Thực tiễn

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh gắn nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn với cung cấp luận cứ khoa học, tham mưu hoạch định đường lối, chính sách góp phần đưa đất nước vào kỷ nguyên mới

13/02/2025 10:06

(LLCT) - Nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn là một chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Học viện). Qua đó, phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và cung cấp luận cứ khoa học, tư vấn hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Qua kết quả đạt được, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên mới của dân tộc.

ThS PHẠM THỊ VĨNH HÀ
Tạp chí Lý luận chính trị,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

hv2.jpg
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh _ Ảnh: TA

1. Mở đầu

Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận là những khâu rất quan trọng trong chu trình chính sách. Để có đường lối, chính sách đúng đắn, đáp ứng yêu cầu của từng giai đoạn và sự phát triển của đời sống xã hội thì phải luôn tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận. Tổng kết thực tiễn đòi hỏi đánh giá chính xác, khách quan việc thực hiện các chính sách trong thực tế; làm rõ những mặt tích cực, những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân, những bài học kinh nghiệm, bổ sung, phát triển đường lối, chính sách phù hợp yêu cầu phát triển.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam hành động. Đồng thời, rất coi trọng công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, phát triển lý luận phù hợp đặc điểm, tình hình Việt Nam. Qua đó, đã đề ra các chủ trương, đường lối, các quyết sách đúng đắn, phù hợp yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng, giành thắng lợi to lớn.

Theo quan điểm triết học Mác - Lênin, “thực tiễn là toàn bộ những hoạt động vật chất - cảm tính, có tính lịch sử - xã hội của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội”(1). Thực tiễn có ba hình thức cơ bản là: hoạt động sản xuất vật chất; hoạt động chính trị - xã hội; hoạt động thực nghiệm khoa học. Trong đó, hoạt động sản xuất vật chất nhằm bảo đảm sự tồn tại của con người và xã hội loài người; hoạt động chính trị - xã hội nhằm biến đổi, cải tạo xã hội, phát triển các thiết chế xã hội, quan hệ xã hội để con người cũng như xã hội loài người phát triển bình thường; hoạt động thực nghiệm khoa học là hình thức đặc biệt của hoạt động thực tiễn, là hoạt động có vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội.

Theo quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I. Lênin và Hồ Chí Minh thì “lý luận khoa học là hệ thống những tri thức được khái quát từ kinh nghiệm thực tiễn, phản ánh những mối liên hệ bản chất, tất nhiên, mang tính quy luật của các sự vật, hiện tượng được biểu đạt bằng hệ thống nguyên lý, quy luật, phạm trù”(2). Cơ sở của lý luận là những tri thức kinh nghiệm thực tiễn. Đây là vấn đề có tính cốt lõi, là cơ sở để đúc kết, nghiên cứu, phân tích, đánh giá, tìm ra các mối liên hệ cơ bản và quy luật phát triển của sự vật, hiện tượng. Quá trình nghiên cứu tìm ra mối liên hệ cơ bản có tính bản chất, tính quy luật của sự vật, hiện tượng để khái quát thành lý luận khoa học chính là sự phản ánh bản chất sự vật, hiện tượng.

Khái niệm “chính sách” xuất hiện trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chính sách thường được hiểu là những quyết định do cơ quan lãnh đạo, quản lý đưa ra để giải quyết một hay một nhóm vấn đề nhằm đạt được một hay nhiều mục tiêu nhất định. Quá trình xây dựng chính sách cần có sự kết hợp giữa lý luận khoa học và kinh nghiệm thực tiễn. Để chính sách phát huy hiệu quả trong thực tế đời sống xã hội thì quá trình xây dựng chính sách phải được thực hiện khách quan, cụ thể; không chỉ là việc riêng của cơ quan lãnh đạo, quản lý mà phải huy động sự đóng góp của các nhà khoa học, của cộng đồng, trong đó sự tham gia, đóng góp của các nhà khoa học có vai trò quan trọng.

Giữa “thực tiễn”, “lý luận” và “chính sách” có mối quan hệ biện chứng, thống nhất, tác động lẫn nhau. Hoạt động sản xuất vật chất, chính trị - xã hội, thực nghiệm khoa học là cơ sở, động lực đặt ra cho lý luận những mục tiêu, yêu cầu phát triển lý luận. Đồng thời, những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn và những tư duy lý luận tiến bộ mới cũng đặt ra các mục tiêu, yêu cầu phát triển mới, đòi hỏi phải có các chính sách mới để thúc đẩy sự phát triển, những chính sách mới đó lại được hoạch định dựa trên cơ sở khoa học tiến bộ mới, phù hợp với yêu cầu mới của thực tiễn đời sống xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”(3). Chính vì vậy, trong nghiên cứu, phát triển lý luận cũng như trong quá trình hoạch định chính sách, việc tổng kết thực tiễn vô cùng quan trọng và không thể thiếu. Tổng kết thực tiễn là quá trình hoạt động trí tuệ, tư duy khoa học, biện chứng nhằm phân tích, đánh giá ưu điểm, hạn chế của lý luận; đúng, sai của chính sách; làm rõ nguyên nhân ưu điểm, hạn chế để bổ sung, hoàn thiện, phát triển lý luận. Trên cơ sở đó, định hướng, hoạch định chính sách mới phù hợp; giải quyết hiệu quả các yêu cầu phát triển mới do thực tiễn đặt ra; để tháo gỡ “nút thắt”, vướng mắc, để mở đường, thúc đẩy sự phát triển xã hội. Đây chính là yêu cầu của việc nâng cao chất lượng hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

2. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận và cung cấp luận cứ khoa học, tư vấn của Học viện cho Đảng và Nhà nước trong hoạch định chủ trương, chính sách

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh “Có chức năng là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận về đường lối đổi mới, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý, khoa học hành chính, quản lý nhà nước, quản trị công phục vụ giảng dạy, học tập, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định, hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tư vấn về công tác lý luận, phê bình văn hóa, văn học, nghệ thuật; tư vấn, định hướng, quản lý, chủ trì phối hợp các hoạt động khoa học của các cơ quan đảng Trung ương”.

Trong công tác nghiên cứu khoa học, Học viện có nhiệm vụ: a) Nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo quản lý, một số ngành khoa học xã hội và nhân văn; tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. b) Nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và lịch sử phong trào cách mạng thế giới; kiểm tra, tổng kết công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. c) Nghiên cứu, xây dựng, bổ sung chương trình, nội dung và tổ chức biên soạn, chỉnh lý giáo trình, tài liệu học tập trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất đổi mới nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trong hệ thống trường đảng và các trường đại học, cao đẳng trong cả nước.

Trong công tác tham gia hoạch định chủ trương, chính sách, Học viện có nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, cung cấp luận cứ khoa học và tư vấn cho Trung ương Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định, hoàn thiện, phát triển đường lối, chủ trương, chính sách xây dựng và phát triển đất nước, xây dựng Đảng và Nhà nước, đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị; cung cấp luận cứ khoa học về cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy nhà nước phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”(4).

Nghiên cứu khoa học là một trong nhóm nhiệm vụ chính, cơ bản của Học viện. Nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận về đường lối đổi mới có vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và tham gia hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước. Đối tượng được đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện gồm đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, được quy hoạch cấp chiến lược, tham mưu cấp chiến lược, lãnh đạo quản lý cấp tỉnh và chủ chốt cấp huyện... là những chủ thể hoạch định hoặc tham gia hoạch định chính sách của trung ương và địa phương. Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nói trên không chỉ cung cấp kiến thức về lý luận chính trị mà còn cung cấp phương pháp luận, luận cứ khoa học để họ có thêm thông tin, kiến thức, năng lực trong nghiên cứu xây dựng, tham mưu, ban hành đường lối, chủ trương, chính sách phát triển của đất nước, của địa phương. Do đó, có thể nói, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện cũng là công việc gián tiếp định hướng hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách.

Với tinh thần đó, trong những năm qua, nhất là từ năm 2016 đến nay, Đảng ủy, Ban Giám đốc và Giám đốc Học viện đã dành nhiều thời gian, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, phát triển lý luận, đã đưa các hoạt động này ngày càng chất lượng, hiệu quả hơn, nhất là những công trình khoa học lớn có dấu ấn và giá trị khoa học thực tiễn, được Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá: “Công tác nghiên cứu khoa học có những chuyển biến rõ rệt theo hướng thiết thực, gắn chặt với các yêu cầu thực tiễn của công cuộc đổi mới...; có hàng chục Báo cáo gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Tiểu ban Tổng kết 40 năm đổi mới, hàng trăm báo cáo góp ý, tư vấn, phản biện cho các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương, cung cấp nhiều luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành ở trung ương và địa phương”(5). Qua đó, đã góp phần quan trọng trong việc vận dụng sáng tạo, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới. Đồng thời, đưa ra những luận cứ sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đập tan những luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận được tiến hành một cách nghiêm túc, khoa học của Học viện đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo trình giảng dạy, phục vụ đắc lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đồng thời, góp phần quan trọng, thiết thực cung cấp luận cứ khoa học, tư vấn cho Trung ương Đảng và Nhà nước mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc hoạch định, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển đất nước, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Khẳng định vai trò của Học viện là cơ quan hàng đầu của Trung ương Đảng về nghiên cứu lý luận chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý và trong tư vấn, tham mưu về lý luận đường lối đổi mới.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII (2016 - 2020) và từ năm 2021 đến nay, thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận đã được tiến hành đồng bộ, có chiều sâu; bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, Cương lĩnh chính trị, định hướng chỉ đạo của Trung ương Đảng mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như chương trình, kế hoạch của Chính phủ. Trong 5 năm 2015 - 2020, Học viện đã “tổ chức thành công 26 hội thảo quốc tế; 24 hội thảo quốc gia; 77 hội thảo cấp bộ; 338 hội thảo cấp cơ sở và nhiều cuộc tọa đàm khoa học cấp viện, khoa, thu hút nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế tham gia, tạo sự lan tỏa tích cực trong xã hội...; triển khai 218 đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia hoặc do Trung ương giao; 148 đề tài khoa học cấp bộ trọng điểm; 348 đề tài cấp bộ; 04 dự án điều tra, khảo sát; 70 đề tài cơ sở không phân cấp; 932 đề tài cơ sở phân cấp”(6).

Từ tháng 5-2022 và năm 2023, Học viện đã triển khai trên 1.000 đề tài, nhiệm vụ khoa học; bao gồm hơn 700 đề án, đề tài, nhiệm vụ khoa học; chủ trì tổ chức hơn 350 hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học các cấp cùng nhiều nhiệm vụ nghiên cứu, khảo sát thực tế, thông tin khoa học và khoảng trên 2.000 công trình khoa học được xã hội hóa. Trong đó, Học viện triển khai 62 đề tài khoa học cấp bộ, gồm 31 đề tài cấp bộ chuyển tiếp năm 2021-2022 và 31 đề tài triển khai mới năm 2022, kết thúc và nghiệm thu trong năm 2023. Kết quả nghiên cứu được cung cấp theo các địa chỉ ứng dụng và trực tiếp áp dụng vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Triển khai nghiên cứu 277 đề tài cơ sở phân cấp và không phân cấp, trong đó 140 đề tài thuộc nguồn kinh phí hoạt động khoa học của Học viện, 137 đề tài cơ sở từ nguồn kinh phí tự chủ của các Học viện trực thuộc(7).

Năm 2024, Học viện triển khai 37 đề tài nhánh thuộc Chương trình khoa học công nghệ đặc biệt cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 mã số KX.02/21-25 Nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới (giai đoạn 1986 đến nay, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045). Triển khai khoảng 90 đề án, chương trình, đề tài cấp bộ và tương đương; 10 nhiệm vụ khoa học, đề tài Giám đốc giao; 15 đề tài, nhiệm vụ khoa học liên kết; 07 dự án điều tra cơ bản và 04 nhiệm vụ khoa học. Thực hiện 225 đề tài cấp cơ sở. Tổ chức 55 hội thảo khoa học, trong đó có 03 hội thảo quốc tế, 15 hội thảo cấp quốc gia, 37 hội thảo, tọa đàm cấp bộ, liên bộ. Các đơn vị của Học viện phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức 15 hội thảo quốc gia và 20 hội thảo liên bộ. Tổ chức 65 hội thảo khoa học cấp cơ sở. Tổ chức khoảng 60 buổi thông tin khoa học, hoàn thành chuỗi 06 nghiên cứu phục vụ tổng kết 40 năm đổi mới.

Đã tổ chức biên soạn và xuất bản cuốn Sổ tay bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng; 02 cuốn sách tập hợp các bài viết đạt giải Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ 3, năm 2023. Triển khai nghiên cứu, nghiệm thu 02 đề án tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong chương trình cao cấp lý luận chính trị; 01 đề án mô hình kinh nghiệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tổ chức 03 hội thảo khoa học cấp bộ chuyên sâu về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng(8).

Qua hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, Học viện đã có nhiều báo cáo chuyên đề, đề xuất nhiều kiến nghị có giá trị khoa học, thực tiễn cao cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, góp phần thiết thực vào việc xây dựng, ban hành các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị; quyết định, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; luật, nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghị định, chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch, chương trình hành động của Chính phủ.

Từ năm 2017 - 2018, Học viện đã xây dựng 24 báo cáo kiến nghị trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; năm 2019 và đầu năm 2020 đã xây dựng hơn 40 báo cáo kiến nghị gửi các Tiểu ban xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng... Nổi bật là các chương trình: Nghiên cứu luận cứ khoa học để bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị ở Việt Nam; Những giải pháp đột phá nhằm thực hiện hiệu quả 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng; Chương trình nghiên cứu khoa học quốc gia KX.02/16-20: “Nghiên cứu tổng kết, đề xuất bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin - Cấu phần quan trọng của nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh mới”; Chương trình cấp bộ trọng điểm giai đoạn 2019-2020: Nghiên cứu đề xuất định hướng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật; Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam; Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân”(9)...

Từ đầu năm 2022 và 2023, Học viện xây dựng được 19 báo cáo gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ; bên cạnh đó, tổ chức nghiên cứu, góp ý cho 54 dự thảo văn bản của Đảng và Nhà nước, các ban, bộ, ngành, địa phương; xây dựng được 01 báo cáo chuyên đề theo đặt hàng của các cơ quan trung ương và triển khai nhiều đề tài liên kết với các địa phương.

Các nghiên cứu đã cung cấp luận cứ khoa học, giải đáp các vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách về xây dựng Đảng cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam; bổ sung, hoàn thiện các chính sách phát triển đất nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, dân tộc, tôn giáo; phân tích, đánh giá và lý giải những vấn đề nảy sinh trong quá trình đưa chủ trương, chính sách vào cuộc sống, từ đó đề xuất các kiến nghị về mặt chính sách đối với Đảng, Nhà nước, các ban, bộ ngành ở trung ương và địa phương.

Một số báo cáo kiến nghị đã nhận được sự phản hồi tích cực từ các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và được chỉ đạo gửi cho các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tiếp nhận và ứng dụng sản phẩm(10).

Năm 2024, hoạt động kiến nghị, tư vấn chính sách đã được Học viện chú trọng hơn về mặt chất lượng... Nghiên cứu, xây dựng 51 văn bản tư vấn, góp ý cho các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, phục vụ việc hoạch định đường lối, chính sách(11); có 27 báo cáo kiến nghị gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ... và các Tiểu ban xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng(12).

3. Một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, cung cấp luận cứ khoa học và tư vấn cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách

Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Khi hoạch định đường lối, chủ trương, giải pháp phải bám sát và xuất phát từ thực tiễn, đánh giá tác động, cân đối, bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện có hiệu quả”(13), đồng thời nêu rõ: “Nâng tầm tư duy lý luận của Đảng, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp kịp thời cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tổng kết thực tiễn 40 năm đổi mới để bổ sung, phát triển lý luận của Đảng... Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu các vấn đề lý luận khó, phức tạp phát sinh từ thực tiễn hoặc tồn tại trong thời gian dài”(14). “Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Gắn tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với định hướng chính sách... Chú trọng cập nhật kết quả tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; sớm kết luận những vấn đề lý luận đã chín, đã rõ để phát triển, hoàn thiện đường lối, chủ trương xây dựng và bảo vệ tổ quốc”(15).

Đặc biệt, để đưa đất nước vào kỷ nguyên mới, nhiệm vụ này đặc biệt có ý nghĩa trong việc cung cấp luận cứ khoa học để Đảng ban hành chủ trương, nghị quyết “Đúng, trúng yêu cầu, nhiệm vụ, con đường, cách thức phát triển của đất nước, của dân tộc...; phải có tầm nhìn, tính khoa học, tính thực tiễn, thiết thực và tính khả thi; tạo sự phấn khởi, tin tưởng, kỳ vọng và động lực thôi thúc hành động của cán bộ, đảng viên, các thành phần kinh tế và nhân dân thực hiện nghị quyết của Đảng”(16), “đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với Học viện trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học, lý luận, góp phần tham mưu, hoạch định đường lối, chính sách xây dựng, phát triển đất nước, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới”(17).

Trên tinh thần đó, Học viện “Đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, phát triển lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vừa phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, vừa cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”(18). Đó là yêu cầu, nhiệm vụ cơ bản, quan trọng của Học viện trong tình hình mới. Để nâng cao chất lượng của hoạt động này, trong thời gian tới, các đơn vị trong Học viện phải bám sát các quan điểm chỉ đạo quan trọng của Trung ương Đảng, của Tổng Bí thư Tô Lâm và của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, cụ thể là:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác nghiên cứu khoa học, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn.

Mục tiêu, yêu cầu cao nhất của nghiên cứu khoa học mà Học viện phải đạt được là “Giải đáp kịp thời những vấn đề thực tiễn mới, phức tạp; dự báo các xu thế phát triển, những tình huống chiến lược phải xử lý, chỉ ra những điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Cung cấp kịp thời cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời đại mới, tạo đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần thực hiện thành công cuộc cách mạng phát triển phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới”(19).

Để góp phần phát triển, hoàn thiện lý luận dẫn đường thực hiện chiến lược trong kỷ nguyên mới, “lý luận là sản phẩm nghiên cứu khoa học của Học viện phải tạo ra sự tiến bộ của lịch sử, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đẩy nhanh tiến trình đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước, tạo cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân Việt Nam và nhân dân trên toàn thế giới...”(20) .

Để đạt được mục tiêu đó, cần đổi mới “phương pháp nghiên cứu khoa học, lý luận, cần đi sâu vào thực tiễn cuộc sống, vào các hoạt động của Đảng, của hệ thống chính trị, trên cơ sở thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là quan điểm lịch sử, biện chứng để tiếp nhận thông tin, phân tích, khái quát thành lý luận; nhạy bén nắm bắt những vấn đề mới, diễn biến mới của thế giới, tiếp thu phù hợp thành tựu trí tuệ của nhân loại để phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”(21).

Một nhiệm vụ quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học, là phục vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng mà cụ thể là bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng; bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân. Tổng kết thực tiễn đánh giá khách quan, đúng đắn, hiệu quả của chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đời sống xã hội, qua đó đập tan những luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch đối với đường lối, chủ trương và vai trò lãnh đạo của Đảng. Qua tổng kết thực tiễn, thực hiện đường lối, chính sách, luận giải những vấn đề mới, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để tạo sự đồng thuận về nhận thức, từ đó đề xuất bổ sung, điều chỉnh hoặc ban hành chính sách mới bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển mới.

Thứ hai, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận phải bám sát Cương lĩnh chính trị, các nghị quyết Đại hội Đảng, các hội nghị Trung ương, chính sách của Nhà nước; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, các nghị quyết của Trung ương, phục vụ hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đáp ứng yêu cầu “đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, bảo đảm Đảng là người cầm lái vĩ đại, đưa dân tộc ta tiến lên mạnh mẽ”(22) trong kỷ nguyên mới.

Thứ ba, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận là chức năng, nhiệm vụ của Học viện, là nhiệm vụ của các đơn vị, từng cán bộ, giảng viên. Quá trình hoạt động phải thường xuyên quan tâm phát hiện vấn đề mới để tổng kết. Thực hiện tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận phải luôn gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và hướng tới mục tiêu cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách. Để đạt được mục tiêu đó, quá trình thực hiện cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, thu hút được sự tham gia góp ý, thảo luận của nhiều người, nhất là đội ngũ nhà khoa học, các giảng viên. Yếu tố nền tảng là, Học viện cần quan tâm “phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý có phẩm chất đạo đức trong sáng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có bản lĩnh khoa học; đổi mới cơ chế xây dựng và trọng dụng đội ngũ chuyên gia, cán bộ đầu đàn, có học vấn uyên bác và gắn bó với hoạt động thực tiễn”(23).

4. Kết luận

Nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận là chức năng, nhiệm vụ qua và là hoạt động thường xuyên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, vừa phục vụ đắc lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, vừa cung cấp luận cứ khoa học, tư vấn cho Đảng và Nhà nước trong hoạch định, hoàn thiện, phát triển đường lối, chính sách. Để nâng chất lượng nghiên cứu, có những công trình khoa học lớn, đóng góp vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đang “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đổi mới toàn diện hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận để có những công trình khoa học lớn, có dấu ấn và giá trị khoa học, góp phần vận dụng sáng tạo và bổ sung, bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới cũng như phục vụ tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đẩy mạnh xây dựng các báo cáo kiến nghị cho Đảng, Nhà nước, khẳng định vai trò là cơ quan nghiên cứu, tham mưu, tư vấn hàng đầu cho Đảng về công tác lý luận, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị”(24). Đó là quan điểm, định hướng, mục tiêu mà Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hướng tới để thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ chính trị của mình trong kỷ nguyên mới, “Kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ, phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu”(25). Đồng thời, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, “đẩy lùi nguy cơ, thách thức để đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh”(26).

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 563 (1-2025)

Ngày nhận bài: 25-12-2024; Ngày bình duyệt: 10-01-2025; Ngày duyệt đăng: 15-01-2025.

Email tác giả: vinhha.nxd@gmail.com

(1), (2) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Triết học Mác - Lênin dùng cho đào tạo hệ cao cấp lý luận chính trị, Nxb Lý luận chính trị, 2021, tr.117, 122.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.95.

(4) Xem: Quyết định số 214-QĐ/TW ngày 28-12-2024 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

(5), (17), (19), (20), (21), (23) PV: Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, https://vtv.vn, ngày 17-9-2024.

(6), (9), (18), (24) Nguyễn Xuân Thắng: Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định vai trò hạt nhân lãnh đạo thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị được giao, https://lyluanchinhtri.vn, ngày 04-9-2020.

(7), (10) https://hcma.vn.

(8), (11) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổng kết hoạt động khoa học năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

(12) Phát biểu của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại Hội nghị Công bố và triển khai quyết định của Bộ Chính trị khóa XIII về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ngày 31-12-2024.

(13), (14) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.232, 234-235.

(15) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Sđd, tr.181-182.

(16), (25), (26) Một số nội dung cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Media story - Tạp chí Cộng sản.

(22) Tô Lâm: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới, https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 16-9-2024.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh gắn nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn với cung cấp luận cứ khoa học, tham mưu hoạch định đường lối, chính sách góp phần đưa đất nước vào kỷ nguyên mới
    POWERED BY