Quốc tế

Các cơ chế kiểm soát đầu tư của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với Trung Quốc và sự tác động tới dòng đầu tư song phương

14/10/2024 10:21

(LLCT) - Dưới thời Tổng thống Joe Biden, một mặt Mỹ mở rộng phạm vi, quyền hạn các cơ chế kiểm soát đầu tư vào nước Mỹ như FIRRMA, CFIUS, mặt khác, xây dựng một cơ chế hoàn toàn mới để hạn chế đầu tư ra khỏi Mỹ (hiện đối tượng kiểm soát duy nhất là Trung Quốc). Bài viết phân tích các cơ chế kiểm soát của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Mỹ và ngược lại, trên cơ sở đó chỉ ra những tác động tới dòng đầu tư song phương. Bài viết là kết quả nghiên cứu của Đề tài “Chính sách thu hút đầu tư về Mỹ và những tác động”.

TS NGUYỄN THỊ HẢI YẾN
Viện Nghiên cứu châu Mỹ, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam

Kiểm soát các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực “nhạy cảm”, hạn chế Trung Quốc tiếp xúc với các công nghệ cao của Mỹ thông qua hoạt động mua bán, sáp nhập, đầu tư là mục tiêu được chính quyền các Tổng thống Mỹ gần đây_ Ảnh: IT

1. Mở đầu

Các cơ chế kiểm soát đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ hướng đến bảo vệ an ninh quốc gia, thu hút đầu tư chất lượng cao, duy trì môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh. Trên bình diện quốc tế, các cơ chế này cũng tác động đáng kể đến xu thế thương mại và đầu tư toàn cầu như: làm chuyển dịch dòng vốn; tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp công nghệ cao và sản xuất; các biện pháp kiểm soát FDI có thể được xem như một hình thức bảo hộ thương mại, làm ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế quốc tế.

Kiểm soát các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực “nhạy cảm”, hạn chế Trung Quốc tiếp xúc với các công nghệ cao của Mỹ thông qua hoạt động mua bán, sáp nhập, đầu tư là mục tiêu được chính quyền các Tổng thống Mỹ gần đây coi trọng trong chiến lược cạnh tranh và kiềm chế Trung Quốc. Các biện pháp kiểm soát này khiến vốn FDI Trung Quốc vào Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn một thập kỷ, kéo theo sự sụt giảm về doanh thu và việc làm tạo ra bởi các công ty đa quốc gia có nguồn gốc Trung Quốc hoạt động tại Mỹ. Trong trung và dài hạn, xu hướng này có thể tạo ra những thách thức và cơ hội mới cho việc thu hút vốn FDI vào Việt Nam.

2. Các cơ chế kiểm soát đầu tư của Chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với Trung Quốc

Tăng cường áp dụng CFIUS, FIRRMA để kiểm soát dòng đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ

Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) là cơ quan liên ngành do Bộ Tài chính Mỹ đứng đầu, bao gồm các cơ quan kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ như: Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Thương mại, Bộ Năng lượng và Bộ An ninh nội địa. Đây là cơ chế được thành lập từ năm 1975 nhằm mục đích đánh giá ảnh hưởng của các khoản đầu tư nước ngoài vào Mỹ tới an ninh quốc gia. CFIUS có quyền điều tra và xem xét các giao dịch liên quan đến đầu tư nước ngoài và/hoặc giao dịch bất động sản của các cá nhân và/hoặc tổ chức nước ngoài tại Mỹ(1).

Các công ty được mua lại bởi một công ty nước ngoài phải tự nguyện thông báo cho CFIUS và ủy ban này cũng có thể đơn phương xem xét và duy trì quyền tài phán đối với “các giao dịch không được thông báo” vô thời hạn, bao gồm cả những giao dịch đã hoàn thành(2).

Việc báo cáo bắt buộc chỉ áp dụng cho một số giao dịch đầu tư nước ngoài thuộc thẩm quyền của CFIUS liên quan đến các thương vụ có yếu tố TID (công nghệ quan trọng, hạ tầng thiết yếu, dữ liệu cá nhân nhạy cảm). Cụ thể, trừ một số ngoại lệ, các doanh nghiệp phải khai báo với CFIUS trong hai trường hợp: (i) mua lại từ 25% lợi ích biểu quyết của một doanh nghiệp TID Mỹ bất kỳ do một thực thể nước ngoài duy nhất nắm giữ (trực tiếp hoặc gián tiếp) từ 49% quyền biểu quyết; (ii) khoản đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp TID Mỹ liên quan đến các công nghệ quan trọng, thuộc diện phải có giấy phép để xuất khẩu, tái xuất hoặc chuyển giao trực tiếp hoặc gián tiếp 25% quyền biểu quyết trở lên.

Đạo luật FIRRMA (Đạo luật Đổi mới đánh giá đầu tư nước ngoài) quy định về “các nhà đầu tư ngoại trừ”, không phải tuân theo quy định mở rộng của CFIUS và được miễn các yêu cầu khai báo thông tin bắt buộc. Việc xác định nhà đầu tư được hưởng miễn trừ là tương đối phức tạp, năm 2018 chỉ bao gồm các quốc gia Úc, Canađa, Anh và Niu Dilân(3).

Trước năm 2007, số lượng trường hợp CFIUS điều tra cũng như yêu cầu thoái vốn là tương đối ít. Tuy nhiên, sau khi Đạo luật Đầu tư nước ngoài và An ninh quốc gia (FINSA) ra đời, đặc biệt là từ khi Mỹ tiến hành cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và ban hành Đạo luật FIRRMA(4), thì số lượng các vụ việc bị điều tra cũng như bắt buộc hủy bỏ tăng lên đột biến.

Nguồn: CFIUS, 2000-2023

Mặc dù là một cơ chế bảo đảm an ninh quốc gia liên quan đến đầu tư nước ngoài vào Mỹ nói chung, nhưng chính quyền Mỹ đã sử dụng CFIUS như một công cụ của chiến tranh thương mại. Từ khi Tổng thống Donald Trump đắc cử năm 2017, số lượng các vụ việc do CFIUS thụ lý có yếu tố Trung Quốc tăng lên đáng kể, khiến số lượng các vụ cần điều tra/yêu cầu hủy đầu tư cũng gia tăng. Xu hướng này vẫn tiếp tục rõ nét dưới thời Tổng thống Joe Biden, tuy nhiên đã giảm bớt, một phần là do các nhà đầu tư Trung Quốc cũng như bên nhận đầu tư tại Mỹ trở nên cẩn trọng hơn nhằm tránh các thương vụ có nguy cơ bị CFIUS điều tra(5).

Trước đây, CFIUS là một cơ chế tự nguyện và hậu kiểm, tuy nhiên từ khi có đạo luật FIRRMA, nhất là trong nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden, CFIUS tập trung giám sát và điều tra các giao dịch “không thông báo” - là những giao dịch thuộc quyền tài phán của CFIUS nhưng các bên liên quan, vô tình hay cố ý, không khai báo thông tin theo quy định.

Trong một động thái được đánh giá là “hiếm khi xảy ra”, Tổng thống Joe Biden đã ra Sắc lệnh ngày 13-05-2024 yêu cầu công ty MineOne Cloud Computing Investment I L.P. (một công ty có yếu tố Trung Quốc) phải thoái vốn khỏi giao dịch mua một bất động sản nằm ngay sát căn cứ không quân Francis E. Warren (bang Wyoming), đồng thời dỡ bỏ các thiết bị “đào tiền ảo” lắp đặt tại đây(6). Đáng chú ý, đây mới là lần thứ tám một Tổng thống Mỹ ra sắc lệnh tương tự theo đề xuất của CFIUS và là lần đầu tiên Tổng thống đình chỉ một giao dịch bất động sản(7) trong khi giao dịch này đã diễn ra từ gần hai năm trước đó (6-2022) và các bên liên quan không khai báo thông tin với CFIUS. Bản thân CFIUS cũng không biết tới giao dịch này thông qua các kênh giám sát riêng, mà qua một bản báo cáo của các nhân viên của Microsoft làm việc gần đó gửi đến.

Các nhà phân tích coi đây là một động thái đáng chú ý trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vì một số yếu tố như: (i) chính quyền Tổng thống Joe Biden gọi MineOne là “công ty bị Trung Quốc chi phối” mà không đưa ra các thông tin chi tiết hơn, trong khi doanh nghiệp này đăng ký ở đảo Virgin thuộc Vương quốc Anh (vốn thuộc danh sách miễn trừ của FIRRMA); (ii) thể hiện sự quan ngại ngày càng tăng của chính quyền Mỹ với các thương vụ liên quan đến tiền ảo, được cho là bị Trung Quốc lũng đoạn về công nghệ và (iii) CFIUS không chỉ hoạt động bằng nguồn tin tự thân, mà còn dựa vào thông tin do các cá nhân, tổ chức khác cung cấp, vốn ngày càng nhiều và mang khuynh hướng “bài xích Trung Quốc” rõ rệt(8). Xu hướng này được cho là sẽ gây xáo trộn đáng kể trong giới đầu tư vào Mỹ bởi sẽ phải xem xét kỹ lưỡng hơn về nguồn gốc vốn đầu tư, lĩnh vực công nghệ và địa điểm đầu tư, nếu không sẽ có nguy cơ bị hủy bỏ đầu tư và chịu thiệt hại nặng về kinh tế do CFIUS không có các quy định về thời hiệu và hồi tố (một giao dịch đã được chấp thuận bởi CFIUS cũng có thể bị xem xét lại nếu xuất hiện các thông tin mới hoặc được tiếp cận dưới một góc độ khác).

“CFIUS đảo ngược” - Cơ chế mới nhằm giám sát đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc

Ngày 21-6-2024, Bộ Tài chính Mỹ đưa ra thông báo về dự thảo quy định áp dụng các biện pháp kiểm soát đối với đầu tư nước ngoài của Mỹ vào Trung Quốc, nhằm triển khai Sắc lệnh số 14105 của Tổng thống Joe Biden(9). Quy định này đề ra một khuôn khổ pháp lý ở mức chung nhằm giảm thiểu rủi ro đối với lợi ích và an ninh quốc gia của Mỹ phát sinh từ các khoản đầu tư ra nước ngoài đến “các quốc gia đáng quan tâm” (hiện chỉ có Trung Quốc). Theo đó, các nhà đầu tư của Mỹ - các quỹ đầu tư tư nhân hoặc quỹ đầu tư mạo hiểm - phải thông báo cho Bộ Tài chính và xin phê duyệt các khoản đầu tư liên quan tới chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và trí tuệ nhân tạo đến “các quốc gia đáng quan ngại”. Quy định này được giới quan sát đặt tên là “CFIUS đảo ngược”, nhằm bổ sung cho các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hiện có và các công cụ sàng lọc đầu tư vào Mỹ (như CFIUS) để giải quyết các mối đe dọa an ninh quốc gia. Lần đầu tiên, Mỹ hạn chế trao đổi không chỉ con người và sản phẩm mà còn cả vốn.

Trong bài phát biểu vào tháng 4-2023 tại Đại học Johns Hopkins, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã nhấn mạnh cách tiếp cận của Mỹ trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc theo ba nội dung: bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ, tham gia vào cuộc cạnh tranh kinh tế lành mạnh với Bắc Kinh và hợp tác giải quyết các thách thức toàn cầu(10). “CFIUS đảo ngược” chính là quy định nhằm triển khai nội dung đầu tiên trong chiến lược của Bộ trưởng Janet Yellen, bằng cách hạn chế đầu tư của Mỹ vào các sản phẩm có thể củng cố lợi thế công nghệ của quân đội Trung Quốc.

Biện pháp hạn chế đầu tư này nhằm cân đối cả hai ràng buộc kinh tế và an ninh. Phạm vi danh mục được quy định tương đối nhỏ nhằm hạn chế đầu tư của Mỹ vào các lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc, mà không ảnh hưởng lớn đến các cam kết lâu dài của Mỹ đối với tự do về đầu tư và vốn quốc tế. Điều này cũng nhất quán với cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Joe Biden là “sân nhỏ, rào cao” để giải quyết các mối quan ngại về an ninh quốc gia(11).

Bằng cách chỉ nhắm đến một phần nhỏ các khoản đầu tư “chủ động” tiềm năng vào Trung Quốc, tổng cộng lên tới gần 10 tỷ USD vào năm 2022(12), quy định này tránh hạn chế các khoản đầu tư “thụ động” lớn vào trái phiếu và cổ phiếu của Trung Quốc được giao dịch công khai. Biện pháp này là một bước tiến đáng kể nhằm giảm rủi ro và ngăn chặn việc sử dụng vốn của Mỹ làm lợi cho quân đội Trung Quốc. Thượng viện Mỹ cũng đồng thời sửa đổi sàng lọc đầu tư trong dự luật chi tiêu quốc phòng, thể hiện sự ủng hộ đáng kể của lưỡng đảng đối với việc “giảm rủi ro” từ Trung Quốc.

Với một số điểm tương đồng như cơ chế của CFIUS, quy định mới này của Bộ Tài chính Mỹ cấm hoặc áp đặt các yêu cầu thông báo đối với các khoản đầu tư của cá nhân và tổ chức Mỹ (chủ yếu là mua lại vốn cổ phần không được giao dịch công khai) vào các công ty có trụ sở tại Trung Quốc hoặc do các bên có lợi ích tại Trung Quốc sở hữu có hoạt động tại một trong ba lĩnh vực: (i) chất bán dẫn và vi điện tử, (ii) công nghệ thông tin lượng tử và (iii) một số ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI)(13):

Mặc dù mức độ ảnh hưởng đến con số đầu tư tuyệt đối không lớn, nhưng giới đầu tư Mỹ cho rằng, các quy định không rõ ràng có thể làm giảm tính cạnh tranh của nhà đầu tư Mỹ vào thị trường lớn nhất thế giới này.

3. Tác động của các cơ chế kiểm soát tới đầu tư song phương Mỹ - Trung

Lượng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ còn khiêm tốn cho đến giữa những năm 2000 nhưng tăng trưởng đều đặn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 khi các công ty Trung Quốc phục hồi nhanh chóng và tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài. Năm 2014, với việc nới lỏng hạn chế đối với FDI ra nước ngoài, các giao dịch mua bán, sáp nhập lớn đã thúc đẩy FDI của Trung Quốc vào Mỹ tăng trưởng nhanh chóng, đạt kỷ lục 46 tỷ USD vào năm 2016. Tuy nhiên, sau đó Trung Quốc thắt chặt kiểm soát vốn và hạn chế các nhà đầu tư tư nhân có đòn bẩy cao, dẫn đến sự sụt giảm mạnh trong FDI ra toàn cầu của Trung Quốc. Xu hướng này thể hiện rõ tại thị trường Mỹ từ năm 2017, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, giải trí và một số ngành công nghiệp khác.

Đồng thời, các chính sách và bối cảnh chính trị nội địa của Mỹ cũng tác động tiêu cực đến các nhà đầu tư Trung Quốc, đặc biệt là trong một số lĩnh vực mà Trung Quốc vẫn cho phép và hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài, thí dụ mua lại tài sản công nghệ phù hợp với ưu tiên phát triển quốc gia. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ “từ chối” nhà đầu tư Trung Quốc trong một số thị trường nhất định vì lý do an ninh quốc gia. Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 làm suy giảm FDI toàn cầu năm 2020, Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ. Trong khi dòng vốn FDI toàn cầu tăng trở lại vào năm 2021, các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn mắc kẹt trong nước do chính sách zero - Covid. Cùng với đó, Mỹ thực hiện các chính sách an ninh quốc gia và kinh tế như: kiểm soát xuất khẩu, trừng phạt các công ty Trung Quốc, sàng lọc dòng vốn ra nước ngoài; đồng thời ban hành các chính sách công nghiệp mới mạnh mẽ khuyến khích đầu tư vốn lớn vào sản xuất trong nước, cấm hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư Trung Quốc (nổi bật là Đạo luật CHIPS và Đạo luật Giảm lạm phát - IRA). Do đó, FDI của Trung Quốc vào Mỹ vẫn ở mức thấp trong giai đoạn 2022-2023(14).

Nguồn: Rhodium Group

Dữ liệu mới nhất từ Cục Phân tích kinh tế (BEA) về đầu tư trực tiếp nước ngoài mới vào Mỹ càng khẳng định xu hướng này. Các khoản FDI mới của các công ty Trung Quốc tăng nhanh trong các năm 2014-2016, sau đó đạt đỉnh và chậm lại đáng kể trong những năm tiếp theo. Kể từ năm 2019, đầu tư hằng năm đã giảm xuống dưới một tỷ USD, riêng năm 2022 xuống mức thấp nhất, không đến 0,5% lượng FDI mới vào thị trường Mỹ. Trong các năm 2019-2022, FDI mới của Trung Quốc vào Mỹ chỉ đạt trung bình 667 triệu USD, đứng thứ 11, thấp hơn nhiều lần so với mức đầu tư của các nền kinh tế lớn khác và thấp hơn đáng kể so với đầu tư của các công ty đa quốc gia từ các nền kinh tế nhỏ hơn như Xinhgapo, Hàn Quốc hoặc Tây Ban Nha(15).

Sụt giảm về đầu tư kéo theo sự sụt giảm về sự hiện diện của các công ty Trung Quốc tại Mỹ. Tài sản của các công ty Trung Quốc tại Mỹ tăng nhanh từ 19,3 tỷ USD năm 2009 lên 275,5 tỷ USD năm 2017, sau đó gần như không tăng, phản ánh sự cân bằng giữa mức đầu tư mới và thoái vốn. Tính đến năm 2021, tổng tài sản của các công ty Trung Quốc tại Mỹ là 282 tỷ USD, chỉ chiếm 1,5% tổng tài sản của các công ty đa quốc gia ở Mỹ - một con số quá ít ỏi đối với vị thế đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ (năm 2021)(16).

Nếu như tổng tài sản các công ty Trung Quốc tại Mỹ tăng nhẹ, thì doanh thu lại có sự sụt giảm đáng chú ý. Doanh số bán hàng của các công ty đa quốc gia có nguồn gốc Trung Quốc tại Mỹ đã tăng nhanh từ 3,4 tỷ USD năm 2009 lên hơn 90 tỷ USD vào năm 2017, sau đó chững lại từ năm 2017 đến năm 2019 và giảm vào năm 2020 và 2021. Mặc dù có thể lý giải điều này do nguyên nhân đại dịch, nhưng thực tế thì các công ty đa quốc gia (trừ của Trung Quốc) đã có sự phục hồi đáng kể trong năm 2021. Xu hướng tương tự cũng thể hiện qua số việc làm được các công ty Trung Quốc tạo ra ở Mỹ: tăng gần như từ số 0 năm 2007 lên hơn 229.000 vào năm 2017, tuy nhiên sau đó giảm xuống còn 140.000, chỉ bằng một phần nhỏ số việc làm do các công ty thuộc các cường quốc công nghiệp khác như Đức (929.000) hoặc Nhật Bản (1.045.000) tạo ra(17).

Đáng chú ý, đã xuất hiện sự phân hóa trong đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ so với các đồng minh chiến lược khác của quốc gia này. Thí dụ, trong lĩnh vực xe điện, trong khi sự hiện diện của nhà đầu tư Trung Quốc ở Mỹ là hết sức khiêm tốn, thì từ năm 2019 đến nay, Trung Quốc đã đầu tư hơn 30 tỷ USD vào ngành xe điện ở EU, bao gồm các cơ sở sản xuất lớn ở Pháp, Đức và Hungary(18).

Ở phía ngược lại, mặc dù có tác động trái chiều từ xu hướng dịch chuyển một phần sản xuất khỏi Trung Quốc, cũng như chủ trương kiểm soát các khoản đầu tư nhạy cảm của chính phủ Mỹ, nhưng dòng đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc chưa chịu ảnh hưởng đáng kể. Các nhà đầu tư Mỹ tiếp tục đầu tư số vốn tương đối lớn vào Trung Quốc nhằm chứng minh rằng họ đã trở nên nhạy bén hơn với các xu hướng của Trung Quốc. Ngày càng có nhiều khoản đầu tư hơn vào hệ thống chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh già hóa dân số. Ngoài ra, ngành công nghiệp ô tô điện mới đang thu hút được nhiều vốn đầu tư của Mỹ, bên cạnh các xu hướng đầu tư đáng kể khác như: chuỗi nhà hàng, nhãn hiệu xa xỉ, giải trí, tàu du lịch, bán lẻ quần áo, kết cấu hạ tầng kỹ thuật số và các quỹ phục vụ giới nhà giàu.

Trong khi các lĩnh vực cụ thể như vi mạch và AI hiện không còn nằm trong phạm vi ưu tiên đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc, dư địa đầu tư tại thị trường Trung Quốc đối với các nhà đầu tư Mỹ vẫn còn rất lớn. Theo Viện McKinsey Global, số hộ gia đình có thu nhập trung bình khá và cao ở Trung Quốc có thể đạt 200 triệu vào năm 2025 và 260 triệu vào năm 2030. Số lượng thành phố có thu nhập cao dự kiến ​​sẽ đạt 82 vào năm 2025 và 93 vào năm 2030(19).

4. Kết luận

Trong thời gian tới, các chính sách hạn chế của Mỹ sẽ tiếp tục kiềm chế hơn nữa dòng vốn của Trung Quốc vào thị trường này. Tuy nhiên, do dòng đầu tư này không lớn, nên xu hướng này cũng không mang lại cơ hội rõ rệt cho các quốc gia khác.

Trên thực tế, các quy định về hạn chế FDI của Mỹ liên quan đến công nghệ cao (chip, điện toán lượng tử, AI) không chỉ áp dụng cho các bên nhận đầu tư có quốc tịch Trung Quốc, mà cả các bên có liên quan về vốn, quyền kiểm soát, hoặc doanh thu lớn với thị trường Trung Quốc. Điều này có thể gây ra một số vấn đề phức tạp tiềm tàng cho các khoản đầu tư của Mỹ vào Việt Nam trong các ngành liên quan.

Trung Quốc có thể sẽ có các biện pháp trả đũa, khiến các doanh nghiệp Mỹ phải thông qua con đường khác để tiếp cận thị trường đại lục, tạo ra một làn sóng đầu tư mới vào các quốc gia như Việt Nam, nhưng không phải để “chia tách với Trung Quốc”, mà là để quay lại Trung Quốc. Khi đó, hạ tầng và logistics sẽ là điều kiện then chốt để Việt Nam có thể đón đầu thành công xu hướng này.

_________________

Ngày nhận bài: 29-7-2024; Ngày bình duyệt: 5-8-2024; Ngày duyệt đăng: 13-10-2024

(1) Richardson, Jeffrey: A Modern Approach to Tackling CFIUS Concerns, Transaction Advisors, ISSN 2329-9134, 2015.

(2) CRS: The Committee on Foreign Investment in the United States, Congressional Research Service, 2024.

(3) Jalinous, Farhad; Mildorf, Karalyn; Schomig, Keith: CFIUS Reform Becomes Law: What FIRRMA Means for Industry, White & Case, 2018.

(4) Rappeport, Alan: In New Slap at China, U.S. Expands Power to Block Foreign Investments, The New York Times, ISSN 0362-4331, 2018

(5) Yoon-Hendricks, Alexandra: Congress Strengthens Reviews of Chinese and Other Foreign Investments, The New York Times, ISSN 0362-4331, 2018.

(6), (10) U.S. Department of the Treasury: Statement on the President’s Decision Prohibiting the Acquisition by MineOne Cloud Computing Investment I L.P. of Real Estate, and the Operation of a Cryptocurrency Mining Facility, in Close Proximity to Francis E. Warren Air Force Base, 2024.

(7) Fingar C: MineOne Order Points To Stricter Scrutiny Of Chinese Investments, Forbes, 30 May 2024.

(8) Dechert LLP: Biden Administration Unwinds Chinese Real Estate Investment Near Military Base, 21 May 2024.

(9) The White House: Background Press Call by Senior Administration Officials Previewing Executive Order on Addressing U.S. Investments in Certain National Security Technologies and Products in Countries of Concern, 10 August 2023.

(11) The White House: Remarks by National Security Advisor Jake Sullivan on Renewing American Economic Leadership at the Brookings Institution, 27 April 2023.

(12) S&P Global: China sees huge decline in US private equity investments in 2022, 7 February 2023

(13) U.S. Department of the Treasury: Provisions Pertaining to U.S. Investments in Certain National Security Technologies and Products in Countries of Concern, 2024.

(14), (17) Thilo Hanemann, Armand Meyer and Danielle Goh: Vanishing Act: The Shrinking Footprint of Chinese Companies in the US, Rhodium Group, 7 September 2023.

(15) Bureau of Economic Analysis: Data on new foreign direct investment in the United States, 2024.

(16) Bureau of Economic Analysis: Direct Investment and MNE, 2024.

(18) Gregor Sebastian, Noah Barkin, Agatha Kratz: Ain’t No Duty High Enough, Rhodium Group, 29 April 2024.

(19) Chris Devonshire-Ellis and Henry Tillman: US 2023 Foreign Investment into China – Data Analysis on Deals, Values, M&A and Investmens, China Briefing.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các cơ chế kiểm soát đầu tư của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với Trung Quốc và sự tác động tới dòng đầu tư song phương
    POWERED BY