(LLCT) - Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là trách nhiệm của toàn xã hội, càng đặc biệt hơn với đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, có nhiều ảnh hưởng đến cộng đồng, công chúng. Văn nghệ sĩ thể hiện trách nhiệm trong hành động cụ thể, hướng tới mục tiêu xây dựng nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam phát triển.
Trao giải cho các tác phẩm xuất sắc tại Lễ trao giải thưởng Văn học Nghệ thuật năm 2022 - Ảnh: dangcongsan.vn
“Trí thức, văn nghệ sĩ không chỉ là người tiếp nhận định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, mà còn là người đồng hành tự nguyện, “đồng sáng tạo” với Đảng, với dân tộc trên con đường phát triển đất nước cường thịnh, vững bền”(1). Bởi vậy, văn nghệ sĩ (VNS) mang trên mình trọng trách lớn lao trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trách nhiệm này thể hiện trong nhận thức và trong hành động, cùng hướng đến mục tiêu chung: vì sự phát triển của đất nước, xã hội Việt Nam.
1. Trách nhiệm của văn nghệ sĩ trong xây dựng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng xuất phát từ vai trò của văn hóa, văn nghệ
Xuất phát từ vai trò, sứ mệnh cao cả của văn hóa, văn nghệ trong sự phát triển chung của quốc gia, cao hơn là của xã hội loài người đã đặt trách nhiệm lên đội ngũ VNS. Văn hóa, văn nghệ thể hiện trình độ phát triển của đất nước, dân tộc, thời đại và ngày nay, trở thành “sức mạnh mềm” của các nước khi đối thoại trên trường quốc tế. Nhận thức về vai trò của văn hóa, văn nghệ sẽ chi phối, quyết định đến các sáng tác và ứng xử trong văn nghệ của VNS.
Văn nghệ là một bộ phận của văn hóa nhưng là một thành tố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có nhiều đặc thù và có tính tiêu biểu của văn hóa. Tác phẩm văn học, nghệ thuật (VHNT) - những “đứa con” tinh thần của VNS mang trong mình khả năng tác động mãnh liệt đến đời sống tinh thần của con người và thông qua đó, tác động đến cả xã hội. Bởi vì tác động đến con người bằng con đường cảm xúc, con đường dành cho duy nhất VHNT mà không loại hình nào thay thế được, VHNT sẽ chạm đến những vấn đề sâu nhất của đời sống tinh thần vốn phức tạp của con người, điều khiển hành vi con người và lan tỏa cho toàn xã hội.
VHNT luôn mang sứ mệnh cao quý “văn dĩ tải đạo”, là loại hình thực hiện chức năng giáo dục hiệu quả nhất. Tác phẩm nghệ thuật có sức cảm hóa con người, vươn tới sự hoàn thiện đạo đức, hoàn thiện năng lực thẩm mỹ. Ngược lại, VHNT cũng có khả năng làm tha hóa con người, làm xã hội đi xuống nhanh nhất. Điều này giải thích vì sao VHNT là cửa ngõ mà các thế lực đi ngược lại với lợi ích quốc gia xâm nhập nhiều nhất. Bởi lực lượng này cũng ý thức rằng, nếu VHNT có khả năng đẩy “lịch sử loài người tiến nhanh”, thì cũng có khả năng “kéo lùi lịch sử” nhanh không kém.
Trong các văn kiện của Đảng, rất nhiều lần Đảng ta khẳng định vai trò to lớn của văn hóa, văn nghệ. Chẳng hạn “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”(2); hay: Văn học, nghệ thuật “có tác dụng bồi dưỡng tình cảm, tâm hồn, nhân cách, bản lĩnh của các thế hệ công dân, xây dựng môi trường đạo đức trong xã hội, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa”(3).
Văn học, nghệ thuật là “nhu cầu thiết yếu”, theo từ điển Tiếng Việt, nghĩa là nhu cầu “rất quan trọng và cần thiết, không thể thiếu được” trong đời sống con người. Đó chắc chắn không phải là chỉ để thỏa mãn sự vui chơi, giải trí như xưa nay ta nhìn về VHNT, càng không phải là nhu cầu chỉ xuất hiện sau khi đã đầy đủ nhu cầu vật chất. VHNT còn “xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh” - nền tảng của việc xây dựng môi trường đạo đức, mà nền tảng đạo đức là nền tảng tinh thần cốt lõi của xã hội.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII đã ghi rõ: “Nhiệm vụ trung tâm của văn hóa, văn nghệ nước ta là góp phần xây dựng con người Việt Nam về trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, có nhân cách tốt đẹp, có bản lĩnh vững vàng, ngang tầm sự nghiệp đổi mới...”(4). Nhận thức về vai trò to lớn của VHNT sẽ là động lực để VNS đem hết sức mình sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị và hiểu được sự lợi dụng vai trò này của các thế lực thù địch trên mặt trận văn hóa, văn nghệ mà có cách ứng phó.
Trách nhiệm của VNS trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng xuất phát từ vai trò của chính đội ngũ VNS. Văn hóa, văn nghệ có vai trò quan trọng, đương nhiên người tạo ra các tác phẩm văn hóa, văn nghệ - VNS - càng có vai trò quan trọng hơn. Đội ngũ VNS Việt Nam hiện có “hơn 40.000 người sinh hoạt trong 73 hội thành viên thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, với 5 thế hệ văn nghệ sĩ kế tiếp nhau”(5). Về số lượng, đây là đội ngũ không quá đông, song cũng không phải là ít. Tuy nhiên, với VHNT, chất lượng tác phẩm là vấn đề quan trọng chứ không chỉ nằm ở số lượng đội ngũ VNS.
VNS là những trí thức đặc biệt. VNS là người quyết định các tác phẩm VHNT tác động theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực đến công chúng. Giá trị của một tác phẩm là ở ý nghĩa về mặt nghệ thuật, tinh thần, văn hóa, lịch sử... to lớn đối với một cộng đồng, thậm chí là một đất nước, một dân tộc. Những tác phẩm văn nghệ có giá trị trường tồn đều là những tác phẩm gắn với vận mệnh dân tộc, vận mệnh con người với giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc. Những tác phẩm này tác động đến sự hình thành nhân cách con người, tạo nên những chuẩn giá trị trong xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển. Ngược lại, những tác phẩm đi ngược lại với nhu cầu mưu sinh của cộng đồng, chống lại những giá trị đã được cộng đồng lưu giữ, mang lại những ảnh hưởng tiêu cực cho con người và xã hội, sẽ nhanh bị đào thải và biến mất. Sáng tác là một hoạt động có ý thức, thể hiện tư tưởng và tình cảm của chủ thể sáng tạo. Nghệ sĩ có một năng lực thẩm mỹ đặc biệt, khả năng tưởng tượng phong phú, vốn liếng tri thức sâu sắc, sự dấn thân chiếm lĩnh hiện thực từ mọi góc độ. Tác phẩm sẽ mang tư tưởng nhân đạo, nhân sinh cao cả, cảm nhận sâu sắc số phận con người của tác giả mà người bình thường không dễ có được. Tác phẩm luôn mang yếu tố chủ quan của nghệ sĩ, là tấm gương phản chiếu những tình cảm, ước mong tự đáy lòng của người sáng tác. VNS với chủ ý sáng tạo sẽ phải lựa chọn khuynh hướng sáng tác của mình. Cho nên, họ là người chịu trách nhiệm trước hết với những “đứa con” tinh thần họ tạo ra. Không đổ lỗi cho công chúng, không đỗ lỗi cho điều kiện, môi trường, cơ chế...
Hiểu được vai trò của chính mình, VNS sẽ biết nên sáng tác những gì và không nên sáng tác những gì. Khi quyết định để tác phẩm của mình ra đời, VNS chịu trách nhiệm với những gì tác phẩm tác động đến tư tưởng, tình cảm công chúng, đến cộng đồng, xã hội.
Sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ trong lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và thực tiễn cách mạng Việt Nam đã được chứng minh là tất yếu khách quan, hợp quy luật và tạo ra điều kiện thuận lợi lớn cho sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật Việt Nam.
Đảng lãnh đạo văn hóa, văn nghệ, thông qua đường lối và những quan điểm chỉ đạo trực tiếp trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Kể từ khi đổi mới, Đảng đã đưa ra những quan điểm, định hướng quan trọng, đi sát sự phát triển của VHNT và tạo điều kiện để phát huy được vai trò tích cực của VHNT trong cải tạo và phát triển xã hội. Các định hướng được thể hiện ở nhiệm vụ văn hóa trong từng kỳ Đại hội, từ Đại hội VI đến Đại hội XIII; thể hiện cụ thể hơn ở các nghị quyết chuyên đề về văn hóa và đặc biệt của riêng văn nghệ: Nghị quyết Trung ương 5 khóa VI (năm 1987), Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII (năm 1993), Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998), Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (năm 2008), Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (năm 2014).
Tiếp nối tinh thần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa, Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng vừa bảo đảm để văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng vừa bảo đảm quyền tự do dân chủ cá nhân trong sáng tạo trên cơ sở phát huy trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân...”(6). Tại Đại hội XIII của Đảng, quan điểm về văn hóa, văn nghệ là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của lĩnh vực này: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”(7). Đặc biệt, luận điểm bảo đảm tự do trong sáng tạo và hưởng thụ VHNT được nhắc lại nhiều lần, như một sự khẳng định: sự lãnh đạo của Đảng không làm mất tự do, mà còn bảo đảm tự do, tạo điều kiện trong hoạt động sáng tạo và hưởng thụ VHNT: “Chú trọng nâng cao giá trị tư tưởng nghệ thuật, đồng thời bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; khuyến khích những tìm tòi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam; hạn chế các lệch lạc, các biểu hiện chạy theo thị hiếu tầm thường”(8).
Đại hội nhấn mạnh: “Nâng cao vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ. Bảo đảm quyền hưởng thụ, tự do sáng tạo trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật của mỗi người dân và cộng đồng”(9).
VNS sáng tác trong môi trường được Đảng định hướng về chính trị, tư tưởng, đó là điều kiện cần, thuận lợi. Đường lối văn hóa của Đảng với nhiều quan điểm, chủ trương tạo điều kiện vật chất và tinh thần cho VNS sáng tác, chính sách tôn vinh, đãi ngộ những VNS có nhiều cống hiến cho sự nghiệp VHNT. VNS chân chính đều hiểu rõ nghệ thuật đích thực và chính trị tiến bộ đều có chung một mục tiêu cao cả là vì sự phát triển của con người, của cộng đồng, đất nước và sẽ cảm nhận được những thuận lợi này.
Nhận thức được vai trò của văn hóa, văn nghệ; về vai trò của chính đội ngũ VNS; nhận thức đúng về sự lãnh đạo và về đường lối lãnh đạo văn hóa, văn nghệ của Đảng, là cơ sở, nền tảng để đội ngũ VNS có hành động đúng, giữ vững bản lĩnh và không sa ngã trước âm mưu của lực lượng thù địch, sáng tác những tác phẩm có giá trị đóng góp vào nền VHNT đất nước.
2. Trách nhiệm trong hoạt động của văn nghệ sĩ
Sáng tác những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật
Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đề ra nhiệm vụ cho VHNT: “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người”(10). Trước hết, đó là trách nhiệm của VNS. VNS chân chính xác định rõ trọng trách của mình trước thời cuộc.
Thứ nhất, họ tạo ra những tác phẩm có giá trị tư tưởng: những tư tưởng của thời đại, của xã hội, của đất nước, những tư tưởng phù hợp với mong ước của dân tộc, của cộng đồng, những tư tưởng mà Đảng đã định ra trong công cuộc phát triển đất nước: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tư tưởng của tác phẩm cũng chính là tư tưởng của tác giả, rèn luyện để có tư tưởng đúng đắn là trách nhiệm của mỗi VNS.
Thứ hai, mỗi tác phẩm không chỉ có giá trị tư tưởng mà còn phải có giá trị nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ, hướng con người vươn tới những điều tốt đẹp. Tính thẩm mỹ, tính nghệ thuật trong tác phẩm thể hiện trình độ, tài năng của người nghệ sĩ, mức độ lay động sự rung cảm trước cái đẹp của con người.
Giá trị tư tưởng lồng trong giá trị thẩm mỹ. Bất cứ một khám phá, sáng tạo nào của tác phẩm, thì đích đến cuối cùng vẫn là phục vụ con người. Đó là hai yếu tố cần phải có trong một tác phẩm đích thực, với mục tiêu hoàn thiện con người, thúc đẩy xã hội phát triển: “Nhà văn, dù ở thời đại nào, dù sáng tác với trường phái văn học nào, cũng không thể và không được phép ngoảnh mặt trước những vấn nạn của xã hội, làm ngơ hay im lặng trước những câu hỏi bức xúc mà xã hội yêu cầu được trả lời”(11).
Hiện nay, VHNT đang đứng trước những công chúng tiếp nhận có trình độ cao, VNS càng cần phải cố gắng đem hết tài năng, trí tuệ và tâm huyết để sáng tác những tác phẩm thật sự có giá trị, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của công chúng, như vậy mới hoàn thành trách nhiệm cao cả của mình.
Trách nhiệm giữ vững bản lĩnh, không vì lợi ích cá nhân mà có những sáng tác đi ngược lại lợi ích của cộng đồng, của dân tộc, đất nước.
Như trên đã nói, bởi VHNT là cửa ngõ bắt vào cảm xúc, tác động vào nhận thức và hành động của con người, nên cũng là nơi các thế lực thù địch sử dụng để gây ra tác động tiêu cực của VHNT vào con người. Hơn ai hết, VNS phải là người nhận phân biệt đâu là thực - giả, đâu là đúng - sai, đâu là cao cả - thấp hèn, từ đó cảnh giác trước những âm mưu chống phá, lôi kéo của những thế lực thù địch núp dưới các danh nghĩa khác nhau, giữ vững bản lĩnh sáng tác của người nghệ sĩ chân chính.
Các thế lực phản động thông qua nhiều cách tác động, lôi kéo đội ngũ VNS đứng vào hàng ngũ của chúng, sản xuất tác phẩm theo chủ ý của chúng. Đấy là những tác phẩm có tác động tiêu cực đến công chúng, đến xã hội: tác phẩm lật lại các giá trị đã định hình trong tâm thức dân tộc, gây hoang mang cho công chúng; những tác phẩm thuần túy chức năng giải trí, xem nhẹ chức năng nhận thức, giáo dục (chức năng mà chúng gọi là nặng tính tuyên truyền); rời xa những chủ đề mang tính thời đại lớn lao của đất nước, cổ súy cho lối sống gấp, ích kỷ, tập trung vào những chủ đề đời thường, nhỏ nhặt, khoét sâu những mảng tối của xã hội nhằm phủ nhận thành quả của nhân dân ta v.v.. (gọi chung là tác phẩm tiêu cực).
Thông qua phê bình VHNT, chúng tuyên truyền, giới thiệu, cổ súy công chúng xem những tác phẩm tiêu cực qua mạng xã hội, phương tiện truyền thông. Lập các nhà xuất bản, các trang mạng xã hội để sản xuất, phổ biến các tác phẩm tiêu cực. Trao giải thưởng, tôn vinh (vật chất và tinh thần) những tác giả đã sáng tác những tác phẩm tiêu cực. Phê phán, hạ thấp uy tín của những tác giả, tác phẩm chân chính trong nền VHNT Việt Nam.
Sự phát triển của khoa học - công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phổ biến, tuyên truyền các tác phẩm theo chủ ý của các chủ thể, kể cả các thế lực thù địch, đến nhiều tầng lớp công chúng trong xã hội. Việc ngăn chặn, chống lại các hoạt động này thuộc nhiều ngành, nhiều chủ thể khác nhau tùy theo lĩnh vực chuyên ngành. Nhưng với riêng giới VNS, việc giữ vững bản lĩnh sáng tác là yêu cầu đầu tiên và cơ bản để không sa ngã trước những lôi kéo, dụ dỗ. Giữ vững bản lĩnh của người nghệ sĩ là không chạy theo xu hướng thương mại hóa, hạ thấp các giá trị căn cốt và bền vững, đích thực của tác phẩm VHNT, không để lợi nhuận, đồng tiền chi phối.
Để làm được vậy, như cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: các VNS phải là những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ”. Đảng yêu cầu: “Tiếng nói của văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải là tiếng nói đầy trách nhiệm, trung thực, tự do, tiếng nói của sự thật, của lương tri, của tinh thần nhân đạo cộng sản chủ nghĩa, phản ánh được nguyện vọng sâu xa của nhân dân và quyết tâm của Đảng đưa công cuộc đổi mới đến thắng lợi”(12); “các nhà hoạt động văn học và nghệ thuật phải là những chiến sĩ của Đảng trên mặt trận văn hóa, văn nghệ, chăm lo bồi dưỡng thế giới quan Mác - Lênin và nhân sinh quan cách mạng, đề cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với nhân dân... lên án và khắc phục những biểu hiện cơ hội, bè phái, lối sống buông thả...”(13). Không một nghệ sĩ có lương tri nào lại sáng tác ra những tác phẩm đi ngược lại lợi ích cộng đồng, dân tộc, quốc gia.
Trách nhiệm cùng với Đảng khắc phục những hạn chế trong VHNT
Bất cứ chủ thể nào trong điều hành một lĩnh vực đều có những thành công và hạn chế nhất định. Trong lãnh đạo VHNT cũng vậy. Thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch là tìm những hạn chế và khoét sâu, thổi phồng, nhấn mạnh những hạn chế đó của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, tác động đến đội ngũ VNS và thực hiện những âm mưu lớn hơn của chúng. Trách nhiệm của người sáng tác trước hết, phải cùng với Đảng khắc phục những hạn chế, chứ không phải phê phán những hạn chế, hay chỉ thấy những hạn chế. Những hạn chế trong VHNT cần khắc phục:
Sự đầu tư cho văn hóa văn nghệ: “Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao”(14).
Trong tổng thể ngân sách chung, sự đầu tư cho văn hóa hay VHNT chưa tương xứng. Trong các yếu tố được đề cập đến khi lý giải nguyên nhân của việc chưa xuất hiện những tác phẩm hay, có giá trị lớn trong thời kỳ hiện nay, điều kiện vật chất cũng là một yếu tố quan trọng. Các thế lực thù địch nhân cơ hội này thổi phồng lên bằng các luận điểm: VNS trong chế độ chúng ta không sống được bằng nghề của mình, có nhạc sĩ, nhà văn chết trong nghèo khổ, sự trả công không tương xứng với lao động nghệ thuật gian khổ của người sáng tác...
Thực tế, chúng ta đã có chủ trương quan tâm đến đời sống của VNS từ rất lâu: “Tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh các chế độ lương, thù lao, mua bán tác phẩm, thuế, chính sách khuyến khích sáng tác v.v.. bảo đảm cho VNS chuyên nghiệp có thể sống bằng nghề nghiệp chính của mình”(15). Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI nêu rõ: Mức đầu tư của Nhà nước cho văn hóa phải tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế. Đảng và Nhà nước đã đánh giá rất cao lao động nghệ thuật là lao động đặc biệt của VNS và luôn đưa ra các giải pháp triển khai Nghị quyết trong hiện thực. Tuy nhiên, để đạt được mức đầu tư tương xứng phải có thời gian và thực hiện nhiều cách thức. VNS có tâm huyết sẽ cùng với Đảng và Nhà nước chia sẻ những khó khăn, tuyệt nhiên không phải vì thế mà dừng sáng tác, từ bỏ lý tưởng sáng tác, bị cám dỗ bởi các điều kiện vật chất khác. Học tập và phát huy khát vọng sáng tác trong mọi hoàn cảnh của các bậc VNS tiền bối.
Vấn đề tự do trong sáng tác: Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI nêu hạn chế: “Còn ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật”, các luận điệu phản động đã lý giải hạn chế này là do VNS không được tự do sáng tác. Rất nhiều bài báo phản động cho rằng Đảng định hướng chính trị là tước bỏ tự do sáng tạo của VNS; Đảng lãnh đạo là đã can thiệp vào cá tính sáng tạo, áp đặt sáng tạo và làm triệt tiêu cảm hứng sáng tác, các tác phẩm bị các cấp có thẩm quyền “kiểm duyệt” gắt gao, bị can thiệp vào các quy luật sáng tác nên VNS khi sáng tác đã tránh đi những vấn đề gai góc, chọn giải pháp an toàn cho mình v.v..
Tự do trong VHNT là vấn đề được Đảng quan tâm từ lúc mới ra đời đến nay, thể hiện trong nhiều văn kiện Đại hội trước và sau đổi mới, trong các nghị quyết về văn hóa, văn nghệ, đặc biệt trong Nghị quyết Đại hội XIII. Tuy nhiên, “tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của VNS”, phải đi cùng “nêu cao trách nhiệm công dân, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị phụng sự đất nước và dân tộc”, “Bản chất quyền tự do sáng tác của VNS nằm trong sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo và được quy định bởi trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người đối với Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội”(16). Nên, không thể có cái tự do vượt lên trên trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ.
Sự thật, công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay là nguồn tư liệu phong phú vô cùng tận mà các VNS có thể khai thác, không hạn chế ở chủ đề nào, địa phận nào, đối tượng nào trong xã hội. Nếu VNS ý thức được “trách nhiệm công dân” của người sáng tác, tự khắc sẽ biết phải viết ra những tác phẩm như thế nào và chắc chắn họ sẽ không thấy sự ràng buộc gây ảnh hưởng đến tự do trong sáng tạo. Trước sự lung lạc của các luận điệu thù địch, trách nhiệm của VNS phải biết tự bảo vệ mình, bảo vệ những định hướng chính trị đã đem lại các điều kiện thuận lợi trong sáng tạo.
Văn học, nghệ thuật trong mọi thời kỳ luôn có trọng trách đấu tranh bảo vệ, nuôi dưỡng, khẳng định cái mới, cái tích cực, cái tốt đẹp và chống cái ác, cái xấu xa, thấp hèn. Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đảng không áp đặt, ép buộc, gán cho văn học, nghệ thuật một nhiệm vụ “chính trị” khô khan, giản đơn, nhất thời nào, mà hiểu nó như một sứ mệnh, một sức mạnh vốn có của văn học, nghệ thuật chân chính, đặc biệt trong cuộc đấu tranh ngày hôm nay”(17).
Nghị quyết 27-NQ/TW “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” do Hội nghị Trung ương 7 khóa X thông qua ngày 6-8-2008 đã khẳng định đội ngũ VNS là một bộ phận của trí thức Việt Nam. Với tầm vóc của những người trí thức, lại là những trí thức làm công việc sáng tạo đầy vinh quang trên lĩnh vực VHNT, việc góp phần vào công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là trách nhiệm lớn lao của họ. Rất nhiều việc cần phải làm trong nhận thức, trong hành động thể hiện trách nhiệm này. Tuy nhiên, nhiệm vụ trọng tâm và vinh quang của VNS là sáng tác tác phẩm có giá trị cho cộng đồng, cho dân tộc, để VHNT thật sự phát huy được vai trò tích cực của mình vào sự phát triển chung của đất nước. Điều đó cũng là minh chứng cho sự đúng đắn của đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, là cách bảo vệ chắc chắn, bền vững nền tảng tư tưởng của Đảng.
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 539 (tháng 01-2023)
Ngày nhận bài: 24-12-2021; Ngày bình duyệt: 06-01-2023; Ngày duyệt đăng: 27-01-2023.
(1) Hương Diệp: Đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đồng hành cùng dân tộc, 2020, http://tapchimattran.vn/thoi-su/doi-ngu-tri-thuc-nha-khoa-hoc-van-nghe-si-dong-hanh-cung-dan-toc-36433.html, truy cập ngày 31-7-2020.
(3), (12), (13), (16) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.48, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.480-481, 481, 482, 484.
(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.131.
(7), (8), (9), (14) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.115-116; 145; 263-264; 84-85.
(4), (15) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.52, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.515; 518.
(10) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.60-61.
(2) ĐCSVN: Nghị quyết số 23-NQ/TW, 2008, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-23-nqtw-ngay-1662008-cua-bo-chinh-tri-ve-tiep-tuc-xay-dung-va-phat-trien-van-hoc-nghe-thuat-trong-thoi-ky-269.
(17) Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, 2018, http://tuanbaovannghetphcm.vn/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-le-ky-niem-70-nam-ngay-thanh-lap-lien-hiep-cac-hoi-van-hoc-nghe-thuat-viet-nam-so-509.
(5) Nguyễn Ngọc Thiện: Phát huy vai trò của văn nghệ sĩ trong thời kỳ hội nhập, 2021, https://nguoihanoi.com.vn/phat-huy-vai-tro-cua-van-nghe-si-trong-thoi-ky-hoi-nhap_264117.html, truy cập ngày 13-02-2021.
(11) Thanh Thảo: Nhà văn và xã hội, 2010, https://thanhnien.vn/nha-van-va-xa-hoi-post185291.html, truy cập ngày 05-8-2010.
ThS NGUYỄN THỊ TRIỀU
Học viện Chính trị khu vực III