Quốc tế

Tư tưởng đề cao tự do cá nhân và thể chế kiểm soát quyền lực nhà nước của Hoa Kỳ

22/07/2024 15:17

(LLCT) - Bài viết khái lược những đặc điểm của nền chính trị Mỹ: phác họa những nét chính về văn hóa chính trị theo khuynh hướng tự do của người Mỹ; nền cộng hòa với hình thức chính quyền đại diện và những phương tiện thể chế được thiết kế để kiểm soát quyền lực của chính quyền.

PGS, TS HOÀNG PHÚC LÂM
Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TS NGUYỄN VĂN ĐÁNG

Viện Xã hội học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Review du lịch nhà trắng 1
Tòa nhà Quốc hội Mỹ _ Ảnh: IT

Khởi đầu với 13 vùng đất thuộc địa, sau hơn 200 năm phát triển, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã trở thành một quốc gia có diện tích hơn 9 triệu km2, dân số khoảng 333 triệu người(1), với vị thế siêu cường số một thế giới.

Có nhiều yếu tố tạo nên sự thành công của nước Mỹ, trong đó đặc biệt quan trọng là những đột phá về nhận thức bối cảnh, tư tưởng và thể chế chính trị. Sau khi giành độc lập, để chấm dứt hoàn toàn di sản thuộc địa, các nhà cách mạng Mỹ muốn thiết lập một chế độ chính trị kiểu mới để nhân dân có thể tự thực hiện quyền quản trị cuộc sống(2).

Tuy nhiên, các nhà khai quốc của nước Mỹ đã chỉ ra rằng nếu chỉ dựa vào cơ chế dân chủ trực tiếp và nguyên tắc đa số thì chưa thể hiện thực hóa được các mục tiêu làm chủ trong xã hội hiện đại(3). Vì thế, các nhà lãnh đạo Mỹ khi đó đã không duy trì chế độ chính trị ở thuộc địa lúc đó hay du nhập một mô hình chính trị sẵn có từ các quốc gia khác. Thay vào đó, họ đã kế thừa những thành tựu tri thức của nhân loại để vận dụng và sáng tạo ra một mô hình thể chế chính trị gắn với đặc thù nước Mỹ.

1. Văn hóa chính trị đề cao sự tự do và quyền cá nhân

Tư tưởng coi trọng ý chí, nguyện vọng, quyền và lợi ích của cá nhân thể hiện trước hết qua những ý tưởng về một xã hội tự do, đặc biệt đề cao các lợi ích và quyền cá nhân(4). Nói cách khác, những tư tưởng tự do trở thành nền tảng nhận thức cho việc xây dựng cấu trúc quản trị quốc gia của nước Mỹ.

Thứ nhất, người Mỹ quan niệm sự tự do là một trạng thái tự nhiên, sẵn có của con người. Mọi cá nhân cần phải được tự do suy nghĩ và hành động theo cách mà họ mong muốn, miễn là không xâm phạm sự tự do và cuộc sống của người khác. Theo đó, mọi cá nhân trong xã hội không chỉ cần được bảo đảm quyền tự do chính kiến, mà còn được tự do gia nhập và thực hành các hoạt động tôn giáo mà họ lựa chọn. Người dân Mỹ cũng được tự do theo đuổi, tìm kiếm các lợi ích kinh tế tự thân mà chính quyền không ngăn cản.

Thứ hai, chủ nghĩa cá nhân - một triết lý đạo đức và chính trị về cuộc sống - nhấn mạnh giá trị của con người, các quyền cá nhân, sự nỗ lực, sáng tạo, và đặc biệt là sự độc lập, ý thức tự chịu trách nhiệm. Triết lý này khiến người Mỹ luôn nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm cá nhân, coi trọng tính tự chịu trách nhiệm của cá nhân với cuộc sống của bản thân mình.

Thứ ba, bình đẳng về cơ hội - một giá trị, nguyên lý chính trị đề cao sự không phân biệt đối xử giữa các cá nhân theo chủng tộc, sắc tộc, giới tính, tôn giáo, hay nguồn gốc xuất thân. Mọi cá nhân đều bình đẳng trước những cơ hội tham gia vào đời sống chính trị cũng như kinh tế.

Thứ tư, ý niệm về hình thức “tự cai trị” là một niềm tin rằng quyền lực và tính chính danh của chính quyền bắt nguồn từ sự chấp thuận và trao quyền của những cá nhân cùng chung sống trong một phạm vi lãnh thổ. Những người chấp nhận bị cai trị thì cũng cần phải có tiếng nói trong các hoạt động cai trị.

Những tư tưởng và quan điểm chính trị nêu trên đã thúc đẩy một nền kinh tế thị trường tự do, năng động. Để điều hành nền kinh tế, chính quyền Mỹ hoạt động như một vị trọng tài, ban hành và thực thi pháp luật nghiêm minh, qua đó bảo đảm các chủ thể kinh tế đều được đối xử bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh.

Tôn trọng tính đa dạng xã hội, công dân Mỹ có quyền tự do tìm kiếm lợi ích và tự do biểu đạt ý kiến, trên sách, báo chí, đường phố, địa điểm công cộng... liên quan đến các vấn đề chính trị và chính sách. Tự do biểu đạt ý kiến không chỉ là có quyền được nói cho người khác nghe mà đó cũng là quyền được nghe người khác nói.

Đề cao quyền tự do biểu đạt ý kiến, cá nhân công dân Mỹ có thể nói cho người khác biết suy nghĩ của họ, thuyết phục người khác, nhất là các nhà lãnh đạo chính quyền về những vấn đề mà họ quan tâm. Quá trình tương tác như vậy tăng cường sự hiểu biết, tác động tích cực đến hoạt động của chính quyền.

Để hỗ trợ cho sự vận hành hiệu quả của các thiết chế, chính quyền, công dân Mỹ có quyền thành lập và tham gia các tổ chức hiệp hội, các nghiệp đoàn, đảng chính trị, và các nhóm cộng đồng. Các tổ chức chính trị, xã hội không chỉ là những thành tố cần thiết cho nền dân chủ mà còn giúp công dân có thêm thông tin, cơ hội thảo luận, và học hỏi các kỹ năng chính trị.

Cùng với vai trò định hình nền kinh tế - xã hội, tư tưởng tự do cũng đặt ra yêu cầu về một chính quyền phục vụ nhân dân chứ không chỉ kiểm soát và quản lý nhân dân, thể hiện qua phát ngôn nổi tiếng của Tổng thống A. Lincoln: xây dựng “chính quyền của dân, do dân, và vì dân”(5). Đó là một chính quyền do nhân dân thành lập, nhận sự ủy thác quyền lực từ nhân dân, quyền lực của chính quyền bị kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm mọi hoạt động phải hướng đến phụng sự nhân dân.

Khi xây dựng chính quyền dân chủ, người Mỹ đặt lòng tin vào thể chế. Những người tham gia soạn thảo Hiến pháp Mỹ năm 1887 quan niệm: một chính quyền vững mạnh thì trước hết phải có khả năng kiểm soát được xã hội, đồng thời nhân dân cũng phải kiểm soát được chính quyền. Người dân không chỉ cần được bảo đảm quyền tham gia vào các hoạt động của chính quyền mà còn phải phòng ngừa và kiểm soát được nguy cơ chuyên quyền, lũng đoạn chính quyền để phục vụ các lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Để kiểm soát được chính quyền, công cụ hữu hiệu nhất là các nguyên tắc, quy định thể chế (Hiến pháp và pháp luật). Do vậy, người Mỹ đã nhấn mạnh vấn đề xây dựng chính quyền đại diện (nền dân chủ đại diện, hay nền cộng hòa) và đặc biệt coi trọng các cơ chế, biện pháp kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống sự chuyên quyền, hay lạm dụng quyền lực công để mưu lợi ích riêng.

2. Chính quyền đại diện

Các nhà lập quốc Mỹ đã cho rằng, dân chủ trực tiếp cho phép các nhà lãnh đạo giành được quyền lực dựa trên cảm xúc và định kiến của số đông cử tri. Một nền dân chủ dựa trên nguyên tắc số đông như vậy không chỉ không phù hợp với sự an toàn cá nhân, các quyền tài sản, mà còn nguy hiểm với sự tự do, đe dọa các nhóm thiểu số, và bất ổn về tài sản, dễ dẫn đến tình trạng hỗn loạn bởi sự xung đột giữa nhóm này với nhóm khác. Sự nhấn mạnh quyền lực của đa số (nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số) sẽ tạo ra nguy cơ “chuyên quyền của số đông”, xâm phạm lợi ích chính đáng của các nhóm thiểu số.

Từ đó, các nhà lập quốc Mỹ đã hướng đến một chính thể cộng hòa, hay nền dân chủ đại diện, được thiết kế để đáp ứng nguyện vọng của số đông nhưng không bị lệ thuộc hoàn toàn vào ý chí của đa số. Nền dân chủ đại diện đặc trưng bởi hệ thống thể chế khuyến khích sự bàn bạc thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, quá trình ra quyết định gặp nhiều rào cản và các đại diện chính trị phải làm việc dưới những áp lực, ràng buộc thể chế để bảo vệ các quyền cá nhân. Chính thể cộng hòa là một hình thức tổ chức nhà nước không ngăn cản người dân có tiếng nói trong hoạt động của chính quyền nhưng các quy định thể chế phức tạp sẽ giúp lọc bớt cảm xúc của số đông để giảm thiểu việc ban hành những chính sách vội vàng, thiên lệch.

Từ nhận thức trên, chính thể cộng hòa ở Mỹ được thiết kế với đặc trưng then chốt là “tính đại diện”: chính quyền được lựa chọn bởi người dân; việc quản trị xã hội được thực hiện thông qua các đại diện chính trị(6). Những người đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo trong chính quyền được nắm giữ và sử dụng quyền lực công là do họ giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử tự do với sự tham gia của các công dân trưởng thành. Họ là những người do nhân dân lựa chọn và nhân dân hoàn toàn có thể thay thế họ thông qua các quy trình, biện pháp được quy định trong Hiến pháp và pháp luật.

Năm 1953, hai nhà chính trị học R. Dahl và Lindblom dùng thuật ngữ “Polyarchy” để chỉ các nền dân chủ hiện đại với chính thể đại diện. Nguyên tắc căn bản của “dân chủ Polyarchy” là tính đại diện, tính mở, tính không loại trừ và cạnh tranh; quyền lực được trao vào tay những đại diện của công dân(7). Lãnh đạo chính quyền do công dân lựa chọn thì sẽ có quyền hợp hiến để kiểm soát các quyết định chính sách.

Chính thể đại diện có tính hợp lý bởi lẽ với phạm vi rộng lớn của một quốc gia, số dân ít nhất cũng hàng triệu người và cư trú ở nhiều khu vực địa lý khác nhau thì việc tập trung tất cả cử tri lại để xây dựng và thông qua chính sách, pháp luật là điều không khả thi. Vì thế, dẫu chưa phải là giải pháp hoàn hảo nhưng việc lựa chọn ra đội ngũ quan chức chính quyền và giám sát trách nhiệm của họ thông qua nhiều hình thức là giải pháp khả thi để người dân có thể kiểm soát được nghị trình chính sách của chính phủ.

Để bảo đảm chính quyền luôn hành động vì dân, bầu cử định kỳ là biện pháp được sử dụng để lựa chọn và thay thế các đại diện chính trị(8). Mọi công dân trưởng thành và cư trú thường xuyên trong lãnh thổ quốc gia đều có những quyền cá nhân cơ bản như bầu cử, ứng cử, tự do ý kiến, tự do thành lập và tham gia vào các tổ chức. Trong đó, đặc biệt quan trọng là mọi công dân trưởng thành đều có quyền tham gia ứng cử vào các vị trí công quyền và bầu cử để lựa chọn ra các đại diện chính trị. Lãnh đạo chính quyền được lựa chọn thông qua các cuộc bầu cử định kỳ, cạnh tranh, kết hợp cả cơ chế trực tiếp và gián tiếp, thực hiện công bằng và tự do. Bầu cử được cho là hình thức khả thi nhất để kiểm soát các nhà lãnh đạo chính quyền, không cho phép họ tự ý đặt ra nghị trình chính sách và thực hiện những chính sách không đáp ứng mong đợi của người dân.

Đến nay, Mỹ là quốc gia sử dụng phổ biến biện pháp bầu cử. Cử tri Mỹ trực tiếp bầu cử các đại biểu lưỡng viện Quốc hội, trực tiếp bầu chọn ra đại cử tri để tham gia cử tri đoàn, từ đó thay mặt họ bầu chọn Tổng thống. Họ cũng tham gia các cuộc bầu cử sơ bộ (Direct Primary) để tự mình lựa chọn lãnh đạo chính quyền hoặc thành viên các hội đồng địa phương. Họ bỏ phiếu cho các sáng kiến (Initiative) hay các cuộc trưng cầu dân ý (Referendum) để thông qua các đạo luật hoặc sửa đổi Hiến pháp. Khi thất vọng và muốn loại bỏ các nhà lãnh đạo địa phương hoặc chính quyền bang tại một thời điểm nào đó giữa hai kỳ bầu cử, công dân Mỹ tham gia bỏ phiếu bãi miễn (Recall).

Bởi quyền lực quản trị quốc gia được thực thi thông qua các thiết chế đại diện cho nên người Mỹ cũng rất cảnh giác với nguy cơ chuyên quyền của số đông. Vì thế, đã có những cơ chế, biện pháp thể chế để phòng, chống và giảm thiểu nguy cơ thống trị của các nhóm đa số, xâm phạm lợi ích chính đáng của các nhóm thiểu số(9). Hiến pháp và hệ thống pháp luật Mỹ ngay từ khi lập quốc đều không cho phép sự tham gia trực tiếp của số đông vào quá trình hoạch định chính sách.

Đáng chú ý, quy trình lựa chọn các nhà lãnh đạo chính quyền liên bang đều được thiết kế để các đại diện chính trị không có mối liên hệ trực tiếp với những cử tri mà họ là đại diện. Cụ thể, Tổng thống được bầu chọn bởi các thành viên bầu cử đoàn (đại cử tri), thượng nghị sỹ được bầu bởi đại biểu quốc hội cấp bang và phải đến năm 1913 mới được trực tiếp bầu chọn bởi cử tri, thẩm phán liên bang được đề cử bởi Tổng thống và phê chuẩn bởi Thượng viện. Duy nhất các đại biểu Hạ viện (dân biểu) được bầu chọn trực tiếp bởi cử tri, với nhiệm kỳ hai năm.

Sự kết hợp linh hoạt giữa cơ chế bầu cử trực tiếp và gián tiếp đã gia tăng tính dân chủ của chính quyền, tuân theo ý chí của số đông nhưng không bị thao túng bởi số đông. Các quan điểm, lợi ích chính đáng của người dân, dù thuộc về nhóm thiểu số hay các nhóm đa số, đều được tôn trọng, lắng nghe và bảo vệ. Các quyết định chính sách bảo đảm công khai, minh bạch, giảm thiểu ảnh hưởng của cảm xúc đám đông, sự duy ý chí hay lợi ích cá nhân, nhóm lợi ích, bất chấp hậu quả của cá nhân nhà lãnh đạo.

3. Chính quyền với quyền lực bị giới hạn

Yêu cầu bảo đảm chính quyền luôn hoạt động để phụng sự nhân dân (vì dân), đòi hỏi các nhà lãnh đạo chính quyền phải có ý thức lắng nghe, tư duy thận trọng, thương lượng, cân nhắc và giải thích trước khi họ quyết định thông qua các đạo luật. Làm được như vậy sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ lạm quyền và buộc các nhà lãnh đạo chính quyền phải chịu trách nhiệm về cách thức sử dụng quyền lực công.

Từ những ngày đầu lập quốc, James Madison - người sau đó trở thành Tổng thống thứ tư của nước Mỹ, đặc biệt lo ngại về nguy cơ bè phái, phe nhóm trong chính quyền, cũng như việc lợi dụng cơ chế dân chủ dựa trên nguyên tắc đa số để kiểm soát chính quyền, lợi dụng quyền lực công để xâm hại lợi ích chính đáng của các nhóm dân chúng cũng như cả cộng đồng(10). Những mối lo ngại về nguy cơ lạm quyền đã thúc đẩy việc đặt ra những quy định thể chế để giới hạn và kiểm soát quyền lực của chính quyền, từ đó bảo đảm chính quyền hoạt động vì lợi ích của nhân dân.

Những quy định Hiến pháp để kiểm soát quyền lực là một trong những đặc điểm của chính thể cộng hòa, phân biệt giữa nền dân chủ lập hiến của Mỹ (nơi mà thẩm quyền của mọi lãnh đạo, nhân viên công quyền đều bị kiểm soát bởi các quy trình, quy định của Hiến pháp) với các nền dân chủ chỉ dựa trên nguyên tắc số đông. Bên cạnh biện pháp bầu cử được dùng để lựa chọn và thay thế các lãnh đạo chính quyền, 6 nguyên tắc thể chế được áp dụng để kiểm soát quyền lực của hệ thống chính quyền Mỹ, bao gồm(11):

(i) Phân chia quyền lực: Hiến pháp Mỹ phân chia quyền lực nhà nước thành ba nhánh với chức năng riêng biệt: lập pháp, hành pháp và tư pháp(12). Nhận thức rõ rằng việc phân chia quyền lực như vậy là chưa đủ để ngăn cản nguy cơ chuyên quyền cũng như nguy cơ cát cứ của các nhánh quyền lực nhà nước, các nhà lập quốc Mỹ còn phân bố quyền lực khá cân bằng giữa ba nhánh quyền lực và cho phép các nhánh quyền lực có thể kiểm soát lẫn nhau. Nhờ đó, ba nhánh quyền lực nhà nước có thể vận hành độc lập nhưng không nhánh nào có thể chèn ép các nhánh còn lại để thao túng quyền lực.

(ii) Cân bằng và kiểm soát để tránh sự tập trung quyền lực quá mức đã áp dụng nguyên tắc chia sẻ quyền lực giữa ba nhánh quyền lực nhà nước và trao cho mỗi nhánh khả năng kiểm soát các nhánh còn lại. Quy định Hiến pháp bảo đảm mỗi nhánh quyền lực nhà nước của Mỹ đều có thể phê chuẩn hoặc bác bỏ hành động của các nhánh khác. Nhờ đó, không có thiết chế quyền lực nào có thể tùy tiện hành động theo ý chí của mình. Ngược lại, bất cứ quyết định nào của một trong ba nhánh quyền lực nhà nước đều cần sự ủng hộ của các nhánh còn lại. Khi chưa nhận được sự ủng hộ thì quyết định chính sách chưa thể được ban hành. Ví dụ, Quốc hội thông qua các đạo và Tổng thống ký ban hành.

(iii) Chế độ liên bang: hệ thống chính quyền của nước Mỹ được phân chia thành chính quyền liên bang và chính quyền bang. Cả hai cấp độ chính quyền đều bình đẳng, có được quyền lực từ Hiến pháp và nhân dân, trực tiếp thực thi quyền lực với công dân trong phạm vi lãnh thổ và trách nhiệm được quy định.

Về cơ bản, chính quyền liên bang chịu trách nhiệm với các vấn đề ở cấp quốc gia như an ninh quốc gia, thương mại quốc tế, quốc phòng, ngoại giao;... chính quyền bang tập trung giải quyết các vấn đề dân sinh, như giao thông, y tế, giáo dục...

Việc áp dụng chế độ liên bang không chỉ tôn trọng hiện trạng nước Mỹ trước cách mạng mà còn minh định rõ phạm vi trách nhiệm, chủ quyền và quyền lực gắn với trách nhiệm được giao, gia tăng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, giảm thiểu nguy cơ cát cứ của các địa phương hay can thiệp của chính quyền liên bang.

(iv) Pháp quyền: chính quyền Mỹ được hình thành dựa trên hệ thống pháp luật. Pháp luật ở vị trí tối thượng và áp dụng bình đẳng với mọi công dân (người Mỹ gọi đó là chính quyền của pháp luật chứ không phải chính quyền của con người). Hệ thống luật pháp được tuyên bố phổ quát chứ không nhắm đến cá nhân hay nhóm cụ thể, được áp dụng cho hiện tại và tương lai chứ không dùng để trừng phạt những gì xảy ra trong quá khứ.

Luật pháp được ban hành bởi những người nắm giữ quyền lực chính đáng, được sự chấp thuận của số đông dân chúng cho nên được công bố công khai để thực hiện. Mặc dù Hiến pháp không quy định rõ nhưng thực tế tòa án là thiết chế có thẩm quyền diễn giải pháp luật và kết luận một hành động nào đó của cá nhân, tổ chức, hay chính quyền là tuân thủ hay vi phạm pháp luật.

v) Quy trình thỏa đáng: quy định thể chế này yêu cầu chính quyền chỉ được thực thi quyền lực trong phạm vi các nguyên tắc và quy định. Việc thực thi pháp luật phải đặt trong quan hệ với bảo vệ các quyền cá nhân đã được pháp luật thừa nhận. Nếu chính quyền thực thi pháp luật nhưng lại xâm phạm các quyền cá nhân thì đó là quy trình không thỏa đáng. Cùng với đó, chính quyền cũng không được coi hành động nào đó là mặc định, kể cả pháp luật đã được thông qua cũng cần phải xem xét thận trọng.

vi) Đạo luật về các quyền: đây là một tập hợp các quyền cá nhân thiết yếu, chưa được quy định trong Hiến pháp, mà chính quyền không được xâm phạm. Đạo luật về các quyền là một biểu hiện cụ thể về những giới hạn thẩm quyền của chính quyền bang và liên bang. Điều này cho thấy, người dân Mỹ đồng ý là những người bị cai trị nhưng chỉ chấp nhận thẩm quyền của chính quyền trong một số lĩnh vực, chứ không phải mọi lĩnh vực. Vì thế, bổn phận của chính quyền là phải nghiêm túc tôn trọng những quyền cá nhân bất khả xâm phạm được quy định trong Đạo luật về các quyền.

Sự phát triển của nước Mỹ gắn với những đặc thù bối cảnh, trước hết dựa trên nền tảng tư tưởng tự do, nỗ lực xây dựng chế độ cộng hòa, với chính quyền đại diện, cùng các cơ chế và biện pháp hữu hiệu để phòng chống nguy cơ chuyên quyền, cân bằng và dung hòa các quan điểm và lợi ích của các nhóm xã hội đa dạng.

Để nhân dân có thể làm chủ, Mỹ không chỉ coi trọng các quyền cá nhân, sự tự do và tính tự chịu trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà cả tính tích cực tham gia chính trị của các công dân. Công dân Mỹ thực hiện quyền tự cai trị thông qua các đại diện chính trị, được lựa chọn thông qua các kỳ bầu cử tự do và cạnh tranh. Khi lãnh đạo chính quyền không đáp ứng kỳ vọng thì nhân dân cũng có những phương tiện thể chế để thay thế họ.

Các nguyên tắc thể chế được thiết kế nhằm kiểm soát chặt chẽ quyền lực của các nhánh quyền lực nhà nước, các cấp độ chính quyền; chính quyền trong quan hệ với cá nhân công dân, tổ chức và xã hội. Nói cách khác, để bảo vệ quyền làm chủ của người dân, Mỹ đã xây dựng một cấu trúc quản trị quốc gia đặc trưng bởi quyền lực được chia sẻ cho nhiều chủ thể. Nhờ đó, sức mạnh của mỗi chủ thể đều được phát huy, đồng thời giảm thiểu nguy cơ chuyên quyền, thống trị hệ thống chính quyền và xã hội của một chủ thể hay lực lượng xã hội nào đó.

Thực tế nước Mỹ cũng cho thấy, chính ý thức tự chịu trách nhiệm và sự tích cực tham gia chính trị của người dân giúp hiện thực hóa khát vọng dân chủ, chứ không chỉ dựa vào cấu trúc bộ máy cơ quan nhà nước.

Điểm nổi bật là, cấu trúc thể chế và các nguyên tắc hiến định đã khiến cho tham vọng chuyên quyền hay ý định lạm quyền để ban hành những quyết định vụ lợi trở nên khó khăn hơn. Nhờ đó, chính các điều kiện thể chế, chứ không phải con người, đã buộc chính quyền Mỹ phải tôn trọng ý chí của nhân dân, hoạt động vì lợi ích của nhân dân.

Mặc dù đã đạt được những thành công không thể phủ nhận, nền dân chủ Mỹ cũng chưa phải là cấu trúc quản trị quốc gia lý tưởng. Ý chí của nhân dân có ảnh hưởng rõ rệt đến hoạt động của chính quyền nhưng quyền lực chính trị thực sự vẫn thuộc về các nhóm thiểu số. Nước Mỹ giàu có và sức sáng tạo mạnh mẽ là một thực tế không thể phủ nhận nhưng tình trạng bất bình đẳng vẫn diễn ra gay gắt và trở thành căn nguyên chính cho những căng thẳng, mâu thuẫn xã hội. Cấu trúc chính quyền ở Mỹ có thể hiệu lực, hiệu quả trong việc ngăn chặn nguy cơ lạm quyền nhưng điểm hạn chế là rất dễ xảy ra tình trạng căng thẳng trong quan hệ giữa các nhánh quyền lực nhà nước, tạo ra nguy cơ mất ổn định, thậm chí rối loạn cho cả hoạt động của chính quyền và xã hội. Bầu cử định kỳ, tự do và cạnh tranh có thể giúp cử tri thay đổi các vị trí lãnh đạo chính quyền nhưng chính sự thay đổi liên tục đó cũng khiến hệ thống chính sách rất dễ rơi vào tình trạng thiếu nhất quán.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 549 (tháng 11-2023)

Ngày nhận bài: 08-9-2023; Ngày bình duyệt: 17-11-2023; Ngày duyệt đăng: 22-11-2023.

(1) https://www.britannica.com

(2) Magleby, D; Light, P; Nemacheck, C (2014). Government by the people. Pearson Education Inc, tr.10.

(3), (8), (9), (12) Patterson, T (2015). We the people: an introduction to American Government. 11 ed. McGrawHill, tr.18-22, 232 -266, 44-51, 44-51.

(4), (5), (6), (10), (11) Magleby, D; Light, P; Nemacheck, C (2014), tr.4-6, 24, 9-11, 53-54, 23-24.

(7) Dahl, R. A (1998): “On Democracy”. Yale University Press. New Haven and London, tr.85-86.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tư tưởng đề cao tự do cá nhân và thể chế kiểm soát quyền lực nhà nước của Hoa Kỳ
    POWERED BY