Quốc tế

Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc về trí tuệ nhân tạo

31/07/2024 10:04

(LLCT) - Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc về trí tuệ nhân tạo đã leo thang lên mức độ căng thẳng mới trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Dù kế thừa thận trọng các chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc về trí tuệ nhân tạo của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhưng chính quyền Biden lại triển khai đối đầu quyết liệt hơn, thể hiện rõ trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, kinh tế - thương mại, nghiên cứu - phát triển và chính trị. Bài viết góp phần luận giải diễn biến trên thực tế và dự báo chiều hướng của cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc về trí tuệ nhân tạo.

ThS LÊ TRUNG DƯƠNG
NGUYỄN NGỌC TRÂM

Học viện Ngoại giao

Ảnh minh họa: vietnamplus.vn

1. Mở đầu

Trong nhiều năm qua, cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra trên nhiều lĩnh vực, mà nổi lên gần đây là công nghệ cốt lõi, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI). Trước bối cảnh cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc ngày càng leo thang, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden đều nhiều lần chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của AI trong chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ cũng như mục tiêu duy trì vị thế thống trị của Mỹ trong lĩnh vực AI. Nhìn vào những động thái hiện tại của Mỹ và Trung Quốc, nhiều ý kiến cho rằng cuộc cạnh tranh này hiện nay đã nâng lên cấp độ căng thẳng mới, đặc biệt trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

2. Sự leo thang cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc về trí tuệ nhân tạo

Về quốc phòng, an ninh

Mỹ và Trung Quốc đều thực hiện các chiến lược đầu tư nâng cao để thúc đẩy AI trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi (CSET) của Mỹ cho rằng hiện rất khó để xác định được chính xác khoản đầu tư tài chính vào AI mà quân đội Trung Quốc thực hiện, tuy nhiên ước tính là khoảng 1,6 - 2,7 tỷ USD hằng năm(1). Mỹ cũng phân bổ khoảng 1,7 - 3,5 tỷ USD cho các công nghệ không người lái và tự hành áp dụng AI(2).

Năm 2021, phát biểu tại Hội nghị Quốc tế do Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ về Trí tuệ Nhân tạo (NSCAI) tổ chức, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nhắc lại tham vọng của Trung Quốc nhằm đạt được sự thống trị toàn cầu về AI vào năm 2030. Ông Austin bày tỏ lo ngại về sự tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc trong phát triển AI, đồng thời cho biết Mỹ sẽ tăng cường nỗ lực cạnh tranh và giành chiến thắng(3). Chiến lược An ninh quốc gia của Mỹ năm 2022 nêu rõ, Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh duy nhất vừa có ý định định hình lại trật tự quốc tế vừa có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ ngày càng tăng để thực hiện điều đó”(4).

Về phía Trung Quốc, đối với việc tích hợp AI vào Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng để PLA “hoàn thành cơ bản” quá trình hiện đại hóa vào năm 2035 và trở thành quân đội “đẳng cấp thế giới” vào giữa thế kỷ này(5). Ông Tập Cận Bình muốn PLA tiếp tục trải qua các giai đoạn phát triển công nghệ - quân sự, từ cơ giới hóa đến tin học hóa và cuối cùng là trí tuệ hóa, coi việc phát triển qua các giai đoạn này là cần thiết để theo kịp những thay đổi về đặc tính công nghệ của chiến tranh trong thế kỷ XXI.

Các học giả Trung Quốc nói về cuộc cách mạng đang diễn ra trong quân sự như một trong những “cuộc đối đầu hệ thống” về vũ khí, đòi hỏi sử dụng “chiến tranh hủy diệt hệ thống” để giành chiến thắng(6). Do đó, để cạnh tranh trong kỷ nguyên AI lên ngôi, PLA đang phát triển một khái niệm bao quát mà họ gọi là “chiến tranh có độ chính xác đa miền”(multidomain precision warfare). Khái niệm này thừa nhận rằng chính mạng lưới mang lại sức mạnh cho quân đội Mỹ đã tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các lực lượng của họ, cũng là một trong những điểm yếu có thể bị khai thác của quân đội Mỹ.

Đáng chú ý, AI là một phần quan trọng của chiến lược này bởi trong hoàn cảnh của một cuộc xung đột thực tế, việc xác định và nhắm mục tiêu vào các lỗ hổng của Mỹ sẽ yêu cầu xử lý lượng thông tin khổng lồ với tốc độ mà chỉ máy tính mới có thể thực hiện. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát công nghệ do Mỹ và các đồng minh áp đặt lên Trung Quốc hiện nay có thể cản trở khả năng của nước này trong việc phát triển và vận hành các hệ thống hỗ trợ AI trên quy mô lớn.

Về kinh tế - thương mại

Cạnh tranh về AI giữa Mỹ và Trung Quốc có những tác động đáng kể đến cạnh tranh kinh tế - thương mại giữa hai nước. Điều này được thể hiện trong những chính sách Mỹ đang triển khai nhằm cố gắng kìm hãm nền kinh tế Trung Quốc bằng cách nhắm tới lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, điển hình là các sản phẩm và doanh nghiệp ứng dụng AI. Với mục tiêu chiến lược là duy trì quyền bá chủ về sức mạnh kỹ thuật số của mình, Mỹ nỗ lực hạn chế và trì hoãn việc Trung Quốc tiếp cận các nguồn tài nguyên và nguồn lực kỹ thuật số. Cụ thể, dưới thời Tổng thống Joe Biden, Chính phủ Mỹ áp dụng các chiến lược ngăn chặn sự phát triển AI của Trung Quốc như: “bảo hộ thương mại và rào cản kỹ thuật”, “các biện pháp trừng phạt kinh tế và can thiệp tư pháp”, “các mối đe dọa chính sách”, “liên minh công nghệ bắt buộc” và “hạn chế liên lạc và phong tỏa công nghệ.”

Có thể thấy, trong cạnh tranh về AI với Trung Quốc, Mỹ áp dụng chiến lược có phần “phong tỏa và đàn áp”(7). Chính phủ Mỹ sử dụng các biện pháp như thiết lập các danh sách thực thể (entity list) - danh sách đen trong thương mại của Mỹ, trong đó có nhiều công ty công nghệ của Trung Quốc, mở cuộc điều tra mới liên quan đến việc Trung Quốc trợ giá các ngành công nghệ được coi là chiến lược dựa trên Mục 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ năm 1974 cũng như các hình thức khác nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ mang tầm chiến lược như AI.

Về đầu tư, ngày 9-8-2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành sắc lệnh hành pháp yêu cầu Chính phủ phát triển cơ chế sàng lọc bắt buộc đối với tất cả các khoản đầu tư ra nước ngoài từ Mỹ sang Trung Quốc liên quan đến các công nghệ và sản phẩm nhạy cảm, đặc biệt là chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và các lĩnh vực AI quan trọng đối với quân đội, tình báo, giám sát, hoặc các khả năng hỗ trợ không gian mạng. Biện pháp này áp dụng sự giám sát mới của Chính phủ đối với các quyết định đầu tư của các công ty Mỹ tại Trung Quốc, tương tự cách Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) xem xét đầu tư nước ngoài tại Mỹ. Mỹ cũng đặt ra nhiều hạn chế hơn đối với các nhà đầu tư của Trung Quốc vào các tập đoàn công nghệ cao của Mỹ nhằm ngăn chặn việc các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận các công nghệ AI thông qua mua cổ phần. Động thái này là tín hiệu rõ nhất cho thấy cạnh tranh về ưu thế công nghệ hiện là yếu tố cốt lõi của sự cạnh tranh tổng thể giữa Trung Quốc và Mỹ, khi hai bên đều nhận thức rằng làm chủ AI đóng vai trò quan trọng trong việc xác định ưu thế quân sự và kinh tế trong những thập kỷ tới.

Đứng trước những rào cản ấy, tuy không trực tiếp ban hành lệnh cấm các công ty cung cấp AI của Mỹ, Chính phủ Trung Quốc vẫn gây khó khăn cho các công ty AI của Mỹ trong việc thâm nhập thị trường nội địa của Trung Quốc thông qua các biện pháp như hạn chế quyền truy cập dữ liệu người dùng của người dân Trung Quốc - một yếu tố quan trọng trong đào tạo và phát triển các mô hình AI và quy định nghiêm ngặt về phát triển AI cũng như kiểm duyệt nội dung. Những biện pháp này khiến cho các công ty nước ngoài, nhất là của Mỹ vừa khó đáp ứng những yêu cầu này trong khi phải bảo đảm hoạt động hiệu quả tại Trung Quốc.

Không chỉ có vậy, các công ty công nghệ hàng đầu ở Trung Quốc cũng được Chính phủ yêu cầu loại bỏ các cách thức cho phép truy cập vào dịch vụ AI của các doanh nghiệp đặt trụ sở tại Mỹ(8). Động thái này khiến cuộc cạnh tranh về AI giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng, đồng thời là động lực thúc đẩy đôi bên đưa ra thêm nhiều quy định ngặt nghèo hơn cho các doanh nghiệp phát triển AI ở hai nước.

Về nghiên cứu - phát triển

Nhìn vào các chính sách chính thức do Mỹ và Trung Quốc đưa ra, có nhiều điểm khác biệt trong chiến lược nghiên cứu và phát triển (Research and Development, gọi tắt là R&D) AI giữa hai nước, dẫn đến tình trạng cạnh tranh như hiện tại.

Đối với cạnh tranh nhân tài, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc ngày càng gia tăng, Chính phủ Mỹ tăng cường chính sách và tài chính hỗ trợ phát triển AI, cân nhắc kế hoạch rõ ràng cho cạnh tranh quốc tế về AI. Trên thực tế, nhiều chuyên gia đã kêu gọi Chính phủ Mỹ hỗ trợ nhiều hơn cho các công ty AI thông qua các quỹ và chính sách công nghiệp. Đồng thời, các công ty và viện nghiên cứu của Mỹ nỗ lực thu hút nhân tài AI từ Trung Quốc.

Về phía Trung Quốc, trong báo cáo nhiệm vụ của Chính phủ về chiến lược phát triển AI của mình, nước này đã thúc đẩy các doanh nghiệp liên tục cải thiện hoạt động nghiên cứu cũng như bồi dưỡng nhân tài về AI. Để đạt được mục tiêu thu hẹp khoảng cách về R&D AI với Mỹ, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một số chính sách thu hút nhân tài AI từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp từ các trường đại học và viện nghiên cứu ở các nước phát triển. Theo báo cáo Global AI Talent của LinkedIn (Mỹ), tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm của sinh viên tốt nghiệp ngành AI trở về Trung Quốc là khoảng 14% và tốc độ tăng trưởng nhân sự làm việc ở nước ngoài trong lĩnh vực AI là khoảng 10%(9). Trung Quốc đã bổ sung hơn 2.000 chương trình đại học về AI, trong đó có hơn 300 chương trình tại các trường đại học ưu tú nhất về các ứng dụng AI trong công nghiệp và sản xuất bên cạnh những ứng dụng AI mang tính tổng quát đang thống trị ngành công nghiệp AI của Mỹ(10).

Về chính trị

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát biểu rằng, Mỹ đang ở trong một “cuộc cạnh tranh chiến lược dài hạn với Trung Quốc”(11). Nhìn vào thực tiễn, cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực AI được thể hiện qua các chính sách, chiến lược và những phát biểu của lãnh đạo cấp cao hai nước.

Những động thái của Trung Quốc cho thấy rõ nỗ lực vươn lên giành vị trí dẫn đầu trong AI. Thông qua các văn bản về AI năm 2019, Trung Quốc đã chia mục tiêu chiến lược thành ba giai đoạn, thiết lập các tiêu chuẩn cho các năm 2020, 2025 và 2030 là: (1)- Năm 2020 làm chủ công nghệ và ứng dụng AI hàng đầu và tạo ra ngành công nghiệp AI trị giá hơn 150 tỷ nhân dân tệ; (2)- Năm 2025 đạt được những đột phá lớn về lý thuyết cơ bản của AI, nâng tầm thảo luận, phát triển và ứng dụng AI lên đẳng cấp thế giới, tăng giá trị ngành AI cốt lõi lên 400 tỷ RMB; (3)- Năm 2030 đạt mục tiêu giành vị trí dẫn đầu thế giới về AI, phát triển lý thuyết, công nghệ và AI đẳng cấp thế giới, đưa Trung Quốc trở thành trung tâm đổi mới AI lớn của thế giới, tăng quy mô ngành công nghiệp lõi thông minh đạt 1000 tỷ RMB(12).

Bên cạnh đó, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy thế hệ AI mới để bảo đảm lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực nghiên cứu và công nghệ.

Rõ ràng, sự ra đời của AI đã tạo ra xúc tác cho sự chuyển hướng chiến lược của Trung Quốc, làm nổi bật nhu cầu cấp thiết về tăng sức mạnh công nghệ cao của nước này trên trường quốc tế. Nhận thức này đã củng cố cam kết của Chính phủ Trung Quốc trong việc thúc đẩy sự phát triển của AI tại nước này, không chỉ thể hiện tham vọng giành vị trí dẫn đầu thế giới mà còn gây ra những lo ngại cho Mỹ - quốc gia đang nắm giữ vị trí số một về AI hiện nay.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát biểu rằng, Mỹ đang ở trong một “cuộc cạnh tranh chiến lược dài hạn với Trung Quốc"

Đứng trước những động thái của Trung Quốc, tính đến tháng 3-2021, mặc dù chính quyền Tổng thống Joe Biden chưa đưa ra tuyên bố rõ ràng về các chiến lược liên quan đến Trung Quốc, nhưng thái độ của dư luận Mỹ đối với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao là rất rõ ràng - cần phải kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đặc biệt là AI. Nhận thức được mối đe dọa vị trí dẫn đầu của mình từ Trung Quốc, Mỹ đã ban hành hàng loạt văn bản chính sách về chiến lược phát triển AI. Dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, Mỹ bắt đầu chú ý đến các vấn đề pháp lý về AI, đồng thời đưa ra báo cáo về AI với mục đích chính là phát triển cách tiếp cận toàn diện trong an ninh quốc gia và cạnh tranh công nghệ, đặc biệt là trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Sau đó, “Sắc lệnh Sáng kiến AI” đã được ban hành với tên gọi “Đạo luật Sáng kiến AI Quốc gia của Mỹ”. Sáng kiến tập trung nguồn lực của Chính phủ Mỹ vào việc thúc đẩy đổi mới AI nhằm duy trì vị trí dẫn đầu toàn cầu của Mỹ trong nghiên cứu, phát triển và sử dụng AI.

Sự cạnh tranh chiến lược về AI giữa Mỹ và Trung Quốc còn được thể hiện trong việc hai bên nỗ lực thành lập các liên minh công nghệ cao để mở rộng ảnh hưởng chính trị của mình trên toàn cầu đồng thời đối chọi và kìm hãm ảnh hưởng của bên còn lại. Đối mặt với những tiến bộ của Trung Quốc và trước sự truyền bá công nghệ Trung Quốc trên toàn cầu thông qua các sáng kiến ​​như “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” hay “Phát triển trí tuệ nhân tạo thế hệ mới” đang trên đà định hình lại chính trị thế giới, Mỹ và các đồng minh đã thành lập “liên minh cân bằng” toàn cầu để đương đầu với các thách thức này thông qua sử dụng các biện pháp trừng phạt, cấm xuất khẩu và kiểm soát ngành công nghiệp AI, cũng như hình thành các chiến lược liên minh để giảm tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong các công nghệ mới nổi.

Từ năm 2017 - 2023, vị thế của Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh ngang hàng với Mỹ” về công nghệ đã thúc đẩy sự điều chỉnh chính sách của Mỹ. Chính phủ Mỹ đưa ra các chính sách được thiết kế để chi tiêu nhiều hơn so với Trung Quốc và hạn chế khả năng tiếp cận một số công nghệ quan trọng, thị trường mới và tài nguyên cần thiết cho hoạt động kinh doanh của Trung Quốc và chống lại việc mua lại công nghệ của Trung Quốc(13). Các quốc gia khác như Hà Lan và Nhật Bản “đã theo bước Mỹ” khi thiết lập các thỏa thuận với Mỹ vào tháng 1-2023 nhằm “từ chối sản xuất chip tiên tiến cho Trung Quốc và hạn chế bán thiết bị bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc”(14).

Để đáp trả những động thái này của Mỹ và các đồng minh, Trung Quốc đã không chỉ cùng Nga mở rộng hợp tác quân sự mà còn thực hiện hợp tác công nghệ sâu rộng hơn như AI hay 5G(15). Trong vài năm qua, chính sách của Mỹ đã tìm cách hạn chế sự tham gia của Trung Quốc và Nga vào hệ sinh thái công nghệ toàn cầu, thông qua các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu. Hoàn cảnh chính trị này đã tạo thêm động lực cho Trung Quốc thể hiện quyết tâm cùng Nga phát triển các sản phẩm AI nội địa để thay thế cho công nghệ nước ngoài của Mỹ. Trong chuyến thăm Mátxcơva vào tháng 3-2023 của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc và Nga đã ký một loạt thỏa thuận về các vấn đề kinh tế và công nghệ, trong đó nhắc đến hợp tác nghiên cứu khoa học cơ bản.

3. Dự báo xu hướng cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc về trí tuệ nhân tạo

Một số nhân tố tác động

Về lợi ích chiến lược của hai nước. Đối với Mỹ, lợi ích chiến lược của Mỹ trong cạnh tranh với Trung Quốc về AI vẫn sẽ là duy trì vị trí dẫn đầu thế giới về AI, đồng thời khuyến khích sự tham gia của các đồng minh vào một hệ sinh thái AI toàn cầu cởi mở hơn, ràng buộc về quy tắc do Mỹ đặt ra và dẫn đầu. Nếu Mỹ ngăn cản các quốc gia khác cạnh tranh về AI, thì nỗ lực phát triển các quy tắc và tiêu chuẩn toàn cầu cho AI và các công nghệ kỹ thuật số khác sẽ trở thành cuộc đối đầu giữa những nước có và không có AI. Ngoài ra, thêm rủi ro đối với Mỹ là nếu không có cách tiếp cận cởi mở, tập trung vào việc hỗ trợ và hợp tác với các quốc gia khác muốn tham gia vào nền kinh tế AI, Trung Quốc sẽ thấy cơ hội để xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đồng minh của Mỹ và các quốc gia quan trọng đối với lợi ích của Mỹ.

Đối với Trung Quốc, lợi ích chiến lược của quốc gia này sẽ là tiếp tục cạnh tranh với Mỹ để giành vị trí dẫn đầu toàn cầu về AI, đồng thời mở rộng ảnh hưởng của mình về AI trên trường quốc tế. Trong hai kỳ họp của Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc và Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (NPC) tổ chức vào tháng 3-2024, Trung Quốc thể hiện quyết tâm tự chủ về công nghệ để giành vị thế thống trị của Mỹ, đặt mục tiêu huy động toàn bộ nguồn lực quốc gia để thúc đẩy các đột phá về khoa học nhằm giành quyền tối cao về công nghệ, tái khẳng định ưu tiên cốt lõi là tự chủ trong các lĩnh vực từ AI đến sản xuất chip nhằm đáp ứng mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế và đối phó với những hạn chế do phương Tây đưa ra. Người phát ngôn của NPC Lâu Cần Kiệm tuyên bố các lệnh trừng phạt của Mỹ và những biện pháp khác nhằm ngăn chặn Trung Quốc trong AI cuối cùng sẽ “vô ích”(16).

Các đề xuất về AI của Trung Quốc sẽ trao quyền lực cho nhiều quốc gia đang bị gạt ra ngoài lề trật tự quốc tế hiện tại, có thể tiếp cận các chính phủ và người dân ở hầu hết các quốc gia nhưng vẫn sẽ mang lại những vai trò quốc tế có giá trị cho các quốc gia mà Mỹ hiện đang ủng hộ(17). Trung Quốc tuyên bố rằng mình là trung tâm, nhưng mọi quốc gia, kể cả Mỹ, đều có vai trò trong trật tự đó. Những nước không có nền dân chủ sẽ có thêm nhiều lựa chọn. Những quốc gia có nền dân chủ nhưng không phải là cường quốc lớn sẽ có được tiếng nói lớn hơn trong hệ thống quốc tế. Ngay cả các cường quốc dân chủ lớn cũng có thể xem liệu hệ thống hiện tại có phù hợp để đáp ứng những thách thức mà AI mang lại hay liệu các đề xuất của Trung Quốc có đem lại lợi ích tốt hơn không.

Về nhân tố lãnh đạo. Đối với Mỹ, năm 2024 là năm Mỹ bước vào chu kỳ bầu cử để xác định cá nhân lãnh đạo đất nước trong bốn năm tiếp theo. Kết quả của cuộc bầu cử này tác động đáng kể đến phương hướng phát triển, xây dựng và thực thi các chính sách về AI của Mỹ cũng như cuộc cạnh tranh chiến lược về AI giữa Mỹ và Trung Quốc. Nếu cựu Tổng thống Donald Trump đắc cử, Chính quyền Trump sẽ có những mục tiêu đối với Trung Quốc, nhưng sẽ thực hiện chúng bằng các phương thức khác so với chính quyền Biden. Các chính sách của Trump sẽ mang tính đơn phương, liên quan đến thương mại - kinh tế nhiều hơn và không chú trọng việc lôi kéo các quốc gia khác cùng tham gia.

Đối với Trung Quốc, nhìn vào những nỗ lực tham vọng thay đổi trật tự quốc tế thông qua việc cố gắng giành vị thế dẫn đầu về AI, có thể thấy Chủ tịch Tập Cận Bình theo đuổi một trật tự đa cực mới, nơi mà các thể chế và chuẩn mực toàn cầu sẽ được củng cố bởi các quan niệm của Trung Quốc về an ninh chung và phát triển kinh tế, các giá trị của Trung Quốc về các quyền chính trị do nhà nước và công nghệ Trung Quốc quyết định, bao gồm cả AI(18). Tại Hội nghị Trung ương về công tác đối ngoại vào tháng 12-2023, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc là một “nước lớn tự tin, tự chủ, cởi mở và toàn diện”, một nước đã tạo ra “nền tảng hợp tác quốc tế lớn nhất” và dẫn đầu trong “cải cách hệ thống quốc tế”(19).

Xu hướng cạnh tranh về AI trong lĩnh vực an ninh - quân sự

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của AI là khả năng xảy ra các cuộc chạy đua vũ trang thế hệ mới ứng dụng AI, hay thậm chí là xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc, bởi chính sách nhấn mạnh vào phát triển an ninh và đầu tư quốc phòng của cả hai nước đều có chung mục đích là đối phó với các mối đe dọa mà hai bên đều lo ngại về nhau. Cạnh tranh và những tiến bộ vượt bậc trong các lĩnh vực như không gian mạng, vũ khí hạt nhân và AI sẽ thách thức định nghĩa, quan điểm và nội hàm truyền thống của an ninh.

Đối mặt với nguy cơ đánh mất thế chủ động về AI so với Trung Quốc (theo báo cáo của NSCAI năm 2021)(20), tháng 8-2023, các chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ kêu gọi Lầu Năm góc thành lập một “Đơn vị thử nghiệm quốc phòng” mới, cho phép thăm dò sâu và tăng tốc phát triển các ứng dụng AI trong an ninh. Đề xuất này là một trong nhiều khuyến nghị được đưa ra bởi Dự án Nghiên cứu Cạnh tranh Đặc biệt (SCSP) trong “Bản ghi nhớ gửi Tổng thống và Quốc hội về việc áp dụng trí tuệ nhân tạo tạo ra cho mục đích quân sự”.

Trước bối cảnh Trung Quốc tích cực theo đuổi việc áp dụng nhanh chóng công nghệ AI mới nổi và khó đoán vào xây dựng sức mạnh quân đội, động thái mạnh mẽ này của Mỹ cho thấy nếu hai bên tiếp tục chạy đua trong R&D AI của riêng mình với tiến độ như hiện tại, một cuộc tranh chấp quy mô toàn cầu là điều khó tránh khỏi. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Giải trừ quân bị của Liên hợp quốc (UNIDIR), các xung đột xoay quanh AI sẽ không chỉ dựa trên một vũ khí, công nghệ hoặc khái niệm mang tính đơn lẻ mà dựa trên sự tích hợp và ứng dụng tổng hợp của AI. Đặc biệt, tại Liên hợp quốc, các công nghệ hỗ trợ AI trong mọi khía cạnh của chiến tranh đã làm dấy lên các cuộc thảo luận và lo ngại về an ninh quốc tế cũng như các khía cạnh đạo đức của xung đột.

Xu hướng cạnh tranh về AI trong lĩnh vực chính trị

Với vị thế nền kinh tế lớn nhất thế giới và cùng chung mục tiêu gia tăng sức mạnh quốc gia và tầm ảnh hưởng trên toàn cầu, Mỹ và Trung Quốc đều lựa chọn tối đa hóa việc ứng dụng công nghệ AI trong đa dạng các lĩnh vực. Tuy nhiên, sẽ có những trở ngại và thách thức mà cộng đồng quốc tế, Mỹ cũng như Trung Quốc phải vượt qua nhằm ngăn chặn rủi ro cán cân quyền lực và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ lâu nay bị phá vỡ.

Điều mà cả hai nước lo ngại nhất trong hiện tại chính là sự thiếu minh bạch trong phát triển AI đã đặt ra mối đe dọa đối với các phương thức ngăn ngừa và giảm thiểu căng thẳng quốc tế. Hơn nữa, việc lập kế hoạch, đề xuất chính sách và thực hiện các biện pháp sẽ trở nên phức tạp do chính phủ và các nhà ngoại giao còn thiếu kiến thức và hiểu biết toàn diện về AI, gây khó khăn trong nỗ lực giảm bớt căng thẳng giữa các quốc gia, ngăn chặn những nguy cơ đe dọa sự ổn định của môi trường quốc tế.

Ngoài ra, việc thiếu hiểu biết về AI sẽ khiến các quốc gia đang phát triển và kém phát triển trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào các quốc gia thống trị về AI do sự cách biệt về trình độ phát triển khoa học và công nghệ. Việc triển khai và ứng dụng các tiến bộ AI của các tập đoàn và doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc nhằm cạnh tranh với nhau sẽ đem lại những tác động lớn, bao gồm cả xung đột về hệ thống giá trị không chỉ đối với hai quốc gia mà còn với toàn bộ các quốc gia trên thế giới.

4. Kết luận

Leo thang cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực AI lên cấp độ mới dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tác động đáng kể và sâu rộng đến các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, kinh tế - thương mại, nghiên cứu - phát triển và chính trị. Ngoài ra, nó còn để lại tác động đáng kể đến quá trình tập hợp lực lượng toàn cầu và phạm vi ảnh hưởng của các cường quốc trong cuộc đối đầu chiến lược Mỹ - Trung Quốc trên quy mô toàn cầu. Thực tế cho thấy, AI đã, đang và sẽ tiếp tục là trọng tâm của cuộc cạnh tranh chiến lược đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian tới. Để bảo đảm an ninh và tiến bộ trong một thế giới hợp tác kỹ thuật quốc tế rộng lớn và liên kết chặt chẽ với nhau như hiện nay, các quốc gia phải ưu tiên nâng cao năng lực nội tại và nuôi dưỡng tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường về công nghệ.

_________________

Ngày nhận bài 20-6-2024; Ngày bình duyệt: 24-6-2024; Ngày duyệt đăng: 27-7-2024.

(1) Baker, Tessa: In & Out of China: Financial Support for AI Development, Center for Security and Emerging Technology, 2023, https://cset.georgetown.edu, accessed March 20, 2024.

(2) Konaev, Margarita et al: U.S. Military Investments in Autonomy and AI Budgetary Assessment, CSET, 2020, https://cset.georgetown.edu, accessed March 20, 2024.

(3) U.S. Department of Defense: Secretary of Defense Austin Remarks at the Global Emerging Technology Summit of The Nation, July 13, 2021, https://www.defense.gov, accessed March 20, 2024.

(4) The White House: National Security Strategy, 2022, www.whitehouse.gov.vn, accessed March 20, 2024.

(5) Xinhua: Full Text of Xi Jinping’s Report at 19th CPC National Congress - Xinhua | English.news.cn, July 3, 2017, https://www.xinhuanet.com, accessed March 20, 2024.

(6) Engstrom, Jeffrey: Systems Confrontation and System Destruction Warfare: How the Chinese People’s Liberation Army Seeks to Wage Modern Warfare, RAND Corporation, 2018, https://www.rand.org, accessed March 20, 2024.

(7) 苗争鸣 , 陈嘉澍 , 聂正楠 , 等 . 人工智能、数字权力与大国博弈 . 信息安全与通信保密. 2023 (8): 2-9.

(8) Davidson, Helen: Political propaganda”: China clamps down on access to ChatGPT, The Guardian, 2023, https://www.theguardian.com, accessed March 25, 2024.

(9) Berger, Guy: Global AI Talent Trends: Looking back at AI’s impact in 2019 to understand the challenges and opportunities ahead, Principal Economist, 2019, https://www.economicgraph.linkedin.com, accessed April 1, 2024.

(10) Banerjee, Ishan and Sheehan, Matt: America’s Got AI Talent: US’ Big Lead in AI Research Is Built on Importing Researchers, 2020, https://www.macropolo.org, accessed April 1, 2024.

(11) Schroeder, Robert: Biden Says He Expects Long-Term, Stiff Competition with China, MarketWatch, 2021, https://www.marketwatch.com, accessed April 1 2024.

(12) 国务院. “国务院关于印发新一代人工智能发展规划的通知.” 中华人民共和国中央人民政府, 2017, https://www.gov.cn.

(13) Edwards, J: Chips, subsidies, security, and great power competition, Lowy Institute, 2023, https://www.lowyinstitude.org, accessed April 10 2024.

(14) Hayashi, Yuka, and Vivian Salama: Japan, Netherlands Agree to Limit Exports of Chip-Making Equipment to China, Wall Street Journal, 2023, https://www.wsj.com, accessed April 10, 2024.

(15) Liangyu: China, Russia agree to upgrade relations for new era, Xinhua, 2019, https://wwwxinhuanet.com, accessed April 10, 2024.

(16) Sơn Vân: Trung Quốc huy động nguồn lực toàn quốc để cạnh tranh với Mỹ giành quyền tối cao về công nghệ, Tạp chí Một thế giới, 2024, https://www.1thegioi.vn, truy cập ngày 10-5-2024.

(17), (19) Economy, Elizabeth: China’s Alternative Order And What America Should Learn From It, Foreign Affairs, 2024, https://www.foreignaffairs.com, accessed May 10, 2024.

(19) Ministry of Foreign Affairs of The People’s Republic of China: The Central Conference on Work Relating to Foreign Affairs was Held in Beijing: Xi Jinping Delivered an Important Address at the Conference, 2023, https://www.mfa.gov.cn, accessed May 10, 2024.

(20) NSCAI: Final Report: “National Security Commission on Artificial Intelligence”, 2021, https://www.nscai.gov, accessed May 10, 2024.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc về trí tuệ nhân tạo
    POWERED BY