Yêu cầu và giải pháp nâng cao năng lực tư duy của đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược trong Quân đội

23/03/2023 13:59

(LLCT) - Năng lực tư duy là yếu tố quan trọng cấu thành phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược trong Quân đội nhân dân Việt Nam; là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hoạt động lãnh đạo, chỉ huy. Quá trình hình thành, phát triển năng lực tư duy của người cán bộ do nhiều yếu tố tạo thành, trong đó yếu tố quan trọng nhất là thông qua đào tạo và trải nghiệm hoạt động thực tiễn. Bài viết làm rõ một số nội dung chủ yếu, có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao năng lực tư duy của đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược trong Quân đội.

Yêu cầu và giải pháp nâng cao năng lực tư duy của đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược trong Quân đội

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương kiểm tra cơ sở vật chất phục vụ đào tạo cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Lục quân - Ảnh: qdnd.vn

Trải qua gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam cho thấy, lý luận đúng đắn là tiền đề để có đường lối đúng. Tư duy chiến lược là cơ sở để phát triển tư duy lý luận của Đảng ta, đồng thời cùng với tư duy lý luận để hoạch định đường lối quân sự, quốc phòng trong từng thời kỳ. Những năm qua, năng lực tư duy của đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược trong Quân đội đã từng bước được nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng trong công tác tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng những vấn đề về chiến lược quốc phòng, quân sự, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược đã thể hiện lòng tin rất cao vào sự lãnh đạo của Đảng, đây là nhân tố quyết định thắng lợi của nền quốc phòng toàn dân. Đội ngũ này có tư duy biện chứng về “thế trận lòng dân”, phát triển kinh tế, khoa học - công nghệ,... góp phần quan trọng, chủ yếu vào xây dựng học thuyết quân sự Việt Nam; xây dựng các chiến lược chuyên ngành; tham mưu cho Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược quốc phòng Việt Nam đến năm 2030, Chiến lược quân sự, Chiến lược An ninh mạng v.v.. Các chiến lược xác định rõ mục tiêu, sắp xếp, quy tụ lực lượng; phương hướng, giải pháp đạt mục tiêu lựa chọn, nhờ đó thực sự trở thành cầu nối đưa đường lối của Đảng, các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh vào cuộc sống.

Năng lực lãnh đạo, chỉ huy của cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược có bước phát triển tương đối toàn diện về các lĩnh vực quốc phòng, quân sự. Đa số cán bộ chủ trì có khả năng nắm bắt tình hình, nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị và địa phương, có năng lực tư duy nghiên cứu, chỉ đạo ở tầm vĩ mô; năng lực tham gia vào các quyết định của tập thể, quyết đoán các vấn đề trong lãnh đạo, chỉ huy, xây dựng đơn vị. Trình độ tư duy lý luận về quân sự, chính trị, kinh tế - xã hội… ngày càng được nâng cao. Có hiểu biết về kinh tế thị trường, kinh tế đối ngoại, nắm vững và vận dụng đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội vào thực tiễn. Có khả năng xử lý các thông tin, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tỉnh táo trước những tình huống phức tạp trong điều kiện khó khăn; giải quyết đúng đắn các vấn đề lý luận và thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ huy, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; đồng thời có năng lực tư duy trong lãnh đạo, chỉ huy, phối hợp, hiệp đồng tổ chức thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ ở các cấp, các ngành, các đơn vị và địa phương.

Tuy nhiên, trước những biến đổi nhanh chóng và phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế, đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược đã bộc lộ những hạn chế về tư duy quốc phòng, quân sự. Việc vận dụng lý luận vào giải quyết những vấn đề về thực tiễn quân sự, trang bị, xây dựng lực lượng, tác chiến thiếu sắc bén, nặng về kinh nghiệm, mệnh lệnh hành chính; khả năng cụ thể hóa và vận dụng các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự còn hạn chế nhất định. Nhận thức về “đối tác, đối tượng”, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch chưa thật sâu sắc; chất lượng nghiên cứu, dự báo ở tầm chiến lược có lúc chưa hiệu quả. Trong xử lý các tình huống về quốc phòng, quân sự có thời điểm, vụ việc còn bị động, lúng túng. Tính nhạy bén, sáng tạo, khả năng phát hiện, nắm bắt vấn đề mới nảy sinh còn hạn chế,... do đó, chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân.

Tư duy lý luận của một bộ phận cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược còn đơn thuần về quân sự, hạn chế về quốc phòng, trình độ lý luận kinh tế, nhất là tri thức về kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa sâu sắc. Khả năng, năng lực vận dụng kinh tế vào quân sự còn bất cập. Năng lực tư duy, sự hiểu biết về khoa học - công nghệ còn chung chung, năng lực tiếp cận và vận dụng các thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại vào quá trình lãnh đạo, chỉ huy, quản lý quân sự, vào xây dựng đơn vị, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu còn bất cập.

Trong giai đoạn mới của cách mạng, trước những biến động của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược cần góp phần làm sáng tỏ về mặt lý luận và tổ chức thực hiện đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân; củng cố quốc phòng với xây dựng kinh tế, tăng cường sức mạnh quốc phòng bằng sức mạnh tổng hợp của cả kinh tế, chính trị - tinh thần, khoa học - công nghệ, đối ngoại, an ninh, quân sự; nâng cao chất lượng và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới, một số nội dung chủ yếu, có ý nghĩa quan trọng cần tập trung là:

Về lĩnh vực chính trị, tư tưởng

Tư duy chính trị của cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược phải quán triệt sâu sắc đường lối, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự; quán triệt sâu sắc mối quan hệ biện chứng giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, đối ngoại… Đó là sự biểu hiện tập trung nhất, tinh túy nhất, điển hình nhất của tư duy lý luận trong tình hình thế giới, khu vực, trong nước, phản ánh hiện thực chính trị một cách gián tiếp, tổng hợp, khái quát các quan hệ bản chất, tính quy luật của các sự kiện, hiện tượng, quá trình chính trị để ngày càng hiểu sâu sắc hơn các sự kiện, hiện tượng, quá trình đó, thấy được những mâu thuẫn và chiều hướng phát triển khách quan để cải tạo chúng.

Sáng tạo cách thức mới trong huy động mọi nguồn sức mạnh hiện có ở đơn vị cấp chiến dịch - chiến lược, góp phần cùng toàn quân, toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố; xây dựng thế trận và lực lượng quốc phòng toàn dân, gắn với lực lượng và thế trận an ninh nhân dân; phát triển khoa học quân sự, khoa học - công nghệ quân sự; nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. 

Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo: Quân đội làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, là lực lượng có vị trí to lớn trong giữ gìn trật tự, trị an tại khu vực đóng quân, làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong xây dựng các khu vực phòng thủ; là lực lượng chính trong đối ngoại quân sự. Đồng thời, luôn tỉnh táo, nhạy bén trong nhận diện và kiên quyết trong đấu tranh chống bọn cơ hội, phản động chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... đang làm ảnh hưởng đến tiềm lực đất nước, nhất là tiềm lực chính trị - tinh thần, tiềm lực quốc phòng, an ninh.

Vì vậy, phải thường xuyên bồi dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, bản lĩnh lãnh đạo, chỉ huy cho đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược. Bản lĩnh ấy phải là sản phẩm của quá trình tự bồi dưỡng, rèn luyện lâu dài, thể hiện sự từng trải, sự dày dạn của cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược, thông qua thực tiễn lãnh đạo, chỉ huy bộ đội trong chiến đấu, công tác, sản xuất, trong xây dựng, huấn luyện từ thấp đến cao. Nâng cao khả năng nhạy bén, sắc sảo về chính trị; khả năng chủ động khắc phục khó khăn, nêu cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị được giao.

Về lĩnh vực kinh tế

Tư duy chiến lược của cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược là bước phát triển nhảy vọt về chất trong quá trình nhận thức các vấn đề kinh tế gắn với quốc phòng, quân sự. Điều đó bắt nguồn từ nhu cầu hoạt động thực tiễn của nền kinh tế và các hoạt động xã hội gắn với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong tình hình mới, tư duy của cán bộ chiến dịch - chiến lược về lĩnh vực kinh tế biểu hiện ởnhận thức sâu sắc đường lối đổi mới của Đảng trên các nội dung quan trọng như: vai trò quyết định của kinh tế đối với quốc phòng, quân sự; vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; những vấn đề kinh tế và sự tác động của các lĩnh vực này đến quốc phòng, quân sự trong xu thế hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa và nền kinh tế tri thức; vai trò, vị trí của các đơn vị quân đội làm kinh tế, cũng như phương thức, biện pháp thực hiện việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, quân sự và ngược lại.

Về lĩnh vực khoa học và công nghệ

Tư duy của cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược phải được biểu hiện ở khả năng nhận thức, sáng tạo và vận dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ vào lĩnh vực quốc phòng, quân sự; hiểu khoa học - công nghệ của đối phương, của đối tượng tác chiến để có quyết tâm và tìm kiếm những giải pháp khoa học tối ưu, giải quyết những vấn đề bức xúc do thực tiễn quốc phòng, quân sự đặt ra trước ưu thế của vũ khí công nghệ cao và phương tiện chiến tranh rất hiện đại của đối tượng tác chiến trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự, đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược cần nhận thức rõ xu hướng toàn cầu hóa thị trường vũ khí, trang bị kỹ thuật giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Đây là tiền đề, điều kiện để các nước thực hiện điều chỉnh chiến lược quốc phòng, an ninh, chạy đua vũ trang đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ đất nước, chống chiến tranh công nghệ cao hoặc tiến hành xâm lược bằng chiến tranh công nghệ cao. Vấn đề này làm tăng thế mạnh quân sự của bên mua và thúc đẩy các hãng sản xuất vũ khí, các tổ hợp công nghiệp quốc phòng chuyển nhượng cả bí quyết công nghệ vào lúc ngày càng nhiều nước công nghiệp mới đang tạo dựng nền công nghiệp quốc phòng nội địa. Khuynh hướng này đã và đang thể hiện rõ nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương - nơi tốc độ tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hóa nhanh, giúp các quốc gia ở khu vực này theo đuổi các chương trình phát triển công nghiệp quốc phòng.

Cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chú trọng, cải tiến, hiện đại hóa các trang bị cần thiết cho lục quân, hải quân, phòng không - không quân, thông tin, trinh sát, tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng; bảo đảm đầy đủ, đồng bộ, kịp thời, vững chắc vũ khí, trang bị kỹ thuật cho các đơn vị sẵn sàng chiến đấu, lực lượng phòng không lục quân, phòng không nhân dân, bảo vệ vững chắc biên giới, vùng trời, vùng biển, hải đảo của Tổ quốc. Đồng thời, cải tiến trang bị cho bộ đội bảo đảm gọn, nhẹ, thuận lợi trong thao tác huấn luyện và chiến đấu.

Về lĩnh vực quốc phòng, quân sự

Với lĩnh vực này, tư duy của người cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược cần hướng vào lý giải sâu sắc đặc điểm của lĩnh vực quốc phòng, quân sự nước ta trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập. Đóng góp trí tuệ và tài năng của mình vào hoàn thiện đường lối quân sự, phát triển khoa học quân sự, giải quyết hiệu quả những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra như: xây dựng nền quốc phòng toàn dân với xây dựng thế trận an ninh nhân dân; kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng; tăng cường sức mạnh quốc phòng bằng sức mạnh tổng hợp của cả kinh tế - chính trị - tinh thần, khoa học - công nghệ, đối ngoại, an ninh và quân sự; xây dựng tỉnh, thành phố thành những khu vực phòng thủ vững chắc, bố trí chiến lược hợp lý tạo thành thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, nâng cao chất lượng và sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang.

Để đối phó hiệu quả với chiến tranh công nghệ cao, tư duy của cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược cần tập trung vào bốn vấn đề lớn thuộc về nguyên tắc tác chiến, đó là: chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, cả nước đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt; kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao; lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều trong điều kiện mới, hoàn cảnh mới; vì độc lập, vì tự do, toàn dân, toàn quân một ý chí chủ động tiến công địch mọi lúc, mọi nơi, gắn chặt với phòng ngự kiên cường, vững chắc; mưu trí, sáng tạo, thông minh trong đánh giặc được nâng lên tầm cao mới, phản ánh những giá trị truyền thống của con người Việt Nam.

Các lĩnh vực liên quan đến quốc phòng, quân sự rất rộng, do đó cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược không chỉ quán triệt quan điểm quân sự phục tùng chính trị; nắm vững lý luận về chiến tranh và quân đội mà phải bao hàm lý luận về nhà nước và cách mạng, chiến tranh và hòa bình, về bảo vệ Tổ quốc XHCN trong tình hình mới. Tư duy của cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược phải được mở rộng và nâng cao tầm chiến lược, bởi sự nghiệp mà cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược đang gánh vác không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc phòng, quân sự mà là toàn bộ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc để xây dựng thành công CNXH. Nhiệm vụ của cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược không chỉ chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng đánh thắng trong chiến tranh mà ưu tiên hơn là phải tạo ra thế, lực, mưu để đẩy lùi, ngăn chặn chiến tranh. Tầm nhìn không dừng lại ở đối tượng tác chiến mà phải hướng tư duy biện chứng của mình về “đối tác, đối tượng”, sự vận động, đan xen, chuyển hóa trong điều kiện hiện nay.    

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã và đang đặt ra những yêu cầu mới, nội dung mới về tư duy và năng lực tư duy của đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược. Do đó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược phải thường xuyên nắm vững các yếu tố tác động đến nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cơ quan, đơn vị và địa phương, từ đó phát triển năng lực tư duy, trong đó có tư duy về chiến lược quốc phòng, quân sự cho phù hợp,đáp ứng yêu cầu hoạt động nhận thức, hoạt động thực tiễn ngày càng phong phú, đa dạng, phức tạp hiện nay.

_________________

Ngày nhận bài: 21-3-2023; Ngày bình duyệt: 23-3-2023; Ngày duyệt đăng: 23-3-2023.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Thế Trị: Nâng cao năng lực tư duy của cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ mới, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.

2. Bộ Tổng tham mưu: Cập nhật tình hình an ninh chính trị và nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở địa phương, cơ quan, tổ chức, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018.

3. Cục Tuyên huấn: Một số kiến thức cơ bản về chính trị, văn hóa - xã hội và quốc phòng, an ninh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2019.

TS NGÔ QUỐC HẢI

Khoa Chiến lược, Học viện Quốc phòng

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Yêu cầu và giải pháp nâng cao năng lực tư duy của đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược trong Quân đội
    POWERED BY