(LLCT) - Xây dựng quân đội hiện đại, nền quốc phòng, an ninh vững chắc là nhiệm vụ trọng yếu của mỗi quốc gia. Hiện nay, trước sự biến đổi nhanh chóng, phức tạp của tình hình thế giới, nhất là vấn đề chủ quyền, an ninh quốc gia thì việc củng cố, tăng cường quốc phòng, hiện đại hóa quân đội là yêu cầu cần thiết mang tính chiến lược căn bản và lâu dài. Bài viết làm rõ quan điểm, chủ trương đúng đắn, nhất quán của Đảng trong việc tăng cường sức mạnh quốc phòng, hiện đại hóa quân đội nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
TS NGUYỄN XUÂN ĐẠI
TS LƯU DUY TOÀN
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
1. Mở đầu
Bảo vệ vững chắc Tổ quốc, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước phát triển nhanh, bền vững là mục tiêu hàng đầu của Việt Nam hiện nay. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn thể hiện sự kiên định và lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Tình hình thế giới, khu vực đang có những biến động, diễn biến phức tạp, khó dự báo. Ngoài các chiến lược “lôi kéo” núp dưới hình thức hợp tác để vừa kiềm chế lẫn nhau và can dự vào nội bộ nước khác, các thế lực thù địch, các phần tử phản động còn lợi dụng tình hình bất ổn về chính trị, quân sự thế giới cũng như khu vực để tăng cường chống phá cách mạng Việt Nam với âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, công khai và trực diện hơn. Điều này tạo ra thách thức rất lớn đến sự ổn định, hòa bình và phát triển. Do vậy, củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng và xây dựng quân đội hiện đại là chủ trương nhất quán, đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Nội dung
2.1. Tăng cường sức mạnh quốc phòng, hiện đại hóa Quân đội là yêu cầu tất yếu của Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, tăng cường sức mạnh quốc phòng là xu thế chung của các quốc gia
Nâng cao năng lực quốc phòng là tất yếu, phù hợp với xu thế chung của các quốc gia. Đối với thế giới, lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy, các quốc gia đều chú trọng nâng cao năng lực quốc phòng, xây dựng quân đội lớn mạnh để bảo vệ đất nước. Tình hình thế giới, khu vực hiện nay có những biến động nhanh, phức tạp và khó dự báo. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước, nhất là các nước lớn, mâu thuẫn, xung đột lợi ích, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, biển, đảo, tài nguyên tiếp tục diễn ra, các thách thức an ninh phi truyền thống gay gắt ở nhiều nơi, với nhiều đặc điểm mới, tác động sâu sắc, toàn diện đến các quốc gia. Hiện có khoảng 80% số quốc gia đang phát triển (chiếm khoảng 3/4 thành viên của Liên hợp quốc) là nhóm nước dễ bị tổn thương bởi các thách thức an ninh toàn cầu, như xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo, đói nghèo, thiên tai, dịch bệnh(2)… Do vậy, các nước, nhất là các nước đang phát triển cần tăng cường quốc phòng nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, đồng thời đóng góp tích cực bảo đảm an ninh khu vực và toàn cầu.
Những năm gần đây, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều tăng chi ngân sách cho quốc phòng, trang bị khí tài nhằm hiện đại hóa quân đội. Theo thống kê, chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2024 đạt 2.600 tỷ USD, tăng hơn 200 tỷ USD so với năm 2023 và là năm thứ 9 tăng liên tiếp. Trong 10 quốc gia chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới, Mỹ là quốc gia đứng đầu với 916 tỷ USD (chiếm 37%), tiếp theo là Trung Quốc (296 tỷ USD), Nga (109 tỷ USD), Ấn Độ (trên 83 tỷ USD), Nhật Bản (hơn 50 tỷ USD), Hàn Quốc (gần 48 tỷ USD)(3). Đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á, chi ngân sách cho quốc phòng đều tăng qua các năm. Theo Công ty phân tích dữ liệu quốc phòng GlobalData, với ngân sách quốc phòng 8,8 tỷ USD năm 2023, Inđônêxia là nước có mức chi tiêu quân sự cao thứ hai ở Đông Nam Á sau Xinhgapo, mức chi này tăng hằng năm, dự báo đạt 9,7 tỷ USD vào năm 2028 nhằm thực hiện các kế hoạch hiện đại hóa lực lượng quốc phòng của Inđônêxia(4).
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện, Việt Nam có cơ hội thuận lợi để thực hiện củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng, hiện đại hóa Quân đội. Đây là xu thế khách quan trong tình hình mới, nếu không có nhận thức đúng, không nắm bắt được thời cơ và xu thế của thời đại, không có tư duy chiến lược, thực hiện “đi tắt, đón đầu” thì sức mạnh Quân đội sẽ không được duy trì và không đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn khách quan của tình hình thế giới, khu vực. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là sự xuất hiện của các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại đã, đang và sẽ làm thay đổi cơ bản tổ chức quân đội, hình thái và phương thức tiến hành chiến tranh. Cùng với môi trường tác chiến trên bộ, trên không, trên biển, trên vũ trụ, không gian mạng đã trở thành môi trường tác chiến thứ năm. Sự ra đời của chiến tranh mạng tác động sâu sắc đến lĩnh vực quân sự, quốc phòng, an ninh thế giới, khu vực và mỗi quốc gia; xu hướng chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao, chiến tranh ủy nhiệm, phi tiếp xúc, phi đối xứng… sẽ là phổ biến; không gian, thời gian và ranh giới tác chiến sẽ khó phân định. Những vấn đề này đặt ra yêu cầu cấp thiết về tăng cường sức mạnh quốc phòng, hiện đại hóa Quân đội để thích ứng với điều kiện chiến tranh hiện đại nhằm đánh bại đối phương, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Hai là, củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng, hiện đại hóa Quân đội là chủ trương nhất quán, đúng đắn của Đảng, Nhà nước
Củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng, hiện đại hóa Quân đội thể hiện sự phát triển tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, “chủ động giữ nước từ khi nước chưa nguy” trong tình hình mới. Trong học thuyết bảo vệ Tổ quốc XHCN, V.I.Lênin nêu: “Hãy chăm lo đến khả năng quốc phòng của nước ta và của Hồng quân ta như chăm lo đến con ngươi trong mắt mình, và hãy nhớ rằng chúng ta không được phép lơ là một giây phút nào trong việc bảo vệ công nhân và nông dân của ta và bảo vệ những thành quả của họ”(5).
Trong bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”(6). Người căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”(7) và “Chiến tranh ngày nay phức tạp và hết sức khó khăn. Không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó, không thể nào thắng lợi được”(8). Kế thừa truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông; vận dụng và phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bài học kinh nghiệm bảo vệ Tổ quốc qua các giai đoạn cách mạng, trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã tăng cường, củng cố sức mạnh quốc phòng, hiện đại hóa Quân đội.
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn khẳng định, tăng cường quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Đại hội VI của Đảng (năm 1986) nêu rõ: “Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đề cao cảnh giác, tăng cường khả năng quốc phòng và an ninh của đất nước, quyết đánh thắng kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, bảo đảm chủ động trong mọi tình huống để bảo vệ Tổ quốc”(9). Đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), Đảng chỉ rõ: “Nhiệm vụ của quốc phòng - an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lãnh thổ toàn vẹn của Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, sự ổn định chính trị, trật tự và an toàn xã hội, quyền làm chủ của nhân dân, làm thất bại mọi âm mưu và hành động của các thế lực đế quốc, phản động phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”(10).
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” (tháng 10 - 2003), Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25-10-2013 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, xác định rõ nhiệm vụ củng cố, tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh trong tình hình mới. Đến Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) và trong Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24-11-2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng tiếp tục xác định: “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”(11).
Ba là, củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng, hiện đại hóa Quân đội phù hợp với điều kiện của đất nước, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới
Việt Nam củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng, hiện đại hóa Quân đội bằng nội lực và điều kiện, khả năng của mình, không nhằm mục đích “kích động chạy đua vũ trang” như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đây là quan điểm rất rõ ràng, được công khai. Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 nêu rõ: “Ngân sách quốc phòng Việt Nam phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu tăng cường tiềm lực quốc phòng bảo vệ Tổ quốc, nhưng không chạy đua vũ trang, không trở thành gánh nặng của nền kinh tế đất nước”(12). Ngân sách quốc phòng Việt Nam những năm qua đều thấp hơn so với các nước; từ năm 2010 đến 2019, chi tiêu quốc phòng Việt Nam đều nhỏ hơn 3% GDP, cụ thể: năm 2010 là 2,23%; năm 2011 là 2,82%, năm 2012 là 2,88%; năm 2013 là 2,69%; năm 2014 là 2,69%; năm 2015 là 2,72%; năm 2016 là 2,64%; năm 2017 là 2,51% và 2018 là 2,36%(13). Mức ngân sách quốc phòng này phù hợp với điều kiện thực tế đất nước, không làm giảm, phân tán nguồn lực phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
Bốn là, nội dung củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng, hiện đại hóa Quân đội của Việt Nam là rõ ràng, minh bạch
Mục tiêu củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng, hiện đại hóa Quân đội của Việt Nam nhằm xây dựng nền quốc phòng toàn dân hòa bình, tự vệ, phòng thủ, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội XHCN, nền văn hóa, bảo vệ công cuộc đổi mới, lợi ích quốc gia dân tộc, vị thế, uy tín quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước và hội nhập quốc tế thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Củng cố, tăng cường quốc phòng của Việt Nam là một nhiệm vụ trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân; tích cực, chủ động, kiên quyết, kiên trì ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh. Bởi sức mạnh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam là sức mạnh tổng hợp của đất nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Chính sách quốc phòng hòa bình và tự vệ của Việt Nam được xác định là không gây chiến với ai, không xâm lược ai, nhưng Việt Nam “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”(14).
Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 nêu rõ: “Chiến lược Quốc phòng Việt Nam là chiến lược phòng thủ quốc gia, bảo vệ đất nước, giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược; mang tính hòa bình, tự vệ bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”(15).
Củng cố, tăng cường quốc phòng của Việt Nam đặt trong tổng thể của chính sách quốc phòng “bốn không”. Trên tinh thần Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy, thành viên tích cực, trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tham gia ứng phó hiệu quả các thách thức an ninh chung. Việt Nam nhất quán quan điểm: “không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”(16); giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế; góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN; đồng thời góp phần thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Nội dung củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng, hiện đại hóa Quân đội của Việt Nam toàn diện, không đơn thuần là mua sắm, sản xuất, hiện đại hóa vũ khí, trang bị mà thực chất là nâng cao sức mạnh tổng hợp của toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị; nâng cao sức mạnh tổng hợp toàn diện, cả tiềm lực chính trị, tinh thần, tiềm lực kinh tế, khoa học - công nghệ; xây dựng tiềm lực quốc phòng, quân sự theo chiến lược thống nhất, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khả năng tác chiến và trình độ, năng lực của lực lượng vũ trang. Hiện đại hóa Quân đội là một quá trình nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, trong đó chất lượng chính trị là hàng đầu, nền tảng vững chắc cho xây dựng Quân đội nhân dân tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống.
Tại Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 11 (Trung Quốc, năm 2024), Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh: “là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, luôn coi trọng quan hệ hợp tác quốc tế, Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam cũng kiên định chính sách quốc phòng bốn không, nhất quán không liên kết với nước này để chống nước kia; luôn chân thành, thủy chung, trân trọng giữ gìn, phát triển quan hệ truyền thống hữu nghị với các nước và các đối tác”(17). Trong bối cảnh mới hiện nay, việc minh bạch, tăng cường quốc phòng thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao của Việt Nam đối với hòa bình của khu vực, quốc tế.
Chính sách quốc phòng của Việt Nam những năm qua có ý nghĩa lớn đối với thúc đẩy hợp tác, hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới. Chúng ta công khai khẳng định mong muốn tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế, các mối quan hệ quốc tế cần dựa trên các nguyên tắc, chuẩn mực chung, nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Mặt khác, quan hệ hợp tác quốc phòng song phương, đa phương của Việt Nam với các nước được thực hiện công khai, minh bạch, không gây nghi kị và không làm phương hại đến lợi ích của các nước khác.
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối ngoại quốc phòng với hơn 100 quốc gia, trong đó hầu hết là các đối tác chủ chốt (bao gồm 7 đối tác chiến lược toàn diện; 11 đối tác chiến lược; 12 đối tác toàn diện; 3 quốc gia có quan hệ đặc biệt); đã đặt 33 cơ quan Tùy viên quốc phòng thường trú tại các nước và tại trụ sở Liên hợp quốc; 52 nước đã đặt cơ quan Tùy viên quốc phòng, Tùy viên quân sự tại Việt Nam. Việt Nam đã cử 516 lượt cán bộ, nhân viên tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại các phái bộ ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và trụ sở Liên hợp quốc(18). Những hoạt động, đóng góp của Việt Nam thời gian qua được các tổ chức quốc tế, các quốc gia thừa nhận, đánh giá cao, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
2.2. Một số giải pháp nhằm củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng, hiện đại hóa Quân đội
Trước thành quả xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam XHCN, các thế lực thù địch, phản động ra sức tuyên truyền xuyên tạc, công kích chủ trương củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng của nước ta; có những tác động xấu nhằm làm lung lạc ý chí cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu sai lệch đường lối, chủ trương của Đảng, làm suy giảm niềm tin vào đường lối, chiến lược quốc phòng, quân sự của nước ta, gây bất lợi cho hoạt động đối ngoại, trong đó có đối ngoại quốc phòng của Việt Nam. Để tiếp tục củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng, hiện đại hóa Quân đội để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới, cần quán triệt và thực hiện hiệu quả những giải pháp cơ bản sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bảo đảm mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng về đường lối, chủ trương củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng, hiện đại hóa Quân đội của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Bằng nhiều phương thức khác nhau, cần thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, tạo sự thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về mục tiêu, nội dung, hình thức tăng cường quốc phòng của đất nước.
Hai là, chú trọng nghiên cứu, đề xuất và tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, giải pháp tổng thể, cơ bản, lâu dài, ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”; nhất quán thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không”. Đặc biệt, chú trọng bổ sung, kiện toàn các cơ chế, quy định, nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Quốc phòng với Bộ Công an, các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương và các địa phương trong xử lý các tình huống bảo vệ Tổ quốc.
Ba là, trong tăng cường sức mạnh quốc phòng, cần thực hiện phương châm đề cao “tự chủ chiến lược”, tự lực, tự cường, chủ động khơi thông, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo đảm an ninh, hòa bình, phát triển quốc gia và tham gia có trách nhiệm trong các cơ chế hợp tác khu vực và thế giới; thúc đẩy thiết lập cấu trúc an ninh toàn diện, đa phương, cởi mở, minh bạch, bình đẳng, hợp tác, phát triển.
Bốn là, tiếp tục mở rộng, nâng cao hơn nữa hiệu quả hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng. Trong quá trình này, cần chủ động thúc đẩy đối thoại, hợp tác, tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, vượt qua khác biệt, lợi ích cục bộ, không phân biệt trình độ phát triển, nỗ lực xây dựng lòng tin chiến lược giữa các quốc gia, vì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam cần chủ động, minh bạch giải quyết tốt quan hệ quốc phòng với các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác chiến lược, các nước ASEAN, các nước là bạn bè truyền thống trên cơ sở kiên định chính sách quốc phòng “bốn không”, tạo thế cân bằng chiến lược trong quan hệ với các đối tác, đáp ứng mục tiêu chiến lược và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Năm là, Việt Nam và mỗi quốc gia cần thực hiện đúng các cam kết đã đưa ra, đề cao nghĩa vụ, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, khắc phục sự khác biệt, mâu thuẫn, thúc đẩy hợp tác, đạt được nhận thức chung, xây dựng lòng tin chiến lược, cùng chung tay ứng phó, xử lý hiệu quả với các thách thức an ninh khu vực và toàn cầu. Đề cao và phát huy tinh thần đặt lợi ích của mỗi quốc gia trong tổng thể lợi ích khu vực và toàn cầu nhằm bảo đảm sự hài hòa, đoàn kết, hướng tới an ninh toàn cầu bền vững.
3. Kết luận
Trải qua 80 năm thành lập, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam đang vững bước tiến vào kỷ nguyên mới của dân tộc. Xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại là chủ trương nhất quán, đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Với mục tiêu nâng cao sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, vì hòa bình thế giới, Việt Nam luôn hướng đến củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng, hiện đại hóa Quân đội với trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả; coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, minh bạch, rõ ràng. “Chính sách quốc phòng Việt Nam luôn thể hiện rõ truyền thống yêu chuộng hòa bình, nhân văn, nhân đạo và thiện chí của Việt Nam không chỉ góp phần xây dựng, củng cố niềm tin, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước mà còn làm “phá sản” mọi sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với chính sách quốc phòng Việt Nam”(19).
_________________
Ngày nhận bài: 19-02-2025; Ngày bình duyệt: 15-4-2025; Ngày duyệt đăng: 5-5-2025.
Email tác giả: nguyenxuandaik7@gmail.com
(1), (11), (14) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.158, 156, 157.
(2) Phan Văn Giang: Bài phát biểu quan trọng tại phiên toàn thể thứ 2 của Diễn đàn Hương Sơn - Bắc Kinh lần thứ 10 với chủ đề “Vai trò của các nước đang phát triển trong an ninh toàn cầu”, tháng 10-2023.
(3) Chi tiêu quốc phòng toàn cầu 2024 tăng kỷ lục, https://vtv.vn/the-gioi/chi-tieu-quoc-phong-toan-cau-2024-tang-ky-luc-20250113204741143.htm
(4) Indonesia có mức chi tiêu quân sự lớn thứ hai ở Đông Nam Á, https://www.vietnamplus.vn/indonesia-co-muc-chi-tieu-quan-su-lon-thu-hai-o-dong-nam-a-post902445.vnp
(5) V.I.Lênin: Toàn tập, t.44, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1981, tr.368 - 369.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.587.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Sđd, tr.59.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.344.
(9) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.47, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.550.
(10) ĐCSVN: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.19.
(12) (13) (15) (16) Bộ Quốc phòng, Quốc phòng Việt Nam 2019 (Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr.40, 40, 23, 25.
(17) Khai mạc Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 11, https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-ngoai-quoc-phong/khai-mac-dien-dan-huong-son-bac-kinh-lan-thu-11-794180
(18) Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình, https://tapchicongsan.org.vn/
(19) Đẩy mạnh phản bác luận điệu xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam, http://tapchiqptd.vn/vi/binh-luan-phe-phan/day-manh-phan-bac-luan-dieu-xuyen-tac-chinh-sach-quoc-phong-viet-nam/19985.html