Tin tức

Việt Nam: 40 năm Đổi mới và tầm nhìn 2045

20/06/2024 09:21

(LLCT) - Tạp chí Lý luận chính trị trân trọng giới thiệu bài phát biểu quan trọng của GS, TS NGUYỄN XUÂN THẮNG, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tại Hội thảo khoa học "Việt Nam: 40 năm Đổi mới và tầm nhìn 2045" do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Đại sứ quán Ôxtrâylia tại Việt Nam tổ chức ngày 21-3-2024.

tl.cdnchinhphu.vn-344445545208135680-2024-1-22-_hanoi1-1675841234295735581532-17059098117532018137347.jpg
Trải qua gần 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử _ Ảnh: thanglong.chinhphu.vn

Hội thảo khoa học “Việt Nam: 40 năm Đổi mới và tầm nhìn 2045” là sự kiện có nhiều ý nghĩa, là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng nhau trao đổi, thảo luận những kết quả nghiên cứu, tổng kết, đánh giá về công cuộc Đổi mới của Việt Nam; đặc biệt, chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế; từ đó, đề xuất những kiến nghị chính sách giúp Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn phát triển trong giai đoạn mới; góp phần thiết thực cho việc xây dựng Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trải qua gần 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cùng với tư duy, tiếp cận và cách làm sáng tạo nổi bật, riêng có của Việt Nam, do người Việt Nam thực hiện; Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như lời của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Từ một nước nông nghiệp, lạc hậu, nghèo nàn, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, với GDP chỉ 26,3 tỷ USD trong những năm đầu đổi mới, Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008; quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, đứng thứ 35 trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vào năm 2023, GDP bình quân đầu người đã đạt mức 4.300 USD, tăng 58 lần so với những năm đầu đổi mới. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh từ 58% theo chuẩn cũ năm 1993 của Chính phủ xuống còn 2,93% theo chuẩn nghèo đa chiều vào năm 2023(1), đưa Việt Nam trở thành hình mẫu nổi bật về nỗ lực xóa đói giảm nghèo trong số các quốc gia đang phát triển.

Từ một nền kinh tế đóng cửa, khép kín, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 700 tỷ USD; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 23 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước đến nay(2), ngay cả khi các thị trường lớn bị thu hẹp và chuỗi cung ứng toàn cầu còn nhiều đứt gãy. Cùng với quá trình cải cách và mở cửa, khả năng thích ứng và mức độ chống chịu của nền kinh tế ngày càng được nâng cao. Thực tiễn giai đoạn vừa qua cho thấy, với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, Việt Nam đã vững vàng vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao; đồng thời, trở thành một điểm sáng về sự ổn định, phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình trong nước và nhất là tình hình thế giới gặp rất nhiều khó khăn, bất ổn, có nhiều biến động vượt ra ngoài dự đoán. Như một số học giả quốc tế nhận định, những thành tựu đó đã từng bước xác lập “mô hình phát triển Việt Nam” với đặc trưng nổi bật là phát triển nhanh và bền vững, ổn định và đổi mới, lấy con người làm trung tâm.

Hội thảo là dịp để các chuyên gia, các nhà khoa học, nhất là các chuyên gia quốc tế, từ các góc nhìn khách quan, dựa trên những bằng chứng khoa học xác thực, tổng kết, đánh giá những kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà Việt Nam đã đạt được qua gần 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới; rút ra những bài học kinh nghiệm, những định hướng chính sách để có thể kế thừa và phát huy, tiếp tục thúc đẩy Việt Nam phát triển thành công trong giai đoạn mới. Đồng thời, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, rất cần phải thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm còn tồn tại trên các lĩnh vực, nhất là những điểm nghẽn, nút thắt đối với sự phát triển của Việt Nam chưa được hoặc chậm được tháo gỡ, khắc phục.

Các chuyên gia nhân dịp này chia sẻ những kinh nghiệm sinh động, phong phú của thế giới, nhất là kinh nghiệm của các quốc gia có trình độ phát triển tương đồng, gần với thực tiễn Việt Nam, giúp Việt Nam nhanh chóng tìm ra những giải pháp khả thi để giải quyết những khó khăn, thách thức, những hạn chế, bất cập trong tiến trình đổi mới, hội nhập và phát triển. Với tinh thần cầu thị, không chỉ quan tâm đến những bài học thành công cần tiếp thu, học tập mà cả những bài học thất bại của nhiều quốc gia đi trước đã từng gặp phải để tránh và khắc phục. Đó là các bài học về cải cách thể chế kinh tế thị trường; về huy động, phân bổ và hoán chuyển các nguồn lực phát triển, nhất là việc tìm ra những động lực và nguồn lực phát triển mới trong bối cảnh hiện nay; về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực chủ yếu; phát triển những hình thái, lĩnh vực kinh tế mới như: kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…; những ngành, lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ mới như: công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch…; về phát triển nông nghiệp và nông thôn; thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân; cải cách hệ thống tài chính; về quản trị quốc gia và quản trị, quản lý phát triển xã hội; phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện chính sách; xây dựng thể chế liên kết phát triển vùng; về khai thác có hiệu quả các cơ hội mà các hiệp định đối tác và tiến trình hội nhập quốc tế mang lại; về việc vượt qua các loại “bẫy” phát triển mà những nền kinh tế đang phát triển, đi sau như Việt Nam có nguy cơ rơi vào, như: “bẫy thu nhập trung bình”, bẫy lao động giá rẻ, bẫy tăng trưởng nâu, bẫy năng suất lao động thấp, giá trị gia tăng thấp, vị trí thấp trong chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu, v.v.

Hội thảo đã xác định và tập trung trao đổi, thảo luận xoay quanh 6 chủ đề quan trọng; trong đó có những vấn đề phức tạp, khó dự báo trong sự biến động, bất định, bất ổn của tình hình quốc tế; có những vấn đề lớn, dài hạn như phát triển bền vững; có những vấn đề “nóng” như cải cách hệ thống tài chính; và có những vấn đề có thể mang tính đột phá như cải cách hệ thống quản trị công, chuyển đổi số, đô thị hóa; gắn liền với 6 nghiên cứu góp phần phục vụ việc tổng kết 40 năm Đổi mới của Việt Nam.

Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi rất nhanh, bất ổn, bất định, hết sức phức tạp và rất khó dự báo, sẽ tác động sâu sắc đến tiến trình hội nhập và phát triển của Việt Nam trong thời gian tới, tôi đề nghị các quý vị đại biểu đề xuất các kiến nghị chính sách để giúp Việt Nam tận dụng được những thời cơ, thuận lợi, vượt qua được những thách thức, khó khăn; đổi mới tư duy phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu hướng, yêu cầu phát triển chung của nhân loại; tìm ra được những khâu đột phá phát triển trọng yếu nhất và thực hiện có hiệu quả các chuyển đổi phát triển quan trọng như: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi lao động và dân số; đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây là động lực phát triển quan trọng hàng đầu; xây dựng và hoàn thiện các thể chế, cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, thu hút và trọng dụng nhân tài, v.v.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ được tiến hành vào thời điểm rất có ý nghĩa: tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; đồng thời, là dịp tổng kết 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 50 năm hòa bình, thống nhất đất nước, 80 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), và đặc biệt, hướng tới kỷ niệm Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 100 năm thành lập. Đại hội sẽ đề ra những chủ trương, quyết sách, những định hướng lớn để thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030; tạo tiền đề vững chắc để đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong thời gian qua, công tác xây dựng Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIV đã được triển khai chủ động, tích cực, nhanh chóng và đồng bộ, theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là: “phải chú trọng khai thác kết quả nghiên cứu khoa học ở trong nước và quốc tế”(3). Một lần nữa, tôi trân trọng cảm ơn việc Bộ Ngoại giao và Thương mại Ôxtrâylia, Đại sứ quán Ôxtrâylia tại Việt Nam thông qua Trung tâm Việt - Úc và Chương trình Ôxtrâylia cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills) đã hỗ trợ, kết nối các cơ quan nghiên cứu, tư vấn chính sách, các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam với các cơ quan nghiên cứu, tư vấn chính sách, các trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học của Ôxtrâylia cùng tiến hành chuỗi nghiên cứu góp phần phục vụ tổng kết 40 năm Đổi mới của Việt Nam và đề xuất sáng kiến tổ chức hội thảo có ý nghĩa thiết thực hôm nay. Sự hợp tác này là minh chứng hết sức sinh động về mức độ tin cậy chính trị cao và nỗ lực củng cố, phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Ôxtrâylia đã được xây dựng, bồi đắp trong 50 năm qua, xứng tầm Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mà hai nước vừa nâng cấp trong tháng 3-2024.

llct.1cdn.vn-2024-03-22-_lyluanchinhtri.vn-home-images-ht-viet-uc-_ht4.jpg
Thảo luận bàn tròn trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “Việt Nam: 40 năm Đổi Mới và tầm nhìn 2045” - Ảnh: HCMA

Trân trọng cảm ơn các vị đại sứ, các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các học giả, chuyên gia quốc tế đã đồng hành với Việt Nam trong suốt tiến trình đổi mới và mong muốn tiếp tục có được sự ủng hộ, đồng hành quý báu trong tiến trình hiện thực hóa tầm nhìn phát triển Việt Nam đến năm 2045.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 554 (4-2024)

(1), (2) Xem bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”.

(3) Xem: Phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp lần thứ nhất của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Việt Nam: 40 năm Đổi mới và tầm nhìn 2045
    POWERED BY