(LLCT) - Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức của nhân loại trong thế kỷ XXI. Việt Nam là quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, trong đó, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số thường bị ảnh hưởng nặng nề. Bài viết nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới dân tộc thiểu số người Cơ ho, giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu mà người Cơ ho áp dụng từ đó đề xuất những giải pháp hỗ trợ các dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
ThS PHẠM HỒNG HẢI
Trường Đại học Đà Lạt
1. Mở đầu
Việt Nam đứng thứ sáu trong các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH), trong giai đoạn 2016 - 2020, mỗi năm thiên tai gây thiệt hại cho Việt Nam khoảng 32.000 tỷ đồng, tương đương với 0,5% GDP(1). Những tác động này không chỉ gây ra tổn thất về kinh tế mà còn ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của cộng đồng dân cư, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Người Cơ ho là DTTS sinh sống chủ yếu tại tỉnh Lâm Đồng, sinh kế chủ đạo của người Cơ ho dựa vào trồng trọt, chăn nuôi và một số nghề thủ công nên chịu ảnh hưởng rõ rệt của BĐKH. Các thay đổi cực đoan của BĐKH như lượng mưa, nhiệt độ tăng cao và sự gia tăng các hiện tượng thiên tai khiến người Cơ ho không chỉ đối mặt với sự suy giảm năng suất cây trồng, mất mùa ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và đời sống mà còn tạo ra những áp lực về mặt xã hội và văn hóa. Trong bối cảnh đó, việc tìm kiếm và triển khai các giải pháp sinh kế bền vững nhằm nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH và bảo đảm đời sống ổn định cho các hộ gia đình Cơ ho là một nhiệm vụ cấp thiết.
2. Nội dung
2.1. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sinh kế hộ gia đình
Ảnh hưởng đến trồng trọt. BĐKH gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động trồng trọt của hộ gia đình người Cơ ho, đặc biệt là cây cà phê, loại cây trồng chủ lực của địa phương (Bảng 1). Kết quả khảo sát 400 hộ gia đình cho thấy, 92,6% hộ gia đình Cơ ho cho biết nhiệt độ tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu nước tưới trầm trọng, đặc biệt là trong mùa khô. Nhiệt độ cao khiến đất đai khô cằn và ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây cà phê (67,0%). Hậu quả là năng suất cà phê giảm đáng kể, đồng chất lượng hạt cà phê suy giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của các hộ gia đình.
Bảng 1. Ảnh hưởng tiêu cực của hiện tượng nhiệt độ tăng cao đến trồng trọt
Những ảnh hưởng | Ý kiến của người dân(%) |
1. Thiếu nước tưới | 92.6 |
2. Chi phí đầu tư tăng | 51.2 |
3. Dịch bệnh phát triển | 59.1 |
4. Đất đai khô cằn, cây chậm phát triển | 67.0 |
5. Khô quả, rụng quả | 65.7 |
6. Chất lượng sản phẩm giảm | 58.3 |
Nguồn: Kết quả khảo sát 400 hộ gia đình Cơ ho tại Di Linh, Lâm Đồng, năm 2024
Nhiệt độ cao cũng làm gia tăng các loại sâu bệnh (59,1%) trên cây trồng, các hộ gia đình phải sử dụng thêm thuốc bảo vệ thực vật, làm tăng chi phí đầu tư (51,2%). Đối với các hộ gia đình Cơ ho, vốn có thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, việc chi phí tăng cao mà không có nguồn thu nhập bổ sung đã gây khó khăn cho cuộc sống của họ.
Cùng với tăng cao của nhiệt độ thì sự thay đổi của lượng mưa cũng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến trồng trọt (Bảng 2). 69,8% người dân cho biết hoa cây cà phê nở không đồng đều vào lúc giao mùa, dẫn đến tỷ lệ đậu quả thấp. Sự thay đổi bất thường của mùa mưa và mùa khô khiến cây cà phê không có đủ độ ẩm cần thiết trong thời điểm quan trọng, từ đó ảnh hưởng đến năng suất của cả vụ mùa.
Bảng 2. Ảnh hưởng của việc thay đổi thời gian mùa mưa và mùa khô đến trồng trọt
Những ảnh hưởng | Ý kiến của người dân(%) |
1. Hoa nở bất thường lúc giao mùa, tỷ lệ đậu quả thấp | 69.8 |
2. Dịch bệnh phát triển | 62.0 |
3. Thu hoạch và bảo quản nông sản gặp khó khăn | 44.8 |
4. Thu nhập từ trồng trọt giảm sút | 36.5 |
Nguồn: Kết quả khảo sát 400 hộ gia đình Cơ ho tại Di Linh, Lâm Đồng, năm 2024
Sự thay đổi thất thường của mùa mưa, mùa khô làm cho độ ẩm và nhiệt độ không ổn định, tạo điều kiện lý tưởng cho nấm, sâu hại lây lan, làm ảnh hưởng đến cây trồng. Các hộ gia đình nhận định dịch bệnh dễ phát triển hơn khi thay đổi mùa (62,0%). Ngoài ra, việc thay đổi thời gian mùa mưa và mùa khô còn ảnh hưởng đến việc thu hoạch, bảo quản nông sản (44,8%) và thu nhập từ trồng trọt cũng giảm sút (36,5%). Sự thay đổi bất thường của thời tiết khiến người nông dân không thể chủ động trong việc lên kế hoạch sản xuất, từ đó gia tăng rủi ro và làm giảm hiệu quả kinh tế của các hoạt động trồng trọt.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện ngày càng phổ biến của các hiện tượng thời tiết cực đoan (hạn hán, mưa đá, giông, lốc xoáy,..) cũng ảnh hưởng đến hoạt động trồng trọt của người Cơ ho, trong đó giảm năng suất (76,8%) và cây trồng bị chết (73,5%) là hai ảnh hưởng lớn nhất được hộ gia đình phản ánh. Tỷ lệ này phản ánh mối đe dọa đối với sinh kế của người dân địa phương (bảng 3).
Bảng 3. Ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết cực đoan đến trồng trọt
Các ảnh hưởng | Ý kiến của người dân(%) |
1. Diện tích canh tác giảm | 28.5 |
2. Năng suất giảm | 76.8 |
3. Cây sinh trưởng chậm | 52.2 |
4. Cây trồng bị chết | 73.5 |
5. Thiếu nước tưới | 68.0 |
6. Dịch bệnh | 44.8 |
7. Đất bị xói mòn, thoái hóa | 41.0 |
8. Mất mùa | 39.0 |
9. Rửa trôi phân bón, thuốc bảo vệ thực vật | 15.0 |
Nguồn: Kết quả khảo sát 400 hộ gia đình Cơ ho tại Di Linh, Lâm Đồng, năm 2024
Trong các tác động của các hiện tượng cực đoan thì thiếu nước tưới là một trong những vấn đề phổ biến (68,0%), điều này cho thấy tài nguyên nước đang dần trở nên khan hiếm. Sự thiếu hụt nước dẫn đến sinh trưởng chậm của cây trồng (52,2%) làm giảm năng suất và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hộ gia đình. Đồng thời, sự tăng lên của dịch bệnh trên cây trồng (44,8%) và đất bị xói mòn, thoái hóa (41,0%) là những hậu quả dài hạn, cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa khí hậu và chất lượng môi trường đất. Có thể thấy, các tác động này không chỉ làm suy giảm năng suất, thu nhập của hộ gia đình Cơ ho mà còn ảnh hưởng toàn diện đến hệ sinh thái nông nghiệp, gây ra nhiều thách thức đối với việc bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững.
Ảnh hưởng đến chăn nuôi. Chăn nuôi không phải là thế mạnh của hộ gia đình Cơ ho. Nhưng, đây vẫn là một nguồn thu nhập quan trọng của nhiều gia đình người Cơ ho. BĐKH ảnh hưởng đến vật nuôi do nhiệt độ gia tăng, điều kiện sức khỏe giảm, giảm năng suất dẫn tới làm giảm khả năng duy trì hoạt động chăn nuôi một cách bền vững.
Bảng 4. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến chăn nuôi hộ gia đình Cơ ho
Các ảnh hưởng | Ý kiến của người dân(%) |
1. Vật nuôi sinh trưởng chậm | 37.5 |
2. Năng suất giảm | 54.2 |
3. Thay đổi thói quen sinh sản của vật nuôi | 14.6 |
4. Thiếu nước cho chăn nuôi | 22.9 |
5. Dịch bệnh nhiều | 56.2 |
6. Mất trắng lứa nuôi | 16.7 |
7. Nguồn thức ăn khan hiếm | 14.6 |
8. Hư hỏng chuồng trại | 8.3 |
Nguồn: Kết quả khảo sát 400 hộ gia đình Cơ ho tại Di Linh, Lâm Đồng, năm 2024
Số liệu bảng 4 chỉ ra rằng BĐKH làm gia tăng dịch bệnh trên vật nuôi (56,2%). Điều này cho thấy hạn hán, nắng nóng và những thay đổi bất thường của thời tiết đã làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho sự gia tăng bùng phát của các loại dịch bệnh và tử vong ở vật nuôi. Bên cạnh đó, thay đổi lượng mưa cũng có thể ảnh hưởng rộng đến sự di chuyển dịch bệnh trong điều kiện ẩm ướt, bên cạnh gây ra nhiều dịch bệnh hơn thì thay đổi thời tiết cùng làm giảm năng suất chăn nuôi (54,2%), điều này cho thấy thời tiết khắc nghiệt không chỉ làm giảm khả năng phát triển của vật nuôi mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng và lợi nhuận của các hộ chăn nuôi.
2.2. Giải pháp phát triển sinh kế bền vững của hộ gia đình Cơ ho thích ứng với biến đổi khí hậu
Trước những ảnh hưởng của BĐKH đến đời sống, sản xuất, thu nhập, người dân Cơ ho đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo vệ và phát triển các nguồn sinh kế của gia đình. Từ cách tiếp cận sinh kế bền vững những biện pháp này có ý nghĩa lớn để hộ gia đình duy trì hoạt động sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi và vượt qua khó khăn.
Bảng 5. Biện pháp thích ứng sinh kế với BĐKH của hộ gia đình Cơ ho
Biện pháp thích ứng với BĐKH | Trong trồng trọt (%) | Trong chăn nuôi (%) |
1. Đầu tư nhiều chi phí hơn | 57.8 | 43.5 |
2. Tăng ngày công lao động | 20.1 | 21.7 |
3. Thay đổi phương thức canh tác | 11.8 | - |
4. Thay đổi kỹ thuật canh tác/chăn nuôi | 30.2 | 13.0 |
5. Giảm quy mô sản xuất/chăn nuôi | 11.6 | 41.3 |
6. Điều chỉnh lịch thời vụ | 25.1 | - |
7. Thay đổi giống cây trồng/vật nuôi | 59.3 | 30.4 |
8. Cải thiện hiệu quả tưới tiêu | 37.7 | - |
Nguồn: Kết quả khảo sát 400 hộ gia đình Cơ ho tại Di Linh, Lâm Đồng, năm 2024
Thay đổi giống cây trồng/vật nuôi
Việc thay đổi giống cây trồng, vật nuôi để phù hợp với điều kiện BĐKH là một trong những biện pháp thích ứng quan trọng mà hộ gia đình người Cơ ho áp dụng (59,3%). Việc lựa chọn các giống có khả năng chịu hạn, kháng sâu bệnh và sinh trưởng nhanh sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo đảm năng suất và giảm thiểu rủi ro. Theo điều tra, các hộ gia đình Cơ ho ở Di Linh đã chuyển sang trồng cà phê ghép gốc cà phê mít (giống 138), lúa đài thơm và ST25,… đây là các giống cây có khả năng chịu hạn, kháng bệnh tốt mà vẫn bảo đảm năng suất cao giúp hộ gia đình Cơ ho ứng phó tốt hơn với ảnh hưởng của BĐKH. Đối với các loài vật nuôi, việc thay đổi giống vật nuôi cũng đã được triển khai tích cực, nhất là những giống gia súc và gia cầm có khả năng kháng bệnh cao.
Việc lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi theo các tiêu chí như năng suất, khả năng chống chịu, thời gian sinh trưởng và kháng sâu bệnh là một phần không thể thiếu trong chiến lược sinh kế của các hộ gia đình, phản ánh sự nỗ lực ứng phó tốt hơn với ảnh hưởng của BĐKH của người Cơ ho.
Đầu tư nhiều hơn cho sản xuất
Đầu tư nhiều hơn vào sản xuất là một biện pháp được các hộ gia đình Cơ ho áp dụng rộng rãi để cải thiện khả năng chống chịu và duy trì năng suất nông nghiệp trong điều kiện BĐKH (57,8%). Sự đầu tư này trong trồng trọt có thể bao gồm việc mua thêm phân bón, thuốc trừ sâu hoặc các công cụ hỗ trợ để tăng năng suất lao động và bảo vệ cây trồng khỏi ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt; trong chăn nuôi là xây dựng chuồng trại, nâng cao chất lượng thức ăn, phòng bệnh và đầu tư vào công nghệ hiện đại không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu tăng năng suất mà còn nhằm mục tiêu duy trì sức khỏe và chất lượng của đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, việc mua máy bơm, thùng chứa nước đã trở thành nhu cầu bắt buộc đối với nhiều hộ gia đình trong mùa khô. Tuy nhiên, việc gia tăng chi phí cũng đi kèm với rủi ro tài chính cho các hộ gia đình khi chi phí đầu vào tăng mà giá bán sản phẩm không ổn định.
Cải thiện hiệu quả tưới tiêu
Đây là giải pháp chiếm tỷ lệ cao thứ ba được các hộ gia đình Cơ ho lựa chọn (37,7%). Giải pháp này tập trung vào việc sử dụng các kỹ thuật và công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện kinh tế của hộ gia đình. Một trong những cải tiến quan trọng là các hộ gia đình sử dụng hệ thống tưới phun mưa cục bộ, không chỉ tiết kiệm từ 30 -60% lượng nước so với phương pháp thông thường mà còn tăng hiệu quả sử dụng phân bón đến 20 - 30%, giảm công lao động tưới nước và bón phân đến 90%, nâng cao giá trị thu nhập và góp phần bảo vệ môi trường(2). Bên cạnh đó, một số biện pháp trữ nước, cải thiện hiệu quả tưới tiêu truyền thống cũng được sử dụng để thích ứng với BĐKH nhất là khi hạn hán, như đào ao, trữ nước, khoan giếng, kéo ống lấy nước từ đầu nguồn.
Thay đổi kỹ thuật và phương thức canh tác
Thay đổi phương thức và kỹ thuật canh tác là một hướng đi đặc biệt quan trọng trong việc thích ứng với BĐKH. Các hộ gia đình Cơ ho đã chuyển sang áp dụng các phương pháp canh tác hữu cơ, xen canh và luân canh để bảo vệ đất đai và tăng hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, các hộ gia đình còn tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc trừ sâu sinh học nhằm giảm thiểu tác hại đến môi trường. Tuy nhiên, để triển khai việc thay đổi kỹ thuật và phương thức rộng rãi đòi hỏi nguồn lực đào tạo và tuyên truyền lâu dài.
Di cư lao động
Di cư lao động được xem là một biện pháp thích ứng khả thi với BĐKH, nhất là trong các cộng đồng DTTS phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp truyền thống. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ gia đình Cơ ho tại huyện Di Linh có lao động đi làm ăn xa thấp (6,0%). Lý do liên quan đến các yếu tố văn hóa, nguồn lực hạn chế hoặc thiếu thông tin và sự hỗ trợ cần thiết để thúc đẩy di cư lao động. Tỷ lệ di cư thấp cũng có thể xuất phát từ sự phụ thuộc cao vào điều kiện kinh tế của người Cơ ho chủ yếu là nông nghiệp tự cung tự cấp hoặc chăn nuôi nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, trình độ học vấn thấp là một yếu tố hạn chế khả năng tiếp cận công việc tốt hoặc cơ hội di cư lao động ở các lĩnh vực yêu cầu trình độ cao hơn.
2.3. Giải pháp hỗ trợ người dân Cơ ho thích ứng với biến đổi khí hậu
Để bảo đảm sự bền vững trong sinh kế của người Cơ ho thích ứng với BĐKH, ngoài sự nỗ lực cộng đồng người Cơ ho thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương các cấp và hỗ trợ hộ gia đình Cơ ho trong việc thiết kế và triển khai các chính sách thích ứng.
Thứ nhất, đối với chính quyền địa phương, cần tổ chức các chương trình tập huấn kỹ thuật canh tác bền vững, đặc biệt các nông sản mà địa phương có thế mạnh là cà phê và lúa, giúp người dân cải thiện năng suất và giảm thiểu rủi ro bởi BĐKH. Đầu tư hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông nghiệp, như hệ thống thủy lợi, hồ chứa nước quy mô nhỏ và đường giao thông nội đồng nhằm bảo đảm nước phục vụ hoạt động nông nghiệp và đời sống hàng ngày. Tăng cường hỗ trợ tài chính và kỹ thuật thông qua các gói vay ưu đãi, cung cấp giống cây trồng/vật nuôi chịu hạn và vật tư nông nghiệp. Xây dựng hệ thống kết nối thị trường, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và phát triển thương hiệu nông sản đặc trưng của người Cơ ho.
Thứ hai, cần loại bỏ tư tưởng thụ động, trông chờ, ỷ lại; phát huy ý thức chủ động, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào Cơ ho để họ chủ động tiếp cận các chương trình đào tạo và áp dụng các kỹ thuật canh tác mới. Tăng cường công tác hướng nghiệp, chuyển đổi nghề nghiệp, giảm phụ thuộc vào nông nghiệp và tăng cường thu nhập, tập trung vào lĩnh vực phi nông nghiệp như thủ công mỹ nghệ, dịch vụ hoặc làm việc trong khu công nghiệp; tăng cường liên kết cộng đồng để chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và tận dụng mạng lưới xã hội nhằm giảm thiểu chi phí và tăng hiệu quả kinh tế.
Thứ ba, Nhà nước cần xây dựng các chính sách tài chính dài hạn bao gồm bảo hiểm nông nghiệp và gói vay không lãi suất để hỗ trợ các nhóm DTTS dễ bị tổn thương do BĐKH. Bên cạnh đó, đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp quy mô lớn, kết hợp với chương trình tái tạo rừng và bảo tồn đất để bảo đảm nguồn tài nguyên bền vững. Nhà nước cần đẩy mạnh hơn các chương trình giáo dục và đào tạo nghề quốc gia dành riêng cho các cộng đồng DTTS, hướng đến các lĩnh vực công nghiệp nhẹ và dịch vụ có tiềm năng phát triển.
3. Kết luận
Các biện pháp thích ứng với BĐKH của hộ gia đình Cơ ho phản ánh sự đa dạng trong cách thức và khả năng ứng phó của đồng bào DTTS. Trong bối cảnh BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, đặc biệt trong đó có đồng bào DTTS, do đó, để bảo đảm sinh kế cho họ cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc thúc đẩy mô hình sinh kế bền vững không chỉ là giải pháp ứng phó cấp bách mà còn là chiến lược lâu dài nhằm bảo vệ cộng đồng dễ tổn thương. Chính sách của nhà nước, sự phối hợp hiệu quả giữa chính quyền địa phương, hộ gia đình sẽ là chìa khóa để xây dựng sinh kế bền vững, bảo đảm người Cơ ho thích ứng với tác động của BĐKH.
_________________
Ngày nhận bài: 12-02-2025; Ngày bình duyệt: 02-3-2025; Ngày duyệt đăng:08-4-2025.
Email tác giả: haiph@dlu.edu.vn
(1) Công bố nghiên cứu đầu tiên về tác động của biến đổi khí hậu gây bất bình đẳng, https://baochinhphu.vn, ngày 16-8-2022.
(2) Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, “Một số tiến bộ kỹ thuật nổi bật thích ứng với biến đổi khí hậu phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp cho vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên”, Kỷ yếu Hội thảo Quốc gia về Khoa học Cây trồng lần thứ hai, 2016, tr 61-64.