Thực tiễn

Nâng cao chất lượng đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước

11/11/2024 15:35

(LLCT) - Trong những năm qua, Đảng ta rất quan tâm đến phát triển đảng viên, nâng cao chất lượng đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, nhằm phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu của người đảng viên, góp phần vào sự phát triển của các doanh nghiệp, qua đó tạo được uy tín và nâng cao vai trò của tổ chức đảng đối với người lao động và chủ doanh nghiệp. Bài viết khái quát các ưu điểm, hạn chế trong chất lượng đảng viên và đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng đảng viên ở các doanh nghiệp ngoài khu vực ngoài nhà nước trong thời gian tới.

TS TRỊNH THANH TÂM
Viện Xây dựng Đảng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Lễ ra mắt Chi bộ Công ty TNHH giải pháp công nghệ Sympletechs (Hà Nội) _ Ảnh: nhandan.vn

1. Mở đầu

Doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (DNNKVNN) bao gồm các loại hình doanh nghiệp vốn trong nước: doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân, công ty hợp danh, công ty cổ phần không có vốn nhà nước, công ty cổ phần có tỷ lệ vốn nhà nước từ 50% vốn điều lệ trở xuống.

Theo tổng điều tra kinh tế năm 2021 của Tổng cục Thống kê, đến ngày 31-12-2020, cả nước có 660.100 DNNKVNN, chiếm 96,4% tổng số doanh nghiệp cả nước, với 8,6 triệu lao động, chiếm 58,6% trong tổng số lao động.

Đảng ta đã xác định kinh tế tư nhân là động lực phát triển của nền kinh tế đất nước. Sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức đảng và sự tiên phong, gương mẫu của đảng viên trong DNNKVNN có vai trò quan trọng đối với sự phát triển đúng định hướng của doanh nghiệp và sự đóng góp của doanh nghiệp vào sự phát triển chung của nền kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tổ chức đảng và đảng viên trong các DNNKVNN có những đặc thù so với các loại hình tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các lĩnh vực khác, cần được quan tâm.

2. Thực trạng chất lượng đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước

Trong những năm qua, Đảng ta rất quan tâm đến việc phát triển đảng viên trong các DNNKVNN. Ngày 23-11-1996, Bộ Chính trị khóa VIII đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngày 29-7-2010, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 80-KL/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị trong tình hình mới, nhằm mở rộng đối tượng và tăng cường công tác xây dựng tổ chức đảng trong các DNNKVNN. Ngày 11-4-2017, Ban Bí thư ban hành Thông báo số 22-TB/TW về tiếp tục thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư. Ngày 18-3-2019, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân.

Thực hiện các chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, công tác phát triển đảng viên và xây dựng tổ chức đảng trong các DNNKVNN đã có nhiều khởi sắc. Hiện nay, toàn Đảng có gần 52.000 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có hơn 3.340 tổ chức cơ sở đảng trong các DNNKVNN. Theo báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương, trong 3 năm 2020 -2023, trong các DNNKVNN đã kết nạp 14.521 đảng viên mới, trong đó những địa phương kết nạp được nhiều đảng viên trong DNNKVNN là Hà Nội: 2.649 đảng viên, Hải Phòng: 1.027 đảng viên, Quảng Ninh: 750 đảng viên, Bắc Giang: 608 đảng viên, Vĩnh Phúc: 381 đảng viên; riêng 16 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã kết nạp được 2.363 đảng viên, chiếm 16,27% tổng số đảng viên được kết nạp trong DNNKVNN(1).

Sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức đảng và sự tiên phong, gương mẫu của đảng viên trong DNNKVNN có vai trò quan trọng đối với sự phát triển đúng định hướng của doanh nghiệp và sự đóng góp của doanh nghiệp vào sự phát triển chung của nền kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội của đất nước.

Công tác phát triển đảng viên trong DNNKVNN đã góp phần quan trọng vào việc phát triển tổ chức cơ sở đảng tại các doanh nghiệp. Không ít chủ doanh nghiệp tư nhân đã ủng hộ việc phát triển đảng viên và tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Nhiều công nhân, người lao động, cán bộ quản lý và chủ doanh nghiệp được kết nạp vào Đảng là những quần chúng ưu tú, có động cơ vào Đảng đúng đắn, đạt nhiều thành tích trong lao động sản xuất, quản lý và rèn luyện, phấn đấu.

Tại các DNNKVNN có đông đảng viên, thành lập được tổ chức cơ sở đảng, các tổ chức đảng ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình. Nhiều chi bộ trong các doanh nghiệp đã lãnh đạo doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tham gia giải quyết hợp lý các tranh chấp giữa giới chủ và người lao động, tích cực tuyên truyền, vận động người lao động và chủ doanh nghiệp thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; chủ động phối hợp với chủ doanh nghiệp chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động; tích cực tham gia đóng góp các hoạt động xã hội, nhất là các hoạt động cứu trợ đồng bào bị thiên tai, xóa đói, giảm nghèo…

Đảng viên trong doanh nghiệp đã cùng các thành viên trong bộ máy quản lý góp phần bảo đảm điều tiết hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của người lao động; tạo lập mối quan hệ hợp tác giữa cấp ủy đảng với hội đồng thành viên, tổng giám đốc, giám đốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp nào có chi bộ đảng và tổ chức công đoàn vững mạnh, có đảng viên là thành viên quản lý doanh nghiệp, nơi đó sản xuất phát triển, kinh doanh bền vững; xây dựng và thực hiện tốt điều lệ, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, các quy định, quy chế, nội quy lao động của doanh nghiệp; nội bộ đoàn kết; không xảy ra đình công, ngừng việc tập thể; bảo đảm tốt an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường; tích cực thực hiện nghĩa vụ xã hội của doanh nghiệp.

Đội ngũ đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, có nhiều sáng kiến đưa doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững và tạo không khí hăng hái thi đua trong lao động. Sau khi có tổ chức đảng, đảng viên nhận thức đúng được vai trò của mình trong doanh nghiệp, giúp hoạt động điều hành của ban lãnh đạo doanh nghiệp đạt kết quả, tạo lập được sự gắn kết giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, cùng nhau góp sức vào sự phát triển của doanh nghiệp.

Các đảng viên trong doanh nghiệp đã tích cực phổ biến, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân, các vấn đề mới liên quan đến lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, cho đội ngũ quản lý và người lao động trong doanh nghiệp. Nội dung tuyên truyền chủ yếu giúp người quản lý doanh nghiệp hiểu rõ phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược lâu dài của Đảng và Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và doanh nghiệp có trách nhiệm tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và điều lệ của mỗi tổ chức.

Đối với các chủ trương mới của Đảng, chính sách và pháp luật mới của Nhà nước, đảng viên đã bàn bạc, thuyết phục chủ doanh nghiệp nhận thức đúng và ủng hộ, tích cực vượt qua khó khăn, thực hiện có kết quả tại doanh nghiệp. Đồng thời, đảng viên cũng kết nối, phát huy vai trò của các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên trong các doanh nghiệp trong động viên người lao động hăng hái sản xuất, cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, tạo động lực để gắn bó, cống hiến với doanh nghiệp.

Tại các doanh nghiệp có đảng bộ, chi bộ, đảng viên là cấp ủy viên phát huy tốt vai trò của mình trong quan hệ với các cấp quản lý trong doanh nghiệp, nhất là trong sinh hoạt liên tịch giữa cấp ủy với ban lãnh đạo doanh nghiệp. Trong các cuộc làm việc với ban lãnh đạo doanh nghiệp, cấp ủy đề xuất, cùng bàn bạc, đi đến thống nhất phương án phát triển sản xuất kinh doanh tối ưu; phân công trách nhiệm cụ thể đến từng tổ chức đảng, đảng viên; việc kiện toàn tổ chức, bộ máy, công tác cán bộ, công tác phát triển đảng viên, công tác công đoàn trong doanh nghiệp v.v. đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Riêng về công tác phát triển đảng viên, các cấp ủy viên chú trọng công tác tuyên truyền, thuyết phục chủ doanh nghiệp, người lao động về vị trí, vai trò và tầm quan trọng, ý nghĩa và lợi ích của việc phát triển đảng viên, thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho quần chúng ưu tú trong doanh nghiệp học các lớp cảm tình đảng, bồi dưỡng đảng viên mới. Một số cấp ủy tổ chức các buổi trao đổi, tọa đàm về việc thành lập tổ chức đảng và các đoàn thể trong các doanh nghiệp, tìm biện pháp khắc phục các khó khăn, trở ngại để đẩy mạnh việc phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp.

Về công tác cán bộ, cấp ủy giới thiệu, bàn bạc với người quản lý doanh nghiệp những đảng viên, cán bộ công đoàn, người lao động tiêu biểu để đưa vào quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp trong doanh nghiệp.

Đa số đảng viên là cấp ủy viên đã cùng cấp ủy xây dựng mối quan hệ phối hợp công tác với người quản lý doanh nghiệp trên nguyên tắc hợp tác, đồng thuận để tổ chức đảng tham gia xây dựng, phát triển doanh nghiệp và doanh nghiệp có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức đảng hoạt động theo quy định của Điều lệ Đảng và Luật Doanh nghiệp; chủ động trao đổi với người quản lý doanh nghiệp những đề xuất, kiến nghị hợp lý của tổ chức đảng, đảng viên, các tổ chức chính trị - xã hội và người lao động về thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động, các chế độ, chính sách đối với người lao động và đề xuất biện pháp phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh theo quy định của pháp luật.

Đa số đảng viên trong doanh nghiệp luôn cố gắng phấn đấu thực hiện tốt công việc, nhiệm vụ của mình; phấn đấu để trở thành tấm gương cho những người quản lý, người lao động khác noi theo. Đảng viên trong doanh nghiệp tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt chi bộ để nắm bắt, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các chủ trương của Đảng về đảng viên, công tác đảng viên, công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, công tác dân vận… Chính điều này đã giúp đảng viên có được uy tín đối với ban lãnh đạo doanh nghiệp, nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện trong hoạt động của tổ chức đảng.

Bên cạnh những ưu điểm, chất lượng đảng viên trong các DNNKVNN hiện còn có những hạn chế.

Tại nhiều doanh nghiệp, đảng viên chỉ là người lao động bình thường, không được giao đảm nhiệm các công việc quản lý bộ phận, doanh nghiệp, nên vai trò không lớn. Trong khi đó, ở nhiều doanh nghiệp có chưa đủ ba đảng viên chính thức để thành lập chi bộ; những đảng viên đang làm việc tại các doanh nghiệp không có tổ chức đảng, trong đó có các đảng viên có trình độ chuyên môn và trình độ tay nghề cao, lại sinh hoạt đảng phân tán tại các tổ chức đảng địa phương nơi cư trú, nên không phát huy được vai trò trong doanh nghiệp. Việc phát triển đảng viên, nhất là kết nạp những người quản lý, người lao động có trình độ chuyên môn cao, vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều chủ DNNKVNN nhận thức chưa đầy đủ về chủ trương phát triển đảng viên, tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp, nên không ủng hộ việc này, thậm chí không muốn tạo điều kiện cho đảng viên sinh hoạt đảng, vì lo ngại ảnh hưởng đến công việc sản xuất, kinh doanh. Mặc dù lực lượng lao động trong DNNKVNN đông, nhưng nguồn quần chúng ưu tú đủ tiêu chuẩn, điều kiện để kết vạp vào Đảng còn hạn chế.

Một số đảng viên tính đảng chưa cao, chưa thật sự tiên phong, gương mẫu chấp hành nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, trong sản xuất, kinh doanh, ngại đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực trong doanh nghiệp, nhất là của chủ doanh nghiệp. Có một bộ phận đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Nhiều đảng viên chưa tích cực học tập đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nâng cao trình độ chuyên môn; rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong công nghiệp. Tình trạng khá phổ biến là đảng viên bằng lòng với trình độ chuyên môn đã được đào tạo, an phận với vị trí việc làm và thu nhập, chỉ mong ổn định công việc và cuộc sống; nhận thức về Đảng cũng chỉ dừng ở những hiểu biết ban đầu khi phấn đấu vào Đảng, không tìm hiểu để nắm vững các nguyên tắc tổ chức và hoạt động, các quy định mới của Đảng, những yêu cầu về công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới.

3. Giải pháp nâng cao chất lượng đảng viên ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định nhiệm vụ: “Tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên; thường xuyên rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”(2). Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII “Về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới” đã khẳng định các nhiệm vụ để nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên: “Đổi mới, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đảng viên… Tăng cường công tác quản lý đảng viên; kịp thời rà soát, sàng lọc đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không đủ tư cách… Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác kết nạp đảng viên(3).

Để thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và xuất phát từ thực tế tình hình đội ngũ đảng viên trong các DNNKVNN, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, người đứng đầu tổ chức đảng đối với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong các DNNKVNN

Cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy cần nắm vững, quán triệt chủ trương của Đảng về yêu cầu đổi mới, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đảng viên trong tình hình mới. Từ đó, có chương trình, kế hoạch bồi dưỡng về chính trị cho đội ngũ đảng viên, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức chính trị, nâng cao ý thức tự giác của đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, “tự soi”, “tự sửa”, đề cao danh dự, lòng tự trọng của đảng viên. Trên cơ sở nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên, thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục đảng viên phù hợp với đặc điểm của từng loại đảng viên trong DNNKVNN.

Hai là, nâng cao chất lượng và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ trong DNNKVNN

Vận dụng và thực hiện tốt Quy định số 47-QĐ/TW ngày 20-12-2021 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở xuống, Quy định số 170-QĐ/TW ngày 07-3-2013 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân phù hợp với loại hình, đặc điểm của tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Từng chi bộ nâng cao vai trò lãnh đạo đối với doanh nghiệp và trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên, bảo đảm vai trò hạt nhân chính trị ở doanh nghiệp. Chi bộ thực hiện nghiêm các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, đoàn kết thống nhất trong Đảng để giáo dục, quản lý đảng viên. Cấp ủy phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên, lấy hiệu quả hoạt động là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đảng viên.

Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Nội dung sinh hoạt chi bộ phải gắn với việc quán triệt, thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay từ chi bộ.

Thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt chi bộ theo quy định của Điều lệ Đảng và Hướng dẫn số 03-HD/TW ngày 27-12-2022 của Ban Bí thư về thí điểm sinh hoạt đảng trực tuyến ở đảng bộ cơ sở, chi bộ có tính chất đặc thù hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt và sinh hoạt đảng theo tổ đảng ở chi bộ đông đảng viên, sinh hoạt cấp ủy. Trong sinh hoạt đảng phải bảo đảm tính chiến đấu, tính thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tế của doanh nghiệp. Nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, kỹ năng và nghiệp vụ công tác đảng cho đội ngũ cấp ủy viên cơ sở. Tăng cường công tác quản lý đảng viên; thực hiện chặt chẽ công tác đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên; phát hiện, biểu dương những đảng viên xuất sắc, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, giúp đỡ các đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Ba là, đẩy mạnh kết nạp đảng viên mới, nhất là kết nạp chủ doanh nghiệp vào Đảng

Phát triển thêm đảng viên không chỉ là tăng thêm số lượng, mà quan trọng là tăng thêm sinh lực mới cho tổ chức đảng. Khi ở doanh nghiệp có nhiều đảng viên, đủ ba đảng viên chính thức để thành lập chi bộ, các đảng viên sẽ có điều kiện để sinh hoạt trong tổ chức đảng, được học tập, nâng cao nhận thức mọi mặt và thể hiện vai trò của mình. Vì vậy, các cấp ủy cấp trên cần có kế hoạch cụ thể tạo nguồn, phân công đảng viên giúp đỡ quần chúng tích cực, tạo môi trường thuận lợi để quần chúng giác ngộ lý tưởng, có động cơ trong sáng, rèn luyện, phấn đấu vào Đảng và tiến hành quy trình xem xét kết nạp đảng viên, chuyển đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức theo đúng quy định.

Chú trọng thành lập, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đoàn thanh niên, công đoàn trong doanh nghiệp chưa có đảng viên và tổ chức đảng để tạo nguồn, giới thiệu nguồn phát triển đảng viên. Cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng phân công cấp ủy viên phụ trách, cấp ủy cơ sở giao nhiệm vụ cụ thể cho chi bộ trong việc phát hiện, bồi dưỡng, giúp đỡ quần chúng phấn đấu vào Đảng.

Thực tiễn cho thấy, để thành lập tổ chức đảng, phát triển và nâng cao chất lượng đảng viên trong các DNNKVNN, một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng là tạo lập được sự đồng thuận và ủng hộ của chủ doanh nghiệp. Vì vậy, cần đặc biệt chú trọng kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng để phát huy trí tuệ của đội ngũ doanh nhân vào sự phát triển của đất nước, bảo đảm sự phát triển của doanh nghiệp đúng định hướng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thúc đẩy việc thành lập, phát huy vai trò của các tổ chức đảng, công đoàn, đoàn thanh niên trong doanh nghiệp.

Các cấp ủy cần tăng cường tuyên truyền, vận động, giúp chủ doanh nghiệp xóa bỏ tư tưởng e dè, ngại vào Đảng, vì cho rằng vào Đảng sẽ mất thời gian hội họp, sinh hoạt chi bộ, học tập chính trị, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kỷ luật đảng gò bó… Trong tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp phấn đấu vào Đảng cần giúp chủ doanh nghiệp nhận thức rõ việc được kết nạp vào Đảng không chỉ là vinh dự lớn của cá nhân, mà còn là điều kiện để cùng các đảng viên lãnh đạo doanh nghiệp phát triển, tạo được vị thế, uy tín tốt với các đối tác trên thị trường và cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.

Bốn là, đề cao tinh thần tiên phong, gương mẫu của đảng viên; phát huy tính tích cực tự rèn luyện, tu dưỡng và thực hành đạo đức cách mạng của đảng viên trong doanh nghiệp

Mỗi đảng viên phải luôn nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu, thật sự tích cực, chủ động hoàn thành tốt nhiệm vụ; thường xuyên học tập nâng cao trình độ, năng lực; tích cực, tự giác trong thực hiện nền nếp, chế độ sinh hoạt đảng, chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; phát huy tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình, quan hệ mật thiết với quần chúng. Từng đảng viên phải có ý thức tự giác, tự nguyện trong phấn đấu, rèn luyện về mọi mặt, nhất là về đạo đức cách mạng theo quy định của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới. Các cấp ủy, tổ chức đảng, đặc biệt là bí thư cấp ủy, phải thường xuyên quan tâm theo dõi, động viên, tạo điều kiện thuận lợi để đảng viên rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành; đề cao tự quản lý của đảng viên; đưa kết quả tự quản lý của mỗi đảng viên là một tiêu chí trong kiểm điểm, đánh giá, xếp loại đảng viên hằng năm.

4. Kết luận

Là một bộ phận trong đội ngũ đảng viên của toàn Đảng, hoạt động trong các tổ chức đảng ở lĩnh vực có nhiều đặc điểm đặc thù, các đảng viên trong các DNNKVNN về cơ bản đã và đang thể hiện được vai trò là những chiến sĩ tiên phong trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, chất lượng của đội ngũ này cũng còn những hạn chế nhất định. Để tiếp tục nâng cao chất lượng đảng viên trong các DNNKVNN cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đến phát huy vai trò của tổ chức đảng và sự tự giác phấn đấu của từng đảng viên.

_________________

Ngày nhận bài: 7-11-2024; Ngày bình duyệt: 9-11-2024; Ngày duyệt đăng: 11-11-2024.

Email tác giả: tamducphuc@yahoo.com.vn

(1) Ban Tổ chức Trung ương: Kỷ yếu Hội thảo công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước khu vực phía Bắc, ngày 28-6-2023, tại tỉnh Vĩnh Phúc.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.242.

(3) Xem ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.172-176.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao chất lượng đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước
    POWERED BY