Nhân vật - Sự kiện

Tư tưởng yêu nước thương dân từ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đến người thanh niên Nguyễn Tất Thành

13/11/2024 17:16

(LLCT) - Trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, vùng đất xứ Nghệ luôn anh dũng, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống ngoại xâm và đoàn kết, tương thân, tương ái trong lao động sản xuất và đời sống. Đây cũng là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi sản sinh ra biết bao bậc hiền tài trên nhiều lĩnh vực, có đóng góp to lớn cho non sông, đất nước. Chính truyền thống tốt đẹp của quê hương đã có ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng yêu nước, thương dân của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và người con trai Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh sau này.

TS ĐINH NGỌC QUÝ
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

PGS, TS DOÃN THỊ CHÍN

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Cuộc chia tay của Nguyễn Tất Thành và cha - Tuổi Trẻ Online
Tượng đài cụ Nguyễn Sinh Sắc và người thanh niên Nguyễn Tất Thành tại quảng trường TP Quy Nhơn, Bình Định - Ảnh: D.THANH

Sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ, Nguyễn Sinh Sắc được người anh (cùng cha khác mẹ) là Nguyễn Sinh Trợ nuôi nấng. Lớn lên, Nguyễn Sinh Sắc phải lao động vất vả và không được học hành như bạn bè cùng trang lứa. Tuy là người thông minh, sáng dạ, học hành chăm chỉ, nhưng Nguyễn Sinh Sắc lận đận về đường thi cử. Sau 20 năm miệt mài đèn sách, đến năm 1901, Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng(1). Việc Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng mang lại niềm vui lớn cho gia đình, dòng họ Nguyễn Sinh ở làng Kim Liên. Cả làng, cả xã vui mừng, sắm sửa cờ xí, võng lọng đi rước vị tân khoa theo nghi thức. Nguyễn Sinh Sắc đã cảm ơn và xin miễn cho những nghi lễ vì ông không muốn làm phiền bà con. Dân làng Sen gọi ông Nguyễn Sinh Sắc là “quan Phó bảng”. Theo tục lệ hồi ấy, ông Nguyễn Sinh Sắc được làng Kim Liên cấp đất công, xuất quỹ công làm một ngôi nhà để mừng ông. Về nhà mới, ông viết lên xà nhà tám chữ “Vật di quan gia vi ngô phong dạng”, nghĩa là “đừng lấy phong cách của nhà quan làm phong cách nhà mình”(2) để răn dạy các con. Tuy vốn chữ Hán chưa nhiều, ba người con cũng hiểu được quan điểm của cha mình. Ông dạy con nghiêm khắc nhưng cũng rất tôn trọng con cái. Lời nói đi đôi với việc làm, ông dạy con không được xa rời lao động chân tay, ngày ngày ngoài giờ dạy học, ông cùng các con chăm sóc mảnh vườn để có thêm nguồn sinh sống.

Những năm ở quê nhà, để Nguyễn Tất Thành có điều kiện mở mang về kiến thức, ông Nguyễn Sinh Sắc đã gửi con sang nhà ông cử nhân Vương Thúc Quý, người con độc nhất của cụ Vương Thúc Mậu(3) và cũng là người bạn cùng đi thi hương với mình những năm trước. Thầy Quý tuy đỗ cử nhân nhưng không ra làm quan, tuy sống trong sự kiểm soát của bộ máy cai trị từ làng đến tỉnh, nhưng thầy không hề ngần ngại dạy cho học trò tư tưởng yêu nước, thương dân và chí làm trai phải giúp ích cho đời. Nhà thầy Quý còn là nơi lui tới của nhiều sĩ phu yêu nước trong vùng, như các ông Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân.... Nhiều khi Nguyễn Tất Thành được thầy sai tiếp nước cho những vị khách đặc biệt ấy, nhờ đó cậu thiếu niên Nguyễn Tất Thành dần dần hiểu được thời cuộc và sự day dứt của các bậc cha chú trước cảnh nước mất, nhà tan.

Trong những người mà ông Nguyễn Sinh Sắc thường gặp gỡ có ông Phan Bội Châu. Giống như nhiều nhà nho yêu nước lúc bấy giờ, Phan Bội Châu cũng day dứt trước hiện tình đất nước và số phận của dân tộc, nhất là sau cuộc thất bại của Phan Đình Phùng. Con người nhiệt huyết với đại nghĩa ấy trong lúc rượu say vẫn thường ngâm hai câu thơ của Viên Mai:

“Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch

Lập thân tối hạ thị văn chương”

Nghĩa là:

“Mỗi bữa (ăn) không quên ghi sử sách

Lập thân hèn nhất ấy (là) văn chương”.

Câu thơ đã tác động nhiều đến Nguyễn Tất Thành và góp phần định chí hướng cho người thiếu niên sớm có hoài bão lớn(4).

Lớn dần lên, càng đi vào cuộc sống của nhân dân, Nguyễn Tất Thành càng thấm thía thân phận cùng khổ của người dân mất nước. Thuế khóa vốn đã nặng nề lại còn thêm nhiều thủ đoạn ăn cướp trắng trợn và dã man của bọn hào lý. Cùng với thuế khóa là nạn bắt phu đi xây dựng thị xã Vinh, phu đi xây dựng hệ thống đường giao thông trong tỉnh để thực dân Pháp có điều kiện thuận lợi vơ vét tài nguyên, và ở đâu có nổi dậy đấu tranh thì nhanh chóng điều quân đi đàn áp. Khổ cực nhất cho người dân Nghệ An là phải đi phu làm con đường số 7 khởi đầu từ đất Diễn Châu đi Xiêng Khoảng trên đất Lào. Tuyến đường này từ Cửa Rào, cách Vinh 204 kilômét trở đi là vùng núi non hiểm trở, rừng thiêng nước độc, hoang vu. Dân phu phải đi bộ hàng trăm kilômét mới đến công trường. Vì bọn đốc công Pháp tàn bạo, nước độc và lương thực thiếu nên nhiều người đi phu bị chết, những người sống thì đau ốm, nhân dân than thở và oán thán:

“Ai đi đến chốn Cửa Rào

Nhớ mang chiếc chiếu bó vào trải ra”(5).

Bó vào là để chôn, trải ra là để nằm dọc bờ dọc bụi. Các gia đình có người đi phu Cửa Rào thường dặn nhau: nếu có người đi mà không về, gia đình nhớ lấy ngày ra đi làm ngày giỗ.

Ông Nguyễn Sinh Sắc là bậc khoa bảng, con cái chưa đến tuổi đi phu nên không trực tiếp chịu cái cảnh ấy, nhưng ông xót xa trước cảnh khổ của dân làng. Ông quyết định bán một ít ruộng xã cấp cho để lấy tiền giúp những gia đình có người đi phu Cửa Rào.

Đầu năm 1903, ông Nguyễn Sinh Sắc được mời lên dạy học ở Võ Liệt(6), huyện Thanh Chương. Nguyễn Tất Thành được đi cùng cha để tiếp tục được học chữ Hán. Những cuộc tiếp xúc của cha với các sĩ phu trong vùng Thanh Chương giúp Nguyễn Tất Thành hiểu rõ hơn sự trăn trở về con đường cứu nước, cứu dân của các bậc cha anh.

Đầu năm 1904, Nguyễn Tất Thành được cha gửi đến học chữ Hán với thầy đồ Trần Thân ở làng Ngọc Đình ở quê nhà. Thầy Trần Thân cũng là một nhà nho sống thanh bạch, trọng nghĩa khinh tài. Tuy vậy, Nguyễn Tất Thành học với thầy Trần Thân không lâu, một phần vì cậu học trò này hay hỏi thầy những điều ngoài sách vở, không phù hợp với tính cách của thầy; phần khác là lúc này, ông Nguyễn Sinh Sắc muốn đưa con đi nhiều nơi, tìm những người cùng chí hướng để bàn bạc về thời cuộc. Tuổi 14, Nguyễn Tất Thành được theo cha đi nhiều nơi, như làng Đông Thái (Đức Thọ, Hà Tĩnh) quê hương của Phan Đình Phùng, thăm các di tích thành Lục Niên, miếu thờ La Sơn Phu tử, đến một số vùng thuộc các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành (Nghệ An) tiếp xúc với các sĩ phu yêu nước. Nguyễn Tất Thành còn theo cha ra Thái Bình trong dịp ông đi tìm gặp một số sĩ phu đất Bắc, trong số đó có ông Nguyễn Quang Đoàn con trai của lãnh tụ chống Pháp Nguyễn Quang Bích.

Những chuyến đi này giúp Nguyễn Tất Thành mở rộng thêm tầm nhìn và tầm suy nghĩ. Không riêng gì đất Nam Đàn, mà đâu đâu trên đất Nghệ An, người dân cũng lam lũ trong kiếp ngựa trâu tôi tớ, ở đâu cũng âm ỉ những đốm lửa muốn đốt cháy quân thù. Trước cảnh thống khổ của nhân dân, người thiếu niên này đã sớm “có chí đuổi thực dân Pháp giải phóng đồng bào” và không khỏi băn khoăn khi thấy nhiều cuộc nổi dậy của dân ta không thành công. Câu hỏi “làm thế nào để cứu nước” sớm được đặt ra trong trí óc người thiếu niên yêu nước.

Sang đầu thế kỷ XX, Vinh - Bến Thủy đã trở thành trung tâm kinh tế, chính trị của Bắc Trung Kỳ và là cửa ngõ của Thượng Lào. Thực dân Pháp tăng cường đầu tư vốn để xây dựng ở đây một số nhà máy, mở mang đường sắt, đường bộ, đường sông… nhằm phục vụ đắc lực cho kế hoạch khai thác thuộc địa của chúng. Chính vì thế, số lượng công nhân không ngừng tăng lên. Hàng ngày, trên đường đi học, Nguyễn Tất Thành tận mắt chứng kiến những đoàn người lao động áo xanh lấm lem dầu mỡ lầm lũi đi vào các nhà máy để rồi sau giờ tan tầm lại phờ phạc đi ra, đen đủi, hốc hác. Nguyễn Tất Thành thấy số phận của họ cũng không hơn gì bà con lao động nghèo khổ của quê mình.

Tại trường tiểu học Vinh, Nguyễn Tất Thành chú ý đến cụm từ được sơn vào gỗ, gắn ở phía trên bảng đen “LIBERTÉ, ÉGALITÉ, FRATERNITÉ” (Tự do - Bình đẳng - Bác ái). Nguyễn Tất Thành tìm hiểu và biết đó là khẩu hiệu nổi tiếng của đại cách mạng Pháp 1789. Đối với Nguyễn Tất Thành, đó là những điều hoàn toàn mới lạ, khác với những điều mà anh đã được học trong sách thánh hiền…, vì vậy rất tự nhiên, anh nảy ra ý muốn “tìm hiểu những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy”. Những chưa hết năm học, khoảng cuối tháng 4-1906, Nguyễn Tất Thành phải nghỉ học để chuẩn bị cùng cha lên đường vào Huế.

Tháng 5-1906, sau nhiều năm lần lữa việc đi làm quan, sống thanh đạm bằng nghề dạy học, ngày đêm nghiên cứu Tân thư, nuôi dạy con cái và kết bạn với sĩ phu yêu nước, ông Nguyễn Sinh Sắc vào Huế để nhậm chức thừa biện Bộ Lễ. Ông được giao phụ trách “công việc trường ốc”, nên thường xuyên có mặt ở Di luân đường (dùng làm giảng đường) của Quốc Tử Giám. Tiếp xúc với học trò, ông thường nói: “Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ”, nghĩa là: Làm quan là nô lệ trong đám nô lệ, lại càng nô lệ hơn; hay “trung quân không phải là ái quốc, mà ái quốc là ái dân”. Thấy ông làm quan, người cháu gọi ông bằng chú ruột muốn nhờ ông giúp đỡ, ông viết thư trả lời:

Nhân sinh nhược đại mộng

Thế sự như phù vân

Uy thế bất túc thị

Xảo hiểm đồ tự hại

Giới chi! Giới chi!

Nghĩa là:

Đời người như giấc mộng lớn

Việc đời tựa như đám mây trôi

Uy thế không đủ để dựa

Xảo hiểm là tự hại mình

Hãy lấy đó làm điều răn!

Đúng là từ vua đến quan trong triều đình đâu còn uy thế ngày xưa! Tất cả đều phải hỏi ý kiến “quý khâm sứ đại thần Pháp” lúc ấy là Gơrôlô (Groleau), kẻ nắm toàn bộ quyền hành, từ việc nhỏ đến việc lớn, từ việc triều đình đến việc sinh hoạt, giải trí của nhà vua. Tư tưởng ấy của cha đã ảnh hưởng sâu sắc đến Nguyễn Tất Thành.

Vào Huế, Nguyễn Tất Thành phải học lại lớp dự bị ở Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, niên khóa 1906-1907 và tiếp đó theo học lớp sơ đẳng vào năm 1907-1908. Thời kỳ này, hưởng ứng phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước, nông dân các tỉnh Trung Kỳ nổi dậy chống thuế. Họ đi tay không. Họ chỉ đòi giảm thuế. Để tỏ tình đoàn kết nhất trí, họ đều cắt tóc ngắn và gọi nhau là “đồng bào”. Tại kinh đô Huế, tháng 4-1908, xôn xao, náo động về sự kiện: Do bị mất mùa liên tiếp ba năm, nông dân sáu huyện của tỉnh Thừa Thiên kéo nhau rầm rập về kinh thành, vây quanh Tòa Khâm sứ để đòi giảm sưu, giảm thuế. Nguyễn Tất Thành đã tham gia những cuộc biểu tình này. Thực dân Pháp đã thẳng tay đàn áp những người nông dân hiền lành. Chúng chém đầu hai người cầm đầu cuộc biểu tình ở huyện Hương Thủy. Một số sĩ phu yêu nước, trong đó có cả thầy Hoàng Thông ở Trường Quốc học đã bị chúng cầm tù và đày biệt xứ. Vua Thành Thái cũng bị chúng phế truất, đưa đi an trí ở Vũng Tàu, rồi đày sang đảo Rêuynniông (Rêunion).

Những sự kiện mà Nguyễn Tất Thành được tham gia và chứng kiến đã khiến anh phải suy nghĩ về nguyên nhân thành bại của một loạt phong trào: nghĩa quân du kích thất bại; phong trào Đông Du tan rã; hàng vạn người tay không biểu tình, chỉ nêu một yêu sách nhỏ là đòi giảm sưu thuế cũng bị đàn áp. Năm học 1908-1909, Nguyễn Tất Thành chuyển sang học Trường Quốc học Huế. Trong thời gian học tại Trường Quốc học Huế, Nguyễn Tất Thành đã chứng kiến bọn thực dân Pháp khinh rẻ, bóc lột, hành hạ người Việt Nam, nhà trường ca ngợi chế độ thực dân phong kiến. Nguyễn Tất Thành còn được nghe kể về hành động của các vị vua yêu nước như Thành Thái, Duy Tân và những bàn luận về con đường cứu nước trong các sĩ phu yêu nước. Các thầy giáo của Trường Quốc học có người Pháp và cả người Việt Nam. Trong số thầy giáo người Việt Nam, cũng có những người yêu nước, có ý thức giáo dục học trò không quên giang sơn, Tổ quốc, như thầy Hoàng Thông, thầy Lê Văn Miến… Thầy Lê Văn Miến vốn từng học Trường Thuộc địa và Trường Mỹ thuật Pari. Trong giờ học, thầy dành nhiều thời gian để nói chuyện với học sinh về những thành tựu dân chủ và văn minh của phương Tây, kích thích lòng ham hiểu biết của học sinh. Chính nhờ ảnh hưởng của những thầy giáo như thầy Lê Văn Miến và những sách báo tiến bộ mà Nguyễn Tất Thành được tiếp xúc, ý muốn đi sang phương Tây để tìm hiểu tình hình các nước và học hỏi thành tựu văn minh nhân loại đã từng bước lớn dần lên trong tâm trí của Nguyễn Tất Thành.

Cùng với đó, những năm tháng Nguyễn Tất Thành học ở Trường Quốc học cũng là thời điểm mà sách Tân thư của Trung Quốc được lưu hành ở nhiều nơi, đặc biệt là trong giới sĩ phu yêu nước. Những tư tưởng cải cách của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu thức tỉnh những người có chút kiến thức. Đất Thừa Thiên cũng dấy lên phong trào đòi cải cách thông qua nhiều hình thức vận động, trong đó có cuộc vận động cắt tóc ngắn. Nguyễn Tất Thành đã tham gia vào phong trào cắt tóc ấy. Tuy vốn tiếng Pháp còn ít ỏi, Nguyễn Tất Thành bắt đầu tiếp xúc với sách báo Pháp, bao gồm cả sách báo mượn của những người lính lê dương trong quân đội Pháp. Nguyễn Tất Thành cũng nhận thấy “những người lính lê dương này đọc đủ thứ. Họ là những kẻ chống đối về bản chất”(7).

Sau khi tham gia cuộc biểu tình chống thuế, Nguyễn Tất Thành bắt đầu bị bọn mật thám Pháp theo dõi và nhà trường đã để ý đến anh. Bọn quan cai trị thực dân khiển trách Nguyễn Sinh Sắc về việc con trai ông phát ngôn bài Pháp(8). Tháng 5-1909, ông Nguyễn Sinh Sắc được bổ nhiệm chức đồng tri phủ lãnh chức Tri huyện Bình Khê, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Bình Định. Thời gian ở Bình Khê, Nguyễn Tất Thành thường được cha dẫn đi thăm các sĩ phu trong vùng và thăm di tích lịch sử vùng Tây Sơn, nơi phát tích của anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ. Sau đó, Nguyễn Tất Thành được cha gửi học tiếp chương trình lớp nhất với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ lúc ấy đang dạy ở Trường tiểu học Pháp - Việt Quy Nhơn.

Khi Nguyễn Tất Thành lên Bình Khê thăm cha, bao suy tư, trăn trở trước tình thế nước nhà, khát khao tìm con đường cứu nước, cứu dân của người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã được người cha - Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc chia sẻ, khích lệ, động viên và tiếp thêm nghị lực. Khi thấy con trai đến Bình Khê, ông Nguyễn Sinh Sắc đã hỏi con: - “Con đến đây làm gì?” Nguyễn Tất Thành thưa: - “Con đến đây tìm cha”. Nghe vậy, ông Sắc trìu mến nói với con: - “Nước mất không lo đi tìm, tìm cha phỏng có ích gì?”. Nguyễn Tất Thành đã chứng kiến sự tàn bạo, thối nát của chế độ thực dân, phong kiến, điều đó càng thôi thúc anh ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Trong thời gian làm Tri huyện Bình Khê, ông Nguyễn Sinh Sắc là vị quan thanh liêm, đức độ, chính trực, yêu nước, thương dân. Ông luôn đứng về phía nhân dân, bênh vực dân nghèo, tìm cách giúp đỡ những người yêu nước. Ông tha cho người dân thiếu nợ địa chủ, trừng trị bọn cường hào ác bá, lưu manh trộm cắp, phản đối chính sách bóc lột tàn bạo và thuế khóa nặng nề của chính quyền thực dân phong kiến. Nhiều lần ông chống đối viên công sứ Pháp ở Bình Định nên đã bị chúng cách chức, buộc phải định cư vĩnh viễn ở Nam Kỳ.

Năm 1910, sau khi bị cách chức, ông đi vào các tỉnh phía Nam. Nam Bộ là vùng đất mới phóng khoáng “trọng nghĩa khinh tài” nên ông đi rất nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều thành phần ở những nơi ông đến: Bình Thuận, Sài Gòn, Thủ Dầu Một, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp… và sang tận Campuchia để truyền bá tinh thần yêu nước, thương dân. Đi đến đâu ông cũng tìm cách liên hệ với các nhà sư, nhà nho yêu nước, chính trị phạm tham gia phong trào Cần Vương, Đông Du, Duy Tân bị “an trí” hoặc đang lẩn tránh mật thám Pháp... Ông giúp nhiều chùa chú giải kinh sách, góp ý kiến cho phong trào Chấn hưng Phật giáo. Một số chùa ở Nam Bộ còn lưu bút tích và câu đối của ông.

Năm 1917, ông thường lui tới hoạt động ở Cao Lãnh (Đồng Tháp). Năm 1919 thì rời Cao Lãnh, tiếp tục tới nhiều tỉnh, thành Nam Bộ để gặp gỡ những người đồng chí hướng và truyền bá tư tưởng yêu nước. Qua các nhân sĩ như Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh..., ông biết được nhân vật Nguyễn Ái Quốc nổi tiếng lúc đó chính là Nguyễn Tất Thành. Do có quan hệ với tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ở Đồng bằng sông Cửu Long nên ông bị mật thám theo dõi nhưng chúng không có đủ chứng cứ để bắt giam. Năm 1927, ông Nguyễn Sinh Sắc ngụ tại Sài Gòn, sinh sống bằng nghề đông y, luôn bị thực dân Pháp theo dõi. Sau đó, chúng cưỡng bức ông phải lưu trú tại Cao Lãnh. Tại đây, ông tiếp tục sinh sống bằng nghề đông y, trị bệnh cứu người và tiếp tục truyền bá tinh thần yêu nước trong nhân dân. Với người nghèo, ông chẳng những không lấy tiền khám mà còn cho thuốc. Ông cũng thường xuyên liên lạc với các chí sĩ yêu nước bị thực dân Pháp “an trí” tại địa phương lân cận như Dương Bá Trạc ở Long Xuyên, Võ Hoàn ở Sa Đéc, Nguyễn Quyền ở Bến Tre, Trương Gia Mô ở Rạch Giá… Năm 1929, ông qua đời tại Cao Lãnh, Đồng Tháp.

Cả cuộc đời ông Nguyễn Sinh Sắc đã mang hết tài năng, đức độ, cứu nước, cứu dân. Là một nhà tri thức yêu nước, xuất thân từ một gia đình nghèo, ông có ý chí, nghị lực kiên cường trong cuộc sống, có chí tiến thủ trong học tập, giàu đức hy sinh và lòng nhân ái. Lúc thiếu thời, không có điều kiện đi học ở trường, Nguyễn Sinh Sắc miệt mài tự học, đứng ngoài hiên lớp học nghe thầy giảng bài. Sau này, ông đậu Phó bảng, không ham chuộng con đường làm quan mà dấn thân vào cuộc đấu tranh yêu nước, sẵn sàng hy sinh tất cả cho mục đích cứu nước, cứu dân. Tuy là người học rộng, tài cao, nhưng ông lại rất khiêm tốn, giản dị, không ưa thói hình thức, khoa trương. Ông sống đạm bạc, gắn bó, gần gũi với nhân dân lao động nghèo, được nhân dân kính mến, yêu thương, đùm bọc như người thân ruột thịt và ông cũng trọn nghĩa tình với họ.

Trong gia đình, ông Nguyễn Sinh Sắc đã có ảnh hưởng rất sâu sắc đến Nguyễn Tất Thành. Đặc biệt, đó là tư tưởng yêu nước, thương dân, thân dân, trọng dân, lấy dân làm hậu thuẫn của mọi cải cách xã hội. May mắn được ở bên cha, theo cha trong suốt nhiều năm, Nguyễn Tất Thành học hỏi được rất nhiều từ người cha về nhân cách cao đẹp, về tri thức và vốn sống phong phú, những điều mới mẻ về thời cuộc, về ý chí và nghị lực phi thường để đạt mục đích đặt ra, hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân và ý chí quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.

Có thể nói, đức độ, phẩm cách, đặc biệt là tư tưởng tiến bộ, yêu nước, trọng dân, yêu thương nhân dân của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã ảnh hưởng sâu sắc, trở thành tấm gương sáng, hình thành nên nhân cách, chí hướng cách mạng của người thanh niên Nguyễn Tất Thành trên bước đường cứu nước, cứu dân, cũng như góp phần quan trọng xây dựng lý tưởng cách mạng, tư tưởng, đạo đức, phong cách, nhân cách Hồ Chí Minh - một nhân cách lớn của thời đại chúng ta.

Ngày nhận bài: 5-11-2024; Ngày bình duyệt: 7-11-2024; Ngày duyệt đăng: 13-11-2024.

Email tác giả: quy2595@gmail.com;doanthichin68@gmail.com

(1) Nguyễn Sinh Sắc là một trong số 13 vị trúng Phó bảng kỳ thi Hội năm Tân Sửu, đời Thành Thái thứ 13 (tức năm 1901), trong số đó có Phan Châu Trinh, người Quảng Nam.

(2), (5) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 10, 15.

(3) Vương Thúc Mậu - chí sĩ yêu nước, quê xã Kim Liên, nay thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, đỗ Tú tài năm 1850 thời vua Tự Đức. Năm 1885, hưởng ứng Chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi, ông đứng ra lập đội quân mang tên Chung nghĩa binh (đội nghĩa quân núi Chung) chiến đấu với quân Pháp nhiều trận. Khi bị giặc vây bắt, ông kháng cự quyết liệt, rồi nhảy xuống ao Tùa ở đầu làng Sen tử tiết.

(4) Phan Bội Châu đã có lần nhắc lại việc này: “Ông Nguyễn Ái Quốc lúc lên 10 tuổi nghe tôi khi ngâm rượu say câu này, đến bây giờ ông vẫn còn thuật lại”. Phan Bội Châu niên biểu, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, 1955, tr.30.

(6) Võ Liệt là một xã có truyền thống yêu nước. Đó là quê hương của Phan Đà, người thanh niên mới 17 tuổi đã đứng ra chiêu tập nghĩa binh, tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi; quê hương của Trần Tấn, người đứng đầu cuộc khởi nghĩa của Văn thân Nghệ Tĩnh chống thực dân Pháp năm 1874.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 465.

(8) Hồ sơ của mật thám Trung Kỳ số A.3780, lập ngày 21-1-1920.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tư tưởng yêu nước thương dân từ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đến người thanh niên Nguyễn Tất Thành
    POWERED BY