Diễn đàn

Quan hệ chính trị quốc tế và thời cơ phát triển của Việt Nam theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

27/07/2024 15:05

(LLCT) - Đại hội XIII thể hiện quyết tâm cao độ của Đảng về nắm bắt thời cơ phát triển để Việt Nam bứt phá, “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Bài viết luận giải về thời cơ phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới theo tinh thần Đại hội XIII dưới góc nhìn quan hệ chính trị quốc tế, đồng thời đề xuất một số kiến nghị để hiện thực hóa thời cơ trước những khó khăn, thách thức đặt ra đối với Việt Nam trong thời gian tới.

TS PHÙNG CHÍ KIÊN
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,
Đại học Quốc gia Hà Nội

Đại hội XIII: Muốn phồn vinh - hạnh phúc phải có khát vọng
Đại hội XIII thể hiện quyết tâm cao độ của Đảng về nắm bắt thời cơ phát triển để Việt Nam bứt phá _ Ảnh: vietnamnet.vn

1. Khát vọng và thời cơ phát triển của Việt Nam theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

Đại hội XIII của Đảng diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đứng trước những biến đổi to lớn cả trong và ngoài nước, mang tới nhiều cơ hội cũng như thách thức trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Về phương diện lý luận, một trong những điểm nhấn đặc biệt của Đại hội XIII là những mục tiêu lớn mà Đảng xác định cho quá trình đổi mới sắp tới của Việt Nam.

Thứ nhất, tầm nhìn chiến lược dài hạn cũng như quyết tâm bứt phá trong sự nghiệp đổi mới thông qua mục tiêu tổng quát của Đại hội. Cụ thể, Đại hội XIII không chỉ đề ra mục tiêu cho nhiệm kỳ tiếp theo, mà còn mở rộng mục tiêu cho đến giữa thế kỷ XXI, trong đó có nội dung: “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; (...) phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(1).

“Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước” và “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” là những mục tiêu rất mới, có tính đột phá của Đại hội XIII.

Thứ hai, Đảng xác định rõ những mục tiêu cụ thể cho từng nấc thang phát triển của Việt Nam tính đến giữa thế kỷ XXI.

Nghị quyết Đại hội XIII nêu rõ, “Mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(2).

Khác với các Đại hội trước, mục tiêu tổng quát của Đại hội lần này (trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN tính đến giữa thế kỷ XXI) đã được cụ thể hóa bằng những mốc thời gian cụ thể theo các năm: 2025, 2030, 2045 và có khả năng định lượng một cách tương đối theo những tiêu chuẩn được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Cụ thể, nếu xét theo tiêu chuẩn hiện nay, để trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam cần đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD/năm; để trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030, GDP bình quân đầu người của Việt Nam cần đạt khoảng 7.500 USD/năm; để trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, GDP bình quân đầu người của Việt Nam cần đạt trên 12.535 USD/năm(3).

Dù Văn kiện Đại hội XIII không trực tiếp phân tích sâu về sự xuất hiện của thời cơ phát triển mới, nhưng dấu ấn của nó vẫn được thể hiện xuyên suốt trong tinh thần chung của toàn Đảng trước, trong và sau Đại hội. Trước hết, Đảng thể hiện thái độ thận trọng cần thiết khi đặt thời cơ phát triển trong mối quan hệ với những khó khăn, thách thức khác, theo đó “trong những năm tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen”(4).

Mặt khác, sự nhấn mạnh về thời cơ phát triển được thể hiện rõ. Nội dung Báo cáo Chính trị của Đại hội khẳng định, một trong những bài học kinh nghiệm là “...đánh giá đúng xu thế, nắm bắt trúng thời cơ. Phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của đất nước kết hợp với sức mạnh của thời đại”(5).

Để thực hiện những mục tiêu đã đề ra, Báo cáo Chính trị của Đại hội cũng đặt yêu cầu “toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải chủ động, nhạy bén nắm chắc thời cơ”(6) ở vị trí hàng đầu so với những yêu cầu khác. Hơn nữa, chính những mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể và quyết tâm khơi dậy khát vọng dân tộc trong các văn kiện cũng gián tiếp làm nổi bật tầm quan trọng của thời cơ phát triển tại Đại hội lần này.

Việc phát hiện và nắm bắt triệt để thời cơ phát triển của đất nước trong thời gian tới là một trong những yếu tố rất quan trọng cho thấy, niềm tin và quyết tâm chính trị lớn sẽ đạt được kết quả như kỳ vọng nếu nắm bắt và chớp được thời cơ.

Nhìn lại quá khứ, sau khi miền Nam được giải phóng hoàn toàn vào năm 1975, đất nước Việt Nam cũng đã từng đứng trước những thời cơ, vận hội mới với khí thế và quyết tâm cao độ để thực hiện công cuộc xây dựng CNXH. Thế nhưng, vì những lý do khác nhau, trong đó có tư duy chủ quan, duy ý chí, việc thực hiện nhiều chính sách của Việt Nam trong những năm 1975 - 1985 đã diễn ra một cách nóng vội, xa rời thực tiễn, là một phần nguyên nhân khiến đất nước rơi vào giai đoạn đầy khó khăn trước đổi mới.

Công cuộc xây dựng CNXH của Việt Nam hiện nay và trong tương lai còn nhiều khó khăn, bởi “cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội”(7).

Để góp phần xác định rõ hơn những quan điểm phù hợp với quá trình phát triển tiếp theo của đất nước, việc nhận diện, đánh giá về thời cơ phát triển là một nhiệm vụ lý luận cấp bách, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại phiên họp đầu tiên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII (ngày 18-2-2021): “Phải bắt tay ngay vào công việc[...] Như tôi đã nói, Đại hội thành công chỉ là một bước ra định hướng lớn thôi, giờ phải cụ thể hóa, thể chế hóa, tất cả các cấp phải làm để không chỉ trên giấy”(8). Đây là một vấn đề lý luận rất hóc búa, đòi hỏi sự phân tích kỹ càng, khoa học theo nhiều phương diện khác nhau.

2. Nhận định về thời cơ phát triển của Việt Nam trên cơ sở phân tích quan hệ chính trị quốc tế hiện nay

Khái quát tình hình quan hệ chính trị khu vực và thế giới

Hiện nay, quan hệ chính trị quốc tế đã trở nên rất khác với thời kỳ trước bởi một trong những nguyên nhân căn bản là trật tự quyền lực thế giới đã và đang trong quá trình tái định hình. Khác với trật tự thế giới hai cực trong thời kỳ Chiến tranh lạnh vốn chịu sự chi phối chính của 2 siêu cường là Mỹ và Liên Xô, trật tự thế giới hiện nay “không còn là đơn cực nhưng vẫn chưa phải đa cực. Tương quan sức mạnh của Mỹ so với phần còn lại của thế giới đã thu hẹp, không cho phép nước này áp đặt thế giới theo ý chí của riêng mình nữa. Tuy nhiên, sự ra đời và tồn tại của các trung tâm quyền lực khác trên thế giới như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, EU... vẫn chưa đủ khả năng định hình trật tự đa cực”(9).

Như vậy, “nhất siêu, đa cường” có thể là cách gọi tương đối phù hợp để miêu tả trật tự quyền lực hiện nay. Tuy cách nhìn như vậy còn tồn tại những điểm hạn chế, nhưng vẫn đủ cơ sở để cho rằng, siêu cường Mỹ và các cường quốc chủ yếu khác (những quốc gia có tầm ảnh hưởng trên phạm vi thế giới nhưng chưa đạt tới vị trí siêu cường) chắc chắn vẫn là các chủ thể chi phối chủ yếu đời sống chính trị thế giới. Với Việt Nam, dù đã khẳng định được tầm ảnh hưởng tương đối lớn ở Đông Nam Á, Việt Nam vẫn phải nỗ lực rất nhiều nếu muốn trở thành quốc gia tầm trung có vị thế hàng đầu tại khu vực hoặc thậm chí cao hơn.

Tuy nhiên, “nhất siêu, đa cường” không phải là một trạng thái ổn định. Nhiều khả năng, nó chỉ xuất hiện trong thời kỳ chuyển đổi từ trật tự hai cực trước đây sang trật tự quyền lực tiếp theo và sẽ dần biến mất cho tới thời điểm quá trình chuyển đổi này kết thúc. Câu hỏi lớn đang đặt ra đối với toàn nhân loại là: sau trật tự hai cực của Chiến tranh lạnh và trạng thái nhất siêu - đa cường hiện nay, trật tự quyền lực tiếp theo sẽ là trật tự nào? Việc xác định thời cơ phát triển và khả năng tận dụng nó của Việt Nam trong thời gian tới chịu tác động lớn từ cách chúng ta tiếp cận và trả lời câu hỏi mang tính thời đại này.

Trong số các cường quốc chủ yếu hiện tại, Trung Quốc là quốc gia thể hiện rõ ràng nhất tham vọng phá vỡ trạng thái “nhất siêu, đa cường”, thách thức vị thế siêu cường số một của Mỹ. Trung Quốc đã công khai mục tiêu “Giấc mộng Trung Hoa” đến 2049 sẽ là siêu cường thế giới. Điều này làm gia tăng sự đối nghịch Mỹ - Trung về chiến lược [...], quan hệ Mỹ - Trung là biểu hiện đặc trưng của chính trị nước lớn giữa một cường quốc mới trỗi dậy, muốn thay đổi trật tự hiện hành và một cường quốc nguyên trạng, hơn thế lại tiêu biểu cho hai nền văn minh Đông Tây, với sự phát triển chủ nghĩa dân tộc nước lớn cao độ nhất của Trung Quốc”(10).

Thậm chí, một nghiên cứu công bố gần đây đưa ra nhận định, không chỉ dừng lại ở tham vọng tái cấu trúc trật tự thế giới, “phát triển sức mạnh thực chất của Trung Quốc [...] còn liên quan tới việc hình thành một trật tự mới do Trung Quốc lãnh đạo”(11), hàm ý về khả năng xuất hiện của trật tự toàn cầu “lưỡng siêu, đa cường” trong tương lai. Dù chưa thể khẳng định kết quả cuối cùng từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhưng có thể dự báo, sự dịch chuyển về cực quyền lực ở cấp độ thế giới như vậy sẽ gián tiếp gây ra nhiều bất ổn chính trị lớn trên phạm vi toàn cầu những năm tới.

Chịu ảnh hưởng từ quan hệ quyền lực giữa các cường quốc ở cấp độ thế giới, quan hệ chính trị tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng (những khu vực liên quan trực tiếp đến Việt Nam) đã, đang và sẽ phải đối mặt với nhiều biến động phức tạp. Về vấn đề này, Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đã nhận định: “Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. ASEAN có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác khu vực nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn”(12).

Không thể phủ nhận vai trò của ASEAN đối với các vấn đề chung, “ASEAN cũng đã chứng tỏ được vai trò điều hòa lợi ích giữa các nước, kể cả các nước lớn. ASEAN không phải là “vùng đệm an ninh”, nằm ở “khu vực ngoại vi” mà đóng vai trò “trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình””(13). Tuy nhiên, chủ thể này nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với những thách thức khó giải quyết hơn trong giai đoạn tiếp theo do sức ép gia tăng từ cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung, xu hướng tăng cường tập hợp lực lượng sau khi bùng nổ xung đột Nga - Ucraina, những bất đồng còn tồn tại giữa các nước thành viên cùng nhiều nguy cơ khó đoán định khác.

Nói tới sự thay đổi trật tự quyền lực quốc tế và khu vực trong giai đoạn hiện nay trong mối liên hệ với Việt Nam, bên cạnh quan hệ chính trị giữa các quốc gia nổi bật, sẽ là thiếu sót nếu không lưu ý sự nổi lên của những chủ thể quyền lực mới cũng như sự biến đổi của trật tự quyền lực truyền thống. Các tổ chức quốc tế, công ty xuyên quốc gia, phong trào xã hội, cá nhân có tầm ảnh hưởng,... hiện nay đã có nhiều điều kiện hơn để phát huy ảnh hưởng của mình trong môi trường quốc tế, đặc biệt là khi quyền lực và quan hệ quyền lực đang biến chuyển mạnh mẽ cả ở cấp độ quốc gia và quốc tế.

Những năm gần đây, một xu hướng đáng chú ý là, bên cạnh trật tự thứ bậc truyền thống, dạng tổ chức quyền lực kiểu mới đang vươn lên như một xu thế tất yếu. Theo đó, khái niệm “quyền lực mới” (new power) đã được nhắc đến với ý nghĩa là một loại quyền lực “được tạo ra bởi nhiều người [...] mang tính rộng mở, có sự tham gia và theo định hướng ngang hàng [...] đi theo hướng từ dưới lên và phân phối rộng khắp”(14). Loại quyền lực này khác biệt lớn so với “quyền lực cũ” vốn dựa trên những nền tảng truyền thống, quen thuộc như: tổ chức từ trên xuống; tập trung hóa cao độ; thuộc quyền nắm giữ của một số chủ thể chiếm ưu thế (cá nhân, tổ chức, quốc gia)...

Trên quy mô quốc tế, với dạng quyền lực mới này, các chủ thể trước đây có vai trò hạn chế như các quốc gia chưa phải cường quốc (trong đó có Việt Nam), các tổ chức quốc tế, phi chính phủ, phong trào xã hội, thậm chí là những cá nhân/nhóm người nhất định có thể tác động tới quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ chính trị quốc tế nói riêng theo nhiều mức độ khác nhau. Một số ví dụ điển hình cho sức mạnh của dạng quyền lực này là vai trò của các mạng xã hội toàn cầu (như Facebook, Twitter, Instagram, Youtube, TikTok,...) trong xã hội hiện đại, hay những phong trào xã hội có ảnh hưởng lớn gần đây như Phong trào Me Too (về chống quấy rối và bạo hành tình dục), Phong trào Black Lives Matter (về chống lại bạo lực và phân biệt chủng tộc với người da đen).

Không thể phủ nhận, “quan hệ giữa các quốc gia là quan hệ chủ đạo, chi phối các quan hệ quốc tế khác [...] chúng ta không thể không bị chi phối bởi mối quan hệ giữa các quốc gia, càng không thay thế được mối quan hệ này”(15), nhưng việc nhiều chủ thể mới có thêm cơ hội thể hiện vai trò của mình trong quan hệ chính trị quốc tế hiện nay (điều rất khó xảy ra trước đây vốn bị chi phối chủ yếu bởi các cường quốc/siêu cường vượt trội) vẫn là một hàm ý quan trọng cho việc nhận diện thời cơ phát triển của Việt Nam.

Một cách trực tiếp hơn, dù không mong muốn, nhưng một thực tế là, hệ lụy của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ucraina đã và đang là những bài kiểm tra rất khắt khe đối với quan hệ chính trị quốc tế hiện nay. Cùng với những vấn đề lớn chưa thể giải quyết sau khi đại dịch Covid-19 tạm lắng, cuộc xung đột Nga - Ucraina đang đẩy nhanh sự biến chuyển của cục diện quan hệ chính trị quốc tế, trong đó vấn đề chia rẽ Đông - Tây, tái cấu trúc và tập hợp lực lượng theo những dạng thức mới đang trở nên rất nổi cộm. Sự chuyển biến về cấu trúc quyền lực này diễn ra đồng thời và đan xen theo cả 3 xu hướng lớn là(16): (i) chuyển dịch quyền lực giữa các quốc gia và chuyển dịch từ châu Âu, châu Mỹ sang châu Á - Thái Bình Dương; (ii) chuyển dịch quyền lực từ Bắc xuống Nam; (iii) thay đổi cán cân quyền lực giữa các chủ thể quốc gia và phi quốc gia. Điều này buộc các chủ thể, đặc biệt là các quốc gia - dân tộc, phải có khả năng thích ứng hiệu quả để hạn chế khả năng bị kéo vào những xung đột khó đoán định và tiếp tục duy trì, nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Nhận định về thời cơ phát triển của Việt Nam

Dựa trên những phân tích về tình hình quan hệ chính trị quốc tế hiện nay và những liên hệ với kinh nghiệm lịch sử, thời cơ phát triển đất nước theo tinh thần Đại hội XIII được khẳng định bằng những luận cứ sau:

Trước hết, về mặt kinh tế, “Việt Nam đang thực sự ở thời điểm có tính bước ngoặt trong phát triển”(17), cụ thể hơn, “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cơ hội phát triển mới cho Việt Nam. Bằng mọi giá Việt Nam cần nắm lấy cơ hội đó”(18). Nghị quyết Đại hội XIII cũng khẳng định “thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững”(19).

“Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra nhiều cơ hội cho các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam. Nhờ tiềm năng to lớn của chuyển đổi số và sự cải thiện đáng kể của các trụ cột chính để tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực và thể chế thời gian qua chính là điều kiện để Việt Nam có thể tận dụng tối đa các cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại”(20).

Nếu tận dụng được những thay đổi tích cực bắt nguồn từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số, nền kinh tế Việt Nam có thể bứt phá mạnh mẽ, qua đó đưa đất nước lên vị thế cao hơn.

Khác với thời điểm sau ngày giải phóng miền Nam, khi chúng ta từng có cách nhìn thiếu khách quan về tiềm lực đất nước, Việt Nam hiện nay đã có cơ sở vững chắc hơn về mọi mặt để tự tin vào khả năng nắm bắt thời cơ phát triển mới.

Trong hơn 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chủ trương, chính sách đúng đắn đã mang lại những kết quả tích cực đối với nền kinh tế nói riêng cũng như sự phát triển của đất nước nói chung, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(21).

Thời gian gần đây, Việt Nam đã đạt được những thành công to lớn trong cuộc chiến chống Covid-19 và quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Tuy có nhiều khó khăn, thách thức nổi lên trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, nhưng không thể phủ nhận, kinh tế Việt Nam tính đến cuối năm 2022 đã có nhiều bước tiến quan trọng khi tăng trưởng GDP thuộc nhóm các nước cao nhất trên thế giới, khả năng kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được đánh giá tích cực.

Tương lai phát triển của kinh tế Việt Nam trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng được chia sẻ từ góc nhìn của học giả quốc tế. Hai nhà nghiên cứu Kishore Mahbubani và

Jeffery Sng cho rằng: “theo mọi cách, Việt Nam sẽ nổi lên như là một sức mạnh kinh tế đáng kể, như Hàn Quốc ngày nay. Sự tiến bộ đáng kể của Việt Nam khi mở cửa nền kinh tế cho thấy tiềm năng thực sự của họ để trở thành siêu cường kinh tế trong gia đình ASEAN”(22).

Học giả Hamada Kazuyuki còn đưa ra những dự báo rất cụ thể: năm 2026, Việt Nam trở thành cường quốc kinh tế kỹ thuật số; năm 2030, bình quân thu nhập trên năm của người Việt Nam sẽ tăng 4 lần so với năm 2018, có thể đạt đến 10.000 USD/năm; năm 2035, Việt Nam xác lập nền tảng mạnh nhất châu Á bằng chiến lược môi trường công nghệ thông tin; năm 2048, Việt Nam lọt vào top 20 nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới”(23).

Dù sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng những dự báo tích cực này và những điểm sáng trong thực tiễn đổi mới đất nước là những tiền đề để củng cố vững chắc niềm tin, khát vọng về giai đoạn phát triển mới.

Thứ hai, tình hình quan hệ chính trị quốc tế hiện nay tạo ra cơ hội phát triển, Việt Nam tận dụng cơ hội trong bối cảnh trật tự quyền lực thế giới đang trong quá trình chuyển đổi để nâng tầm vị thế đất nước.

Như đã phân tích, trật tự quyền lực toàn cầu là yếu tố khách quan, có khả năng thay đổi rất lớn bức tranh tổng thể của quan hệ chính trị quốc tế. Nếu trật tự quyền lực đó được xác lập ổn định với sự phân cực lớn, tiêu biểu như thời kỳ Chiến tranh lạnh, gần như tất cả các chủ thể tham gia quan hệ chính trị quốc tế đều phải hành xử dựa trên nó (hoặc phải chọn bên, hoặc cố gắng giữ vị trí trung lập nhưng sẽ rất khó khăn, nhất là với những nước có vị trí địa - chính trị quan trọng).

Trong bối cảnh đó, rất khó có cơ hội cho các chủ thể với tiềm lực yếu vươn lên, hoặc nếu có thì sự phát triển đó nhiều khả năng sẽ đi kèm với những đánh đổi không nhỏ khác. Khi trật tự quyền lực đang trong quá trình chuyển đổi, sức ép chính trị từ phía các chủ thể lớn sẽ ít căng thẳng hơn, thậm chí khoảng trống quyền lực có thể sẽ xuất hiện theo các khu vực và mức độ khác nhau, đó đều là những diễn biến có xu hướng tạo ra thời cơ phát triển cho các chủ thể yếu hơn.

Trong giai đoạn 1945 - 1946, khi trật tự thế giới mới sau Chiến tranh thế giới thứ hai chưa được xác lập rõ ràng, các cường quốc chưa có đủ khả năng để hoàn toàn tái lập và gia tăng tầm ảnh hưởng, cơ hội giành độc lập đã đến với nhiều vùng thuộc địa và được họ tận dụng với mức độ thành công khác nhau. Việt Nam có quyền tự hào khi là một trong số ít các dân tộc đã hiện thực hóa tốt nhất thời cơ đó.

Về tổng thể, trật tự quyền lực thế giới hiện nay đang trong quá trình biến chuyển mạnh mẽ chứ không ổn định tương đối như ở những thời kỳ trước với một số biểu hiện đáng chú ý đã nêu là: Trung Quốc và một số trung tâm quyền lực khác vươn lên thách thức siêu cường Mỹ; sự gia tăng về số lượng và sức ảnh hưởng của các chủ thể mới; sự suy giảm vai trò chi phối của trật tự thứ bậc từ trên xuống.

Xét về bản chất, quyền lực hiện đang phát sinh và được sử dụng theo những cách rất khác so với quan niệm truyền thống. Giờ đây, loại hình quyền lực không chỉ là quyền lực cứng hay quyền lực mềm mà còn là quyền lực thông minh, tạo ra khả năng nâng cao quyền lực tổng thể cho các chủ thể yếu hơn bằng cách kết hợp thông minh những nguồn quyền lực hạn chế mà mình có. Quyền lực hiện nay cũng có thể được triển khai bằng những phương tiện đa dạng, ít tốn kém hơn, giúp nhóm chủ thể thuộc cấp độ thấp (thậm chí ở đáy) của tháp quyền lực tạo ra những kháng lực từ dưới lên đối với các chủ thể chi phối chính, điều rất khó xảy ra trong trật tự quyền lực truyền thống.

Cùng với những chuyển đổi ở tầng vĩ mô, tình hình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng cho thấy, dù sức ép từ cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung đang gia tăng tại đây, nhưng “sự gia tăng tập hợp lực lượng Mỹ - Trung Quốc trong giai đoạn vừa qua chưa đến mức buộc các nước phải chọn “bên”. Hơn nữa, tập hợp lực lượng Mỹ - Trung Quốc tuy đối đầu nhiều mặt và gia tăng về cường độ nhưng các nước còn lại vẫn có nhiều không gian để hành động”(24).

Phân tích như vậy để thấy, dù về dài hạn có nhiều điều khó đoán định, nhưng trong tương lai ngắn và trung hạn, Việt Nam có thể và rất cần tận dụng quá trình xác lập trật tự thế giới mới để nâng tầm thế và lực của đất nước trên trường quốc tế. Một cách khách quan, khoảng thời gian chuyển đổi của trật tự quyền lực thế giới đang ngày một ngắn lại trước khi nó bước sang một trật tự/trạng thái tương đối ổn định mới. Nếu chưa thể vươn mình thành công khi trật tự thế giới mới được xác lập cơ bản (trong đó tính đến giữa thế kỷ XXI, cực quyền lực Trung Quốc nhiều khả năng đã ở vị thế rất khác so với hiện nay), không gian lựa chọn chính sách cho Việt Nam sẽ bị thu hẹp rất nhiều.

Điều này càng trở nên bức thiết khi đại dịch Covid-19 và những xung đột mới, đặc biệt là xung đột Nga - Ucraina và xung đột giữa lực lượng Hamas với quân đội Ítxraen diễn ra, khiến tình hình khu vực và thế giới biến đổi rất khó lường, buộc các quốc gia như Việt Nam phải tận dụng cơ hội để nâng tầm đất nước, thích ứng tốt hơn với hình hình mới, nhất là khi sức ép phải “chọn bên” trong quan hệ chính trị quốc tế có xu hướng gia tăng.

Như vậy có thể thấy, cục diện quan hệ chính trị khu vực và thế giới hiện nay do nhiều loại hình chủ thể khác nhau tạo thành, gồm cả chủ thể quốc gia và phi quốc gia, thay vì chỉ cơ bản gồm các quốc gia - dân tộc như các thời kỳ trước; mang tính đa cực và đa trung tâm; có tương quan lực lượng rất bất cân xứng giữa các cực, các trung tâm quyền lực; có cuộc cạnh tranh rất quyết liệt giữa các quốc gia và thế lực quốc tế lớn, đặc biệt là cạnh tranh Mỹ - Trung và cạnh tranh Nga - phương Tây; không mang tính đồng dạng, trên mỗi bình diện lại có diện mạo, tương quan lực lượng khác nhau(25). Dù tình hình thế giới có nhiều phức tạp như vậy, song vẫn hàm chứa cơ hội cho Việt Nam vươn lên và bứt phá.

Sau khi nhận diện được thời cơ phát triển, nhiệm vụ còn khó khăn hơn đối với Việt Nam là tìm ra cách tận dụng tối đa thời cơ đó. Đứng từ góc nhìn quan hệ chính trị quốc tế, cần chú trọng đánh giá chính xác, cụ thể hơn sức mạnh, quyền lực quốc gia và vị trí của Việt Nam trong trật tự quyền lực thế giới (trước hết là trong khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương), từ đó nhận diện rõ điểm mạnh, điểm yếu của đất nước để đưa ra những chính sách phù hợp. Việc sử dụng các tiêu chí, thang đo được thiết kế khoa học để đánh giá cụ thể sức mạnh quốc gia, xác định vị trí, vai trò của Việt Nam trong trật tự thế giới đương đại cần được quan tâm nghiên cứu.

Mặt khác, cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện đối sách mang tính chiến lược dài hạn của Việt Nam đối với sức ép ngày càng gia tăng trên trường quốc tế. Như đã phân tích, Việt Nam đang đứng trước thời cơ phát triển từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thời kỳ chuyển dịch của trật tự thế giới. Cần lưu ý, quá trình tái định hình cấp độ toàn cầu lần này có kết quả ra sao phụ thuộc rất lớn vào kết quả tương ứng của cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung. Nếu tình hình diễn biến theo kế hoạch mà Trung Quốc đưa ra, họ sẽ vươn lên vị thế siêu cường thế giới vào khoảng giữa thế kỷ này, đồng nghĩa với việc quá trình chuyển đổi của trật tự thế giới mới về cơ bản sẽ kết thúc và thời cơ phát triển của những quốc gia như Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy khó đoán định. Tuy Trung Quốc vẫn là một cường quốc chủ yếu trong nhiều năm qua, nhưng nếu họ ngày càng đẩy mạnh quá trình vươn lên thành siêu cường trong thời gian tới (và có thể thực sự thành một quốc gia như vậy), Việt Nam sẽ là quốc gia ngay bên cạnh một siêu cường thế giới, khiến quan hệ Việt - Trung cũng như các phương diện khác trong chính sách đối nội, đối ngoại của Việt Nam đứng trước nhiều áp lực to lớn.

Không phủ nhận, quá trình phát triển sắp tới của Trung Quốc vẫn tiềm ẩn những rủi ro và đại kế hoạch của nước này vẫn vấp phải nhiều khó khăn để trở thành hiện thực. Các nhà nghiên cứu đã nêu ra một số thách thức rất lớn tham vọng của Trung Quốc: về kinh tế, nền kinh tế khó duy trì được khả năng tăng trưởng mạnh như thời kỳ trước; về chính trị là những thách thức từ yêu cầu dân chủ hóa và phòng, chống tham nhũng; về xã hội là sự tăng nhanh phân hóa giàu nghèo và già hóa dân số; thách thức lớn nhất là sự giảm mạnh về uy tín, niềm tin của nhiều cường quốc và đối tác quốc tế với Trung Quốc trong quan hệ chính trị quốc tế(26). Tuy nhiên, với tiềm lực và bối cảnh như hiện nay, kịch bản Trung Quốc trở thành một cực quyền lực đủ sức cân bằng (một cách tương đối) với Mỹ trong tương lai trung hạn vẫn có khả năng xảy ra. Nếu như vậy, Việt Nam cần chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với áp lực gia tăng từ sự chuyển dịch cán cân quyền lực khu vực và toàn cầu, đặc biệt là từ cuộc cạnh tranh định hình thế kỷ XXI giữa hai siêu cường này.

Từ những phân tích trên, Việt Nam đang đứng trước điều kiện tương đối thuận lợi cả về tiềm lực bên trong cũng như môi trường quốc tế để phát triển bứt phá. Điều đó càng khẳng định tính đúng đắn của quyết tâm và khát vọng phát triển theo tinh thần Đại hội XIII. Nhiệm vụ lịch sử tiếp theo đối với Đảng chính là lãnh đạo toàn dân tộc vượt qua những khó khăn, thử thách để nắm lấy thời cơ phát triển này, qua đó nâng tầm đất nước và tạo nên những thành quả tốt đẹp hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 549 (tháng 11-2023)

Ngày nhận bài: 5-6-2023; Ngày bình duyệt: 18-11-2023; Ngày duyệt đăng: 22-11-2023.

(1), (5), (6), (12) ĐCSVN: Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.111-112, 98, 204, 107.

(2), (4), (19), (21) ĐCSVN: Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.326-327, 323, 324-325, 322.

(3) https://tulieuvankien.dangcongsan.vn.

(7) https://nhandan.com.vn, truy cập ngày 17-4-2023.

(8) https://daihoi13.dangcongsan.vn, truy cập ngày 21-5-2023.

(9) An Văn Quân - Trần Ngọc Hưng: Quan hệ Mỹ - Trung Quốc qua cách tiếp cận của các chủ thể chịu ảnh hưởng trong những năm đầu thế kỷ XXI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr.57.

(10) Nguyễn Tâm Chiến - Nguyễn Đình Luân: Chính trị nước lớn trong quan hệ Mỹ - Trung, Nghiên cứu quốc tế, số 3-2014 (98), tr.112-113.

(11) Đinh Thị Hiền Lương: Nhận thức của Trung Quốc về sức mạnh quốc gia, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr.107.

(13), (24) Lê Đình Tĩnh: Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc và tác động đối với cục diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hàm ý chính sách cho Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, số 936 (2-2020), tr.98.

(14) Jeremy Heimans, Henry Timms: Quyền lực mới - Tương lai thế giới sẽ được định hình như thế nào?, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019, tr.6.

(15) Trần Hữu Tiến: Trật tự thế giới đương đại, Tạp chí Lý luận chính trị, số 5-2014, tr.98.

(16) Lê Thị Thu Mai (2022): Một số lý thuyết về chuyển dịch quyền lực và xu hướng chuyển dịch quyền lực hiện nay, Tạp chí Lý luận chính trị, số 537 (11-2022), tr.149-151.

(17), (18) Think Tank Vinasa: Việt Nam thời chuyển đổi số, Nxb Thế Giới, Hà Nội, 2019, tr.207, 47.

(20) https://www.tapchicongsan.org.vn, truy cập ngày 6-7-2023.

(22) Kishore Mahbubani và Jefffrery Sng: ASEAN diệu kỳ: Vì một cộng đồng ASEAN phát triển bền vững và thịnh vượng, Nxb Thế Giới, Hà Nội, 2017, tr.271.

(23) Hamada Kazuyuki: Cường quốc trong tương lai - Vẽ lại bản đồ thế giới năm 2030, Nxb Thế Giới, Hà Nội, 2020, tr.263, 265, 267, 270.

(25) Nguyễn Viết Thảo: Bối cảnh hình thành và đặc điểm nổi bật của cục diện thế giới hiện nay, Tạp chí Lý luận chính trị, số 541 (3-2023), tr.148-151.

(26) Lê Văn Cương: Phiêu lưu trong vùng cực tối của thế giới, Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.150-155.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quan hệ chính trị quốc tế và thời cơ phát triển của Việt Nam theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
    POWERED BY