Thực tiễn

Hà Nam giải quyết việc làm lao động nông thôn

24/12/2024 10:15

(LLCT) - Giải quyết việc làm là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã xác định giải quyết việc làm cho người lao động là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; các cấp, ngành trong tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp nhằm tạo ra nhiều việc làm mới. Bài viết làm rõ thực trạng giải quyết việc làm lao động nông thôn tỉnh Hà Nam thời gian qua và đề xuất một số giải pháp để làm tốt hơn trong thời gian tới.

THS PHÙNG KIM ANH
Trường Đại học FPT - Cao đẳng FPT Polytechnic

TS NGUYỄN DUY HẠNH

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Lop-day-nghe-co-khi-tai-truong-5361-8130
Lớp dạy nghề cơ khí tại trường Cao đẳng nghề Hà Nam cho lao động nông thôn hướng tới xuất khẩu lao động_Ảnh: vnbusiness.vn

1. Mở đầu

Hà Nam là một tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng có diện tích 862 km2, dân số 878.052 người (năm 2022), trong đó dân số sinh sống ở nông thôn chiếm khoảng 72%. Trong những năm qua, kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng: Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,1%/năm; cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch theo hướng hợp lý, công nghiệp và xây dựng chiếm 67,3%; khu vực dịch vụ chiếm 24,7%; khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 8%; năm 2023, công nghiệp chiếm 51,41 % tỷ trọng GDP, dịch vụ 30,1%, nông lâm thủy sản 18,49 %. Một nhân tố quan trọng để đạt được những thành tựu đó là có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp trong việc giải quyết việc làm cho lao động địa phương thời gian qua.

2. Thực trạng giải quyết việc làm của lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Nam

Các hoạt động giải quyết việc làm cho lao động nông thôn tỉnh Hà Nam

Tỉnh Hà Nam đang trong thời kỳ “dân số vàng”, năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 489.508 người, trong đó lao động đang làm việc ở các lĩnh vực công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ là khoảng 476.341 người.

Trong những năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương tỉnh Hà Nam đã tích cực thực hiện giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Cụ thể:

Thứ nhất, hoạt động tư vấn và giới thiệu việc làm

Để thực hiện chương trình giải quyết việc làm, từ năm 2020 đến nay, tỉnh Hà Nam đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác giải quyết việc làm. Nội dung văn bản chủ yếu tập trung vào công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai tư vấn, giới thiệu việc làm.

Để tăng cường công tác giới thiệu việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động; phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tham gia tư vấn, tuyển dụng lao động sang các thị trường có thu nhập cao như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…; triển khai tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước về việc làm, phổ biến các văn bản pháp luật mới về việc làm cho cán bộ làm công tác lao động - thương binh và xã hội cấp huyện, cấp xã.

Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh đã chủ động trong công tác thông tin tuyên truyền về thị trường lao động, đăng tải trên các trang mạng của Trung tâm, đồng thời phối hợp với các cơ quan báo chí, như Báo Hà Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh để người lao động nói chung, đặc biệt là người lao động nông thôn có thể tiếp cận được thông tin về việc làm.

Ngoài tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm, Trung tâm còn chú trọng phối hợp với các địa phương tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, phiên giao dịch việc làm chuyên đề tại các huyện, thị xã, thành phố để giới thiệu việc làm, giúp người lao động tìm được việc làm phù hợp ngay tại địa phương. Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp tổ chức các buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động trong tỉnh, ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động tại các cơ sở dạy nghề, trường học, trung tâm giáo dục từ xa - giáo dục nghề nghiệp, cơ sở cai nghiện… và thông qua việc tiếp nhận hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tiếp cận nguồn lao động, đặc biệt là lao động nông thôn để tư vấn giới thiệu việc làm.

Từ những kết quả triển khai và thực hiện chương trình, giải pháp về việc làm, từ năm 2020 - 2023, Trung tâm dịch vụ việc làm đã giới thiệu việc làm cho hơn 105.829 lượt lao động, trong đó giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn đạt khoảng 68% trên tổng số lao động được giới thiệu việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lao động nông thôn. Chỉ tính riêng năm 2023 đã có 441 lao động được giới thiệu việc làm đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc; giới thiệu việc làm cho hơn 43.000 lượt lao động, tư vấn định hướng nghề nghiệp việc làm cho 5.397 lượt lao động; tổ chức 40 phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm và các địa phương, trung bình mỗi phiên có khoảng 300 vị trí việc làm, 15 đến 20 doanh nghiệp tham gia phỏng vấn trực tiếp, thu hút hàng trăm lượt lao động đến tìm hiểu thông tin thị trường lao động.

Trong 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 21.086 người, đạt 84% kế hoạch năm; đưa 1.047 người đi làm việc ở nước ngoài; giải quyết việc làm thêm 20.367 người. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 26 phiên giao dịch việc làm với tổng số 957 lượt doanh nghiệp đăng ký tham gia tuyển dụng trực tiếp và gián tiếp; tư vấn về việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động cho 31.398 lượt người; giới thiệu việc làm cho 14.798 người.

Thứ hai, tăng cường kết nối người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Trên cơ sở các chương trình hợp tác lao động song phương của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với các quốc gia và đối tác, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường tư vấn cho người lao động và cung ứng lao động, kết nối cung - cầu cho người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài.

Bằng nhiều hình thức tổ chức hoạt động giao dịch việc làm đa dạng, phong phú và thiết thực, Trung tâm đã thành lập các tổ công tác hoặc lồng ghép vào chức năng, nhiệm vụ của phòng tư vấn, giới thiệu việc làm của Trung tâm. Đối với địa phương có số lượng lớn người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài, Trung tâm đã tham mưu Lãnh đạo Sở chỉ đạo tổ chức các hoạt động tư vấn (tư vấn qua phiên giao dịch việc làm, hội chợ việc làm, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên…) hằng tháng, quý, năm theo kế hoạch.

Năm 2019, Trung tâm đã tư vấn 22.835 lượt người (trong đó tư vấn học nghề và xuất khẩu lao động là 855 lượt người). Năm 2020, tư vấn 35.945 lượt người, trong đó, tư vấn học nghề và xuất khẩu lao động là 1.844 lượt người. Năm 2021, tư vấn 30.210 lượt người, trong đó, tư vấn học nghề và xuất khẩu lao động là 940 lượt người. Năm 2022, tư vấn 37.023 lượt người, trong đó, tư vấn học nghề và xuất khẩu lao động là 3.779 lượt người. Năm 2023, tư vấn 42.880 lượt người, trong đó, tư vấn học nghề và xuất khẩu lao động là 14.593 lượt người.

Thực hiện Nghị quyết số 59/NĐ-CP ngày 27-4-2022 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện thí điểm người lao động Việt Nam đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước trong thời hạn 05 năm kể từ ngày 01-01-2022 và Công văn số 2188/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 24-6-2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện, đến nay, tỉnh Hà Nam đã ký thỏa thuận với quận Bonghwa-gun, Gyeongsangbuk (Hàn Quốc) để đưa lao động đi làm việc thời vụ. Kết quả, năm 2022 là 37 lượt người; năm 2023 là 441 lượt người.

Số người lao động của tỉnh Hà Nam sang Hàn Quốc làm việc được quận Bonghwa-gun đánh giá tốt, đáp ứng yêu cầu của chủ sử dụng lao động, tuân thủ luật pháp hai nước. Mức thu nhập trung bình của người lao động là 90 triệu đồng/tháng, mức cao nhất lên đến 250 triệu đồng/tháng.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và người lao động.

Trên địa bàn tỉnh Hà Nam hiện có 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 06 Trường cao đẳng công lập (03 trường trực thuộc tỉnh, 03 trường trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Đài Tiếng nói Việt Nam, 01 trường tư thục). 05 Trường trung cấp (02 trường công lập trực thuộc tỉnh, 03 trường tư thục). 05 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trực thuộc các huyện, thị xã: Lý nhân, Duy Tiên, Kim Bảng, Bình Lục, Thanh Liêm. 03 cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp khác.

Công tác giáo dục nghề nghiệp tỉnh Hà Nam nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và toàn xã hội, hệ thống văn bản pháp lý và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện luật giáo dục nghề nghiệp ngày càng cụ thể, thiết thực, mang lại nhiều kết quả.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ban hành quy chế hoạt động từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã.

Hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Đề án được ban hành kịp thời, đầy đủ. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành danh mục nghề đào tạo ngắn hạn cho lao động nông thôn (14 nghề nông nghiệp, 28 nghề phi nông nghiệp). Đồng thời, ban hành quy định mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ chi phí đào tạo đối với từng nghề cụ thể.

Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền nội dung chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân về đào tạo nghề được nâng lên, thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của các tổ chức, cộng đồng và người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Nhiệm vụ và nguồn kinh phí triển khai Đề án được phân cấp, phân bổ trực tiếp về các huyện, thành phố, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động đẩy mạnh phát triển ngành nghề phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh và dịch vụ góp phần tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững.

Việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí chi cho đào tạo nghề được thực hiệu công khai, minh bạch, đúng quy định, nhất là các khoản hỗ trợ trực tiếp cho học viên tham gia học nghề.

Từ nguồn vốn được hỗ trợ, các cơ sở đào tạo nghề đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề đúng mục đích, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tự chủ trong việc xây dựng, ban hành, áp dụng chương trình, giáo trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các cơ sở giáo dục đào tạo chú trọng việc cập nhật các kiến thức mới để bổ sung phát triển chương trình, giáo trình pho phù hợp với tình hình thực tế. Công tác quản lý, tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn được hoàn thiện, tăng cường.

Công tác kiểm tra, giám sát về đào tạo nghề cho lao động nông thôn được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm thực hiện định kỳ, thường xuyên.

Thứ tư, hỗ trợ cho người lao động vay vốn và thúc đẩy các hình thức tạo việc làm để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động

Công tác điều tra, cập nhật thông tin thị trường lao động được thực hiện thường xuyên nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động làm cơ sở để hoạch định chính sách việc làm và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

Công tác cho vay giải quyết việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm và Đề án cho vay hỗ trợ tạo việc làm và duy trì, mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ đắc lực trong việc tạo và tự tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Nguồn vốn quốc gia giải quyết việc làm đã cho vay vốn nhiều mô hình tạo việc làm có hiệu quả như: các hợp tác xã sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, mô hình kinh tế trang trại, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống... Quỹ đóng vai trò tích cực trong việc lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo điều kiện cho các nhóm đối tượng yếu thế như lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp có cơ hội vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho bản thân và cộng đồng.

Việc phát triển các ngành nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đã góp phần giải quyết việc làm cho số lượng khá lớn lao động nông thôn, tận dụng thời gian nhàn rỗi của sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động. Phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã có bước phát triển mạnh mẽ. Trên địa bàn tỉnh hiện có 08 khu công nghiệp; 01 khu công nghệ chất lượng cao và các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu hút hơn 170 nghìn lao động vào làm việc.

Kết quả chung từ năm 2015 đến 2023

Từ năm 2015 đến 2023 đã giải quyết việc làm cho 203.000 người, trong đó người lao động đi làm việc ở nước ngoài là 8.671 người, giải quyết việc làm thêm cho 212.874 người. Bình quân mỗi năm, tỉnh giải quyết việc làm mới cho khoảng hơn 22.500 lao động, vượt chỉ tiêu đề ra, cụ thể:

Năm
Số người được giải quyết việc làm mới
Xuất khẩu lao động
Số người được giải quyết việc làm thêm
2015
16.715
1.029
19.215
2016
18.339
1.015
20.797
2017
18.923
1.124
21.728
2018
23.801
1.132
23.647
2019
23.204
1.261
25.226
2020
23.338
436
25.674
2021
23.601
395
24.498
2022
26.587
978
26.849
2023
28.494
1.301
25.240
Tổng cộng
203.002
8.671
212.874

(Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Hà Nam năm 2023)

Lao động trong các ngành nghề giai đoạn 2015-2023:

Năm
Nông nghiệp
Công nghiệp
Dịch vụ
Tổng cộng
Cơ cấu
lao động (%)

Người
Cơ cấu lao động (%)
Người
Cơ cấu lao động (%)
Người
Cơ cấu
lao động (%)
Người
2015
40,8
185.378
34,7
157.663
24,5
111.318
100
454.359
2016
38,8
177.992
36,4
166.982
24,8
113.768
100
458.743
2017
35,5
163.025
39,3
180.475
25,2
115.724
100
459.224
2018
29,50
137.756
40,5
189.122
30
140.091
100
466.969
2019
26,30
123.876
44
207.245
29,7
139.891
100
471.012
2020
21,50
101.346
47,2
222.490
31,3
147.541
100
471.378
2021
19,2
91.141
50,8
241.144
30
142.408
100
474.692
2022
18,6
88.214
51,35
244.193
30,1
143.139
100
475.546
2023
18,49
88.075
51,41
244.887
30,1
143.379
100
476.341

(Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Hà Nam năm 2023)

3. Giải pháp giải quyết việc làm cho lao động nông thôn tỉnh Hà Nam trong giai đoạn hiện nay

Theo dự báo đến năm 2025, dân số tỉnh Hà Nam khoảng 901.916 người. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 492.985 người (chiếm 54,66%). Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân là 484.951 người (chiếm 53,77%). Dự báo nhu cầu giải quyết việc làm đến năm 2025 là 25.000 người/năm(1).

Để làm tốt công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn tỉnh Hà Nam trong thời gian tới, cần thực hiện một số nội dung sau:

Một là, các sở, ngành, địa phương cần chú trọng công tác tham mưu, dự báo về lao động việc làm, căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; cung cấp thông tin về cầu lao động: Hằng năm, tổ chức thu thập, cập nhật, tổng hợp, thông tin về người lao động trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; theo dõi cập nhật thường xuyên thông tin cung - cầu lao động. Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh và các văn phòng đại diện. Theo dõi tình hình lao động, việc làm tại các địa phương: tình hình biến động lao động trong các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Hai là, cần tập trung huy động các nguồn lực cho công tác giải quyết việc làm và đào tạo nghề trong đó các nguồn kinh phí từ chương trình, thực hiện đa dạng hóa các mô hình đào tạo, dạy nghề theo địa chỉ, dạy nghề tạo việc làm tại chỗ, dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Quan tâm đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo lao động tay nghề cao để vào làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; đào tạo cho đội ngũ lao động phổ thông, trang bị cho họ trình độ nghề nghiệp nhất định để họ có thể tìm được việc làm phù hợp với khả năng và trình độ của mình. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài thành lập trường cao đẳng; liên kết đào tạo giữa các trường cao đẳng, trường trung cấp trong tỉnh với các cơ sở đào tạo nghề của các nước phát triển để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động có tay nghề; phát triển và nhân rộng mô hình đào tạo nghề trọng điểm quốc tế; tổ chức hội thảo khoa học, tham quan mô hình đào tạo tiên tiến, chia sẻ trao đổi kinh nghiệm trong đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ba là, đối với các doanh nghiệp, địa phương cần định hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thu hút lao động là người địa phương vào làm việc, đặc biệt đối với lao động thuộc hộ dân bị thu hồi đất để phát triển khu công nghiệp và đô thị. Hướng dẫn việc thực hiện chế độ tiền lương, tiền công cho các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu và giải pháp tạo việc làm mới. Chính sách tạo việc làm trong các doanh nghiệp, chương trình giải quyết chính sách việc làm đối với các đối tượng đặc thù, lao động làm việc tại nhà, lao động dịch chuyển. Phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn nắm bắt cung, cầu lao động, kế hoạch tuyển lao động cho các doanh nghiệp. Khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, học nghề và việc làm của sinh viên, học sinh và người lao động để tổ chức các hội nghị tư vấn tuyển dụng lao động, tiếp nhận đăng ký tìm việc làm của người lao động để giới thiệu cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng.

Bốn là, các địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển ngành nghề, xây dựng các làng nghề để thu hút lao động và tạo việc làm thêm cho lao động, đặc biệt đối với lao động nông nhàn; định hướng cho người lao động tự chọn nghề và việc làm để tự tạo ra việc làm cho phù hợp với đặc điểm kinh tế tự nhiên của từng vùng.

Các tổ chức tài chính, tín dụng, ngân hàng cần có các giải pháp cho vay vốn giải quyết việc làm, đặc biệt là nông dân trong quá trình tạo việc làm và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn; đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch sinh thái và các mô hình sản xuất chất lượng cao, làng nghề truyền thống.

Năm là, tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh hoạt động của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, phát huy vai trò của sàn giao dịch việc làm trung tâm và các sàn giao dịch việc làm vệ tinh được mở tại trung tâm các huyện, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để khảo sát, nắm bắt kịp thời nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp nhằm tư vấn pháp luật lao động và giới thiệu việc làm, tạo cầu nối trực tiếp và cung cấp cho người lao động và người sử dụng lao động những thông tin về thị trường lao động trong và ngoài nước thông qua hệ thống sàn giao dịch việc làm.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dự báo thị trường lao động, quản lý nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở dữ liệu lao động, việc làm; thúc đẩy tạo việc làm bền vững, chú trọng tạo việc làm mới, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời, thực hiện tốt việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp và các chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam, về an toàn vệ sinh lao động, đặc biệt các lĩnh vực có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, các ngành nghề nặng nhọc độc hại, nguy hiểm...

Tăng cường sự phối hợp của Nhà nước, doanh nghiệp, các đoàn thể và toàn xã hội và bản thân người lao động để giải quyết tốt việc làm cho lao động nông thôn. Cần xây dựng những mô hình cụ thể, có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp để nhân rộng trong toàn tỉnh.

4. Kết luận

Giải quyết việc làm cho người lao động là một chương trình xã hội có tính chất liên ngành, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong việc lồng ghép các chương trình hướng vào mục tiêu giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động ở nông thôn. Trong thời gian qua, ác cấp, các ngành, các địa phương tỉnh Hà Nam đã làm tốt việc phối hợp thực hiện các chương trình như: Chương trình xóa đói giảm nghèo; chương trình cứu trợ xã hội; chương trình phòng chống tệ nạn xã hội; chương trình đào tạo nghề; chương trình phát triển làng nghề,… góp phần giải quyết việc làm, nhất là đối với lao động khu vực nông thôn góp phần ổn định xã hội, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.

_________________

Ngày nhận bài: 15-12-2024; Ngày bình duyệt: 20-12-2024; Ngày duyệt đăng: 22-12-2024.

Email tác giả: tsnguyenduyhanh@gmail.com

(1) Cục Thống kê tỉnh Hà Nam năm 2023.

Tài liệu tham khảo

1. Cục Thống kê tỉnh Hà Nam: Niên giám thống kê năm 2021, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2022.

2. Cục Thống kê tỉnh Hà Nam: Niên giám thống kê năm 2022, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2023.

3. Cục Thống kê tỉnh Hà Nam: Niên giám thống kê năm 2023, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2024.

4. Đảng bộ tỉnh Hà Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX, Hà Nam, 2020.

5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam: Báo cáo Tổng kết năm 2021, 2022, 2023.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nam giải quyết việc làm lao động nông thôn
    POWERED BY