Thực tiễn

Quản lý những vấn đề nảy sinh từ các khu công nghiệp nhằm bảo đảm phát triển bền vững thành phố Hải Phòng hiện nay

28/03/2025 09:10

(LLCT) - Phát triển các khu công nghiệp tại Hải Phòng có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thu hút đầu tư. Tuy nhiên, việc mở rộng khu công nghiệp cũng kéo theo nhiều thách thức về vấn đề dân số, lao động, môi trường, an ninh trật tự... Nếu không được dự báo và quản lý hiệu quả, những thách thức này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thành phố. Bài viết làm rõ các yếu tố tác động và những vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình phát triển khu công nghiệp ở Hải Phòng hiện nay.

ThS DƯƠNG THỊ KIM TOAN
Trường Chính trị Tô Hiệu

Hải Phòng đang tích cực xây dựng thêm các khu công nghiệp mới để đón thêm các nhà đầu tư, doanh nghiệp
Phát triển các khu công nghiệp tại Hải Phòng có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thu hút đầu tư_Ảnh: IT

1. Mở đầu

Với lợi thế về vị trí địa lý, hệ thống cảng biển hiện đại và chính sách thu hút đầu tư hiệu quả, trong những năm gần đây, Hải Phòng đã trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp, đặc biệt là sự hình thành và mở rộng các khu công nghiệp (KCN). Thành phố hiện có nhiều KCN quy mô lớn như Đình Vũ - Cát Hải, Tràng Duệ, VSIP Hải Phòng, thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các KCN không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, mà còn tạo ra việc làm cho hàng chục nghìn lao động, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động. Định hướng đến năm 2030, Hải Phòng tiếp tục mở rộng quy mô KCN, thu hút các ngành công nghệ cao và tận dụng chính sách hỗ trợ từ Chính phủ để trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại của khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển các KCN của Hải Phòng, cần nghiên cứu và dự báo các yếu tố tác động, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của thành phố.

2. Nội dung

2.1. Về vấn đề dân số

Hải Phòng là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất miền Bắc, với tốc độ phát triển các KCN ngày càng mạnh mẽ. Sự gia tăng số lượng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã thúc đẩy nhu cầu về lao động, kéo theo làn sóng di cư từ các tỉnh thành khác vào Hải Phòng. Dự báo đến năm 2030, dòng lao động nhập cư vào thành phố sẽ tiếp tục tăng cao, tạo ra những áp lực đáng kể lên hạ tầng đô thị, an sinh xã hội và an ninh trật tự. Sự gia tăng dân số cơ học này có thể làm nảy sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thành phố.

Một trong những tác động rõ rệt nhất là áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị. Khi số lượng lao động nhập cư tăng mạnh, nhu cầu về nhà ở, y tế, giáo dục và giao thông cũng gia tăng tương ứng, dẫn đến tình trạng quá tải tại các bệnh viện, trường học. Hiện nay, phần lớn công nhân tại các KCN như Đình Vũ - Cát Hải, VSIP Hải Phòng, Tràng Duệ phải thuê nhà trọ, điều kiện sống chật chội, thiếu tiện nghi(1), nếu không sớm đầu tư xây dựng các khu nhà ở cho công nhân, tình trạng này sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Bên cạnh đó, sự khác biệt về văn hóa, thói quen sinh hoạt giữa lao động địa phương và lao động nhập cư có thể gây ra những xung đột trong đời sống thường ngày. Ngoài ra, sự cạnh tranh trong việc làm cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Người dân địa phương có thể bức xúc vì mất cơ hội việc làm trước lao động nhập cư. Nếu không có các chính sách tạo điều kiện trong tuyển dụng và đào tạo lao động, sự phân hóa này có thể trở thành một vấn đề xã hội nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của thành phố.

Sự gia tăng dân số cơ học còn làm gia tăng nguy cơ tệ nạn xã hội tại các khu vực KCN. Hiện nay, nhiều khu công nghiệp tại Hải Phòng đã ghi nhận tình trạng trộm cắp, cờ bạc, tín dụng đen và bạo lực gia tăng, như năm 2024, Đồn Công an KCN Đình Vũ đã bắt giữ, xử lý 07 vụ cờ bạc, trong đó khởi tố 03 vụ, xử lý hành chính 04 vụ(2). Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc người lao động không có cơ hội tham gia các hoạt động giải trí lành mạnh, cộng với áp lực công việc căng thẳng khiến họ dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn. Một số vụ việc xô xát giữa các nhóm lao động nhập cư hay mâu thuẫn giữa công nhân và chủ nhà trọ đã xảy ra tại các KCN(3). Đặc biệt, tình trạng lừa đảo qua các ứng dụng tài chính và tín dụng đen đang trở thành vấn đề nhức nhối khi nhiều công nhân vay nợ với lãi suất cao và không có khả năng chi trả. Nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ, những vấn đề này có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của các doanh nghiệp và môi trường đầu tư.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, chính quyền thành phố cần có những giải pháp đồng bộ để kiểm soát tác động của yếu tố dân số và lao động đến sự phát triển của các KCN. Trước hết, cần quy hoạch và phát triển các khu nhà ở công nhân, khu vui chơi, tập luyện thể thao… Tăng cường đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là các tuyến xe buýt kết nối giữa các khu công nghiệp và khu dân cư để giảm tải áp lực giao thông.

Các doanh nghiệp cần có chính sách đãi ngộ phù hợp, tạo môi trường làm việc lành mạnh để giảm thiểu xung đột giữa các nhóm lao động. Ngoài ra, cần có các chương trình đào tạo kỹ năng cho lao động địa phương để nâng cao cơ hội việc làm. Các cấp chính quyền, Công an thành phố cần tăng cường công tác an ninh trật tự, thành lập các tổ an ninh khu công nghiệp để tuần tra, kịp thời ngăn chặn, hòa giải các vụ việc mâu thuẫn trong công nhân và giữa công nhân với người dân địa phương.

2.2. Về vấn đề môi trường

Sự phát triển của các KCN tại Hải Phòng, bên cạnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng tạo ra những thách thức về môi trường. Các vấn đề như ô nhiễm không khí, nước và tiếng ồn ngày càng đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, đời sống dân cư và tạo áp lực lên chính quyền địa phương trong việc quản lý, xử lý vi phạm môi trường.

Ô nhiễm không khí từ các nhà máy trong KCN ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của người lao động và cộng đồng dân cư xung quanh. Các hoạt động sản xuất công nghiệp, đặc biệt là trong các ngành dệt nhuộm, hóa chất, luyện kim và xi măng, thường phát thải lượng lớn khí thải độc hại, như CO2, SO2, NOx và bụi mịn PM2.5. Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng, mức độ ô nhiễm không khí tại một số khu vực có KCN như Đình Vũ - Cát Hải hay Tràng Duệ đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, vượt ngưỡng an toàn theo tiêu chuẩn Việt Nam(4). Điều này dẫn đến nguy cơ gia tăng các bệnh về đường hô hấp, tim mạch đối với công nhân và người dân sống gần các KCN. Bên cạnh đó, việc gia tăng vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu bằng xe tải hạng nặng cũng làm tăng lượng bụi và khí thải, ảnh hưởng đến chất lượng không khí trong khu vực.

Ô nhiễm nước cũng là một vấn đề lo ngại do các hoạt động công nghiệp xả thải trực tiếp ra sông, hồ mà chưa qua xử lý đạt chuẩn đã khiến chất lượng nước tại nhiều khu vực suy giảm nghiêm trọng. Vụ việc điển hình là vào năm 2023, người dân tại huyện Thủy Nguyên đã phát hiện tình trạng nước sông Cấm chuyển màu đen, có mùi hôi(5). Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt mà còn đe dọa đến hệ sinh thái thủy sinh, gây thiệt hại cho ngành nuôi trồng thủy sản của địa phương.

Ô nhiễm tiếng ồn từ các khu công nghiệp cũng là một vấn đề đáng báo động. Việc vận hành máy móc sản xuất công suất lớn cùng với hoạt động vận chuyển hàng hóa liên tục tạo ra tiếng ồn cao, đặc biệt là vào ban đêm. Nhiều người dân sinh sống gần các KCN như Tràng Duệ, Hải Phòng hay KCN Nam Đình Vũ đã nhiều lần phản ánh về tình trạng tiếng ồn kéo dài, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sức khỏe tinh thần. Tiếng ồn công nghiệp không chỉ tác động tiêu cực đến đời sống dân cư mà còn làm giảm năng suất lao động của công nhân do làm việc trong môi trường có độ ồn cao kéo dài.

Những vấn đề môi trường nêu trên đã và đang gây ra những mâu thuẫn, khiếu kiện giữa người dân và doanh nghiệp, đồng thời tạo áp lực lớn đối với chính quyền địa phương. Trong những năm qua, đã diễn ra tình trạng người dân phản đối về vấn đề ô nhiễm môi trường tại một số khu vực xung quanh KCN, đã được báo chí phản ánh, như vụ việc năm 2024, hàng trăm người dân tại xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên đã tập trung phản đối một doanh nghiệp trong KCN xả thải gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.

Trước tình trạng này, chính quyền các cấp cần tăng cường giám sát, kiểm tra các doanh nghiệp về việc tuân thủ quy định về môi trường, xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Đồng thời, chính quyền cần khuyến khích các doanh nghiệp lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động tại các KCN để theo dõi chất lượng không khí, nước và tiếng ồn; áp dụng công nghệ sản xuất sạch, cải tiến quy trình xử lý chất thải, hướng đến phát triển công nghiệp xanh.

Cần đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về bảo vệ môi trường. Việc tổ chức đối thoại trực tiếp giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư sẽ giúp tăng cường sự hiểu biết, tạo sự đồng thuận trong các giải pháp bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, chính quyền cũng cần có chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm, như di dời các hộ dân ra khỏi khu vực bị tác động nghiêm trọng hoặc hỗ trợ y tế cho những trường hợp bị ảnh hưởng sức khỏe.

2.3. Vấn đề an ninh trật tự

Sự phát triển của các KCN tại Hải Phòng trong những năm tới hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, thu hút đầu tư và giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Tuy nhiên, đi kèm với quá trình này là những vấn đề đáng lo ngại về an ninh trật tự khi số lượng lao động nhập cư tăng nhanh, cơ sở hạ tầng chưa theo kịp và môi trường làm việc trong các doanh nghiệp còn tồn tại nhiều bất cập. Nếu không có các biện pháp quản lý chặt chẽ, những vấn đề về tội phạm, đình công, tranh chấp lao động, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của thành phố.

Một trong những vấn đề an ninh đáng lo ngại là sự gia tăng tội phạm tại các khu vực xung quanh KCN. Khi số lượng công nhân nhập cư ngày càng đông, việc hình thành các khu dân cư tự phát, thiếu sự kiểm soát chặt chẽ có thể tạo điều kiện cho các loại tội phạm như trộm cắp, cướp giật, lừa đảo và tín dụng đen phát triển. Thực tế cho thấy, tại một số KCN lớn như Tràng Duệ, Đình Vũ - Cát Hải, và VSIP Hải Phòng, tình trạng công nhân bị lừa đảo qua các ứng dụng vay tiền online hoặc bị dụ dỗ tham gia các đường dây tín dụng đen đã xảy ra nhiều lần, khiến nhiều công nhân rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Nếu không có các biện pháp kiểm soát hiệu quả, tình trạng này có thể tiếp tục gia tăng, gây mất ổn định xã hội và ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động.

Bên cạnh đó, khi số lượng lao động nhập cư ngày càng lớn, sự cạnh tranh việc làm gia tăng, trong khi nhiều doanh nghiệp chưa bảo đảm chế độ lương thưởng và phúc lợi phù hợp, dẫn đến các cuộc đình công, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và môi trường đầu tư. Nếu các doanh nghiệp không có cơ chế đối thoại hiệu quả với người lao động, chính quyền không kịp thời can thiệp để giải quyết mâu thuẫn, những xung đột này có thể leo thang gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến hình ảnh thu hút đầu tư của thành phố.

Sự hình thành các khu dân cư tự phát xung quanh các KCN cũng gây ra những phức tạp về an ninh trật tự. Nhiều khu nhà trọ tạm bợ, chật chội mọc lên, tiềm ẩn nguy cơ về mất an toàn phòng cháy chữa cháy, ô nhiễm môi trường, trở thành điểm nóng về tệ nạn xã hội, gây mất an toàn cho cộng đồng dân cư địa phương.

Một yếu tố quan trọng khác tác động tiêu cực đến an ninh trật tự là khi quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp ngày càng khan hiếm, một số doanh nghiệp và cá nhân có thể lợi dụng chính sách ưu đãi để đầu cơ đất, đẩy giá lên cao, gây khó khăn cho các nhà đầu tư thực sự. Việc này không chỉ tạo ra sự mất cân đối trong phát triển KCN mà còn làm gia tăng nguy cơ tiêu cực, tranh chấp đất đai. Tại một số khu vực quy hoạch KCN như Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng đã có hiện tượng một số cá nhân mua gom đất trước khi có thông tin quy hoạch, sau đó bán lại với giá cao gấp nhiều lần, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án công nghiệp, chủ đầu tư chậm chuyển tiền bồi thường giải phóng mặt bằng. Nếu không có cơ chế quản lý minh bạch và chặt chẽ, những vấn đề này có thể khiến việc phát triển KCN trở nên khó khăn.

Để đối phó với những thách thức về an ninh trật tự trong quá trình phát triển KCN, chính quyền cần có những biện pháp quản lý toàn diện và đồng bộ. Trước hết, cần tăng cường kiểm soát tội phạm tại các khu công nghiệp bằng cách thiết lập các đội an ninh chuyên trách, lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu dân cư công nhân và triển khai các chương trình tuyên truyền về phòng, chống tội phạm. Bên cạnh đó, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách lương, thưởng; quy hoạch, phát triển các khu đô thị công nhân, hạn chế tình trạng khu dân cư tự phát. Ngoài ra, thực hiện công tác quản lý quỹ đất công nghiệp một cách minh bạch, không để các nhóm lợi ích trục lợi từ chính sách phát triển KCN.

2.4. Vấn đề quản lý nhà nước

Việc mở rộng các KCN cũng đặt ra nhiều thách thức về công tác quản lý, đòi hỏi phải có các chính sách phù hợp để bảo đảm sự phát triển bền vững. Nếu không có cơ chế, chính sách và sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, nhiều vấn đề như quy hoạch kém hiệu quả, môi trường đầu tư thiếu minh bạch, ô nhiễm môi trường, tranh chấp lao động và phát sinh tệ nạn xã hội có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của thành phố.

Một trong những tác động lớn của quản lý nhà nước đến sự phát triển các KCN là vấn đề quy hoạch và cấp phép đầu tư. Hải Phòng hiện có hơn 15 KCN đang hoạt động và một số KCN mới đang trong quá trình quy hoạch, như KCN Tiên Thanh, KCN An Dương mở rộng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong khâu quy hoạch của một số khu công nghiệp còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng mất cân đối trong phân bổ nguồn lực. Ví dụ, một số KCN được cấp phép nhưng chưa có hạ tầng đồng bộ, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc triển khai sản xuất, hoặc một số khu công nghiệp phát triển quá nhanh nhưng không được đầu tư hạ tầng giao thông, gây áp lực lên hệ thống đường bộ và đô thị. Nếu không có chính sách quản lý chặt chẽ, Hải Phòng có thể đối mặt với tình trạng phát triển quá nóng KCN và thiếu tính bền vững.

Bên cạnh đó, chính sách thu hút đầu tư cũng đóng vai trò then chốt trong việc quyết định sự phát triển của các KCN. Hải Phòng đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế, hỗ trợ thủ tục hành chính để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI được nhận nhiều ưu đãi nhưng chưa thực sự đóng góp tương xứng cho sự phát triển của địa phương. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý có cơ chế giám sát chặt chẽ, bảo đảm các chính sách ưu đãi phải mang lại lợi ích thực sự cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Một vấn đề cần được quan tâm là chính sách bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển các KCN. Mặc dù Hải Phòng đã có những quy định nghiêm ngặt về đánh giá tác động môi trường, nhưng trên thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp vi phạm các quy định về xử lý nước thải, khí thải và chất thải rắn. Vì vậy, cùng với việc ban hành chính sách, chính quyền cần có cơ chế kiểm tra định kỳ và xử phạt nghiêm minh các doanh nghiệp vi phạm, đồng thời khuyến khích phát triển các KCN sinh thái, áp dụng công nghệ sản xuất sạch.

Ngoài ra, chính sách lao động cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của các KCN. Với số lượng công nhân làm việc trong các KCN ngày càng tăng, chính quyền thành phố cần có các chính sách bảo đảm quyền lợi cho người lao động, bao gồm mức lương tối thiểu hợp lý, điều kiện làm việc an toàn, và chế độ phúc lợi xã hội đầy đủ. Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp trong các KCN vẫn chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo hiểm xã hội, giờ làm việc, hoặc chế độ nghỉ phép cho công nhân. Điều này có thể dẫn đến các cuộc đình công, làm gián đoạn sản xuất và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Do đó, bên cạnh việc khuyến khích đầu tư, các cơ quan quản lý cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo vệ quyền lợi của người lao động và tạo môi trường làm việc ổn định.

Cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước là một trong những yếu tố quan trọng nhất tác động đến sự phát triển bền vững các KCN. Hiện nay, Hải Phòng đã có những bước tiến trong cải cách hành chính, nhưng vẫn còn tình trạng thủ tục phức tạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình xin cấp phép, mở rộng sản xuất hoặc giải quyết tranh chấp. Nếu không có những cải cách mạnh mẽ hơn, doanh nghiệp có thể mất nhiều thời gian và chi phí để hoàn thành các thủ tục pháp lý, làm giảm động lực đầu tư. Vì vậy, chính quyền thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, minh bạch hóa quy trình cấp phép và tạo cơ chế đối thoại thường xuyên giữa chính quyền và doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn.

2.5. Vấn đề văn hóa - xã hội

Sự phát triển nhanh chóng của các KCN tại Hải Phòng cũng kéo theo sự biến đổi về văn hóa - xã hội. Khi số lượng lao động nhập cư tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp, sự khác biệt trong phong tục, tập quán, lối sống giữa các nhóm dân cư có thể dẫn đến mâu thuẫn, suy giảm các giá trị văn hóa truyền thống và gây khó khăn trong việc xây dựng môi trường làm việc đoàn kết, văn minh.

Trước hết, sự khác biệt về văn hóa giữa lao động địa phương và lao động nhập cư có thể làm nảy sinh những mâu thuẫn trong đời sống hàng ngày. Hải Phòng là thành phố biển, con người nơi đây có phong cách sống phóng khoáng, mạnh mẽ, trong khi đó, lao động nhập cư đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau mang theo những nét văn hóa đặc trưng riêng của địa phương mình. Sự khác biệt này đôi khi dẫn đến những xung đột trong giao tiếp, sinh hoạt và làm việc. Ví dụ, tại một số KCN, như Tràng Duệ hay VSIP Hải Phòng, đã từng xảy ra những vụ xô xát giữa công nhân do bất đồng trong cách sinh hoạt tại các khu nhà trọ, hoặc những tranh cãi liên quan đến thói quen ăn uống, giờ giấc sinh hoạt chung. Do vậy, cần có những biện pháp giúp công nhân thích nghi và tôn trọng sự đa dạng văn hóa.

Bên cạnh đó, sự gia tăng nhanh chóng của lao động nhập cư có thể dẫn đến sự suy giảm giá trị văn hóa truyền thống. Tại một số làng nghề truyền thống gần các KCN, như An Dương và Kiến An, nhiều người dân địa phương chuyển sang làm công nhân trong nhà máy thay vì tiếp tục duy trì nghề truyền thống, khiến các giá trị văn hóa dần bị mai một. Ngoài ra, các lễ hội truyền thống địa phương cũng có nguy cơ bị mai một khi người lao động nhập cư không có sự gắn kết với văn hóa bản địa. Nếu không có các chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương, sự phát triển công nghiệp có thể làm thay đổi diện mạo văn hóa của Hải Phòng theo chiều hướng tiêu cực.

Không chỉ ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư, sự khác biệt về văn hóa cũng tạo ra thách thức trong việc xây dựng môi trường làm việc đoàn kết, văn minh tại các doanh nghiệp trong KCN. Khi công nhân đến từ nhiều vùng miền khác nhau, sự khác biệt trong cách làm việc, ý thức kỷ luật, thái độ lao động có thể gây ra những khó khăn trong quản lý nhân sự. Một số doanh nghiệp đã ghi nhận tình trạng công nhân phân chia thành các nhóm theo địa phương, gây khó khăn trong việc hợp tác và phối hợp công việc. Ngoài ra, một số thói quen văn hóa chưa phù hợp trong môi trường làm việc công nghiệp, chẳng hạn như hút thuốc lá trong khu vực sản xuất, không tuân thủ nghiêm ngặt quy định về an toàn lao động, hay nghỉ việc theo cảm tính, cũng làm giảm hiệu suất làm việc chung. Điều này đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong việc xây dựng các chương trình đào tạo, giao lưu văn hóa nhằm giúp công nhân hòa nhập tốt hơn với môi trường làm việc công nghiệp hiện đại.

Để giải quyết những vấn đề trên, chính quyền thành phố Hải Phòng cần có những chính sách hợp lý nhằm tạo điều kiện cho người lao động nhập cư hòa nhập với cộng đồng địa phương, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Trước hết, cần xây dựng các chương trình tuyên truyền về văn hóa địa phương dành cho công nhân nhập cư, đồng thời khuyến khích các hoạt động giao lưu văn hóa giữa người lao động các vùng miền để tăng cường sự gắn kết. Các khu dân cư công nhân cần được quy hoạch hợp lý, bảo đảm đầy đủ cơ sở hạ tầng như nhà ở, khu vui chơi giải trí, trung tâm sinh hoạt cộng đồng để giúp công nhân có môi trường sống lành mạnh.

Các doanh nghiệp cần tích cực xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tạo ra môi trường làm việc hòa đồng, chuyên nghiệp. Các chương trình đào tạo về kỹ năng mềm, văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp, cũng như các hoạt động chung cần được đẩy mạnh để gắn kết công nhân, tạo ra tinh thần làm việc đoàn kết. Một số doanh nghiệp lớn tại Hải Phòng như LG Display, Bridgestone hay Regina Miracle đã có những chính sách thiết thực trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tổ chức các hoạt động gắn kết công nhân như hội thao, ngày hội văn hóa, giúp tạo ra môi trường làm việc thân thiện và giảm thiểu mâu thuẫn văn hóa.

3. Kết luận

Sự phát triển của các KCN ở Hải Phòng mang lại nhiều lợi ích kinh tế, nhưng đồng thời cũng nảy sinh những thách thức về nhiều mặt. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, các vấn đề về dân số, môi trường, an ninh trật tự và chính sách quản lý có thể trở thành những rào cản lớn đối với sự phát triển bền vững. Việc dự báo trước những yếu tố này sẽ giúp thành phố xây dựng chiến lược phát triển hợp lý, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp, người lao động và cộng đồng dân cư.

_________________

Ngày nhận bài: 25-3-2025; Ngày bình duyệt: 26-3-2025; Ngày duyệt đăng: 28-3-2025.

Email tác giả: duongkimtoan@gmail.com

(1) Qua khảo sát tại một số khu nhà trọ công nhân trên địa bàn một số huyện An Lão, quận Đồ Sơn, An Dương.

(2), (3) Báo cáo của Đồn Công an KCN Đình Vũ về tình hình, kết quả công tác đảm bảo an ninh trật tự năm 2024.

(4), (5) Sở Tài nguyên và Môi trường: Báo cáo số: 124/BC-STNMT ngày 21-8-2023, Báo cáo việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quản lý những vấn đề nảy sinh từ các khu công nghiệp nhằm bảo đảm phát triển bền vững thành phố Hải Phòng hiện nay
    POWERED BY