Thực tiễn

Thực hiện quản lý xung đột xã hội của hệ thống chính trị hiện nay (qua khảo sát trên địa bàn Thành phố Hà Nội)

17/07/2024 14:46

(LLCT) - Xung đột xã hội là hiện tượng xảy ra trong quá trình tương tác giữa các cá nhân, nhóm xã hội, có tác động tích cực và tiêu cực đến chủ thể cũng như các mối quan hệ xã hội của chủ thể trong xã hội. Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, xung đột xã hội có xu hướng diễn biến phức tạp. Quản lý xung đột xã hội là quá trình phát huy các tác động tích cực, hạn chế các tác động tiêu cực của xung đột xã hội đến chủ thể và xã hội. Trên cơ sở đánh giá thực trạng quản lý xung đột xã hội của hệ thống chính trị của Thành phố Hà Nội trong thực tiễn, bài viết đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý xung đột xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội trong thời gian tới.

PGS, TS PHẠM MINH ANH
TS NGUYỄN THẾ HÙNG

Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong

1. Thực trạng quản lý xung đột xã hội của hệ thống chính trị trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Trong lãnh đạo của cấp ủy đảng các cấp

Thành ủy Hà Nội và cấp ủy đảng các cấp của Thành phố có sự thống nhất trong thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo quản lý các xung đột xã hội. Thành phố đã tập trung lãnh đạo, làm tốt công tác ngăn chặn, phòng ngừa xung đột xã hội; kiên định giải quyết đúng đắn xung đột xã hội theo phương hướng lấy dân làm gốc, dựa vào pháp luật; xác định đặt việc ngăn chặn, phòng ngừa và giải quyết xung đột xã hội trong mối tương quan với phát triển bền vững. Thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh triển khai Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”(1). Mục tiêu tổng quát của Chương trình số 08-Ctr/TU là: “Giải quyết hài hòa, hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội và quản trị xã hội. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân Thủ đô, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực thành thị - nông thôn, phấn đấu đạt nhiều chỉ tiêu cao hơn mức chuẩn quốc gia, góp phần xây dựng Thành phố phát triển nhanh, bền vững và tiến bộ”(2).

Công tác quản lý xung đột xã hội của Thành phố được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, trong đó tập trung vào các vấn đề nổi cộm hiện nay, như: đất đai, lao động, an sinh xã hội, môi trường, tội phạm, dân tộc, tôn giáo, văn hóa, đạo đức, lối sống.

Thành phố Hà Nội tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo đối với quản lý xung đột xã hội của cấp ủy đảng các cấp, vừa chỉ đạo quyết liệt, sâu sát các nhiệm vụ lâu dài mang tính chiến lược, vừa quan tâm giải quyết các nhiệm vụ mang tính bức xúc dân sinh trước mắt; xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững; tăng cường xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong sạch, phát huy dân chủ. Đồng thời, cấp ủy các cấp lãnh đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị tăng cường củng cố các thể chế truyền thống của xã hội trong hoạt động quản lý xã hội.

Trong hoạt động quản lý xung đột xã hội của chính quyền các cấp

Về cơ chế, chính sách quản lý xung đột xã hội

Chính quyền các cấp Thành phố Hà Nội thực hiện đồng bộ 3 nhóm cơ chế, chính sách: Thứ nhất, nhóm cơ chế, chính sách phòng ngừa xung đột, chú trọng thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, ổn định xã hội; trong đó tập trung vào chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề, bảo vệ môi trường, cắt giảm phiền hà cho người dân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính; Thứ hai, nhóm chính sách và cơ chế để kiểm soát xung đột, giảm thiểu rủi ro, gồm các chính sách bảo hiểm trong hệ thống an sinh xã hội, trợ giúp xã hội cho các nhóm yếu thế. Kiểm tra, giám sát để phát hiện kịp thời các vấn đề phát sinh, tập trung thực hiện đề án về chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội; Thứ ba, nhóm chính sách và cơ chế xử lý xung đột hướng đến tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, đông người, khắc phục rủi ro trong xử lý vi phạm, bảo đảm đúng luật pháp, bình đẳng, kết hợp giữa giáo dục và nhân đạo, nghiêm trị kết hợp với khoan hồng.

Về nội dung, phương thức quản lý xung đột xã hội

Chính quyền các cấp Thành phố Hà Nội xác định, tương ứng với mỗi giai đoạn phát triển của xung đột xã hội, bộ máy quản lý sẽ sử dụng các công cụ, biện pháp, phương thức xử lý khác nhau. Nếu xung đột xảy ra ở giai đoạn thấp thì các phương thức được dùng phổ biến là tuyên truyền, vận động, đối thoại, thương lượng, hòa giải. Khi xung đột leo thang lên giai đoạn đối đầu, phức tạp hay không tương dung có thể cần sử dụng vũ lực cần thiết để giữ gìn trật tự trong những tình huống hoặc xung đột.

Chính quyền các cấp Thành phố Hà Nội tích cực đổi mới phương thức quản lý xung đột xã hội, tập trung tháo gỡ những vấn đề nóng của xã hội. Thành lập các ban chỉ đạo giải quyết các vấn đề, điểm nóng xã hội với các chủ thể là cấp ủy, đoàn thể chính trị - xã hội, chính quyền các cấp. Thành lập hệ thống kiểm soát, xử lý, giải quyết những vấn đề xã hội trên địa bàn.

Qua khảo sát 481 người dân trên địa bàn Thành phố Hà Nội về vai trò của chính quyền các cấp trong thực hiện quản lý xung đột xã hội, có 355/481 (73,8%) người dân cho rằng, chính quyền các cấp “đã làm tốt” vai trò trong quản lý xung đột xã hội. Kết quả khảo sát ý kiến của 489 cán bộ các cấp ở Thành phố Hà Nội về nội dung này cũng cho thấy tỷ lệ tương tự: có 418/489 (85,5%) cán bộ cho rằng chính quyền các cấp đã làm tốt vai trò của họ trong quản lý xung đột xã hội.

Số liệu Bảng 1 cho thấy mức độ hài lòng của người dân Thành phố Hà Nội đối với cách giải quyết của chính quyền địa phương trong quản lý xung đột xã hội. Các chỉ số đánh giá mức độ đạt được tốt và đạt được trạng thái hài lòng của người dân đối với hoạt động này của chính quyền đều có tỷ lệ trên 50%. Qua đó cho thấy hệ thống chính quyền các cấp của Thành phố Hà Nội đã đạt được những hiệu quả nhất định trong quản lý xung đột tại địa bàn.

Trong phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp

Quán triệt thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy các cấp trong quá trình tham gia quản lý xung đột xã hội, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã phát huy tốt vai trò trong tham gia quản lý xung đột xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội, thể hiện ở việc các tổ chức đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền về những tác động tiêu cực của xung đột xã hội đến ổn định trật tự xã hội và phát triển kinh tế - xã hội; các biện pháp phòng ngừa, hạn chế xung đột xã hội xảy ra hoặc leo thang; tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư, nhất là hoạt động góp ý cho cấp ủy đảng và chính quyền, giám sát và phản biện xã hội. Qua đó góp phần củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân vào vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đối với quản lý xung đột xã hội trên địa bàn.

Khảo sát ý kiến của người dân, cán bộ trong các cơ quan hành chính trên địa bàn Thành phố Hà Nội về vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã trong quản lý xung đột xã hội cho thấy, các tổ chức đã làm tốt vai trò trong công tác này. Tỷ lệ ý kiến đánh giá các tổ chức đã làm tốt vai trò trong quản lý xã hội lần lượt là: Mặt trận Tổ quốc xã/phường/thị trấn đạt 66,7%, Đoàn Thanh niên xã/phường/thị trấn đạt 62,8%, Hội Phụ nữ xã/phường/thị trấn đạt 65,7%, Hội Nông dân xã/phường/thị trấn đạt 58%, Hội Cựu chiến binh xã/phường/thị trấn đạt 62,2%.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy sự tin tưởng của người dân vào Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong quản lý xung đột xã hội trên địa bàn. Có 55,7% người dân và 70,8% cán bộ các cấp trong tổng số những người được khảo sát khẳng định, việc phát huy vai trò của các tổ chức trên trong trong quản lý xung đột xã hội “có đạt được” và “đạt được tốt”.

2. Hạn chế trong quản lý xung đột xã hội của hệ thống chính trị và nguyên nhân

Trong lãnh đạo của cấp ủy đảng

Một là, các cơ quan tham mưu của cấp ủy từ Thành phố đến cơ sở chưa có chương trình công tác riêng, cụ thể, cả về nội dung, nhân lực, phương pháp, phương tiện, ngân sách cho hoạt động quản lý xung đột xã hội.

Hai là, còn thiếu sự phối hợp giữa các ban, ngành, tổ chức xây dựng các chương trình, kế hoạch đề án dân vận đặc thù, trọng điểm ở những cơ sở có vấn đề phức tạp, có xung đột lợi ích kéo dài.

Ba là, do năng lực xử lý xung đột xã hội của cán bộ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ công chức, viên chức còn hạn chế cả về kiến thức, kỹ năng và thái độ, đã dẫn đến “điểm nóng” ở một số địa phương.

Trong quản lý xung đột xã hội của chính quyền các cấp

Một là, tình trạng cán bộ chính quyền còn thiếu các kỹ năng quản lý xung đột xã hội ở một số địa phương. Khi mâu thuẫn, xung đột, điểm nóng xảy ra, chính quyền địa phương có nơi còn lúng túng, bị động.

Hai là, kỹ năng dự báo còn yếu do trong quá trình hoạch định và thực hiện chính sách không đánh giá hoặc đánh giá không hết tác động của chính sách. Cán bộ, công chức không sát dân, không nắm được dân, ít quan tâm đến tâm trạng, mong muốn, bức xúc của người dân.

Ba là, vẫn còn tư tưởng chủ quan, duy ý chí về những mâu thuẫn ban đầu, từ đó dẫn tới tâm lý chủ quan, xem nhẹ, bỏ qua các dấu hiệu xung đột xã hội, đến khi bùng phát thành những điểm nóng chính trị - xã hội thì lúng túng, bị động, xử lý không đúng, làm cho tình hình trở nên phức tạp, vượt khỏi tầm kiểm soát của chính quyền địa phương.

Trong phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc quản lý xung đột xã hội

Một là, có cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đối với quản lý xung đột xã hội ở địa phương.

Hai là, còn có tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số địa phương chưa phát huy tốt vai trò của mình đối với quản lý xung đột xã hội.

Ba là, cơ sở pháp lý để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia quản lý xung đột xã hội chưa hoàn thiện.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý xung đột xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội từ thực tiễn khảo sát trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Để phát huy những kết quả đạt được, từng bước khắc phục các hạn chế trong quản lý xung đột xã hội cần quan tâm, chú trọng thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng các cấp đối với quản lý xung đột xã hội trên địa bàn theo hướng: tập trung lãnh đạo triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác tư tưởng, nhất là nắm bắt, định hướng, giải quyết các vấn đề tư tưởng trong tình hình mới, định hướng thông tin báo chí; phát huy hiệu quả các loại hình, phương tiện tuyên truyền, tạo sự lan tỏa các chỉ đạo của cấp ủy trong các tầng lớp nhân dân.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp đối với quản lý xung đột xã hội trên địa bàn. Theo đó, cần kiện toàn bộ máy quản lý xung đột xã hội từ cấp tỉnh, thành phố đến cấp cơ sở; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong quản lý xung đột xã hội; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng giải quyết xung đột xã hội cho cán bộ, công chức bộ máy chính quyền các cấp để có năng lực ứng phó với xung đột xã hội.

Thứ ba, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đối với quản lý xung đột xã hội trên địa bàn. Do đó, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong giải quyết xung đột xã hội; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực dự báo, vận động nhân dân cho đội ngũ cán bộ Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội; thực hiện tốt mối quan hệ giữa Mặt trận và các thành viên trong thực hiện nhiệm vụ giải quyết xung đột xã hội.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 549 (11-2023)

Ngày nhận bài: 10-10-2023; Ngày bình duyệt: 21-11-2023; Ngày duyệt đăng: 22-11-2023.

(1), (2) Thành ủy Hà Nội: Chương trình số 08-CTr/TU về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025.

Tài liệu tham khảo:

1. Thành ủy Hà Nội: Chỉ thị số 15-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội, 2016.

2. Thành ủy Hà Nội: Nghị quyết số 15-NQ/TU về việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội, 2017.

3. Thành ủy Hà Nội: Chương trình 01-CTr/TU về tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị Thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025.

4. Thành ủy Hà Nội: Chương trình số 09-CTr/TU về tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, giai đoạn 2021-2025.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thực hiện quản lý xung đột xã hội của hệ thống chính trị hiện nay (qua khảo sát trên địa bàn Thành phố Hà Nội)
    POWERED BY