Thực tiễn

Xây dựng mô hình gia đình nông thôn mới kiểu mẫu gắn với xây dựng nông thôn hiện đại (qua thực tiễn tỉnh Hà Tĩnh)

11/04/2025 13:57

(LLCT) - Xây dựng mô hình “gia đình nông thôn mới kiểu mẫu” là một mắt khâu quan trọng nhằm cụ thể hóa mục tiêu xây dựng nông thôn Việt theo hướng an toàn, văn minh và hiện đại. Thời gian qua, một số địa phương trên cả nước đã triển khai thực hiện mô hình này và đạt được những kết quả bước đầu. Bài viết làm rõ những kết quả đạt được bước đầu tại tỉnh Hà Tĩnh và đề xuất một số giải pháp xây dựng mô hình “gia đình nông thôn mới kiểu mẫu” gắn với xây dựng nông thôn hiện đại trong thời gian tới.

ThS NGUYỄN THỊ VIỆT HÀ
Huyện ủy Vũ Quang

Đại diện CLB “Gia đình 5 có - NTM kiểu mẫu” thôn Nam Xuân (xã Kỳ Tây, Kỳ Anh) và thôn Đoài Phú (xã Tượng Sơn, Thạch Hà) chia sẻ kinh nghiệm về việc thực hiện tiêu chí “Gia đình 5 có - NTM kiểu mẫu”_Ảnh: hatinh.gov.vn

1. Mở đầu

Gia đình là tế bào của xã hội, nơi lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”(1). Xây dựng gia đình Việt Nam trở thành tế bào lành mạnh của xã hội là chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, là nguyện vọng của mọi người dân.

Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với mục tiêu: “Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao...; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc (…) phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa(2). Để đạt được mục tiêu đã đề ra đó, xây dựng “gia đình nông thôn mới kiểu mẫu” gắn với xây dựng nông thôn hiện đại là một nhiệm vụ quan trọng. Xây dựng gia đình nông thôn mới là góp phần quan trọng ổn định an ninh chính trị xã hội và phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

2. Nội dung

2. 1. Mối quan hệ biện chứng giữa xây dựng mô hình “gia đình nông thôn mới kiểu mẫu” và xây dựng nông thôn hiện đại

Mục tiêu cao nhất của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng nông thôn mới chính là hướng đến phát triển nông thôn Việt Nam theo hướng hiện đại. Để xây dựng thành công các khu dân cư nông thôn mới, nhất là nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu thì chắc chắn phải có những gia đình nông thôn với những tiêu chí tiến bộ, văn minh và hiện đại, đó chính là mô hình “gia đình nông thôn mới kiểu mẫu”.

Mô hình “gia đình nông thôn mới kiểu mẫu” là hình mẫu lý tưởng của xã hội nông thôn hiện đại

Mô hình “gia đình nông thôn mới kiểu mẫu” là gia đình đạt 05 tiêu chí gồm: Có ngôi nhà an toàn, có sức khỏe, có sinh kế bền vững, có kiến thức và có nếp sống văn hóa. Đây là mô hình được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai thực hiện ở nhiều địa phương trên toàn quốc cùng với quá trình đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong đó có các tiêu chí được nâng lên thành nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Mô hình “gia đình nông thôn mới kiểu mẫu” là sự kế thừa và phát triển các mô hình đã được triển khai trước đó, như: “Gia đình 5 có, 3 sạch” gồm: có ngôi nhà an toàn, có sinh kế bền vững, có sức khỏe, có kiến thức, có nếp sống văn hóa; 3 sạch gồm: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ; “gia đình 5 không, 3 sạch” gồm: không nghèo; không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; không bất bình đẳng giới; không vi phạm chính sách dân số; không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ.

Các tiêu chí của mô hình “gia đình nông thôn mới kiểu mẫu” chính là các mục tiêu hướng tới của gia đình nông thôn Việt Nam trong bối cảnh đổi mới, hội nhập và phát triển. Bởi cùng với quá trình thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao vị trí, vai trò của gia đình. Đại hội VIII của Đảng đã chỉ rõ: “Phát huy trách nhiệm của gia đình trong việc lưu truyền những giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác”(3). Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” nhấn mạnh nhiệm vụ thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thật sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người…; xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh, chị, em đoàn kết thương yêu nhau; xây dựng mỗi trường học phải thực sự là một môi trường văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ. Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”(4).

Đại hội XIII của Đảng chủ trương: “Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam” và “…thực hiện các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh. Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”, đồng thời, nhấn mạnh nhiệm vụ: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”(5).

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội, Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24-6-2021 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới” tiếp tục khẳng định, gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước. Chỉ thị cũng nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; xây dựng Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045; chương trình giáo dục quốc gia về gia đình; chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc. Xây dựng dữ liệu số quốc gia về gia đình làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng nông thôn hiện đại trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển

Từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã đề ra quan điểm về việc xây dựng nông thôn mới, khẳng định vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người đã chi tiết hóa quá trình và các bước cụ thể để thực hiện mục tiêu này, đặc biệt là thông qua việc xây dựng cơ sở vật chất cho cộng đồng nông dân. Theo Hồ Chí Minh, xây dựng nông thôn mới không chỉ đơn thuần là một quá trình vật chất mà còn là quá trình xây dựng con người nông dân mới, những người nông dân hòa nhập hoàn toàn vào tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Điều này có nghĩa là không chỉ cần tạo ra các cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn hiện đại mà còn cần phải phát triển và nâng cao đời sống văn hóa, giáo dục và tư duy của nông dân.

Kế thừa quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng nông thôn mới, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định xây dựng nông thôn hiện đại là một quá trình quan trọng và cần thiết, đây là quyết tâm lớn của Đảng để cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng nông dân sinh sống ở khu vực nông thôn, góp phần nâng cao năng suất nông nghiệp và bảo đảm sự phát triển bền vững. Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ định hướng phát triển của “tam nông” trong giai đoạn mới là: “thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”(6). Phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” là những nội dung, hình thái và phương thức phát triển hoàn toàn mới.

Nông thôn hiện đại là một khái niệm thể hiện sự phát triển của nông thôn thông qua quá trình hiện đại hóa, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và trình độ phát triển của cộng đồng nông dân. Nông thôn hiện đại không chỉ đồng bộ với khu vực đô thị mà còn kế thừa và tôn vinh các giá trị truyền thống. Đồng thời, cần được điều chỉnh để phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện đại, tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế và tuân thủ nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Mục tiêu của nông thôn hiện đại là tạo ra một môi trường sống bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của mỗi người dân, mỗi gia đình được nâng lên… Xét về tổng thể, nông thôn hiện đại là sự hòa nhập của truyền thống và hiện đại, tạo nên một môi trường sống phồn thịnh và đáp ứng đa chiều với các thách thức đương đại.

Xây dựng mô hình “gia đình nông thôn mới kiểu mẫu” gắn với xây dựng nông thôn hiện đại là yêu cầu tất yếu hiện nay

Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho mọi gia đình. Theo số liệu điều tra của Ngân hàng Thế giới, những thành tựu đạt được trong gần 40 năm qua đã thúc đẩy phát triển kinh tế, nhanh chóng đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình. Trong bối cảnh đó, kinh tế hộ gia đình thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự tăng trưởng tổng thu nhập quốc dân hằng năm. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới ở cơ sở phát triển, ngày càng có nhiều gia đình văn hóa, làng văn hóa, cụm dân cư văn hóa, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Cùng với đó, sau gần 15 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nông thôn Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đến nay cả nước có 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 283 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 5 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới(7). Môi trường nông thôn khang trang, sạch đẹp, kết cấu hạ tầng hiện đại; hệ thống điện, đường, trường, trạm, nước sạch, các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Thu nhập, đời sống của người dân nông thôn tăng liên tục; tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục, nếu năm 1986, tỷ lệ hộ nghèo là trên 50%, thì đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chỉ còn 5,71%(8).

Phát huy kết quả đạt được, từ năm 2022 đến nay, thực hiện đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh theo Nghị quyết số 19- NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, với những chủ trương lớn là: Khẳng định mối quan hệ giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở cấp độ cao hơn, phù hợp với tiến trình phát triển chung của đất nước; Nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế; Nâng cao yêu cầu về xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn trở thành nơi “đáng sống”.

Sự phát triển vượt bậc của khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhất là sau gần 15 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là minh chứng thực tế sống động về chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo phát triển đất nước nói chung và xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn nói riêng. Để nông thôn Việt Nam tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại, phù hợp với tình hình và bối cảnh mới thì một trong những nhiệm vụ quan trọng chính là xây dựng và phát triển mô hình gia đình nông thôn với các tiêu chí phát triển cao cả về vật chất, tinh thần và các mức độ hưởng thụ khác, trong đó mô hình “gia đình nông thôn mới kiểu mẫu” là một trong những mô hình phù hợp.

2.2. Những kết quả đạt được bước đầu tại tỉnh Hà Tĩnh

Tỉnh Hà Tĩnh hiện nay có 12 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 09 huyện, 02 thị xã và 01 thành phố) với 209 đơn vị đơn vị hành chính cấp cơ sở, trong đó có 170 xã, 25 phường và 14 thị trấn; có gần 77% dân số sống ở khu vực nông thôn. So với một số địa phương khác trên cả nước, điều kiện kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn tỉnh Hà Tĩnh còn nhiều khó khăn, điều này ảnh hưởng đến quá trình xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại và xây dựng các mô hình gia đình tiến bộ ở nông thôn, trong đó có mô hình “gia đình nông thôn mới kiểu mẫu”.

Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, cùng nhiều giải pháp và cách làm hay, sáng tạo, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại Hà Tĩnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng và trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng tỉnh nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đây vừa là niềm tin, đồng thời là cơ hội tốt, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, là động lực quan trọng để tạo ra bước đột phá mới trong xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các hộ gia đình ở khu vực nông thôn, trong đó có việc xây dựng mô hình “gia đình nông thôn mới kiểu mẫu”…

Sau 14 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và 3 năm thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025” theo tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 15-7-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đến cuối năm 2024, Hà Tĩnh có 170/170 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 69 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (40,5%) và 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (10,6%); có 9/12 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 1.205/1.512 thôn đạt chuẩn Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu(9).

Kinh tế nông thôn ngày càng phát triển, nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn, hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái, gắn với tập trung, tích tụ ruộng đất; công nghiệp và dịch vụ nông thôn phát triển khá, hệ thống dịch vụ, thương mại khu vực nông thôn phát triển đồng bộ, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn.

Cơ sở hạ tầng tiếp tục được nâng cấp, đầu tư, góp phần tạo liên kết vùng và động lực phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Văn hóa, xã hội, môi trường khu vực nông thôn chuyển biến tích cực. Môi trường cảnh quan được cải thiện rõ nét; an ninh, trật tự ở nông thôn bảo đảm… Công tác an sinh xã hội được quan tâm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2024 đạt 54,78 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,4%(10)...

Cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, công tác tuyên truyền xây dựng mô hình “gia đình nông thôn mới kiểu mẫu” được tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt và giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ trì triển khai thực hiện, qua đó đã khơi dậy, phát huy vai trò chủ thể của những “hạt nhân” gia đình trong quá trình xây dựng nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại. Từ đó, nhiều phong trào do Hội Liên hiệp Phụ nữ phát động đã được nhân rộng hiệu quả như: Phong trào xây dựng “Nhà sạch, vườn đẹp, chung sức xây dựng nông thôn mới”; phong trào xây dựng các mô hình “Chi hội 5 không, 3 sạch” gắn với khu dân cư kiểu mẫu, Câu lạc bộ “Gia đình 5 không, 3 sạch”, Câu lạc bộ “Gia đình 5 có - nông thôn mới kiểu mẫu”..., đặc biệt là phong trào xây dựng mô hình “Gia đình nông thôn mới kiểu mẫu”, “Gia đình 5 có - nông thôn mới kiểu mẫu” tại tất cả các huyện, thành phố, thị xã trên toàn tỉnh. Đến nay, sau gần 4 năm triển khai xây dựng mô hình “Gia đình nông thôn mới kiểu mẫu” và “Gia đình 5 có - nông thôn mới kiểu mẫu”, toàn tỉnh đã có 118 Câu lạc bộ với 4.505 thành viên tham gia; có 6.857 hộ gia đình được công nhận “Gia đình 5 có - nông thôn mới kiểu mẫu”. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trực tiếp hỗ trợ xây dựng 22 mô hình, hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện chủ động nhân rộng 96 mô hình(11).

Mô hình “Gia đình nông thôn mới kiểu mẫu” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Tĩnh triển khai bước đầu mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, trở thành nhân tố tích cực trong xây dựng nông thôn mới nói riêng và xây dựng nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại nói chung. Đây là mô hình được đánh giá có tính mới và bước đầu đã khẳng định được hiệu quả, có sức lan tỏa trong cộng đồng, đồng thời là hướng đi đúng, phù hợp với định hướng của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về xây dựng mô hình “Gia đình 5 có, 3 sạch” đối với các địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, mô hình đã góp phần quan trọng trong quá trình cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” và phong trào “Phụ nữ Hà Tĩnh chung sức xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới” giai đoạn 2022-2025”, hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn Hà Tĩnh phát triển theo hướng hiện đại.

2.3. Giải pháp xây dựng mô hình “gia đình nông thôn mới kiểu mẫu” gắn với xây dựng nông thôn hiện đại trong thời gian tới

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế tạo ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt các gia đình ở khu vực nông thôn Việt Nam trước nhiều khó khăn, thách thức. Mặt trái của cơ chế thị trường, của internet và mạng xã hội, sự phân hóa giàu nghèo… có những tác động và ảnh không nhỏ đến quá trình xây dựng và phát triển mô hình gia đình nông thôn nói chung và mô hình “gia đình nông thôn mới kiểu mẫu” nói riêng. Để thực hiện có hiệu quả việc xây dựng mô hình “gia đình nông thôn mới kiểu mẫu” gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại trong bối cảnh đất nước đang thực hiện nhiều chủ trương lớn khởi đầu kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc, cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng gia đình và mô hình “gia đình nông thôn mới kiểu mẫu” theo hướng hiện đại: Các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình và xây dựng “gia đình nông thôn mới kiểu mẫu”. Cần lồng ghép công tác xây dựng mô hình “gia đình nông thôn mới kiểu mẫu” vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và kế hoạch 5 năm của các ngành, địa phương, từ trung ương đến cơ sở. Để công tác xây dựng “gia đình nông thôn mới” đạt hiệu quả, đội ngũ công chức, viên chức, cộng tác viên làm công tác gia đình được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Cần đầu tư nguồn kinh phí phù hợp với tầm quan trọng của gia đình, coi đầu tư cho gia đình nói chung và xây dựng mô hình “gia đình nông thôn mới kiểu mẫu” nói riêng là đầu tư cho phát triển bền vững. Bảo đảm đủ nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước và huy động sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác gia đình.

Thứ hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về gia đình, trong đó chú trọng chủ trương, chính sách về xây dựng mô hình “gia đình nông thôn mới kiểu mẫu”: Cần rà soát hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến gia đình, sửa đổi, điều chỉnh và hoàn thiện cho phù hợp với quá trình phát triển của xã hội và sự biến đổi gia đình ở khu vực nông thôn, trong đó chú trọng đến mục tiêu, nhiệm vụ của việc xây dựng mô hình “gia đình nông thôn mới kiểu mẫu”. Cần quan tâm gia đình ở khu vực nông thôn trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; mở rộng và nâng cao hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; bảo đảm cho các gia đình, nhất là gia đình ở khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận sự bảo trợ của Nhà nước, ổn định cuộc sống, chăm lo giáo dục con cái và chăm sóc người cao tuổi.

Thứ ba, đa dạng hóa các loại hình và nâng cao chất lượng truyền thông về xây dựng mô hình “gia đình nông thôn mới kiểu mẫu” gắn với xây dựng nông thôn hiện đại: Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, với sự đa dạng của các phương tiện truyền thông, cần kết hợp các loại hình truyền thông để tuyên truyền hiệu quả về công tác gia đình. Cần chú ý sử dụng loại hình truyền thông, phương tiện truyền thông và nội dung truyền thông phù hợp với gia đình ở từng vùng, miền, dân tộc khác nhau. Nội dung tuyên truyền cần chú trọng cung cấp các kiến thức, kỹ năng sống, như kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình và với cộng đồng trong bối cảnh mới... ; tuyên truyền, vận động các gia đình tự nguyện, tự giác, tích cực thực hiện nếp sống văn minh, hiện đại gắn với xây dựng và phát triển cộng đồng nông thôn.

Thứ tư, tiếp tục tăng cường công tác nghiên cứu, điều tra, khảo sát toàn diện về gia đình ở khu vực nông thôn và quá trình thực hiện xây dựng mô hình “gia đình nông thôn mới kiểu mẫu”; triển khai các nghiên cứu khoa học về gia đình và mô hình “gia đình nông thôn mới kiểu mẫu” một cách hệ thống để có cơ sở đề xuất chính sách phát triển phù hợp.

Tổ chức các hội thảo khoa học cũng như các hội nghị sơ tổng, kết để rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai; kịp thời bổ cứu các nội dung cho phù hợp với tình hình, bối cảnh mới và cụ thể ở từng vùng, miền, địa phương. Kịp thời biểu dương, lan tỏa những “gia đình nông thôn mới kiểu mẫu” tiêu biểu để thúc đẩy và nhân rộng mô hình trên diện rộng.

3. Kết luận

Xây dựng mô hình “gia đình nông thôn mới kiểu mẫu” gắn với xây dựng nông thôn hiện đại là một hướng đi mới trong quá trình xây dựng, phát triển nông thôn nói riêng và đất nước nói chung trong bối cảnh đổi mới và hội nhập. Những kết quả đạt được bước đầu trong quá trình triển khai thực hiện tại tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần chứng minh tính đúng đắn và phù hợp của nó. Chủ trương này được thực hiện hiệu quả và nhân rộng trên toàn quốc sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh và an sinh ở khu vực nông thôn, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.

_________________

Ngày nhận bài: 9-4-2025; Ngày bình duyệt: 10 -4-2025; Ngày duyệt đăng: 12-4-2025.

Email tác giả: viethapnht@gmail.com

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 300.

(2), (5), (6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t. I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 35-36, 143-144, 124.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.112 - 113.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.128.

(7) Theo “Báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương” tại Hội nghị toàn quốc nông thôn mới, ngày 25-4-2024.

(8) Quyết định số: 134/QĐ-BLĐTBXH, ngày 31-1-2024, của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025

(9), (10) Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Tĩnh: Báo cáo Tổng kết công tác xây dựng nông thôn mới năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

(10) Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Tĩnh: Báo cáo Tổng kết công tác xây dựng nông thôn mới năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

(11) Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh: Báo cáo kết quả thực hiện mô hình “Gia đình 5 có - nông thôn kiểu mẫu, năm 2024.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng mô hình gia đình nông thôn mới kiểu mẫu gắn với xây dựng nông thôn hiện đại (qua thực tiễn tỉnh Hà Tĩnh)
    POWERED BY