(LLCT) - Đồng chí Trần Đăng Ninh tên khai sinh là Nguyễn Tuấn Đáng, sinh năm 1910, tại thôn Quảng Nguyên, xã Quảng Phú, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Thành phố Hà Nội). Với 45 tuổi đời, hơn 20 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, tinh thần kiên trung, bất khuất, tận tụy, hy sinh vì nước, vì dân, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
TS TRẦN THỊ HUYỀN
Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
1. Đồng chí Trần Đăng Ninh - Người cán bộ tiền bối có nhiều cống hiến to lớn với cách mạng Việt Nam
Sinh ra và lớn lên khi đất nước đang chìm đắm trong ách nô lệ, chứng kiến và thấu hiểu nỗi khổ cực của người dân mất nước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tuấn Đáng sớm hình thành ý chí đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Điều kiện gia đình khó khăn, năm 1933, Nguyễn Tuấn Đáng ra Hà Nội học nghề in, trở thành thợ in ở Nhà in Lê Văn Tân và đến năm 1935 đã giác ngộ lý tưởng cộng sản, tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1936, đồng chí tham gia Phong trào Đông Dương Đại hội, được cử vào Ban Chấp hành Nghiệp đoàn ái hữu thợ in Hà Nội. Tháng 7-1936, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sinh hoạt trong chi bộ ngành in. Từ đây, đồng chí lấy tên là Trần Đăng Ninh.
Trong phong trào dân chủ, đồng chí được phân công hoạt động bí mật, tham gia lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân Hà Nội. Với những hoạt động tích cực, hiệu quả, cuối năm 1939, đồng chí Trần Đăng Ninh được chỉ định tham gia Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân và các tầng lớp nhân dân ở Hà Nội. Đồng chí đã lãnh đạo nhiều cuộc bãi công của công nhân các xí nghiệp, bãi thị của tiểu thương, đấu tranh chống thuế cư trú ở Hà Nội. Với sự sáng tạo về tổ chức, phương pháp, hình thức hoạt động cách mạng, nhất là tổ chức tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng, đồng chí Trần Đăng Ninh có nhiều sáng kiến trong việc chỉ đạo phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống chính quyền thực dân phản động, chống chiến tranh, góp phần xây dựng, phát triển phong trào công nhân trở thành nòng cốt trong phong trào đấu tranh dân chủ ở Hà Nội.
Giữa năm 1940, thực dân Pháp phát hiện đồng chí Trần Đăng Ninh cùng một số cán bộ khác đã tổ chức các cuộc bãi công, bãi thị và đấu tranh ở Hà Nội nên chúng đã cho mật thám truy lùng ráo riết. Xứ ủy Bắc Kỳ đã cho đồng chí rút khỏi Thành ủy Hà Nội và cử tham gia Xứ ủy Bắc Kỳ. Đồng chí được giao nhiệm vụ đi tìm hiểu, xây dựng địa bàn, chuẩn bị cho việc rời cơ quan của Xứ ủy Bắc Kỳ về vùng phía Nam và Tây Nam của Hà Nội (các huyện Mỹ Đức, Hoài Đức, Thanh Trì).
Tháng 9-1940, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ, thực dân Pháp tiến hành khủng bố quyết liệt. Xứ ủy Bắc Kỳ đã cử đồng chí Trần Đăng Ninh lên lãnh đạo phong trào cách mạng ở Bắc Sơn. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, Đội du kích Bắc Sơn, tiếp đó là Căn cứ du kích Bắc Sơn được thành lập.
Tháng 11-1940, tại Hội nghị Trung ương họp tại Đình Bảng (Bắc Ninh), đồng chí đã báo cáo về khởi nghĩa Bắc Sơn và đề xuất chủ trương xây dựng căn cứ địa, duy trì đội du kích và tiếp tục chiến tranh du kích. Những ý kiến của đồng chí được Hội nghị nhất trí tán thành. Đội du kích Bắc Sơn sau đó đã phát triển thành Cứu quốc quân - một trong những tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam; căn cứ du kích Bắc Sơn cũng không ngừng được củng cố và phát triển thành căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai, một trung tâm cách mạng ở phía Bắc trong cao trào cách mạng giải phóng dân tộc.
Tại Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941), dù bị ốm không trực tiếp tham dự Hội nghị, nhưng với uy tín, công lao đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Trần Đăng Ninh được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng(1).
2. Đồng chí Trần Đăng Ninh - Người cán bộ tài năng của Trung ương Đảng
Trong cuộc vận động cách mạng tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, đồng chí Trần Đăng Ninh được phân công là thành viên Ủy ban Quân sự Bắc Kỳ (tháng 4-1945), tham gia Bộ Tư lệnh đầu tiên của Việt Nam Giải phóng quân (tháng 5-1945); thành viên Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc (tháng 8-1945). Đồng chí đã có những hoạt động tích cực trong chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, như cùng Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc (gồm các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Lê Thanh Nghị, Trần Đăng Ninh và Chu Văn Tấn) ra Quân lệnh số 1 (đêm ngày 13-8-1945), hạ lệnh Tổng khởi nghĩa; tham dự Đại hội quốc dân Tân Trào, đề ra những vấn đề chiến lược, sách lược cho cách mạng Việt Nam; tiếp đó, đồng chí về Thái Nguyên cùng đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy đội Việt Nam giải phóng quân đánh Nhật. Đồng chí đã chỉ đạo xuất sắc cuộc đấu tranh cả trên mặt trận chính trị, vũ trang cũng như hậu phương, hậu cần, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của trận đánh, từ đó góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ (tháng 12-1946), đồng chí Trần Đăng Ninh đã có những đóng góp quan trọng vào công tác chuẩn bị căn cứ địa kháng chiến, tổ chức di chuyển các cơ quan của Đảng và Chính phủ lên Việt Bắc; tham gia chỉ đạo thực hiện chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo và chính sách đối với nhân sỹ, trí thức… Đồng chí đã được Đảng tin tưởng giao đảm nhiệm các cương vị quan trọng, như: Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương (1948-1949); Phó Tổng Thanh tra của Chính phủ (1949); Ban Giám sát Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (năm 1949); Đặc phái viên của Chính phủ (năm 1950); Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp, nay là Tổng cục Hậu cần (1950 - 1955); Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II, từ năm 1951); Thành viên Ban Kinh tế Tài chính Trung ương (tháng 4-1951)… Ở cương vị nào, dù khó khăn gian khổ tới đâu, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Trên cương vị Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương, từ tháng 10-1948, đồng chí Trần Đăng Ninh đã cùng tập thể lãnh đạo và Ban Kiểm tra Trung ương thực hiện chức trách đi kiểm tra, thanh tra, giám sát các địa phương và lực lượng vũ trang, vừa xây dựng tổ chức, vừa bổ sung, hoàn chỉnh chức năng của Ban Kiểm tra Trung ương và kiện toàn tổ chức kiểm tra các khu ủy, liên khu ủy kháng chiến. Đồng chí Trần Đăng Ninh cùng các phái viên và các ban kiểm tra khu ủy, liên khu ủy đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng của Trung ương và các cấp ủy giao.
Từ ngày 18-12-1949, khi Ban Thanh tra Chính phủ được thành lập, đồng chí Trần Đăng Ninh được cử tham gia lãnh đạo Ban Thanh tra Chính phủ, đảm nhiệm cương vị Phó Tổng Thanh tra Chính phủ. Trên cương vị Trưởng ban kiểm tra Trung ương Đảng, đồng thời được cử giữ chức Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, đồng chí đã quan tâm xây dựng bộ máy tổ chức của hai cơ quan, chú trọng bồi dưỡng về mặt quan điểm, tư tưởng, phương pháp kiểm tra và thanh tra cho cán bộ. Với quan điểm, “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, là khâu quan trọng, có tính chất quyết định sự thành công của mọi công việc, đồng chí không những đề nghị Trung ương lựa chọn và điều động, bổ sung cán bộ cho Ban Kiểm tra Trung ương, mà còn thường xuyên nhắc nhở các phái viên kiểm tra thực hiện đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ.
Sự quan tâm sát sao, gần gũi và tinh thần tận tụy vì Đảng, vì dân của đồng chí đã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra vừa có đức vừa có tài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; chỉ đạo cơ quan làm tốt nhiệm vụ, giải quyết nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp để đẩy mạnh kháng chiến, củng cố hậu phương. Công tác kiểm tra giúp củng cố lòng tin của nhân dân, của chiến sỹ, của các nhân sỹ, trí thức, tôn giáo, của đồng bào các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, củng cố mối quan hệ công tác giữa Trung ương và địa phương(2).
Ngày 2-01-1950, đồng chí Trần Đăng Ninh cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật rời Tân Trào lên đường sang Bắc Kinh hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc đặt quan hệ và yêu cầu các nước bạn chi viện cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Ngày 15-01-1950, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công nhận Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tỏ ý sẵn sàng thiết lập quan hệ ngoại giao và trao đổi đại sứ. Ngày 18-01-1950, Chính phủ Trung Quốc công nhận Chính phủ ta. Tiếp theo, ngày 30-01-1950, Chính phủ Liên Xô, rồi chính phủ các nước dân chủ nhân dân Đông Âu lần lượt công nhận và lập quan hệ ngoại giao với nước ta. Chuyến đi thăm Trung Quốc, Liên Xô đầu năm 1950 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem lại kết quả cụ thể cho cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam. Đó là việc các nhà lãnh đạo hai nước đồng ý viện trợ quân sự và vật chất cho Việt Nam kháng chiến(3). Việc Trung Quốc và Liên Xô viện trợ, ủng hộ kịp thời đã tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh cuộc kháng chiến lên giai đoạn phát triển mới, mà trước hết là thắng lợi của Chiến dịch Biên giới 1950.
Từ năm 1950, đồng chí Trần Đăng Ninh được điều động sang công tác trong quân đội, giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp, đồng chí đã có những đóng góp lớn cho ngành Hậu cần quân đội, tạo nền tảng quan trọng cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trên cương vị Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ tháng 2-1951), đồng chí được Đảng tin tưởng giao tiếp tục phụ trách công tác hậu cần Quân đội, rồi là thành viên lãnh đạo Ban Kinh tế tài chính Trung ương. Đồng chí đã đóng góp nhiều ý kiến với Trung ương và Chính phủ về kết hợp xây dựng, củng cố nền kinh tế, tài chính ở hậu phương với việc huy động nhân lực, vật lực phục vụ kháng chiến… Đồng thời, đồng chí trực tiếp chỉ đạo xây dựng ngành Hậu cần quân đội thành hệ thống thống nhất trong toàn quân, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến kiến quốc.
Ngày 6-10-1955, do mắc bệnh hiểm nghèo, đồng chí mất khi mới 45 tuổi, để lại niềm tiếc thương cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
3. Đồng chí Trần Đăng Ninh - Tấm gương người cộng sản kiên trung, trọn đời phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
Đồng chí Trần Đăng Ninh là người chiến sĩ cộng sản thế hệ tiền bối đã phấn đấu trọn đời vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Sớm kế thừa truyền thống yêu nước của dân tộc và gia đình, được trưởng thành trong đời sống lao động cực khổ của giai cấp công nhân thuộc địa, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng và tìm đến với lý tưởng của Đảng, phấn đấu trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Hai lần bị thực dân Pháp bắt. Lần thứ nhất vào thời điểm tháng 11 - 1941, đồng chí Trần Đăng Ninh bị bắt tại Hà Nội và bị kết án 20 năm tù khổ sai, 20 năm tù biệt xứ và giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò. Đồng chí đã cùng một số đồng chí khác tổ chức một số cuộc vượt ngục ở Hỏa Lò nhưng không thành và bị phát vãng lên nhà ngục Sơn La. Tại đây, đồng chí đã cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng và một số đồng chí khác tìm cách thoát khỏi nhà ngục Sơn La. Vượt ngục thành công, sau một thời gian hoạt động, đồng chí Trần Đăng Ninh tiếp tục bị bắt lần thứ hai tại Hưng Yên (12/1943) và bị kết án 5 năm tù và đưa về giam tại nhà tù Hỏa Lò. Ngày 9-3-1945, trong lúc Nhật - Pháp bắn nhau, đồng chí Trần Đăng Ninh đã cùng với một số anh em tù nhân tiếp tục thực hiện cuộc vượt ngục khỏi nhà tù Hỏa Lò - Hà Nội.
Những ngày trong ngục tù thực dân, dù bị chúng dùng đủ mọi thủ đoạn từ dụ dỗ đến tra tấn rất dã man, song đồng chí Trần Đăng Ninh vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, nêu cao tinh thần kiên trung với Đảng, với dân tộc, ý chí bất khuất trước kẻ thù. Cùng với các chiến sĩ cộng sản ưu tú khác, đồng chí đã góp phần biến nơi lao tù đế quốc tàn bạo thành trường học cách mạng, vừa học tập lý luận chính trị, vừa tôi rèn ý chí cách mạng.
Ra tù, không quản khó khăn, hiểm nguy, đồng chí tiếp tục tìm bắt liên lạc với tổ chức đảng, kiên định với con đường đã chọn và đã nỗ lực hoạt động, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Trần Đăng Ninh được giao đảm trách nhiều công việc rất mới, đầy khó khăn, phức tạp, nhưng đồng chí luôn nêu tấm gương sáng về ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm sự điều động, phân công của tổ chức và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Ngay cả khi đã lâm bệnh nặng, đồng chí vẫn trăn trở, lo nghĩ về công việc chung cho tới hơi thở cuối cùng.
Đồng chí Trần Đăng Ninh là tấm lòng nhân hậu, đầy nhân ái, thấm nhuần tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh. Đồng chí đã thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thương yêu, kính trọng nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, thương yêu, quý trọng đồng chí, đồng đội. Trong công tác và cuộc sống, đồng chí là người cán bộ lãnh đạo luôn quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần, chú ý lắng nghe, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Là người cộng sản hết lòng vì nước, vì dân, đồng chí Trần Đăng Ninh luôn quán triệt tinh thần của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng quân ủy, luôn nêu cao tinh thần quốc tế vô sản. Lắng nghe, tôn trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng những ý kiến của bạn bè quốc tế và luôn căn cứ vào thực tiễn đất nước để giải quyết với tinh thần độc lập, tự chủ và trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân.
Do có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã được tặng thưởng nhiều huân chương cao quý: Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Sao Vàng.
_________________
Ngày nhận bài: 7-12-2024; Ngày bình duyệt: 17-12-2024; Ngày duyệt đăng: 18-12-2024
Email tác giả: tranhuyenvhcm@gmail.com
(1) Tiểu sử đồng chí Trần Đăng Ninh, lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Phông 06 (Đại hội 2) - Mục lục 01 - đơn vị bảo quản 44, trang 47-49; Tiểu sử đồng chí Trần Đăng Ninh, Báo Nhân dân, ngày 8-10-1955; Xem Xây dựng cơ quan lãnh đạo cấp trung ương, xứ ủy của Đảng thời kỳ 1930-1945, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014, tr. 183. Theo cuốn Trần Đăng Ninh - Con người và lịch sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.17, đồng chí Trần Đăng Ninh được cử vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời từ Hội nghị Trung ương 7 (tháng 11-1940), Tại Hội nghị Trung ương 8, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ (tháng 7-1941).
(2) Hà Xuân Mỹ: “Công tác kiểm tra của Trung ương Đảng từ năm 1947 đến Đại hội toàn quốc lần thứ II (1951)” - Tạp chí Kiểm tra số đặc biệt tháng 10-1996, tr. 11-12.
(3) Hồi ký Chiến đấu trong vòng vây của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: Trước mắt Liên Xô viện trợ cho Việt Nam một trung đoàn pháo cao xạ 37 ly, một số xe vận tải Môlôtôva và thuốc quân y. Trung Quốc sẽ trang bị vũ khí cho một số đại đoàn bộ binh và một đơn vị pháo binh, sẽ đảm nhận việc vận chuyển hàng viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam. Trung Quốc sẽ cử cố vấn quân sự sang giới thiệu những kinh nghiệm chiến đấu của Giải phóng quân và đồng ý cho Việt Nam đưa trường lục quân sang tỉnh Vân Nam để đào tạo và bổ túc cán bộ.