Nhân vật - Sự kiện

Tư duy đổi mới và hành động sáng tạo của đồng chí Võ Văn Kiệt – Những vận dụng cho công tác xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay

15/11/2024 09:05

(LLCT) - Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt gắn liền với những chặng đường đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước đầy hy sinh, gian khổ nhưng cũng rất hào hùng, vẻ vang của Đảng, của cách mạng Việt Nam. Dù ở bất kỳ cương vị nào, với tinh thần không chấp nhận cái cũ, luôn tìm tòi cái mới, cái tốt hơn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng. Bài viết nêu những nội dung cơ bản trong tư duy đổi mới và hành động sáng tạo của đồng chí Võ Văn Kiệt, gợi mở những vận dụng cho công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong giai đoạn hiện nay.

TS NGUYỄN THỊ THANH NHÀN
Học viện Chính trị Khu vực I

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên công trình đường dây 500 kV Bắc - Nam _ Ảnh tư liệu

1. Mở đầu

Trong cuộc đời cách mạng, từ khi hoạt động ở quê hương cho đến khi giữ các vị trí lãnh đạo Chính phủ, dù ở hoàn cảnh nào và trên cương vị gì, tinh thần đổi mới luôn thường trực trong đồng chí Võ Văn Kiệt. Đồng chí luôn trăn trở, tìm tòi những cách làm mới, đầy sáng tạo. Mục đích cuối cùng và cao nhất là khát vọng độc lập, giàu mạnh cho dân tộc và sự ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Bởi vậy, nhắc đến đồng chí Võ Văn Kiệt là nhắc tới một chiến sĩ cách mạng, một nhà lãnh đạo với những đổi mới trong tư duy và sáng tạo trong hành động, là tấm gương đổi mới, sáng tạo để học tập, vận dụng trong xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay.

2. Tư duy đổi mới và hành động sáng tạo của đồng chí Võ Văn Kiệt

Đồng chí Võ Văn Kiệt sinh ra và lớn lên tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Năm 17 tuổi, lần đầu tiên Võ Văn Kiệt tham gia biểu tình đấu tranh đòi quyền lợi cho dân nghèo có ruộng. Cùng thời gian đó, đồng chí trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng đến trước năm 1975, đồng chí Võ Văn Kiệt đã trải qua các vị trí lãnh đạo khác nhau. Dù ở vị trí công tác nào, đồng chí cũng luôn nêu cao tinh thần dũng cảm, sáng tạo, hết lòng vì nước, vì dân.

Năm 1975, đất nước được thống nhất, đồng chí Võ Văn Kiệt được giao đảm nhiệm nhiều trọng trách, Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí Võ Văn Kiệt tham gia nghiên cứu giải quyết những khó khăn, tìm đường cho phát triển sản xuất, xây dựng đường lối đổi mới của Đảng và trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng, thực hiện, góp phần đưa đường lối đổi mới vào thực tiễn. Đồng chí đã thể hiện rõ vai trò của nhà lãnh đạo có tầm tư duy chiến lược, luôn đặt lợi ích nhân dân, lợi ích dân tộc lên hàng đầu với tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp đổi mới đất nước, thể hiện rõ ở một số khía cạnh cơ bản sau:

Một là, đổi mới và sáng tạo cần phải dựa vào dân, đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu

Nhân dân yêu thương và trân trọng gọi đồng chí Võ Văn Kiệt là “Sáu Dân”. Tên gọi giản dị đó chính là vì cả cuộc đời cống hiến vì dân, hiểu dân và yêu dân của đồng chí Võ Văn Kiệt. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí đã cống hiến hết mình cho mục tiêu, lý tưởng và dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, nêu tấm gương sáng về tinh thần tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, dù phải đối diện với nhiều kẻ thù nguy hiểm nhưng đồng chí luôn thể hiện tinh thần tiên phong. Ở những nơi ác liệt, gian khổ và trong những thời điểm cách mạng khó khăn nhất, đồng chí luôn sát cánh cùng nhân dân chiến đấu anh dũng, đưa cách mạng vượt qua chông gai và đi đến thắng lợi cuối cùng. Trong những giờ phút gian nguy nhất của các mạng, đồng chí Võ Văn Kiệt đã nói với đồng đội của mình: “Còn dân là còn tất cả. Có dân sẽ làm nên tất cả”(1). Dựa vào dân và sức mạnh của nhân dân là điểm tựa quan trọng để đưa cách mạng đi đến thành công.

Với tinh thần của người cách mạng chân chính, từ khi là lãnh đạo của Thành phố Hồ Chí Minh cho đến khi trở thành người đứng đầu Chính phủ, dù phải đối diện với muôn vàn những khó khăn, thách thức của tình hình thế giới và trong nước, đồng chí luôn kiên định, cùng tập thể lãnh đạo trăn trở nghiên cứu, tìm con đường đúng đắn, đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, bước vào thời kỳ đổi mới, đi lên CNXH.

Với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng và dân tộc, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần dũng cảm, tiên phong, theo đuổi đến cùng những việc có lợi cho nhân dân, cho đất nước; luôn lấy lợi ích của nhân dân là tiêu chí phục vụ, luôn trăn trở làm sao cho cuộc sống của người dân ngày càng tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Đồng chí dũng cảm vượt qua rào cản của cơ chế, thói quen và những định kiến cũ, thậm chí có lúc bị hiểu lầm, để có những quyết định đúng đắn, phù hợp nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.

Với tinh thần luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của Đảng và dân tộc lên trên hết, đồng chí không chỉ lan tỏa tinh thần đó đến các tầng lớp nhân dân mà còn quy tụ và phát huy được trí tuệ, tài năng của nhiều trí thức trong và ngoài nước, trong đó có cả những trí thức từng làm việc trong chế độ cũ, cùng phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Hai là, bám sát thực tiễn để có ý tưởng và xây dựng quyết sách đúng đắn, phù hợp mang tính đột phá

Sau năm 1975, cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, vô vàn khó khăn và phức tạp phải giải quyết. Đã có nhiều cuộc họp, nhiều sáng kiến, nhiều đề xuất tâm huyết được đưa ra, thậm chí diễn ra cuộc đấu tranh hết sức gay gắt giữa cái mới - cái cũ, giữa đổi mới và bảo thủ, trì trệ. Với bản lĩnh và kinh nghiệm, đồng chí Võ Văn Kiệt đã lãnh đạo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cùng các cơ quan kiên trì bám sát thực tiễn, tăng cường xuống cơ sở, gặp gỡ cán bộ và nhân dân, doanh nghiệp để bàn bạc, tháo gỡ, tìm cách làm mới, mạnh dạn “phá rào”, “cởi trói” về cơ chế, xóa dần cơ chế bao cấp, hình thành cách phân phối mới như “ba lợi ích”, “lương sản phẩm”… tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển. Đặc biệt, với những đổi mới trong cách làm, đồng chí Võ Văn Kiệt đã cho thành lập “Câu lạc bộ giám đốc” để trao đổi kinh nghiệm, đề xuất sáng kiến và cách làm mới. Bên cạnh đó, đồng chí chỉ đạo việc học tập kinh nghiệm ở những nơi có điển hình tốt, có kinh nghiệm hay, từ đó vận dụng sáng tạo, phù hợp vào thực tiễn nhằm khắc phục khó khăn, thách thức.

Khi ở cương vị Thủ tướng Chính phủ, với tầm nhìn và tư duy chiến lược của nhà lãnh đạo cấp cao, đồng chí đã có nhiều quyết sách quan trọng, tạo nên những “cú huých” lớn cho sự phát triển của đất nước. Tên tuổi của đồng chí gắn liền với những đại công trình mang tính đột phá, tạo động lực phát triển không chỉ thời gian đó mà cả sau này, như: đường dây tải điện 500KV Bắc – Nam, hệ thống giao thông mang tính chiến lược như đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, đường Hồ Chí Minh, đường Láng - Hòa Lạc, cầu Mỹ Thuận; các công trình thủy điện: Trị An, Thác Mơ, Yaly, Hàm Thuận - Đa My… và chương trình khai thác Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, chương trình thoát lũ miền Tây, ngọt hóa bán đảo Cà Mau, dự án lọc dầu và khu kinh tế Dung Quất(2).

Từ ý tưởng đến tổ chức triển khai thực hiện các công trình trên thể hiện sâu sắc sự quyết đoán, đổi mới trong tư duy và quyết liệt, sáng tạo ở hành động của đồng chí Võ Văn Kiệt. Đó chính là sự trăn trở không ngừng của con người vì dân, vì nước; luôn coi trọng thực tiễn, xem đó chính là người thầy phản biện nghiêm khắc và chính xác nhất nên đồng chí Võ Văn Kiệt luôn tìm câu trả lời cho mọi vấn đề từ chính thực tiễn. Đồng chí Võ Văn Kiệt rất coi trọng lý luận nhưng phải là lý luận xuất phát từ thực tiễn cuộc sống và phù hợp với lợi ích chân chính của người dân. Khi thấy vấn đề có ích cho dân, cho nước thì dù khó khăn đến mấy đồng chí kiên quyết và tìm mọi cách để hiện thực hóa ý tưởng và mục tiêu đó.

Ba là, dù ở cương vị lãnh đạo nào, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn là biểu tượng của tinh thần quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Tinh thần quyết đoán, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm là một trong những phẩm chất của người lãnh đạo, nhất là người lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Thời điểm đồng chí Võ Văn Kiệt ở vị trí Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ là người có thẩm quyền để đưa ra những quyết định quan trọng. Dù ở vị trí nào, đồng chí luôn tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Đồng chí Võ Văn Kiệt là một điển hình của sự kết hợp lý luận với thực tiễn, lắng nghe, tổng kết để tìm chân lý, mà chân lý cao nhất chính là lợi ích của Tổ quốc, của Đảng, của cách mạng và của nhân dân.

Điển hình cho bản lĩnh quyết đoán, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đồng chí Võ Văn Kiệt là chủ trương và quá trình theo đuổi đến cùng việc xây dựng đường dây tải điện 500KV Bắc - Nam. Vào thời điểm những năm 90 thế kỷ XX, đất nước có khó khăn lớn về vấn đề điện lực, nhất là khu vực Nam Bộ và Trung Bộ. Trong khi đó, ở phía Bắc, có thủy điện Hòa Bình nên nguồn điện dư thừa. Để giải quyết tình trạng trên, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quyết định xây dựng đường dây tải điện 500KV Bắc - Nam và quyết tâm hoàn thành trong thời gian 2 năm (1992-1994). Có rất nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này, trong đó có không ít ý kiến nghi ngờ, phê phán, coi đó là quyết định duy chí chí, phiêu lưu mạo hiểm, gây lãng phí lớn, thậm chí gây ra những hiểm họa; ở diễn đàn Quốc hội cũng có những ý kiến không đồng tình. Trước tình hình đó, với bản lĩnh của một người lãnh đạo cấp cao, đồng chí Võ Văn Kiệt đã bảo vệ, nhận trách nhiệm về công trình và trực tiếp chỉ đạo quá trình xây dựng công trình. Với ý chí quyết tâm và sự quyết liệt, công trình đường dây tải điện 500KV Bắc - Nam đã trở thành một trong những biểu tượng của sự nghiệp đổi mới. Công trình không chỉ đáp ứng yêu cầu cấp bách lúc bấy giờ mà còn trở thành xương sống của lưới điện quốc gia, góp phần thực hiện thành công chương trình điện khí hóa toàn quốc. Với tất cả sự yêu mến và trân trọng, Tổng bí thư Đỗ Mười đã khẳng định: “Anh Kiệt là con người năng động, luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi và làm việc hết sức mình. Có thể nói, anh Kiệt là người dám nghĩ, dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám tự phê bình”(3).

Bốn là, tinh thần cởi mở, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của trí thức, quy tụ trí thức, tận trung, tận hiến cho sự phát triển của đất nước.

Cùng với tinh thần luôn vì dân, vì nước, bám sát thực tiễn, những quyết định sáng suốt của đồng chí Võ Văn Kiệt dựa trên trí tuệ, trái tim và khối óc của những người vì dân, vì nước đã được ông cổ vũ, động viên và quy tụ. Hầu như không có một quyết định quan trọng nào của đồng chí mà không trải qua quá trình tập hợp, lắng nghe ý kiến, thậm chí cả sự phản biện của các chuyên gia, các nhà khoa học và tìm hiểu kinh nghiệm tích lũy từ cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân. Đồng chí là người bạn lớn của giới trí thức, luôn chân thành, cởi mở khi đến với mọi người; coi trọng và tiếp thu có chọn lọc ý kiến của các trí thức Việt kiều; khích lệ, động viên thế hệ trẻ cống hiến tâm huyết sức trẻ, tài năng cho đất nước. Đồng chí cho rằng, để phát triển đất nước cần phải phát huy vai trò và sức mạnh của giới trí thức, việc thu hút trí tuệ của đội ngũ trí thức phụ thuộc chủ yếu vào vai trò của người lãnh đạo, do vậy: “Người lãnh đạo phải đưa tay ra trước, phải biết mời chào bất cứ ai sẵn lòng vì dân, vì nước… Nếu người lãnh đạo chưa phải là người ưu tú nhất thì phải biết sử dụng quyền hạn của mình để trở thành ưu tú nhất, thông qua việc mời chuyên gia, cố vấn. Quan trọng là người lãnh đạo phải biết lắng nghe”(4). Điều quan trọng khi lắng nghe cần phải nghe rất kỹ ý kiến chuyên gia và đặc biệt đã nghe chuyên gia thì “phải nghe trực tiếp không nên thông qua những người giúp việc”(5). Thậm chí, để có nhận thức một cách đầy đủ và toàn diện nhất, đồng chí không hề ngần ngại trong việc tập hợp, học hỏi, tham vấn ý kiến từ nhiều chuyên gia đã từng làm việc trong chế độ cũ.

Những năm cuối thập niên 70 thế kỷ XX, nhờ tập hợp, tham vấn ý kiến tâm huyết của các chuyên gia kinh tế ở Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Kiệt sớm nắm bắt những vấn đề cơ bản về kinh tế thị trường, làm cơ sở khoa học cho những quyết sách quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp ổn định tình hình kinh tế - xã hội và thúc đẩy kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phát triển.

Sau này, với cương vị là Thủ tướng, đồng chí đã thành lập Tổ chuyên gia tư vấn của Thủ tướng Chính phủ về cải cách kinh tế và cải cách hành chính (gọi tắt là Tổ tư vấn cải cách), tập hợp nhiều trí thức chân chính, thật sự tâm huyết với sự chấn hưng đất nước. Ngoài tổ tư vấn, Thủ tướng còn trực tiếp mời một số chuyên gia, những nhà quản lý có kinh nghiệm, các nhà khoa học Việt Nam ở trong nước, những người trong giới kinh doanh, giới báo chí, trí thức người Việt ở nước ngoài làm tư vấn. Các thành viên trong Tổ chuyên gia tư vấn hoạt động với tinh thần “năm không”: không chức, không quyền, không biên chế và lương, không bị hạn chế về tư duy và không bị cản trở khi muốn tiếp cận Thủ tướng. Thủ tướng thường xuyên làm việc với các thành viên thường trực của Tổ, trực tiếp nghe, đọc các báo cáo, kiến nghị của Tổ từ đó đề ra yêu cầu nghiên cứu. Đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng để Chính phủ ban hành hoặc trình Quốc hội ban hành nhiều văn bản có tính bản lề cho công cuộc đổi mới.

Có thể nói, ở đồng chí Võ Văn Kiệt, không chỉ là tinh thần tôn trọng, lắng nghe mà hơn hết chính là phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Sự thấu hiểu và tôn trọng, lắng nghe ý kiến các tầng lớp nhân dân, đồng chí Võ Văn Kiệt cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa ra các quyết sách đúng đắn, lãnh đạo đất nước dần vượt qua khó khăn, thạc thức, ngày càng phát triển.

3. Một số vận dụng cho công tác xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay

Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn chú trọng và xác định công tác xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ quan trọng. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới”(6). Từ tấm gương tư duy đổi mới và hành động sáng tạo của đồng chí Võ Văn Kiệt, cần lan tỏa và phát huy trong xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay.

Một là, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước hùng cường, tạo động lực mạnh mẽ cho mỗi cán bộ, đảng viên

Với tinh thần yêu nước sâu sắc và khát vọng cống hiến, xây dựng đất nước, đồng chí Võ Văn Kiệt vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách để trở thành “kiến trúc sư” cho các đại công trình của đất nước và đưa ra những quyết sách nền móng cho công cuộc đổi mới. Ngày nay, đất nước đã và đang đổi mới mạnh mẽ, “thay da đổi thịt” thể hiện trên nhiều lĩnh vực, tuy nhiên vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, cần khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc cho mỗi cán bộ, đảng viên. Công tác tuyên truyền, giáo dục, “truyền cảm hứng” về khát vọng phát triển đất nước cần thực hiện tích cực, sâu rộng bằng các hình thức, phương pháp đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Khơi dậy “tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc”(7) cho toàn thể nhân dân Việt Nam, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Hai là, thúc đẩy cán bộ đổi mới, sáng tạo phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước đi đôi với việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung

Đồng chí Võ Văn Kiệt là tấm gương điển hình cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo có bản lĩnh quyết đoán, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân, lợi ích của dân tộc. Nhờ có bản lĩnh và tinh thần đó mà công cuộc đổi mới của đất nước đạt được những thành tựu như hôm nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm”(8). Do đó, việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là giúp mỗi cán bộ, đảng viên tự tin phát huy khả năng, năng lực, tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám hành động vì lợi ích chung, dám theo đuổi đến cùng những việc có lợi cho dân, cho nước.

Tiếp tục quán triệt và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay, Đại hội XIII của Đảng xác định rõ chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6 dám”: “Dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá, sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách(9). Để triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương này, ngày 22-9-2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14 - KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, đã tạo tâm lý tích cực cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần cống hiến, sẵn sàng hết mình với công việc, dám lên tiếng bảo vệ cái đúng và phê phán cái sai, dám đổi mới, dám sáng tạo.

Ba là, cán bộ, đảng viên không chỉ nêu cao trách nhiệm nêu gương mà còn là người truyền cảm hứng

Đồng chí Võ Văn Kiệt đã dành trọn cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp của dân tộc, là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo. Nói đến đồng chí Võ Văn Kiệt là nói đến con người vì dân, vì nước, con người thực tiễn, luôn gắn bó với nhân dân, với phong trào và cũng là con người năng động, luôn suy nghĩ, làm việc hết mình và không ngừng học hỏi từ thực tiễn. Từ đó tạo dựng nên phong cách, lối tư duy làm việc mang dấu ấn Võ Văn Kiệt và đây chính là nguồn cảm hứng và thu hút rất lớn để đồng chí có thể quy tụ đội ngũ trí thức và những người tài giỏi xung quanh mình để cùng chung sức xây dựng, phát triển đất nước. Việc đề ra ý tưởng vì dân, vì nước và quyết tâm theo đuổi ý tưởng đến cùng của đồng chí Võ Văn Kiệt đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường và mục tiêu đã lựa chọn.

Nhìn lại chặng đường lịch sử của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, khẳng định Đảng luôn xem nêu gương là phương thức lãnh đạo rất quan trọng. Trong bối cảnh hiện nay, với những biến động khó lường của khu vực và thế giới thì mỗi cán bộ, đảng viên càng phải tích cực nêu gương trong cả tư duy và hành động. Kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế tạo ra nhiều cơ hội và không ít những thách thức cho đội ngũ cán bộ. Mỗi cán bộ cần phải giữ vững đạo đức cách mạng, uy tín để quy tụ, đoàn kết, tập hợp nhân dân. Từ những hành động nêu gương của cán bộ tạo nên sự lan tỏa mạnh mẽ, là động lực và niềm tin vững chắc cho nhân dân tự nguyện và hăng hái tham gia, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước.

Bốn là, nêu cao tinh thần cầu thị, lắng nghe và là “cầu nối” quy tụ sức mạnh của các tầng lớp nhân dân

Niềm tin và sự cầu thị, lắng nghe của đồng chí Võ Văn Kiệt đối với các chuyên gia, trí thức, các nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân, không kể xuất thân từ thành phần nào, ở trong hay ngoài nước, chỉ cần người đó có tấm lòng yêu nước, sẵn sàng phụng sự và cống hiến cho đất nước, đã khiến mọi tầng lớp nhân dân tin tưởng, yêu quý và tự nguyện, sẵn sàng cống hiến.

Tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải cán bộ nào cũng làm được việc tưởng chừng như đơn giản ấy. Biểu hiện của việc không lắng nghe nhân dân chính là căn bệnh “duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình; không chịu lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người khác”, là “quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân”(10). Một khi người cán bộ không lắng nghe nhân dân sẽ không thể học hỏi được nhân dân, do đó, tầm nhìn sẽ bị hạn chế. Điều đó hết sức nguy hiểm cho công tác lãnh đạo. Vì vậy, bài học Đảng ta đã rút ra và đặc biệt nhấn mạnh trong tiến trình đổi mới chính là quán triệt quan điểm “dân là gốc” “đổi mới phải dựa vào dân”.

4. Kết luận

Tư duy đổi mới và hành động sáng tạo là những phẩm chất cần có của mỗi cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu. Đồng chí Võ Văn Kiệt đã dành cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng đất nước, phục vụ lợi ích của nhân dân, tư duy đó và hành động đó luôn được thể hiện nhất quán và thống nhất, được gắn liền với tinh thần quyết liệt, dám chịu trách nhiệm nhằm mục đích duy nhất là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Trong những năm đầu cả nước xây dựng CNXH, đất nước phải đối diện với nhiều khó khăn, tư duy đổi mới và hành động sáng tạo của đồng chí Võ Văn Kiệt đã góp phần quan trọng để hình thành đường lối đổi mới của Đảng và đưa tới những thành công trên nhiều lĩnh vực. Việc lan tỏa tư duy đổi mới và tinh thần sáng tạo của đồng chí Võ Văn Kiệt sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, đóng góp nhiều hơn, hiệu quả hơn vào sự phát triển, hùng cường của đất nước và hạnh phúc của nhân dân.

_________________

Ngày nhận bài: 23-10-2024; Ngày bình duyệt:26-10-2024; Ngày duyệt đăng: 15-11-2024.

Email tác giả: thanhnhan712@gmail.com

(1) Hồi ký: Võ Văn Kiệt - một nhân cách lớn nhà lãnh đạo tài năng suốt đời vì nước vì dân, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2022, tr.111.

(2) Dẫn theo “Võ Văn Kiệt trăm năm trong một chữ Dân”, NxbTổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 48.

(3) Báo Nhân dân, ngày 14-6-2008.

(4), (5) Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Thách thức đến từ nhiều phía, Tạp chí “Quan hệ quốc tế”, số 41, năm 1993, tr.31, 31.

(6), (7) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.187, 47.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.340.

(9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Sđd, tr.243.

(10) Văn phòng Trung ương Đảng: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Hà Nội, 2016, tr 29-31

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tư duy đổi mới và hành động sáng tạo của đồng chí Võ Văn Kiệt – Những vận dụng cho công tác xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay
    POWERED BY