể trong Nghị định 348/CP của Chính phủ Lào ban hành ngày16-11-2017 về tiêu chuẩn thoát nghèo và phát triển. Đó là “người dân trong bản có tư tưởng chính trị vững vàng, đoàn kết hòa thuận, chấp hành luật pháp và tự giác thực hiện quyền làm chủ của mình; Tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; Chính quyền bản vững mạnh; Bản đoàn kết hòa thuận; Bản tiêu biểu thực hiện pháp luật; Bản có Hội cựu chiến binh 3 tốt 6 giữ gìn; Bản có Hội phụ nữ 3 tốt; Bản có Đoàn thanh niên 4 tiến”(3).

Qua kết quả khảo sát cho thấy, vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở trong xây dựng bản phát triển theo phương châm trên các nội dung đã được thực hiện ở mức độ căn bản. Có 34,5% cán bộ, công chức cho rằng, hệ thống chính trị cấp cơ sở đã thực hiện “rất tốt” và 41% cho rằng thực hiện “tốt” việc nắm bắt chủ trương, đường lối về xây dựng bản phát triển; 25,0% cán bộ, công chức nhận định hệ thống chính trị cấp cơ sở đã thực hiện “rất tốt” và 49,5% thực hiện “tốt” việc ban hành các nghị quyết và giải pháp thực hiện; 28,5% cán bộ, công chức nhận thấy hệ thống chính trị cấp cơ sở đã thực hiện “rất tốt” và 39,5% thực hiện “tốt” việc tổ chức thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ; ở các nội dung: về tuyên truyền, vận động xây dựng bản phát triển (30% cho rằng thực hiện “rất tốt” và 37,5% cho rằng thực hiện “tốt”); về kiểm tra, giám sát xây dựng bản phát triển (29,5% cho rằng thực hiện “rất tốt” và  38,0% cho rằng thực hiện “tốt”); về việc thực hiện nội dung đề xuất kiến nghị lên cấp trên (30,5% cho rằng thực hiện “rất tốt” và 36,5% cho rằng thực hiện “tốt”) (Biểu đồ 1). Kết quả khảo sát cũng cho thấy, việc thực hiện vai trò xây dựng bản phát triển trên lĩnh vực chính trị được đánh giá cao nhất với 29,6% cho rằng “rất tốt”, 40,3% cho rằng “tốt”.

Biểu đồ 1. Đánh giá của cán bộ, công chức về vai trò xây dựng bản phát triển trên lĩnh vực chính trị của hệ thống chính trị cấp cơ sở tỉnh Luông Pha Băng

Nguồn: Điều tra khảo sát của tác giả, năm 2022.

Qua các ý kiến phỏng vấn sâu cán bộ lãnh đạo, quản lý về cơ bản cho rằng, đội ngũ cán bộ cấp bản có trình độ, phẩm chất đạo đức cách mạng, do đó đã phát huy tốt tính tiền phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt trong công tác tuyên truyền vận động người dân chấp hành pháp luật, xây dựng tinh thần đoàn kết. Qua thực tiễn hoạt động, cán bộ cấp bản đã sử dụng, kết hợp các phương thức, biện pháp trong công tác vận động, tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn công tác(4).

Thứ hai, vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở trong xây dựng bản phát triển trên lĩnh vực kinh tế.

Trong những năm qua,chính quyền tỉnh Luông Pha Băng đã tập trung chỉ đạo ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn, từ đó góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần thu hẹp chênh lệch về điều kiện sống và lao động giữa đô thị và nông thôn, tạo bộ mặt nông thôn mới văn minh, hiện đại. Hệ thống chính trị cơ sở từng bước chỉ đạo quy hoạch xây dựng nông thôn toàn diện, bám sát vào chương trình, mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới(5).

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; bộ mặt nhiều vùng nông thôn thay đổi rõ rệt. Đời sống vật chất và tinh thần của dân cư ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện. Công cuộc xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả ngày càng tốt(6). Những kết quả đó đã phần nào phản ánh vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở ở tỉnh trong xây dựng bản phát triển.

Qua khảo sát cho thấy, việc thực hiện vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở ở tỉnh Luông Pha Băng được đánh giá tích cực. Có 62% cán bộ, công chức đánh giá việc nắm bắt chủ trương, đường lối và ban hành nghị quyết và các giải pháp thực hiện của hệ thống chính trị địa phương đạt ở mức “tốt” đến “rất tốt”; 65,5% và 61,5% cán bộ, công chức đánh giá việc tổ chức thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ và tuyên truyền, vận động xây dựng bản phát triển; 60% cán bộ công chức cho rằng việc thực hiện kiểm tra, giám sát xây dựng bản phát triển của hệ thống chính trị đạt ở mức tốt đến rất tốt; có 60,5% cán bộ, công chức nhận định hệ thống chính trị đã thực hiện việc đề xuất, kiến nghị lên cấp trên đạt ở mức “tốt” đến “rất tốt”.

Từ những cố gắng, nỗ lực của hệ thống chính trị các cấp, trong đó có hệ thống chính trị cấp cơ sở, đến nay tỉnh Luông Pha Băng đã: xóa đói giảm nghèo thêm 27 bản với 1.186 hộ gia đình; xây dựng 53.220 hộ gia đình phát triển (tăng 4.017 hộ so với năm 2015), và 325 bản phát triển có (tăng 45 bản so với năm 2015). Xây dựng bản lớn thành thị trấn nhỏ ở nông thôn được 3 bản(7).

Như vậy, mặc dù vẫn còn một số tiêu chí của bản phát triển trên lĩnh vực kinh tế chưa đạt như kế hoạch tổng thể của tỉnh đề ra, nhưng về cơ bản trong những năm qua, hệ thống chính trị cấp cơ sở ở tỉnh Luông Pha Băng đã hoàn thành khá tốt vai trò xây dựng bản phát triển trên lĩnh vực kinh tế trong những năm qua.

Thứ ba, vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trongxây dựng bản phát triển trên lĩnh vực văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường

Hệ thống chính trị cấp cơ sở đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc xây dựng bản phát triển trên lĩnh vực văn hóa - xã hội và môi trường. Tỉnh đã hoàn thành xuất bản Sổ tay phòng ngừa tác động môi trường để cấp phát cho các cộng đồng tiếp nhận dự án trong năm 2020, tổng số 54 dự án tại 54 bản của 6 huyện mục tiêu; hoàn thành tập huấn về phòng ngừa tác động xã hội và cơ chế góp ý, giải quyết vướng mắc cho các tổ chức cấp bản và ban hòa giải cấp bản 54 bản thuộc 6 huyện mục tiêu tiếp nhận tiểu dự án năm 2020 với tổng số 4.452 người tham gia, 2.110 phụ nữ;hoàn thành đánh giá tác động xã hội 54 tiểu dự án thuộc 6 đô thị mục tiêu được hỗ trợ hạ tầng trong năm 2020. Thường xuyên có kế hoạch tập huấn về công tác môi trường trước khi xây dựng các dự án để bảo đảm giảm thiểu tác động đến hệ sinh thái, như: dọn dẹp rác thải xây dựng, trồng cây thay thế và ngăn chặn người dân khai thác tài nguyên trong khu vực dự trữ của bản(8).Qua nghiên cứu các báo cáo về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021-2022 và thực hiện điều tra khảo sát hơn 200 cán bộ, công chức và người dân các bản của các huyện Pạc U, huyện Xiêng Ngân, thành phố Luông Pha Băng, huyện Mương Nan, huyện Phôn Xay của tỉnh Luông Pha Băng năm 2022 nhận thấy, hệ thống chính trị cấp cơ sở ở địa phương đã bước đầu thể hiện, khẳng định vai trò trong triển khai thực hiện các chính sách phát triển bản trên một số lĩnh vực.

Hệ thống chính trị cấp cơ sở đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc xây dựng bản phát triển trên lĩnh vực văn hóa - xã hội và môi trường. Tỉnh đã hoàn thành xuất bản Sổ tay phòng ngừa tác động môi trường để cấp phát cho các cộng đồng tiếp nhận dự án trong năm 2020, tổng số 54 dự án tại 54 bản của 6 huyện mục tiêu; hoàn thành tập huấn về phòng ngừa tác động xã hội và cơ chế góp ý, giải quyết vướng mắc cho các tổ chức cấp bản và ban hòa giải cấp bản 54 bản thuộc 6 huyện mục tiêu tiếp nhận tiểu dự án năm 2020 với tổng số 4.452 người tham gia, 2.110 phụ nữ; hoàn thành đánh giá tác động xã hội 54 tiểu dự án thuộc 6 đô thị mục tiêu được hỗ trợ hạ tầng trong năm 2020. Thường xuyên có kế hoạch tập huấn về công tác môi trường trước khi xây dựng các dự án để bảo đảm giảm thiểu tác động đến hệ sinh thái, như: dọn dẹp rác thải xây dựng, trồng cây thay thế và ngăn chặn người dân khai thác tài nguyên trong khu vực dự trữ của bản(8).

Qua các kết quả nghiên cứu định tính cho thấy, về cơ bản các dự án đầu tư phát triển đều được đội ngũ cán bộ ở các bản phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện đánh giá tác động tới môi trường sống của cư dân, những phát sinh có thể có nguy hại tới nguồn nước. Các cán bộ ở bản khá quan tâm tới việc duy trì môi trường sống trong sạch, thường xuyên vận động, tuyên truyền cho người dân biết về những lợi ích của bảo vệ môi trường đối với sức khoẻ con người và xây dựng đời sống văn hóa mới.

Kết quả khảo sát cho thấy, hệ thống chính trị cấp cơ sở đã bước đầu khẳng định vai trò trong xây dựng bản phát triển về văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường, thể hiện trong các đánh giá có tính tích cực của cán bộ, công chức. Có 65,0% cán bộ, công chức nhận định hệ thống chính trị đã nắm bắt tốt chủ trương, đường lối; 70,5% cán bộ, công chức nhận định hệ thống chính trị đã thực hiện tốt việc ban hành nghị quyết và các giải pháp thực hiện; 64,0% cán bộ, công chức nhận định hệ thống chính trị cấp cơ sở đã thực hiện tốt việc tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ; 64,5% cán bộ, công chức cho rằng hệ thống chính trị cấp cơ sở đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động xây dựng bản phát triển; 65,5% cán bộ, công chức nhận định hệ thống chính trị đã thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát xây dựng bản phát triển; 60,5% cán bộ, công chức nhận định hệ thống chính trị đã thực hiện tốt việc đề xuất kiến nghị lên cấp trên.

Tuy nhiên, trong các đánh giá tổng thể cho thấy, vai trò xây dựng bản phát triển trên lĩnh vực văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường của hệ thống chính trị cấp cơ sở chưa được phát huy mạnh mẽ như ở các lĩnh vực khác.

Thứ tư, vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong xây dựng bản phát triển trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh

Để góp phần thực hiện các tiêu chí của bản phát triển trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, đội ngũ cán bộ cấp cơ sở ở tỉnh Luông Pha Băng thường xuyên bám sát, nắm bắt tình hình an ninh, ổn định chính trị, an toàn trật tự xã hội địa bàn từng bản để kịp thời có các giải pháp, biện pháp khắc phục, đặc biệt trong công tác phòng chống tội phạm, tội phạm ma túy xuyên biên giới.

Qua khảo sát cho thấy, đây là vai trò có mức độ thực hiện được đánh giá cao thứ 2 sau vai trò xây dựng bản phát triển trên lĩnh vực chính trị.  Có 71,5% cán bộ công chức cho rằng hệ thống chính trị đã thực hiện tốt việc nắm bắt chủ trương, đường lối và ban hành nghị quyết và các giải pháp thực hiện; 74,5% cán bộ, công chức đánh giá hệ thống chính trị đã thực hiện tốt việc triển khai thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ; 75,5% cán bộ, công chức cho rằng hệ thống chính trị cấp cơ sở đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động xây dựng bản phát triển; có 73,5% cán bộ, công chức nhận định hệ thống chính trị cơ sở đã thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát xây dựng bản phát triển; có 74,0% cán bộ công chức nhận định hệ thống chính trị đã thực hiện tốt việc đề xuất, kiến nghị lên cấp trên.

Các kết quả nghiên cứu định tính cũng cho thấy, đội ngũ công an, quân sự ở các cụm bản nắm khá chắc chức trách, nhiệm vụ được giao, có được sự tin tưởng, tín nhiệm của chi bộ và chính quyền bản, sự tin yêu của người dân trong bản. Qua phối hợp cho thấy họ đã nắm khá tốt tình hình an ninh trật tự ở địa bàn quản lý; đồng thời, thường xuyên, kịp thời đề xuất với chính quyền bản, với công an, quân đội ở huyện để giải quyết các mâu thuẫn, xung đột trong dân. Họ cũng đã có nhiều cách làm để giúp người dân biết tự bảo vệ mình và gia đình trước những kẻ buôn bán, vận chuyển ma túy khi chúng có ý đồ xấu. Nhờ đó đã giảm dần sự xuất hiện của tội phạm buôn ma tuý trong bản.

Như vậy, qua các kết quả nghiên cứu nhận thấy, về cơ bản đội ngũ cán bộ cấp cơ sở ở tỉnh Luông Pha Băng đã hoàn thành khá tốt vai trò trong quá trình xây dựng bản phát triển. Những kết quả đạt được đó cũng đã được chính quyền cấp huyện, cấp tỉnh và các tầng lớp nhân dân ghi nhận. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở trong xây dựng bản phát triển,vẫn còn tồn tại những yếu kém, hạn chế của hệ thống chính trị trong xây dựng bản phát triển trên lĩnh vực văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, việc thực hiện nội dung “đề xuất, kiến nghị lên cấp trên” là nội dung có mức độ đánh giá thấp nhất trong 6 nội dung công việc xây dựng bản phát triển trên từng lĩnh vực; công tác tuyên truyền, phổ biến về vị trí, vai trò và ý nghĩa của xây dựng bản phát triển đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đối với việc cải thiện và nâng cao chất lượng sống toàn diện của các tầng lớp nhân dân trong xã hội chưa thường xuyên, chưa tốt. Thậm chí, quá trình tuyên truyền, phổ biến còn sử dụng những hình thức, biện pháp chưa phù hợp, thiếu linh hoạt; việc phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập trong thực tiễn hoạt động, triển khai của hệ thống chính trị cấp cơ sở ở tỉnh Luông Pha Băng nói riêng và các địa phương khác ở Lào nói chung. 

2. Giải pháp phát huy vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở trong xây dựng bản phát triển

Để phát huy tốt hơn nữa vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở trong xây dựng bản phát triển, hướng đến những kết quả thực chất, bền vững nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân, cần thực hiện một số nội dung sau:

Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, là những nhân tố quyết định nhất bảo đảm xây dựng bản phát triển. Bên cạnh tính phổ biến, cần chú ý tính đặc thù của từng nơi, từng cấp lãnh đạo, quản lý do chi phối của tính địa phương, tính tộc người; cần kết hợp chặt chặt chẽ giữa luật pháp và luật tục, giữa tri thức khoa học và tri thức địa phương trong lãnh đạo, quản trị địa phương; phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, coi trọng vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân cư.

Hai là, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Luông Pha Băng nói riêng và các tỉnh ở Lào nói chung cần chú trọng công tác kiện toàn đội ngũ cán bộ cấp cơ sở cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Có chính sách đãi ngộ phù hợp với đặc thù công tác của cán bộ chuyên trách xây dựng bản phát triển địa bàn tỉnh.

Ba là, thường xuyên coi trọng, đánh giá chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở trong xây dựng bản phát triển như một tiêu chí để xây dựng, quy hoạch và tạo nguồn cán bộ cấp cao hơn nhằm tạo động lực cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở nỗ lực phấn đấu trong thực hiện nhiệm vụ.

Bốn là, đối với đội ngũ cán bộ cấp cơ sở ở tỉnh Luông Pha Băng cần thường xuyên nâng cao trình độ, kiến thức thông qua việc học tập, rèn luyện tại các cơ sở đào tạo, qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, qua tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân để góp phần hoàn thành tốt chức trách của bản thân, đồng thời góp phần hoàn thành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Lào về xây dựng bản phát triển.

Năm là, phát huy dân chủ, xây dựng khối đoàn kết trong các bản, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân trong nắm bắt và giải quyết những vấn đề thiết thực của đời sống dân sinh, xử lý từ sớm, từ gốc, từ xa các yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây xung bất ổn hội nhằm bảo đảm tốt an ninh - quốc phòng, trật tự, an ninh xã hội của địa phương.

_________________

Ngày nhận bài: 17-7-2023; Ngày bình duyệt: 22-7-2023; Ngày duyệt đăng: 16-8-2023.

(1), (7) Chính quyền tỉnh Luông Pha Băng: Báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020) và kế hoạch phát triển 5 năm (2021-2025) lần thứ 8 của tỉnh Luông Pha Băng.

(2) Tỉnh ủy Luông Pha Băng: Chương trình đánh giá kết quả hệ thống chính trị cơ sở toàn tỉnh Luông Pha Băng năm 2022.

(3) Chính phủ: Nghị định 348/CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ Lào về tiêu chuẩn thoát nghèo và phát triển, Viêng Chăn.

(4) Số liệu khảo sát và phỏng vấn sâu của đề tài cấp cơ sở “Vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở trong xây dựng bản phát triển của tỉnh Luông Pha Băng hiện nay”, năm 2022.

(5), (6) Bounmy Laofaidang: Quản lý nhà nước của tỉnh Luông Pha Băng (Lào) trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, Tạp chí Quản lý nhà nước, ngày 26-5-2022, truy cập từ https://www.quanlynhanuoc.vn

(8) Sở Nông lâm nghiệp tỉnh Luông Pha Băng: Báo cáo tổng kết năm 2021 và định hướng kế hoạch năm 2022 trong công tác quy hoạch và đối ngoại.

NCS KHAMKIENG CHONGHOUATHOR

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở trong xây dựng bản phát triển ở Lào (Qua thực tiễn tỉnh Luông Pha Băng)
    POWERED BY