(LLCT) - Văn hóa là tinh hoa, linh hồn của một dân tộc và triết lý nhân sinh chính là “lớp trầm tích cô đọng”, là yếu tố cốt lõi của văn hóa. Triết lý có vai trò định hướng cho sự phát triển. Triết lý nhân sinh là kim chỉ nam cho mọi hành động, lẽ sống của con người trong cuộc đời. Triết lý nhân sinh của người Nghệ Tĩnh trong dân ca Ví, Giặm là yếu tố có vai trò quan trọng và ý nghĩa lớn trong mục tiêu và động lực phát triển kinh tế - xã hội. Bài viết phân tích, làm rõ triết lý nhân sinh của người Nghệ Tĩnh trong dân ca Ví, Giặm và ý nghĩa hiện thời.
ThS NGUYỄN THỊ HUYỀN TRANG
Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng
1. Mở đầu
Nghệ Tĩnh là tên gọi cũ của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay. Đây là vùng văn hóa cổ xưa, có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời ở Việt Nam. Trong quá trình hình thành, sinh sống, nhân dân vùng Nghệ Tĩnh có triết lý nhân sinh, tín ngưỡng riêng. Họ đã gửi gắm triết lý nhân sinh ấy vào những bài dân ca Ví, Giặm trữ tình, thiết tha.
Dân ca Ví, Giặm là sản phẩm của nhân dân Nghệ Tĩnh, được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2014. Dân ca Ví, Giặm là văn nghệ tự sáng tạo, trong môi trường sinh hoạt văn hóa dân gian của nhân dân vùng Nghệ Tĩnh. Thông qua môi trường sinh hoạt văn hóa này, nhân dân Nghệ Tĩnh gửi gắm tâm tư, tình cảm, khát vọng và những triết lý nhân sinh về cuộc đời, số phận, đạo đức, tư tưởng vào những bài dân ca Ví, Giặm. Những triết lý nhân sinh ấy để lại nhiều ý nghĩa đối với cuộc sống của nhân dân.
2. Quan điểm về triết lý nhân sinh
Về triết lý, theo Phạm Xuân Nam: “Triết lý là kết quả của sự suy ngẫm, chiêm nghiệm và đúc kết thành những quan niệm, luận điểm, phương châm cơ bản và cốt lõi nhất về cuộc sống cũng như về hoạt động thực tiễn rất đa dạng của con người trong xã hội. Chúng có vai trò định hướng trực tiếp ngược lại đối với cuộc sống và những hoạt động thực tiễn rất đa dạng ấy”(1).
Theo Hoàng Trinh: “Triết lý là những nguyên lý đầu tiên, những ý tưởng cơ bản được dùng làm nền tảng cho sự tìm tòi và suy lý của con người về cuội nguồn, bản chất và các hình thái tự nhiên, xã hội và bản thân, làm phương châm cho sự xử thế và xử sự của con người trong các hành động sống hằng ngày”(2).
Hoàng Thúc Lân đưa ra kết luận: “Triết lý là những quan niệm được rút ra thông qua quá trình suy ngẫm, chiêm nghiệm của con người về tự nhiên, về con người và xã hội loài người, nhằm giải đáp cho những câu hỏi được đặt ra một cách trực tiếp trong đời sống”. Đồng thời khẳng định: “Những quan niệm, luận điểm ấy trở thành cơ sở định hướng, chỉ dẫn cho hoạt động của con người trong ứng xử với tự nhiên, với con người và với chính bản thân mình”(3).
Các quan điểm nêu trên cho thấy, triết lý là những kinh nghiệm, bài học được con người đúc kết, rút ra được từ thực tiễn cuộc sống. Nó là kết quả của quá trình chiêm nghiệm, trải nghiệm, suy ngẫm của con người về tự nhiên, về con người, xã hội và về chính bản thân. Triết lý có vai trò: định hướng trực tiếp cuộc sống, hoạt động thực tiễn của con người; là kim chỉ nam, chỉ dẫn cho hoạt động của con người trong mối quan hệ ứng xử với tự nhiên, xã hội và với chính bản thân.
Về triết lý nhân sinh, Lê Kiến Cầu, một học giả người Trung Quốc đưa ra khái niệm về nhân sinh: “Nhân sinh không chỉ bao gồm cuộc sống của con người và sinh mệnh của con người mà gồm cả nhân tính nữa”(4) và “Nhân sinh có thể bao gồm ba ý nghĩa: sinh mệnh con người, cuộc sống của con người và phương hướng của con người”(5). Ông chỉ rõ, sinh mệnh con người do yếu tố vật chất và yếu tố tinh thần tạo nên. Vật chất chính là nguồn tài nguyên của vạn vật, là môi trường tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên mà con người không thể sống tách rời. Tinh thần, đó chính là tri thức, phẩm hạnh và lý tưởng. Cuộc sống của con người phải có mục đính, không ngừng đổi mới, tiến bộ. Mục đích đó không chỉ làm cho mình được mãn ý mà còn phải làm cho người khác, làm cho đoàn thể, toàn thể nhân loại mãn ý. Cuộc sống ấy bao gồm cả đời sống nội tại (bên trong) và đời sống ngoại tại (bên ngoài). Đời sống bên trong là đời sống tinh thần, đời sống bên ngoài bao gồm cả tinh thần và vật chất. Phương hướng của con người chính là mục tiêu, mục đích mà con người hướng đến.
Hoàng Thúc Lân cho rằng: “Triết lý nhân sinh là những quan niệm về cuộc sống, lẽ sống, mục đích, ý nghĩa giá trị sống và kim chỉ nam cho nhận thức, hành động của con người trong mối quan hệ với tự nhiên, với xã hội và với chính bản thân con người”(6).
Đúc kết lại, triết lý nhân sinh là những quan niệm về cuộc sống của con người: cuộc đời, lẽ sống, mục đích, phương hướng, ý nghĩa sống v.v.. Những quan niệm ấy được rút ra từ những bài học, kinh nghiệm sống, những trải nghiệm của con người trong các mối quan hệ với tự nhiên, với con người trong xã hội và với bản thân.
3. Triết lý nhân sinh của người Nghệ Tĩnh trong dân ca Ví, Giặm
Triết lý nhân sinh của người Nghệ Tĩnh trong dân ca Ví, Giặm được thể hiện qua những nội dung sau:
Thứ nhất, triết lý nhân sinh về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Bằng hoạt động thực tiễn lao động sản xuất, quá trình sinh sống, đấu tranh, cải tạo xã hội, người dân Nghệ Tĩnh đã tích lũy những triết lý nhân sinh đúng đắn về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên.
Tự nhiên là thế giới tồn tại bên ngoài con người, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người. Vì vậy, trong mỗi suy nghĩ, hành động, việc làm, con người nơi đây đều nhận trách nhiệm về mình: “Trách mình, chẳng trách ai đâu!/Trách đài kia ngắn chạc (dây) gàu, trách giếng sâu nỗi gì?”(7). Họ không mù quáng đổ lỗi cho số phận bởi họ đã nhìn thấy được hiện thực khách quan: “Cái giếng sâu”, “cái đài”, “cái chạc” là vật chất có trước, tồn tại thực, bản thân nó không có ý thức, chỉ là vật vô tri, vô giác. Hay nói cách khác, vật chất là toàn bộ thực tại khách quan tồn tại bên ngoài con người. Do vậy, con người không thể đổ lỗi cho hiện thực khách quan. Nguyên nhân chính là ở bản thân con người, phải “trách mình” là đúng.
Con người sống không tách rời tự nhiên, phụ thuộc vào tự nhiên. Người Nghệ Tĩnh sinh ra đã phải đối diện với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, mùa hè nóng nực, hạn hán, mùa đông lũ lụt, lạnh giá. Người dân luôn phải gồng mình chống chọi với thiên tai, đói nghèo. Mặc dù cần cù, chịu khó, tiết kiệm, người dân nơi đây đã nỗ lực hết sức, song thành bại hay không còn phụ thuộc vào thiên nhiên. Người Xứ Nghệ sớm nhận thấy rằng, con người vốn nhỏ bé, yếu ớt trước cuộc đời, vũ trụ bao la: “Túi (tối) trời, vả lại mưa chan/ Mình em như con chiền chiện lạc vào ngàn rừng xanh”(8). Sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã trở thành lực cản lớn nhất ảnh hưởng và chi phối đến cuộc sống của con người vùng Nghệ Tĩnh.
Con người không thể thay đổi được tự nhiên nhưng có thể cải tạo tự nhiên để phục vụ lợi ích của mình. Sống gắn bó với tự nhiên, con người nơi đây rút ra những kinh nghiệm, tìm ra được những quy luật của tự nhiên, vận dụng vào đời sống sản xuất, phòng rủi ro, hạn chế các tác động xấu và phát huy lợi thế của nó: “Sông sâu thì biển cũng sâu/ Muốn ăn cá lớn, phải dong câu cho dài”(9). Họ biết vận dụng quy luật của tự nhiên vào sản xuất mùa màng, mang lại kết quả tốt: “Nước cạn thì em xuống sông mò cua, bắt cá/ Nước nậy (lớn) thì em lên rừng hái lá rau mưng…”(10).
Con người phải sống hài hòa, thân thiện với tự nhiên, bảo vệ tự nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái. Biểu hiện của lối sống hài hòa, thân thiện với tự nhiên của con người nơi đây đó là tình yêu thiên nhiên, ca ngợi vẻ đẹp của quê hương. Xứ Nghệ có những cảnh đẹp làm mê mẩn lòng người: “Đường vô Xứ Nghệ quanh quanh/ Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”(11). Con người nơi đây sống chan hòa, hòa quyện với thiên nhiên. Họ dành cho thiên nhiên một tình cảm đặc biệt, chân chất, giản dị: “Hồng Sơn cao ngất mấy trùng/ Sông Lam mấy trượng thì lòng bấy nhiêu”(12). Thiên nhiên tươi đẹp, tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhưng con người Nghệ Tĩnh sớm có ý thức về việc khai thác, sử dụng tài nguyên có giới hạn, bảo vệ thiên nhiên là ý thức tiến bộ của người Nghệ Tĩnh trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường tự nhiên.
Thứ hai, triết lý nhân sinh về mối quan hệ giữa con người với con người
Bên cạnh mối quan hệ với tự nhiên, con người có mối quan hệ với xã hội. Đó là các mối quan hệ gia đình, họ hàng, làng xóm, bạn bè, thầy trò…, rộng hơn nữa là quốc gia, dân tộc. Người Xứ Nghệ sớm ý thức được vai trò quan trọng của những mối quan hệ này và có những triết lý nhân sinh đúng đắn, sâu sắc.
Triết lý nhân sinh trọng tình, trọng nghĩa. Người Nghệ Tĩnh coi trọng tình nghĩa và luôn xem tình nghĩa, ân tình, ân nghĩa là trước hết và trên hết, quý trọng hơn cả vàng, bạc: “Ô hô! Thiên địa trường tồn/ Bạc vàng ăn hết, hãy còn ngãi nhân”(13). Triết lý nhân sinh trọng tình, trọng nghĩa là triết lý xuyên suốt của con người trong các mối quan hệ ứng xử, giá trị đạo đức giữa con người với con người.
Trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, người Nghệ Tĩnh đề cao tình yêu thương, đức hy sinh, lối sống có trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ: “Ơ... là người ơi! Trèo non mới biết non cao/ Nuôi con mới biết công lao mẹ thầy” (Ví trèo non)(14); coi trọng lòng hiếu thảo, ơn sinh thành, dưỡng dục: “Mỗi đêm thắp ngọn đèn trời/ Cầu cho cha mẹ ở đời với con”(15). Trong tình cảm vợ chồng, tình yêu coi trọng nghĩa thủy chung, lòng chân thành, sự đồng cam cộng khổ, sẻ chia: “Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây/ Sông Lam hết nước thì đó với đây mới hết tình”(16). Đối với tình làng, nghĩa xóm, coi trọng tinh thần đoàn kết, sẻ chia, tương thân, tương ái: “Xung quanh những họ cùng hàng/ Coi nhau như ngọc như vàng mới nên…”(17). Trong tình bạn, đề cao tình bạn trong sáng, không vụ lợi, chân thành: “Bạn đến, mời bạn vô nhà/ Trầu têm, thuốc hút, trải chiếu hoa bạn ngồi”(18).
Triết lý nhân sinh về tinh thần đoàn kết, trách nhiệm với nước non. Người Nghệ Tĩnh sớm nhận rõ rằng “nước mất thì nhà tan”, khi đất nước bị xâm lăng người dân cũng mất tự do, cuộc sống lầm than, nô lệ: “Bà con ơi nghĩ ơ lại, cảnh nước mất nhà ơ tan, chứ nỗi thống khổ muôn ơ vàn, ơ khác chi loài ơ trâu ơ ngựa, mà nỏ khác loài ơ trâu ơ ngựa” (Giặm xẩm)(19). Chính vì vậy, con người nơi đây sớm hình thành ý thức xây dựng tinh thần đoàn kết, cùng nhau đấu tranh, đánh giặc cứu nước, sống có trách nhiệm với đất nước: “…Trai anh hùng tức giận, gái nghĩa khí đồng lòng. Cũng nhất trí đồng tâm, cùng ra tay lị bảo hộ, quyết một lòng bảo hộ” (Giặm cửa quyền II)(20).
Triết lý nhân sinh về tinh thần đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất.
Con người sống không thể tách rời lao động. Môi trường lao động giúp con người tiến hóa, tạo ra của cải vật chất để nuôi sống con người và là nơi để con người liên kết, gắn kết với nhau. Trong điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt, từ sớm con người Nghệ Tĩnh đã biết đoàn kết, cùng nhau lao động. Trong bất kỳ công việc nào họ đều “rủ nhau” cùng làm, cùng dệt vải, đan nón, cùng nhau ra đồng, cùng lên núi chặt củi v.v.. Lao động là nơi họ gửi gắm những ước mơ và quên đi những nỗi buồn, tìm thấy niềm vui: “Nỏ thà đi rú (núi) ăn hột (hạt) cơm khô/ Ở nhà sầu tương tư vì bạn, biết khi mô cho hết sầu”(21).
Thứ ba, triết lý nhân sinh về mối quan hệ của con người với bản thân mình. Con người sinh ra và lớn lên trong môi trường tự nhiên, trong mối quan hệ với xã hội và cuộc đời mỗi người gắn liền với quy luật sinh, lão, bệnh, tử. Quy luật của cuộc đời vốn không có gì tồn tại vĩnh viễn, không bất di bất dịch. Mỗi con người đều gắn với một số phận, một quan niệm về mục đích, lý tưởng sống khác nhau. Con người Nghệ Tĩnh sống có mục đích, lý tưởng của riêng mình.
Về mục đích sống. Người Xứ Nghệ quan niệm, sống là phải có cái “Danh” ở đời. Họ sớm coi trọng việc học và cho rằng dù để cho con của cải, vật chất, ruộng đất… cũng không bằng cho con cái chữ: “Chẳng tham vạn khoảnh lương điền/ Tham về cái bút cái nghiên học trò”. Họ cho rằng, mục đích sống của đời người không phải là việc đặt nặng miếng cơm, manh áo, tức là coi trọng vật chất, mà phải đặt công danh, sự nghiệp lên trước. Muốn có công danh, sự nghiệp phải đầu tư vào học vấn, trí tuệ. Người dân Nghệ Tĩnh quan niệm, chỉ có con đường học mới có thể thay đổi số phận, cuộc đời.
Với người Xứ Nghệ, cái “danh” không chỉ là mục đích phấn đấu của mỗi con người mà đó còn là cái “nợ” với đời: “Con ơi mẹ dặn câu này/ Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/ Làm người đói sạch rách thơm/ Công danh là nợ, nước non đáp đền”(22). Mục đích sống còn là giữ mình trong sạch, coi trọng đạo đức, nhân nghĩa, với quan niệm: “Làm người đói sạch rách thơm”. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, con người luôn giữ mình trong sạch, không vì danh lợi trước mắt mà đánh đổi đạo đức, phẩm giá của mình.
Triết lý nhân sinh của người Nghệ Tĩnh cho thấy họ sống có mục đích, sống không chỉ vì cái “danh” của bản thân mà còn có trách nhiệm với xã hội, đất nước. Mục đích sống của người Nghệ Tĩnh không vì ham vinh hoa, phú quý, lợi danh, mà là mong muốn được đóng góp, cống hiến cho đất nước. Vì vậy, triết lý sống của người Nghệ Tĩnh là: cuộc sống chỉ có ý nghĩa, hạnh phúc khi con người đạt được mục đích sống của mình, tài đức vẹn toàn, có trách nhiệm với đất nước, được góp công sức xây dựng đất nước.
Lý tưởng sống. Bên cạnh quan niệm sống trong đời phải có mục đích, có ý nghĩa, người Xứ Nghệ không chấp nhận cuộc sống mờ nhạt mà là sống có lý tưởng, khát vọng và hoài bão. Lý tưởng sống là suy nghĩ, hành động tích cực của con người hướng đến những điều tốt đẹp và cao cả. Để thực hiện được lý tưởng sống của mình, người Nghệ Tĩnh vạch ra cho bản thân những kế hoạch, mục tiêu, hành động cụ thể: phải có ý chí vững vàng, kiên định, sự quyết tâm, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách trên con đường đi tới lý tưởng; lý tưởng sống phải gắn với trách nhiệm tập thể, xã hội, nước non; luôn giữ tinh thần tích cực, lạc quan, tin tưởng vào con đường phía trước.
Thứ tư, triết lý nhân sinh về mối quan hệ giữa con người với thần (trời). Trong quan niệm dân gian, con người luôn có tín ngưỡng về thần (trời). “Trời” là đấng tối cao, linh thiêng, có quyền lực siêu nhiên. Đời sống người Việt luôn gắn với niềm tin vào “Ông Trời”. Người Nghệ Tĩnh cũng có niềm tin tín ngưỡng vào “Trời” và có những triết lý nhân sinh về mối quan hệ giữa con người và “Trời”.
Triết lý nhân sinh cho rằng sống lương thiện sẽ được “Trời” giúp đỡ, ban phước, lộc: “Ở nhằm (đúng) nghĩa nhằm lễ/ Cho phải người phải ta/ Trời cho đưa đến nhà/ Tiền hàng muôn hẳn có/ Bạc hàng ngàn hẳn có/ Chữ tiền khi cũng khó/ Chữ tiền khi cũng dễ như ru!”(23). Triết lý này cho rằng: sống đúng lễ, nghĩa, sống biết người, biết ta sẽ được “Trời” ban phúc lộc. Đây là triết lý nhân sinh siêu hình, tin vào sự tồn tại của đấng tối cao đó là “Trời”. Trong quan niệm dân gian, “Trời” và “thời” được người dân coi trọng. Mọi việc thành hay bại đều do “Trời” quyết định. Người Nghệ Tĩnh cũng chịu ảnh hưởng bởi quan niệm nhân sinh này. Triết lý nhân sinh này có ý nghĩa tích cực là khuyên bảo con người sống tốt, có đạo đức, lễ nghĩa, hướng tới điều thiện.
Triết lý nhân sinh cho rằng con người có thể thắng được mệnh “Trời”. Người dân hay nhắc: “Trời ơi nom xuống mà coi/ Nước Nam cơ khổ nhiều lời đắng cay/ Đắng cay thì mặc đắng cay/ Nước Nam cơ khổ có ngày vinh quang”(24). Người Nghệ Tĩnh có niềm tin vào sự tất thắng, vinh quang của đất nước, là niềm tin có căn cứ. Niềm tin ấy xuất phát từ thái độ tự tin, lạc quan của con người nơi đây. Họ tin vào sức mạnh của bản thân, sức mạnh của chính nghĩa, sức mạnh đoàn kết của cộng đồng sẽ làm nên chiến thắng, tin vào cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân nhất định thắng lợi. Niềm tin ấy kiên định, sắt son, không dễ phai mờ, còn non sông, đất nước là còn hy vọng: “Còn trời, còn nước, còn non/ Còn vầng trăng cổ phấn son chưa nhòa”(25).
Như vậy, tuy rằng trong tín ngưỡng của mình, người Nghệ Tĩnh tin vào sự tồn tại của “Trời” như một đấng tối cao, linh thiêng, có thể nhìn thấu được mọi việc của dân gian, là cán cân công lý, công bằng để phân xử đúng sai, thiện ác, phải trái. Tuy nhiên, người Nghệ Tĩnh không thụ động chờ đợi sự ban ơn, cưu mang của “Trời” mà luôn chủ động trong mọi việc, có niềm tin, sự lạc quan bởi họ tin vào khả năng của con người có thể vươn lên, thay đổi được số phận của mình.
4. Giá trị giáo dục đạo đức hiện nay
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cần đặc biệt coi trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam. Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII nhấn mạnh đến các giá trị: “Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc; tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái khoan dung, trọng tình nghĩa, đạo lý; cần cù sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, giản dị trong lối sống”(26). Triết lý nhân sinh của người Nghệ Tĩnh trong dân ca Ví, Giặm đóng góp nhiều ý nghĩa quan trọng trong những giá trị văn hóa ấy.
Một là, định hướng nhân sinh, lẽ sống cho con người trong thời đại mới, nhất là thế hệ trẻ: Định hướng lối sống có nhận thức, có mục đích và lý tưởng sống rõ ràng; giáo dục nhân cách, những phẩm chất tốt đẹp, những đức tính quý báu cho con người như lối sống giản dị, chân thật, tình cảm chân thành, mộc mạc, lối sống coi trọng đạo hiếu, lễ nghĩa; giáo dục tinh thần hiếu học, coi trọng việc học; giáo dục những phẩm chất đáng quý trong lao động như siêng năng, cần cù, chịu khó, kiên trì, sáng tạo; giáo dục ý chí tự lực, tự cường, tự thân vận động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; giáo dục tinh thần lạc quan, luôn tin tưởng vào cuộc sống, vào tương lai dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Hai là, giáo dục con người những giá trị đạo đức truyền thống trong gia đình: Cha mẹ đối với con cái phải yêu thương, có trách nhiệm giáo dục, dạy dỗ, con cái đối với cha mẹ phải hiếu thảo; vợ chồng phải chung thủy, đồng cam cộng khổ, chia sẻ, thấu hiểu; trong tình yêu đề cao lòng thủy chung, không vụ lợi, không vị kỷ; trong tình bạn phải chân thành, trong sáng, coi trọng tình nghĩa.
Ba là, giáo dục con người các giá trị đạo đức của xã hội: Đối với cộng đồng phải có tinh thần đoàn kết, coi trọng tình cảm, đề cao ân tình, ân nghĩa, ứng xử hài hòa; đối với quê hương, đất nước đề cao tình yêu quê hương, ý chí độc lập, tự cường dân tộc; đối với thiên nhiên phải có ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, sống hài hòa, thân thiện với thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên, phát triển bền vững; đối với nền văn hóa của dân tộc phải có ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
5. Kết luận
Triết lý nhân sinh của người Nghệ Tĩnh trong dân ca Ví, Giặm là triết lý đúng đắn và sâu sắc. Tuy chưa phải là triết lý nhân sinh đầy đủ và toàn vẹn nhất về các khía cạnh cuộc sống của con người nhưng cho thấy nhân dân Nghệ Tĩnh đã tích lũy được một kho tàng tri thức, kinh nghiệm trong cuộc sống phong phú, đa dạng về thiên nhiên, xã hội và cuộc sống của con người. Cách quan sát, miêu tả, diễn đạt của người Nghệ Tĩnh là miêu tả trực quan, cảm tính, thiên về yếu tố chủ quan khi nhìn nhận, đánh giá về thế giới khách quan, có ảnh hưởng, chi phối của yếu tố tín ngưỡng dân gian. Mặc dù vậy, “Người dân Nghệ Tĩnh đã tự phát tích lũy được một gia tài phong phú và quý báu những tri thức dân gian”(27) và để lại nhiều giá trị, ý nghĩa lớn lao góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trở thành nền tảng, mục tiêu và động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
_________________
Ngày nhận bài: 28-8-2024; Ngày bình duyệt: 30-8-2024; Ngày duyệt đăng: 4-9-2024.
(7), (8), (9), (13), (21) Nguyễn Chung Anh: Hát ví Nghệ Tĩnh, Nxb Văn, sử địa, Hà Nội, 1958, tr.50, 49, 51, 65.
(4), (5) Lê Kiến Cầu: Triết lý nhân sinh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.24, 25.
(23), (24), (25), (27) Nguyễn Đổng Chi: Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, Nxb Nghệ Tĩnh, 1995, tr.187, 184, 190.
(26) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.56.
(10), (18), (22) Phan Thư Hiền (sưu tầm, khảo cứu): Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Nxb Đại học Vinh, 2018, tr.60, 32, 58.
(3), (6) Hoàng Thúc Lân (Chủ biên): Triết lý nhân sinh trong tục ngữ, ca dao Việt Nam, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2017, tr.13, 17.
(1) Phạm Xuân Nam: Triết lý phát triển ở Việt Nam mấy vấn đề cốt yếu, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002, tr.31.
(19), (20) Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Nghệ An: Tuyển tập dân ca Xứ Nghệ (Tái bản lần 1), Nxb Nghệ An, 2014, tr.44, 39.
(15), (17) Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Nghệ An: Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca Ví, Giặm Xứ Nghệ, Nxb Nghệ An, 2012, tr.298.
(2) Hoàng Trinh: Đối thoại văn hóa, Nxb Hà Nội, 1986, tr.8.
(11), (12), (14), (16) Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Vùng Văn hóa Ví, Giặm Nghệ - Tĩnh, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2015, tr.54, 198, 65, 38.