(LLCT) - Di sản văn hóa là nguồn lực nội sinh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và là điểm tựa vững chắc cho đời sống tinh thần con người. Một trong những di sản văn hóa nổi bật của Việt Nam là dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2014. Bài viết phân tích, làm rõ giá trị của dân ca Ví, Giặm, đồng thời đề xuất giải pháp phát huy giá trị của dân ca Ví, Giặm góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
NGUYỄN THỊ HUYỀN TRANG
NCS Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng
1. Mở đầu
Nghệ Tĩnh là vùng đất cổ của Việt Nam, có truyền thống văn hóa lâu đời. Nhắc đến Nghệ Tĩnh là nhắc đến một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, người dân nơi đây hiếu học, có nhiều đức tính quý báu: cần cù, chịu khó, bền bỉ, trung thực, với lối sống trọng nghĩa, trọng tình, v.v.. Nghệ Tĩnh là vùng đất của nhiều di sản văn hóa, trong đó nổi bật là dân ca Ví, Giặm.
Dân ca Ví, Giặm là loại hình văn hóa dân gian đặc biệt, là “đặc sản tinh thần” của vùng Nghệ Tĩnh chứa đựng nhiều giá trị đặc sắc. Từ xưa đến nay, việc giữ gìn và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm luôn được nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm. Khi Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được ban hành, việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa này càng được coi trọng.
Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh việc “Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ”(1).
2. Diện mạo và vai trò của di sản văn hóa trong đời sống xã hội
Theo Điều 1 Luật Di sản văn hóa ban hành năm 2001, Di sản văn hóa là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Di sản văn hóa về cơ bản được phân thành hai loại hình: vật thể và phi vật thể. Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh thuộc loại hình văn hóa phi vật thể.
Di sản văn hóa là những nét đẹp truyền thống, cổ xưa của dân tộc, là minh chứng sống về một thời kỳ lịch sử, văn hóa xa xưa, thể hiện tâm hồn, cốt cách của con người. Cùng với dòng chảy của thời gian, di sản văn hóa tồn tại với sức sống mãnh liệt, phát huy giá trị trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Ngày nay, di sản văn hóa có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, là nguồn lực nội sinh, thúc đẩy kinh tế phát triển, đặc biệt là ngành du lịch, dịch vụ trong quá trình hội nhập quốc tế. Di sản văn hóa được nhìn nhận đúng đắn, được coi trọng và trở thành nhiệm vụ cốt lõi, trọng tâm trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII nêu rõ, văn hóa “là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”(2). Nghị quyết đề ra “Phương hướng chung của sự nghiệp văn hóa nước ta là phát huy chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc, ý thức độc lập tự chủ, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao, khoa học phát triển, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, tiến bước vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”(3).
Dân ca Ví, Giặm là loại hình văn hóa dân gian đặc biệt, là “đặc sản tinh thần” của vùng Nghệ Tĩnh chứa đựng nhiều giá trị đặc sắc.
Hội nghị Trung ương 10 khóa IX và Đại hội X của Đảng bổ sung toàn diện, đầy đủ hơn về vai trò của văn hóa và nhiệm vụ, đường lối phát triển văn hóa. Theo đó, “phải gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển toàn diện con người, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội”(4). Đồng thời, phải “Bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội. Đặc biệt coi trọng nâng cao văn hóa… trong nhân cách của thanh niên, thiếu niên; chống những hiện tượng phản văn hóa, phi văn hóa”(5) .
Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hóa phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu mới, nhiều mặt của đời sống xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy”(6).
Nội dung các nghị quyết của Đảng cho thấy sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa, di sản văn hóa Việt Nam, những nỗ lực của Nhà nước, chính quyền các cấp và nhân dân trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa thời kỳ mới.
Trong kho tàng dân ca Việt Nam, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là loại hình văn hóa dân gian độc đáo, mang đậm dấu ấn, tính cách của vùng đất Nghệ Tĩnh, bởi có những vẻ đẹp, giá trị riêng, không lẫn với những vùng, miền khác.
Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại bởi chứa đựng, hội tụ những đặc điểm, giá trị sau:
Về thời gian ra đời: Dân ca Ví, Giặm là loại hình văn hóa dân gian được hình thành từ rất lâu đời, gắn liền với văn hóa cổ Hồng Lam, hình thành và nở rộ vào khoảng thế kỷ VII, thịnh hành từ thế kỷ XVIII đến ngày nay.
Về nguồn gốc và chủ thể sáng tác: Dân ca Ví, Giặm bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sinh hoạt của người dân, do nhân dân lao động vùng Nghệ Tĩnh sáng tác, lưu truyền từ đời này sang đời khác, duy trì đến thế hệ ngày nay.
Về nội dung, tư tưởng: Dân ca Ví, Giặm là hồn cốt, là tinh hoa của nền văn hóa cổ xưa, phôi thai hình thành từ buổi đầu khai thiên, lập địa của vùng đất Nghệ Tĩnh, được người dân nơi đây xem là “cơm ăn, nước uống” không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Đây “là một tài sản văn hóa phi vật thể cổ truyền, lâu đời; một thổ sản đặc biệt của xứ Nghệ… Nhân dân xứ Nghệ trong quá khứ cũng như hiện tại đã nắm chắc lấy nó, coi nó là phương tiện văn nghệ để tự tổ chức vui chơi, giải trí, là tài sản tinh thần vô giá để thể hiện các quan niệm về cuộc sống, đấu tranh chống các thế lực xấu; thể hiện các mối quan hệ xã hội, quan hệ với tự nhiên; thể hiện ý chí, tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, nhất là hạnh phúc lứa đôi”(7).
Vượt ra khỏi ranh giới địa phương, quốc gia, dân tộc, dân ca Ví, Giặm được thế giới công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại bởi những giá trị quý giá, vượt thời gian. “Ví, Giặm được xem là tinh hoa nghệ thuật của xứ Nghệ nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung. Nó góp phần không nhỏ vào việc lưu giữ các vốn văn hóa cổ xưa của dân tộc, làm cho đời sống tinh thần của người Việt thêm phong phú, đa dạng”(8).
Dân ca Ví, Giặm lưu truyền rộng rãi ở vùng đất Nghệ Tĩnh và sử dụng phương ngữ tiếng Nghệ, một ngôn ngữ đặc biệt, không pha lẫn với vùng miền khác. Đây là mạch nguồn sâu thẳm nuôi dưỡng tâm hồn, cốt cách người dân Nghệ Tĩnh và là nguồn cảm hứng sáng tác của những tác phẩm âm nhạc, nghệ thuật mang âm hưởng, chất liệu dân ca đằm thắm, thiết tha đi cùng năm tháng của vùng đất “gió Lào, cát trắng”.
3. Giá trị của dân ca Ví, Giặm
Dân ca Ví, Giặm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại bởi chứa đựng nhiều giá trị, ý nghĩa sâu sắc.
Thứ nhất, dân ca Ví, Giặm mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc
Giá trị văn hóa tinh thần. Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Nghệ Tĩnh. Dân ca Ví Giặm được ví như cơm ăn, nước uống, hơi thở hằng ngày của người dân: “Ví từ trong ngõ ví ra/ Hát từ ngã bảy, ngã ba hát về”(9).
Dân ca Ví, Giặm là hiện tượng sinh hoạt văn hóa thường nhật của nhân dân vùng Nghệ Tĩnh, thu hút đến mức người dân có thể tạm dừng công việc để đi nghe hát. Người dân yêu mến bởi đây là loại hình văn nghệ quần chúng, ai cũng có thể tham gia, không phân biệt tuổi tác, địa vị sang hèn. Khi đến với Ví, Giặm, mọi người được hòa mình vào không khí vui vẻ, được là chính mình, bày tỏ những tâm tư, tình cảm thầm kín, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, quên đi những lo toan, bộn bề của đời sống thường nhật. Nhiều nam thanh nữ tú từ những cuộc hát này mà tìm được người bạn đời tri âm, tri kỷ.
Giáo dục những giá trị sống. Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh chứa đựng nhiều giá trị giáo dục, thể hiện trên nhiều chiều cạnh về mối quan hệ đạo đức giữa con người với con người và con người với tự nhiên. Giáo dục những bài học kinh nghiệm sống về đối nhân xử thế, trong đời sống tình cảm, trong làm ăn… đều phải biết khôn khéo, tùy thời lựa thế; giáo dục và nuôi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước.
Mối quan hệ giữa con người với con người được thể hiện trong các mối quan hệ với làng xóm, tình bạn, tình yêu… Rộng hơn nữa là mối quan hệ giữa con người với quốc gia, dân tộc. Người Nghệ Tĩnh coi trọng tình cảm, những mối quan hệ gần gũi quanh mình. Đối với làng xóm, anh em họ hàng, họ cùng nhau sống đoàn kết, yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ: “Xung quanh những họ cùng hàng/ Coi nhau như ngọc, như ngà mới nên”(10). Đối với tình yêu, người Nghệ Tĩnh coi trọng lòng thủy chung, chân thật, chắc chắn trong tình yêu: “Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây/ Sông Lam hết nước thì đó với đây mới hết tình”(11).
Trong tình cảm bạn bè, người Nghệ Tĩnh coi trọng tình bạn trong sáng, chân thành, không vụ lợi. Đối với quê hương, đất nước, người Nghệ Tĩnh luôn xem nước là nhà. Từ quan niệm “Nước mất thì nhà tan”, nên người dân nơi đây có ý thức bảo vệ Tổ quốc, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu. Quan niệm sống là để trả nợ nước, sống nặng ân nghĩa, ân tình với nước non, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng nhau đoàn kết đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc: “Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục/ Thì biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh/ Đò em lên thác xuống ghềnh/ Nước non là nghĩa là tình ai ơi”(12).
Giáo dục mối quan hệ đạo đức giữa con người với thiên nhiên. Dân ca Ví, Giặm khuyên bảo, giáo dục con người biết quý trọng, gìn giữ và bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên; khuyên con người biết tận dụng những lợi thế mà tự nhiên mang lại, tuyệt đối không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi, phá vỡ môi trường, quy luật của tự nhiên; khuyên con người biết tùy thời, lựa thế để thích ứng với sự biến đổi của thiên nhiên và tìm ra giải pháp tối ưu để bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống của mình.
Truyền dạy những bài học kinh nghiệm sống. Trong cuộc sống, con người nơi đây tích lũy những kinh nghiệm dân gian quý báu, những “túi khôn” từ các thế hệ cha ông truyền lại để làm kim chỉ nam định hướng, giúp con người không những vượt qua được trở ngại của thiên nhiên mà còn vươn lên cải tạo thiên nhiên, làm chủ cuộc sống. Đó là bài học làm người, bài học về đối nhân xử thế.
Giá trị nhân ái, nhân văn. Dân ca Ví, Giặm góp phần lưu giữ và lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp, cao cả. “Loại hình diễn xướng dân gian này chứa đựng trong nó nội dung và giá trị nhân văn sâu sắc, góp phần giáo dục con người trên mọi phương diện đạo đức, luân lý, lối sống: đề cao lòng hiếu thảo, kính trọng cha mẹ, ca ngợi tình yêu thủy chung, cuộc sống nghĩa tình, tấm lòng trung thực, cao thượng, nhân ái…”(13). Nhân sinh quan trong dân ca Ví, Giặm hướng con người về những đạo lý làm người tốt đẹp, đó là lòng hiếu thảo, đức hy sinh, ân tình, ân nghĩa ở đời. Giá trị nhân văn còn thể hiện ở lối sống chân thật, dung dị “như củ khoai, hạt lúa” nhưng ẩn sau đó là nét đẹp tâm hồn trong sáng, không bị vấy bẩn bởi cảnh nhà tranh, phên dậu nghèo nàn.
Tạo nguồn cảm hứng và chất liệu sáng tác nghệ thuật. Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật của nền văn hóa, văn học dân gian nói chung, dân ca nói riêng trên các phương diện như ngôn từ, giọng điệu, thanh điệu, cấu trúc, ca từ, nhạc điệu... Đặc biệt là ngôn ngữ độc đáo, vốn có của tiếng Nghệ đặc sắc; dân ca Ví, Giặm trở thành chất liệu cho các loại hình nghệ thuật như âm nhạc, thi ca, hò, vè, hát đồng dao, kịch hát, v.v…
Thứ hai, dân ca Ví, Giặm có giá trị to lớn trong lịch sử, được cha ông gìn giữ, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đến ngày nay và mai sau
Cùng với dòng chảy của thời gian, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này đã không ngừng phát triển cả bề rộng, bề sâu. Dân ca Ví, Giặm được thực hành mọi lúc trong cuộc sống, lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay thóc. Ngày nay, dân ca Ví, Giặm vẫn giữ nguyên giá trị và phát huy trên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, “là nguồn cảm hứng, là chất liệu cho các tác phẩm âm nhạc, ca khúc, ca kịch đương đại biểu diễn ở sân khấu, trong các phong trào truyền thông, hoạt động văn hóa xã hội, được công chúng rất yêu thích, làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng càng thêm phong phú””(14).
Thứ ba, trong giai đoạn lịch sử hiện nay, nhân sinh quan của người Nghệ Tĩnh trong dân ca Ví, Giặm gợi lên nhiều ý nghĩa trên mọi phương diện đời sống
Định hướng nhân sinh, lẽ sống cho con người trong thời đại mới, nhất là thế hệ trẻ: Định hướng lối sống có nhận thức, có mục đích và lý tưởng sống rõ ràng; Giáo dục nhân cách, những phẩm chất tốt đẹp, những đức tính quý báu cho con người như lối sống giản dị, chân thật, tình cảm chân thành, mộc mạc, lối sống coi trọng đạo hiếu, lễ nghĩa; Giáo dục tinh thần hiếu học, coi trọng việc học; Giáo dục những phẩm chất đáng quý trong lao động như siêng năng, cần cù, chịu khó, kiên trì, sáng tạo; Giáo dục ý chí tự lực, tự cường, tự thân vận động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; Giáo dục tinh thần lạc quan, luôn tin tưởng vào cuộc sống, vào tương lai dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Giáo dục con người những giá trị đạo đức truyền thống trong gia đình: Cha mẹ đối với con cái phải yêu thương, có trách nhiệm giáo dục, dạy dỗ; con cái đối với cha mẹ phải sống hiếu thảo; Vợ chồng sống phải chung thủy, đồng cam cộng khổ, chia sẻ, thấu hiểu; Trong tình yêu đề cao lòng thủy chung, tình yêu chân thành, không vụ lợi, không vị kỷ; Trong tình bạn phải chân thành, trong sáng, coi trọng tình bạn.
Giáo dục con người hiện đại các giá trị đạo đức: Đối với cộng đồng phải có tinh thần đoàn kết, coi trọng tình cảm, đề cao ân tình, ân nghĩa, ứng xử hài hòa; Đối với quê hương, đất nước đề cao tình yêu quê hương, ý chí độc lập, tự cường dân tộc; Đối với tự nhiên phải có ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái, sống hài hòa, thân thiện với thiên nhiên, bảo vệ tự nhiên, phát triển bền vững; Đối với nền văn hóa dân tộc phải có ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
4. Giải pháp giữ gìn và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm
Để giữ gìn và phát huy dân ca Ví, Giặm ở vùng đất Nghệ Tĩnh, cần làm tốt các giải pháp sau:
Trước hết, cần có thái độ nghiêm túc, cách nhìn nhận đúng đắn vai trò, giá trị của di sản văn hóa dân ca Ví, Giặm, vừa là nguồn lực, vừa là động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Để làm được điều đó, cần xác định được những yếu tố thuộc nguồn lực nội sinh, trong đó xác định yếu tố then chốt, chủ đạo, mũi nhọn để đưa ra những giải pháp, chiến lược, chính sách khai thác đúng đắn, hiệu quả nguồn lực của di sản. Mặt khác, cần nhìn rõ vai trò, tầm quan trọng đa chiều của văn hóa di sản đối với đời sống kinh tế - xã hội, không chỉ là đời sống tinh thần, đời sống vật chất mà còn là những giá trị tiềm tàng cần được khai thác.
Hai là, cần có những hành động cụ thể để đưa giá trị dân ca Ví, Giặm vào sâu trong đời sống nhân dân để người dân được thụ hưởng, khai thác, áp dụng một cách có hiệu quả vào đời sống xã hội cũng như phát triển kinh tế. Khai thác, sử dụng dân ca Ví, Giặm đúng mục đích, không vì lợi ích kinh tế mà lợi dụng, hủy hoại giá trị của di sản văn hóa. Khai thác, sử dụng di sản văn hóa phải gắn với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Ba là, vấn đề sân khấu hóa. Cần cải biên những làn điệu dân ca Ví, Giặm thành lời mới, vở kịch mới có sự giám sát, nghiệm thu, sàng lọc nội dung kỹ lưỡng để không làm mất đi vẻ đẹp, giá trị của lời ca, phù hợp với thuần phong mỹ tục, thẩm mỹ văn hóa của nhân dân. Phục dựng không gian sinh hoạt dân ca Ví, Giặm phù hợp với môi trường diễn xướng, làm sống lại không gian xưa tạo sự sống động, kích thích sự tìm hiểu, khám phá của thế hệ trẻ, du khách trong nước và nước ngoài khi đến tham quan, du lịch, xem trình diễn dân ca Ví, Giặm. Đưa dân ca Ví, Giặm đến với những sân khấu lớn để quảng bá di sản rộng rãi, tiếp cận, giao lưu với các nền văn hóa dân gian, văn hóa tộc người ở các nước trên thế giới.
Bốn là, để bảo tồn và phát huy dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh cần có sự quan tâm, phối hợp giữa các cấp, các ngành và nhất là chính quyền, nhân dân địa phương hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, sự chung tay góp sức của cộng đồng. Cùng với đó, phải có hành động cụ thể làm lan tỏa những làn điệu dân ca độc đáo này ra cộng đồng quốc tế thông qua đồng bào Việt kiều, người Việt Nam ở nước ngoài để họ hướng về cội nguồn dân tộc theo triết lý sống “Văn hóa còn thì dân tộc còn”.
Năm là, tổ chức trao giải hằng năm nhằm khuyến khích các nhà nghiên cứu, sưu tầm, nhất là nhà nghiên cứu trẻ có các đề tài, công trình khoa học, bài báo về di sản văn hóa dân ca Ví, Giặm.
6. Kết luận
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, di sản văn hóa dân ca Ví, Giặm vẫn giữ được giá trị vốn có, âm thầm trong đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và nhân dân trên nhiều vùng, miền, ở trong nước và ngoài nước. Trong xu thế hội nhập quốc tế, di sản dân ca Ví, Giặm cần được bảo tồn, lan tỏa và phát huy giá trị, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đưa đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân đi lên và góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.
_________________
Ngày nhận bài: 20-6-2024; Ngày bình duyệt: 24-6-2024; Ngày duyệt đăng: 12-7-2024.
(1), (6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.143, 64.
(2), (3) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.55, 54-55.
(4), (5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.178-179, 213.
(7), (8), (10), (11) Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Nghệ An: Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ, Nxb Nghệ An, 2012, tr.17, 423, 298, 38, .
(9), (13) Phan Thư Hiền: Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Nxb Đại học Vinh, 2018, tr.45.
(12) Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Vùng Văn hóa Ví, Giặm Nghệ - Tĩnh, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2015, tr.38.
(14) Cục Di sản văn hóa: Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ, Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, https://dsvh.gov.vn/.