Vận dụng mô hình kinh tế chia sẻ trong phát triển kinh tế nông nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp

15/04/2022 12:54

(LLCT) - Mô hình kinh tế chia sẻ đã bắt đầu xuất hiện trong một số lĩnh vực ở Việt Nam. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã sớm ban hành các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên đến nay, trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp và các hợp tác xã nông nghiệp vẫn chưa có một văn bản hướng dẫn, đánh giá, định vị việc thực hiện kinh doanh theo mô hình này. Trên cơ sở đánh giá tình hình ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ, bài viết đề xuất các quan điểm và giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Bài viết là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp quốc gia: “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ vào hoạt động của hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp”, do PGS, TS Đỗ Minh Cương làm Chủ nhiệm.

Vận dụng mô hình kinh tế chia sẻ trong phát triển kinh tế nông nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp

Việt Nam thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ trong phát triển nông nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp - Ảnh: https://vnbusiness.vn

1. Tình hình ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ trong ngành nông nghiệp Việt Nam

Mô hình kinh tế chia sẻ (Sharing Economy Model - sau đây viết tắt là MHKTCS) là một phương thức kinh doanh khai thác, quản trị các nguồn lực kinh tế, tài sản đang dôi dư của xã hội, theo các nguyên tắc cùng kết nối, chia sẻ (share), hợp tác (collaborative), cùng có lợi, cùng đạt được mục tiêu giảm chi phí, tăng hiệu quả và phát triển bền vững. Nó kết nối, trao đổi các thành viên trên một nền tảng công nghệ (platform) nhanh, tiện lợi và minh bạch thông tin.

Tại Việt Nam, kinh tế chia sẻ có thể hiểu là một phương thức kinh doanh mới mà ở đó tài sản và dịch vụ được chia sẻ cho nhiều người sử dụng trên thị trường thông qua sử dụng các nền tảng số(1).

Các loại hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện phổ biến ở Việt Nam là: (1) Lĩnh vực vận tải với dịch vụ chia sẻ phương tiện giao thông (như Grab, Go Viet, Dichung, Fastgo, Be, v.v..); (2) Dịch vụ lưu trú, du lịch (như Airbnb, Travelmob, Luxstay); (3) Lĩnh vực tài chính với dịch vụ cho vay ngang hàng (chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp Fintech). Ngoài ra, nhiều dịch vụ khác cũng đã được hình thành như chia sẻ không gian làm việc (coworking space), chia sẻ lao động và việc làm v.v..(2)

Ngày 12-8-2019, Chính phủ ban hành Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ” với mục tiêu bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp theo MHKTCS và kinh tế truyền thống. Chính phủ đã công nhận hình thức kinh doanh mới này với mục tiêu quản lý, thúc đẩy việc tận dụng các nguồn lực, tài nguyên còn dư thừa hoặc đang bị sử dụng lãng phí trong xã hội nhằm phát triển các hoạt động kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Quyết định số 999/QĐ-TTg tạo nền tảng pháp lý, một sân chơi chung, có sự hậu thuẫn của Nhà nước, giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, kinh doanh theo MHKTCS được thừa nhận và cạnh tranh bình đẳng với các công ty kinh doanh theo mô hình truyền thống. Điều quan trọng nhất trong phát triển của mô hình kinh tế này là mang lại nhiều sự lựa chọn và lợi ích cho người dùng(3).

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực cho sản xuất giai đoạn 2016-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung tổ chức triển khai các mô hình khuyến khích liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ngày 5-7-2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Chính phủ ban hành Quyết định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Tuy nhiên, có thể thấy hiện nay, trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp và các hợp tác xã nông nghiệp vẫn chưa có một văn bản hướng dẫn, định vị việc thực hiện kinh doanh theo MHKTCS là thế nào, xác định việc đánh giá theo mức độ ứng dụng ra sao. Đây được coi là khoảng trống chính sách đặt ra trong những năm tới.

Đến giữa năm 2021, cả nước có 57/63 tỉnh, thành phố đã ban hành nghị quyết của hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố về chính sách khuyến khích liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 48/63 tỉnh ban hành danh mục các ngành hàng, sản phẩm chủ lực quan trọng cần khuyến khích phát triển; 35/63 tỉnh ban hành phân cấp phê duyệt hỗ trợ liên kết; 19/63 tỉnh đã ban hành kế hoạch liên kết; 16/63 tỉnh phê duyệt đề án, dự án liên kết của tỉnh với 359 dự án được phê duyệt; 271 tổ chức khoa học, 586.585 hộ nông dân, 4.028 hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết với 1.867 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Có 1.644 chuỗi nông sản an toàn được chứng nhận với 2.346 sản phẩm, 823 hợp tác xã nông nghiệp sở hữu các sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Hiện đã xây dựng được 26/30 mô hình chuỗi liên kết giữa hộ nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; xây dựng thí điểm 6 mô hình cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long và cà phê ở Tây Nguyên.

Việc tổ chức liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt hơn so với sản xuất truyền thống. Ở đồng bằng sông Cửu Long, mỗi hécta lúa tham gia trong cánh đồng lớn có thể giảm chi phí sản xuất từ 10% đến 15% và giá trị sản lượng có thể tăng 20-25%, thu lời thêm từ 2,2 đến 7,5 triệu đồng/ha. Ở miền Bắc, giá trị sản lượng tăng trung bình từ 17% đến 25% tùy theo từng địa phương. Các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị đã trở lên khá phổ biến, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Tỷ lệ diện tích sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn được ký hợp đồng bao tiêu trước khi sản xuất đạt 27%, trong đó có đến 12/48 tỉnh đạt 100%.

Các chính sách và hoạt động trên đã tiếp cận tới một số yếu tố và nội dung của KTCS nhưng về mặt quản lý nhà nước, vẫn chưa có một chính sách hay kế hoạch tập trung vào nghiên cứu, ứng dụng và thúc đẩy sự phát triển của MHKTCS trong nông nghiệp.

Hiện nay, trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông nghiệp đang có nhu cầu lớn về hợp tác, chia sẻ giữa các chủ thể như: chia sẻ thông tin nguồn gốc sản phẩm (dùng QR code), chia sẻ thông tin thị trường, chia sẻ thông tin và dịch vụ về dùng chung công cụ sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, chia sẻ hoạt động tài chính... Tuy nhiên đến nay, việc xác định cấp độ, mức độ chia sẻ vẫn chưa có văn bản, cơ chế ban hành. Do đó, rất khó có thể xác định được các chủ thể tham gia loại hình chia sẻ này đang ở mức độ nào để từ đó nhận dạng, định chuẩn và có chính sách khuyến khích phát triển và quản lý phù hợp, hiệu quả. Quản lý nhà nước vẫn chưa có các chính sách, quy định hướng dẫn, hỗ trợ và thúc đẩy các hợp tác xã ứng dụng, phát triển các công nghệ và lợi thế của MHKTCS vào sản xuất, kinh doanh.

2. Các quan điểm và giải pháp thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ trong phát triển kinh tế nông nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2021-2025

Quan điểm, chủ trương, định hướng thúc đẩy việc vận dụng mô hình kinh tế chia sẻ trong sản xuất - kinh doanh nông nghiệp

Trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động như hiện nay, với sự phát triển không ngừng của các công nghệ cao, công nghệ số, thì việc chấp nhận và phát triển các loại hình kinh tế mới trong đó có MHKTCS là xu hướng tất yếu. Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25-2-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu chung “Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; bảo đảm an ninh lương thực và an ninh quốc phòng. Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu”. Đây được coi là mục tiêu chiến lược đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Sau Đại hội XIII của Đảng, vấn đề xây dựng pháp luật, triển khai các chính sách nhằm phát triển nông nghiệp trong bối cảnh mới được coi là 1 trong 3 đột phá về mặt thể chế. Do vậy, để thúc đẩy việc ứng dụng, vận hành MHKTCS trong nông nghiệp, đặc biệt là trong các doanh nghiệp và hợp tác xã kinh doanh nông nghiệp, cần thống nhất các quan điểm sau:

Thứ nhất, đối với công tác quản lý nhà nước cần cụ thể hóa và hiện thực hóa các quan điểm trong Quyết định số 999/QĐ-TTg, đó là:

Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa KTCS và kinh tế truyền thống: rà soát, bãi bỏ các quy định điều kiện kinh doanh không phù hợp trong nền kinh tế hiện nay, đặc biệt là áp dụng cho MHKTCS.

Xây dựng các chính sách chủ động phát triển KTCS, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp nhằm khuyến khích đổi mới và phát triển công nghệ, ưu tiên nghiên cứu phát triển các nền tảng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng số và phát triển KTCS.

Đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế: các bộ, ngành tăng cường phối hợp trong công tác điều hành quản lý nhà nước; đẩy nhanh thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số và nền kinh tế số.

Xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và cơ sở dữ liệu giữa chính quyền các cấp và các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành, nghề và các hộ kinh doanh, hợp tác xã...

Nâng cao năng lực quản lý nhà nước bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, bảo vệ quyền riêng tư của công dân, tổ chức, bảo đảm chủ quyền trên không gian mạng. Xây dựng cơ chế để các bên trong hoạt động KTCS có thể kiểm soát việc sử dụng thông tin theo đúng thỏa thuận; thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về mở cửa thị trường dịch vụ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh tốt trên nền tảng công nghệ số.

Thứ hai, đối với các chủ thể, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia thị trường:

Cá nhân, hợp tác xã và doanh nghiệp cần hiểu rõ trách nhiệm về khai báo thông tin liên quan đến các hoạt động của KTCS cho các cơ quan quản lý nhà nước, bao gồm các thông tin hoạt động, nghĩa vụ thuế và các quy định quản lý chuyên ngành.

Xây dựng cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro cho các bên trong hoạt động KTCS bao gồm cảnh báo sớm cho người cung cấp dịch vụ, hạn chế nạn giả danh, lừa đảo, tống tiền trên môi trường mạng.

Giải quyết vấn đề nảy sinh trong KTCS như vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội.

Tạo thị trường cho mọi công dân tham gia vào các hoạt động kinh doanh chia sẻ (bao gồm cả không gian, hàng hóa và kỹ năng). Khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Có mục tiêu, kế hoạch sản xuất - kinh doanh nông nghiệp sạch, chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế (Viet Gap, Global Gap, nông phẩm hữu cơ...), xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho nông sản đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch, chiếm lĩnh các thị trường quốc tế khó tính.

Thứ ba, đối với bên cung cấp nền tảng công nghệ:

Bảo đảm dịch vụ được thông suốt và công khai các tính năng của dịch vụ.

Có chính sách cho phép thử nghiệm trong phạm vi hẹp đối với các hoạt động cung cấp nền tảng mới; tôn trọng tính mới, tính sáng tạo của hoạt động doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp cung cấp nền tảng, các công nghệ, mô hình kinh doanh mới. 

Thứ tư, đối với người tiêu dùng:

Giáo dục, truyền thông về kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ số, dịch vụ kinh tế số, pháp luật về hợp đồng số cho người sử dụng dịch vụ. Xây dựng thói quen sử dụng nông sản sạch, ủng hộ sự phát triển nông nghiệp số hóa, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh doanh tử tế trong nông nghiệp Việt Nam.

Các bộ, ngành tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin và dữ liệu với nhau trong công tác điều hành quản lý nhà nước; đồng thời xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa các bộ, ngành với chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề.

Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro cho các bên trong hoạt động KTCS bao gồm cơ chế bảo vệ người tiêu dùng.

Giải pháp thúc đẩy MHKTCS phát triển kinh tế nông nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 là:

Một là, Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống luật pháp quản lý KTCS, quy định rõ trách nhiệm giữa các bên, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý.

Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia, cổng dịch vụ công trực tuyến số hóa quốc gia; thúc đẩy sự chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa các bộ, ngành với chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội khác. Qua đó, mở rộng sự tham gia của xã hội vào xây dựng, phản biện chính sách, vào giám sát hoạt động KTCS và hoạt động quản lý nhà nước đối với KTCS nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và người cung cấp dịch vụ.

Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo theo mô hình KTCS trong kinh doanh nông nghiệp. Thúc đẩy sự gắn kết, chia sẻ giữa doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp cung cấp nền tảng với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học trong quá trình nghiên cứu - thiết kế - ứng dụng các tiến bộ công nghệ, tiếp nhận và triển khai các công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo MHKTCS và mô hình kinh tế mới khác.

Ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp cùng các phương pháp đánh giá để phổ biến rộng rãi nhằm phục vụ quản lý nhà nước về KTCS nói chung, về nông nghiệp nói riêng phục vụ hoạt động giám sát, đánh giá của cộng đồng về chất lượng dịch vụ, bảo vệ người tiêu dùng.

Tăng cường công tác dự báo sớm về tác động của sự phát triển các loại hình KTCS tới kết cấu kinh tế truyền thống ở một số ngành, nghề, lĩnh vực để có phương án điều tiết vĩ mô nhằm giảm thiểu những tổn thất cho kinh tế truyền thống; hỗ trợ các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh, ứng dụng công nghệ mới...

Hai là, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện khung khổ luật pháp, chính sách về tạo lập môi trường kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động áp dụng MHKTCS và doanh nghiệp kinh doanh truyền thống, giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài theo MHKTCS.

Ba là, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về thị trường lao động liên quan đến MHKTCS (quản lý, khai báo lao động, nghĩa vụ thực hiện chính sách bảo hiểm...) để các doanh nghiệp theo MHKTCS hoạt động theo đúng pháp luật và quy định của Việt Nam

Bốn là, chủ động xây dựng điều chỉnh chính sách thuế (các biểu thuế, mức thuế suất, cơ sở tính thuế và lộ trình áp dụng các mức thuế suất...) đối với từng loại hình kinh doanh theo MHKTCS (bao gồm cả các biến tướng của nó) nhằm giải quyết các tác động ngoại ứng của mô hình này đối với nhu cầu huy động vốn đầu tư từ NSNN cho phát triển kinh tế trong tương lai để giải quyết các vấn đề về môi trường.

Năm là, hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền tài sản và cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến những tổn thất của doanh nghiệp kinh doanh truyền thống do bị cạnh tranh không lành mạnh, hoặc cạnh tranh không công bằng với doanh nghiệp KTCS gây ra.

Sáu là, xây dựng cơ chế đánh giá dịch vụ cung ứng từ 3 chiều: đơn vị cung ứng, người sử dụng sản phẩm/dịch vụ và đơn vị cung cấp dịch vụ nền tảng.

Đối với các lĩnh vực kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ như thương mại điện tử hiện nay, cần có cơ chế đánh giá điểm đối với từng chủ thể như:

Với nhà cung cấp nền tảng, bảo đảm sản phẩm cung cấp đúng chất lượng, tránh rủi ro cho người tiêu dùng, bảo đảm chi phí chi trả nền tảng hợp lý của nhà cung cấp sản phẩm/dịch vụ.

Với nhà cung cấp sản phẩm/dịch vụ, việc đánh giá bảng điểm sẽ cho biết mức độ chất lượng uy tín của chủ thể trên thị trường, tránh nạn buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và lừa đảo trên thị trường.

 Với người sử dụng: tính điểm tín nhiệm và lịch sử tiêu dùng, hạn chế việc tranh chấp trong tiêu dùng, làm thay đổi chất lượng hàng hóa/dịch vụ, nhận biết được người sử dụng không trung thực, tránh lừa đảo.

Bảy là, thực hiện đồng bộ các giải pháp trong Chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2021-2025:

(i) Cần đẩy mạnh các giải pháp triển khai thực hiện các nội dung theo Kết luận số 70-KL/TW ngày 9-3-2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13-11-2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 vào thực tiễn.

(ii) Xây dựng nghị quyết của Chính phủ về phát triển hợp tác xã nông nghiệp phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh mới hiện nay.

(iii) Xây dựng kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Nghị quyết số 134/NQ-CP ngày 25-9-2020 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

(iv) Xây dựng nghị định về phát triển hợp tác xã gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

(v) Xây dựng thông tư sửa đổi Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT về hướng dẫn phân loại và đánh giá hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

(vi) Xây dựng các đề án, dự án phát triển hợp tác xã nông nghiệp: Đề án Khởi nghiệp phát triển hợp tác xã nông nghiệp; Đề án Hợp tác xã nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long; Đề án Phát triển hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; Dự án đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu liên vùng phục vụ chế biến và xuất khẩu nông sản.

(vii) Triển khai lựa chọn xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực nông nghiệp theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 3-2-2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025.

(viii) Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các hình thức liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP; tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng, triển khai sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị tại các địa phương.

Bên cạnh đó, cần thực hiện các giải pháp cụ thể khác như: hình thành cơ chế xác định và nhận dạng các hình thức kinh doanh theo MHKTCS để phát triển kinh tế nông nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp; tạo dựng cơ chế, mức độ phát triển hoạt động kinh tế chia sẻ trong các hợp tác xã nông nghiệp, để từ đó có chính sách tương ứng nhằm khuyến khích và phát triển bền vững hợp tác xã; xây dựng các mô hình thực nghiệm, thí điểm ứng dụng MHKTCS vào hợp tác xã trong kinh doanh nông nghiệp để nhân rộng ra khi bảo đảm các điều kiện và yêu cầu.

__________________

(1) Trung tâm Thông tin - Tư liệu, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Chuyên đề số 14: Quản lý nhà nước trong nền kinh tế chia sẻ: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Việt Nam, tr.4.

(2) TS Chu Thị Hoa: “Kinh tế chia sẻ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và một số yêu cầu về xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Nghề luật số 7-2019, tr.24-31.

(3) Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế, tr.5.

PGS, TS ĐỖ MINH CƯƠNG

Đại học FPT

TS HOÀNG VĂN CƯƠNG

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vận dụng mô hình kinh tế chia sẻ trong phát triển kinh tế nông nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp
    POWERED BY