Thực tiễn

Việt Nam thúc đẩy bảo đảm quyền chính trị của người lao động trong các khu công nghiệp (qua thực tế ở tỉnh Bình Dương)

29/04/2025 19:59

(LLCT) - Bảo đảm quyền chính trị của người lao động trong các khu công nghiệp là nội dung quan trọng trong bảo đảm quyền con người, đặc biệt là trong các quan hệ lao động. Đây là tổng thể các biện pháp do Nhà nước và xã hội thực hiện nhằm ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ và hiện thực hóa quyền dân chủ, quyền tham gia các tổ chức đại diện cho người lao động, quyền tham gia đóng góp ý kiến vào các chính sách, pháp luật nói chung và liên quan đến quyền lợi của người lao động và các quyền chính trị khác.

ThS VŨ THỊ YẾN
Trường Chính trị tỉnh Bình Dương

Công nhân tại Khu công nghiệp VSIP1, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương trong giờ làm việc_Nguồn: nld.com.vn

1. Mở đầu

Quyền chính trị là một trong những quyền cơ bản của công dân được pháp luật quốc tế và hiến pháp, pháp luật của nhiều quốc gia ghi nhận. Với tư cách là một quyền cụ thể của quyền con người, quyền chính trị cần được quy định cụ thể trong pháp luật, phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, lịch sử, tôn giáo và được nhà nước đảm bảo thực hiện. Quyền chính trị được hiểu là quyền của công dân trong mối quan hệ với nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và một số tổ chức xã hội nhằm khẳng định khả năng, nhu cầu và điều kiện để công dân tham gia vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội, vào hoạch định chính sách… Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị năm 1966 (ICCPR) không đưa ra khái niệm cụ thể nào về quyền chính trị mà chỉ liệt kê ra các nhóm quyền chính trị bao gồm: Quyền tự do ngôn luận (Điều 19); Quyền hội họp hòa bình (Điều 21); Quyền tự do lập hội (Điều 22); Quyền tham gia điều hành công việc xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua những đại diện do họ tự do lựa chọn; quyền bầu cử và ứng cử; quyền được tiếp cận với dịch vụ công cộng (Điều 25).

Trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013, đã hiến định quyền chính trị bao gồm: quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình(Điều 25); quyền bầu cử, quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân (Điều 27); quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội; quyền tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước (Điều 28); quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân (Điều 29); quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân (Điều 30).

2. Nội dung

2.1. Quyền chính trị của người lao động và bảo đảm quyền chính trị của người lao động trong các khu công nghiệp

Theo Bộ luật Lao động Việt Nam năm 2019, người lao động là người trong độ tuổi lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động. Theo quy định này, người lao động được xác lập quyền và nghĩa vụ trong quan hệ lao động cụ thể thông qua hợp đồng lao động. Trong khi đó, người làm việc không có quan hệ lao động là “người làm việc không trên cơ sở thuê mướn bằng hợp đồng lao động” (Khoản 6, Điều 3). Như thế, người lao động cần được tiếp cận theo hai khía cạnh: (1) người làm việc có quan hệ lao động cụ thể, nghĩa là trên cơ sở thuê mướn bằng hợp đồng lao động; (2) người làm việc không dựa trên cơ sở thuê mướn bằng hợp đồng lao động.

Người lao động trong các khu công nghiệp có những đặc điểm riêng, phản ánh tính chất của môi trường làm việc công nghiệp và các điều kiện kinh tế - xã hội của khu vực đó. Với đặc điểm của khu công nghiệp, người lao động trong các khu công nghiệp là người làm việc dựa trên cơ sở thuê mướn bằng hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật. Quyền của người lao động được thực hiện dựa trên quy định pháp luật và thỏa thuận trong hợp đồng lao động giữa người lao động với người sử dụng lao động.

Quyền chính trị của người lao động trong các KCN là: Quyền của người lao động trong mối quan hệ với Nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội nhằm khẳng định khả năng, nhu cầu và điều kiện để người lao động tham gia vào các hoạt động chính trị, có tiếng nói trong các quyết định liên quan đến đời sống xã hội, kinh tế và chính trị của đất nước. Các quyền này bảo vệ quyền lợi của người lao động trong các KCN, giúp họ có thể tham gia vào quá trình xây dựng và thay đổi các chính sách công, bảo đảm rằng các quyền lợi và nhu cầu của họ được xem xét và bảo vệ để bảo đảm điều kiện làm việc công bằng, mức lương hợp lý và phúc lợi cho người lao động.

Trên cơ sở các tiếp cận từ góc độ chính trị học về quyền chính trị của người lao động. Chủ nghĩa Mác xem xét quyền chính trị của người lao động trong bối cảnh đấu tranh giai cấp giữa công nhân và tư bản. Nhà nước tư sản được xem là công cụ của giai cấp thống trị nhằm duy trì quyền lực và kiểm soát người lao động. Do đó, công nhân cần nắm chính quyền thông qua cách mạng vô sản, thiết lập nhà nước công nông để thực hiện chuyên chính vô sản, bảo vệ quyền lợi của giai cấp lao động. Trong các quốc gia xã hội chủ nghĩa, quyền chính trị của người lao động được nhấn mạnh thông qua hệ thống chính trị do giai cấp công nhân lãnh đạo, nhưng mức độ thực thi có thể khác nhau, tùy từng quốc gia.

Gắn với những đặc trưng cơ bản của người lao động tại các khu công nghiệp trong bối cảnh hiện nay và nội dung quyền chính trị được quy định trong ICCPR (năm 1966), Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, bài viết tiếp cận quyền chính trị của người lao động trong các khu công nghiệp bao gồm các quyền sau:

- Quyền tham gia chính trị;

- Quyền thành lập, tham gia công đoàn và các tổ chức đại diện cho quyền lợi của người lao động;

- Quyền biểu tình, đình công;

- Quyền tham gia vào quá trình hoạch định chính sách lao động và kinh tế.

Bảo đảm quyền chính trị của người lao động trong các khu công nghiệp là nghĩa vụ của các chủ thể trong xã hội, bao gồm các cá nhân, Nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình để ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ, hiện thực hóa các nội dung quyền chính trị của người lao động trong các khu công nghiệp trong thực tế một cách hiệu quả.

2.2. Thực tiễn bảo đảm quyền chính trị của người lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Tỉnh Bình Dương có 33 khu công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích là 14.790 ha, trong đó có 29 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 12.662,81 ha, tỷ lệ lấp kín đạt trên 70%. Các khu công nghiệp thu hút 2.965 dự án, bao gồm 2.309 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 24,3 tỷ USD và 656 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 76.608 tỷ đồng, 2.432 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh(1).

Bình Dương đã thu hút một lượng lớn công nhân, lao động từ khắp nơi đến. Trong tổng số lao động toàn tỉnh, tỷ lệ lao động tập trung làm việc ở các khu công nghiệp rất cao.

Bảng 1. Cơ cấu lao động của các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương năm 2020 - 2024

Năm
Tổng số lao động (người)
Tỷ lệ lao động nữ (%)
Tỷ lệ lao động ngoại tỉnh (%)
Tỷ lệ lao động làm việc khu vực FDI
2020
409.010
57,4%
92,3%
76,8%
2021
414.519
56,8%
91,8%
78,5%
2022
426.923
57,2%
90,6%
77,6%
2023
430.647
57,2%
90,2%
76,7%
2024
551.380
55,5%
90,6%
76,1%

Nguồn: Báo cáo sử dụng lao động của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương.

Tại các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, tỷ lệ lao động phổ thông chiếm 83,7%. Lao động có trình độ trung cấp và cao đẳng chiếm 8,3% và đại học 7,8%. Như vậy, phần lớn lao động ở các khu công nghiệp là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo. Bên cạnh lao động đã tốt nghiệp trung học phổ thông và trung học cơ sở, còn có một số lượng không nhỏ lao động chưa tốt nghiệp tiểu học. Người lao động chỉ cần biết đọc, biết viết, trong độ tuổi từ 18-25, có sức khỏe là được tuyển dụng. Bởi theo các doanh nghiệp, quy trình và công việc trực tiếp sản xuất của họ khá đơn giản. Do trình độ học vấn, chuyên môn, tay nghề thấp, chủ yếu vẫn là lao động phổ thông, lao động chưa qua đào tạo.

Bảng 2. Trình độ học vấn của lao động tại các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương từ năm 2021 - 2024

Trình độ
2021
2022
2023
2024
Phổ thông
77,8%
81,5%
82,2%
83,7%
Trung cấp
12,4%
10,7%
9,5%
8,3%
Đại học
5,6%
7,1%
7,8%
7,8%
Trình độ khác
4,2%
0,7%
0,5%
0,2%

Nguồn: Báo cáo sử dụng lao động của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương

Lao động có tuổi đời bình quân trẻ, có nhu cầu cao về đời sống văn hóa tinh thần. Công nhân đến từ các địa phương, vùng, miền trên cả nước. Sự đa dạng về vùng, miền dẫn đến nhu cầu thụ hưởng các giá trị văn hóa tinh thần cũng rất đa dạng, phong phú. Những năm gần đây, thu nhập của người lao động đã có những thay đổi khá tích cực. Mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động đã được điều chỉnh nhiều lần.

Một số đặc điểm về các khu công nghiệp và người lao động là những yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm quyền chính trị của người lao động trong các khu công nghiệp. Việc bảo đảm quyền chính trị của người lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả. Cụ thể:

Thứ nhất, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, trong đó có quyền chính trị

Thực hiện chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng, các quy định của pháp luật, các cấp ủy đặc biệt quan tâm chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, trong đó có quyền chính trị. Tỉnh ủy đã yêu cầu các tổ chức đảng, đoàn thể phải: “Coi trọng việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân lao động trên địa bàn tỉnh”; “Tập trung xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng và đoàn thể chính trị” ở doanh nghiệp liên doanh, đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, khu vực hợp tác xã”(2). Cấp ủy, công đoàn, đoàn thanh niên đã ban hành các chương trình, kế hoạch đẩy mạnh các hoạt động chăm lo cho người lao động nói chung và người lao động ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp nói riêng, xác định đây là “một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nhằm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động và giữ chân người lao động.

Thứ hai, quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm quyền chính trị của người lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm quyền chính trị của người lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã được chú trọng và thực hiện, với nhiều biện pháp. Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, đặc biệt là về quyền tham gia bầu cử, ứng cử và các quyền chính trị khác được Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong các khu công nghiệp. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, tăng cường đối thoại và xây dựng lực lượng (lực lượng cộng tác viên, lực lượng nòng cốt cơ sở, lực lượng xung kích, chủ nhà trọ kiểu mẫu, mạng xã hội facebook, nhóm zalo kết nối...); sử dụng hệ thống truyền thanh cơ sở: Chương trình “Đồng hành cùng công nhân”, chuyên mục “Lao động và công đoàn” phát mỗi tuần 2 kỳ trên sóng FM…

Quá trình triển khai thực hiện các quy định về bảo đảm quyền chính trị của người lao động đã được thực hiện đồng bộ. Các biện pháp tuyên truyền, giáo dục chính trị, tổ chức bầu cử, đối thoại, và sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội đã giúp người lao động nâng cao ý thức về quyền chính trị và tham gia các hoạt động chính trị.

Thứ ba, triển khai thực hiện các quy định trong Luật lao động năm 2019

Bộ luật Lao động năm 2019 định nghĩa về tổ chức đại diện người lao động, điều này sát với Công ước số 87 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Định nghĩa được nêu như sau: tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Người lao động có quyền thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, người lao động Việt Nam, bên cạnh việc gia nhập công đoàn theo quy định tại Luật Công đoàn, có quyền thành lập, tham gia, hoạt động trong một tổ chức khác của người lao động khi được thành lập trong doanh nghiệp. Điều 175, Bộ Luật lao động năm 2019 cũng quy định, nghiêm cấm các hành vi: Phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động tổ chức đại diện người lao động. Điều 177, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong việc bảo đảm quyền tự do hiệp hội của người lao động: Không được cản trở, gây khó khăn khi người lao động tiến hành các hoạt động hợp pháp nhằm thành lập, gia nhập và tham gia các hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; Công nhận và tôn trọng các quyền của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được thành lập hợp pháp.

Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng như địa phương trên cả nước mới chỉ dừng lại ở việc tạo mọi điều kiện để bảo đảm cho việc thành lập và gia nhập, tham gia tổ chức công đoàn, chưa đề cập đến việc thành lập các tổ chức của người lao động trong doanh nghiệp vì trên thực tế vẫn chưa có Nghị định hướng dẫn nội dung này.

Dù đạt được những kết quả nêu trên nhưng trong quá trình bảo đảm quyền chính trị cho người lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng còn một số khó khăn, cụ thể:

Một là, ý thức thực hiện các quyền chính trị của người lao động

Ý thức tham gia các hoạt động chính trị của người lao động là vấn đề quan trọng, liên quan đến nhận thức, hành động và thực tiễn tham gia của họ vào các vấn đề xã hội, chính trị tại địa phương. Điều này thường chịu sự tác động của nhiều yếu tố: trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động. Người lao động có trình độ học vấn cao thường có xu hướng nhận thức rõ hơn về các vấn đề chính trị và xã hội. Tuy nhiên, một thực trạng là một bộ phận lớn lao động trong các khu công nghiệp là công nhân phổ thông, lao động chưa qua đào tạo. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức chính trị và ý thức tham gia các hoạt động chính trị, nhất là trong việc tham gia đóng góp ý kiến vào các văn bản, chính sách, ngay cả những văn bản và quy định có liên quan trực tiếp tới bản thân.

Điều kiện làm việc và đời sống của người lao động tại các khu công nghiệp có thể ảnh hưởng đến sự tham gia vào các hoạt động chính trị. Khi người lao động đối diện với những khó khăn trong công việc và cuộc sống như thu nhập thấp, điều kiện sống không bảo đảm, họ có thể ít quan tâm đến các vấn đề chính trị và tập trung vào việc cải thiện đời sống cá nhân. Phần lớn đời sống của công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp còn gặp khó khăn, việc làm thiếu ổn định do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động… nên họ thường có biểu hiện thờ ơ với các hoạt động chính trị.

Các yếu tố xã hội và văn hóa cũng là một trong những thách thức rất lớn. Người lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương có hơn 80% là lao động nhập cư đến từ nhiều địa phương trên cả nước. Điều này có thể dẫn đến mức độ quan tâm chính trị của người lao động cũng có sự khác nhau.

Hai là, nhận thức của chủ doanh nghiệp trong việc phối hợp thực hiện bảo đảm quyền chính trị cho người lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Nhiều chủ doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ về việc thực hiện các quy định của pháp luật cũng như việc phải tạo điều kiện cho người lao động thực hiện quyền chính trị. Đa số các chủ doanh nghiệp chỉ chú trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận cho doanh nghiệp, chưa quan tâm đến việc bảo đảm hay tạo mọi điều kiện cho người lao động trong doanh nghiệp tham gia các hoạt động chính trị, chưa tạo điều kiện cho việc thành lập và hoạt động của tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp.

Thâm chí nhiều doanh nghiệp vẫn còn áp dụng một số các hạn chế đối với việc thực hiện quyền của người lao động. Ví dụ nhiều lao động trong khu công nghiệp cho biết họ phải đối mặt với việc bị sa thải mà không có lý do chính đáng, hay bị điều động đến nơi làm việc mới nếu có ý định phản ánh các nhu cầu tập thể của người lao động. Do đó, nhiều người lao động trong các khu công nghiệp không tham gia vào các hoạt động để bảo vệ quyền của mình không chỉ vì họ không nhận thức được quyền mà còn vì họ sợ bị sa thải và bị cản trở các cơ hội việc làm trong tương lai.

Ba là, vai trò của công đoàn và các hiệp hội nghề nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Công đoàn và các tổ chức khác được thành lập để bảo vệ lợi ích của người lao động cũng như để giúp người lao động thông qua tổ chức bảo vệ quyền chính trị của mình. Tuy nhiên hiện nay, nhiều tổ chức không phát huy được vai trò của mình trong việc bảo đảm quyền chính trị của công nhân trong khu công nghiệp.

Nhiều quyền của người lao động như thương lượng tập thể không thể có hiệu quả nếu công đoàn là “công đoàn nhà” do người sử dụng lao động kiểm soát hoặc nếu các thành viên của công đoàn không có quyền từ chối làm việc theo các điều khoản do người sử dụng lao động đưa ra. Tại những nơi làm việc có công đoàn, có rất ít ví dụ về các kênh giao tiếp cởi mở và hiệu quả và các cơ chế giải quyết vấn đề giữa ban quản lý và đại diện người lao động, chẳng hạn như thông qua các bàn đối thoại thường xuyên.

2.3. Giải pháp bảo đảm quyền chính trị của người lao động trong các khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương hiện nay

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế bảo vệ và hiện thực hóa các quyền chính trị

Tiếp tục thể chế hóa các quyền chính trị đã được ghi trong Hiến pháp năm 2013 như quyền tự do ứng cử và bầu cử, quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Sớm hoàn thành việc xây dựng và ban hành các văn bản luật liên quan đến các quyền chính trị. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật cụ thể như: Với quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội cần hoàn thiện các quy định pháp luật về dân chủ trực tiếp, tạo lập cơ sở pháp lý minh bạch, dễ tiếp cận để nhân dân tham gia tích cực vào các công việc của Nhà nước, kiểm soát việc thực hiện quyền lực do nhân dân ủy quyền. Ngoài ra, cần thúc đẩy hơn nữa tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền thông qua việc đảm bảo các quyền hiến định về tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình của công dân.

Cần cụ thể hóa nội dung các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thành quy định cụ thể của từng cơ quan, đơn vị. Có thể thấy yếu tố thiết yếu nhất trong việc thúc đẩy sự tham gia của người dân là tạo lập thể chế trong đó các nguyên tắc cốt lõi cho việc huy động sự tham gia phải được cụ thể hóa thành các quy định rõ ràng. Đồng thời, thúc đẩy trách nhiệm giải trình và sự minh bạch trong quá trình ra quyết định của các cơ quan công quyền, minh bạch hóa trong quy trình thực hiện mọi chủ trương, chính sách.

Mặt khác, cần xây dựng các cơ chế cho phép người dân nói chung người lao động trong các khu công nghiệp nói riêng tham gia vào tất cả các khâu quyết định đối với các chính sách, chương trình và dự án thông qua các hoạt động kịp thời, linh hoạt phù hợp với kỹ năng, khả năng và mối quan tâm của các nhóm cộng đồng cũng như phù hợp với từng lĩnh vực. Đồng thời, thực hiện đối thoại giữa chính quyền địa phương và người dân. Mặc dù đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật về việc thực hiện hoạt động tiếp xúc, đối thoại giữa chính quyền và người dân, tuy nhiên, các cơ quan chính quyền các cấp cần cụ thể hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đối thoại giữa người dân và các cơ quan công quyền.

Thứ hai, phát huy vai trò của tổ chức công đoàn các khu công nghiệp và công đoàn cơ sở trong tham gia bảo đảm quyền chính trị cho người lao động

Các cấp ủy đảng cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo để tổ chức công đoàn các cấp trong đó có công đoàn các khu công nghiệp và các công đoàn cơ sở thực hiện đúng, đủ, có trách nhiệm vai trò của mình trong bảo đảm quyền cho người lao động nói chung và quyền chính trị nói riêng. Nhà nước có chính sách hỗ trợ, phối hợp để nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức công đoàn. Phát huy tốt vai trò của các tổ chức trong bảo đảm quyền chính trị cho người lao động trong các khu công nghiệp thông qua việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật có liên quan đến người lao động, các hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần từ nơi làm việc đến nơi ở để người lao động yên tâm làm việc.

Để thực hiện mục tiêu này, công đoàn các cấp cần nâng cao chất lượng hoạt động, cụ thể: Công đoàn phải tự đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; phát động và duy trì các chương trình hành động, cuộc vận động theo hướng tập trung, đáp ứng yêu cầu thiết thực của các thành viên, phù hợp khả năng, nguyện vọng chính đáng của người lao động; Chú trọng thực hiện những phương thức mới trong tập hợp hội viên, gắn các hoạt động của công đoàn với hoạt động kinh tế, xây dựng đời sống dân cư; đáp ứng nhu cầu thiết thực của người lao động; Đổi mới hình thức sinh hoạt, thu hút hội viên.

Thứ ba, nâng cao nhận thức và năng lực tự bảo vệ và thực hiện quyền chính trị của người lao động trong các khu công nghiệp

Nhận thức, năng lực tự bảo vệ và thực hiện quyền của người lao động là yếu tố quan trọng trong bảo đảm quyền chính trị. Các quyền chính trị được hiến định chỉ có thể được thực hiện khi các chủ thể của quyền có nhận thức và năng lực đầy đủ để hiện thực hiện. Để đạt được mục tiêu này, người lao động trong các khu công nghiệp cần: Chủ động học tập, tìm kiếm thông tin về các quyền chính trị của mình cũng như các cơ chế để bảo vệ quyền, tích cực tham gia vào quá trình thảo luận hay thương lượng tập thể.

Các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức công đoàn và các đoàn thể cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền đề nâng cao nhận thức của người lao động về quyền liên kết và vai trò của công đoàn, cải thiện hệ thống quản lý để thúc đẩy việc bảo đảm quyền liên kết của người lao động và văn hóa đối thoại mang tính xây dựng giữa người sử dụng lao động và người lao động. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quyền chính trị cần được tiến hành một cách thường xuyên, rộng khắp.

_________________

Ngày nhận bài: 24-4-2025; Ngày bình duyệt: 26-4-2025; Ngày duyệt đăng: 28-4-2025.

Email tác giả: vuyendanvan@gmail.com

(1) Báo cáo 6 tháng cuối năm 2024 của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương.

(2) Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, Bình Dương, 2020.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Việt Nam thúc đẩy bảo đảm quyền chính trị của người lao động trong các khu công nghiệp (qua thực tế ở tỉnh Bình Dương)
    POWERED BY