(LLCT) - Để thực hiện mưu đồ lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam, các thế lực phản động, thù địch dùng mọi thủ đoạn hòng bôi nhọ danh dự, phủ nhận vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh, hạ uy tín của Người trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè tiến bộ quốc tế. Chúng xuyên tạc trắng trợn sự kiện Người ra đi tìm đường cứu nước. Việc nhận diện và đập tan các luận điệu xuyên tạc, chống phá tư tưởng, hình ảnh Hồ Chí Minh nói chung, bảo vệ sự trong sáng tư tưởng, cuộc đời, thân thế và sự nghiệp Hồ Chí Minh nói riêng có vai trò rất quan trọng trong việc đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân tộc Việt Nam.
ThS TRỊNH THÚY LIỄU
Trường Chính trị tỉnh Cà Mau
1. Mở đầu
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Cả cuộc đời, Người dành trọn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Tư tưởng của Người đã soi sáng cho cách mạng Việt Nam tiến bước. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, dưới chính sách cai trị tàn bạo của thực dân, phong trào chống Pháp liên tiếp nổ ra, nhưng các con đường đều bế tắc, Nguyễn Tất Thành đã rời quê hương ra đi tìm đường cứu nước. Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và sự lựa chọn con đường cách mạng. Sự chọn lựa đó của Người đã đưa cách mạng Việt Nam bước sang một trang sử mới.
Tuy nhiên, các thế lực phản động, thù địch luôn tìm mọi cách để lật đổ chế độ ta, xóa bỏ thành quả cách mạng Việt Nam, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và công lao của Người. Để thực hiện âm mưu đó, chúng thực hiện nhiều thủ đoạn, từ mị dân, đánh tráo khái niệm, cho đến mượn diễn đàn trên các mạng xã hội, tạo clip giả, lồng ghép âm thanh, dàn dựng, cắt xén hình ảnh… xuyên tạc rằng, động cơ Hồ Chí Minh sang Pháp không phải với mục đích tìm đường cứu nước, cứu dân hay giải phóng cho dân tộc mình, mà ra đi vì mục đích cá nhân, vì động cơ khác. Với giọng điệu áp đặt chủ quan, suy diễn, chúng phủ nhận hoàn toàn vai trò to lớn của Hồ Chí Minh trong quá trình tìm đường cứu nước. Chúng cho rằng, trước ngày rời bến cảng Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành chưa hề có suy nghĩ về ý tưởng cứu dân, cứu nước và xuyên tạc rằng, việc xuống tàu để thực hiện hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành chỉ là “bột phát nhất thời”, “không chủ đích”; ra đi vì “mục đích mưu sinh” vì thực hiện “giấc mộng làm quan”.
2. Lịch sử chứng minh người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc
Thứ nhất, Nguyễn Tất Thành được sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước, có bố là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc làm quan trong triều Nguyễn. Với nền tảng này, nếu có mộng làm quan, thì Nguyễn Tất Thành không phải vất vả đánh đổi cả tính mạng của mình để vượt trùng dương nhằm thực hiện ý tưởng như luận điệu của các thế lực phản động bịa đặt ra.
Tuy cụ Nguyễn Sinh Sắc là quan trong triều đình phong kiến, nhưng là người yêu nước, thương dân, hiểu rõ nỗi đau của người dân mất nước, Cụ cảm nhận được việc làm quan trong thời buổi bấy giờ không khác gì nô lệ. Từ thực tiễn thối nát của xã hội thực dân, phong kiến, Cụ nhận ra “Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ” (Quan trường là nô lệ trong những người nô lệ, lại càng nô lệ hơn). Làm quan, nhưng cụ Nguyễn Sinh Sắc luôn tìm cách hỗ trợ, bênh vực những người có gia cảnh nghèo khó. Trong thời gian từ quan về sống tại quê nhà ở Nam Đàn - Nghệ An, Cụ đã đến gặp, giao lưu, trao đổi với các sỹ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Trần Đình Lương v.v…Những cuộc gặp gỡ, trao đổi này, Cụ thường cho Nguyễn Tất Thành đi theo. Qua đó, Nguyễn Tất Thành sớm nuôi dưỡng chủ nghĩa yêu nước, đồng thời, trong những lần theo cha đi các nơi, chứng kiến cảnh nhân dân lầm than dưới ách cai trị của thực dân, phong kiến đã hun đúc lòng yêu nước, thương dân. Chính vì lẽ đó, trong thời gian ở Quốc học Huế, Nguyễn Tất Thành đã tham gia chống thuế Trung Kỳ, bị thực dân đưa vào “tầm ngắm” để theo dõi, tìm cách trục xuất.
Bên cạnh đó, Nguyễn Tất Thành còn kế thừa lòng nhân ái bao dung, vị tha, có trách nhiệm của người mẹ vĩ đại Hoàng Thị Loan. Người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã sớm cảm nhận và đồng cảm với những nỗi thống khổ của người dân. Từ đó, Người đã có ý tưởng “làm cách nào” để đưa người dân thoát khỏi cảnh đọa đày, khổ đau đến cùng cực.
Thứ hai, thực tiễn xã hội Việt Nam đã hun đúc ý chí quyết tâm và thôi thúc ra đi tìm đường giải phóng cho dân tộc của Nguyễn Tất Thành
Dưới chính sách của thực dân, phong kiến, người Việt Nam trở thành nô lệ, sống cùng cực, lầm than. Người dân luôn là nạn nhân của những cuộc khai thác thuộc địa mà thực dân Pháp đã “dành đặc ân” cho dân tộc này. Họ phải gánh chịu chính sách thuế khóa nặng nề của thực dân, mang trên mình vết tích của những trận đòn roi. Họ phải vào rừng sâu, đối đầu với rừng thiêng, nước độc, thú dữ… để tránh bị bắt làm phu đồn điền cao su, phu mỏ… đó là những nỗi đau của người dân mất nước.
Tất cả những tình cảnh cùng khổ của người dân mất nước do thực dân gây nên khác nào địa ngục trần gian đã khắc sâu vào tâm trí Nguyễn Tất Thành niềm đau vô hạn. Năm 1905, được cha xin cho vào học lớp dự bị (préparatoire) Trường tiểu học Pháp - bản xứ ở thành phố Vinh, cách Kim Liên khoảng 14km. Chính tại ngôi trường này, Nguyễn Tất Thành đã tiếp xúc với khẩu hiệu TỰ DO - BÌNH ĐẲNG - BÁC ÁI. Từ đây, Người sớm có mong muốn dân tộc Việt Nam cũng phải được “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” như những quốc gia, dân tộc khác. Một ý nghĩ táo bạo nảy sinh trong suy nghĩ của Nguyễn Tất Thành mà sau này Người đã bộc bạch “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái… tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy… Tôi lang thang ra bờ biển và tôi đã vượt biển ra nước ngoài”(1).
Thứ ba, chọn hướng xuất dương sang phương Tây là thể hiện tư duy chính trị nhạy bén, quyết định táo bạo nhằm thực hiện mục đích tìm con đường giải phóng dân tộc.
Phải khẳng định một cách chắc chắn rằng, Nguyễn Tất Thành rời quê hương đất nước là “muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta.”(2).
Trong quá trình bôn ba các nước, Nguyễn Tất Thành luôn có suy nghĩ hướng về dân tộc, tìm một con đường phù hợp để giải phóng cho dân tộc Việt Nam. Người đã nghiên cứu nhiều cuộc cách mạng trên thế giới, từ tư sản cho đến vô sản. Nguyễn Ái Quốc khước từ và phê phán con đường cách mạng tư sản, “cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”(3). Chọn con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, bởi Nguyễn Ái Quốc thấy được “chỉ có cách mệnh Nga là… thành công đến nơi... dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã… ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”(4).
Trong thời gian ở Pháp, năm 1919, Người thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước gửi đến Hội nghị Vécxây bản “Yêu sách Tám điểm” đòi tự do, dân chủ cho nhân dân Đông Dương. Những việc làm này minh chứng mục đích Nguyễn Ái Quốc không phải làm giàu, làm quan mà khẳng định một điều: là vì dân, vì nước. Một cảm xúc lớn lao, dâng trào khi Người tìm ra con đường cứu nước qua Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V. I. Lênin. Chính Người khẳng định “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”(5).
Thứ tư, những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc khẳng định một lý tưởng giải phóng dân tộc
Với hoài bão cứu nước, cứu dân khỏi lầm than, nô lệ, Nguyễn Ái Quốc đã dấn thân vào thực tiễn cuộc sống đầy biến động trên đất khách quê người. Người đã dừng chân trên nhiều quốc gia của nhiều châu lục, trải qua rất nhiều nghề lao động vất vả để vừa kiếm sống vừa tìm hiểu thế giới và hoạt động cách mạng với tâm niệm “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những gì tôi muốn, tất cả những điều tôi hiểu!”(6).
Nguyễn Ái Quốc nghiên cứu rất nhiều hệ tư tưởng tiến bộ, từ tư tưởng khai sáng, thuyết Tam dân, thành quả của các cuộc cách mạng tư sản…, nhưng chỉ tìm được con đường giải phóng dân tộc khi đọc Luận cương vĩ đại của V. I. Lênin. Tiếp đó, Người bắt đầu ngay vào việc chuẩn bị cho công cuộc giải phóng dân tộc. Việc Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế III và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp là sự kiện chính trị trọng đại, đánh dấu một mốc son trong hành trình cứu nước. Trong quá trình hoạt động trên đất Pháp, Nguyễn Ái Quốc nhận ra với chính sách khắc nghiệt của nhà cầm quyền Pháp, làm cho người lao động ở chính nước Pháp cũng lâm vào cảnh khốn khổ. Người nhận định “dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”(7).
Để chuẩn bị cho sự bùng nổ một cuộc cách mạng ở Việt Nam đi đến thắng lợi, sau khi đến Quảng Châu (tháng 11-1924), Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, tiến hành huấn luyện những thanh niên yêu nước nhằm “trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”(8). Như vậy, từ thực tiễn hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc khẳng định một chân lý không có gì ngoài mục đích giải phóng dân tộc, giành lại tự do cho đồng bào. Những luận điệu cho rằng, Nguyễn Tất Thành ra đi năm 1911 là mục đích “mưu sinh”, vì thực hiện “giấc mộng làm quan” là hoàn toàn xuyên tạc, vô căn cứ, mang yếu tố chủ quan, phản động, chống phá. Những luận điệu này phải bị lên án, xóa bỏ.
Việc trở thành một chiến sĩ cộng sản đối với Nguyễn Ái Quốc là cả một quá trình đấu tranh gian khổ. Sau bao năm bôn ba, nghiên cứu, học hỏi, hoạt động thực tiễn, đã đưa Nguyễn Ái Quốc từ một người yêu nước trở thành chiến sĩ cách mạng vô sản. Nhắc lại sự kiện trở thành người chiến sĩ cộng sản, sau này, Nguyễn Ái Quốc đã bày tỏ: “Riêng về cá nhân tôi, từ lúc đầu nhờ được học tập truyền thống cách mạng oanh liệt và được rèn luyện trong thực tế đấu tranh anh dũng của công nhân và của Đảng Cộng sản Pháp, mà tôi đã tìm thấy chân lý chủ nghĩa Mác - Lênin, đã từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa”(9).
3. Những cống hiến của Nguyễn Ái Quốc cho cách mạng Việt Nam - luận cứ xác đáng phản bác, xóa bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch
Thứ nhất, thực tiễn hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh là một minh chứng sâu sắc nhất, khoa học nhất về một con người không ham công danh, phú quý, không ham địa vị cao sang, không ham chức quyền; một con người thật sự “giàu sang không quyến rũ, nghèo khó không chuyển lay, uy vũ không khuất phục”.
Minh chứng đầy thuyết phục cho vấn đề trên, đó là khi triệu tập Hội nghị thành lập Đảng (năm 1930), với cương vị là Ủy viên thường trực Bộ Phương Đông, phụ trách trực tiếp Cục Phương Nam của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc thừa đủ điều kiện để nắm giữ một vị trí quan trọng trong Đảng. Nhưng thực tế, Người không làm điều đó. Năm 1941, khi trở về nước, triệu tập, chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941), Người cũng không nhận một chức vụ nào. Sau Hội nghị, Người lại tiếp tục ra đi vận động sự ủng hộ để chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền.
Sau khi nước nhà giành được độc lập, quốc dân, đồng bào tín nhiệm bầu, ủy thác cho Người chức Chủ tịch nước. Bản thân Người “tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý… phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác… phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận”(10).
Trên cương vị đứng đầu Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh có cuộc sống vô cùng giản dị. Nơi ở của Người sau khi tiếp quản Thủ đô (năm 1954) không phải nhà kiên cố, trang trí theo chế độ của nguyên thủ quốc gia như bao nước khác, mà là nơi từng dành cho người thợ điện ở. Sau đó, cho đến khi mất, Người chỉ ở và làm việc trong ngôi nhà sàn đơn sơ, với những vật dụng giản đơn; những bộ kaki bạc màu, sờn vai; đôi dép cao su cũ kỹ; sống một cuộc đời thanh bạch, một bữa ăn chỉ 2 bát cơm lưng, cùng dưa cà, canh đạm bạc…
Sau khi lãnh đạo cách mạng giành được chính quyền về tay nhân dân, suốt 24 năm trên cương vị Chủ tịch nước, Người viết rất nhiều tác phẩm cho cách mạng, cho đồng bào. Hầu hết những tác phẩm đó nhằm mục đích yêu cầu, kêu gọi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, luôn chăm lo cho dân; đó là những tác phẩm hướng dẫn nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới; những tác phẩm chỉ dẫn cán bộ, đảng viên tu dưỡng đạo đức cách mạng để luôn xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên “việc gì có lợi cho dân phải gắng sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Trước khi đi xa, trong Di chúc, Người còn căn dặn, khi Người mất “chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”(11).
Mục đích cao cả mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mong mỏi sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân là phải làm cho dân thật sự là người chủ nước nhà, có cuộc sống thật sự ấm no, hạnh phúc. Vì “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(12). Trong Di chúc, Người viết “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(13).
Như vậy, cả cuộc đời của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, ngay từ khi rời Tổ quốc để tìm đường cứu nước, cho đến những giây phút cuối cuộc đời, ngoài lợi ích cho dân, cho nước, thì không có lợi ích riêng tư nào. Điều này cho thấy, những luận điệu của các thế lực phản động xuyên tạc, vu khống nhằm chống phá, bôi nhọ hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cần phải được phản bác, đập tan.
Thứ hai, Hồ Chí Minh không chỉ lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, mà còn đóng góp to lớn vào phát triển lý luận Mác - Lênin, vào sự nghiệp cách mạng giải phóng các dân tộc thuộc địa khỏi áp bức, phong trào của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Với những ảnh hưởng to lớn đó, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người, UNESCO đã tổ chức Hội thảo quốc tế: Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn. Tiến sĩ M. Át mét, giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh: “chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”(14) đã làm nổi bật sự hy sinh và cống hiến của Người.
4. Kết luận
Hiện nay, các thế lực thù địch tìm cách chống phá, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo và hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ hệ tư tưởng của ta, làm giảm sút uy tín, vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để đập tan những âm mưu, thủ đoạn đó, chúng ta cần kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Chúng ta phải bảo vệ giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc hiện nay.
Sự kiện lịch sử Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước có ý nghĩa to lớn, là bước ngoặt làm thay đổi số phận của dân tộc Việt Nam. Người là một nhân vật vĩ đại không chỉ đối với nhân dân Việt Nam mà còn đối với nhân dân yêu chuộng tự do và hòa bình trên thế giới. Người được thế giới nhớ ơn, ghi nhận, kính trọng và tôn vinh.
Với cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta...". Đó là thành tựu của con đường đúng đắn mà Người đã tìm đường, mở đường và dẫn đường, mà nền tảng là sự hy sinh, lòng gan dạ, anh hùng, tình yêu nước, thương dân, thương người lao động nghèo, cùng khổ trên thế giới của Người.
_________________
Ngày nhận bài: 5-8-2024; Ngày thẩm định: 8-8-2024; Ngày duyệt đăng: 2-10-2024.
(1), (7), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.416, 287, 209.
(2), (6) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.28, 39, 112.
(3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Sđd, tr.296, 304.
(5), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Sđd, tr.562, 740.
(10), (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.187, 64.
(11), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, tr.615, 624.
(14) Mạch Quang Thắng, Bùi Đình Phong, Chu Đức Tính: UNESCO với sự kiện tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.154-155.