Tin tức

Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Hồng Sơn với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An”

24/06/2024 16:21

(LLCT) - Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh đồng chí Lê Hồng Sơn (29/6/1899 - 29/6/2024), ngày 24/6/2024, tại tỉnh Nghệ An, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học: “Đồng chí Lê Hồng Sơn với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An”.

MINH PHƯƠNG
THU HƯƠNG

bna.1cdn.vn-2024-06-24-_bna_img_3368.jpg
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn và khai mạc hội thảo_Ảnh: baonghean.vn

Đồng chí GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự và chủ trì Hội thảo. Cùng chủ trì có đồng chí TS Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; đồng chí GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương; Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành tỉnh Nghệ An; đại diện lãnh đạo huyện Nam Đàn, xã Xuân Hòa; đại diện thân nhân gia đình đồng chí Lê Hồng Sơn, cùng các đại biểu, nhà khoa học, các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và tỉnh Nghệ An.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, đồng chí Lê Hồng Sơn là người chiến sỹ cộng sản xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Nghệ An. Hội thảo là dịp để tôn vinh và tìm hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang và những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Hồng Sơn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Học tập tấm gương anh hùng cách mạng, nhiệt huyết yêu nước, sự hy sinh trọn đời cho Tổ quốc, cho nhân dân của đồng chí Lê Hồng Sơn, chúng ta càng có thêm ý chí phấn đấu và quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên CNXH như nguyện ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các bậc tiền bối anh hùng cách mạng và toàn thể dân tộc Việt Nam.

Đồng chí Lê Hồng Sơn (1899 - 1933) tên khai sinh Lê Văn Phơn, thường gọi là Lê Văn Phan (có nhiều bí danh, như: Lê Hưng Quốc, Võ Hồng Anh, Lê Tản Anh), sinh năm 1899 trong một gia đình nhà Nho tại làng Xuân Hồ, tổng Xuân Liễu, nay là xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Sinh ra và lớn lên trên vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có bề dày lịch sử, văn hóa, giàu tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm, thấm nhuần truyền thống vẻ vang của quê hương và noi gương các bậc anh hùng, hào kiệt đi trước, đồng chí Lê Hồng Sơn đã sớm tham gia phong trào đấu tranh yêu nước, quyết dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng đầy gian khổ, hy sinh, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Phát huy truyền thống quê hương Xô viết anh hùng, học tập tấm gương đồng chí Lê Hồng Sơn và các thế hệ tiền bối, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An luôn nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được nhiều thành tựu quan trọng qua các thời kỳ cách mạng. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, Nghệ An đã vươn lên trở thành một trong 10 tỉnh có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước.

Hội thảo khoa học kỷ niệm 125 năm ngày sinh đồng chí Lê Hồng Sơn là dịp để mọi người càng thấm thía và trân quý hơn về giá trị của hòa bình, độc lập, tự do, về những cống hiến, hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước, trong đó có đồng chí Lê Hồng Sơn. Từ đó, thôi thúc chúng ta trách nhiệm cống hiến nhiều hơn, trách nhiệm nêu gương, tự soi, tự sửa mình để trở thành những người cán bộ, đảng viên, công dân ưu tú hơn.

Quang cảnh Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Hồng Sơn với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An"_Ảnh: baonghean.vn

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 40 tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các cơ quan và các nhà khoa học ở trong và ngoài Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An. Từ nhiều góc độ khác nhau, các nhà khoa học đã tập trung phân tích, lý giải, góp phần làm sâu sắc thêm những hiểu biết về cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp quan trọng của đồng chí Lê Hồng Sơn với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An trên những nội dung chủ yếu sau:

Một là, ảnh hưởng của truyền thống quê hương, gia đình đến sự hình thành nhân cách và chí hướng cứu nước của đồng chí Lê Hồng Sơn

Truyền thống tốt đẹp của quê hương, gia đình chính là nguồn cội đã sinh ra, nuôi dưỡng và hun đúc nên tài năng, nhân cách người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất Lê Hồng Sơn. Các tham luận khẳng định, các truyền thống tiêu biểu của gia đình và quê hương Nghệ An như: yêu nước, đoàn kết, hiếu học, cần cù, ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên… là nền tảng ban đầu, góp phần sớm hình thành tình cảm yêu nước, thương dân, thúc đẩy đồng chí Lê Hồng Sơn tích cực tham gia các phong trào đấu tranh chống thực dân và sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản, đi theo con đường cách mạng vô sản.

Hai là, những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Hồng Sơn đối với cách mạng Việt Nam

Nhiều báo cáo, tham luận đã tập trung làm rõ những hoạt động và cống hiến to lớn của đồng chí Lê Hồng Sơn đối với cách mạng Việt Nam.

Trước cảnh nước mất, nhà tan, không cam chịu cảnh lầm than, nô lệ, Lê Hồng Sơn từ giã gia đình, quê hương ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Đồng chí đã cùng một số thanh niên yêu nước ở Quảng Châu, Trung Quốc thành lập tổ chức Tâm tâm xã. Từ tổ chức này, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn những thành phần ưu tú thành lập ra tổ chức Cộng sản đoàn.

Tháng 6-1925, khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên thành lập, Lê Hồng Sơn là một trong những thành viên đầu tiên của Hội và được cử vào Tổng bộ. Đồng chí tham gia viết bài, xuất bản tờ Thanh niên - cơ quan ngôn luận của Hội, tham gia mở các lớp huấn luyện cán bộ, dịch các tài liệu tiếng nước ngoài… trở thành thành viên tích cực và là cộng sự đắc lực của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Dưới sự ảnh hưởng Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, phong trào cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Đồng chí Lê Hồng Sơn đã kiên định, kiên trì quan điểm và tích cực thuyết phục những người cộng sản trong việc cần thiết phải thống nhất tổ chức. Trong khi chưa thực hiện được sự thống nhất, đồng chí Lê Hồng Sơn đã đóng góp quan trọng, là thành viên chủ chốt sáng lập và phát triển tổ chức An Nam Cộng sản Đảng - một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ ở phía Nam.

Nắm bắt được yêu cầu, xu thế phát triển của cách mạng, cần có một chính đảng cộng sản duy nhất lãnh đạo, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản; đồng chí Lê Hồng Sơn là một trong bảy đại biểu chính thức tham dự Hội nghị, đã đóng góp nhiều công sức, trí tuệ vào thành công của Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1932, trong khi đang làm nhiệm vụ, đồng chí Lê Hồng Sơn bị bắt, đưa về giam ở nhà lao Vinh và bị Tòa án Nam Triều tại Nghệ An kết án tử hình. Ngày 20-2-1933, đồng chí Lê Hồng Sơn bị thực dân Pháp xử bắn tại quê nhà xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn. Đây là mất mát, tổn thất vô cùng to lớn của Đảng ta.

Ba là, đồng chí Lê Hồng Sơn - tấm gương người cộng sản kiên trung, bất khuất

Với những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Hồng Sơn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, các tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã thống nhất khẳng định tấm gương đạo đức sáng ngời của người cộng sản kiên trung, bất khuất Lê Hồng Sơn.

Đồng chí Lê Hồng Sơn tham gia cách mạng và hi sinh khi tuổi đời còn trẻ nhưng tài năng lãnh đạo, trí tuệ và uy tín của đồng chí đã được ghi tạc vào lịch sử dân tộc. Với 34 năm tuổi đời, 13 năm hoạt động cách mạng tích cực, sôi nổi, 2 lần bị bắt gian và tra tấn dã man, đồng chí Lê Hồng Sơn là tấm gương mẫu mực của người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tận tụy, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của Tổ quốc, của Đảng và nhân dân lên trên hết, trước hết. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí sẽ mãi là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ tiếp bước noi theo.

Năm là, đồng chí Lê Hồng Sơn với Đảng bộ và nhân dân Nghệ An

Bước vào con đường hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Hồng Sơn mang theo hành trang là những truyền thống tốt đẹp của gia đình và quê hương Xứ Nghệ. Đồng chí trở thành một trong những người con ưu tú của quê hương, đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng trong thời kỳ dựng Đảng cũng như những năm tháng khó khăn nhất, khi Đảng vừa mới thành lập và lãnh đạo cách mạng. Đồng chí đã góp phần làm rạng danh và tô thắm thêm truyền thống văn hóa, cách mạng vẻ vang, hào hùng của quê hương Lam - Hồng.

Cuộc đời cách mạng cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Hồng Sơn và các bậc tiên liệt trên quê hương là niềm tự hào, là động lực tinh thần to lớn cổ vũ các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Nghệ An. Học tập, làm theo tấm gương của đồng chí Lê Hồng Sơn, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2025; tạo cơ sở để đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.

bna_img_3505.jpg
GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tổng kết và bế mạc hội thảo_ Ảnh: baonghean.vn

Phát biểu Kết luận Hội thảo, GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, thành công của Hội thảo không chỉ tiếp tục làm sâu sắc và sáng rõ hơn cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú; phẩm chất cách mạng kiên cường của đồng chí Lê Hồng Sơn - nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, mà còn là việc làm thiết thực, thể hiện niềm thành kính, tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí với cách mạng Việt Nam. Kết quả đạt được của Hội thảo là căn cứ quan trọng để xây dựng báo cáo kiến nghị trình Bộ Chính trị, đề xuất bổ sung đồng chí vào danh sách “Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam”, đồng thời là cơ sở khoa học để tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân ta hăng hái học tập, lao động sáng tạo, thiết thực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trước khi diễn ra hội thảo, các đồng chí lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An và Ban Tổ chức đã về dâng hoa, dâng hương tại Khu mộ và Nhà lưu niệm đồng chí Lê Hồng Sơn ở xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn. Ảnh: Đậu Thắng
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Nam Đàn, Ban Tổ chức hội thảo dâng hương tại khu mộ đồng chí Lê Hồng Sơn ở xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn_Ảnh: baonghean.vn
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Hồng Sơn với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An”
    POWERED BY