(LLCT) - Rene Descartes được coi là cha đẻ của triết học duy lý cận đại. Với sự thay thế triết lý về tự nhiên bằng triết lý về tinh thần đã cho thấy rõ địa vị của ông trong lịch sử triết học phương Tây. Descartes đã nỗ lực đấu tranh chống lại giáo điều bằng phương pháp nhận thức và chứng minh chân lý. Trong đó, nhận thức luận của ông có giá trị lớn, đặc biệt là trước những biến đổi của xã hội Tây Âu, sự phát triển của khoa học, tìm kiếm phương pháp luận mới cho khoa học và sự đấu tranh chống lại triết học kinh viện.
NGUYỄN THỊ HẰNG
Học viện Tài chính
1. Điều kiện cho sự hình thành và phát triển tư tưởng triết học của Descartes
Hegle đánh giá “Với Descartes, một thời đại mới của Triết học đã bắt đầu”(1). Descartes với tư cách là cha đẻ của chủ nghĩa duy lý châu Âu cận hiện đại, là tiền bối của triết học cổ điển Đức. Để hiểu được tư tưởng của ông cần phải lưu ý tới điều kiện kinh tế xã hội, văn hóa tinh thần đương thời.
Vào khoảng thế kỷ VI, VII trước Công nguyên, triết học và khoa học châu Âu đã có quá trình phát sinh, phát triển. Với những triết gia tiêu biểu như: Thales, Pythagore, Heraclite, Democrite… với đặc trưng trong khoa học của họ là về vũ trụ quan, những khái niệm về thiên nhiên. Triết học thời kỳ này là những suy luận về bản tính của vạn vật, bản tính của con người. Tiếp đến là sự xuất hiện của Socrate đã mang lại cho triết học Hy Lạp đó là “Anh hãy tự biết mình”, mang màu sắc nhân đạo của của triết học truyền thống phương Tây.
Đến thế kỷ XVI, thời kỳ Phục Hưng đã cố gắng trút bỏ những truyền thống nặng nề của thời kỳ Trung cổ, nhưng cũng mới chỉ dừng lại ở sự cựa mình rất nhẹ mà thôi. Bước sang thế kỷ XVII, tư tưởng phương Tây vẫn giữ nguyên các triết lý, quan niệm khoa học này. Với tư duy kinh viện và chủ trương suy tôn các bậc tiền bối và đề cao truyền thống đã cho thấy phần lớn trách nhiệm trong việc ru con người vào giấc ngủ triền miên. Sự xuất hiện của Descartes là một khởi đầu mới, dứt khoát với truyền thống của Aristote. Góp phần phá bỏ “cái triết học trừu tượng và vô vị” và đánh dấu bước khởi đầu cho nền triết học thực tiễn mang lại những lợi ích cho đời sống con người.
Tác phẩm Phương pháp luận (1637), là bản tuyên ngôn của nền triết học mới, chứa đựng toàn bộ nội dung cơ bản trong tư tưởng của Descartes, góp phần khẳng định vai trò của triết học. Đồng thời đưa ra nhiệm vụ của triết học và đi đến tri thức đích thực. Descartes đã bàn về phương pháp nhằm hướng dẫn lý trí và tìm chân lý trong các khoa học. Tác phẩm gồm 6 phần. Phần I: vài nhận định về các khoa học; phần II: những quy tắc của phương pháp luận; Phần III: những quy luật rút ra từ phương pháp; phần IV, V, VI: chứng minh sự hiện hữu của Thượng đế, các vấn đề trong vật lý, những tìm hiểu tự nhiên.
2. Nội dung cơ bản trong nhận thức luận của Descartes
Cơ sở của nhận thức luận trong nhận thức của Descartes
Descartes khẳng định giữa triết học và khoa học có sự liên minh với nhau. Và trong mối quan hệ đó, triết học đóng vai trò chủ đạo. Xuất phát từ quan điểm về tính thống nhất của tri thức, đi tới tìm hiểu sâu sắc khoa học lịch sử và khoa học tự nhiên, vạch ra mối liên hệ và sự tác động lẫn nhau giữa chúng. Ông đã đi từ phương pháp duy lý để đặt ra yêu cầu đầu tiên là cần nắm chắc các nguyên lý siêu hình học. Từ nền tảng đó mới đi đến nắm các nguyên lý vật lý học, cũng như các khoa học cụ thể khác.
Descartes khẳng định vai trò của tri thức về Thượng đế có ảnh hưởng và chiếm vị trí đặc biệt trong siêu hình học. Bởi vì tri thức về thượng đế đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người. Ông khẳng định: Tri thức về Thượng đế là tri thức chân lý, không có gì hoài nghi cả; Thượng đế là thực thể hoàn thiện tối cao, biểu tượng của tri thức tuyệt đối; Thượng đế là một hiện hữu phi vật thể, vĩnh viễn; nguyên nhân của những sai lầm trong nhận thức của con người không nằm ở Thượng đế. Theo ông, Thượng đế với ý nghĩa chính là cái tuyệt đối và được con người xem như mục đích cao nhất của nhận thức. Thượng đế là biểu tượng cao nhất của sự sáng tạo và hoàn thiện. Do vậy, Descartes phê phán gay gắt những người chỉ nghiên cứu theo một lối mòn có sẵn mà không chịu tìm ra con đường mới cho riêng mình. Descartes đã kêu gọi con người cần phải tích cực cống hiến sức lực, trí tuệ cho việc khám phá tự nhiên và vì lợi ích chung.
Triết học của Descartes là triết học siêu hình học. Do đó, để hiểu rõ cơ sở nhận thức của ông cần phải xuất phát từ việc lý giải các thuộc tính của Thượng đế, tính phi vật thể của linh hồn, và giải thích các khái niệm rõ ràng. Đặc biệt, trong vật lý học ông đã xác định cơ sở chân lý của các vật thể vật chất và xem xét sự phát sinh, phát triển của các hiện tượng cụ thể của chúng. Từ đó, ông rút ra quan niệm về tính thống nhất của tri thức khoa học, đó là: siêu hình học là nền tảng tri thức của con người và cơ sở phương pháp luận của các khoa học.
Descartes được coi là cha đẻ của triết học duy lý cận đại, sự thay thế triết lý về tự nhiên bằng triết lý về tinh thần. Tinh thần toàn bộ triết học của ông là “Hệ thống giáo lý triết học kinh viện cần phải bị tiêu diệt”(2). Bởi theo ông, triết học đã đạt được những tiến bộ xuất sắc, do đó không có gì mà không tranh luận, không có gì là không đáng hoài nghi. Theo ông, cần phải cải tạo bên trong triết học và phải thiết lập các nguyên lý đáng tin. Chỉ tin tưởng những tri thức xác thực và phủ nhận mọi nhận thức nếu bên trong nó còn tồn tại sự hoài nghi. Luận điểm “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại” là cơ sở của tư duy. Đây là cơ sở đáng tin cậy duy nhất trong hành vi tư duy của con người. Cái tôi đang tồn tại và cái tôi ấy sẽ phải là một vật biết tư duy, vậy tư duy là hành vi của lý trí.
Theo ông, tư duy không chỉ là đề cập đến vấn đề lý luận mà còn là tất cả hoạt động tinh thần. Nếu con người tưởng tượng, hoặc hoài nghi về tồn tại thì tất nhiên cần phải có chủ thể làm điều này. Vậy sự tồn tại của chủ thể nhận thức chính là nền tảng cho ông xây dựng hệ thống triết học của mình. Chủ thể tư duy thì sự tồn tại của nó không thể hoài nghi, đây là cơ sở cho nhận thức. Tôi là một sự vật tư duy, hay tôi chính là một sự vật có thật, hiện hữu thật sự.
Đi từ cái tôi tư duy, tôi tồn tại, ông đã đi đến chứng minh sự tồn tại của Thượng đế và thế giới thực tại. Thế giới bên ngoài tồn tại thật sự và các ý tưởng của ông về các sự vật là do các sự vật đang tồn tại tạo ra. Descartes đã hoài nghi về tất cả và phá bỏ những tin tưởng mà trước đó ông đã chấp nhận để tự vạch ra con đường đi mới. Ông đã “Bước đi một mình và đi trong tăm tối, nên tôi quyết bước đi từ từ và hết sức thận trọng trong mọi sự, để mặc dù tiến rất chậm, nhưng chắc tôi giữ mình khỏi ngã”(3).
Từ những bước đó, ông đưa ra những quy luật của phương pháp. Và “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại” là chân lý chắc chắn, là nguyên lý của nền triết học mới. Descartes hoài nghi về khả năng nhận thức của lý trí khi nó phán quyết về các đối tượng ở ngoài tâm linh. Tuy nhiên, ông lại tin vào khả năng nhận thức của lý trí con người khi tự nhận thức về mình. Theo ông, đây là những ý tưởng bẩm sinh đã được Thượng đế đặt sẵn trong lý trí con người. Trong đó, ông chỉ rõ năng lực nhận thức chỉ có ở trí tuệ và không được tin vào cảm tính vì nó lừa dối ta trong nhiều trường hợp nên cần thiết phải giải phóng lý tính ra khỏi cảm tính.
Descartes đã loại bỏ các ngẫu tính bằng việc xây dựng cách tiếp cận thuần túy lý luận trừu tượng. Ông khẳng định các nguyên tắc nhận thức truyền thống là không đáng tin cậy, bởi hình thức của tri thức bao hàm trong nó nhiều điều được kiểm chứng. Qua đó, chống lại sự chết cứng giáo điều của chủ nghĩa kinh viện. Con đường tìm kiếm tri thức chủ yếu dựa vào chân lý trong lý trí. Descartes gọi đó là những viên ngọc của chân lý hiện hữu tự nhiên trong tâm hồn, đó là ánh sáng tự nhiên, trực giác của trí tuệ. Đồng thời, phải lọc bỏ khỏi trí tuệ những xiềng xích ngăn cản sự linh hoạt của tư duy.
Descartes chỉ rõ những nguyên nhân sinh ra sai lầm của con người là sự không chính xác của các khái niệm, những định kiến… Để đạt được những tri thức chân thực cần phải giải thoát tư duy ra khỏi những xiềng xích của chủ nghĩa giáo điều; không được xem cái gì là chân lý nếu thiếu đi tính phê phán, không được tin tưởng tuyệt đối vào cảm tính, những gì thu nhận được mà chưa qua sự kiểm tra của lý tính. Con người có thể tìm kiếm chân lý theo những con đường quanh co, phức tạp nhưng việc khám phá ra được chân lý thì không thể mang tính ngẫu nhiên. Do vậy, tri thức là chân lý thì phải chính xác, rõ ràng.
Về phương pháp nhận thức trong nhận thức luận của Descartes
Descartes đề cao phương pháp diễn dịch trong nhận thức và là phương pháp cơ bản của triết học. Ông khẳng định phương pháp là những công cụ để có thể đạt được tính phân minh của tri thức. Bởi lý trí của con người đã có sẵn những năng lực trực giác, suy luận diễn dịch, đó là con đường dẫn đến tri thức mà con người có thể sử dụng. Từ tính phân minh, xác thực của tri thức trong phương pháp luận của ông, khái niệm trực giác giữ vai trò đặc biệt quan trọng: “Khái niệm này có hai nghĩa: nghĩa thứ nhất gắn với nhận thức cảm tính trực tiếp về sự vật, đặc biệt với các hình ảnh được xác định bằng thị giác; nghĩa thứ hai: trực giác được xem như ánh sáng bên trong nào đó, khi mà chân lý phức tạp được nhận thức trong một cảm giác chắc chắn, phản ánh sự thống nhất rất cao các tiềm năng và sức mạnh nhận thức của con người, trong đó trực giác đóng vai trò là khâu hoàn thành của nhận thức”(4). “Suy diễn khác với trực giác bởi tính gián tiếp khi nêu ra chân lý. Điều cơ bản làm cho trực giác trở thành trực giác trí tuệ, là do nó đóng vai trò là điểm xuất phát đối với chuỗi suy diễn đối với việc rút ra một khái niệm từ khái niệm khác”(5). Như vậy, suy diễn cũng chính là diễn dịch.
Descartes khẳng định, nói đến diễn dịch là nói đến tất cả những suy luận và được rút ra từ những sự kiện đã được biết, và được tiến hành từ những tiền đề mà mọi người đều biết là đúng. Những tiền đề đúng sẽ mang lại kết luận có thể hoàn toàn đúng. Ông xác định ý nghĩa của suy luận diễn dịch chính là sự cố gắng đạt tới tính tuyệt đối trong kết luận được lý trí rút ra. Phương pháp vừa dùng trực giác vừa dùng suy luận diễn dịch đã được thể hiện trong toán học. Trong toán học, dùng trực giác để nắm bắt ý niệm cơ bản với sự phân minh tuyệt đối, sau đó lại dùng diễn dịch để phát triển, để đi từ chỗ đã biết được đến chỗ khám phá ra những chân lý mới.
Phương pháp luận của ông đề cao tri thức xác thực và toán học phổ quát để từ đó nêu ra những quy tắc quan trọng của tư duy. Đặc biệt, tác phẩm Phương pháp luận đã nêu rõ bốn nguyên tắc phương pháp luận, tập trung phát triển từ cái đơn giản đến cái phức tạp xuất phát từ “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại”: Thứ nhất, tính rõ ràng và phân minh của đối tượng. Thứ hai là phân tích đối tượng ra các yếu tố để làm rõ những khó khăn cần vượt qua, những nhiệm vụ cần giải quyết và những mục tiêu cần đạt được. Thứ ba là tính trình tự của tư duy. Từ những sự vật đơn giản, dần dần tới những sự vật, hiện tượng phức tạp. Thứ tư là lập bảng liệt kê đầy đủ, đánh giá tổng quan các sự kiện, các phát minh, giả thuyết, hệ thống và chắc chắn rằng không có điều gì chúng ta bỏ qua hết. Bốn nguyên tắc trên có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong đó, nguyên tắc thứ nhất mang tính định hướng cho sự nhận thức chân lý. Các nguyên tắc còn lại liên quan tới phương pháp của quá trình tìm kiếm chân lý.
Như vậy, nhận thức luôn bắt đầu từ những sự vật dễ nhận biết, đơn giản rồi đi đến những yếu tố đa dạng, phức tạp hơn và đạt tới chân lý. Sau khi phân tích, cần có cái nhìn tổng quát để không bỏ qua yếu tố nào của đối tượng nghiên cứu. Phương pháp nhận thức của ông đã hạ thấp vai trò của kinh nghiệm giác quan trong quá trình tìm kiếm tri thức.
Descartes sử dụng phương pháp hoài nghi là phương pháp chủ đạo để đấu tranh chống lại chủ nghĩa giáo điều. Từ nguyên tắc thứ nhất, ông khẳng định chân lý phải là cái hiển nhiên và không có chút hoài nghi nào. Đến các nguyên tắc còn lại ông đã từng bước hiện thực hóa hoài nghi và suy diễn để đi tìm chân lý. Trước tiên là loại bỏ mọi thứ đã trở thành niềm tin để có thể đi tìm kiếm chân lý phức tạp nhất. Descartes đã sử dụng phương pháp hoài nghi để loại bỏ hoài nghi và để có thể đạt tới cái bất khả nghi. Do đó những gì còn hoài nghi được xem là sai lầm: “Phương pháp hoài nghi của Descartes là sự hoài nghi phổ biến và tổng hợp, không cho phép có một giáo điều nào mà chưa trải qua cuộc thi kiểm tra, từ tất cả những gì một khi nào đó tôi đã xem là chân lý, không thể tìm ra một điều gì mà tôi có thể không hoài nghi một cách nào đó”(6). Đây là phương pháp nhận thức dựa trên tiêu chí duy lý về chân lý. Bên cạnh đó, Descartes cũng khẳng định “Tôi hoài nghi, vậy tôi có”, nghĩa là ông đã dựa vào chính hành vi tư duy để chứng minh sự tồn tại của con người. Ông có thể nghi ngờ về tất cả mọi sự vật, hiện tượng đi chăng nữa, thì sự tồn tại của con người là một thực tại không thể hoài nghi.
Hoài nghi mọi thứ để đi tìm một sự bắt đầu vững chắc làm nền tảng cho hệ thống tri thức, ông sử dụng phương pháp hoài nghi và chứng minh rằng tri thức của chúng ta không chắc chắn. Để có thể hoài nghi thì trước tiên bản thân phải tồn tại trước đã. Descartes nhận thấy mọi dạng hoạt động của lý trí đều luôn cần có một cái tôi làm chủ thể của hành động. Hoài nghi là một hình thức hoạt động của lý trí cũng vậy, bởi chủ thể của tư duy đang tư duy nên tất nhiên chủ thể ấy phải tồn tại. Vậy tư duy là một hành vi của lý trí. Như vậy, hoài nghi mang một sức mạnh phổ biến mà không một sự vật hiện tượng nào có thể tránh được. Khi đối diện với sự hoài nghi thì bất cứ ai đang tìm kiếm tri thức cũng phải nỗ lực bảo vệ tri thức. Do đó, phần lớn học thuyết đều cố gắng tìm kiếm sự che chở dưới cái bóng của uy quyền. Tuy nhiên, với Descartes lại không chịu khuất phục dễ dàng như vậy. Từ đó ông đi đến khẳng định rằng các chân lý toán học không cần chỗ dựa ở bên ngoài, chúng được bao hàm trong năng lực chung của con người như: nhận biết, lĩnh hội…
Tri thức có những đặc điểm như: mang tính khách quan, dễ tiếp cận với người có trí tuệ thông thường… Con người có thể hoài nghi mọi thứ, nhưng trong cả sự hoài nghi đó vẫn có một ốc đảo nhỏ niềm tin vào sự tồn tại của chính bản thân. Nếu con người thiếu đi niềm tin này thì không thể làm một việc gì đó. Bởi nếu chúng ta đang hoài nghi thì đồng nghĩa với việc ta đang tồn tại, hoài nghi tức là tôi đang tư duy. Đây chính là cơ sở cho tính xác thực của tri thức nhờ chỉ ra là có thể chứng minh hoặc bác bỏ sự tồn tại của cái gì bằng cách dựa vào sự tư duy. Bởi sự tư duy chính là cái mà chúng ta không thể đi xa hơn trong quá trình tìm kiếm một cái đáng tin cậy.
Xuất phát từ sự xem xét cái tôi trong mệnh đề “Tôi tư duy” và ý niệm trong lý trí của cái tôi, Descartes đã chứng minh sự tồn tại của Thượng đế. Ông thấy trong lý trí của mình ý niệm thượng đế - một hữu thể vô hạn. Ý niệm Thượng đế là vô hạn, nên nguyên nhân của nó cũng là vô hạn. Lý trí của ông vốn hữu hạn nên nguyên nhân này không thể là lý trí, mà nó phải là của chính nó - hữu thể vô hạn đó chính là Thượng đế. Do vậy, Decartes khẳng định Thượng đế tồn tại, Thượng đế là toàn hảo, hoàn thiện và không có khuyết điểm. Chính nhờ ánh sáng của tự nhiên đã dạy cho con người rằng sự dối gian sẽ thường phát sinh từ khuyết điểm nào đó, nên Thượng đế không thể lừa dối. Ông khẳng định mình sẽ không bị lừa gạt khi tuân theo khuynh hướng tự nhiên, một ý niệm rõ ràng, phân minh. Ông đã chứng minh sự tồn tại của Thượng đế và Thượng đế không phải là kẻ lừa dối, sau đó xem xét sự tồn tại của thế giới thực tại.
Theo Descartes, cái tôi mà ông biết đang tồn tại chỉ là một vật biết tư duy và vật thể như thế vẫn hoàn toàn khác với thân xác. Vậy, những ý niệm về vật thể vật chất có xuất phát từ vật thể vật chất không? Vì nếu không xuất phát từ những vật thể vật chất thì thượng đế là kẻ lừa dối và những ý niệm này sẽ nảy sinh từ nguyên nhân những vật thể có thân xác. Do đó, phải thừa nhận những vật thể có thân xác phải tồn tại, nên những vật thể vật chất tồn tại. Trong khi sử dụng phương pháp hoài nghi ông đã không dừng lại trước bất kỳ điều gì và hoàn toàn ý thức được sự hoài nghi của mình về sự thống trị của Thượng đế. Niềm tin không thuộc về lý tính mà nó thuộc về ý chí, cách ứng xử buộc con người phải tuân thủ. Học thuyết của Descartes là chủ nghĩa chống hoài nghi - chủ nghĩa đã khắc phục thành công sự hoài nghi. Học thuyết hoài nghi của Descartes không phải là sự phủ định siêu hình mà là sự phủ định phủ định để khẳng định có sự lựa chọn. Triết học của ông đã mở ra một nấc thang mới trên con đường từ chủ nghĩa hoài nghi đến triết học khai sáng.
Như vậy, với luận điểm “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại” Descartes đã đặt nền móng mới và tiếp tục đi xét về bản chất của chủ thể tư duy và quan niệm bản chất của chủ thể tư duy là tư duy.
3. Một số giá trị và hạn chế về trong nhận thức luận của Descartes
Chủ nghĩa duy lý của Descartes đã góp phần định hướng nhận thức luận và phương pháp luận. Ông đã mở đường cho cuộc cách mạng tư tưởng, đấu tranh chống lại chủ nghĩa kinh viện, phản khoa học, đồng thời ủng hộ cho sự phát triển của nền khoa học mới. Theo ông, cần phải phá vỡ những định kiến cũ để xây dựng một nền tảng tư duy lý luận có tính phê phán, thiết lập một hệ thống triết học và khoa học thực sự vững chắc bắt nguồn từ ánh sáng tự nhiên của lý trí.
Thứ nhất, mở đường cho nền triết học mới. Trong lịch sử triết học cổ đại, thế giới giữ vị thế quan trọng nhất còn con người chỉ giữ vị trí rất nhỏ trong thế giới. Giữ tinh thần đó, triết học thời kỳ Trung cổ đã không thể tạo ra yếu tố nào mới hơn. Đến thời đại của Descartes, ông đã có đóng góp rất lớn trong việc khai mở tinh thần khoa học mới, nền triết học mới - được mệnh danh là nền triết học tinh thần hay triết học về con người. Sự khai mở của ông thật sự là một cuộc cách mạng lớn, Descartes có công lao lớn trong việc hệ thống hóa lập trường triết học mới. Trong đó, phương pháp hoài nghi được ông sử dụng để khai mở cho triết học của mình. Cuộc cách mạng trong triết học của ông có vai trò quan trọng trong lịch sử triết học, mở ra con đường mới cho triết học thời mới - nền triết học tinh thần. Đặc biệt là sự tác động và mở đường cho triết học của các nhà tư tưởng tiêu biểu như Kant, Hegel… và nền triết học sau này.
Thứ hai, xây dựng hệ thống phương pháp mới làm nền tảng cho sự phát triển của khoa học. Descartes dành nhiều thời gian để nghiên cứu khoa học, mong muốn xây dựng một nền triết học có lợi ích thiết thực và loại bỏ những tư tưởng lỗi thời. Bên cạnh đó, ông đã đưa ra nhiều tư tưởng tiến bộ. Trong đó, ông khẳng định cái gì cũng phải xác minh rõ ràng mới có thể tin tưởng được. Descartes sử dụng phương pháp hoài nghi, để hoài nghi tất cả. Tất cả mọi sự vật, hiện tượng đều phải đứng trước lý chí. Với phương pháp mới này, Descartes thật sự là nhà tư tưởng cách mạng. Đặc biệt là phá vỡ lối mòn của logic hình thức, chống lại triết học thần bí, đề cao triết học thực tiễn và con người làm chủ tự nhiên. Đây là những tư tưởng cách mạng và tiến bộ của Descartes.
Thứ ba, phương pháp suy luận diễn dịch. Đề cao phương pháp này, ông cho rằng đây là phương pháp nghiên cứu phù hợp. Descartes đưa ra các suy luận của mình thông qua con đường diễn dịch. Trong khi phương pháp tổng hợp được xây dựng dựa trên cơ sở của hình học nhưng không có căn cứ trong siêu hình học và không bảo đảm được sự xác minh rõ ràng về chân lý. Thực hiện bước chuyển từ phương pháp tổng hợp sang phương pháp suy luận diễn dịch, ông đã đóng góp quan trọng trong việc chống lại triết học kinh viện, đánh dấu sự bước chuyển từ phép biện chứng tự phát lên bậc thang của logic biện chứng. Descartes đề cao phương pháp diễn dịch trong nhận thức và coi nó chính là phương pháp cơ bản của triết học. Tư tưởng của ông đã góp phần nâng cao giá trị con người và có ảnh hưởng sâu sắc đến các nhà tư tưởng sau này. Descartes mong muốn phương pháp mới và khoa học của ông sẽ đưa con người lên địa vị trở thành trung tâm của vạn vật. Đây thật sự là tư tưởng nhân văn, góp phần nối với chủ nghĩa duy vật.
Bên cạnh những ưu điểm thì triết học của Descartes cũng tồn tại những hạn chế nhất định như:
Thứ nhất, trong nhận thức của Descartes thể hiện tính duy tâm. Do ảnh hưởng bởi thời đại của mình nên tư tưởng của ông chịu ảnh hưởng của nền triết học kinh viện và tôn giáo. Ông thừa nhận sự tồn tại của Thượng đế và Thượng đế là sự bảo đảm cho quá trình nhận thức của chủ thể nhận thức. Khi phê phán tính chất giáo điều của triết học kinh viện thì ông lại rơi vào sự sùng bái khác - đó chính là quá đề cao lý tính.
Thứ hai, cũng xuất phát từ luận điểm “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại”, Descartes đã quy con người và chủ thể nhận thức về cái tôi hiện hữu như một tinh thần. Con người theo quan niệm của Descartes chỉ là tư duy hay hành vi của tư duy mà thôi. Ông quá đề cao lý tính, coi đó là chuẩn mực, thước đo của chân lý. Tuy nhiên, đây cũng là điểm thể hiện hạn chế trong tư tưởng của Descartes khi đi chứng minh sự tồn tại của con người bằng tư duy và tư duy tồn tại tách biệt với chủ thể. Dẫn đến sự nhầm lẫn giữa vật hiểu biết với lý chí, đây là năng lực của người hiểu biết. Theo ông, trong lý chí của con người có những tư tưởng độc lập với kinh nghiệm, các nguyên tắc cơ bản của toán học và lôgích học là những cái tồn tại bẩm sinh và không phụ thuộc vào kinh nghiệm.
Thứ ba, Descartes cho rằng đối tượng của triết học là tư duy, các phương pháp, nguyên tắc của nó được phát triển cùng nhau tạo thành một quá trình thống nhất. Trong đó, phương pháp nhận thức mới mà ông đạt được rất quan trọng, tuy nhiên ông lại chưa nhận thức được nguồn gốc của nó. Vì vậy, với những ưu điểm và hình thức tư biện trong phương pháp của mình đã làm cản trở việc làm rõ sự phát sinh của nó.
Thứ tư, Descartes nhận thức đúng vai trò của phương pháp là công cụ quan trọng để có thể đạt được tính phân minh rõ ràng của tri thức. Tuy nhiên, ông lại không nhận thức được thực tiễn chính là tiêu chuẩn của chân lý. Ông tuyệt đối hóa vai trò của lý chí, đưa lý chí lên vị trí hàng đầu trong lý luận nhận thức. Chính vì quá đề cao lý tính nên dẫn đến việc coi nhẹ vai trò của cảm tính và rơi vào sự phiến diện một chiều trong suốt quá trình nhận thức.
4. Giá trị tham khảo
Descartes đã xây dựng lại triết học bằng cách tìm ra cơ sở mới. Theo ông để có được những tri thức vững chắc trong quá trình nhận thức thì phải cải tạo ở chính bên trong triết học và tạo ra các nguyên lý.
Một là, trong nhận thức luận Descartes đề cao lý tính, tuyệt đối hóa vai trò của lý tính, tin tưởng vào lý chí, khoa học, các phương pháp mới. Ông thể hiện mong muốn xây dựng một nền triết học mới phải rõ ràng, xác thực. Tuy nhiên, do Descartes chưa phân biệt được sự khác nhau giữa triết học với các khoa học khác nên ông đã xây dựng phương pháp chung cho mọi hoạt động của trí tuệ. Công lao vô cùng to lớn của ông trong việc xây dựng nền triết học mới, đồng thời đưa nó trở về vị trí xứng đáng sau hàng nghìn năm đêm trường Trung cổ. Đó chính là vị thế của lý tính thuần túy.
Hai là, về phương pháp luận nhận thức. Để xây dựng nền triết học mới, Descartes đã sử dụng phương pháp hoài nghi để loại trừ những hoài nghi và đạt tới cái bất khả nghi - tức cái hiển nhiên. Descartes đã xây dựng nguyên tắc cơ bản của phương pháp trong nhận thức luận, chỉ rõ cách thức vận dụng lý tính một cách hiệu quả nhất trên con đường tìm kiếm chân lý. Trên cơ sở đó, ông đã xây dựng hệ thống phương pháp mới làm nền tảng cho sự phát triển của khoa học. Theo ông, hoài nghi chính là một hình thái của tư duy, trong đó đương nhiên hành vi tư duy là không thể bị hoài nghi, chính vì thế không thể hoài nghi về sự tồn tại của con người. Nhận thức của con người không được chỉ dừng ở nhận thức cảm tính mà phải vươn lên khả năng cao nhất của trí tuệ đó là ánh sáng tự nhiên. Descartes đã đề ra các nguyên tắc cơ bản cho nhận thức và từng bước hiện thực hóa các nguyên tắc đó để xây dựng nên nền triết học của ông. Nhận thức luận của Descartes có giá trị và ảnh hưởng sâu sắc đến những tư tưởng triết học sau này, tiêu biểu như Kant, Husserl… là những bộ óc bách khoa của thế kỷ XVIII.
Ba là, thế kỷ XVII - XVIII là thời đại mà các khoa học về tự nhiên, xã hội đã tách dần khỏi triết học và dẫn đến sự thay đổi của đối tượng triết học. Các nhà triết học tập trung vào giải quyết hai vấn đề cơ bản là nhận thức luận và bản thể luận. Vấn đề nhận thức luận luôn được quan tâm hơn cả. Trong đó, vấn đề tìm kiếm phương pháp luận chung, bản chất của tư duy là nhiệm vụ trọng tâm. Nhiệm vụ thực chất của quá trình nhận thức là: cơ sở, nguồn gốc của nhận thức, kinh nghiệm, cảm tính, tư duy lôgích, chân lý…
Để giải quyết những vấn đề đó, nhận thức luận đã phân thành hai khuynh hướng: duy lý và kinh nghiệm. Chủ nghĩa duy lý với các nhà triết học tiêu biểu như Descartes, Spinoza, Leibniz… đã đi giải thích cơ sở lôgích của tính phổ biến, tính tất yếu của các chân lý toán học. Ngược lại, chủ nghĩa kinh nghiệm với các nhà tư tưởng tiêu biểu như Bacon, Hobbes, J.Locke, D.Hume… lại dựa vào khoa học tự nhiên thực nghiệm.
Những thành tựu to lớn mà những ngành này đạt được thông qua sự quan sát, thí nghiệm sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có sự tác động của cơ quan cảm giác. Do vậy, các nhà tư tưởng đã đề cao kinh nghiệm, cảm tính mà nguồn gốc trực tiếp chính là xuất phát từ chính thực tại khách quan. Hai khuynh hướng chủ đạo trong nhận thức này đã góp phần phản ánh rõ nét đặc trưng và trình độ nhận thức đương thời. Chủ nghĩa duy lý đã đề cao tư duy trừu tượng, chủ nghĩa kinh nghiệm đề cao trực quan cảm tính.
5. Kết luận
Lịch sử phát triển triết học đã góp phần tạo nên bức tranh sinh động của đời sống tinh thần. Mặc dù mang màu sắc cực đoan, phiến diện nhưng các nhà tư tưởng tiên phong của thời đại đều đã cố gắng thể hiện tính hiệu quả thực tiễn của tri thức, hướng đến hoạt động của con người và giúp họ khẳng định mình. Các nhà triết học đi sau tiếp tục kế thừa những giá trị trong triết học của Descartes để xác thực được những giá trị của trí tuệ con người mà không cần dựa vào một lực lượng tối cao, huyền bí cũng có thể hiểu được bản chất của tự nhiên, xã hội và con người đó chính là chủ nghĩa duy vật biện chứng.
_________________
Ngày nhận bài: 11-6-2024; Ngày bình duyệt: 14-6-2024; Ngày duyệt đăng: 14-7-2024.
(1) G.W.F Hêghen: Các bài giảng về lịch sử triết học, Band III, 3 Auflage, Suhrkamp, Frank am Main, 1996, tr.126.
(2), (6) Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô: Lịch sử phép biện chứng, t.2, Phép biện chứng thế kỷ XIV-XVIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.195, 198-199.
(3) Trần Thái Đỉnh: Triết học Descartes, Nxb Văn học, 2005, tr.46.
(4), (5) Đinh Ngọc Thạch: Tập bài giảng Lịch sử triết học phương Tây, Thành phố Hồ Chí Minh, 2011, tr.46, 47.