Quốc tế

Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Lào

26/04/2024 14:46

(LLCT) - Đổi mới hệ thống chính trị trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là đổi mới tổng thể các nhân tố cấu thành, cơ chế vận hành và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước. Trên cơ sở phân tích những quy luật khách quan và yêu cầu của xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Lào, bài viết đề xuất phương hướng đổi mới hệ thống chính trị Lào nhằm đáp ứng những yêu cầu đó.

CHANHTHASOUK KHAMPHAY
NCS Viện Chính trị học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Lào

Thủ đô Viêng chăn, Lào_ Ảnh:IT

Lào đã xác định rõ định hướng phát triển: “Nhà nước CHDCND Lào là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân với mục tiêu cao đẹp là phấn đấu tiến tới xóa bỏ mọi áp bức, bóc lột, thực hiện công bằng, dân chủ và bình đẳng xã hội nhằm mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người lao động, việc giải quyết các vấn đề xã hội phải được quan tâm, chú trọng cùng với sự phát triển kinh tế đất nước, không thể vì sự phát triển kinh tế mà bất chấp, không chú ý giải quyết các vấn đề xã hội”(1).

1. Đặc điểm của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Lào

Nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN ở Cộng hòa Dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào là nền kinh tế chuyển từ nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần sang nền KTTT, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền KTTT hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lãnh đạo, nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Về đặc trưng

Ngoài sự kế thừa những thành tựu chung của nhân loại, nền KTTT định hướng XHCN ở Lào có những đặc trưng riêng, phù hợp với điều kiện phát triển cụ thể của đất nước Lào như sau:

Nền KTTT định hướng XHCN ở Lào là một kiểu tổ chức nền kinh tế trong quá trình đi lên CNXH từ một nước nông nghiệp lạc hậu, kém phát triển. Vì vậy, xây dựng nền KTTT ở Lào có xuất phát điểm từ nền kinh tế tự cung tự cấp sang nền kinh tế hàng hóa và chuyển từ nền kinh tế hàng hóa sang nền KTTT.

Nền KTTT định hướng KTTT ở Lào gồm nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước và kinh tế hợp tác trở thành nền tảng; kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Các thành phần kinh tế đều vận động theo quy luật đó và theo khuôn khổ pháp luật của Nhà nước CHDCND Lào.

Nền KTTT định hướng XHCN thực chất là kiểu tổ chức nền kinh tế vừa dựa trên những nguyên tắc và quy luật của KTTT, vừa dựa trên những nguyên tắc và bản chất của CNXH.

Nền KTTT định hướng XHCN là mô hình kinh tế “mở” cả về bên trong và bên ngoài.

Các yếu tố và sự vận hành của cơ chế thị trường không chỉ chịu sự tác động của các quy luật KTTT nói chung, mà còn chịu sự chi phối bởi các quy luật kinh tế đặc thù của phương thức sản xuất chủ đạo đó là:

Về chế độ sở hữu:

Khác với cơ chế thị trường trong nền kinh tế TBCN hoạt động trên nền tảng của chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, trong đó các công ty tư bản độc quyền giữ vai trò chi phối sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế; cơ chế thị trường trong nền KTTT định hướng XHCN ở Lào hoạt động trong môi trường có nhiều loại quan hệ sở hữu, trong đó, chế độ công hữu giữ vai trò là nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Tính định hướng XHCN đòi hỏi phải củng cố và phát triển kinh tế nhà nước và kinh tế hợp tác, để hai thành phần này trở thành nền tảng của nền kinh tế, có khả năng điều tiết, hướng dẫn sự phát triển của các thành phần kinh tế khác.

Về tính giai cấp và mục đích quản lý của Nhà nước: Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN, sự can thiệp của Nhà nước là nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân lao động, thực hiện mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Về cơ chế vận hành:

Nền KTTT định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước và sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Cơ chế đó bảo đảm nền kinh tế vận hành theo phương châm Nhà nước điều tiết vĩ mô, thị trường dẫn dắt doanh nghiệp.

Về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội: Nhà nước chủ động giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế với công bằng xã hội. Công bằng xã hội không chỉ là động lực để phát triển nền kinh tế, mà còn là mục tiêu của chế độ xã hội mới. Sự thành công của nền KTTT định hướng XHCN không chỉ thể hiện ở tốc độ tăng trưởng cao mà trọng tâm là mức sống thực tế của các tầng lớp dân cư được nâng lên, y tế, giáo dục phát triển, khoảng cách giàu - nghèo được thu hẹp, đạo đức, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn, môi trường sinh thái được bảo vệ.

Về phân phối thu nhập: Đảng và Nhà nước giữ vai trò xây dựng và tổ chức thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, chính sách phân phối thu nhập và có chính sách bảo đảm an sinh xã hội đối với những đối tượng chính sách xã hội, đặc biệt là gia đình có công với cách mạng, thương binh, người tàn tật...(2).

Nền KTTT định hướng XHCN với những đặc trưng như trên đòi hỏi Nhà nước phải quản lý kinh tế, quản lý xã hội bằng pháp luật. Đó cũng là tiền đề quan trọng để xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Ngược lại, Nhà nước pháp quyền XHCN ra đời và từng bước hoàn thiện khi các điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước phát triển đến một trình độ nhất định, làm tiền đề, tạo điều kiện vật chất và tinh thần cần thiết để các quyền cơ bản của công dân được bảo đảm thực thi một cách đầy đủ và triệt để.

Với mục tiêu “Nhân dân giàu có, hạnh phúc, đất nước thịnh vượng, mạnh mẽ, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, Đại hội IX Đảng Nhân dân Cách mạng Lào nhấn mạnh: “tập trung lãnh đạo Nhà nước và xã hội, xây dựng và hiện thực hóa nền KTTT định hướng XHCN. Đó là nền kinh tế bao gồm nhiều thành phần cùng phát triển một cách thực sự bình đẳng và được điều chỉnh bằng pháp luật. Các thành phần kinh tế đều đóng góp tích cực vào việc nâng cao năng lực sản xuất và có khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế. Trong các thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước phải trở thành lực lượng tiên phong quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ các thành phần kinh tế hợp tác với người dân địa phương, doanh nghiệp, hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài bằng việc cải thiện môi trường kinh doanh, cho phép tạo ra sức mạnh và sự cạnh tranh lớn hơn trong phạm vi cơ sở kinh tế quốc dân”(3).

2. Những yêu cầu bảo đảm xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Lào thành công

Yêu cầu về tạo lập môi trường cho xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường

Quản lý nhà nước nhằm bảo đảm sự phát triển cân đối của nền kinh tế có vai trò quan trọng với nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của công dân, bảo vệ tính mạng, tài sản, danh dự của công dân. Hệ thống chính trị cần có các biện pháp thiết lập và bảo vệ trật tự trong các quan hệ kinh tế, bảo đảm cuộc sống hạnh phúc, bình yên của nhân dân. “Đối với công nhân phải có công ăn việc làm, đối với nông dân phải có ruộng đất để phát triển nông nghiệp và đủ ăn, đối với tư bản công nghiệp - thương mại phải khuyến khích họ sản xuất kinh doanh”(4) như Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản đã chỉ rõ.

Thực tiễn CHDCND Lào hiện nay yêu cầu phải thừa nhận sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế, bảo đảm các thành phần kinh tế bình đẳng nhau; chấp nhận sự cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế, các chủ thể của Lào tham gia sản xuất, kinh doanh cũng như của nước ngoài ở thị trường trong nước.

Vì vậy, Đảng lãnh đạo đổi mới hoàn thiện tổ chức, bộ máy HTCT, ban hành các quy định pháp luật theo hướng thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, đa dạng hóa các loại hình sản xuất, kinh doanh, tuyên bố quyền tự do kinh doanh, quyền tự chủ của các chủ thể sản xuất, kinh doanh, sự bình đẳng của các chủ thể khi tham gia sản xuất, kinh doanh, các quy định pháp luật về phá sản, cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền, chống bán phá giá, về đầu tư, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, vấn đề phân tầng xã hội, vấn đề ô nhiễm môi trường, nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác... Để làm được điều đó, trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường, phải tạo ra môi trường bình đẳng cho các chủ thể trong nền kinh tế. Trên thực tế, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tiến hành đổi mới, hoàn thiện tổ chức, bộ máy HTCT bảo đảm việc xây dựng và phát triển nền KTTT định hướng XHCN như sau:

Quan điểm về xây dựng chính sách kinh tế nhiều thành phần: Đảng Nhân dân Cách mạng Lào nhấn mạnh: “nền kinh tế trong chế độ dân chủ nhân dân là nền kinh tế hàng hóa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần, nhiều tổ chức kinh tế, với nhiều mức độ, nhiều quy mô khác nhau”(5). Ngoài kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, Nhà nước còn thừa nhận các thành phần kinh tế khác như: kinh tế tư nhân, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế cổ phần, kinh tế hợp tác nhân dân, kinh tế gia đình, kinh tế liên doanh với nước ngoài... Các thành phần kinh tế này có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó kinh tế nhà nước làm trụ cột, giữ vị trí then chốt của nền kinh tế quốc dân.

Về xây dựng cơ cấu kinh tế: Hội nghị Trung ương 5 khóa XI Đảng Nhân dân Cách mạng Lào chỉ rõ: “cơ cấu kinh tế là một thể thống nhất của các quan hệ kinh tế quốc dân, bao gồm: cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu thành phần và cơ cấu kinh tế vùng”(6). Ba bộ phận này có quan hệ mật thiết với nhau thể hiện ở sự thống nhất, phù hợp giữa lực lượng sản xuất và xây dựng quan hệ sản xuất trong mỗi thời kỳ. Xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế đất nước, giải phóng lực lượng sản xuất và nâng cao năng suất lao động xã hội.

Về xây dựng thị trường: Văn kiện Đại hội XI Đảng Nhân dân Cách mạng Lào khẳng định: “Phải xây dựng nền kinh tế quốc dân có thị trường thống nhất, cạnh tranh tích cực và có hệ thống đơn vị dịch vụ đủ tiêu chuẩn để làm cầu nối giữa các đơn vị kinh tế với nhau, giữa cá nhân với doanh nghiệp, nhằm bảo đảm Nhà nước có thể quản lý điều tiết vĩ mô đối với nền kinh tế quốc dân”(7). Hệ thống thị trường đồng bộ bao gồm thị trường hàng hóa, thị trường sức lao động, thị trường tài chính - tiền tệ, thị trường thông tin, kỹ thuật - công nghệ, thị trường bán lẻ, thị trường bán buôn và các đơn vị dịch vụ tài chính, tiền tệ nhiều cấp độ.

Về xây dựng và đổi mới cơ chế quản lý kinh tế: Khi chuyển sang xây dựng và phát triển KTTT định hướng XHCN thì cách thức quản lý và điều tiết nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung dần bị xóa bỏ. Điều đó vừa tạo điều kiện, vừa đòi hỏi sự đổi mới nhận thức, nhằm mở đường cho cơ chế quản lý và điều tiết mới của Nhà nước đối với nền kinh tế. Nền KTTT định hướng XHCN được vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Vai trò của Đảng và Nhà nước trong quản lý nền KTTT được thể hiện ở những chức năng chủ yếu là:

“1. Nhà nước tạo môi trường pháp lý ổn định, thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế hoạt động đúng hướng. Bên cạnh việc tạo môi trường pháp lý thuận lợi, Nhà nước tạo môi trường kinh tế - xã hội ổn định cho các chủ thể sản xuất kinh doanh hoạt động, giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội trong quá trình đổi mới. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc và là một lợi thế so sánh của đất nước để thu hút đầu tư nước ngoài; ổn định và tăng trưởng kinh tế vĩ mô; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế (phát triển hệ thống giao thông, vận tải, thông tin liên lạc) và kết cấu hạ tầng xã hội (lĩnh vực giáo dục - đào tạo, hệ thống y tế cùng với các dịch vụ công cộng khác).

2. Nhà nước soạn thảo các kế hoạch, quy hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội và ban hành chính sách hướng dẫn các chủ thể thực hiện các kế hoạch, quy hoạch, chương trình đó thông qua các chính sách tài chính - tiền tệ, sử dụng các đòn bẩy kinh tế.

3. Nhà nước sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước; Phân bố các vùng kinh tế, các khu công nghiệp tập trung nhằm tạo ra cơ cấu kinh tế mới hợp lý, phù hợp với cơ chế thị trường; Tổ chức lại hệ thống quản lý, sắp xếp lại các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế; Đổi mới thể chế và thủ tục hành chính; Đào tạo và đào tạo lại đội ngũ công chức quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp; Thiết lập mối quan hệ kinh tế với các nước và các tổ chức kinh tế quốc tế.

4. Nền kinh tế luôn vận động, do đó trong quá trình điều tiết nền kinh tế thị trường, Nhà nước vừa phải tuân thủ và vận dụng các quy luật kinh tế thị trường, vừa phải phát huy mặt tích cực của cơ chế thị trường nhằm điều tiết, chi phối thị trường hoạt động theo định hướng của Nhà nước, bảo đảm kinh tế phát triển ổn định, công bằng và có hiệu quả.

5. Nhà nước thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát nhằm thiết lập trật tự kỷ cương trong hoạt động kinh tế, phát hiện và ngăn ngừa các hiện tượng vi phạm pháp luật, qua đó bảo vệ tài sản quốc gia và lợi ích của nhân dân, góp phần tăng trưởng kinh tế và từng bước thực hiện công bằng xã hội”(8).

Yêu cầu về kiểm soát phòng, chống tham nhũng

Kiểm soát phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả HTCT dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đoàn thể và quần chúng nhân dân.

Kiểm soát phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.

Sử dụng tổng thể các giải pháp kiểm soát phòng, chống tham nhũng với thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, lãng phí một cách có trọng tâm, trọng điểm.

Kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chú trọng tổng kết thực tiễn và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài trong công tác kiểm soát phòng, chống tham nhũng, nhằm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch.

Xây dựng lực lượng chuyên trách có phẩm chất chính trị, bản lĩnh, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp, làm nòng cốt trong công tác kiểm soát, phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng theo hướng chuyên môn hóa với các phương tiện, công cụ, kỹ năng phù hợp, bảo đảm vừa chuyên sâu, vừa bao quát các lĩnh vực, các mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Yêu cầu về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức

Để đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và phát triển nền KTTT định hướng XHCN ở Lào hiện nay, Đảng và nhà nước cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống lành mạnh, có trình độ chuyên môn, năng lực quản lý. Xã hội càng dân chủ đòi hỏi đạo đức của cán bộ, công chức càng phải hoàn thiện, mẫu mực. Cán bộ, công chức phải luôn rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức, tu dưỡng bản thân, tránh mắc các biểu hiện tiêu cực. Trong điều kiện mặt bằng dân trí của xã hội ngày càng được cải thiện, tri thức khoa học - công nghệ ngày càng phát triển, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức phải có kiến thức và năng lực tư duy khoa học sáng tạo, nhạy bén, độc lập, trí tuệ cao.

3. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, bảo đảm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Lào

Một là, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng

Để xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thành công, phải nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Đảng cần đề ra đường lối, chiến lược đúng đắn cho phát triển đất nước nói chung, phát triển kinh tế nói riêng, bảo vệ được lợi ích của đại đa số nhân dân. Để có đủ năng lực lãnh đạo, Đảng phải trong sạch, giữ vững lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Cayxỏn Phômvihản về giải quyết mối quan hệ chính trị - kinh tế nói chung và trong tác động của chính trị đối với kinh tế nói riêng.

Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phát triển KTTT định hướng XHCN, cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng quan điểm, đường lối, các nghị quyết; thể chế hóa cụ thể hóa thành Hiến pháp, pháp luật, kế hoạch, các chương trình công tác lớn của Nhà nước; bố trí đúng cán bộ và thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện. Đảng lãnh đạo nhưng không bao biện, làm thay Nhà nước, mà phát huy mạnh mẽ vai trò chủ động sáng tạo của Nhà nước trong quản lý đất nước và xã hội.

Để bảo đảm cho việc đổi mới và nâng cao sức chiến đấu của Đảng trong điều kiện xây dựng nền KTTT định hướng XHCN ở Lào hiện nay, cần quán triệt các quan điểm sau:

Phải dựa trên nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tư tưởng Cayxỏn Phômvihản.

Phải thường xuyên tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, sửa đổi, điều chỉnh tổ chức hoạt động của hệ thống chính trị.

Phải giữ vững bản chất giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Phải giữ vững ổn định chính trị, kinh tế - xã hội, ngăn chặn các âm mưu, hành động lợi dụng của thế lực thù địch và cơ hội.

Phải bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ từ trung ương đến địa phương.

Phải phù hợp với điều kiện đất nước và thời đại.

Hai là, đổi mới tổ chức, hoạt động của Nhà nước

Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Nhà nước nhằm bảo đảm vai trò của Nhà nước trong phát triển KTTT định hướng XHCN. Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả là yếu tố quan trọng để phát triển KTTT định hướng XHCN.

Cần tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội và cơ quan dân cử các cấp để đáp ứng yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật; Thực hiện tốt hơn nhiệm vụ ra quyết định về các vấn đề quan trọng của đất nước và chức năng giám sát tối cao.

Hoàn thiện cơ chế bầu cử nhằm nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, bảo đảm số lượng đại biểu chuyên trách hợp lý; nâng cao chất lượng của Hội đồng nhân dân và các ủy ban của Quốc hội.

Đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước, thực hiện tốt cơ chế một cửa, xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại hóa; đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng cơ quan hành pháp thống nhất, hiện đại, tinh gọn; phân cấp mạnh, giao quyền chủ động hơn cho chính quyền địa phương; bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi được phân cấp.

Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, quyền con người; đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp; Xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức; tăng cường chế độ kỷ luật, kỷ cương hành chính trong bộ máy công quyền.

Ba là, nâng cao vai trò, chức năng giám sát của Mặt trận Lào Xây dựng đất nước và các tổ chức chính trị - xã hội cùng toàn thể nhân dân trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Mặt trận Lào Xây dựng đất nước và các tổ chức chính trị - xã hội (Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh) gắn với đổi mới căn bản về nội dung, phương thức hoạt động theo hướng tập trung về cơ sở, gắn bó với đoàn viên, hội viên, từng bước khắc phục “hành chính hóa” trong hoạt động và tình trạng “công chức hóa” đội ngũ cán bộ.

Hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách tạo điều kiện để Mặt trận và các tổ chức đoàn thể và toàn thể nhân dân tham gia hiệu quả vào quá trình hoạch định, thực thi và phản biện, giám sát thực hiện luật pháp, các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Cần đẩy mạnh xây dựng tổ chức công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp ở các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm tập hợp công nhân lao động vào tổ chức công đoàn, tích cực tham gia sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, thu nhập và cuộc sống của công nhân, lao động.

_________________

Ngày nhận bài: 29-12-2023; Ngày bình duyệt:6-4-2024; Ngày duyệt đăng:6-4-2024

Tài liệu tham khảo

(1) Bunthi Khưamixay: Vai trò của nhà nước về quản lý kinh tế, Nxb Chính trị Hành chính quốc gia Lào, 2016.

(2) Ban Kinh tế Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào: Về chính sách phát triển kinh tế trong giai đoạn mới.

(3), (5), (6), (7) Đại hội Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lần thứ VII, VIII, IX, X và XI.

(4) Cayxỏn Phômvihản: Tác phẩm tuyển tập, t.1, tr.6.

(8)Tạ Ngọc Tấn, KiKẹo Khảykhămphithun (đồng chủ biên): Xây dựng Nhà nước pháp quyền trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và Lào, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2015.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Lào
    POWERED BY