Quốc tế

Quốc hội và Hội đồng nhân dân kiểm soát thực hiện quyền hành pháp ở Lào

19/08/2024 15:31

(LLCT) - Kiểm soát thực hiện quyền hành pháp là việc các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và công dân sử dụng các biện pháp, cách thức cần thiết nhằm ngăn chặn, loại bỏ những hành vi lộng quyền, lạm quyền của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền hành pháp, bảo đảm cho quyền hành pháp được thực hiện đúng với Hiến pháp và pháp luật. Trong số nhiều chủ thể có thẩm quyền kiểm soát thực hiện quyền hành pháp, Quốc hội và Hội đồng nhân dân là chủ thể quan trọng nhất. Bài viết phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát thực hiện quyền hành pháp của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ở nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.

PRISA NOIMANY
NCS Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Chú thích ảnh
Toàn cảnh kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX của Lào_Ảnh: Phạm Kiên/Phóng viên TTXVN tại Lào

1. Thực trạng Quốc hội Lào kiểm soát thực hiện quyền hành pháp

Chủ thể chủ yếu thực hiện quyền hành pháp ở Lào là Chính phủ và ủy ban nhân dân các cấp, trong đó ban hành chính sách và tổ chức thực hiện chính sách là hoạt động hành pháp phổ biến nhất; bởi vậy việc kiểm soát của Quốc hội đối với hoạt động này là rất cần thiết.

Theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội thực hiện chức năng giám sát tối cao đối với việc thực hiện quyền hành pháp thông qua các hoạt động sau:

Một là, Quốc hội có quyền bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trái với Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội. Thực hiện quyền này, Quốc hội có quyền bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trái Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội.

Hai là, xem xét việc trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ: Thực hiện quyền này, các đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu các chủ thể bị chất vấn trả lời, làm rõ những vấn đề, trách nhiệm của họ trong việc thực thi Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm đối với người bị chất vấn. Quốc hội ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn khi xét thấy cần thiết.

Ba là, bỏ phiếu tín nhiệm, miễn nhiệm và bãi nhiệm Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng và các thành viên của Chính phủ: Trong trường hợp người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm không được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội tín nhiệm thì cơ quan hoặc người đã giới thiệu để bầu hoặc đề nghị phê chuẩn người đó có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức người đó.

Cũng theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội Lào thực hiện chức năng kiểm soát thực hiện quyền hành pháp thông qua hai hình thức cơ bản là xem xét, đánh giá các báo cáo của Chính phủ và giám sát văn bản của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đối với hình thức thứ nhất, mặc dù Quốc hội đã có rất nhiều nỗ lực, song thời gian qua, hoạt động xem xét, đánh giá của Quốc hội đối với các báo cáo của Chính phủ Lào chưa đạt hiệu quả cao, điều này thể hiện ở một số phương diện sau đây:

Một là, việc giám sát chủ yếu chỉ dừng lại ở việc nghe đọc các báo cáo trên hội trường, rất ít đại biểu Quốc hội thâm nhập thực tế, phân tích vấn đề để tìm nguyên nhân, vì thế khó quy trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân đối với những yếu kém, tồn tại. Hệ quả là, các kiến nghị giám sát thường chung chung, thiếu cụ thể và thiếu tính khả thi, chưa giải quyết thỏa đáng những bức xúc của nhân dân.

Hai là, hiệu lực sau giám sát chưa cao, chế tài chưa đủ mạnh. Thực tế cho thấy, có những lĩnh vực mặc dù được giám sát, chất vấn nhiều nhưng khắc phục rất chậm, tuy nhiên chủ thể thực hiện quyền hành pháp không phải chịu bất cứ chế tài hay trách nhiệm nào, do vậy dẫn đến tình trạng chậm trễ trong khắc phục những hạn chế, yếu kém.

Ba là, hoạt động giám sát thường bị động, nghĩa là chỉ giám sát khi sự việc đã xảy ra, thậm chí trở thành những vấn đề bức xúc trong xã hội thì khi đó hoạt động giám sát mới được bắt đầu. Điều này trái với bản chất của hoạt động giám sát, bởi giám sát là để ngăn ngừa những sai phạm có thể xảy ra, để những sai phạm không xảy ra chứ không phải khi sự việc xảy ra rồi mới giám sát.

Kiểm soát thực hiện quyền hành pháp là việc các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và công dân sử dụng các biện pháp, cách thức cần thiết nhằm ngăn chặn, loại bỏ những hành vi lộng quyền, lạm quyền của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền hành pháp, bảo đảm cho quyền hành pháp được thực hiện đúng với Hiến pháp và pháp luật

Đối với kiểm soát thực hiện quyền hành pháp thông qua việc giám sát văn bản của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ (còn được gọi là hoạt động bảo hiến), thực tế cũng cho thấy còn một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc xem xét văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội là hình thức giám sát đặc biệt của Quốc hội. Thông qua đó, Quốc hội tiến hành các hoạt động xem xét, kiểm tra, phát hiện, thảo luận, kiến nghị đình chỉ hoặc hủy bỏ những văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước ban hành nhưng có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, cho đến nay, Quốc hội Lào chưa từng thực hiện hình thức giám sát văn bản quy phạm pháp luật như vậy. Từ thực tế đó có thể nhận xét rằng đây là lĩnh vực hoạt động tương đối mờ nhạt của Quốc hội Lào.

2. Thực trạng Hội đồng nhân dân kiểm soát thực hiện quyền hành pháp ở Lào

Hội đồng nhân dân được Hiến pháp Lào năm 2015 ghi nhận lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến. Đây được coi là dấu mốc quan trọng trong quá trình kiện toàn bộ máy nhà nước nói chung và chính quyền địa phương ở Lào nói riêng, bởi từ khi tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào (năm 1975), cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Lào mới chỉ được kiện toàn ở cấp trung ương với cơ quan lập pháp là Quốc hội, cơ quan hành pháp là Chính phủ; cơ quan tư pháp gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao; chính quyền địa phương được giao nhiều quyền và tập trung vào vai trò của tỉnh trưởng, với tư cách người đứng đầu chính quyền ở địa phương. Sự phân quyền đó dẫn đến cơ chế chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước cơ quan hành chính cấp trên và chịu trách nhiệm trực tiếp trước Quốc hội.

Nghị quyết Trung ương 3, khóa X năm 2015 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và tăng cường sự kiểm soát của Quốc hội đối với các cơ quan hành chính ở địa phương, nhằm bảo đảm mọi chính sách, pháp luật của Nhà nước phải theo đúng Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng và phải xuất phát từ nguyện vọng chính đáng, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Nghị quyết cũng chủ trương thành lập Hội đồng nhân dân địa phương nhằm kiện toàn hơn nữa về chính quyền trong quản lý tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương.

Trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp Lào năm 2015 đã cụ thể hóa thành quy định tại Điều 76 như sau: “Hội đồng nhân dân địa phương là cơ quan đại diện quyền và lợi ích của các dân tộc; Hội đồng nhân dân địa phương là cơ quan quyền lực cao nhất của chính quyền địa phương, thực hiện vai trò xem xét [và] thông qua các đạo luật quan trọng, ra quyết định về các vấn đề cơ bản ở cấp địa phương và giám sát hoạt động của tất cả các tổ chức nhà nước thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Hội đồng nhân dân địa phương được thành lập theo cấp hành chính, bao gồm Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và cấp thôn (bản). Quốc hội quyết định thành lập Hội đồng nhân dân cấp huyện và cấp thôn”(1).

Hội đồng nhân dân thực hiện chức năng giám sát hoạt động của tất cả các tổ chức nhà nước thuộc thẩm quyền. Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có quyền chất vấn tỉnh trưởng, đô trưởng (thủ đô Viêng Chăn), giám đốc sở hoặc các tổ chức tương đương của cấp tỉnh, thị trưởng, người đứng đầu thành phố, người đứng đầu cơ quan viện kiểm sát địa phương, chánh án tòa án nhân dân địa phương và đại diện có liên quan của cơ quan kiểm toán nhà nước của khu vực. Người được chất vấn phải trả lời bằng lời nói hoặc bằng văn bản tại kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh(2).

Với việc hiến định Hội đồng nhân dân địa phương ở cấp tỉnh, Nhà nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào đã bước đầu hình thành nên một cơ chế giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước đối với các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Đến nay, Hội đồng nhân dân địa phương đã được thành lập ở 18 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Lào, bao gồm: Thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Phongsaly, tỉnh Luangnamtha, tỉnh Oudomxay, tỉnh Bokeo, tỉnh Luôngphabăng, tỉnh Huaphan, tỉnh Xayabury, tỉnh Xiêngkhoảng, tỉnh Viêngchăn, tỉnh Borikhamsay, tỉnh Khammuộn, tỉnh Savannakhet, tỉnh Saravane, tỉnh Sekong, tỉnh Champasack, tỉnh Attapeu và tỉnh Xaisomboun. Tuy nhiên, Hiến pháp Lào năm 2015 mới chỉ quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; chưa quy định quyền hạn, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân cấp huyện và cấp thôn (bản).

Do mới được thành lập nên mặc dù Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở các địa phương của Lào đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện vai trò, chức năng của mình, đặc biệt là chức năng kiểm soát thực hiện quyền hành pháp, tuy nhiên, hoạt động thực tế của tổ chức này còn không ít hạn chế, bất cập. Đại hội XI của Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã chỉ rõ: “Công tác giám sát, phản biện xã hội đối với xây dựng và thực thi luật pháp, chính sách hiệu quả chưa cao”(3). Hội đồng nhân dân ở cấp huyện và bản chưa được thành lập nên đối tượng giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo quy định hiện nay là khá rộng. Bên cạnh thực hiện giám sát đối với các cơ quan cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh còn được giao thêm nhiệm vụ giám sát Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện (quận), bản - nơi không tổ chức hội đồng nhân dân. Điều đáng lưu ý là, Ủy ban thường vụ Quốc hội chưa ban hành quy định về hình thức, cách thức giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với các chủ thể cấp dưới, vì vậy, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh gặp không ít khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Việc xem xét báo cáo công tác, bỏ phiếu tín nhiệm, chất vấn và trả lời chất vấn, xem xét báo cáo của đoàn giám sát thời gian qua còn rất lúng túng, thậm chí không thực hiện được.

Các đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng kiểm soát việc thực hiện quyền hành pháp của các cơ quan nhà nước thông qua việc nghiên cứu các báo cáo, sau đó ban hành báo cáo kết quả giám sát. Tuy nhiên, việc giám sát này còn rất nhiều hạn chế, chỉ khi nào có vấn đề đặc biệt nổi cộm, bức xúc thì mới tiến hành họp xem xét, xử lý; nhiều kiến nghị của đoàn giám sát chưa đạt yêu cầu vì chưa sát với thực tiễn. Như vậy, việc không tổ chức hội đồng nhân dân ở huyện, bản như hiện nay ở Lào là đã bỏ đi một thiết chế dân chủ, một diễn đàn quan trọng để phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân và tiếng nói của các đoàn thể nhân dân ở địa phương, vì vậy, đây là vấn đề cần được nghiên cứu và hoàn thiện thời gian tới.

Hoạt động kiểm soát thực hiện quyền hành pháp của Hội đồng nhân dân được thực hiện thông qua hoạt động của từng đại biểu, do đó, chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân rất quan trọng, nó là yếu tố trực tiếp, góp phần quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Trên thực tế, ở nhiều địa phương hiện nay, chất lượng đại biểu phụ thuộc vào kinh nghiệm hoạt động của đại biểu, phụ thuộc vào mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu đại biểu. Điều đó dẫn đến tình trạng chú trọng cơ cấu hơn tiêu chuẩn, nên có nơi chất lượng đại biểu không đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là yêu cầu về năng lực và trình độ.

Mặt khác, tỷ lệ đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách ở cấp tỉnh còn thấp (khoảng 15% trên tổng số đại biểu), trong khi đại biểu hoạt động kiêm nhiệm và là cán bộ các cơ quan hành chính nhà nước chiếm tỷ lệ khá cao. Với vai trò vừa là thành viên của Hội đồng nhân dân, vừa là cán bộ cơ quan hành chính nhà nước (cấp tỉnh) thì tính khách quan trong hoạt động giám sát, phản biện phần nào bị hạn chế. Hơn nữa, cũng vì lý do trên nên mặc dù giám sát đã được quy định là quyền của đại biểu, nhưng cho đến nay, rất ít (thậm chí không có) đại biểu tự mình tổ chức hoạt động giám sát việc thực hiện quyền hành pháp của các cơ quan nhà nước. Những vấn đề này cần được khắc phục để bảo đảm cho các cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương thực hiện đầy đủ vai trò, chức năng và nhiệm vụ của mình.

3. Một số giải pháp Quốc hội và Hội đồng nhân dân nâng cao hiệu quả kiểm soát thực hiện quyền hành pháp

Một là, Quốc hội nâng cao hiệu quả kiểm soát thực hiện quyền hành pháp đối với Chính phủ

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả kiểm soát thực hiện quyền hành pháp, Quốc hội cần đổi mới cách thức hoạt động theo hướng thực chất hơn. Theo đó, cần tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phiên giải trình tại Hội đồng dân tộc và các ủy ban theo hướng tăng tính tranh luận, phân tích làm rõ vấn đề đưa ra chất vấn; cải tiến chất lượng tham mưu, phục vụ hoạt động chất vấn theo hướng giảm tính sự vụ hành chính, chú trọng công tác tham mưu, phục vụ Quốc hội trong các hoạt động chất vấn như cung cấp thông tin phục vụ công tác điều hành phiên họp chất vấn; cung cấp thông tin, tham mưu cho đại biểu Quốc hội khi thực hiện quyền chất vấn; dự thảo nghị quyết, biên bản tóm tắt trả lời chất vấn.

Tăng cường giám sát theo chuyên đề, chú trọng vấn đề hậu giám sát; tiếp tục tổ chức nhiều phiên giải trình (điều trần) tại Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội; phát huy vai trò chủ trì thẩm tra và vai trò tham gia, phối hợp của các cơ quan của Quốc hội trong thẩm tra, giám sát, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Quốc hội quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thu thập nhiều thông tin phục vụ giám sát, bao gồm thông tin từ cơ quan giám sát trực tiếp, từ các chuyên gia, các cơ quan nghiên cứu, từ phản biện độc lập để bảo đảm tính đa dạng, khách quan, toàn diện của thông tin.

Yếu tố quyết định hiệu quả hoạt động kiểm soát thực hiện quyền hành pháp của Quốc hội đối với Chính phủ là năng lực và tinh thần trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi thực hiện hoạt động này. Quan sát hoạt động của các khóa Quốc hội Lào gần đây có thể nhận thấy, các đại biểu Quốc hội chưa phát huy năng lực và trách nhiệm trong việc kiểm soát thực hiện quyền hành pháp của Chính phủ. Thực tế cho thấy, phần lớn các đại biểu Quốc hội chưa dành sự quan tâm đúng mức cho nhiệm vụ này, điển hình là hoạt động chất vấn không thu hút được nhiều đại biểu gửi chất vấn, các chất vấn chỉ tập trung vào một số đại biểu Quốc hội có tâm huyết. Vì vậy, cần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp và tính chịu trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Để làm được điều này, Quốc hội Lào cần sớm ban hành Luật Bầu cử để bảo đảm các ứng cử viên khi được đưa vào danh sách ứng cử đủ đức, đủ tài, có tinh thần trách nhiệm cao. Đồng thời, các đại biểu sau khi trúng cử cần được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng đại biểu theo nội dung và thời gian do pháp luật quy định. Có như vậy hiệu quả kiểm soát của Quốc hội đối với việc thực hiện quyền hành pháp của Chính phủ mới được nâng cao.

Thực tế hoạt động của Quốc hội Lào thời gian qua cho thấy, mặc dù Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã hết sức cố gắng, tuy nhiên, nguồn lực cho hoạt động của Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội chưa được bảo đảm, tổ chức bộ máy chưa tương xứng nên không đáp ứng được đầy đủ, nhanh chóng các yêu cầu đặt ra. Để khắc phục tình trạng này, cùng với việc nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất cho cán bộ, công chức của Văn phòng Quốc hội, thời gian tới cần tăng cường cơ sở vật chất để bảo đảm cho các cơ quan của Quốc hội hoạt động hiệu quả hơn.

Hai là, nâng cao hiệu quả kiểm soát thực hiện quyền hành pháp của Hội đồng nhân dân

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần ban hành luật hoặc pháp lệnh về thành lập Hội đồng nhân dân cấp huyện và cấp thôn (bản). Về vấn đề này, Lào có thể học tập kinh nghiệm của Việt Nam từ việc ban hành và thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, Việt Nam đã có quy định rất rõ về cách thức tổ chức chính quyền địa phương; tùy vào đặc điểm của từng địa phương cụ thể mà quyết định có thành lập Hội đồng nhân dân cấp huyện và cấp thôn (bản) hay không. Nếu đồng loạt không thành lập như ở Lào hiện nay thì có thể dẫn đến tạo ra khoảng trống lớn trong kiểm soát quyền lực, nhất là kiểm soát thực hiện quyền hành pháp; ngược lại, nếu nhất loạt thành lập Hội đồng nhân dân các cấp, không tính đến các đặc thù của từng địa phương có thể dẫn đến sự lãng phí nguồn lực và làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Từ kinh nghiệm của Việt Nam, có thể tham chiếu cho Lào là đối với các địa phương ở đô thị, thường có diện tích nhỏ so với các địa phương ở nông thôn, giao thông thuận tiện, hoặc đối với các địa phương nông thôn có diện tích lớn nhưng quy mô dân số nhỏ hoặc vừa thì trong bộ máy chính quyền địa phương không nhất thiết thành lập Hội đồng nhân dân, khi đó Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ thực hiện chức năng giám sát nói chung đối với chính quyền địa phương các cấp, trong đó có chức năng kiểm soát thực hiện quyền hành pháp của Ủy ban nhân dân. Ngược lại, những địa phương không có các đặc điểm như trên thì cần thiết thành lập Hội đồng nhân dân cấp huyện và thôn (bản) để thực hiện việc kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương, giảm tải công việc cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, qua đó phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân.

Lào cũng có thể học tập kinh nghiệm của Việt Nam trong việc quy định hai khái niệm chính quyền địa phươngcấp chính quyền địa phương(4) và có sự phân biệt hai khái niệm này trong Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo cách hiểu hiện nay ở Việt Nam, chính quyền địa phương là tập hợp các cơ quan công quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước và xã hội, có vai trò giữ ổn định trật tự và phát triển kinh tế, phục vụ nhân dân; trong khi đó cấp chính quyền địa phương là tổ chức gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Ở mỗi đơn vị hành chính nhất thiết phải có chính quyền địa phương nhưng không bắt buộc phải có cấp chính quyền địa phương, thay vào đó có thể chỉ có ủy ban nhân dân, với người đứng đầu là chủ tịch ủy ban nhân dân hoặc tỉnh trưởng, huyện trưởng, đô trưởng... mà không cần có Hội đồng nhân dân cùng cấp tương ứng. Việc có thành lập Hội đồng nhân dân hay không phụ thuộc vào đặc điểm của từng loại hình địa phương như đã phân tích ở trên. Tham khảo nội dung này, Quốc hội Lào xem xét sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 76 và Điều 77 Hiến pháp năm 2015 theo hướng bổ sung hai khái niệm như Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đã quy định.

Ngoài ra, Ủy ban thường vụ Quốc hội cần sớm ban hành hướng dẫn thực hiện chức năng giám sát nói chung và chức năng kiểm soát thực hiện quyền hành pháp nói riêng của Hội đồng nhân dân các cấp, tạo cơ sở pháp lý cho Hội đồng nhân dân thực hiện tốt chức năng giám sát, khắc phục tình trạng vừa làm vừa xin ý kiến như hiện nay. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng đến việc hướng dẫn đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện quyền chất vấn đối với đại diện các cơ quan hành pháp, giám sát văn bản do cơ quan hành pháp ban hành và tổ chức thực hiện.

__________________

Ngày nhận bài: 30-6-2024; Ngày bình duyệt: 5 -7- 2024; Ngày duyệt đăng: 19 -8-2024.

(1) Xem Điều 76, 77 Hiến pháp Lào năm 2015.

(2) Xem Điều 83 Hiến pháp Lào năm 2015.

(3) Đảng Nhân dân Cách mạng Lào: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lần thứ XI, Nxb Nhà nước, Viêng Chăn, 2021.

(4) Xem quy định tại Điều 111, 112 Hiến pháp Việt Nam năm 2013.


Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quốc hội và Hội đồng nhân dân kiểm soát thực hiện quyền hành pháp ở Lào
    POWERED BY