Quốc tế

Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về ảnh hưởng kinh tế tại Việt Nam

13/05/2025 11:19

(LLCT) - Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc nói chung và cạnh tranh về ảnh hưởng kinh tế của hai cường quốc này tại Việt Nam nói riêng đã tác động thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và hai nước tăng trưởng nhanh chóng, nhưng đồng thời cũng khiến nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc tăng lên, từ đó làm tăng mức thâm hụt thương mại. Bên cạnh đó, nguy cơ bị Mỹ áp lệnh trừng phạt nếu xảy ra tình trạng hàng hóa Trung Quốc dán nhãn “made in Việt Nam” xuất khẩu sang Mỹ để tránh thuế… Bài viết tập trung xem xét cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh hưởng đến Việt Nam và tác động của nó trong lĩnh vực kinh tế, bao gồm thương mại, đầu tư trực tiếp, thầu khoán công trình.

TS NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HOA
Viện Nghiên cứu Trung Quốc,
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Cạnh tranh Trung - Mỹ và tác động đến cục diện quốc tế
Ảnh minh họa: IT

1. Mở đầu

Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc đã công khai kể từ chiến tranh thương mại vào năm 2017-2018 và được thể hiện rõ trong các chiến lược của Mỹ. Trong Chiến lược an ninh quốc gia năm 2022, Mỹ xác định họ “đang ở trong một cuộc cạnh tranh chiến lược nhằm định hình tương lai của trật tự quốc tế” và đây là “thập kỷ quyết định mang tính quyết định đối với Mỹ” cần phải nắm bắt để “thúc đẩy các lợi ích sống còn của Mỹ, giúp Mỹ vượt qua các đối thủ địa chính trị”(1). Mỹ coi Trung Quốc không chỉ là thách thức lớn nhất hiện nay, mà còn là “thách thức chiến lược” mang tính lâu dài, ảnh hưởng đến tương lai của Mỹ và của thế giới. Chiến lược thông minh quốc gia 2023, Chiến lược an ninh mạng quốc gia 2023 của Mỹ đều có nhận định tương tự.

Cùng với xu hướng tăng lên của cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, Mỹ ngày càng coi trọng vai trò của Việt Nam. Trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương năm 2022, chính quyền Biden xác định Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu trong khu vực cần tăng cường quan hệ để đạt được mục tiêu kết nối, cùng với Ấn Độ, New Zealand, Đài Loan (Trung Quốc)và nhiều quốc gia quan trọng khác. Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 9-2023, ông Biden khẳng định “Việt Nam là một quốc gia quan trọng trên thế giới và là đầu tàu trong một khu vực cực kỳ quan trọng”, “chuyến công du này là một khoảnh khắc lịch sử. Mỹ đã tăng cường quan hệ với một đối tác quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”(2).

Văn kiện Triển vọng chính sách đối ngoại láng giềng của Trung Quốc trong thời đại mới công bố vào tháng 10-2023 khẳng định “khu vực xung quanh là nơi Trung Quốc định cư và sinh sống, là cơ sở cho sự phát triển và phồn vinh… Trung Quốc hết sức coi trọng ngoại giao láng giềng, luôn đặt các nước láng giềng ở vị trí quan trọng hàng đầu trong trong tổng thể ngoại giao”(3). Đối với Việt Nam, “Trung Quốc coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong ngoại giao xung quanh và cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược, đây là lựa chọn chiến lược được phía Trung Quốc đưa ra trên cơ sở phát triển lâu dài của quan hệ hai nước”(4). Trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Hướng tới tương lai, phía Trung Quốc nhấn mạnh kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam, coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng”(5).

Có thể nói, Mỹ và Trung Quốc đều coi Việt Nam là một trong những địa điểm trọng yếu cần tăng cường ảnh hưởng để duy trì lợi ích về nhiều mặt. Hai nước đã nâng cấp quan hệ với Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh tế.

2. Nội dung

2.1 Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tại Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế

Về phía Mỹ

Từng bước tháo gỡ những rào cản về kinh tế thương mại. Tuyên bố chung Việt Nam - Mỹ năm 2023 khẳng định “hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi và mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa, dịch vụ của mỗi nước, hỗ trợ chính sách thương mại, kinh tế và các biện pháp theo quy định để đạt được mục tiêu trên; cùng nhau giải quyết các vấn đề như rào cản tiếp cận thị trường thông qua Hiệp định khung về thương mại và đầu tư”(6). Mỹ ghi nhận những bước tiến trong quá trình cải cách kinh tế dựa trên thị trường của Việt Nam, đồng thời ủng hộ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường; đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc tiếp tục hiện đại hóa và tăng cường hơn nữa tính minh bạch của khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá. Tháng 11-2022, Bộ Tài chính Mỹ chính thức đưa Việt Nam ra khỏi danh sách giám sát về thao túng tiền tệ.

Tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực mà Mỹ có lợi thế, phù hợp với xu hướng cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và nhu cầu phát triển của Việt Nam. Mỹ cam kết thúc đẩy hợp tác với Việt Nam như công nghệ, các ngành mới nổi, phát triển hạ tầng vật chất và hạ tầng số chất lượng cao, nông nghiệp bền vững và thông minh; đặc biệt cam kết hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu rộng và bền vững vào các chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu. Mỹ ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Biden tháng 9-2023, hai bên tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD cho Việt Nam. Hỗ trợ Việt Nam phát triển những ngành nghề này cũng là cách để Mỹ đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, ngăn chặn bước tiến tự chủ về khoa học công nghệ của Trung Quốc, từ đó duy trì ưu thế của mình trong cuộc cạnh tranh.

Ảnh hưởng kinh tế của Mỹ đối với Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng khi kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng nhanh, đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Kim ngạch thương mại song phương tăng gần 5 lần trong vòng 10 năm qua, từ 25 tỷ USD (năm 2012) lên gần 110 tỷ USD (năm 2023)(7). Từ năm 2019, Việt Nam đã vươn lên vị trí là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ, kim ngạch thương mại với Mỹ chiếm tỷ trọng khoảng 14-16% trong tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam, năm 2023 là 16,28%, trong khi năm 2017 (trước khi xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung) mới ở mức 11,9%(8). Mức tăng trưởng này đến từ nhiều nguyên nhân, tuy nhiên cũng có nguyên nhân do sự điều tiết của Mỹ. “Thời gian qua, hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ tăng lên nhiều và họ không thi hành chính sách áp thuế hà khắc như với Trung Quốc. Đó là do sự điều tiết lợi ích chiến lược của họ”(9).

Thương mại song phương tăng trưởng chủ yếu là tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ ở mức cao và cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng xuất khẩu nói chung của Việt Nam, trong đó năm 2019 có mức tăng cao nhất với 29%, năm 2020 và 2021 tuy có giảm hơn nhưng vẫn duy trì mức trên dưới 25%. Tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ trong tổng xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 19,3% năm 2017 lên mức 27,4% năm 2023, thậm chí năm 2022 còn ở mức gần 30%(10). Trong vòng 5 năm (2017-2023), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng hơn 2 lần, từ 41,59 tỷ USD lên 97 tỷ USD.

Về đầu tư trực tiếp, Mỹ không phải là nước có đầu tư trực tiếp lớn tại Việt Nam và vị trí, tỷ trọng cũng không được cải thiện, thậm chí có chiều hướng giảm. Trong hơn 10 năm, đầu tư trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam tăng gần 4 lần từ 160,4 triệu USD năm 2012 lên 626,32 triệu USD năm 2023, lũy kế đầu tư đến năm 2023 là 11,826 tỷ USD. Tỷ trọng đầu tư trực tiếp của Mỹ trong đầu tư hàng năm cũng như trong lũy kế tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam không được cải thiện trong 10 năm qua. Năm 2012, đầu tư trực tiếp của Mỹ chiếm tỷ trọng 0,98% trong tổng vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam, năm 2023 chỉ ở mức 1,71%. Năm 2022 là năm cao nhất với 2,7%. Tỷ trọng trong lũy kế tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam có xu hướng giảm, năm 2012 chiếm 4,99%, năm 2023 chỉ còn 2,52%. Vị trí của Mỹ trong số các đối tác đầu tư nước ngoài tại Việt Nam từ vị trí thứ 7 năm 2012 đã dần rớt xuống và từ năm 2018 đến nay duy trì ở vị trí số 11.

Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc gia tăng, đặc biệt về thương mại, khoa học công nghệ, đầu tư trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam đã xuất hiện xu hướng mới. Một số công ty về công nghệ của Mỹ có xu hướng đầu tư tại Việt Nam. Petragon, nhà sản xuất Iphone lớn thứ hai đã thành lập công ty con tại Việt Nam năm 2020 và bắt đầu sản xuất năm 2022. Foxconn, nhà sản xuất Iphone lớn nhất của Apple đã ký thỏa thuận trị giá 300 triệu USD vào tháng 8-2022 để xây dựng nhà máy mới tại Việt Nam với hợp đồng thuê kéo dài đến tháng 2-2057. Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp Đài Loan chuyển nhà máy của họ từ Trung Quốc sang các nước ASEAN trong đó có Việt Nam... Tuy nhiên, để xu hướng này có thể trở thành hiện thực, Việt Nam cũng cần phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn cũng như yêu cầu từ cơ sở hạ tầng đến nguồn nhân lực chất lượng cao.

Về phía Trung Quốc

Trung Quốc tiếp tục duy trì ưu thế, lợi thế và ảnh hưởng về kinh tế đối với Việt Nam thông qua thương mại, đầu tư trực tiếp, thầu khoán công trình, kết nối về cơ sở hạ tầng. Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất khu vực Đông Nam Á và là đối tác thương mại lớn thứ 5 thế giới của Trung Quốc.

Ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc đối với Việt Nam ngày càng tăng, khi mức độ phụ thuộc của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc ngày càng lớn, cả về nhập khẩu và xuất khẩu. Về nhập khẩu, năm 2023, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc 110,6 tỷ USD. Từ năm 2017-2023, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi, từ 58,5 tỷ USD lên 110,6 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng nhập khẩu của Việt Nam và tăng từ 27,5% năm 2017 lên 33,9% năm 2023; từ năm 2019-2022 đều duy trì mức tăng trưởng hai con số, thậm chí năm 2021 tăng 31,3%(11). Điều này thể hiện sự phụ thuộc của sản xuất Việt Nam vào nguồn cung ứng từ thị trường Trung Quốc.

Về các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu, nếu như năm 2017, nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc mới có 11 mặt hàng trên 1 tỷ USD thì đến năm 2023 đã có 17 mặt hàng. Các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD truyền thống chủ yếu thuộc ba nhóm hàng gồm nhóm máy móc, linh phụ kiện điện tử, điện thoại; nhóm nguyên liệu của ngành dệt và giày da; nhóm các mặt hàng về sắt thép. Các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD mới xuất hiện gồm kim loại thường khác, sản phẩm từ kim loại thường khác, chất dẻo nguyên liệu, hàng hóa khác, xơ, sợi dệt các loại... Trong 7 năm từ 2017-2023, kim ngạch nhập khẩu của nhiều mặt hàng tăng nhanh chóng, như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng hơn 3 lần (23,4 tỷ USD và 7 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng hơn 2 lần (22,5 tỷ USD và 10,9 tỷ USD), sản phẩm từ sắt thép tăng gần 3 lần (3,4 tỷ USD và 1,2 tỷ USD)(12).

Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn còn ở mức thấp, tăng từ 35,4 tỷ USD năm 2017 lên 61,2 tỷ USD năm 2023; tỷ trọng trong tổng xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng chậm, từ 16,5% năm 2017 lên 17,3%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc không có sự biến động lớn, vẫn tập trung chủ yếu ở hai nhóm: nhóm về máy móc, linh kiện thiết bị và nhóm hàng nông sản như thủy sản, rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn…

Trung Quốc cũng chú ý đến đề nghị giải quyết vấn đề mất cân bằng thương mại của Việt Nam cũng như một số vấn đề khác trong quan hệ thương mại. Trong những năm gần đây, Trung Quốc có động thái tích cực hơn trong đáp ứng những mong muốn của Việt Nam liên quan đến thương mại, đặc biệt là thương mại nông sản. Chỉ trong vòng mấy năm, Trung Quốc đã mở cửa thị trường cho một số mặt hàng nông sản của Việt Nam như sầu riêng, chanh dây… Đến nay, Trung Quốc đã chính thức đồng ý mở cửa thị trường cho 14 loại quả, 4 sản phẩm khác là ớt, thạch đen, khoai lang, tổ yến và 128 loại thủy sản của Việt Nam. Trong năm 2024, Trung Quốc mở cửa thêm cho các loại trái cây chủ lực của Việt Nam như bơ, chanh leo, dừa...

Hạ tầng phục vụ cho thương mại cũng được hai bên nâng cấp. Từ năm 2018 đến nay, hai nước đã mở mới 3 cặp cửa khẩu(13) và nâng cấp 1 cặp cửa khẩu(14). Việc công bố chính thức cặp cửa khẩu song phương thay cho lối mở trước đây sẽ giúp giảm thời gian và chi phí trong hoạt động xuất khẩu, góp phần tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu, tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. Số liệu thống kê cho thấy Trung Quốc là một trong hai thị trường xuất khẩu nông sản quan trọng nhất của Việt Nam và xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng. Năm 2023, Trung Quốc chiếm 65% thị phần rau quả xuất khẩu của Việt Nam, dự báo năm 2024 chiếm khoảng 70% thị phần(15).

Từ năm 2016, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tăng nhanh. Nếu những năm 2012-2015, Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 9-11 trong số các nước và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, thì từ năm 2016 đến nay, Trung Quốc luôn tăng và đứng ở vị trí thứ 4 vào năm 2023. Về lũy kế vốn đầu tư, thứ hạng của Trung Quốc từ vị trí thứ 9 năm 2015 vươn lên vị trí thứ bảy từ năm 2018-2021, từ năm 2022 đến nay lên vị trí thứ sáu. Trong năm 2023, có 111 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, Trung Quốc đứng thứ tư với số vốn đầu tư trên 4,4 tỷ USD, tăng trưởng trên 77%, nhưng về số dự án, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 22,2%)(16).

Tỷ trọng của vốn đầu tư Trung Quốc trong tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng có sự cải thiện đáng kể. Trước năm 2016, tỷ trọng này chỉ ở mức dưới 3%, tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay đã đạt 4-5%, năm 2023 gần 6% trong tổng số vốn 27,47 tỷ USD đến từ 144 quốc gia và vùng lãnh thổ(17). Hiện nay, doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư xây dựng 6 khu công nghiệp ở Việt Nam như Khu công nghiệp Long Giang (tỉnh Tiền Giang), Khu hợp tác kinh tế và thương mại Thâm Quyến - Hải Phòng, Khu chế xuất và xuất khẩu Linh Trung (Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh)...

Trung Quốc là nhà thầu công trình có ưu thế và ảnh hưởng ở Việt Nam. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã trúng thầu nhiều công trình trọng điểm như dự án nhiệt điện, thép, xi măng, khai khoáng, đường sắt đô thị. Theo thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc, năm 2022, các công ty Trung Quốc đã ký 302 hợp đồng kỹ thuật mới tại Việt Nam, với giá trị hợp đồng ký mới là 6,385 tỷ USD và kim ngạch hoàn thành là 2,897 tỷ USD(18). Hiện nay, hai bên đang thúc đẩy hợp tác làm 3 tuyến đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc gồm Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.

Cạnh tranh về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc tại Việt Nam được thể hiện tập trung ở lĩnh vực thương mại, đầu tư trực tiếp, thầu khoán công trình. Nếu như trong lĩnh vực thương mại, ảnh hưởng về kinh tế của Mỹ đối với Việt Nam ngày càng lớn thì đầu tư trực tiếp lại chưa phản ánh xu thế phát triển của quan hệ Việt - Mỹ, cũng như khẳng định sức mạnh kinh tế và công nghệ của Mỹ tại Việt Nam. Hơn nữa, rào cản quan trọng nhất về kinh tế vẫn chưa được Mỹ gỡ bỏ. Ngày 8-9-2023, Mỹ đã nhận được yêu cầu chính thức của Việt Nam đề nghị xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường, Mỹ cam kết sẽ khẩn trương xem xét theo luật định, nhưng ngày 2-8-2024, Bộ Thương mại Mỹ ra thông báo chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường. “Điều này có nghĩa rằng, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Mỹ sẽ còn tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Mỹ. Chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá”(19).

Ngược lại, Trung Quốc tiếp tục duy trì ảnh hưởng kinh tế đối với Việt Nam. Trước đây, Trung Quốc nghiêng về khai thác ưu thế trong lĩnh vực thương mại và thầu khoán công trình, hiện nay bên cạnh phát huy ưu thế, vị thế vốn có trong các lĩnh vực này, Trung Quốc đã tăng đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Đây được xem là cách để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng toàn diện về kinh tế ở Việt Nam, nhưng đồng thời cũng là cách để Trung Quốc ứng phó, phân tán ảnh hưởng của chiến tranh thương mại với Mỹ. Cho dù quan hệ Việt - Mỹ đã ở mức cao nhất nhưng ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc đối với Việt Nam vẫn là vượt trội.

2.2. Tác động đối với Việt Nam

Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tại Việt Nam, một mặt đem đến cho Việt Nam một số cơ hội trong ngắn hạn nhưng mặt khác cũng khiến cho Việt Nam phải đối mặt với thách thức.

Tác động tích cực

Tăng cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc và Mỹ do hai bên tăng thuế suất đối với các mặt hàng của nhau. Trong những năm gần đây, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và Trung Quốc đều có mức tăng trưởng cao, cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu nói chung của Việt Nam. Đặc biệt, tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc có những năm cao gấp ba lần tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nói chung của Việt Nam như năm 2016, 2017.

Năm 2023, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác là nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch đạt 22,5 tỷ USD và là nhóm hàng xuất khẩu đi Mỹ lớn thứ nhất, đạt 18,2 tỷ USD; hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện là nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lớn thứ hai của Việt Nam, đạt 23,4 tỷ USD và là nhóm hàng xuất khẩu đi Mỹ lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch đạt 17 tỷ USD. Nhóm hàng về dệt may, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc 8,3 tỷ USD vải các loại, 3 tỷ USD nguyên liệu phụ kiện may, 1,3 tỷ USD xơ sợi các loại; trong khi đó xuất khẩu đi Mỹ 14 tỷ USD hàng dệt may(20).

Để tăng cường hợp tác thương mại với Việt Nam, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã mở cửa cho nhiều hàng nông sản của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, việc Trung Quốc hạn chế nhập khẩu sản phẩm nông sản từ Mỹ cũng tạo cơ hội cho hàng nông sản của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường lớn này, qua đó, sẽ giảm được mức nhập siêu của Việt Nam. Điều này có tác động tích cực đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Cạnh tranh Mỹ - Trung tác động đến đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam. Do nhu cầu chuyển địa điểm sản xuất ra bên ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc để tránh bị Mỹ áp thuế cao, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam trong những năm gần đây tăng nhanh. “Chiến tranh thương mại và chiến tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như thách thức về kinh tế trong nước của Trung Quốc đã thúc đẩy Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam”(21). Khi các nước thực hiện mô hình “Trung Quốc + 1”, chuyển dịch một phần năng lực sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh giữa hai cường quốc ngày càng gia tăng, đã mang lại cơ hội cho Việt Nam tiếp nhận nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ví dụ, năm 2020, Samsung đã chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất màn hình từ Trung Quốc sang Việt Nam; Nintendo của Nhật Bản đã chuyển một phần sản xuất máy chơi trò chơi điện tử từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Tác động tiêu cực

Khi Mỹ hạn chế, thậm chí cấm nhập khẩu các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tận dụng các địa điểm sản xuất của nước thứ ba để thay đổi nguồn gốc xuất xứ, tránh mức áp thuế cao của Mỹ. Điều này có thể khiến Việt Nam đối mặt với các cuộc điều tra và lệnh trừng phạt của Mỹ. Mấy năm gần đây, Mỹ đã gia tăng điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và điều tra gian lận nguồn gốc xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. “Nguyên nhân khiến hàng hóa Việt Nam đối mặt với phòng vệ thương mại là do lượng hàng hóa xuất khẩu tăng đột biến, tạo ra áp lực cạnh tranh với hàng nội địa do chi phí sản xuất tại Việt Nam thấp, hoặc do mặt hàng cùng loại của Trung Quốc đang bị áp thuế”(22). Tháng 10-2023, Bộ Công thương Việt Nam đã nêu tên 18 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra(23). Cuối tháng 10-2023, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá với nhôm đùn ép và các sản phẩm từ nhôm nhập khẩu từ 15 nước/vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam(24).

Xuất khẩu sang Mỹ tăng lên, nhập khẩu từ Trung Quốc cũng tăng lên đã làm tình trạng mất cân bằng trong cán cân thương mại với hai đối tác này. Năm 2022, nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc đã lên trên 60 tỷ USD, bằng 1/3 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu từ Trung Quốc của Việt Nam. Những năm Việt Nam có mức nhập siêu với Trung Quốc tăng cao cũng gần như tương ứng với những năm mức xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ tăng cao, điển hình là từ năm 2019-2022 với mức nhập siêu từ Trung Quốc lần lượt là 34 tỷ USD, 35,2 tỷ USD, 54 tỷ USD và 60 tỷ USD; mức xuất siêu sang Mỹ lần lượt là 46,89 tỷ USD, 63,3 tỷ USD, 90,92 tỷ USD và 94,96 tỷ USD(25). Trong 8 tháng năm 2024, xuất siêu sang Mỹ vẫn ở mức cao, ước đạt 68,1 tỷ USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc cũng cao, đạt 54,4 tỷ USD, tăng 69,6%(26). Tình trạng mất cân bằng này ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của quan hệ thương mại song phương, đồng thời cũng đặt ra vấn đề về mức độ phụ thuộc ngày càng lớn của Việt Nam vào hai đối tác này, cụ thể là nhập khẩu với Trung Quốc, xuất khẩu với Mỹ.

Trong những năm qua, Việt Nam đã rất chú trọng giải quyết vấn đề mất cân bằng thương mại với Trung Quốc như đề nghị phía Trung Quốc mở cửa cho nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam, nhưng giải quyết vấn đề mất cân bằng thương mại với Mỹ dường như chưa được thực sự đẩy mạnh và có kết quả rõ rệt. Với chiều hướng gia tăng nhanh chóng mức xuất siêu như hiện nay, xuất siêu của Việt Nam có khả năng sẽ bị coi là vấn đề nổi cộm và phải chịu các biện pháp hạn chế từ phía Mỹ. Để tránh việc bị Mỹ điều tra về các biện pháp chống lẩn tránh và điều tra gian lận nguồn gốc xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, Việt Nam cần tăng cường giám sát, quản lý hàng hóa xuất khẩu đi Mỹ thông qua việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ.

3. Kết luận

Trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc, Mỹ coi Việt Nam là đối tác quan trọng cần tăng cường hợp tác để cân bằng lực lượng trong khu vực, kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc coi Việt Nam là ưu tiên trong ngoại giao láng giềng, là mối quan hệ được xây dựng trên nhiều điểm tương đồng. Trung Quốc muốn dựa vào ưu thế, lợi thế truyền thống của mình trong quan hệ với Việt Nam để duy trì ưu thế và ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á, ngăn chặn sự kiềm chế và đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ. Việt Nam đã nổi lên như một chủ thể quan trọng mà cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn gia tăng ảnh hưởng.

Nhìn từ chiều cạnh kinh tế, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung đem lại một số cơ hội thương mại ngắn hạn cho Việt Nam. Để có thể tận dụng cơ hội và hạn chế các thách thức do cạnh tranh về kinh tế Mỹ - Trung đem lại, Việt Nam cần đặc biệt chú trọng giải quyết song song cả vấn đề mất cân bằng thương mại với Mỹ và Trung Quốc.

_________________

Ngày nhận bài: 22-8-2024; Ngày bình duyệt: 4-02-2025; Ngày duyệt đăng: 10-5-2025.

Email tác giả: qhphuonghoa@yahoo.com

(1) The White House: The U.S. 2022 National Security Strategy,

https://www.whitehouse.gov, October 2022.

(2) Ngọc Đức: “Tổng thống Joe Biden: “Việt Nam là đầu tàu của khu vực”, https://tuoitre.vn, đăng ngày 13-9-2023.

(3) “Triển vọng chính sách đối ngoại láng giềng của Trung Quốc trong thời đại mới”, https://www.gov.cn, đăng ngày 24-10-2023.

(4) “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình hội kiến Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính”, https://www.fmprc.gov.cn, đăng ngày 27-6-2023.

(5) Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc”, https://nhandan.vn, đăng ngày 13-12-2023.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về ảnh hưởng kinh tế tại Việt Nam
    POWERED BY