VŨ THỊ THU HÀ
NCS Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(LLCT) - Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng phát triển nông nghiệp. Tư tưởng của Người về phát triển nông nghiệp Việt Nam đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, là chỉ dẫn quý báu, đặt nền móng cho Đảng ta đề ra quan điểm, đường lối, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp phù hợp, hiệu quả ở mỗi vùng, địa phương, vì mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thịnh vượng.
Đảng và Nhà nước có cơ chế, chính sách đúng đắn, phù hợp, hiệu quả để người nông dân tham gia phát triển nông nghiệp - Ảnh:IT
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng phát triển nông nghiệp, bởi Người đã nhìn thấy những đặc điểm, thế mạnh của người nông dân Việt Nam rất cần cù, chịu thương, chịu khó, thông minh, sáng tạo và điều kiện thổ nhưỡng ở mỗi vùng, miền đối với phát triển nông nghiệp. Người đánh giá cao đóng góp sức của, sức người của người nông dân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Người khích lệ, cổ vũ, động viên, tạo động lực mạnh mẽ, to lớn để người nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, có nhiều đóng góp cho cách mạng. Người kiến nghị, đề xuất với Chính phủ “miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”(1).
Luận điểm của Người đã chỉ rõ: 1 - vai trò đặc biệt quan trọng của nông nghiệp đối với sự phát triển đất nước; 2- Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách đúng đắn, phù hợp, hiệu quả để người nông dân tham gia phát triển nông nghiệp.
Thực tiễn cho thấy, trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, với quan điểm, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp đã khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển mạnh mẽ nền nông nghiệp Việt Nam.
Một là, Hồ Chí Minh khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của nông nghiệp đối với kinh tế Việt Nam
Việt Nam là một nước nông nghiệp, người dân sống ở nông thôn là chủ yếu. Nông thôn là địa bàn cư trú chủ yếu của người dân Việt Nam và sản xuất nông nghiệp là ngành nghề gắn bó lâu dài với người nông dân. Hồ Chí Minh khẳng định: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”(2). Điều đó cho thấy tầm quan trọng của nông nghiệp đối với sự phát triển của xã hội Việt Nam là vô cùng lớn.
Với nhãn quan chính trị nhạy bén cùng thực tiễn nghiên cứu, tìm hiểu các nước trên hành trình tìm đường cứu nước đã hình thành, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp Việt Nam rất toàn diện, sâu sắc, phản ánh đúng đặc thù của nền nông nghiệp nước ta.
Từ xa xưa, để bảo vệ xóm làng, đồng ruộng, ông cha ta đã đắp đê ngăn lũ, khơi thông dòng chảy. Các triều đại phong kiến đã rất quan tâm, chú trọng đến phát triển nông nghiệp. Thời nhà Trần đẩy mạnh công cuộc khai hoang, mở rộng diện tích sản xuất, nhà nước cho đắp đê phòng lụt, đào đê, nạo vét kênh mương…; triều Nguyễn có nhiều chính sách phát triển nông nghiệp như cấm mua bán ruộng đất công và quy định chặt chẽ việc cầm cố công điền, công thổ để bảo đảm đất cày cho người nông dân… Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận rõ những đặc điểm của kinh tế Việt Nam và chỉ rõ: “Người thì có hai chân. Kinh tế một nước thì có hai bộ phận chính: Nông nghiệp và công nghiệp. Người không thể thiếu một chân, thì nước không thể thiếu một bộ phận kinh tế”(3).
Khẳng định vai trò quan trọng của phát triển nông nghiệp trong nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt với người nông dân, Người nói “Muốn nâng cao đời sống của nhân dân thì trước hết phải giải quyết tốt vấn đề ăn (rồi đến vấn đề mặc và vấn đề khác). Muốn giải quyết tốt vấn đề ăn thì phải làm thế nào cho có đầy đủ lương thực. Mà lương thực là do nông nghiệp sản xuất ra. Vì vậy, phát triển nông nghiệp là việc cực kỳ quan trọng”(4). Người cũng chỉ rõ, đời sống của nhân dân được nâng lên, khi “quyền kinh tế đã được nâng cao thì quyền chính trị cũng được nâng cao và được đảm bảo”(5).
Đối với các ngành kinh tế khác, nhất là đối với công nghiệp, Người chỉ dẫn: “Muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải lấy việc phát triển nông nghiệp làm gốc, làm chính…. vì nông nghiệp cung cấp nguyên liệu, lương thực cho công nghiệp và tiêu thụ hàng hóa của công nghiệp làm ra”(6).
Phát triển kinh tế nông nghiệp, theo Người còn có vai trò quan trọng đối với hoạt động kinh tế đối ngoại để mở rộng quan hệ buôn bán với các nước, Người nêu: “Yêu cầu của sản xuất nông nghiệp năm 1956 là bước đầu giải quyết vấn đề lương thực, cung cấp nguyên liệu, vật liệu để khôi phục tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, công nghiệp và cung cấp lâm thổ sản để mở rộng quan hệ buôn bán với các nước ngoài”(7).
Hồ Chí Minh khẳng định: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của nông nghiệp đối với sự phát triển của xã hội Việt Nam là vô cùng lớn. |
Hai là, Hồ Chí Minh đề ra nội dung, cách thức, biện pháp phát triển nông nghiệp.
Về nội dung, để phát triển nông nghiệp hiệu quả, phục vụ hữu ích cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, Người đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ cho các cấp, các ngành phát triển nông nghiệp phải mang tính toàn diện, không được chú trọng ngành nào mà phải tiến hành song song, đồng thời các lĩnh vực. Người nhấn mạnh: “Trung ương thường nói nông nghiệp phải toàn diện. Mình không những cốt gạo, ngô, khoai, sắn, bông mà còn cốt các thứ khác nữa. Cho nên phải toàn diện… Lúa là chính, nhưng khô, khoai, sắn, cũng phải có, cũng phải chú trọng”(8).
Trong lĩnh vực trồng trọt, Người yêu cầu sản xuất là chính nhưng phải đẩy mạnh việc trồng trọt hoa màu và cây công nghiệp; trồng cà phê, trồng lạc, trồng vừng. Trong lĩnh vực chăn nuôi, Người lưu ý: “phải chú ý phát triển chăn nuôi càng nhiều càng tốt”(9) để bảo đảm có thêm thịt ăn, thêm sức kéo, thêm phân bón; đẩy mạnh thả cá để cung cấp thêm thực phẩm bổ sung cho thịt, cải thiện đời sống nhân dân. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, Người nói “phải chú ý bảo vệ rừng và trồng cây gây rừng. Tục ngữ nói: “Rừng vàng, biển bạc”. Chúng ta chớ lãng phí vàng, mà phải bảo vệ vàng của chúng ta”(10)…
Về cách thức, biện pháp phát triển nông nghiệp, theo Hồ Chí Minh phải vừa mang tính cụ thể trước mắt, vừa mang tầm chiến lược cơ bản, lâu dài.
Trước hết, Chính phủ có cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp đúng đắn, phù hợp, hiệu quả, đáp ứng tình hình thực tiễn ở mỗi giai đoạn, thời điểm lịch sử đặt ra. Người yêu cầu: “Chính phủ phải xuất tiền xây những trường học, mời thầy để đào tạo cán bộ các ngành về nông nghiệp. Chính phủ có trách nhiệm xây dựng những công trình thủy lợi lớn và cùng nông dân, hợp tác xã làm những công trình thủy lợi vừa”(11).
Thứ hai, đẩy mạnh phát triển các hình thức hợp tác xã. Người nhấn mạnh: “Hợp tác xã nông nghiệp là một tổ chức có lợi to cho nhà nông... một cách tranh đấu kinh tế có hiệu quả nhất, để giúp vào việc xây dựng nước nhà... là một cách làm cho nhà nông đoàn kết, làm cho nhà nông thịnh vượng... giúp cho nhà nông đạt đến mục đích, đã ích quốc lại lợi dân”(12).
Thứ ba, tích cực, chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ vào phát triển nông nghiệp. Hồ Chí Minh chỉ rõ nền nông nghiệp nước ta rất lạc hậu, phương tiện canh tác thô sơ, chủ yếu dùng sức người, trâu, bò, ngựa, chưa tận dụng khoa học công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi, vì vậy, năng suất nông nghiệp không cao, đời sống của các tầng lớp nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Người yêu cầu “dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi: dùng máy móc cả trong công nghiệp và trong nông nghiệp. Máy sẽ chắp thêm tay cho người, làm cho sức người tăng lên gấp trăm, nghìn lần và giúp người làm những việc phi thường. Muốn có nhiều máy, thì phải mở mang các ngành công nghiệp làm ra máy, ra gang, thép, than, dầu…”(13).
Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển nông nghiệp. Hồ Chí Minh rất coi trọng hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và trên thế giới; thông qua đó khẳng định tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến, kiến quốc của nhân dân ta, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với nhân dân Việt Nam. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Người đã chủ động viết thư kêu gọi kiều bào ta ở nước ngoài về nước giúp dân, giúp nước, gửi thư cho Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ nguyện vọng được gửi một phái đoàn thanh niên Việt Nam sang Mỹ học tập, nghiên cứu về kỹ thuật nông nghiệp. Trong những năm tháng chiến tranh có rất nhiều nước hợp tác, giúp đỡ Việt Nam về mọi mặt, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.
2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào phát triển nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
Quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp, thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về phát triển nông nghiệp như: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết số 19-NQ/TW xác định quan điểm: “Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với phát triển nông nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản ở cả trong nước và ngoài nước”(14). Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đã xác định và từ những chỉ dẫn của tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp, cần thực hiện một số phương hướng giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể về phát triển nông nghiệp
Các chủ thể gồm cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, ban ngành có liên quan và người dân. Các chủ thể cần quán triệt, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp theo quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Từ đó, người đứng đầu các tỉnh, huyện, các sở, ban, ngành, địa phương, cơ sở, căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện phù hợp, hiệu quả; khơi dậy tính năng động, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân; tập trung nhân lực, vật lực vào từng ngành, lĩnh vực nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái.
Tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, mạnh dạn thử nghiệm nuôi trồng giống mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. Khuyến khích, tạo điều kiện, giúp đỡ nông dân phát triển, mở rộng vùng chuyên canh, tập trung khai thác những đặc trưng, thế mạnh của địa phương. Gắn chất lượng sản phẩm nông nghiệp của người nông dân với trách nhiệm của cán bộ, nhất là người đứng đầu địa phương, cơ sở phụ trách về phát triển nông nghiệp; người đứng đầu cần thường xuyên bám sát cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo các bộ phận, lực lượng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi giúp người nông dân phát triển chăn nuôi, trồng trọt, đánh bắt thủy hải sản phù hợp, hiệu quả.
Mỗi chủ thể cần nâng cao năng lực dự báo, đánh giá tình hình, nhất là năng lực dự báo thị trường, hình thái thời tiết, đề ra phương án ứng phó linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, không để thiệt hại lớn cho người nông dân. Các sản phẩm nông nghiệp phải bảo đảm an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường theo đúng quy định, tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.
Hai là, tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi gắn với thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu
Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của từng vùng, địa phương theo ba nhóm sản phẩm (nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm đặc sản địa phương).
Theo đó, những sản phẩm nông nghiệp là chủ lực quốc gia như lúa gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, chè, rau, quả, tôm, cá tra… Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần có kế hoạch tổng thể bảo đảm cho những sản phẩm nông nghiệp đó thực sự là thế mạnh của Việt Nam để nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế, đồng thời quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại trong khai thác, sử dụng các sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của quốc gia. Nhà nước đóng vai trò là trụ đỡ, bệ phóng của các sản phẩm nông nghiệp đó.
Nhóm sản phẩm chủ lực ở cấp tỉnh cần có sự nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, thật sự là biểu tượng, thế mạnh của địa phương và thu hút được nhiều nhà đầu tư, góp phần quan trọng đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GDP, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân dân. Các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương vừa bảo đảm đem lại lợi ích kinh tế, vừa có yếu tố xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường sự đoàn kết, thống nhất về nhận thức, hành động trong xây dựng, quy hoạch, đầu tư các sản phẩm là thế mạnh của tỉnh giữa các chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ người nông dân, tạo thành chuỗi liên kết, cung ứng thông suốt.
Nhóm sản phẩm đặc sản của địa phương, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, xây dựng thương hiệu, uy tín lâu dài, ổn định, bền vững cho những sản phẩm đặc sản của địa phương, chú trọng về chất lượng, tính thẩm mỹ của sản phẩm, nâng cao văn hóa kinh doanh trong xây dựng thương hiệu sản phẩm của người nông dân; tăng cường liên kết, phối hợp với sở, ban, ngành của tỉnh, doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu đặc trưng của địa phương ở trong nước và quốc tế.
Cùng với đó, nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, tăng tính chịu đựng của các sản phẩm nông nghiệp trước những diễn biến phức tạp, khó lường của biến đổi khí hậu; dựa vào kinh nghiệm truyền thống, kết hợp với phương pháp hiện đại để đánh giá, dự phòng những bất ổn của thiên tai, từ đó, có kế hoạch chủ động ứng phó với các hình thái thời tiết cực đoan, không để ảnh hưởng đến quá trình phát triển nông nghiệp, giảm thiểu những thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra.
Ba là, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả để phát triển nông nghiệp
Hiện nay, cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp, Nhà nước ta ban hành tương đối đầy đủ, toàn diện ở từng ngành, lĩnh vực cụ thể; các địa phương hành động mạnh mẽ, quyết liệt, có nhiều biện pháp hỗ trợ, đồng hành cùng người nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như: chỉ đạo các ngân hàng, quỹ tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân vay vốn với lãi suất thấp, cắt giảm thủ tục hành chính; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ ở các trung tâm nghiên cứu, trường đại học vào các hợp tác xã; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương, liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm…
Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ, một số cơ chế, chính sách còn chưa phù hợp, cần có sự điều chỉnh, bổ sung, đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của doanh nghiệp. Do đó, lãnh đạo cấp tỉnh, sở, ban, ngành cần xây dựng phương án, kế hoạch đầu ra cho hàng nông sản ngay từ đầu năm, dự trù tình huống khó khăn để đề ra cách thức, biện pháp tháo gỡ; tăng cường phối hợp giữa các địa phương để giải quyết vướng mắc về mặt thủ tục hành chính, bảo đảm hàng hóa người nông dân sản xuất ra được tiêu thụ ngay.
Bốn là, làm tốt công tác sơ kết, tổng kết về phát triển nông nghiệp ở các địa phương
Hằng năm, các địa phương tiến hành sơ kết, tổng kết việc phát triển nông nghiệp để thấy rõ chỗ nào, khâu nào vẫn là “nút thắt”, “điểm nghẽn”, từ đó tìm cách tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành nông nghiệp phát triển đúng với tiềm năng, thế mạnh vốn có của địa phương. Lãnh đạo các địa phương cần nắm chắc cơ sở, lắng nghe ý kiến của người nông dân và các hợp tác xã trực tiếp sản xuất, kinh doanh. Phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể của lãnh đạo ở các sở, ban, ngành các cấp trong thảo luận, cho ý kiến về cách thức, biện pháp tổ chức thực hiện chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp đã phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương hay chưa; đánh giá một cách khách quan, trung thực, thẳng thắn những việc đã làm được, chưa làm được ở các bộ phận, lực lượng, trách nhiệm thuộc về cá nhân, tập thể nào. Từ đó, rút ra kinh nghiệm, bài học phát triển nông nghiệp trong thời gian tới.
Làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có những sáng kiến, ý tưởng hay, tích cực bám sát cơ sở, đem lại những điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp ở địa phương, nhất là các hợp tác xã, hộ gia đình có nhiều đóng góp trong giải quyết việc làm, quảng bá, giới thiệu đặc sản địa phương.
_________________
Ngày nhận bài: 8-8-2023; Ngày bình duyệt: 10-8-2023; Ngày duyệt đăng: 9-9-2023.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.617.
(2), (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.246, 246.
(3), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Sđd, tr.182, 212.
(4), (8), (10), (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Sđd, tr.375, tr.254-255, 81, 220.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Sđd, 24.
(6), (9), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Sđd, tr.635, 476, 445.
(14) ĐCSVN: Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.