Một thế kỷ quan hệ đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc

23/11/2021 15:32

(LLCT) - Suốt chiều dài 100 năm thành lập và phát triển, Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn coi trọng quan hệ với chính đảng các nước trên thế giới. Những kết quả đạt được trong quá trình triển khai giao lưu và đối thoại với các chính đảng nước ngoài đã thực sự trở thành bộ phận cấu thành không thể thiếu trong hoạt động ngoại giao của Trung Quốc, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ với các nước, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. 

Một thế kỷ quan hệ đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Hội nghị thượng đỉnh giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới năm 2021. Ảnh: xinhua.net

Ngay từ khi thành lập (tháng 7-1921), Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác định tầm nhìn thế giới, kiên trì coi quan hệ với các chính đảng nước ngoài là bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp của Đảng. Ở những thời kỳ lịch sử khác nhau, công tác đối ngoại của Đảng (ngoại giao chính đảng) có vai trò, sứ mệnh lịch sử khác nhau.

Trong thời kỳ tiến hành cách mạng dân chủ, Đảng Cộng sản Trung Quốc kiên định đứng trong Quốc tế cộng sản, thực hiện giao lưu đối ngoại và hợp tác chặt chẽ với các đảng cộng sản, công nhân quốc tế, đồng thời có quan hệ mật thiết với các lực lượng tiến bộ quốc tế, với các nhân sĩ tiến bộ của các nước, từ đó giành được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của các lực lượng tiến bộ trên thế giới cả về tinh thần và vật chất. Sự ủng hộ đó đã đóng vai trò rất tích cực trong quá trình phát triển của Đảng Cộng sản Trung Quốc, góp phần đưa cách mạng Trung Quốc đến thành công.

Sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập (năm 1949), các nước tư bản phương Tây luôn thực hiện chính sách thù địch, bao vây đối với Trung Quốc. Trước tình hình đó, để bảo vệ độc lập và chủ quyền quốc gia, Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương thiết lập quan hệ hữu nghị rộng rãi với đảng cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa, đảng cộng sản và công nhân ở các nước tư bản cũng như các lực lượng tiến bộ trên thế giới, nhằm mở ra cục diện mới của quan hệ đối ngoại, phát huy vai trò quan trọng trong việc triển khai thuận lợi công tác ngoại giao của Nhà nước Trung Quốc. Kết quả là ảnh hưởng quốc tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói riêng, Nhà nước Trung Quốc nói chung nhanh chóng được mở rộng. Tuy nhiên, trong thập niên 60 -70 thế kỷ XX, chịu tác động bởi những mâu thuẫn, bất đồng trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và ảnh hưởng của cuộc Đại cách mạng Văn hóa, công tác đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng bị thu hẹp phạm vi.

Hội nghị Trung ương 3 khóa XI (năm 1978) của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã mở ra thời kỳ mới của đất nước - thời kỳ cải cách mở cửa và xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở dự báo khoa học tình hình quốc tế mới và đặc trưng thời đại, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tổng kết kinh nghiệm, xác định 4 nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đối ngoại của Đảng là: “độc lập tự chủ, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”.

Bốn nguyên tắc này mang tính chất của quan hệ đảng - đảng kiểu mới, phù hợp với những thay đổi của tình hình quốc tế và các đảng phái chính trị của các quốc gia khác nhau, cùng với 5 nguyên tắc chung sống hòa bình và các nguyên tắc trong quan hệ quốc tế đã được thừa nhận khác, do đó đã được thừa nhận rộng rãi trên thế giới và ngày càng được nhiều chính đảng và các tổ chức chính trị nước ngoài chấp nhận(1). 4 nguyên tắc này đã trở thành cơ sở để Đảng Cộng sản Trung Quốc xác lập hệ thống tư tưởng về quan hệ đối ngoại của Đảng trong thời kỳ mới.

Nội dung hạt nhân của tư tưởng này là: Thứ nhất, giữa đảng và đảng phải xây dựng “quan hệ hữu nghị, mới và lành mạnh”; Thứ hai, các đảng căn cứ vào tình hình đất nước mình để độc lập, tự chủ quyết định công việc của nước mình, chứ không phải căn cứ vào lợi ích của nước khác và ý chí của đảng khác để quyết định; Thứ ba, các đảng không nên căn cứ vào kinh nghiệm bản thân để phê phán hay áp đặt chính đảng nước khác; Thứ tư, giữa đảng và đảng, dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, cầm quyền hay không cầm quyền, đều phải hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; Thứ năm, hình thái ý thức khác biệt không nên trở thành trở ngại trong quan hệ giữa các đảng, mà nên “cầu đồng tồn dị” để mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế giữa các chính đảng; Thứ sáu, giao lưu và hợp tác quốc tế của đảng nên lấy việc thúc đẩy quan hệ giữa các nhà nước làm mục tiêu; Thứ bảy, đối với những vấn đề lịch sử trong quan hệ giữa các đảng, không nên sa lầy vào những tranh chấp đã xảy ra trong quá khứ, mà cần thực sự cầu thị, hướng tới tương lai.

Thực hiện 4 nguyên tắc cơ bản và tư tưởng quan hệ quốc tế mới của Đảng, công tác đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhanh chóng bước vào thời kỳ điều chỉnh, khôi phục và mở rộng. Từ cuối thập niên 70, với công cuộc cải cách mở cửa ngày càng sâu rộng và vị thế quốc tế của Trung Quốc được nâng cao, công tác đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã được triển khai sâu hơn, rộng hơn, toàn diện hơn, thông qua nhiều kênh hơn, để phục vụ đường lối ngoại giao chung của quốc gia, công cuộc xây dựng Đảng và xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện đại đặc sắc Trung Quốc.

Với chủ trương vượt lên trên những khác biệt về ý thức hệ, tìm kiếm điểm chung, hiểu biết và hợp tác lẫn nhau, công tác ngoại giao chính đảng đã phá bỏ ranh giới trước đây là chỉ quan hệ với các đảng cộng sản, công nhân và các đảng cánh tả nước ngoài, mà tiến tới thiết lập quan hệ với cả các đảng chính trị có hệ tư tưởng khác trên thế giới.

Năm 1982, Đại hội XII Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khẳng định lại 4 nguyên tắc cơ bản để phát triển quan hệ với các đảng cộng sản ở các nước khác, sau đó, 4 nguyên tắc này được đưa vào Hiến pháp mới.

Đến năm 1987, Đại hội XIII đã mở rộng các mối quan hệ của Đảng tới đối tượng là tất cả các chính đảng nước ngoài. Theo đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã dần khôi phục quan hệ với đảng cộng sản ở một số nước bị gián đoạn từ lâu, thiết lập quan hệ giao lưu, hợp tác đa dạng với các chính đảng dân tộc, dân chủ cầm quyền ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh. Đầu thập niên 80, với tinh thần vượt qua sự khác biệt về hình thái ý thức, mưu cầu hiểu biết và hợp tác, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thiết lập quan hệ với các đảng xã hội, đảng xã hội dân chủ và các tổ chức quốc tế khác ở châu Âu. Đến giữa thập niên 80, nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, ổn định quan hệ với các nước phát triển, Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu tiếp xúc và trao đổi với các chính đảng cánh hữu ở các nước Tây Âu.

Cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 thế kỷ XX, mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu xảy ra khủng hoảng và tan vỡ, làn sóng đa đảng diễn ra ở nhiều nước, nhiều khu vực. Đảng Cộng sản Trung Quốc kiên trì thực hiện 4 nguyên tắc cơ bản trong quan hệ đối ngoại của Đảng, tiếp tục duy trì và triển khai giao lưu, hợp tác với các đảng cũ, mới ở các nước một cách tích cực và có bước phát triển mạnh mẽ. Đại hội XV Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 1997), trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm công tác đối ngoại của Đảng trong thời kỳ mới, đã đề ra phương châm chỉ đạo công tác đối ngoại xuyên thế kỷ của Đảng, tuyên bố “muốn phát triển quan hệ giao lưu và hợp tác bằng hình thức mới với tất cả các chính đảng muốn quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc, thúc đẩy sự phát triển quan hệ ngoại giao giữa các nhà nước”.

Sau Đại hội XV, công tác ngoại giao chính đảng từng bước mở ra chương mới, phát triển toàn diện và không ngừng nâng cao. Thông qua hoạt động đối ngoại, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nêu rõ quan điểm về các vấn đề: Hòa bình và phát triển, quyết tâm cải cách mở cửa, thể hiện mong muốn phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước, các chính đảng trên thế giới. Đồng thời, Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận thức rõ hơn và nắm bắt chính xác các xu thế biến đổi của thế giới, từng bước đi sâu nghiên cứu sự thành bại, thịnh suy cũng như những bài học về quản trị đất nước của các chính đảng, rút ra những kinh nghiệm trong xây dựng Đảng. Công tác ngoại giao chính đảng trong thời kỳ mới đã thực sự trở thành bộ phận cấu thành không thể thiếu trong chỉnh thể hoạt động ngoại giao của Trung Quốc, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ với các nước, tạo nên hình ảnh tốt đẹp của Đảng và của đất nước Trung Quốc trên thế giới, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa.

Bước vào thế kỷ XXI, tình hình quốc tế tiếp tục có diễn biến phức tạp: Xu thế đa cực hóa phát triển, toàn cầu hóa và hợp tác khu vực ngày càng tác động mạnh mẽ, các loại trào lưu tư tưởng chính trị ảnh hưởng lẫn nhau... Trong bối cảnh đó, chủ đề chung giữa các chính đảng tăng lên, quan hệ giữa các chính đảng trở thành kênh quan trọng để tiến hành đối thoại và giao lưu trao đổi giữa các lực lượng chính trị chủ thể và chính trị gia các nước về kinh nghiệm quản trị đất nước, điều hành chính phủ cũng như các vấn đề quốc tế trọng đại.

Nhìn chung, quan hệ quốc tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong giai đoạn này có năm đặc điểm sau: Một là, ngày càng nhiều đối tượng hơn và phạm vi quan hệ rộng hơn; Hai là, diễn ra nhiều cuộc tiếp xúc cấp cao hơn để xây dựng sự tin cậy lẫn nhau và tìm kiếm đồng thuận chính trị; Ba là, nội dung giao lưu sâu sắc hơn, như trao đổi ý kiến ​​về quản trị đảng hoặc quản lý nhà nước, trao đổi lý luận và thảo luận về nhiều vấn đề cùng quan tâm; Bốn là, các chủ đề kinh tế đã làm cho mối quan hệ giữa các chính đảng trở nên thiết thực hơn; Năm là, tăng cường các nỗ lực công khai để các chính đảng và chính trị gia nước ngoài hiểu rõ hơn về đất nước cũng như Đảng Cộng sản Trung Quốc(2).

Đại hội XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2002) một lần nữa mở rộng đối tượng của ngoại giao chính đảng, khi chỉ rõ: "Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các nguyên tắc độc lập, hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, đồng thời phát triển quan hệ với các đảng và tổ chức chính trị khác nhau ở các quốc gia". Các Đại hội Đảng về sau đều tuyên bố kiên trì triển khai ngoại giao chính đảng theo 4 nguyên tắc cơ bản và tư tưởng về quan hệ đối ngoại đã được vạch ra.

Tháng 12-2017, Hội nghị Đối thoại cấp cao giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới được tiến hành tại Bắc Kinh, với sự tham dự của lãnh đạo gần 300 chính đảng và tổ chức chính trị đến từ hơn 120 nước. Đây là hoạt động ngoại giao đa phương đầu tiên được tổ chức tại Trung Quốc sau Đại hội XIX, đồng thời đây cũng là cuộc đối thoại cấp cao đầu tiên được tổ chức giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và các chính đảng trên thế giới. Hội nghị đã thông qua "Sáng kiến Bắc Kinh", nhấn mạnh giữa các chính đảng cần tăng thêm sự tin cậy lẫn nhau, tăng cường trao đổi, sâu sắc hợp tác, tìm tòi thiết lập mối quan hệ chính đảng kiểu mới, tìm cái giống nhau gác lại bất đồng, tôn trọng lẫn nhau, cùng học hỏi cùng tham khảo lẫn nhau trên cơ sở mô hình quan hệ quốc tế, tập trung sức mạnh to lớn xây dựng cộng đồng cùng chung vận mệnh của loài người, “kêu gọi các đảng phái chính trị trên toàn thế giới cùng tham gia xây dựng hòa bình thế giới, đóng góp vào sự phát triển toàn cầu và bảo vệ trật tự quốc tế”(3). Hội nghị cũng đề xuất phát triển mô hình mới về hợp tác giữa các chính đảng, trong đó các đảng tìm nền tảng chung trên cơ sở tôn trọng và học hỏi lẫn nhau; thể chế hóa Hội nghị Đối thoại cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc và các đảng chính trị thế giới, để phát triển thành diễn đàn đối thoại chính trị cấp cao có tầm ảnh hưởng và mang tính đại diện quốc tế. Hội nghị đánh dấu sự hình thành cục diện mới trong ngoại giao chính đảng: Toàn phương diện, mọi lĩnh vực và ở mọi cấp độ.

Tháng 7-2021, Hội nghị Thượng đỉnh giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và các chính đảng thế giới diễn ra theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo hơn 500 chính đảng và tổ chức chính trị ở hơn 160 nước cùng với hơn 10.000 đại diện các chính đảng nước ngoài(4). Hội nghị diễn ra trong thời điểm then chốt, khi tiến trình toàn cầu hóa và quản trị toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức do tác động của đại dịch Covid -19 hoành hành trên thế giới. Các quốc gia trên thế giới, cũng như Trung Quốc, đang đối mặt với rất nhiều thách thức chung, trong đó có các vấn đề mang tính toàn cầu chưa từng có cả về số lượng, diện rộng và mức độ sâu sắc. Trước tình hình như vậy, các nước cần ứng phó như thế nào? Nhân loại cần đưa ra lựa chọn nào? Các chính đảng trên thế giới cần hợp tác và phát huy vai trò như thế nào? Những câu hỏi này đều đòi hỏi sự suy nghĩ và tìm tòi chung.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu “Tăng cường hợp tác giữa các chính đảng cùng mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân”, trong đó nhấn mạnh: Là lực lượng quan trọng thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại, các chính đảng cần xác định phương hướng tiến lên đúng đắn, gánh vác trách nhiệm lịch sử mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, mưu cầu sự tiến bộ cho nhân loại. Đảng Cộng sản Trung Quốc sẵn sàng cùng với chính đảng các nước, luôn là chính đảng xây dựng hòa bình thế giới, đóng góp cho sự phát triển của toàn cầu và giữ gìn trật tự quốc tế. Hội nghị ra “Sáng kiến chung”, bày tỏ nguyện vọng chung của các chính đảng tham dự Hội nghị về giữ gìn hòa bình và phát triển của thế giới, tăng cường phúc lợi cho nhân dân.

Những thành tựu trong hoạt động đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc khái quát lại ở một số nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, ngoại giao chính đảng thúc đẩy quan hệ nhà nước phát triển lành mạnh, ổn định: Bằng quan hệ giữa các bên và lợi thế của các mối quan hệ chính đảng, ngoại giao chính đảng đã đóng một vai trò rất tích cực trong việc thiết lập, phát triển và củng cố quan hệ của Trung Quốc với nước ngoài.

Thực tiễn đã chứng minh, ngoại giao chính đảng vừa giữ được quan hệ với đảng cầm quyền, vừa có thể giữ được quan hệ với đảng đối lập. Quan hệ giao lưu với đảng cầm quyền có lợi cho việc củng cố cơ sở, thúc đẩy quan hệ nhà nước; giao lưu với đảng đối lập có lợi cho việc duy trì tính liên tục, ổn định của quan hệ nhà nước mỗi khi cục diện chính trị thay đổi. Đây là một cơ chế rất tốt. Tại một số nước thi hành chế độ chính đảng luân phiên cầm quyền, khi đảng cầm quyền bị hạ bệ, đảng đối lập lên nắm quyền, vì trước đó đã duy trì quan hệ mật thiết với đảng đối lập, nên rất tiện cho Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành trao đổi với đảng cầm quyền mới, bảo đảm cho quan hệ song phương không bị ảnh hưởng do việc thay đổi đảng cầm quyền.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã coi việc xây dựng cơ chế ngoại giao chính đảng là trọng điểm công tác, triển khai giao lưu cơ chế hóa với các chính đảng chủ yếu của các nước và tổ chức khu vực như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Liên minh châu Âu. Do tính ổn định về hình thức và tính liên tục về nội dung, nên sự giao lưu cơ chế hoá rất có lợi cho hai bên giao lưu tăng cường sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau.

Nhận thức được các chính trị gia là chủ thể chính của nền chính trị chính đảng, trong hoạt động ngoại giao chính đảng, Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn đặt việc giao lưu tiếp xúc với các nhân vật chính trị quan trọng của các nước (trong số này vừa có lãnh đạo các đảng đang cầm quyền, vừa có lãnh đạo các đảng đối lập; vừa có lãnh đạo có uy tín lâu năm, vừa có các chính trị gia trẻ tuổi...). Những năm qua, mỗi năm, Đảng Cộng sản Trung Quốc đều có tiếp xúc, trao đổi với hàng nghìn chính trị gia nước ngoài. Việc tăng cường giao lưu với các chính trị gia trẻ tuổi có thể đặt cơ sở tốt đẹp cho quan hệ hợp tác trong tương lai.

Sự giao lưu trực tiếp, gián tiếp và đối thoại chính trị của lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc với lãnh đạo các chính đảng nước ngoài có vai trò rất quan trọng đối với việc nắm chắc và thúc đẩy sự phát triển quan hệ về mặt nhà nước từ độ cao toàn cục và chiến lược vĩ mô.

Trong thời đại cạnh tranh sức mạnh tổng hợp quốc gia ngày càng gay gắt, xây dựng thực lực mềm trở thành gốc rễ và ngọn nguồn sức mạnh quan trọng để các nước, nhất là các nước lớn liên kết, cạnh tranh với nhau trên vũ đại quốc tế. Do đó, việc tăng cường thực lực mềm, đặc biệt là thể hiện hình ảnh tốt đẹp của Đảng, tăng thêm sự hiểu biết về Đảng của các chính đảng và chính trị gia nước ngoài trở thành sứ mệnh quan trọng của công tác đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Lãnh đạo các cấp của Đảng khi thăm nước ngoài và hội kiến khách nước ngoài đến thăm đều hết sức coi trọng việc giới thiệu, tuyên truyền về quan niệm cầm quyền và kinh nghiệm thành công trong cầm quyền của Đảng. Thông qua giao lưu bình đẳng và khảo sát thực tế, nhiều chính trị gia nước ngoài không chỉ hiểu được phương châm chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc, những thành tựu đạt được cũng như những vấn đề Trung Quốc gặp phải, mà còn có nhận thức sâu sắc hơn về sự tìm tòi lý luận và sáng tạo lý luận mạnh dạn và thuần thục của Đảng Cộng sản Trung Quốc(5).

Thứ hai, ngoại giao chính đảng góp phần thúc đẩy việc trao đổi kinh nghiệm quản lý đất nước và hợp tác thương mại: Ngoại giao chính đảng vừa bàn về chính trị vừa bàn về kinh tế, vừa trao đổi quan điểm vừa thúc đẩy hợp tác.

 Cùng với sự phát triển giao lưu đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đi sâu trao đổi kinh nghiệm quản lý đất nước ngày càng trở thành nội dung quan trọng. Căn cứ vào nhu cầu chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế của đất nước, trong khi tăng cường giao lưu với các chính đảng nước ngoài, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng bố trí khảo sát các hạng mục xây dựng kinh tế, tìm hiểu chiến lược phát triển của những nước khác nhau và những thách thức mà Trung Quốc gặp phải trong quá trình phát triển; tích cực tìm kiếm điểm tác động phục vụ cải cách phát triển trong nước, phối hợp với các bố trí chiến lược như: Đại khai phá miền Tây, chấn hưng cơ sở công nghiệp cũ ở vùng Đông Bắc, sự trỗi dậy của miền Trung, hỗ trợ khu vực ven biển miền Đông đi đầu phát triển, đạt hiệu quả ngày càng rõ rệt trong việc phục vụ xây dựng kinh tế đất nước, thúc đẩy hợp tác kinh tế với nước ngoài(6).

Các chủ đề kinh tế trong quan hệ giữa các bên giúp ích cho công cuộc cải cách, mở cửa và xây dựng xã hội chủ nghĩa hiện đại của Trung Quốc. Trong khi đó, chúng tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế và thương mại của Trung Quốc và các nước khác. Thông qua việc trao đổi ý kiến ​​về các vấn đề cùng quan tâm, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau đã được tăng cường và điều này rất tốt cho hòa bình và ổn định thế giới. Các mối quan hệ giữa các bên đã làm cho Trung Quốc hiểu rõ hơn với phần còn lại của thế giới, cũng thể hiện hình ảnh của Trung Quốc trong cải cách và mở cửa, cũng như phát triển và hợp tác.

Thứ ba, ngoại giao chính đảng đi sâu nghiên cứu kinh nghiệm của chính đảng nước ngoài, so sánh với nhận thức về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc: Thông qua ngoại giao chính đảng, một mặt trực tiếp tìm hiểu được quan điểm và phương pháp quản trị đảng và lãnh đạo đất nước của chính đảng nước ngoài, tìm hiểu kinh nghiệm thành công, thất bại của một số đảng, coi trọng tổng kết quan niệm, nội dung và phương thức cầm quyền của các loại chính đảng nước ngoài; mặt khác còn nắm bắt được những thay đổi sâu sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ của thế giới, qua đó càng nhận thức sâu sắc hơn về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Việc trao đổi kinh nghiệm về xây dựng đảng và quản trị nhà nước có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc và thúc đẩy quan hệ giữa các bên với nhau phát triển lành mạnh.

Thứ tư, ngoại giao chính đảng góp phần quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng: ngoại giao chính đảng luôn lấy việc tư vấn chính sách để thúc đẩy công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực cầm quyền, củng cố địa vị cầm quyền của Đảng làm chức năng cơ bản. Phục vụ yêu cầu của Trung ương Đảng là phải xác lập hơn nữa địa vị chủ đạo của chủ nghĩa Mác trong lĩnh vực hình thái ý thức, thúc đẩy “Trung Quốc hóa”, mở ra không gian mới cho lý luận mác xít, hoạt động đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn tích cực triển khai nghiên cứu về các trường phái lý luận, phong trào thực tiễn xã hội chủ nghĩa thế giới, chủ động tham gia nghiên cứu và xây dựng lý luận mác xít với các đảng cộng sản, công nhân, cánh tả trên thế giới.

Quá trình tăng cường giao lưu chính đảng cũng là quá trình Đảng Cộng sản Trung Quốc không ngừng nhận thức sâu sắc thêm quy luật phát triển xã hội loài người, quy luật xây dựng chủ nghĩa xã hội và quy luật cầm quyền của đảng cộng sản.

Thứ năm, ngoại giao chính đảng làm tăng thêm hình ảnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc trên trường quốc tế. Do giao lưu đối ngoại không ngừng phát triển, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xây dựng được mối quan hệ giao lưu và hợp tác hữu nghị với chính đảng chủ yếu ở các nước xung quanh; triển khai giao lưu toàn diện với các chính đảng ở các nước phát triển; hoạt động giao lưu với chính đảng ở các nước phát triển không ngừng được tăng cường.

Đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thiết lập quan hệ dưới các hình thức với hơn 600 chính đảng và tổ chức chính trị của hơn 160 nước. Thông qua triển khai đối thoại thẳng thắn, cởi mở với các nước và chính đảng có tình hình và chế độ xã hội khác nhau, hai bên đã nhận thức sâu sắc đối với giá trị và chế độ chính trị của nhau, không ngừng tìm kiếm không gian và cơ hội hợp tác.

Thông qua ngoại giao chính đảng, cộng đồng quốc tế hiểu rõ thêm những chủ trương và phương châm lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc(7). Ngày càng nhiều chính đảng nước ngoài ghi nhận sự phát triển của Trung Quốc là không thể tách rời với phương châm cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tìm hiểu Đảng Cộng sản Trung Quốc trên thực tế là chiếc "chìa khóa" để tìm hiểu Trung Quốc(8).

Suốt chiều dài một thế kỷ phát triển, Đảng Cộng sản Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ với chính đảng các nước trên thế giới. Triển khai giao lưu và đối thoại với các chính đảng trên thế giới một cách ổn định và có trật tự, tăng cường sự hiểu biết giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và các chính đảng nước ngoài, phát huy tầm ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc và các chính đảng trong quan hệ ngoại giao nhà nước là kinh nghiệm quý của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong ngoại giao chính đảng, nhất là từ khi tiến hành cải cách mở cửa. Nhiệm vụ hàng đầu của ngoại giao chính đảng được xác định là tạo môi trường quốc tế hòa bình và các điều kiện thuận lợi bên ngoài, tận dụng thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng này để quảng bá hình ảnh và ảnh hưởng quốc tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc(9).

__________________

(1) International Relations of the Communist Party of China, edited by Zhong Lianyan, Beijing: China Intercontinental Press, 2007.10

(2) https://www.idcpc.gov.cn/english/inlrelations/currentsituation/index.html

(3) CPC will deepen friendly cooperation with world political parties,

http://english.www.gov.cn/state_council/state_councilors/2017/12/03/content_281475963476768.htm. (4)Một số đặc sắc của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong giao lưu đối ngoại, http://vietnamese.cri.cn/20210706/5b3ee4dc-3f0d-4746-bfc6-e18ad558bfbb.html.

(5), (6) Lưu Thủy Minh: Bám chắc hai đại cục, làm tốt ngoại giao chính đảng, Nhân dân nhật báo (Trung Quốc), ngày 12-10-2007.

(7)Ngoại giao chính đảng đạt thành tựu to lớn, Nhân dân nhật báo (Trung Quốc), ngày 26-9-2003.

(8)Hiểu biết Đảng Cộng sản Trung Quốc là chiếc chìa khoá để hiểu biết Trung Quốc, http://vietnamese.cri.cn/481/2012/11/06/1s179430.htm.

(9) Wu Ju, CPC’s Relations with Political Parties in Latin America, http://www.chinatoday.com.cn/ctenglish/report/2012-10/19/content_490624.htm.

TS MAI HOÀI ANH

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TS NGUYỄN THỊ NGỌC LOAN

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một thế kỷ quan hệ đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc
    POWERED BY