Diễn đàn

Bảo đảm sự tham gia của người dân trong thúc đẩy thực hiện công khai, minh bạch của cơ quan hành chính nhà nước

09/07/2025 16:03

(LLCT) - Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”(1). Để thực hiện quyền làm chủ của mình, nhân dân tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước, tham gia kiểm soát, góp ý hoạt động của các cơ quan này nhằm góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Bài viết làm rõ cơ sở cơ sở pháp lý và các yếu tố bảo đảm sự tham gia của người dân trong thúc đẩy thực hiện công khai, minh bạch của các cơ quan hành chính nhà nước, chỉ ra các rào cản và đề xuất một số giải pháp khắc phục.

ThS VÕ THỊ PHIẾN
Học viện Chính trị khu vực IV

Nhân viên Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 _Ảnh: baoquangninh.com.vn

1. Mở đầu

Sự tham gia của người dân trong thực hiện công khai, minh bạch của các cơ quan hành chính nhà nước (HCNN) là một biểu hiện của tính dân chủ trong hoạt động công vụ, là sự thừa nhận nguyên tắc: tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; đồng thời là phương thức quan trọng góp phần ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động của cơ quan HCNN. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy bên cạnh những kết quả tích cực, vấn đề bảo đảm sự tham gia của người dân trong hoạt động của cơ quan HCNN nói chung, hoạt động công khai, minh bạch của các cơ quan này nói riêng hiện còn không ít hạn chế, vướng mắc, cần có giải pháp khắc phục.

2. Nội dung

2.1. Cơ quan hành chính nhà nước và yêu cầu thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước

Cơ quan HCNN là một bộ phận của cơ quan nhà nước. Điều 94, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.”(2). Điều 114 của Hiến pháp nêu: “Ủy ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên”(3). Như vậy, cơ quan HCNN ở Việt Nam hiện nay gồm Chính phủ và UBND các cấp.

Cơ quan HCNN có vai trò rất quan trọng. Đây là cơ quan thực thi quyền hành pháp, trực tiếp duy trì sự ổn định và phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội thông qua hoạt động quản lý nhà nước, như: Xây dựng quy hoạch, kế hoạch; hướng dẫn tổ chức, thi hành Hiến pháp và pháp luật; quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tự nhiên, kinh tế và xã hội; cung cấp các dịch vụ công cho các tổ chức và cá nhân; ngăn ngừa và xử lý các biểu hiện tiêu cực trong thực thi pháp luật,… Để cơ quan HCNN thực hiện tốt vai trò, một trong những việc cần làm là thiết lập và thực hiện nghiêm các cơ chế kiểm soát đối với hoạt động của các cơ quan HCNN.

Hiện nay, hoạt động của bộ máy HCNN ở nước ta được kiểm soát theo hai cơ chế: Kiểm soát nội bộ (gồm hoạt động thanh tra nhà nước và tự kiểm tra, giám sát của các cơ quan HCNN) và kiểm soát từ bên ngoài bộ máy HCNN (bao gồm hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng; giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, kiểm soát của cơ quan tư pháp; Kiểm toán nhà nước; kiểm soát của công dân và công luận). Trong hai cơ chế kiểm soát nêu trên thì kiểm soát từ bên ngoài là rất quan trọng, vì cơ chế này mang tính độc lập hơn, nhiều chủ thể tham gia hơn và do vậy sẽ mang tính khách quan hơn.

Thực hiện các cơ chế kiểm soát đối với hoạt động của cơ quan HCNN đòi hỏi không chỉ phải bảo đảm nguyên tắc tính đảng; tính dân chủ; tính quần chúng; tính pháp chế, mà còn phải bảo đảm tính công khai, minh bạch.

Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan HCNN là việc các cơ quan HCNN, đội ngũ cán bộ, công chức HCNN có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác những thông tin chính thức được đề cập trong văn bản quản lý và phương thức thực hiện công việc của mình cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, theo thẩm quyền và quy định của pháp luật (trừ trường hợp có quy định riêng về nội dung và hình thức công khai, minh bạch). Thực hiện công khai, minh bạch là biện pháp quan trọng giúp bảo đảm tính hợp pháp, liêm chính, trách nhiệm của nền hành chính; phòng ngừa và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động của cơ quan HCNN, đặc biệt đây còn là phương thức bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của người dân.

2.2. Các yếu tố bảo đảm sự tham gia của người dân vào hoạt động công khai, minh bạch của các cơ quan hành chính nhà nước

Thứ nhất, sự tham gia của người dân vào hoạt động của cơ quan nhà nước là một trong những nội dung quan trọng để phát huy tính dân chủ trong hoạt động của cơ quan công quyền.

V.I.Lênin cho rằng: “Không phải chỉ tuyên truyền về dân chủ, tuyên bố và ra sắc lệnh về dân chủ là đủ, không phải chỉ giao trách nhiệm thực hiện chế độ dân chủ cho “những người đại diện” nhân dân trong những cơ quan đại biểu là đủ. Cần phải xây dựng ngay chế độ dân chủ, bắt đầu từ cơ sở, dựa vào sáng kiến của bản thân quần chúng, với sự tham gia thực sự của quần chúng vào tất cả đời sống của nhà nước”(4) và đó là “một “phương pháp tuyệt diệu” để tăng ngay một lúc bộ máy nhà nước của chúng ta lên gấp mười lần(5), nhờ đó hoạt động quản lý của chính quyền mới sẽ hiệu quả hơn. Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng sự tham gia của nhân dân định trong hoạt động lãnh đạo, quản lý là sự bổ sung rất cần thiết và hiệu quả: “Những người lãnh đạo chỉ trông thấy một mặt của công việc, của sự thay đổi của mọi người, trông từ trên xuống. Vì vậy, sự trông thấy có hạn. Trái lại, dân chúng trông thấy công việc, sự thay đổi của mọi người, một mặt khác, họ trông thấy từ dưới lên. Nên sự trông thấy cũng có hạn. Vì vậy, muốn giải quyết vấn đề cho đúng, ắt phải họp kinh nghiệm cả hai bên lại. Muốn như thế, người lãnh đạo ắt phải có mối liên hệ chặt chẽ giữa mình với các tầng lớp người, với dân chúng”(6).

Thứ hai, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, của đội ngũ cán bộ, công chức về phát huy sự tham gia của người dân trong hoạt động của các cơ quan HCNN nói chung và hoạt động công khai, minh bạch của các cơ quan HCNN nói riêng thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều quy định về nội dung này, như: Luật số 10/2022/QH15 ngày 10-11-2022 của Quốc hội: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 27-12-2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Quá trình thực hiện công khai, minh bạch đạt được nhiều kết quả tích cực: Báo cáo chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan HCNN (SIPAS) năm 2023 cho thấy: Mức độ hài lòng đối với trách nhiệm giải trình của chính quyền ở 63 tỉnh, thành phố đạt 74,77% - 90,08%, trong đó mức độ hài lòng về việc chính quyền cung cấp thông tin, giải thích chính sách theo nhiều hình thức, giúp mọi người dân dễ tìm kiếm đạt 73,91% - 90,02% (năm 2022 là 67,88% - 87,33%)(7); mức độ hài lòng về việc chính quyền cung cấp thông tin, giải thích chính sách đầy đủ, dễ hiểu đạt 75,44% - 90,14% (năm 2022 là 72,48% - 89,39%)(8).

Thứ ba, Việt Nam có cơ chế pháp lý bảo đảm sự tham gia của người dân vào hoạt động của cơ quan nhà nước nói chung và hoạt động công khai, minh bạch của cơ quan HCNN nói riêng.

Khoản 2, Điều 2 của Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”(9). Luật số 10/2022/QH15: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, nêu: “Bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở (với tư cách là phương thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật)”. Cụ thể, tại Điều 5 của Luật này nêu rõ 14 nội dung chính quyền ở xã, phường, thị trấn phải công khai và 10 hình thức thực hiện công khai. Tại Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định: “Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”(10); “Phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”(11).

2.3. Các rào cản và giải pháp khắc phục

Các rào cản trong việc thực hiện công khai, minh bạch đến từ chính các cơ quan HCNN, từ cơ chế và từ phía người dân, cụ thể:

Từ các cơ quan HCNN các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ: Nhận thức và hành động của một số cơ quan hành chính và cán bộ, công chức về thực hiện công khai, minh bạch còn hạn chế, dẫn đến việc không công khai, minh bạch hoặc thực hiện công khai, minh bạch không bảo đảm yêu cầu, khiến người dân không thể hoặc khó tiếp cận thông tin. Đánh giá thực hiện công khai thu chi ngân sách cấp xã trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022, tỷ lệ người dân cho biết họ có thấy bảng kê thu, chi ngân sách cấp xã được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã là từ 44% đến 47% mỗi năm, thì đến năm 2023, tỷ lệ này giảm xuống còn xấp xỉ 39%, mức thấp nhất kể từ năm 2016(12).

Về thể chế, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng các cơ chế bảo đảm sự tham gia của người dân trong thực hiện công khai, minh bạch của cơ quan HCNN vẫn còn một số vướng mắc, nhất là trong xây dựng và đồng bộ các chế tài để xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức và tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc, trách nhiệm, hiệu quả các yêu cầu về công khai, minh bạch. Ngoài ra, còn những khó khăn nhất định trong tổ chức thực hiện các quy định về hình thức công khai, minh bạch do vướng về kinh phí hoặc từ chính chủ thể hướng tới của hoạt động này như đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm người yếu thế,...

Từ người dân: ở nhiều địa phương, sự tham gia của người dân vào hoạt động của cơ quan nhà nước nói chung, hoạt động công khai, minh bạch của cơ quan HCNN nói riêng còn thấp. Tỷ lệ người dân trả lời biết đến một số chính sách, pháp luật có liên quan đến người dân năm 2023 so với năm 2021 ở một số địa phương giảm đáng kể (ví dụ, thành phố Cần Thơ năm 2021 đạt khoảng 48% nhưng năm 2023 giảm còn 45%). Thực trạng này đặt ra nhiều vấn đề về cách thức tổ chức công khai và quá trình giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch.

Để khắc phục những khó khăn, rào cản nêu trên, cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, các cơ quan HCNN, cần nhận thức rõ sự tham gia của người dân trong thực hiện công khai, minh bạch của cơ quan HCNN là việc làm tất yếu, khách quan, mang tính bắt buộc, đồng thời là giải pháp hiệu quả góp phần gia nâng cao lượng trong hoạt động quản lý nhà nước, phòng chống tham nhũng, lãng phí, hướng tới quản trị hiệu lực, hiệu quả. Do vậy, cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu phải thực hiện nghiêm túc các quy định về công khai, minh bạch, trong đó thực hiện hiệu quả các hình thức và nội dung công khai, minh bạch bảo đảm: “dễ tiếp cận, dễ theo dõi, dễ đánh giá”. Đưa nội dung thực hiện công khai, minh bạch vào chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ của tổ chức, nhất là ở các bộ phận, lĩnh vực trực tiếp và thường xuyên giải quyết công việc của tổ chức và người dân nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi thực hiện không đúng, không đủ về công khai, minh bạch; đồng thời có biện pháp và cơ chế phù hợp để bảo đảm quyền của người dân trong tham gia xây dựng bộ máy HCNN trên địa bàn mình quản lý.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch của cơ quan HCNN để tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho người dân thực hiện quyền tham gia xây dựng bộ máy HCNN. Theo đó, bên cạnh các quy định về nội dung, hình thức, đối tượng thực hiện như hiện nay, cần quy định rõ trách nhiệm và biện pháp xử lý cụ thể đối với cơ quan HCNN và cán bộ, công chức không kịp thời hoặc thực hiện không đúng quy định về công khai, minh bạch. Thường xuyên rà soát hệ thống pháp luật về thực hiện công khai minh bạch và thực hiện quy chế dân chủ, nhất là dân chủ ở cơ sở nhằm kịp thời phát hiện các nội dung không còn phù hợp hoặc còn thiếu để bổ sung, hoàn thiện.

Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền về quyền và trách nhiệm của người dân đối với hoạt động công khai, minh bạch của cơ quan HCNN; “Trước nhất là, phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”(13). Để làm tốt nội dung này, trước hết cần phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức hội, cùng với cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan HCNN trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tiếp thu, phản hồi, giám sát việc thực hiện các ý kiến, kiến nghị của người dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, bảo đảm nguyên tắc: tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

3. Kết luận

Bảo đảm sự tham gia của người dân trong thực hiện công khai, minh bạch của cơ quan HCNN là vấn đề mang tính tất yếu, khách quan; là xu thế tất yếu trong tiến trình thực hiện nền dân chủ XHCN, đồng thời là biện pháp quan trọng góp phần thúc đẩy nền hành chính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, do đó trong quá trình thực hiện cần tuân thủ và bảo đảm quyền tham gia của người dân, nhất là quyền tham gia thảo luận và kiến nghị với các cơ quan nhà nước về các vấn đề ở cơ sở và cả nước; thực hiện tốt các quy định về công khai, minh bạch cùng với thực hiện hiệu quả công khai, minh bạch trong quá trình tiếp nhận, xử lý, giải quyết, phản hồi ý kiến, kiến nghị, phản ánh, tố cáo của người dân.

_________________

Ngày nhận bài: 14-2-2025; Ngày bình duyệt: 02-6-2025; Ngày duyệt đăng: 9-7-2025.

Email tác giả: vtphien15121984@gmail.com

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.434.

(2), (3), (9) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr.61, 76, 9.

(4) V.I.Lênin: Toàn tập, t.31, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.336-337.

(5) V.I.Lênin: Toàn tập, t.34, Sđd, tr.412.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr 325-326.

(7), (8) Cổng Thông tin điện tử Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022, https://www.molisa.gov.vn, ngày 19-4-2023.

(10), (11) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.173, 173.

(12) Cecodes, RTA & UNDP: Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI): Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân, năm 2023, Hà Nội, 2024, tr.xviii.

(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Sđd, tr.233.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo đảm sự tham gia của người dân trong thúc đẩy thực hiện công khai, minh bạch của cơ quan hành chính nhà nước
    POWERED BY