(LLCT) - Với tổng đường bờ biển dài, biển có vai trò quan trọng trong nền kinh tế các nước, nên bảo vệ môi trường biển là nhu cầu nội tại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, hiện nay ASEAN chủ yếu sử dụng các cơ chế không chính thức để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường biển. Để thúc đẩy hợp tác bảo vệ môi trường biển, các thành viên ASEAN cần cam kết xây dựng văn kiện ràng buộc về pháp lý nhằm bảo đảm thực thi hiệu quả các sáng kiến trong khung hành động và các chương trình.
TS LÊ THỊ ANH ĐÀO
Trường Đại học Luật Hà Nội
TS VŨ HẢI ĐĂNG
Học viện Ngoại giao
PGS, TS NGUYỄN THỊ XUÂN SƠN
Đại học Quốc gia Hà Nội
1. Khái quát về vùng biển Đông Nam Á và nhu cầu hợp tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật của ASEAN về bảo vệ môi trường biển
Hiện nay, ASEAN có sự tham gia của 10 quốc gia thành viên. Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 (năm 2015), đã thông qua Tuyên bố Kuala Lumpur về việc thành lập Cộng đồng ASEAN và Tầm nhìn Cộng đồng tới năm 2025.
Với tổng đường bờ biển dài 173.000 km(1), ASEAN sở hữu 1/3 sinh cảnh biển và ven biển trên thế giới bao gồm rừng ngập mặn, cửa sông, bãi đá, thảm cỏ biển… Khu vực này cũng có các rạn san hô phong phú và đa dạng nhất trên thế giới (được gọi là Tam giác san hô), chiếm gần 30% tổng số rạn san hô toàn cầu(2). Ngoài ra, Đông Nam Á sở hữu 35% rừng ngập mặn trên thế giới(3).
Trên thực tế, biển đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế của các nước ASEAN. Dân số ven biển không ngừng gia tăng cùng với sự phát triển của khu vực đã đặt ra nhu cầu lớn về tài nguyên biển. Theo thống kê, trong số 15 quốc gia chế biến thủy sản đánh bắt lớn nhất thế giới thì có đến 5 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, bao gồm: Inđônêxia, Việt Nam, Philíppin, Malaixia và Thái Lan(4). Tuy nhiên, trong số 10 thành viên ASEAN thì có tới 4 quốc gia nằm trong số những nước gây ô nhiễm biển nhiều nhất (Inđônêxia, Philíppin, Việt Nam và Thái Lan)(5). Do sự gần gũi về vị trí địa lý giữa các quốc gia thành viên ASEAN, các sự cố phát sinh từ hoạt động vận tải biển, khai thác tài nguyên biển hoặc các hoạt động trên đất liền… dẫn đến tình trạng ô nhiễm biển trong khu vực có tính “xuyên biên giới” và không quốc gia nào có thể đơn phương giải quyết vấn đề này. Ô nhiễm biển không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và nguồn cung cấp lương thực mà còn tác động đến ngành công nghiệp và du lịch. Vì vậy, cùng với khai thác, sử dụng biển, vấn đề ô nhiễm môi trường biển đã trở thành mối quan tâm toàn cầu nói chung và khu vực ASEAN nói riêng.
Nhận thức được tầm quan trọng của hợp tác khu vực trong giải quyết các thách thức môi trường và hướng tới phát triển bền vững, các quốc gia ASEAN đã phối hợp chặt chẽ trong công tác bảo vệ môi trường ở cấp khu vực và toàn cầu. Ở cấp độ toàn cầu, nhiều quốc gia thành viên ASEAN đã tham gia các công ước quốc tế quan trọng liên quan đến bảo vệ môi trường biển(6). Vì vậy, hợp tác khu vực giữa các quốc gia thành viên ASEAN về bảo vệ môi trường biển là nhu cầu nội tại của khu vực ASEAN và cũng là nghĩa vụ được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế.
2. Khung chính sách, pháp luật của ASEAN về bảo vệ môi trường biển
Cơ chế hợp tác của ASEAN về bảo vệ môi trường biển
Ở cấp độ chính sách, các cơ chế có thẩm quyền đưa ra các chính sách, kế hoạch của ASEAN về bảo vệ môi trường biển là Hội nghị cấp cao ASEAN, Hội đồng điều phối ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về môi trường (AMME), Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN về môi trường (ASOEN), Ủy ban khoa học và công nghệ ASEAN (COST). Các thiết chế này hoạt động chủ yếu thông qua các cuộc họp thường niên.
Hình: Các thiết chế ASEAN liên quan đến bảo vệ môi trường
Ở cấp độ hoạt động, các cơ chế triển khai hoạt động cụ thể nhằm thực hiện chính sách, kế hoạch của ASEAN về bảo vệ môi trường biển thông qua các Nhóm công tác về Môi trường biển và ven bờ Khu vực ASEAN (AWGCME). Trên thực tế, AWGCME hoạt động như một diễn đàn tham vấn nhằm thúc đẩy sự điều phối và cộng tác giữa các sáng kiến liên quan đến môi trường biển của ASEAN và các khu vực khác nhằm đảm bảo cách tiếp cận tổng hợp và tích hợp trong bảo tồn và quản lý bền vững môi trường biển và ven biển.
Như vậy, xét về cấp độ hoạt động, AWGCME có nhiệm vụ bao quát tầm vĩ mô trong bảo vệ môi trường biển. Việc ASEAN chú trọng thành lập các nhóm công tác và tổ chức chương trình, hội nghị khu vực về môi trường biển cho thấy mối quan tâm lớn của khu vực trong giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, xét về các thiết chế ASEAN liên quan đến bảo vệ môi trường cho thấy, nhiều cơ quan, tổ chức trong khu vực cũng đã tham gia vào các khía cạnh bảo vệ, bảo tồn và quản lý môi trường biển ở Đông Nam Á.
Ngoài ra, ASEAN ngày càng tăng cường hợp tác với các “Đối tác Đối thoại” thông qua cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN+3 và Hội nghị Bộ trưởng Môi trường biển Đông Á (họp bên lề Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN). Đồng thời, tham gia hỗ trợ và triển khai quyết định của các Bộ trưởng có Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN+3 và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) về môi trường.
Chính sách, pháp luật của ASEAN về bảo vệ môi trường biển
Cộng đồng văn hóa xã hội (ASCC) là 1 trong 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN liên quan đến bảo vệ và giữ gìn môi trường. Các lĩnh vực hợp tác ưu tiên của ASEAN về môi trường chủ yếu được trình bày trong Kế hoạch chi tiết về ASCC đến năm 2025(7). Nhằm thực hiện Kế hoạch chi tiết về ASCC năm 2025, ASEAN đã thông qua Kế hoạch chiến lược ASEAN về môi trường giai đoạn 2016-2025 (ASPEN)(8). Trong đó, ưu tiên chiến lược đối với bảo vệ môi trường biển nhằm hướng tới: 1) Bảo đảm môi trường biển, ven biển và hoạt động kinh tế liên quan được quản lý bền vững; tạo cơ sở để nâng cao nhận thức của cộng đồng về môi trường biển và ven biển; 2) Bảo tồn môi trường biển và ven biển trong sạch, lành mạnh cho sự phát triển bền vững của ASEAN bằng cách giảm thiểu các mối đe dọa do con người gây ra; 3) Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan liên ngành ở cấp khu vực và quốc tế trong quản lý bền vững môi trường biển, ven biển nhằm ứng phó với các vấn đề xuyên biên giới thông qua chính sách quản lý phù hợp.
Về chương trình hành động, ưu tiên chiến lược của ASEAN về bảo vệ môi trường biển và ven biển bao gồm 7 nội dung chính: 1) Khu bảo tồn vùng biển và ven biển trọng điểm; 2) Các loài ven biển và biển có nguy cơ tuyệt chủng; 3) Đổ thải từ tàu chở dầu và giảm tràn dầu; 4) Giảm thiểu ô nhiễm vùng biển và ven biển (chất dinh dưỡng, rác thải biển, phú dưỡng...); 5) Các loài ngoại lai xâm lấn ven biển và biển; 6) Các vấn đề và tác động của biến đổi khí hậu trong vùng ven biển; 7) Quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICM) và Quy hoạch không gian biển (MSP). Qua các văn kiện và nội dung các cuộc họp của ASEAN cho thấy, vấn đề quan trọng, mang tính cấp bách được thảo luận nhiều nhất là ô nhiễm từ đất liền (bao gồm rác thải nhựa) và bảo tồn đa dạng sinh học biển(9).
Chính sách, pháp luật của ASEAN về bảo tồn đa dạng sinh học biển
Theo Kế hoạch chi tiết về ASCC đến năm 2025, các lĩnh vực và biện pháp chiến lược nhằm bảo tồn và quản lý bền vững đa dạng sinh học biển của ASEAN bao gồm: 1) Thúc đẩy hợp tác bảo vệ, phục hồi và sử dụng bền vững môi trường biển và ven biển, ứng phó và đối phó với nguy cơ ô nhiễm cũng như mối đe dọa đối với hệ sinh thái biển và môi trường ven biển, đặc biệt là khu vực nhạy cảm về sinh thái; 2) Áp dụng thực tiễn quản lý hiệu quả và tăng cường xây dựng chính sách để giải quyết tác động của các dự án phát triển đối với vùng ven biển và biển quốc tế. Trong đó, chú trọng các vấn đề môi trường xuyên biên giới, bao gồm: Ô nhiễm, vận chuyển, xử lý bất hợp pháp các chất độc hại và chất thải; đồng thời, tận dụng các thể chế và hiệp định hiện có của khu vực và quốc tế; 3) Tăng cường xây dựng chính sách, tạo cơ sở để bảo tồn, phát triển và quản lý bền vững các vùng biển, đất ngập nước, đất than bùn, đa dạng sinh học, tài nguyên đất và nước; 4) Nâng cao năng lực để quản lý hiệu quả các hệ sinh thái và tài nguyên thiên nhiên; 5) Thúc đẩy hợp tác về quản lý môi trường theo hướng sử dụng bền vững các hệ sinh thái và tài nguyên thiên nhiên thông qua hoạt động giáo dục nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng và tiếp cận cộng đồng; 6) Tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu và khu vực trong hỗ trợ thực hiện các hiệp định và khuôn khổ quốc tế có liên quan(10).
Bảo tồn đa dạng sinh học biển chủ yếu do AWGCME phối hợp với Nhóm Công tác ASEAN về Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (AWGNCB) và Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) giám sát. AWGNCB và AWGCME sẽ phối hợp khi cần thiết đối với các vấn đề phức tạp. Các chương trình liên quan đến hệ sinh thái biển/đa dạng sinh học trong Kế hoạch hành động của AWGCME, bao gồm: Khu bảo tồn biển và ven biển trọng điểm (Chương trình 1); Bảo tồn các loài ven biển và biển có nguy cơ tuyệt chủng (Chương trình 2); Các loài ngoại lai xâm lấn ven biển và ven biển (Chương trình 5).
Năm 1984, ASEAN đã ký Tuyên bố ASEAN về Vườn Di sản và Khu bảo tồn Di sản; đồng thời, chỉ định 11 khu bảo tồn được ghi nhận là Vườn Di sản ASEAN (AHP). Đến nay, ASEAN có 57 AHP, trong đó có Vườn quốc gia Bái Tử Long của Việt Nam(16). Chương trình AHP có vai trò quan trọng trong bảo tồn các hệ sinh thái nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo tồn các di sản thiên nhiên trong khu vực ASEAN.
Chính sách, pháp luật của ASEAN về giảm thiểu ô nhiễm từ các nguồn trên đất liền
Trong kế hoạch hành động của AWGCME, chống rác thải trên biển là ưu tiên chiến lược, đặc biệt là vấn đề “Giảm thiểu ô nhiễm vùng biển và ven biển” đã được quy định trong Chương trình 4. Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về chủ đề rác thải biển là diễn đàn thảo luận về hướng đi trong tương lai cũng như các hành động khuyến nghị đối với ASEAN nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu rác thải trên biển. Hội nghị đã thông qua một số văn kiện “luật mềm” của khu vực như “Tuyên bố Bangkok về chống rác thải biển trong khu vực ASEAN”(12), “Khung hành động ASEAN nhằm xử lý vấn nạn rác thải trên biển” (Khung hành động)(13). Hai văn kiện này là nền tảng quan trọng để hợp tác chống rác thải trên biển ở Đông Nam Á.
Về chính sách, trong Tuyên bố Bangkok về chống rác thải trên biển, đại diện các quốc gia đã thừa nhận bản chất xuyên biên giới về ô nhiễm môi trường biển và tổn thất nặng nề về tài chính cũng như hệ sinh thái biển. Trên cơ sở đó, kêu gọi hợp tác trong đối phó với đe dọa toàn cầu về ô nhiễm môi trường biển khu vực ASEAN. Đồng thời, nhấn mạnh cam kết của các quốc gia thành viên trong tìm kiếm các giải pháp thông qua hợp tác và phối hợp giữa các bên liên quan, trong đó, chú trọng phát triển giải pháp sáng tạo. Về hành động, tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN và các bên liên quan trong ngăn chặn và xử lý rác thải trên biển, trọng tâm là Khung hành động về rác thải trên biển đã được ASEAN xây dựng(14).
Như vậy, chính sách và khung hành động của ASEAN đến năm 2025 tập trung vào việc tăng cường luật pháp quốc gia và hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN với các đối tác nhằm chống ô nhiễm rác thải trên biển. ASEAN áp dụng “cách tiếp cận từ đất liền tới biển”, tức là xác định rác thải biển được tạo ra từ các hoạt động trên biển và trên đất liền. Đồng thời, ASEAN thừa nhận tầm quan trọng của sự phối hợp đa ngành, đặc biệt là khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong ngăn chặn rác thải trên biển. Khung hành động khẳng định tầm quan trọng của việc tích hợp kiến thức khoa học với các quyết định chính sách, bao gồm sự tham gia của các nhà khoa học vào quá trình ra quyết định. Để nâng cao chuỗi giá trị nhựa và hiệu quả sử dụng tài nguyên, khung hành động đề xuất áp dụng các chiến lược “kinh tế vòng tròn”. Trong đó, quy định giảm thiểu việc xử lý chất thải và nhu cầu về nguyên liệu thô thông qua “5R”, tức là giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, tân trang và tái sản xuất nguyên liệu trong quá trình sản xuất, phân phối và tiêu dùng.
3. Những thách thức và định hướng xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật của ASEAN về bảo vệ môi trường biển
Các vấn đề liên quan đến cơ chế
Việc thành lập các nhóm công tác và tổ chức hội nghị khu vực về ô nhiễm môi trường biển cho thấy, ASEAN đã dành nguồn lực lớn để giải quyết vấn đề này. Đề xuất thành lập Trung tâm ASEAN về chống rác thải biển góp phần cung cấp thông tin cho các quốc gia thành viên ASEAN, thúc đẩy hợp tác, điều phối và chịu trách nhiệm về các chương trình khác nhau liên quan đến rác thải biển. Mặt khác, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong giải quyết ô nhiễm môi trường biển toàn cầu.
Tuy nhiên, hiện nay ASEAN vẫn chưa thành lập cơ quan thường trực và chuyên trách về môi trường biển. Thành viên của các nhóm công tác và trung tâm/tiểu ban liên quan đến bảo vệ môi trường biển đều là kiêm nhiệm nên còn gặp nhiều bất cập trong triển khai hoạt động. Việc phân tán chức năng bảo vệ môi trường biển cho các nhóm công tác và tiểu ban cũng đặt ra nhiều thách thức trong điều phối và hợp tác giữa các cơ quan và các nhóm công tác.
Để thúc đẩy hợp tác bảo vệ môi trường biển, thời gian tới, ASEAN cần thành lập cơ quan chuyên trách và thường trực trong lĩnh vực môi trường biển để điều phối, quản trị, kiểm tra và giám sát việc thực thi các chính sách môi trường của ASEAN. Từ góc độ thể chế, các trụ cột, cơ quan và nhóm công tác cần đa dạng hóa hình thức tham vấn và phối hợp để giải quyết các khía cạnh trong công tác quản lý, bảo vệ và bảo tồn môi trường biển ở Đông Nam Á. Để đánh giá thành công và hiệu quả của các mô hình quản trị hiện hành, từ đó xem xét việc áp dụng các biện pháp và kế hoạch hành động mới, ASEAN cần căn cứ vào số lượng quốc gia phê chuẩn các văn kiện bảo vệ môi trường biển, phân tích mức độ hợp tác và đánh giá mức độ bảo vệ hoặc cải thiện hiện trạng môi trường biển của khu vực đó.
Ngoài ra, cần thiết lập hệ thống dữ liệu khu vực bảo đảm chất lượng và có thể truy cập về các thành phần của môi trường biển cũng như tác động của các hoạt động đối với môi trường biển. Bên cạnh đó, ASEAN cần xây dựng quy chế thành lập nguồn tài chính bền vững cho các chương trình, dự án giám sát, bảo vệ và bảo tồn môi trường biển. Điều này đòi hỏi ASEAN cần chú trọng bảo đảm nguồn tài chính vận hành phù hợp; đồng thời, thu hút các nguồn tài trợ mới nhằm tăng cường các thể chế khu vực.
Các vấn đề liên quan đến khung chính sách, pháp lý
Thời gian qua, những tuyên bố, chương trình và khung hành động của ASEAN về bảo vệ, bảo tồn và quản lý môi trường biển đã thể hiện chính sách và quyết tâm của tổ chức trong giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường biển; đồng thời, là cơ sở quan trọng trong hợp tác giải quyết các vấn đề chung của khu vực. Tuy nhiên, các tuyên bố và khung hành động không phải là những văn kiện ràng buộc về mặt pháp lý mà chỉ mang tính định hướng chung. Ví dụ, Tuyên bố Bangkok và Khung hành động về rác thải trên biển (bao gồm rác thải nhựa) là những kết quả bước đầu của hợp tác ASEAN về bảo vệ môi trường biển nhưng các văn kiện này chưa thực sự giải quyết vấn đề vì không cấm sử dụng nhựa một lần hoặc nhập khẩu phế thải nước ngoài. Kể từ năm 2018, Trung Quốc đã quyết định cấm nhập khẩu nhựa tái chế, giấy vụn và các vật liệu khác có thể gây ô nhiễm. Thực tế cho thấy, một tỷ lệ lớn loại nhựa không mong muốn này từ các nước phát triển như Hoa Kỳ và Nhật Bản đã tràn vào các quốc gia ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, Malaixia và Thái Lan. Theo ước tính, trong năm 2018, nhập khẩu chất thải nhựa của ASEAN đã tăng lên 27% tổng lượng chất thải của thế giới (năm 2017, tỷ lệ này chỉ là 11%). Vì vậy, các quốc gia ASEAN cần nỗ lực phối hợp để thực thi lệnh cấm nhập khẩu nhựa trong toàn khu vực thời gian tới(15).
Hiện nay, ASEAN chủ yếu sử dụng các cơ chế không chính thức để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường biển. Điều này dẫn đến khó có thể đạt được hiệu quả như mong muốn. Tuyên bố Bangkok và Khung hành động về rác thải trên biển (bao gồm rác thải nhựa) là câu trả lời trong việc đối phó với tình trạng ô nhiễm môi trường biển. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Liệu Khung hành động có thể được đưa vào thực hiện thông qua một văn kiện pháp lý ràng buộc hay trở thành một “khuôn khổ” không ràng buộc pháp lý đối với các quốc gia thành viên ASEAN? Tính ràng buộc về mặt pháp lý là yếu tố quan trọng hướng tới cam kết rõ ràng và thay đổi hành vi của quốc gia đối với vấn đề quốc tế, trong đó có bảo vệ môi trường biển khu vực.
Việc thông qua Hiến chương ASEAN (năm 2007) tạo cơ sở hình thành hệ thống các cơ chế nhằm bảo đảm xây dựng thể chế. Hiến chương nêu rõ kỳ vọng của các quốc gia ASEAN là trở thành một cộng đồng “dựa trên pháp luật”, tôn trọng pháp quyền(21). Tuy nhiên, Tuyên bố và Khung hành động về rác thải trên biển dường như báo hiệu sự quay trở lại cách tiếp cận không chính thức và chủ quan của ASEAN như trước đây.
Như vậy, đối với ô nhiễm môi trường biển hiện nay, ASEAN cần đưa ra cách tiếp cận chủ động hơn trong giải quyết vấn đề. Các thành viên ASEAN cần tỏ rõ thiện chí xây dựng văn kiện ràng buộc về pháp lý thì các sáng kiến trong khung hành động và chương trình liên quan mới được bảo đảm thực thi hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác và cam kết mạnh mẽ giữa các quốc gia thành viên ASEAN có vai trò quan trọng trong thực hiện Khung hành động và các chương trình ASEAN về bảo vệ môi trường biển. Thường xuyên tiến hành các cuộc đàm phán nhằm tìm ra sự kết nối chung giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong giải quyết các vấn đề về môi trường biển.
Hiện nay, ASEAN chưa có điều ước khu vực về bảo vệ, bảo tồn môi trường biển. Mặt khác, lý do khiến các quốc gia thành viên ASEAN phải miễn cưỡng phê chuẩn các công ước quốc tế, bao gồm “sức ì chính trị”, thiếu năng lực chuyên gia, chi phí tuân thủ, sự nhạy cảm về văn hóa, sự lo ngại về chủ quyền, an ninh... Trong ASEAN, quy tắc nghiêm ngặt về không can thiệp khiến quá trình đưa ra quyết định cần thiết của tổ chức hoàn toàn phụ thuộc vào sự đồng thuận giữa các nước thành viên. Cách tiếp cận này rất hữu ích trong những năm mới hình thành (giai đoạn 1960-1970), cho phép các quốc gia giải quyết các vấn đề trong nước mà không có sự can thiệp của các quốc gia thành viên khác. Cơ chế đồng thuận trong việc đưa ra quyết định của tổ chức (còn gọi là “Phương thức ASEAN”) có ưu điểm là bảo đảm bình đẳng lợi ích của tất cả các quốc gia - nhân tố quyết định trong bảo đảm an ninh và ổn định khu vực nhưng đôi khi trở thành rào cản đối với việc xây dựng các văn bản pháp lý của ASEAN.
Ngày nay, ASEAN cần sự thay đổi về cơ chế dựa trên pháp luật và hội nhập khu vực mạnh mẽ hơn. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, một quốc gia có thể không phản đối nội dung của công ước quốc tế liên quan đến bảo vệ môi trường biển nhưng họ lại không thấy lợi ích trực tiếp trong việc trở thành thành viên của công ước, nếu các kết quả tương tự có thể đạt được chỉ thông qua việc ban hành luật pháp quốc gia phản ánh nội dung của công ước. Ví dụ cho thực tế này rất có thể là trường hợp của Công ước cứu hộ, trong đó một số quốc gia thực hiện Công ước theo luật pháp của quốc gia mình và không có lợi ích trực tiếp khi trở thành thành viên của Công ước, đặc biệt khi chủ thể thực hiện chính không phải là quốc gia mà là đơn vị tư nhân. Điều này càng trở nên trầm trọng hơn khi các quốc gia lo sợ rằng, việc tham gia vào công ước quốc tế sẽ khiến họ phải chịu trách nhiệm về việc vi phạm công ước. Khó khăn trong việc đạt được thỏa thuận pháp lý toàn diện và hiệu quả về bảo vệ môi trường biển khu vực Đông Nam Á đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết. Trước những thách thức đó, việc tham khảo các khuôn khổ quốc tế đã được thống nhất rộng rãi sẽ mang đến mức độ hợp tác tối thiểu trong ASEAN. Điều này tránh được sự không chắc chắn về các quy tắc và quy định có thể áp dụng như là “các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế được chấp nhận chung” và hỗ trợ tích cực hơn cho các sáng kiến khu vực, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong bảo vệ và bảo tồn môi trường biển, điển hình là sự cố ô nhiễm do tràn dầu.
Trong bối cảnh này, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nên áp dụng đầy đủ hơn các công ước liên quan đến môi trường biển, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS), Công ước quốc tế về chuẩn bị, ứng phó và hợp tác đối với nhiễm dầu (OPRC), Công ước quốc tế về trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại do ô nhiễm dầu (Công ước Bunker 2001), Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu biển (MARPLOL), Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS)… Có thể thấy, các chương trình và kế hoạch hành động khu vực hiện nay là bước khởi đầu đáng khích lệ đối với ASEAN trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường biển ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, quá trình thực hiện kế hoạch đặt ra nhiều thách thức đối với các nước ASEAN, đòi hỏi các quốc gia thành viên phải hợp tác, gạt bỏ những quan ngại về nguyên tắc không can thiệp, áp dụng linh hoạt “phương thức ASEAN” trong xây dựng các điều ước về bảo vệ môi trường biển, nhất là các điều ước về rác thải trên biển (bao gồm rác thải nhựa) và bảo tồn đa dạng sinh học biển.
_________________
Ngày nhận bài: 8-1-2025; Ngày bình duyệt: 14-1-2025; Ngày duyệt đăng: 9-7-2025.
Email tác giả: haidangvu@gmail.com
(1) Andrew Walker: The Southeast Asia Sea, https://www.newmandala.org/the-southeast-asia-sea/#:~:text=The%20countries%20of%20Southeast%20Asia,(1%2C750%20miles)%20in%20length, 19 June, 2011.
(2), (3) ASEAN Cooperation on Coastal and Marine Environment, https://environment.asean.org/awgcme, 15 September, 2022.
(4) FAO: The State of World Fisheries and AquacultureMeeting the SDGs, http://www.fao.org/3/I9540EN/i9540en.pdf, 2018 (Lưu ý, sản phẩm đánh bắt bao gồm cả sản phẩm đánh bắt ở trong đất liền).
(5) David Twomey: Asian nations, among worst ocean polluters, aim to curb plastic debris, https://econews.com.au/61383/asian-nations-among-worst-ocean-polluters-aim-to-curb-plastic-debris/, 24 June, 2019.
(6) MEPSEAS: Marine environment protection of the South-East Asian Sea, https://sdgs.un.org/partnerships/mepseas-marine-environment-protection-south-east-asian-seas.
(7), (9), (10) ASEAN: Asean Socio-Cultural Community Blueprint 2025, https://www.asean.org/wp-content/uploads/2012/05/8.-March-2016-ASCC-Blueprint-2025.pdf.
(8) Kế hoạch chiến lược ASEAN về môi trường (ASPEN) 2016-2025, http://www.aseansme.org/dbfile/kc/kc_sap/SAP_SMED_Final.pdf
(11) ASEAN Biodiversity Dashboard: Ecosystems in the ASEAN region, https://dashboard.aseanbiodiversity.org/asean-heritage-parks/.
(12) ASEAN: Bangkok Declaration on Combating Marine Debris in ASEAN Region, https://asean.org/bangkok-declaration-on-combating-marine-debris-in-asean-region/, June 22, 2019.
(13), (14) ASEAN: ASEAN Framework of Marine Debris, https://asean.org/wp-content/uploads/2021/01/3.-ASEAN-Framework-of-Action-on-Marine-Debris-FINAL.pdf.
(15) Harsh Mahaseth: Dealing with Marine Debris the Asean way, https://voelkerrechtsblog.org/dealing-with-marine-debris-the-asean-way/, April 22. 2020.
(16) Hiến chương của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, https://www.asean.org/wp-content/uploads/images/archive/AC-Vietnam.pdf.