Nghiên cứu lý luận

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chữa bệnh “khinh lý luận” trong cán bộ, đảng viên

22/07/2024 10:13

(LLCT) - Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Người khẳng định “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”(1). Người cũng thường xuyên chỉ ra những thứ “bệnh” trong công tác, chỉ ra nguyên nhân, tác hại và đưa ra “phương thuốc chữa bệnh” giúp họ tiến bộ, mà trong đó có bệnh “khinh lý luận”. Bài viết tập trung làm rõ việc Hồ Chí Minh “bắt bệnh” và “chữa bệnh” “khinh lý luận” trong cán bộ, đảng viên, từ đó rút ra ý nghĩa, giá trị thực tiễn của “phương thuốc” này.

TS PHAN DUY ANH
Trường Đại học Bách khoa,
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ thiên ...
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người ở căn cứ Việt Bắc _ Ảnh tư liệu

Lịch sử phát triển chính trị ở các nước trên thế giới đều chứng minh rằng, bất kỳ một chính đảng nào cũng phải có nền tảng lý luận. Có nền tảng lý luận khoa học dẫn đường thì đảng mới không mất phương hướng, trở nên mạnh mẽ trong hoạt động. Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập cũng không nằm ngoài nguyên lý chính trị này.

Sự ra đời của Đảng dựa trên việc kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Hồ Chí Minh khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng lý luận. Tuy vậy, có một bộ phận cán bộ, đảng viên trong quá trình công tác lại mắc bệnh “khinh lý luận” gây ảnh hưởng rất lớn tới tình hình cách mạng. Vì vậy, Hồ Chí Minh với nhãn quan và kinh nghiệm chính trị sắc bén đã chỉ ra biểu hiện, tác hại và đưa ra “phương thuốc” chữa bệnh “khinh lý luận” cho cán bộ, đảng viên; những chỉ dẫn quý báu đó trở thành “kim chỉ nam” của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công tác xây dựng đảng.

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra các biểu hiện và tác hại của bệnh “khinh lý luận” trong cán bộ, đảng viên

Trên đường đi tìm chân lý cứu nước, khi đến được với chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã hiểu rõ tầm quan trọng của chính đảng vô sản đối với một xứ thuộc địa như An Nam. Người khẳng định: “Trước hết phải có đảng cách mệnh... Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(2). Như vậy, với Hồ Chí Minh, để Đảng luôn vững mạnh thì điều quan trọng là tất cả cán bộ, đảng viên đều phải hiểu, nắm vững và tin theo chủ nghĩa Mác - Lênin.

Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, “Đảng ta không phải từ trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra”(3). Vì thế, cùng với những ưu điểm, Đảng cũng dễ mắc phải những khuyết điểm nhất thời. Thời gian đầu thành lập, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phần lớn xuất thân từ giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức tiểu tư sản, khi Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền, từ một xã hội vừa thoát khỏi chế độ thuộc địa và phong kiến với nền kinh tế lạc hậu nên khó tránh khỏi những ảnh hưởng từ thói hư tật xấu của xã hội cũ. Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ ra những biểu hiện, vừa cảnh báo một cách khoa học khả năng phát sinh, phát triển của lối làm việc không đúng đắn, không phù hợp với thực tiễn, với bản chất của một chính đảng cách mạng, đặc biệt trong đó có bệnh “khinh lý luận”.

Hồ Chí Minh lần đầu nhắc đến bệnh “khinh lý luận” ở cán bộ, đảng viên trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (tháng 10-1947). Người nêu tên bệnh “khinh lý luận” đi cùng với các bệnh “kém lý luận” và “lý luận suông” khi nói về nguyên nhân của một chứng bệnh lớn hơn: “bệnh chủ quan”.

Để hiểu rõ về bệnh “khinh lý luận”, Hồ Chí Minh chỉ dẫn, trước hết cần hiểu thế nào là “lý luận”. Trong nhiều bài nói, bài viết của mình, Người đã đưa ra một số quan niệm về lý luận với những cách diễn đạt cụ thể. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh viết: “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế”(4); “Lý luận do kinh nghiệm cách mạng ở các nước và trong nước ta, do kinh nghiệm từ trước và kinh nghiệm hiện nay gom góp phân tích và kết luận những kinh nghiệm đó thành ra lý luận”(5). Hay trong Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa I của Trường Nguyễn Ái Quốc ngày 7-9-1957, Người nói: “Lý luận là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử”(6).

Như vậy, trong quan niệm về lý luận của Hồ Chí Minh bao hàm sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, lý luận phải được tổng kết từ kinh nghiệm thực tiễn. Không có kinh nghiệm thực tiễn, rõ ràng không thể có lý luận. Nhưng tự thân kinh nghiệm thực tiễn chưa phải là lý luận và nó phải được tổng kết thành những kết luận có tính khái quát cao.

Từ cách hiểu này, Hồ Chí Minh với tư duy biện chứng và kinh nghiệm chính trị sâu sắc đã chỉ ra những biểu hiện của bệnh coi khinh lý luận trong một bộ phận cán bộ, đảng viên: “Có những cán bộ, những đảng viên cũ, làm được việc, có kinh nghiệm. Cố nhiên, những anh em đó rất quý báu cho Đảng. Nhưng họ lại mắc phải cái bệnh khinh lý luận. Họ quên rằng: nếu họ đã có kinh nghiệm mà lại biết thêm lý luận thì công việc tốt hơn nhiều. Họ quên rằng: kinh nghiệm của họ tuy tốt, nhưng cũng chẳng qua là từng bộ phận mà thôi, chỉ thiên về một mặt mà thôi”(7).

Như vậy, với Hồ Chí Minh, biểu hiện của bệnh “khinh lý luận” là tình trạng người cán bộ, đảng viên coi trọng kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn dẫn tới tuyệt đối hóa kinh nghiệm, cho kinh nghiệm là yếu tố duy nhất quyết định thành công, từ đó sa vào “chủ nghĩa kinh nghiệm”. Người chỉ rõ, “trong Đảng ta hiện nay còn có nhiều người chỉ biết vùi đầu suốt ngày vào công tác sự vụ, không nhận thấy sự quan trọng của lý luận... đã áp dụng một số kinh nghiệm một cách thiếu sáng tạo, không có kết quả”(8); và khi mắc chủ nghĩa kinh nghiệm thì “chỉ bo bo giữ lấy những kinh nghiệm lẻ tẻ... cứ cắm đầu nhắm mắt mà làm, không hiểu rõ toàn cuộc của cách mạng”(9).

Ở một phương diện khác Hồ Chí Minh cho rằng, “khinh lý luận” thể hiện ở việc nhận thức không đúng về lý luận nên không hiểu thực chất của lý luận, chỉ thuộc câu chữ lý luận mà không hiểu được bản chất những vấn đề thực tiễn mới nảy sinh dẫn tới tình trạng nhiều cán bộ, đảng viên chủ quan, trở nên “giáo điều” trong công tác, trong hoạt động cách mạng của mình. Nếu có vận dụng thì cũng không sát thực tế, không phù hợp với thực tiễn.

Người chỉ ra các biểu hiện nhận thức không đúng về lý luận: “Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ... Có những người xem được sách, xem nhiều sách. Siêng xem sách và xem nhiều sách là một việc đáng quý. Nhưng thế không phải đã là biết lý luận. Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách”(10). Theo Hồ Chí Minh, khi vận dụng lý luận vào thực tiễn phải xuất phát từ thực tiễn, nếu không cũng là giáo điều.

Đồng thời, Người cũng chỉ rõ do khinh lý luận nên dẫn tới tình trạng nhiều cán bộ, đảng viên xem nhẹ, lười học lý luận. Người mạnh mẽ phê bình những người “thiếu tin tưởng đối với sự cần thiết phải học tập lý luận, học tập kinh nghiệm của các nước anh em” và yêu cầu “Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận”(11).

Hồ Chí Minh chỉ rõ hơn những ảnh hưởng của bệnh “khinh lý luận”: “Những người chỉ trọng kinh nghiệm mà khinh lý luận thì không hiểu rõ toàn bộ quá trình khách quan, thiếu phương châm vững chắc, chỉ biết một mà không biết mười. Nếu những người ấy lãnh đạo cách mạng thì sẽ thất bại”(12); và “Vì không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”(13).

2. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra nguyên nhân và cách thức chữa bệnh “khinh lý luận” trong cán bộ, đảng viên

Bằng tư duy biện chứng và kinh nghiệm chính trị phong phú của mình, Người chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu của bệnh “khinh lý luận” ở một bộ phận cán bộ, đảng viên là do tư tưởng “chưa thuần thục, trình độ lý luận còn non nớt”(14); và một bộ phận thì do tư tưởng “chủ quan”, “bảo thủ”, “tự túc, tự mãn”, “sống lâu lên lão làng”(15).

Tất cả họ đều không hiểu được rằng: “Làm mà không có lý luận thì không khác gì mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa hay vấp váp”(16), “lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”(17). Đồng thời, họ cũng không thấy được “Đảng ta có chủ nghĩa Mác - Lênin là chủ nghĩa cách mạng và khoa học nhất”(18) vì học thuyết này đã giúp cho Đảng “xây dựng lý luận đúng đắn và toàn diện cho cuộc cách mạng dân tộc chống đế quốc”(19); vì thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin nên “Đảng ta đã đưa cuộc kháng chiến cứu nước từ bước thấp đến bước cao, từ chỗ thắng nhỏ đến chỗ thắng lớn”(20).

Với quan điểm, có khuyết điểm thì phải kiên quyết sửa chữa, Hồ Chí Minh ví Đảng Cộng sản Việt Nam như một cơ thể mà khuyết điểm là những căn bệnh nguy hiểm, thậm chí là những “kẻ địch bên trong”. Người viết: “mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy, ta phải ra sức đề phòng những kẻ địch đó, phải chữa hết những chứng bệnh đó”(21).

Để chữa chứng bệnh “khinh lý luận”, Hồ Chí Minh đã “kê đơn” với liều thuốc đầu tiên là “tự phê bình và phê bình”. Người luận giải: “Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau”(22). Nếu bản thân người cán bộ, đảng viên không nghiêm chỉnh tự phê bình thì cũng như tấm gương mờ, làm sao có thể thấy và phê bình đúng khuyết điểm của người khác. Tự phê bình cũng chính là phê bình, là tự nhìn lại mình, và đồng thời giúp đồng chí, đồng nghiệp qua đó cũng rút kinh nghiệm. Phê bình cũng là tự phê bình, bởi qua phê bình đồng chí mà đồng thời nhìn lại mình một cách đầy đủ hơn. Tiếp thu phê bình một cách chân thành cũng là tự phê bình nghiêm túc.

Hồ Chí Minh xem “tự phê bình và phê bình” là phương thức để hoàn thiện bản thân của mỗi cán bộ, đảng viên và cũng là một phương thức để xây dựng con người mới, xã hội mới. Thực hiện “tự phê bình và phê bình”, tức là mỗi cán bộ, đảng viên đã đạt đến trình độ làm chủ bản thân, điều chỉnh hoạt động của bản thân và tổng hòa được các mối quan hệ xã hội một cách tự giác.

Khi dùng phương thuốc “tự phê bình và phê bình”, Hồ Chí Minh yêu cầu: “phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người”(23) với mục đích là “cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”(24). Động thái “ráo riết” và “giúp nhau” của Hồ Chí Minh khẳng định sự cần thiết quyết liệt với mục đích xây dựng trên tình đồng chí thương yêu lẫn nhau trong “tự phê bình và phê bình”.

Để giúp cho cán bộ, đảng viên dùng phương thuốc “tự phê bình và phê bình” hiệu quả, Hồ Chí Minh chỉ dẫn, cần phát huy vai trò của người lãnh đạo và tổ chức Đảng theo hướng phải tạo ra một bầu không khí dân chủ. Người khẳng định: “Nếu cán bộ không nói năng, không đề ý kiến, không phê bình..., thế là một hiện tượng rất xấu. Vì không phải họ không có gì nói, nhưng vì họ không dám nói, họ sợ. Thế là mất hết dân chủ trong Đảng. Thế là nội bộ của Đảng âm u, cán bộ trở nên những cái máy, trong lòng uất ức, không dám nói ra, do uất ức mà hóa ra oán ghét, chán nản”(25).

Trong chữa bệnh “khinh lý luận” phương thuốc thực hành là “phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế”(26), học đi đôi với hành, lý luận thống nhất với thực tiễn.

Người nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên quán triệt tốt nguyên tắc học đi đôi với hành, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là góp phần trực tiếp ngăn ngừa, khắc phục bệnh kinh nghiệm để từ đó xóa bỏ bệnh khinh lý luận. Muốn làm tốt điều này, một mặt phải ra sức học tập, nâng cao trình độ lý luận và chuyên môn; mặt khác phải có phương pháp học tập đúng đắn, học đi đôi với hành, lý luận liên hệ với thực tế, nếu không thì khắc phục được bệnh kinh nghiệm thì đã mắc bệnh giáo điều, bệnh sách vở.

Hồ Chí Minh chỉ dẫn: “Lý luận rất cần thiết, nhưng nếu cách học tập không đúng thì sẽ không có kết quả. Do đó, trong lúc học tập lý luận, chúng ta cần nhấn mạnh: Lý luận phải liên hệ với thực tế”(27). Theo Người, có đem lý luận liên hệ với thực tiễn thì mới thực sự là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin, bởi đây là “một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”(28).

Trong học lý luận, Hồ Chí Minh nêu một nguyên tắc là “xây đi đôi với chống”, mà cụ thể ở đây là: chống giáo điều. Người luôn phê phán kiểu học sách vở Mác - Lênin nhưng không học tinh thần Mác - Lênin, đó là học theo kiểu “mượn những lời của Mác, Lênin, dễ làm người ta nhầm lẫn”(29). Người yêu cầu, học chủ nghĩa Mác - Lênin là “phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin; học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta”(30); “Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm”(31). Người cũng căn dặn cán bộ, đảng viên “học tập lý luận thì nhằm mục đích học để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận, hoặc vì tạo cho mình một cái vốn lý luận để sau này đưa ra mặc cả với Đảng”(32).

Hồ Chí Minh không để lại những tác phẩm chuyên khảo về chứng bệnh “khinh lý luận” trong cán bộ, đảng viên hay về sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, nhưng ở nhiều bài nói, bài viết, Người luôn đề cập tới vai trò quan trọng của lý luận, của nguyên tắc thống nhất lý luận với thực tiễn, của việc học tập lý luận đối với người cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, Người dùng nhiều cách nói, cách viết nhằm giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân dễ nhớ, dễ hiểu, dễ vận dụng. Cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về việc quán triệt giữ vững nền tảng lý luận của Đảng, chú trọng gắn lý luận với thực tiễn và nêu cao tinh thần học tập lý luận suốt đời.

3. Giá trị lý luận và thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh về chữa bệnh “khinh lý luận” trong cán bộ, đảng viên

Những luận điểm sáng tạo, đặc sắc về “phương thuốc” chữa bệnh khinh lý luận của Hồ Chí Minh có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn.

Trước hết, những luận giải của Hồ Chí Minh về vấn đề xem thường lý luận ở cán bộ, đảng viên, từ vạch rõ biểu hiện chỉ ra nguyên nhân và các phương pháp khắc phục, đã góp phần làm phong phú, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin về tư duy lý luận và vai trò của lý luận đối với đảng cộng sản.

Với góc nhìn của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, C.Mác và Ph.Ăngghen đã nhận thấy vai trò của tư duy lý luận, từ đó đưa ra những chỉ dẫn sâu sắc về việc xây dựng, bảo vệ và phát triển lý luận về phong trào công nhân nói chung và đảng cộng sản nói riêng. Trong nhiều bài nói, bài viết của mình, các ông đều nhận thức rằng, tư duy lý luận là trình độ phát triển cao của năng lực tư duy con người, nó luôn mang tính lịch sử, là sản phẩm của lịch sử, vậy nên thời đại khác nhau thì tư duy lý luận phải khác nhau.

Ph.Ăngghen đã viết trong tác phẩm Bài tựa cũ của cuốn Chống Đuy-rinh rằng: “Tư duy lý luận của mỗi một thời đại, cũng có nghĩa là cả thời đại chúng ta, là một sản phẩm lịch sử mang những hình thức rất khác nhau trong những thời đại khác nhau và do đó có một nội dung rất khác nhau”(33). Đặc biệt, ông kịch liệt lên án tình trạng “khinh miệt phép biện chứng” ở nhiều người và khẳng định: “rõ ràng là sự khinh thường lý luận là con đường chắc chắn nhất đưa chúng ta đến chỗ suy nghĩ theo lối tự nhiên chủ nghĩa, tức là suy nghĩ sai”(34).

Với Ph.Ăngghen, sự khinh miệt lý luận sẽ dẫn tới những suy nghĩ sai lầm, bởi: “Dù người ta tỏ ý khinh thường mọi tư duy lý luận như thế nào đi nữa, nhưng không có tư duy lý luận thì người ta cũng không thể liên hệ hai sự kiện trong giới tự nhiên với nhau được, hay không thể hiểu được mối liên hệ giữa hai sự kiện đó”(35). Do đó, chỉ có lý luận mới có thể giúp con người vượt qua được giới hạn “chật hẹp” của nhận thức kinh nghiệm mà khám phá ra bản chất của sự vật, hiện tượng, bởi lý luận mang tính chất hệ thống và trừu tượng hóa cao độ, là sản phẩm của tư duy lý luận.

Trong điều kiện lịch sử mới, trong cuộc đấu tranh với các bè phái cơ hội chủ nghĩa như Quốc tế II và phái Mensêvích ở Nga, V.I.Lênin đã kết hợp những quan điểm về tư duy lý luận và lý luận xây dựng đảng của chủ nghĩa Mác với thực tế cụ thể của nước Nga, hình thành nên học thuyết xây dựng một chính đảng vững mạnh, lãnh đạo giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917), hình thành nhà nước XHCN đầu tiên. V.I.Lênin luôn nhận thấy vai trò của lý luận cách mạng với tư cách là điều kiện tiên quyết để hình thành và thúc đẩy phong trào cách mạng cũng như vai trò tiên phong của đảng cách mạng.

V.I.Lênin khẳng định: “chỉ đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong”(36). Đặc biệt, trước khuynh hướng xem nhẹ lý luận cách mạng trong một bộ phận giai cấp vô sản, V.I.Lênin kịch liệt lên án “Thái độ coi thường lý luận, thái độ lảng tránh quanh co đối với hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa nhất định làm lợi cho hệ tư tưởng tư sản”(37) và nhấn mạnh: “Không thể có một đảng xã hội chủ nghĩa vững mạnh, nếu không có lý luận cách mạng để đoàn kết tất cả những người xã hội chủ nghĩa lại, để họ rút ra từ trong lý luận đó tất cả những tín điều của họ và đem áp dụng lý luận đó vào những phương pháp đấu tranh và phương sách hành động của họ”(38). Và lý luận tiên tiến của đảng cộng sản được V.I.Lênin chỉ rõ chính là chủ nghĩa Mác: “Chúng ta hoàn toàn đứng trên cơ sở lý luận của Mác: lý luận đó là lý luận lần đầu tiên đã biến chủ nghĩa xã hội từ không tưởng thành khoa học; lý luận đó đã dựng lên những cơ sở vững chắc cho khoa học ấy và vạch rõ con đường mà chúng ta cần phải theo, để phát triển khoa học đó thêm nữa và phát huy nó với đầy đủ chi tiết”(39).

Hồ Chí Minh đã “học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế nước ta”(40). Xuyên suốt tiến trình hình thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam đều ghi dấu những nỗ lực “bảo vệ chân lý” chủ nghĩa Mác - Lênin của Người.

Từ những ngày đầu chuẩn bị các tiền đề để thành lập một chính đảng cộng sản ở Việt Nam, Hồ Chí Minh đã lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và ra sức truyền bá học thuyết cách mạng, khoa học này tới những người yêu nước, giúp họ trở thành những chiến sĩ cách mạng chân chính. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Người luôn quan tâm tới công tác đào tạo lý luận cho cán bộ, đảng viên. Vậy nên, Hồ Chí Minh ra sức kêu gọi Quốc tế Cộng sản hỗ trợ trang bị sách lý luận cho Đảng như trong Thư gửi Ban Phương Đông (ngày 16-1-1935) rằng: “Các đồng chí của chúng tôi rất dũng cảm và hăng hái. Các đồng chí ấy công tác rất tận tụy. Nhưng vì thiếu kiến thức lý luận, buộc các đồng chí phải mò mẫm từng bước, luôn luôn vấp váp vì thiếu thốn như vậy. Tất nhiên là các đồng chí sẽ được giáo dục rèn luyện trong đấu tranh và trong công tác thực tế hằng ngày. Nhưng có thể tránh được biết bao bế tắc, sai lầm và biết bao thất bại đau đớn, nếu chúng ta có thể cung cấp cho các đồng chí ấy những kiến thức tối cần thiết về lý luận soi đường, tạo điều kiện dễ dàng cho các đồng chí ấy tiến hành công tác”(41). Khi Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền thì Người càng trăn trở về những hạn chế trong công tác lý luận của Đảng và đặc biệt quan tâm chăm lo giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.

Những nỗ lực đó của Người đã làm cho Đảng Cộng sản Việt Nam luôn vững mạnh, ngày càng to lớn và mạnh mẽ.

Thứ hai, phương thuốc chữa bệnh “khinh lý luận” của Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tư tưởng cho Đảng trong xây dựng đường lối, lãnh đạo công tác tư tưởng, lý luận. Tại Đại hội VII (tháng 6-1991), Đảng khẳng định: Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Dưới ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác - Lênin và đặc biệt là những, chỉ dẫn, cảnh báo của Hồ Chí Minh về các biểu hiện, tác hại của coi khinh lý luận ở cán bộ, đảng viên, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến công tác tư tưởng, lý luận và khắc phục các biểu hiện lười học, ngại học lý luận chính trị trong Đảng.

Trên Đại hội VIII của Đảng (năm 1996), Đảng ta chỉ rõ: lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lười suy nghĩ, không thường xuyên tiếp nhận những thông tin mới cũng là một biểu hiện của sự suy thoái; và từ đó đề ra nhiệm vụ phải “Uốn nắn những nhận thức lệch lạc, những quan điểm mơ hồ, những biểu hiện dao động về tư tưởng, suy giảm niềm tin vào chủ nghĩa xã hội và sự lãnh đạo của Đảng”(42).

Đặc biệt, trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII (năm 2018), Đảng đã cảnh báo tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên có những nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây chính là biểu hiện của bệnh “khinh lý luận” mà Hồ Chí Minh đã chỉ ra.

Thứ ba, tình hình trong nước và thế giới có nhiều vấn đề mới đặt ra cho công tác lý luận của Đảng, yêu cầu phải nhận thức đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển khách quan. Chính vì vậy, trên cơ sở nền tảng lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đánh giá thực trạng công tác giáo dục lý luận chính trị của Đảng trong thời gian qua, Đại hội XIII của Đảng đã nêu nhiệm vụ “Đổi mới căn bản nội dung, chương chình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn; đưa việc bồi dưỡng lý luận chính trị cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp đi vào nền nếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng”(43).

Một điểm mới quan trọng trong phương hướng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị được Đại hội XIII đề ra là: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa học tập lý luận với rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn để nâng cao bản lĩnh chính trị; khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên”(44). Đây là việc Đảng quán triệt sâu sắc nguyên tắc “lý luận thống nhất với thực tiễn”, “học đi đôi với hành” của Hồ Chí Minh.

Xuyên suốt lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng, trưởng thành và lãnh đạo cách mạng thắng lợi đã khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của Đảng trong việc học tập, rèn luyện, bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở Việt Nam. Với nhận thức sắt đá rằng, công tác lý luận là một bộ phận đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng luôn chú trọng giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị cho mọi cán bộ, đảng viên.

Đất nước ta đang trong một thời kỳ với những cơ hội phát triển mới nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải đi đầu trong thực hiện “bốn kiên định” mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra. Để có được sự kiên định, vững vàng trên con đường xây dựng CNXH, không gì bằng việc xem trọng lý luận, ra sức học tập lý luận chính trị một cách thực sự, thực chất. Nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của công tác lý luận chính trị; coi trọng việc gắn lý luận với thực tiễn, tổng kết thực tiễn trong nhiệm vụ nghiên cứu lý luận và hoạt động của các cấp ủy đảng là những giải pháp cơ bản, góp phần xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, có tâm, có tầm, có trí tuệ và đạo đức, đủ sức lãnh đạo đất nước ta tiến tới phồn vinh và hạnh phúc trong thời kỳ mới.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 549 (tháng 11-2023)

Ngày nhận bài: 09-9-2023; Ngày bình duyệt: 10-9-2023; Ngày duyệt đăng: 22-11-2023.

(1), (3), (4), (5), (7), (10), (17), (21), (22),(23), (24), (25), (26) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.280, 303, 273, 312, 274, 274, 273-274, 278-279, 307, 272, 272, 319-320, 274-275.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Sđd, tr.289.

(11), (13), (20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Sđd, tr.280, 280, 34.

(6), (8), (19), (27), (28), (30), (31), (32), (39) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Sđd, tr.96, 94, 169, 94, 95, 95, 611, 95, 611.

(9), (12), (14), (18), (29) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, tr.120, 127, 32, 414, 120.

(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Sđd, tr.273.

(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Sđd, tr.357.

(33), (34), (35) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tr.487, 508, 508.

(36), (37) V.I.Lênin: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.32, 462.

(38), (39) V.I.Lênin: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.232, 230.

(41) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Sđd, tr.113.

(42) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.55, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.417.

(43), (44) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.235-236, 236.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tư tưởng Hồ Chí Minh về chữa bệnh “khinh lý luận” trong cán bộ, đảng viên
    POWERED BY