Thực tiễn

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở nước ta hiện nay

09/06/2024 15:41

(LLCT) - Thiết chế văn hóa, thể thao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sáng tạo, thực hành và thụ hưởng văn hóa của người dân. Những năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, song so với yêu cầu thực tế còn nhiều bất cập, hạn chế. Bài viết góp phần làm rõ thực trạng của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; đề xuất giải pháp để tiếp tục hoàn thiện về mặt thể chế, chính sách, phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao, đáp ứng nhu cầu văn hóa ngày càng đa dạng của các tầng lớp nhân dân.

TS NGUYỄN HUY PHÒNG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
ThS TẠ THỊ OANH

Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở nước ta hiện nay

Trung tâm văn hóa - thể thao xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh _ Ảnh: baochinhphu.vn

1. Mở đầu

Thiết chế văn hóa, thể thao (TCVHTT) là những công trình thiên về giá trị vật chất, được Nhà nước hoặc tư nhân đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, giao lưu, giải trí của mọi tầng lớp nhân dân. TCVHTT chỉ thực sự phát huy được công năng khi hội tụ đầy đủ các yếu tố như: Hệ thống cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ quản lý và kinh phí cho các hoạt động.

Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, “Thiết chế văn hóa là chỉnh thể văn hóa hội tụ đầy đủ các yếu tố: cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, hệ thống biện pháp hoạt động và kinh phí hoạt động cho thiết chế đó”(1).

TCVHTT là thuật ngữ được ghép từ hai thuật ngữ Thiết chế văn hóa Thiết chế thể thao, chỉ công trình phức hợp, đa năng có sự kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa và thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tầng lớp nhân dân.

Nhận thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của hệ thống thiết chế văn hóa nói chung và TCVHTT nói riêng, trong quá trình lãnh đạo, Đảng yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm, đầu tư về nhân lực, vật lực, bố trí quỹ đất cần thiết để xây dựng, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tại các TCVHTT, kiến tạo đời sống văn hóa tinh thần phong phú, lành mạnh cho nhân dân. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII (năm 1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đã đề ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đó là: “Xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở” đi đôi với việc “Nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa”(2).

Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đã nhấn mạnh: “Xây dựng, hoàn thiện đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa. Tạo điều kiện để nhân dân chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng”(3).

Đại hội XIII của Đảng đề ra yêu cầu phải “Đổi mới, hoàn thiện các thiết chế văn hóa từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm hiệu quả”(4). Với chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng, sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương đã tạo ra mang lưới thiết chế văn hóa ngày càng đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

2. Thực tiễn xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao

Cơ chế, chính sách về TCVHTT ngày càng hoàn thiện

Nhằm thiết lập mạng lưới TCVHTT đồng bộ, nhất là hệ thống TCVHTT cơ sở, Nhà nước đã xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực cùng tham gia xây dựng, phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng văn hóa ngày càng đầy đủ, đồng bộ, hiện đại. Quốc hội đã thông qua các luật như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư và các luật khác liên quan đến các lĩnh vực văn hóa; đã xây dựng, ban hành nhiều chương trình, đề án, chiến lược về phát triển văn hóa nói chung và phát triển hệ thống TCVHTT nói riêng, như:

Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến 2030; Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 09-01-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn học nghệ thuật) giai đoạn 2012-2020; Quyết định số 1752/QĐ-TTg ngày 30-9-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục, thể thao Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 429/QĐ-TTg ngày 18-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2021, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1014/QĐ-TTg ngày 29-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thực hiện quyết định của Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã ban hành chương trình, kế hoạch cụ thể, dành những ưu tiên về nguồn lực cho việc xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống các TCVHTT, như: Quyết định số 2563/QĐ-BVHTTDL ngày 03-8-2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn; Thông tư số 01/2017/TT-BTNMT ngày 09-02-2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định định mức sử dụng đất xây dựng cơ sở văn hóa, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở thể dục, thể thao.

Việc xây dựng, ban hành kịp thời các chính sách đã tạo cơ sở và căn cứ pháp lý để chính quyền địa phương cũng như cộng đồng dân cư chung sức, đồng lòng xây dựng hệ thống TCVHTT với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Các thiết chế văn hóa, thể thao ngày càng được quan tâm đầu tư xây dựng

Với sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành, hệ thống TCVHTT ở nước ta ngày càng đầy đủ, đồng bộ, hiện đại. Số lượng các TCVHTT ngày càng gia tăng, đáp ứng tốt nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Tính đến thời điểm tháng 6-2022, cả nước có 66 thiết chế văn hóa cấp tỉnh (trung tâm văn hóa, trung tâm văn hóa - nghệ thuật, trung tâm văn hóa - điện ảnh, trung tâm thông tin triển lãm...); 674/704 quận, huyện có trung tâm văn hóa - thể thao hoặc nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 96%; 8.217/10.599 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao, đạt tỷ lệ 76,8%, trong đó có 5.625/8.158 đạt chuẩn (tỷ lệ 68,9%); 75.853/98.455 làng, thôn, bản, ấp… có nhà văn hóa, đạt tỷ lệ khoảng 77%, trong đó có 44.836/75.853 đạt chuẩn (tỷ lệ 59%)(5).

Việc xây dựng hệ thống TCVHTT đến cấp thôn, ấp, bản… đã tạo môi trường, điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt, thực hành văn hóa, thể thao, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Nguồn kinh phí đầu tư cho thiết chế văn hóa, thể thao ngày càng tăng

Để xây dựng TCVHTT, nguồn kinh phí có vai trò quan trọng trong xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, chi trả thù lao cho những người trực tiếp tham gia quản lý, vận hành thiết chế để tổ chức các hoạt động; đào tào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ và tôn vinh, khen thưởng các cá nhân, tổ chức có nhiều đóng góp cho sự phát triển của thiết chế nói riêng và lĩnh vực văn hóa, thể thao nói chung.

Những năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước, nguồn kinh phí dành cho các hoạt động của TCVHTT ngày càng tăng, bao gồm nguồn ngân sách từ Trung ương, ngân sách địa phương, nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn lực xã hội hóa.

Giai đoạn 2010-2021, nguồn vốn ngân sách chi cho sự nghiệp văn hóa và thể thao là 158.285 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 35.711 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 122.574 tỷ đồng.

Riêng nguồn vốn đầu tư cho phát triển văn hóa, theo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển văn hóa giai đoạn 2009 - 2019 là 8.565,066 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 2.156,113 tỷ đồng, vốn ngân sách sự nghiệp là 6.408,953 tỷ đồng(6).

Về nguồn vốn ngân sách địa phương đầu tư cho phát triển văn hóa, theo báo cáo của 55/63 tỉnh, thành phố thì tỷ lệ chi cho các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đạt 1,72% tổng chi ngân sách nhà nước cấp về các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương(7).

Về nguồn vốn đầu tư cho phát triển thể dục, thể thao, nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển thể dục, thể thao giai đoạn 2010-2020 là 8.762,44 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 1.041 tỷ đồng, vốn ngân sách sự nghiệp là 7.721 tỷ đồng(8).

Cùng với nguồn ngân sách nhà nước, nhiều TCVHTT đã đa dạng hóa các nguồn đầu tư từ xã hội hóa với sự ủng hộ, tham gia đóng góp nhân lực, vật lực, tài lực của các doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng dân cư để cùng khai thác, phát huy công năng của các TCVHTT.

Cùng với việc bố trí nguồn ngân sách, bảo đảm các điều kiện hoạt động của các TCVHTT, các địa phương đã bố trí nguồn quỹ đất nhất định để đầu tư, xây dựng các TCVHTT. Theo đó, tính đến năm 2015, cả nước có 19,62 nghìn ha đất cơ sở văn hóa, chiếm 1,47% diện tích đất phát triển hạ tầng, tăng 4,25 nghìn ha so với năm 2010. Như vậy, đất cơ sở văn hóa bình quân đạt 2,14 m2/người, cao hơn định mức đề ra là 0,74 - 1,23 m2/người, trong đó vùng trung du và miền núi phía Bắc đạt 1,75 m2/người, đồng bằng sông Hồng 2,03 m2/người, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đạt 2,12 m2/người, Tây Nguyên đạt 2,71 m2/người, Đông Nam Bộ 2,86 m2/người, đồng bằng sông Cửu Long 1,72 m2/người(9).

Đội ngũ nhân lực quản lý TCVHTT ngày càng được bổ sung, tăng cường

Để quản lý, hướng dẫn và tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại các thiết chế, đội ngũ cán bộ văn hóa có vai trò quan trọng. Những năm qua, đội ngũ cán bộ làm việc tại các TTVHTT được bổ sung, tăng cường về số lượng cũng như trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, đáp ứng tốt yêu cầu của thực tiễn. Theo thống kê của ngành văn hóa, thể thao, năm 2019 tổng số lượng biên chế làm việc tại trung tâm văn hóa cấp tỉnh là 2.424 cán bộ; cấp huyện là 10.336 cán bộ. Số lớp tập huấn nghiệp vụ văn hóa cơ sở đến hết năm 2019 là 1.079, số cán bộ được đào tạo là trên 90 nghìn lượt người. Cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các thiết chế văn hóa cấp tỉnh có trình độ đại học, cao đẳng trở lên khoảng 60%; cán bộ có trình độ trung cấp là 32%. Đội ngũ cán bộ được đào tạo cơ bản, có chuyên môn sâu, đáp ứng yêu cầu công tác. Ở cấp huyện, cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đại học, cao đẳng đạt 49%, trình độ trung cấp đạt 37%, số cán bộ có kinh nghiệm công tác trong ngành trên 5 năm chiếm 72%; ở cấp xã cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đại học, cao đẳng chiếm 16%, trình độ trung cấp 71%. Một số tỉnh, thành phố đã phổ cập trình độ trung cấp quản lý văn hóa theo hình thức đào tạo tại chức cho trưởng ban văn hóa, hoặc trưởng ban văn hóa - xã hội(10).

3. Vai trò của thiết chế văn hóa thể thao với đời sống văn hóa

Cùng với sự phát triển của đất nước, đời sống vật chất của người dân được nâng cao, hệ thống TCVHTT ngày càng được đầu tư, hoàn thiện, góp phần tạo đời sống văn hóa tinh thần phong phú, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.

Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống TCVHTT đầy đủ về số lượng, mật độ, đồng bộ, hiện đại, chuyên nghiệp tạo ra những giá trị và ý nghĩa to lớn trong đời sống xã hội, thể hiện ở các phương diện:

Tạo ra không gian sinh hoạt văn hóa, thể thao, đáp ứng nhu cầu nâng cao sức khỏe, thể lực của nhân dân

Việc xây dựng đồng bộ hệ thống TCVHTT với những công trình phụ trợ, thiết bị hiện đại góp phần thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia sinh hoạt văn hóa, luyện tập thể dục, thể thao. Bên cạnh đó, sự hình thành các TCVHTT với lối kiến trúc mới, hiện đại, phù hợp, góp phần làm đẹp cảnh quan, không gian và môi trường sống, làm việc của con người.

Bồi đắp tư tưởng, tình cảm và lối sống tốt đẹp cho con người

TCVHTT là công trình mang tính chuyên biệt, nơi nào tổ chức được các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phong phú, sôi động, sẽ thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các hội thi, hội diễn, các phong trào thi đua luyện tập thể dục, thể thao sẽ truyền đi những thông điệp tích cực, những giá trị nhân văn, lành mạnh, bồi đắp tư tưởng, tình cảm, hình thành nhân cách tốt đẹp cho con người.

Một số TCVHTT hiện nay có sự liên hợp của nhiều hạng mục công trình với nhiều phòng chuyên biệt như: phòng đọc sách báo, phòng truy cập internet, phòng thực hành, sân khấu biểu diễn nghệ thuật… tạo điều kiện để nhân dân gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thông tin, tri thức, kinh nghiệm; là trung tâm sinh hoạt, học tập cộng đồng; nơi cung cấp, lan tỏa và chia sẻ những thông tin, tri thức mới, thú vị, bổ ích.

Nơi nào tổ chức được các hình thức hoạt động đa dạng, kết hợp hài hòa giữa các loại hình văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao truyền thống và hiện đại, TCVHTT trở thành nơi lưu giữ, trao truyền, lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông, đồng thời giới thiệu tinh hoa văn hóa nhân loại; thông tin thời sự, cập nhật tình hình trong và ngoài nước.

Gia tăng kết nối cộng đồng, bảo đảm quyền sáng tạo, tiếp cận, thực hành và thụ hưởng văn hóa của người dân

Thông qua các sinh hoạt cộng đồng trên tinh thần tự nguyện, tự quản, tự đóng góp kinh phí để duy trì các sinh hoạt tập thể, nhiều TCVHTT được khai thác hiệu quả, góp phần kết nối các cá nhân, tạo nên sức mạnh của tình đoàn kết, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Từ việc tham gia sinh hoạt câu lạc bộ tại các TCVHTT đã hình thành những ý tưởng về tinh thần thiện nguyện và những hành động thiết thực vì sự phát triển của cộng đồng, địa phương.

Việc quan tâm, đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả hệ thống TCVHTT, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ góp phần nâng cao dân trí mà còn bảo đảm quyền được tiếp cận, sáng tạo, thực hành và thụ hưởng văn hóa của các tầng lớp nhân dân, thu hẹp khoảng cách vùng miền và sự chênh lệch văn hóa, bảo đảm tính ưu việt của chế độ.

Tạo sự ổn định về an ninh chính trị

Xây dựng mạng lưới TCVHTT rộng khắp ở các vùng miền và khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần vui tươi, lành mạnh, phong phú, khơi dậy và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp khi các sinh hoạt văn hóa được duy trì, cái đẹp được lan tỏa, nhân lên trong đời sống cộng đồng sẽ góp phần đẩy lùi cái xấu, cái ác, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Hiện nay, một số TCVHTT đảm đương tốt nhiệm vụ tuyên truyền chính trị, là nơi phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nơi chính quyền và nhân dân họp bàn và thống nhất những công việc lớn, hệ trọng, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích và trách nhiệm của cá nhân và tập thể, rộng lớn hơn là với quốc gia, dân tộc.

Nhiều TCVHTT trở thành nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ phong phú, sôi nổi vào các dịp Tết, dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện lịch sử, chính trị trọng đại của dân tộc, đất nước, địa phương. Nhiều TCVHTT trở thành không gian gần gũi, thân thuộc mà mọi người có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ và phát huy.

Thiết chế văn hóa, thể thao là nguồn lực cho phát triển

Trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng, đời sống vật chất ngày càng được cải thiện, nâng cao; nhu cầu tiêu dùng, thụ hưởng văn hóa, tập luyện thể dục, thể thao ngày càng gia tăng. Nhận thức và nắm bắt được xu hướng đó, nhiều TCVHTT chuyên biệt thuộc các ngành nghề, lứa tuổi đã được xây dựng, hình thành, đi cùng là các hoạt động văn hóa, văn nghệ đa dạng, phong phú; cách quản lý, vận hành tại các thiết chế được tổ chức chuyên nghiệp, bài bản với nhiều chương trình, tiết mục, hoạt động hấp dẫn, có ý nghĩa, thu hút đông đảo công chúng tham gia, nhất là ở các đô thị lớn.

Thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao, các dịch vụ có tính phí, đã mang lại nguồn thu lớn cho các TCVHTT, để từ đó tiến hành đổi mới, hoàn thiện. Một số TCVHTT hiện đại đã thu hút được lượng lớn các bạn trẻ tham gia, khơi nguồn cảm hứng và những ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển hóa nguồn tài nguyên văn hóa thành những sản phẩm, hoạt động mang lại giá trị, lợi ích kinh tế, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước.

4. Những khó khăn, bất cập

Mặc dù đạt được nhiều kết quả nổi bật, công tác đầu tư xây dựng và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tại các TCVHTT vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Thứ nhất, việc đầu tư xây dựng TCVHTT tại một số địa phương còn dàn trải, mang tính hình thức, phong trào, không tính đến điều kiện đặc thù vùng miền, truyền thống văn hóa các cộng đồng, tộc người; nhiều TCVHTT xây dựng ở vị trí xa khu dân cư nên không thu hút được người dân đến tham gia sinh hoạt.

Thứ hai, nguồn kinh phí đầu tư xây dựng và vận hành TCVHTT dựa phần lớn vào nguồn ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương, trong khi nguồn vốn này hạn chế, dẫn đến việc trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, mở rộng các hạng mục công trình cũng như tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao tại các thiết chế còn khó khăn.

Thứ ba, do thiếu nhân lực và đội ngũ cán bộ quản lý trực tiếp phụ trách, tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ nên hoạt động tại các TCVHTT còn đơn điệu, thiếu điểm nhấn, chưa phong phú, đa dạng. Trong khi đó, các loại hình nghệ thuật hiện đại và những trò chơi giải trí trên mạng xã hội lại có sức hấp dẫn lớn đối với công chúng, nhất là giới trẻ.

Thứ tư,nhận thức của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý về vai trò của TCVHTT chưa đầy đủ, toàn diện nên chưa dành những ưu tiên cần thiết để quan tâm, đầu tư, phát triển TCVHTT. Nhiều thiết chế văn hóa chưa phát huy hiệu quả công năng, thậm chí thường xuyên bị chuyển đổi công năng thành nơi tổ chức các sự kiện mang tính cá nhân của người dân. Một số TCVHTT thiếu những trang thiết bị cần thiết, xuống cấp nghiêm trọng, bị hoang phế, lãng phí lớn.

5. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao

Để phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được, khắc phục những bất cập, hạn chế, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp cơ bản sau:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân về vai trò, chức năng, ý nghĩa của TCVHTT.

Hai là, đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách về quy hoạch, quản trị hệ thống TCVHTT, nhất là ở cơ sở, khu dân cư, với tầm nhìn dài hạn.

Bên cạnh hệ thống TCVHTT cơ sở thuộc ngành văn hóa quản lý như: trung tâm văn hóa cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và nhà văn hóa, khu thể thao thôn, bản, cần thiết lập mạng lưới TCVHTT chuyên biệt, chuyên ngành dành cho các đối tượng, giai tầng trong xã hội. Quan tâm hơn nữa đến TCVHTT trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong các cơ sở giáo dục, bảo đảm quyền tiếp cận và thụ hưởng văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân.

Các bộ ngành, nhất là ngành văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông cần có những hướng dẫn cụ thể trong tổ chức, xây dựng các hoạt động văn hóa, thể thao phong phú, đa dạng, phù hợp với tâm lý, thị hiếu và truyền thống văn hóa các tộc người tại các TCVHTT.

Ba là, bố trí và huy động tốt các nguồn lực, nhất là nguồn vốn xã hội hóa từ sự đóng góp của cá nhân, tổ chức, cộng đồng, doanh nghiệp trong và ngoài nước để cùng Nhà nước, chính quyền địa phương đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồng thời cùng tham gia quản lý, khai thác và phát huy hiệu quả công năng của các thiết chế. Bổ sung và luật hóa quy định về đầu tư theo phương thức đối tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, tạo cơ sở, hành lang pháp lý cho các chủ thể cùng tham gia xây dựng, phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao.

Bốn là, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao tại các thiết chế. Có chính sách đặc thù trong đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng cán bộ văn hóa, nhất là cán bộ là người dân tộc thiểu số vào làm việc tại các TCVHTT trên địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, hướng dẫn và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao.

Trong điều kiện nguồn kinh phí từ ngân sách hạn hẹp, đội ngũ cán bộ còn thiếu, các địa phương cần có chính sách huy động sự tham gia đóng góp của cộng đồng cư dân.

6. Kết luận

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống TCVHTT ngày càng đầy đủ, đồng bộ, hiện đại là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân nhằm nâng cao chất lượng đời sống. Khi đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh với những giá trị nhân văn được lan tỏa sẽ góp phần hình thành nhân cách và lối sống tốt đẹp cho con người, tạo động lực, sức mạnh tinh thần để toàn dân đoàn kết, đồng lòng, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hiện nay.

_________________

Ngày nhận bài: 7-2-2024; Ngày bình duyệt: 10-2-2024; Ngày duyệt đăng: 8-6-2024.

(1)Từ điển Bách khoa Việt Nam, quyển 4, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2005, tr.230.

(2) ĐCSVN:Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 68-69.

(3) ĐCSVN:Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2014, tr.52.

(4) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.146.

(5), (6), (7), (8), (9), (10) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Báo cáo tổng hợp Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội, 2022, tr.75, 26, 27, 28, 76-77, 78.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở nước ta hiện nay
    POWERED BY