Đào tạo - Bồi dưỡng

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại thành phố Cần Thơ

09/10/2024 10:24

(LLCT) - Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là công việc cấp thiết và hệ trọng. Bài viết làm rõ thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp ở Đảng bộ thành phố Cần Thơ, từ đó đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới.

ThS PHẠM THỊ HẢI YẾN
Trường Chính trị thành phố Cần Thơ

Cán bộ, công chức phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ được đào tạo nâng cao trình độ, qua đó đã thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn _ Ảnh: baocantho.com.vn

1. Mở đầu

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(1). Cán bộ có vai trò vô cùng quan trọng, là nhân tố quyết định sự thành công hay thất bại của sự nghiệp cách mạng. Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta khẳng định cần phải “Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”(2). Nhiệm vụ này đặt ra yêu cầu về hoàn thiện năng lực đối với đội ngũ cán bộ các cấp; yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Để thực hiện được những yêu cầu này, cùng với công tác tuyển dụng, thu hút nhân lực, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có vai trò vô cùng quan trọng.

Những năm qua, Thành ủy Cần Thơ đã luôn quan tâm chỉ đạo triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp cơ sở, quận, huyện, thành phố đạt chuẩn. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đã cơ bản được chuẩn hóa theo chức danh, ngạch, bậc; trình độ, năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp của thành phố vẫn còn những hạn chế nhất định đòi hỏi phải có những giải pháp để khắc phục.

2. Thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại thành phố Cần Thơ

Thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, với diện tích tự nhiên 1.439,2km2, dân số là 1.235.171 người; đơn vị hành chính gồm 5 quận, 4 huyện; 83 xã, phường, thị trấn. Đảng bộ Thành phố Cần Thơ có 15 đảng bộ trực thuộc (gồm 9 đảng bộ quận, huyện; 6 đảng bộ khối, ngành), với 642 tổ chức cơ sở đảng, 55.369 đảng viên (chiếm 4,48% dân số). Đội ngũ cán bộ thành phố hiện có 26.101 người, trong đó có 16.173 cán bộ nữ (chiếm 61,96%); số cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan, đơn vị cấp thành phố là 10.729 người; số cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan, đơn vị cấp huyện: 13.696 người; số cán bộ, công chức cấp xã là: 1.676 người.

Thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp của thành phố luôn được quan tâm và có bước phát triển mới.

Chủ trương của Đảng bộ thành phố Cần Thơ về xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ đạt chuẩn

Những năm qua, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành nhiều văn bản về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý và chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở từng vị trí, lĩnh vực công tác. Trên cơ sở đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ và kết quả quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý theo từng giai đoạn, Thành ủy Cần Thơ đã xây dựng, ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ thành phố đến cơ sở theo hướng chuẩn hóa gắn với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của từng cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và kết hợp công tác bố trí, sử dụng, luân chuyển cán bộ.

Ngày 11-9-2017 Ban Tổ chức Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 22-KH/BTCTU về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 2017 - 2020, trong đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được thực hiện ở cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và theo 3 nhóm cán bộ: (1) những cán bộ thuộc chức danh lãnh đạo, quản lý đã được bổ nhiệm, bố trí nhưng chưa đạt chuẩn theo quy định; (2) những cán bộ được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý; (3) nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và năng lực công tác đạt chuẩn và trên chuẩn cho đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, nhất là đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020 - 2025), để thực hiện các mục tiêu, phương hướng, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển thành phố Cần Thơ giai đoạn 2020 - 2025, Đại hội đã xác định 3 đột phá, trong đó, vấn đề phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ được xác định là đột phá hàng đầu. Đại hội nhấn mạnh: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút nhân tài. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, chuyên gia đầu ngành, cán bộ chuyên môn có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập quốc tế”(3).

Trên cơ sở đánh giá toàn diện nguồn nhân lực của thành phố và thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngày 29-12-2021, Thành ủy Cần Thơ ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025. Ngày 1-4-2022, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Chương trình hành động số 07/CTr-UBND thực hiện Nghị quyết của Thành ủy. Hằng năm, Ủy ban nhân dân thành phố đã xây dựng và ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức..

Nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 7-8-2023 Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ ban hành Kế hoạch số 217-KH/TU về đào tạo, bồi dưỡng nguồn quy hoạch cấp ủy và chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2023 - 2025 và Kế hoạch số 218-KH/TU về bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2023 - 2025. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Thành ủy căn cứ vào quy hoạch cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị và yêu cầu của cấp ủy các cấp.

Công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ được các cấp ủy đảng quan tâm nhằm nắm bắt kịp thời tình hình đội ngũ cán bộ trước, trong và sau đào tạo, bồi dưỡng. Hầu hết cán bộ khi được đề bạt, bổ nhiệm và giới thiệu ứng cử vào các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp đều đạt chuẩn về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và các tiêu chuẩn khác theo quy định.

Kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Theo báo cáo số 363-BC/TU ngày 23-5-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 18-5-2012 về đào tạo cán bộ cơ sở, quận, huyện và thành phố đạt chuẩn, tính đến năm 2021 thành phố đã cử 148.295 lượt cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, các lớp bồi dưỡng dự nguồn cấp ủy (cấp huyện, cấp thành phố), bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới và các lớp bồi dưỡng khác. Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29-12-2021, đến hết năm 2023, Thành ủy đã cử 43.694 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng do Trung ương và thành phố tổ chức.

Về đào tạo lý luận chính trị: thành phố đã tăng cường đào tạo lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ dự nguồn; việc tuyển chọn, cử cán bộ đi đào tạo lý luận chính trị được thực hiện chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy trình, quy định của Trung ương và của thành phố. Từ khi thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 18-5-2012 đến năm 2023 đã có 1.621 người được cử đi học cao cấp lý luận chính trị. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã cử 6.559 người học lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính và 1.233 người học sơ cấp chính trị(4).

Về đào tạo chuyên môn: các cấp ủy, chính quyền và ban, ngành thành phố quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ để từng bước chuẩn hóa, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ các cấp, trong đó chú trọng đào tạo chuyên môn cho cán bộ cấp xã; quan tâm thực hiện công tác đào tạo sau đại học ở một số ngành, lĩnh vực phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Từ năm 2012 đến 2023, thành phố đã cử 8.777 lượt cán bộ đi đào tạo chuyên môn ở trong nước và nước ngoài; trong đó, đào tạo sau đại học 2.828 người (đạt 10,83% trên tổng số CBCCVC), trong đó: đào tạo tiến sĩ và tương đương ở trong nước 392 người, ở nước ngoài 45 người; đào tạo thạc sĩ và tương đương ở trong nước 2.363 người, ở nước ngoài 28 người(5).

Về bồi dưỡng chuyên môn đáp ứng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh, vị trí việc làm và cập nhật kiến thức mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị quan tâm, đổi mới theo hướng đa dạng hóa các loại hình bồi dưỡng. Thành phố đã có 85.629 lượt người tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; 7.930 lượt người tham gia bồi dưỡng tiêu chuẩn ngạch (chuyên viên cao cấp và tương đương: 88 người; chuyên viên chính và tương đương: 1.718 người; chuyên viên và tương đương: 6.124 người); bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh: 16.498 người; các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ khác: 5.157 người. Thành phố cũng đã chú trọng cử/ tạo điều kiện để cán bộ đi bồi dưỡng ở nước ngoài. Có 183 người được cử đi bồi dưỡng ở nước ngoài theo các chương trình, đề án; tổ chức 4 lớp bồi dưỡng cho 90 cán bộ và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố nhiệm kỳ 2016 - 2021 tại Đại học Victoria Wellington, New Zealand; cử 30 cán bộ tham gia khóa bồi dưỡng ngắn hạn tại Đại học California, Hoa Kỳ(6).

Năm 2023, thành phố đã cử 7.387 lượt cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, công tác đảng, đoàn thể, bồi dưỡng nguồn quy hoạch cấp ủy(7).

Thực hiện Quy định số 164-QĐ/TW ngày 1-2-2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, Ban Thường vụ Thành ủy đã phối hợp với Học viện Chính trị khu vực II, tổ chức 8 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 982 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý (3 lớp đối tượng 3, 5 lớp đối tượng 4). Để chuẩn bị nguồn nhân sự chất lượng cho Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV và Đại hội Đảng bộ các quận, huyện, đảng bộ trực thuộc Thành ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 và nhân sự Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Ban Thường vụ Thành ủy đã chủ động phối hợp với Học viện Chính trị khu vực II và Học viện Hành chính Quốc gia mở 11 lớp bồi dưỡng cho 631 lượt cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý và cử 2 người học lớp dự nguồn cấp chiến lược do Trung ương tổ chức(8).

Đặc biệt, để chuẩn bị nguồn nhân sự cho Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV và đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, “Ban Thường vụ Thành ủy chủ động phối hợp với Học viện Chính trị khu vực IV và các đơn vị liên quan mở 6 lớp bồi dưỡng cho 465 cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố. Đa số cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện chức danh theo quy hoạch, tạo bước chuyển biến, đột phá trong công tác cán bộ và từng bước củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của thành phố đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”(9).

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ qua công tác luân chuyển: cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, các cấp, các ngành thành phố luôn quan tâm thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ nhằm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ qua thực tiễn, tạo điều kiện để cán bộ được rèn luyện, nhất là cán bộ trẻ, có triển vọng phát triển, giúp cán bộ trưởng thành toàn diện, đáp ứng yêu cầu bố trí, sử dụng trước mắt và lâu dài.

Từ khi Thành ủy ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU đến nay, các cấp, các ngành đã thực hiện luân chuyển hơn 60 lượt cán bộ. Sau luân chuyển, hầu hết cán bộ đều trưởng thành và phát triển, được sắp xếp, bố trí vào các vị trí lãnh đạo, quản lý theo đúng năng lực, sở trường, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Hiện nay, hầu hết cán bộ của Thành phố đã được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn theo chức danh, ngạch, bậc, vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng; chất lượng đội ngũ cán bộ có sự chuyển biến tích cực. Toàn thành phố có 25.930 trong tổng số 26.101 cán bộ đạt chuẩn theo chức danh, vị trí việc làm, chuyên môn đang đảm nhiệm (chiếm 99,35%), cụ thể:

Đội ngũ cán bộ cấp thành phố: trình độ chuyên môn đại học trở lên 9.419 người (chiếm 87,8%), trong đó, sau đại học 3.356 người (chiếm 37,25%); về trình độ lý luận chính trị: trung cấp trở lên 3.468 người (chiếm 32,32%); về bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch: đã qua bồi dưỡng ngạch chuyên viên và tương đương trở lên 7.350 người (chiếm 68,5%).

Đội ngũ cán bộ quận, huyện: trình độ chuyên môn đại học trở lên 9.691 người (chiếm 70,76%), trong đó, sau đại học 435 người (chiếm 3,18%); về trình độ lý luận chính trị: trung cấp trở lên 3.044 người (chiếm 22,22%); về bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch: đã qua bồi dưỡng ngạch chuyên viên và tương đương trở lên 10.309 người (chiếm 75,27%).

Đội ngũ cán bộ cấp xã: trình độ chuyên môn đại học trở lên 1.508 người (chiếm 89,98%); về trình độ lý luận chính trị: trung cấp trở lên 1.443 người (chiếm 86,09%); về bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch: đã qua bồi dưỡng ngạch chuyên viên trở lên 1.236 người (chiếm 73,74%)(10).

Hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của thành phố Cần Thơ còn một số hạn chế nhất định, như:

Một là, việc cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Thành ủy thành các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa gắn kết chặt chẽ với quy hoạch, nhu cầu sử dụng cán bộ và vị trí việc làm; một số nơi chưa chú trọng việc tạo nguồn cán bộ lâu dài, cán bộ nữ, cán bộ trẻ.

Hai là, trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ các cấp của thành phố Cần Thơ trong những năm qua được nâng lên, nhưng chưa đồng đều giữa các ngành, các lĩnh vực; vẫn còn tình trạng thiếu cán bộ lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu khoa học, chuyên gia giỏi trên một số lĩnh vực; khả năng sử dụng ngoại ngữ và kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ thành phố còn nhiều hạn chế.

Ba là, một bộ phận cán bộ, có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm và dành sự quan tâm đúng mức việc tự học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ, có trường hợp được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn nhưng năng lực công tác, hiệu quả công việc chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; phẩm chất, năng lực và uy tín chưa ngang tầm nhiệm vụ.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là: một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nhận thức chưa thật sự đầy đủ, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện nghị quyết của Thành ủy và các chương trình, kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp; chưa quan tâm đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng dài hạn có mặt còn hạn chế, chủ yếu xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm phục vụ việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; việc chưa thường xuyên đánh giá thực trạng trình độ và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đã ảnh hưởng đến công tác kiện toàn, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có mặt chưa chặt chẽ; chương trình đào tạo, bồi dưỡng có nội dung chưa phù hợp với yêu cầu, nhất là việc cập nhật kiến thức, xử lý tình huống phát sinh; đào tạo một số ngành, lĩnh vực chưa gắn với yêu cầu sử dụng; bố trí, cán bộ sau đào tạo có nơi chưa phù hợp; ý thức, trách nhiệm và chấp hành kỷ luật, kỷ cương của một số cán bộ được cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chưa cao.

3. Một số giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời gian tới

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy và trách nhiệm của hệ thống chính trị thành phố đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, của cán bộ, đảng viên về mục tiêu, yêu cầu và tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong tình hình mới. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần kịp thời cụ thể hóa chủ trương của Đảngvề công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai có hiệu quả.

Lãnh đạo công tác rà soát, bổ sung, hoàn thiện khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ phù hợp với các ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị; xây dựng kế hoạch đào tạo hằng năm và cả nhiệm kỳ, gắn với các khâu của công tác cán bộ, nhất là việc bố trí, sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng hợp lý, hiệu quả.

Hai là, tăng cường công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng làm việc quốc tế cho cán bộ. Tổ chức thực hiện tốt quy định của Đảng về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Từ việc xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, cập nhật kiến thức hằng năm, các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ, nhằm chủ động chuẩn bị nguồn nhân sự cấp ủy, lãnh đạo chủ chốt ở các cấp, các ngành. Tăng cường trang bị, bổ sung kiến thức, kỹ năng mới phù hợp từng nhóm cán bộ và gắn với các tiêu chuẩn chức danh, khung năng lực, vị trí việc làm của cán bộ.

Ba là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chú trọng phối hợp kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, chuyên đề, đột xuất; thường xuyên kiểm tra việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án đó để có những quyết sách phù hợp, tổ chức thực hiện hiện quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá những kết quả đạt được và chỉ ra những hạn chế, từ đó đề ra giải pháp khắc phục. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân đạt thành tích tốt và chấn chỉnh, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

Bốn là, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tiếp tục cụ thể hóa kịp thời các chủ trương của Đảng thành các chương trình, kế hoạch, đề án về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Năm là, Sở Nội vụ cần tăng cường công tác tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố trong xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu lồng ghép nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng vào kế hoạch công tác hằng năm của Ủy ban nhân dân thành phố để bảo đảm thực hiện hiệu quả.

Tăng cường công tác kiểm tra và báo cáo kịp thời tình hình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của thành phố về Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định; đồng thời tham mưu giải quyết các vướng mắc liên quan theo thẩm quyền.

Sáu là, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là cán bộ nữ, người dân tộc thiểu số; cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp được nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn cán bộ theo quy định.

Bảy là, cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học cần nhận thức được tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng; nhận thức được mối quan hệ chặt chẽ của đào tạo, bồi dưỡng với chất lượng, hiệu quả công tác. Từ đó, yêu cầu mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải luôn nêu cao ý thức tự giác không ngừng học tập nâng cao trình độ, năng lực nhằm bắt kịp xu hướng vận động, phát triển của xã hội. Đặc biệt, đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, để đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để cơ quan, tổ chức ngày càng vững mạnh, hoạt động hiệu quả hơn thì trước hết cán bộ phải được đào tạo, bồi dưỡng một cách bài bản. Đội ngũ cán bộ đạt chuẩn về trình độ, chuẩn chuyên môn sẽ là điều kiện quan trọng để cho ra đời những ý tưởng mới, cách làm hay, mô hình hoạt động hiệu quả.

4. Kết luận

Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ luôn là công việc vô cùng quan trọng của Đảng, do đó phải được tiến hành một cách khoa học, thận trọng, thường xuyên, chặt chẽ và hiệu quả. Những năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Cần Thơ đã triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đạt chuẩn; tinh thần trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được nâng lên; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của thành phố Cần Thơ vẫn còn những hạn chế, bất cập đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ thành phố đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, từ đó, phát huy sức mạnh tổng hợp, quyết tâm xây dựng thành phố Cần Thơ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long.

_________________

Ngày nhận bài: 20-8-2024; Ngày bình duyệt: 24-8-2024; Ngày duyệt đăng: 8-10-2024.

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.309.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.256.

(3) Đảng bộ Thành phố Cần Thơ: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Cần Thơ, 2020, tr.142.

(4), (5), (6), (8), (10) Báo cáo số 363-BC/TU ngày 23-5-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 18-5-2012 và Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 27-12-2016, tr.3-4, 4, 4, 5, 6.

(7) Báo cáo số 482-BC/TU ngày 12-1-2024 của Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2023 và nhiệm vụ năm 2024, tr.6.

(9) Báo cáo số 510-BC/TU ngày 26-3-2024 của Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ tổng kết công tác xây dựng Đảng 5 năm (2021 - 2025), tr.10.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại thành phố Cần Thơ
    POWERED BY