Vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Bolikhamxay, Lào

03/04/2023 14:56

(LLCT) - Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Lào trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thực hiện các nội dung, mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Đảng và Nhà nước Lào đã ban hành nhiều quy định và chính sách nhằm huy động tổng nguồn lực, phát huy tối đa vai trò của hệ thống chính trị các cấp và toàn Đảng, toàn dân. Trong đó, vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở được xác định là hạt nhân, là điều kiện quan trọng để các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về xây dựng nông thôn mới đến với toàn thể nhân dân và được thực hiện hiệu quả.

Vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Bolikhamxay, Lào

Chùa Wat Phabat, tỉnh Bolikhamxay, Lào - Ảnh: vov.vn

1. Hệ thống chính trị cấp cơ sở trong xây dựng nông thôn mới

Vai trò được hiểu là những gì mà một cá nhân, nhóm xã hội và tổ chức phải làm để giữ vị thế của mình có giá trị. Nó là những hành động mà cá nhân, nhóm, tổ chức và xã hội mong chờ, kỳ vọng một cá nhân, nhóm xã hội và tổ chức phải thực hiện phù hợp với vị trí xã hội của họ. Hệ thống chính trị (HTCT) cấp cơ sở là cấp hành động, tổ chức hành động; trực tiếp đưa đường lối, chính sách vĩ mô thành hoạt động thực tiễn của dân. Trong công tác xây dựng nông thôn mới ở Lào, vai trò của HTCT cấp cơ sở thể hiện nổi bật ở những điểm sau:

Một là, nắm bắt chỉ thịnghị quyết, chính sách và pháp luật trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Khâu quan trọng của XDNTM chính là việc HTCT cấp cơ sở thực hiện việc nắm bắt, vận dụng sáng tạo các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản của cấp ủy đảng và chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện vào thực tiễn của địa phương; nhằm tạo sự đồng thuận chung về nhận thức, hành động trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng ở khu vực nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân.

Hai là, lập kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu XDNTM. Vai trò này của HTCT cơ sở bao gồm: vạch ra các mục tiêu dài hạn và các kế hoạch thực hiện, lập các kế hoạch cụ thể, xây dựng các mục tiêu ngắn hạn và ngân sách. Việc vạch kế hoạch chỉ tiêu XDNTM của HTCT cấp cơ sở đóng vai trò mang tính định hướng trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu XDNTM ở từng địa phương. Việc xác lập kế hoạch xây dựng với các chỉ tiêu phù hợp với thực tế sẽ giúp chọn lựa cách thức thực hiện hợp lý, từ đó có các quyết định phù hợp và hiệu quả. Đây là vai trò mấu chốt, bao gồm việc tìm ra các phương tiện và nguồn lực thích hợp, kịp thời để thực hiện thắng lợi các mục tiêu.

Ba là, tuyên truyền, vận động về XDNTM. Vai trò tuyên truyền, vận động của HTCT cơ sở thể hiện trên các mặt: (1) giúp nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức về XDNTM, từ đó có các hoạt động phối hợp, hỗ trợ triển khai thiết thực; (2) góp phần thay đổi nhận thức của người dân, qua đó phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của họ; (3) tuyên truyền, phổ biến, lan tỏa những mô hình hiệu quả, những cách làm hay trong XDNTM để các địa phương có thể áp dụng. Đồng thời, những bất cập trong triển khai cũng được cảnh báo để các đơn vị, địa phương rút kinh nghiệm.

Bốn là, tổ chức thực hiện XDNTM. Vai trò tổ chức thực hiện trong XDNTM của HTCT cấp cơ sở thể hiện qua việc thành lập bộ máy chỉ đạo, điều hành, giám sát. HTCTcấp cơ sở lãnh đạo, tổ chức, điều hành, quản lý, hướng dẫn nhân dân về mọi mặt trong XDNTMbảo đảm theo đúng pháp luật và các chính sách, kế hoạch, chương trình, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm chất lượng và hiệu quả, chống tham ô, lãng phí.

Năm là, huy động nguồn lực trong XDNTM. HTCT cấp cơ sở có vai trò, trách nhiệm vận động, huy động nguồn lực XDNTM thể hiện phương châm và nguyên tắc xã hội hóa dựa trên cơ sở Nhà nước và nhân dân cùng làm. Điều nàyđược biểu hiện ở các nội dung: (1) nhân dân là chủ thể thực hiện trong việc sáng tạo cách làm để thực hiện thành công các tiêu chí XDNTM;(2) xã hội hóa trong XDNTM, động viên các tổ chức, cá nhân chủ động đóng góp tiền và sức lao động để XDNTM cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện tốt các tiêu chí theo quy định; (3) xã hội hóa trong tổ chức và thực hiện bảo đảm tạo ra chất lượng hưởng lợi cho chính người dân tại địa phương. Các hình thức huy động của HTCT cấp cơ sở bao gồm: tiền mặt; hiện vật (như đất đai, hoa màu và các tài sản gắn liền với đất,…), ngày công lao động,… và các hình thức xã hội hóa khác.

Sáu là, kiểm tra, giám sát trong XDNTM. Vai trò kiểm tra, giám sát của HTCT cấp cơ sở trong XDNTM bao gồm: xây dựng chương trình hoạt động công tác kiểm tra, giám sát và phân công cán bộ kiểm tra, giám sát thực hiện nghị quyết, chính sách, pháp luật về XDNTM; quan tâm và tạo điều kiện để Ban giám sát cộng đồng hoạt động có hiệu quả; giải quyết kịp thời các kiến nghị.

Bảy là, đề xuất, kiến nghị lên các cơ quan và cấp có thẩm quyền. Từ quá trình thực hiện, HTCT cấp cơ sở tổng kết những mô hình, kinh nghiệm quý báu trong XDNTM; phát hiện những bất cập trong XDNTM; chỉ ra những điểm phù hợp và phát hiện những vấn đề khiếm khuyết, không hợp lý trong thực hiện các chính sách liên quan đến XDNTM trên địa bàn, từ đó đề xuất với các cơ quan và cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, bổ sung, hoàn chỉnh và tổ chức thực hiện chính sách, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

2. Thực trạng vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Bolikhamxay

Nhằm cụ thể hóa mục tiêu “xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, giàu đẹp, đi đôi với nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân”(1) mà Đảng Nhân dân Cách mạng Lào xác định, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bolikhamxay tập trung lãnh đạo, chỉ đạo HTCT tham gia thực hiện hiệu quả nhiều mục tiêu trong XDNTM, như: thành lập các ban chỉ đạo, ban quản lý XDNTM ở các địa phương, đặc biệt là ở các cụm bản làm điểm ở các huyện: Thaphabạt, Phacađinh; Bolikhăn, Khămcớt...

Sau khi thành lập, Đảng ủy các cụm bản đã khẩn trương triển khai kế hoạch, các nội dung công việc. Đặc biệt, khối dân vận cơ sở ở các cụm bản tích cực vận động, tuyên truyền nhân dân hưởng ứng thực hiện các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, trọng tâm là phong trào Chung tay cùng cả nước XDNTM.

Công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ của các tổ chức thành viên trong HTCT cơ sở đối với nhiệm vụ XDNTM được tiến hành thường xuyên. Thông qua kiểm tra, giám sát, các tổ chức cơ sở đảng đã đánh giá được tính hiệu quả thực tiễn của đường lối, chủ trương đề ra, kịp thời khắc phục những khuyết điểm, phát huy những mặt tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo XDNTM ở từng bản, cụm bản.

Thực hiện chủ trương của Đảng bộ tỉnh Bolikhamxay, chính quyền các cụm bản đã chủ động phối hợp với Mặt trận thực hiện có hiệu quả việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri, trao đổi thông tin, nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân về XDNTM; thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri và nhân dân, các vấn đề nổi cộm trong XDNTM được phát hiện và giải quyết kịp thời. Hoạt động giám sát quá trình tổ chức thực hiện XDNTM được các cụm bản trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc và thường xuyên. Mỗi năm, các cụm bản thực hiện từ 2 đến 3 cuộc giám sát chuyên đề. Qua đó, những vấn đề bất cập, sai phạm trong công tác tổ chức XDNTM được phát hiện và kịp thời khắc phục.

Chức năng quản lý, điều hành XDNTM của chính quyền cấp cụm bản được thực hiện chủ yếu thông qua ban quản lý XDNTM. Ở Bolikhamxay, ngay sau khi được thành lập, Ban quản lý XDNTM tập trung khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn để xác định nguồn kinh phí cần thiết cho các nội dung công việc. Trong 35 cụm bản nông thôn của toàn tỉnh, đã có 13 cụm bản quy hoạch XDNTM, 21 cụm quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và hạ tầng kinh tế - xã hội. Mặc dù chưa có cụm bản nào đạt đủ 19 tiêu chí của XDNTM nhưng nhiều cụm bản đã đạt được một số tiêu quan trọng. Toàn tỉnh đã có 24 cụm bản đạt tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất; 22 cụm bản đạt tiêu chí về hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh; 25 cụm bản đạt tiêu chí về điện; 27 cụm bản đạt tiêu chí về an ninh trật tự xã hội; 26 cụm bản đạt tiêu chí về y tế(2).

Để bảo đảm công tác XDNTM ở các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh diễn ra đúng trình tự, tiến độ, các cụm bản thường xuyên họp định kỳ để nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc công tác XDNTM; tiến hành sơ kết, đánh giá để chỉ ra những thành tựu, hạn chế, từ đó có những đổi mới trong phương pháp thực hiện nhằm thúc đẩy quá trình XDNTM trên địa bàn. Trong quá trình thực hiện XDNTM, chính quyền cấp cụm bản ở hầu hết các địa phương đã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện công khai, minh bạch các chương trình, kế hoạch, kinh phí, ngân sách, thu hút mọi người dân tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới(3).

Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở tích cực thực hiện và phát huy tốt vai trò trong XDNTM. Mặt trận các cụm bản đã phối hợp với cấp ủy Đảng hướng dẫn việc thành lập Ban Giám sát đầu tư cộng đồng; kiện toàn Ban Thanh tra nhân dân ở các cụm bản; đào tạo, tập huấn cho cán bộ về xây dựng nông thôn mới; tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân hưởng ứng các phong trào như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”…; tuyên truyền, vận động nhân dân thấy được tầm quan trọng của XDNTM, từ đó, nâng cao nhận thức của họ về trách nhiệm trong việc chung tay cùng XDNTM. Đến hết tháng 11 -2020, Mặt trận các cấp trong toàn tỉnh Bolikhamxay đã vận động đóng góp vật chất của nhân dân với tổng giá trị là 136,5 tỷ kíp; trong đó có 22.022 hộ dân và 1.050 cá nhân đóng góp bằng tiền mặt, công lao động, nguyên vật liệu... với giá trị là 84,4 tỷ kíp và 20,6 tỷ kíp để xây dựng các công trình phúc lợi của thôn như: điện thắp sáng, vệ sinh đường bản, trạm điện..., tạo ra khí thế thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới(4).

Phát huy vai trò xung kích, các cơ sở Đoàn vận động được 325 gia đình đoàn viên thanh niên hiến đất, hiến tài sản với trên 105.000m2 đất; huy động lực lượng thanh niên tình nguyện đóng góp trên 3.300 ngày công tham gia giải phóng mặt bằng; cắm được trên 2.000 cột mốc lộ giới ở các trục đường bản; xây dựng được 221 công trình thanh niên, phần việc thanh niên với giá trị hơn 1,5 tỷ kíp...(5).

Đặc biệt lực lượng thanh niên địa phương đã xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi (điển hình là mô hình tổ hợp tác thanh niên sản xuất rau sạch tại cụm bản Tha Bốc huyện Thaphabạt). Qua đó từng bước góp phần hình thành lớp thanh niên nông thôn có kiến thức, tay nghề, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương mình, trở thành lực lượng tiên phong trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế của quê hương để phát triển kinh tế, góp phần trong giải quyết việc làm ở địa phương, đẩy nhanh tiến độ XDNTM.

Hội Phụ nữ ở các cụm bản chú trọng quan tâm hỗ trợ cán bộ, hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng và xây dựng gia đình hạnh phúc. Trong 5 năm, các cơ sở Hội phụ nữ ở địa phương đã xây dựng 185 mô hình hỗ trợ con giống, giúp nhau ngày công, con giống với tổng giá trị là 659 triệu kíp; mở 54 lớp dạy nghề (móc hộp, đính hạt cườm, đan làn nhựa, đan bèo, kỹ thuật nuôi thỏ, trồng nấm…) cho 3.962 hội viên; giúp 276 hộ hội viên phụ nữ thoát nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện; huy động hội viên “nuôi” 22.789 lợn nhựa phục vụ quỹ khuyến học với tổng số tiền là 998 triệu kíp; vận động cán bộ, hội viên tham gia các lớp dạy nghề (đan cói, may công nghiệp…); phối hợp với huyện hội và các đơn vị kinh tế giới thiệu và tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động nữ... Nhờ đó, nhiều gia đình hội viên ở nông thôn đã xây dựng thành công các mô hình kinh tế(7).

Hội nông dân tích cực thực hiện tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, chủ trương của Đảng, Nhà nước về XDNTM. Đến năm 2020, các cấp Hội nông dân trong tỉnh đã tổ chức 425 hội nghị tuyên truyền về XDNTM cho 16.930 lượt cán bộ hội viên nông dân; phối hợp với các cơ quan báo chí xây dựng các phóng sự, tin, bài tuyên truyền về các điển hình tiên tiến trong XDNTM. Qua công tác tuyên truyền, vận động đã có 7.887 hộ gia đình nông dân tự nguyện hiến 48 ha đất, đóng góp tiền mặt, nguyên vật liệu, tài sản trên đất với giá trị trên 90 tỷ kíp để xây dựng nông thôn mới(8).

Phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Latsavong”, Hội Cựu chiến binh cấp cơ sở trong toàn tỉnh tích cực tổ chức các lớp tập huấn xây dựng NTM. Hội Cựu chiến binh đã tổ chức được 17 lớp tập huấn về xây dựng nông thôn mới; 163 buổi hội thảo tuyên truyền với sự tham gia của hơn 11.000 lượt cán bộ, hội viên(9).

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát huy vai trò của HTCT cấp cơ sở trong XDNTM ở tỉnh Bolikhamxay còn một số hạn chế, như: một số đảng bộ cụm bản chưa phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở; chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận trong HTCT cấp cơ sở trong xây dựng nông thôn mới chưa được phân định rõ; tổ chức và hoạt động của một số tổ chức cơ sở còn mang tính hình thức, hiệu quả đạt được chưa cao; trình độ, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, công chức cấp cụm bản chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn nhiều chức danh chưa đạt chuẩn, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành chưa ngang tầm nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ XDNTM.

3. Giải pháp phát huy vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Bolikhamxay thời gian tới

Thứ nhất, đổi mới, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị cấp trên trong xây dựng nông thôn mới

Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bolikhamxay cần quán triệt vấn đề đổi mới, nâng cao vai trò của HTCT cấp trên cơ sở có mối quan hệ trực tiếp đến việc thực hiện thành công các chỉ tiêu, tiêu chí XDNTM ở mỗi địa phương; HTCT các huyện ở tỉnh Bolikhamxay cần thường xuyên giao ban với cấp cơ sở để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong quá trình XDNTM; HTCT cấp trên cơ sở ở Bolikhamxay (cấp tỉnh, cấp huyện) cần quán triệt, tuyên truyền, vận động sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành và nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước Lào trong thực hiện XDNTM.

Thứ hai, kiện toàn, đổi mới và phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện, nhất là quán triệt nghị quyết của tổ chức cơ sở đảng trong XDNTM

Để phát huy vai trò của tổ chức cơ sở đảng ở khu vực nông thôn của tỉnh Bolikhamxay,với vai trò là lực lượng đi đầu trong XDNTM, cần tiếp tục củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, (chi bộ bản, đảng bộ cụm bản) trong sạch, vững mạnh về tư tưởng, năng lực tổ chức thực hiện, năng lực quản lý, điều hành XDNTM. Cấp ủy đảng cơ sở cần cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước Lào về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả tại địa phương thông qua hệ thống quy định, cơ chế, chính sách. Chính quyền tỉnh Bolikhamxay cần tập trung xây dựng tổ chức cơ sở đảng thực sự là hạt nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ XDNTM; trên cơ sở xác định việc nâng cao năng lực định hướng của tổ chức cơ sở đảng là nhiệm vụ căn bản trong xây dựng và thực hiện tiêu chí XDNTM, thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức sinh hoạt chi bộ theo hướng thiết thực, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn ở nông thôn.

Thứ ba, nâng cao năng lực và phát huy vai trò nòng cốt của chính quyền cấp cơ sở trong lập kế hoạch chỉ tiêu và tổ chức XDNTM

Chính quyền cấp cơ sở ở tỉnh Bolikhamxay cần có những biện pháp phát huy hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý, điều hành, như: nâng cao chất lượng các kỳ họp, đổi mới phương thức tiếp xúc cử tri và trực tiếp đối thoại với nhân dân cụm bản; tăng cường công tác giám sát việc thực hiện nghị quyết của HĐND và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, trong đó có những vấn đề liên quan đến XDNTM; thực hiện đổi mới phương thức hoạt động của chính quyền cấp cụm bản trên cơ sở xác định rõ vai trò, vị trí của chính quyền cấp cụm bản trong XDNTM, từ đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước.

Thứ tư, nâng cao năng lực, phát huy vai trò tập hợp lực lượng, tuyên truyền và giám sát của Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở trong XDNTM

Xác định cụ thể nội dung, phương thức hoạt động, vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cấp cụm bản và bản trên cơ sở bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, hướng về cụm bản; bảo vệ thiết thực quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, đoàn viên, nhằm nâng cao chất lượng công tác vận động quần chúng; khắc phục tình trạng “hành chính hóa” công tác đoàn thể; dần thực hiện chế độ “tự quản” trong cộng đồng dân cư.

Tăng cường chức năng phản biện xã hội của Mặt trận và cáctổ chức chính trị - xã hội đối với bộ máy chính quyền trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý kinh tế - xã hội tại địa phương nói chung và XDNTM nói riêng. Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cấp cụm bản và bản cần phát huy tốt vai trò tập hợp, xây dựng khối đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân, góp phần huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân cùng tham gia XDNTM. Phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, bảo đảm nhân dân vừa là người thực hiện, vừa là người thụ hưởng những thành quả của chương trình quốc gia XDNTM.

Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở ở nông thôn tỉnh Bolikhamxay phải đóng vai trò đi đầu, tiên phong, gương mẫu trong công tác tuyên truyền và tham gia các hoạt động XDNTM, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước Lào trong xây dựng và thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí XDNTM; thường xuyên nhân rộng, lan tỏa, chia sẻ những điển hình tiên tiến, những mô hình hay, tạo sức lan tỏa và phong trào thi đua trong XDNTM; thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp và nội dung tuyên truyền sát với từng giai đoạn giai đoạn, thời điểm, thời kỳ cụ thể, góp phần nâng cao hiệu quả công tác XDNTM.

_________________

Ngày nhận bài: 28-12-2023;  Ngày bình duyệt: 05-01-2023; Ngày duyệt đăng: 03-3-2023.

(1) Đảng Nhân dân Cách mạng Lào: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Nhà nước, Viêng Chăn, 2006.

(2), (4), (5), (7), (8) Ủy ban nhân dân tỉnh Bolikhamxay: Báo cáo tổng kết Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025, Pakxan, tr.18, 22, 25, 21, 20.

(3) Sở Nông lâm tỉnh Bolikhamxay: Đánh giá kết quả Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2021-2022 và bài học kinh nghiệm, Pakxan, tr.11.

(6) Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bolikhamxay: Đánh giá tổng kết công tác hội và phong trào phụ nữ giai đoạn 2016-2020, phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025, Pakxan, tr.7.

(9) Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bolikhamxay: Báo cáo tổng kết Phong trào quân đội chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Pakxan, tr.13.

ThS KANHA SENTHAMAVONG

NCS Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Bolikhamxay, Lào
    POWERED BY