(LLCT) - Kinh tế tuần hoàn là mô hình phát triển được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng hiện nay. Sớm nhận thức được xu hướng phát triển của nhân loại và trong bối cảnh môi trường Việt Nam đang bị ô nhiễm nặng nề, tài nguyên khan hiếm và biến đổi khí hậu đang ngày càng hiện hữu, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn. Bài viết làm rõ chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tuần hoàn, thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam.
NGUYỄN THỊ THÙY LINH
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
1. Mở đầu
Thuật ngữ “kinh tế tuần hoàn” được sử dụng chính thức đầu tiên bởi Pearce và Turner năm 1990(1), trong cuốn Kinh tế Tài nguyên và Môi trường. Kinh tế tuần hoàn (KTTH) được dùng để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”. KTTH (circular economy) là một mô hình kinh tế bền vững, sản xuất và trao đổi tập trung vào việc tái chế và tái sử dụng tài nguyên để giảm thiểu rác thải và cải thiện hiệu quả tài nguyên. Trong khi mô hình kinh tế tuyến tính dựa trên nguyên tắc: “lấy - làm - bỏ” thì KTTH hoạt động dựa trên nguyên tắc “giữ - sử dụng lại - tái chế” tài nguyên thiên nhiên.
Theo khoản 1 Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường(2).
Hiểu một cách đơn giản nhất: KTTT là cách thức sản xuất, tiêu dùng và trao đổi sản phẩm dựa trên nguyên tắc tái chế rác thải, đầu ra của ngành này thành nguồn nguyên vật liệu, đầu vào của ngành khác hoặc tuần hoàn trong cùng một doanh nghiệp.
Phát triển KTTH giúp tiết kiệm tài nguyên và năng lượng trong quá trình sản xuất, từ đó bảo vệ môi trường và hệ sinh thái. KTTH giúp tận dụng tối đa giá trị chất thải, qua đó góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế biến đổi khí hậu. KTTH giúp mở ra những lĩnh vực mới như các công nghệ, thiết bị, sản phẩm mới, từ đó tạo ra những cơ hội kinh doanh mới gắn với công nghệ cao và thân thiện với môi trường.
Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10-01-2022 của Chính phủ “Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020”, trong đó Điều 138 đã chỉ ra những tiêu chí chung về KTTH: (1) Giảm khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu thô, vật liệu; tiết kiệm năng lượng; (2) Kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, các linh kiện, cấu kiện; (3) Hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường bao gồm: giảm chất thải rắn, nước thải, khí thải; giảm sử dụng hóa chất độc hại; tái chế chất thải, thu hồi năng lượng; giảm sản phẩm sử dụng một lần; mua sắm xanh(3).
2. Nội dung
2.1. Chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tuần hoàn
Tại Đại hội VI (năm 1986), Đảng ta đã chỉ ra: “Tài nguyên của đất nước chưa được khai thác tốt, lại bị sử dụng lãng phí, nhất là đất nông nghiệp và tài nguyên rừng; môi trường sinh thái bị phá hoại”(4). Tuy nhiên, do điều kiện khi đó còn khó khăn nên vấn đề khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên chưa thực sự được quan tâm.
Đến Đại hội VII (năm 1991), để khắc phục thực trạng tài nguyên của đất nước chưa được khai thác tốt, Đại hội chỉ đạo: “Phát triển kinh tế rừng, trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng tài nguyên rừng, bảo vệ thiên nhiên và môi trường sinh thái”(5). Đồng thời, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) đề ra phương hướng: “Tuân thủ nghiêm ngặt việc bảo vệ môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái cho thế hệ hiện tại và mai sau”(6). Đây là chỉ đạo có tầm nhìn chiến lược nhằm phát triển bền vững đất nước.
Tại Đại hội VIII (năm 1996) với chủ trương đẩy mạnh CNH, HĐH, Việt Nam xác định rõ mô hình phát triển kinh tế là tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường. Đảng ta chủ trương: “Đánh giá chính xác tài nguyên quốc gia, từ đó đề xuất một chiến lược đúng đắn về khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên. Bảo đảm cơ sở khoa học và công nghệ cho việc khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái. Áp dụng các công nghệ hiện đại trong việc kiểm soát, đánh giá và xử lý tác động môi trường. Ưu tiên các công nghệ sạch, tốn ít nguyên, nhiên liệu. Đề xuất các phương pháp khoa học và ứng dụng các phương tiện kỹ thuật để hạn chế hậu quả thiên tai”(7). Cụ thể hóa quan điểm của Đảng, ngày 25-6-1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36/1998/CT-TW về Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, với mục tiêu: “Ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, phục hồi và cải thiện môi trường của những nơi, những vùng đã bị suy thoái, bảo tồn đa dạng sinh học, từng bước nâng cao chất lượng môi trường ở các khu công nghiệp, đô thị và nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, tiến hành thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”(8). Như vậy, từ rất sớm, Đảng ta đã chủ trương tăng trưởng kinh tế phải hướng tới phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Đến Đại hội IX (năm 2001), Đảng khẳng định quan điểm phát triển đất nước là: “Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”(9). Ngày 15-11-2004, Bộ Chính trị khóa IX ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khẳng định mục tiêu của CNH, HĐH phải gắn với sản xuất tiết kiệm, giữ gìn tài nguyên: “Bảo vệ môi trường phải theo phương châm lấy phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường là chính kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên”(10). Phát triển kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH cần ngăn ngừa, hạn chế ô nhiễm, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học: “Khuyến khích sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng; sản xuất và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các sản phẩm và bao bì sản phẩm không gây hại hoặc ít gây hại đến môi trường; tái chế và sử dụng các sản phẩm tái chế. Từng bước áp dụng các biện pháp buộc các cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải thu hồi và xử lý sản phẩm đã qua sử dụng do mình sản xuất, nhập khẩu”(11).
Tại Đại hội X (năm 2006), trong bối cảnh thế giới thường xuyên xuất hiện những diễn biến bất thường về thời tiết, khí hậu, tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, biển đảo và các tài nguyên thiên nhiên, Đảng ta đã chủ trương phát triển kinh tế phải gắn với: “Bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên quốc gia, cải thiện môi trường tự nhiên. Tăng cường quản lý tài nguyên quốc gia, nhất là các tài nguyên đất, nước, khoáng sản và rừng. Ngăn chặn các hành vi hủy hoại và gây ô nhiễm môi trường, khắc phục tình trạng xuống cấp môi trường ở các lưu vực sông, đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, nơi đông dân cư và có hoạt động kinh tế. Từng bước sử dụng công nghệ sạch, năng lượng sạch”(12). Đến Đại hội XI (năm 2011), quan điểm chỉ đạo của Đảng là: “Phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch”(13).
Như vậy, mặc dù không trực tiếp nhắc đến KTTH nhưng các nội dung liên quan đến phát triển KTTH ở Việt Nam đã được Đảng ta quan tâm và đề cập từ rất sớm. Đến Đại hội XIII (năm 2021), Đảng ta xác định “kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn”(15). Do vậy, mục tiêu phát triển giai đoạn 2021-2030, Việt Nam cần: “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”(16) với yêu cầu: “Xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”(17). Đây là bước tiến trong nhận thức của Đảng về mô hình phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.
Tại Đại hội XII (năm 2016), Đảng ta xác định: “Tài nguyên là tài sản quốc gia, nguồn lực quan trọng của đất nước, phải được đánh giá đầy đủ, hạch toán trong nền kinh tế, được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý có hiệu quả và bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Chú trọng sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, vật liệu mới”(14).
Cụ thể hóa quan điểm của Đảng, hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến phát triển KTTH cũng ngày càng được hoàn thiện. Tại khoản I, điều 5 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định: “Lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội”(18); Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25-9-2020 của Chính phủ về phát triển bền vững đã chỉ đạo: “Công nghệ hiện đại, sạch và thân thiện với môi trường cần được ưu tiên sử dụng rộng rãi trong các ngành sản xuất”(19).
Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”. Chiến lược nhằm xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên; từng bước hạn chế các ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh mới; phát triển nhanh các ngành kinh tế xanh; chú trọng ứng dụng công nghệ xanh, hệ thống quản lý và kiểm soát hoạt động sản xuất để tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, cải thiện môi trường sinh thái…
Tại Đại hội XIII (năm 2021), Đảng ta xác định: “kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn”. Do vậy, mục tiêu phát triển giai đoạn 2021-2030, Việt Nam cần: “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.
Nhà nước đã ban hành nhiều chiến lược, chương trình liên quan đến KTTH như: Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25-12-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ “phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050”; Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ “phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20-8-2020 của Thủ tướng Chính phủ “về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa”; Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13-4-2022 của Thủ tướng Chính phủ “phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26) diễn ra ở Glasgow (Scotland), Việt Nam cùng với nhiều nước trên thế giới đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng không (Net Zero) vào năm 2050. Đây là cơ sở để Chính phủ ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính: ngày 07-01-2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 05-8-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030; Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050…
Ngày 07-6-2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Mục tiêu chung của Đề án là: “tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa các doanh nghiệp và ngành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trước các cú sốc từ bên ngoài, nhằm góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon” và mục tiêu cụ thể là góp phần giảm cường độ phát thải khí nhà kính ít nhất 15% vào năm 2030, hướng tới giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050(20). Đồng thời, tăng cường nhận thức, sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với mô hình kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế.
2.2. Thực trạng phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện nay
Một là, thông qua thực hiện mô hình KTTH, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã nhận thức rõ hơn và chủ động áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn nhằm giảm mức phát thải, tiêu thụ nguyên vật liệu, năng lượng và nước, tiết kiệm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Qua 12 năm triển khai Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, đến nay đã có “68,5% doanh nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn, tăng 20,5% so năm 2010. 46,9% cơ sở sản xuất áp dụng sản xuất sạch hơn, tăng 35,9% so năm 2010, 12% trong số đó đã đạt mức tiết kiệm 8% trở lên trong giảm năng lượng, nguyên nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm”(21). Có thể thấy, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã dần chủ động thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về phát triển KTTT.
Tại các địa phương, nhiều hoạt động thực hiện chiến lược, kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu đã được thực hiện tích cực, như: đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, điện gió, tăng nhanh. Cụ thể: “năng lượng tái tạo từ 3,5% năm 2010 lên tới 4,5% năm 2020 và 6% vào năm 2030. Đặc biệt phát triển điện gió đạt công suất 1.000 MW vào năm 2020 và 6.200 MW vào năm 2030”(22).
Trong các lĩnh vực, các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính được triển khai, phát triển KTTH, kinh tế xanh đã: “góp phần làm giảm 12,9% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển bình thường. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP giảm trung bình 1,8%/ năm; tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp có nhận thức về sản xuất sạch hơn đã tăng từ 28% năm 2010 lên 46,9% năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%”(23). Nhận thức của người dân và doanh nghiệp về vai trò của tăng trưởng xanh được nâng cao; từ đó tạo làn sóng về đầu tư vào phát triển xanh như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, điện rác…
Hai là, Việt Nam hình thành các khu công nghiệp sinh thái hướng tới tăng trưởng xanh, tiết kiệm vật liệu, thiết bị, sản phẩm hàng hóa; đồng thời chú trọng đến các giải pháp quản lý chất thải, xử lý nước thải đạt chuẩn và tái chế vật liệu.
Việt Nam đang triển khai mô hình KTTH dựa trên 3 trụ cột: thiết kế, kéo dài vòng đời vật liệu; giảm rác thải, phát thải; khôi phục hệ sinh thái. Việt Nam cũng đang phát triển KTTH theo Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các diễn đàn và hội thảo chuyên đề đã được tổ chức nhằm thúc đẩy việc áp dụng mô hình KTTH, với sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ.
Trong nông nghiệp, Việt Nam đã sử dụng hiệu quả các mô hình KTTH, tận dụng phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp như mô hình VAC, VRAC. Đây là mô hình KTTH khép kín hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, vừa tận dụng, khai thác triệt để chất thải, phụ phẩm trong sản xuất, vừa giải quyết vấn đề môi trường trong nông nghiệp và ở nông thôn.
Trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhiều doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 14001 (quản lý môi trường), ISO 50001 (quản lý năng lượng) hay LEED (thiết kế và xây dựng xanh) nhằm giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất. Các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, bán lẻ lớn đã hình thành các liên minh chống rác thải nhựa, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam với 40 doanh nghiệp lớn như: TH Group, Coca-Cola, LaVie, Nestle, Nutifood…, cam kết tái chế toàn bộ bao bì tại Việt Nam vào năm 2030. Thỏa thuận thiết lập hợp tác công - tư về xây dựng KTTH trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam đã được nhiều đơn vị tham gia thực hiện.
Với sự hỗ trợ của UNIDO và Quỹ Môi trường toàn cầu, đã hình thành mô hình các khu công nghiệp sinh thái, theo kiểu khu công nghiệp KTTH tại Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ, có 72 doanh nghiệp tham gia nhằm tăng cường chuyển giao, triển khai và phổ biến chia sẻ và tuần hoàn nguyên liệu, năng lượng, chất thải và nước giúp tiết kiệm được khoảng 6,5 triệu USD mỗi năm(24).
Ba là, trong tiêu dùng, nhiều mô hình tiêu dùng xanh ra đời theo hướng sử dụng sản phẩm có khả năng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, như dùng ống hút cỏ, không sử dụng túi ni lông, thiết kế nhà xanh... Kết quả khảo sát cho thấy, “có đến 86% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả cao hơn cho sản phẩm đến từ thương hiệu có ảnh hưởng tích cực đến xã hội và môi trường”(25). Bên cạnh đó, nhiều làng nghề Việt Nam đã tích cực triển khai các mô hình tái chế phế liệu, rác thải sinh hoạt và công nghiệp theo công nghệ mới, bảo vệ môi trường...
Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai KTTH ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Kết quả khảo sát năm 2022 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thực hiện đối với 500 doanh nghiệp về áp dụng KTTH ở cấp độ doanh nghiệp cho thấy, mức độ áp dụng kinh doanh tuần hoàn tại các doanh nghiệp còn tương đối thấp, cả ở góc độ đổi mới mô hình kinh doanh và áp dụng mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn. Tỷ lệ các doanh nghiệp áp dụng đổi mới mô hình kinh doanh theo 5 hình thức, gồm: “Bán sản phẩm theo chức năng”, “Từ gốc đến gốc”, “Quản lý chuỗi cung ứng xanh”, “Cộng sinh công nghiệp” và “Quản lý thu hồi” ở mức tốt chỉ chiếm 3-6%, tùy thuộc vào hình thức, trong đó hình thức đổi mới mô hình theo cách “Quản lý chuỗi cung ứng xanh” có tỷ lệ áp dụng cao nhất (chiếm 6,1%). Tỷ lệ các doanh nghiệp chưa từng áp dụng bất kỳ hình thức đổi mới mô hình kinh doanh và/hoặc mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn nào là 37,6%(26). Những hạn chế đó là do một số nguyên nhân chính sau:
Một là, nhận thức của các doanh nghiệp và người dân về KTTH vẫn còn mới mẻ, “khảo sát hơn 500 doanh nghiệp cho kết quả, chỉ 20-30% hiểu rõ và 3-6% doanh nghiệp hiểu rất rõ về kinh doanh tuần hoàn”(27). Do đó, tỷ lệ áp dụng kinh tế và kinh doanh tuần hoàn chưa cao. Hơn 50% doanh nghiệp được khảo sát chưa áp dụng các giải pháp kinh doanh tuần hoàn.
Theo Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam và Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp thực hiện khảo sát, chỉ có khoảng 2,3% người được hỏi trả lời “có biết đến các chương trình, hoạt động của Nhà nước trong việc chống ô nhiễm rác thải nhựa”(28). Con số này là rất ít so với tính chất của vấn nạn rác thải nhựa, vốn cần sự chung tay của toàn thể cộng đồng và là một yếu tố của phát triển KTTH.
Hai là, nguồn lực tài chính dành cho KTTH còn hạn chế. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030. Trong đó, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% và cần huy động tới 70% từ các nguồn lực khác, mà chủ yếu là khu vực tư nhân(29).
Ba là, chất lượng nguồn lao động cho KTTH chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ngoại ngữ, sức khỏe và kỹ năng, kỷ luật lao động. Các doanh nghiệp chưa có nhiều cơ hội tiếp cận các kiến thức, kinh nghiệm, công nghệ tiên tiến, hiện đại của nước ngoài; cũng như chưa có đủ nguồn lực tài chính để triển khai ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh.
Bốn là, hành lang pháp lý về KTTH chưa thật sự đồng bộ. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp triển khai kinh tế và kinh doanh tuần hoàn cũng chưa đầy đủ. “Trong số chưa đầy 50% doanh nghiệp triển khai các giải pháp KTTH, chỉ có khoảng từ 3-15% doanh nghiệp nhận được các hỗ trợ”(31).
Điều đó cho thấy, quá trình phát triển KTTH còn thiếu đồng bộ, thiếu toàn diện và gặp phải những rào cản về nguồn vốn, nguồn nhân lực, nguồn lực khoa học và công nghệ.
2.3. Giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện nay
Để thúc đẩy phát triển KTTH ở Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về KTTH, yêu cầu, chủ trương và định hướng phát triển KTTH cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Về phía doanh nghiệp, cần tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp tham gia hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh một cách bền vững, ứng dụng các mô hình KTTH, sản xuất kinh doanh gắn liền với bảo vệ môi trường, quy định chặt chẽ về trách nhiệm của doanh nghiệp với chất thải do doanh nghiệp tạo ra.
Về phía người dân, cần tuyên truyền để thay đổi tư duy về tiêu dùng theo hướng sử dụng các sản phẩm hàng hóa thân thiện với môi trường, các sản phẩn dán nhãn KTTH; nâng cao ý thức phân loại rác thải tại nguồn nhằm giảm chi phí trong việc sử dụng và tái chế rác thải. Theo đó, biện pháp bền vững và lâu dài là đưa kiến thức về KTTH vào chương trình giáo dục và đào tạo ở các cấp học nhằm cung cấp tri thức cơ bản về KTTH cho thế hệ tương lai.
Thứ hai, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, các quy định, tiêu chuẩn phát triển KTTH phù hợp với xu thế quốc tế. Xây dựng kế hoạch phát triển KTTH và lồng ghép vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực hoặc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng. Quy định cụ thể trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường...
Thứ ba, ưu tiên nguồn lực tài chính để chuyển đổi phương thức sản xuất; đồng thời, phát triển KTTH gắn với đổi mới khoa học, tiếp cận công nghệ tiên tiến. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, việc nghiên cứu đẩy mạnh đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ số sẽ là cơ hội lớn để thực hiện phát triển KTTH, mang lại hiệu quả tăng trưởng cao hơn.
Thứ tư, xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi và có cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng, phát triển nguồn nhân lực trong phát triển KTTH. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực số và các lĩnh vực liên quan trong bối cảnh mới.
3. Kết luận
Phát triển KTTH là xu hướng tất yếu trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay. Trong những năm qua, Đảng ta rất quan tâm tới phát triển KTTH vì mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, đây là mô hình kinh tế mới, cần tiếp tục nghiên cứu và phát triển. Để phát triển KTTH cần nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị cũng như doanh nghiệp và người dân; hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về KTTH; hỗ trợ nguồn lực tài chính và phát triển nguồn nhân lực cho KTTH.
_________________
Ngày nhận: 06-01-2025; Ngày bình duyệt: 13-01-2025; Ngày duyệt đăng: 11-4-2025.
Email tác giả: nguyenthithuylinh@hpu22.edu.vn
(1) Pearce, D.W. and R.K. Turner: Economics of Natural Resources and the Environment, Hemel Hempstead: Harvester Wheatsheaf, London, 1990.
(2), (18) Quốc hội: Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17-11-2020.
(3) Chính phủ: Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10-1-2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội,1987, tr.17.
(5), (6), (7), (9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, phần I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr.390, 434, 705-706, 965.
(8) Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25-6-1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
(10), (11) Nghị quyết 41-NQ/TW bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước.
(12) ÐCSVN: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, phần II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr.110.
(13) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.43.
(14) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2016, tr.31.
(15), (16) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.207, 117.
(17) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.143.
(19) Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25-9-2020 của Chính phủ về phát triển bền vững.
(20) Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
(21) 46,9% cơ sở sản xuất áp dụng sản xuất sạch hơn, https://nhandan.vn, ngày 20-11-2020.
(22) Báo cáo triển vọng ngành điện năm 2024, https://kirincapital.vn,
(23) Chuyển đổi kép nền kinh tế: 'Vừa xanh lại vừa số', https://dx.moj.gov.vnngày 20-5-2024.
(24) Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2024: Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam - Từ kế hoạch đến hành động,
(25) Tiêu dùng xanh tại Việt Nam hiện nay: Thực trạng và phải pháp, https://scp.gov.vn, ngày 13-7-2023.
(26) Giải pháp phát triển mô hình kinh doanh tuần hoàn tại Việt Nam, https://vjst.vn/vn, ngày 18-10-2022.
(27) Nhận thức về kinh tế tuần hoàn vẫn chưa đầy đủ, https://theleader.vn, ngày 21-8-2022.
(28) Truyền thông hiệu quả thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, https://theleader.vn, ngày 24-7-2022.
(31) Cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, https://thanhnien.vn, ngày 8-4-2022.