Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Các tỉnh ủy, thành ủy vùng đồng bằng sông Cửu Long lãnh đạo công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

10/10/2024 13:12

(LLCT) - Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nội dung cơ bản, thường xuyên, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng. Đối với đồng bằng sông Cửu Long - vùng có vị trí chiến lược về kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, công tác này được các tỉnh ủy, thành ủy quan tâm lãnh đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả. Bài viết đánh giá kết quả lãnh đạo công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của các tỉnh ủy, thành ủy ở đồng bằng sông Cửu Long, đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường thực hiện công tác này trong thời gian tới.

ThS ĐOÀN TRUNG DŨNG
Học viện Chính trị khu vực IV

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ trao tặng Giấy khen cho 14 tập thể có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền, vận động tham gia Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Thành phố Cần Thơ lần thứ I năm 2023 _ Ảnh: thanhuycantho.vn

1. Mở đầu

Vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và thành phố Cần Thơ. Đây là vùng có yếu tố đặc trưng riêng về dân tộc, tôn giáo, lịch sử vùng đất và tình hình kinh tế - xã hội, từ đó đặt ra những vấn đề đặc thù trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Trước những yêu cầu của thực tiễn, trên cơ sở xác định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một nội dung cơ bản, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, và là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, các tỉnh ủy, thành ủy vùng đồng bằng sông Cửu Long đã tăng cường triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

2. Những vấn đề đặt ra yêu cầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Về dân tộc, đồng bằng sông Cửu Long là vùng có đông dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Khmer là 1.141.241 người, chiếm 6,6%; dân tộc Hoa là 149.449 người, chiếm 0,87%; dân tộc Chăm có 13.120 người, chiếm 0,08% dân số([1]). Với âm mưu chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, cực đoan, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo tâm lý nghi kỵ giữa đồng bào Kinh - Khmer - Hoa - Chăm. Chúng đưa ra các luận điệu xuyên tạc rằng người Khmer, Chăm, Hoa bị chính quyền dọa dẫm, bắt bớ, đàn áp, không được học tiếng dân tộc, có sự “phân biệt đối xử” giữa các nhóm dân tộc thiểu số và người Kinh.

Về tôn giáo, các thế lực thù địch kích động tách Phật giáo Nam tông Khmer khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trở thành một hệ phái độc lập, như một “hệ tư tưởng” để làm “ngọn cờ đấu tranh”. Chúng xúc tiến thành lập “Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo mới” đối lập với Giáo hội hiện có, coi “Giáo hội mới” này là thuần túy, là đệ tử chân truyền([2]). Các đối tượng xúi giục một số tín đồ lợi dụng sinh hoạt tôn giáo để gây rối, đòi đất, xây dựng các cơ sở thờ tự bất hợp pháp, chống đối chính quyền, vu cáo chính quyền phân biệt đối xử, vi phạm tự do tôn giáo, vi phạm quyền công dân.

Về lịch sử, các thế lực thù địch tuyên truyền những luận điệu sai trái về vương quốc Chân Lạp, Chămpa, tạo tâm lý “ngậm ngùi, nuối tiếc”. Chúng cũng ra sức xuyên tạc lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam với mưu đồ vu khống chúng ta cướp đất, xâm lược Campuchia, nhằm vừa kích động tư tưởng ly khai, tự trị trong đồng bào Khmer, vừa gây chia rẽ giữa nhân dân Campuchia với nhân dân Việt Nam.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng là nơi có nhiều người từng làm việc trong bộ máy chính quyền, quân đội của chế độ cũ, người dân trực tiếp sinh sống dưới chế độ cũ. Điều này ảnh hưởng lớn đến tâm tư, tình cảm của người dân, do đó trực tiếp tác động đến công tác tư tưởng.

Lợi dụng những vấn đề trên, các thế lực thù địch ở nước ngoài móc nối với các đối tượng bất mãn, phản động trong nước, thành lập các tổ chức như Hội Ái hữu Khmer Campuchia Krôm, Hội bảo vệ nhân quyền Khmer Campuchia Krôm, Hội sư sãi Khmer Campuchia Krôm, Liên hiệp Ủy ban chủ nghĩa dân tộc, Ủy ban Điều phối Khmer Campuchia Krôm, Liên minh Khmer Campuchia Krôm, Hội đồng Phát triển văn hóa - xã hội Chămpa… Các tổ chức này thực hiện “diễn biến hòa bình”, ra sức chống phá, đặc biệt là trong lĩnh vực tư tưởng.

Các đối tượng thành lập các trang web và đài phát thanh, khai thác các phương tiện truyền thông nhất là mạng xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc, bịa đặt về các vấn đề dân tộc, tôn giáo, lịch sử. Chúng xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bôi nhọ, vu cáo các đồng chí lãnh đạo cấp ủy và chính quyền các địa phương.

Đồng thời, các tổ chức này còn gây sự chú ý của dư luận thế giới, nhất là các tổ chức như Theo dõi nhân quyền, Ân xá quốc tế hay các đài báo như Châu Á Tự do, BBC tiếng Việt… đưa ra các dự luật, báo cáo, thông tin sai sự thật, gây sức ép trong công tác ngoại giao. Những nhân tố này đã tạo nên những điểm nóng chính trị - xã hội, đe dọa đến an ninh, quốc phòng, sự ổn định và phát triển của vùng.

Sau hơn 35 năm đổi mới, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã phát triển vượt bậc, toàn diện, cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Tuy nhiên, sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng nhằm phát triển bền vững khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

3. Các tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Một là, các tỉnh ủy, thành ủy tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức bộ máy thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Sau khi Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018, các tỉnh ủy, thành ủy đã ban hành các kế hoạch nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong cả giai đoạn và kế hoạch hoạt động từng năm. Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ ban hành Kế hoạch số 149-KH/TU ngày 28-6-2019 về thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng ban hành Kế hoạch số 91-KH/TU ngày 08-8-2019 về triển khai Nghị quyết số 35-NQ/TW giai đoạn 2019-2025. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang ban hành Chương trình hành động số 44-CTr/TU ngày 16-4-2019 và Kế hoạch 91-KH/TU ngày 16-8-2019 về thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị trong nội bộ Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân.

Để thống nhất thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, các tỉnh ủy, thành ủy đã thành lập ban chỉ đạo 35 các cấp. Ban chỉ đạo 35 cấp tỉnh thường do đồng chí phó bí thư Thường trực tỉnh ủy, thành ủy làm Trưởng ban, đồng chí trưởng ban tuyên giáo làm phó trưởng ban thường trực, các đồng chí tỉnh ủy viên, trưởng các đơn vị trong hệ thống chính trị là thành viên ban chỉ đạo.

Nhằm nâng cao chất lượng tham mưu, tin, bài, sản phẩm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, ban chỉ đạo 35 các tỉnh, thành phố đã thành lập tổ thư ký, giúp việc và nhóm chuyên gia, cộng tác viên. Các tỉnh ủy, thành ủy xây dựng quy chế làm việc của ban chỉ đạo, xác định rõ trách nhiệm, mối quan hệ công tác, sự phối hợp giữa các thành viên. Ban chỉ đạo và các cơ quan tham mưu, nhóm chuyên gia duy trì họp định kỳ để đánh giá tình hình, đề xuất và triển khai các giải pháp cụ thể, xử lý những tình huống mới nảy sinh.

Hai là, tăng cường nâng cao nhận thức, kỹ năng, phương pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cho cán bộ, đảng viên

Các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo ban tuyên giáo tỉnh ủy, các huyện ủy và tương đương tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết, quy định của Đảng về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Các tỉnh, thành ủy thực hiện các hội nghị báo cáo chuyên đề cho các đảng bộ, chỉ đạo tổ chức sinh hoạt chuyên đề trong các chi bộ.

Tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp tổ chức hoặc chỉ đạo ban tuyên giáo phối hợp với trường chính trị tổ chức các hội thảo, tọa đàm, qua đó xác định các vấn đề lý luận gắn với tổng kết thực tiễn từng địa phương, nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch, đánh giá thực trạng, đề xuất các giải pháp, chia sẻ các mô hình hay, cách làm hiệu quả nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Từ năm 2018 đến nay, các tỉnh ủy, thành ủy đã tổ chức hoặc giao nhiệm vụ cho ban tuyên giáo, trường chính trị tổ chức 15 hội thảo có liên quan đến chủ đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thông qua các cơ quan tham mưu, giúp việc, các tỉnh ủy, thành ủy đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch như: “Kỹ năng viết bài chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, “Kỹ năng xây dựng các video ngắn, đồ họa trong công tác tuyên truyền”, “Kỹ năng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng”.

Ba là, nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và công tác tổng kết thực tiễn địa phương góp phần bổ sung, phát triển lý luận

Các tỉnh, thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị trên địa bàn, nhất là đối với các cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, thông qua việc mở các lớp cao cấp, trung cấp, sơ cấp lý luận chính trị. Thực hiện Quy định 164-QĐ/TW ngày 01-2-2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp, các tỉnh ủy, thành ủy tổ chức các lớp bồi dưỡng cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý, các lớp nghiệp vụ công tác đảng để cập nhật những nội dung mới trong quan điểm, đường lối của Đảng. Hầu hết chương trình học tập các hệ lớp đều được tích hợp, lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Chỉ đạo ban tuyên giáo, các cơ quan báo chí, đài phát thanh và truyền hình xây dựng các bản tin, chuyên trang, chuyên mục với các bài viết, phóng sự có nội dung tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênnin, tư tưởng Hồ Chí Minh, văn kiện, nghị quyết của Đảng và của tỉnh ủy, thành ủy. Nhiều tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng các ấn phẩm, báo chí truyền thông bằng tiếng dân tộc thiểu số như Khmer, Hoa nhằm tuyên truyền rộng rãi hơn trong đồng bào. Hình thức tuyên truyền được đa dạng hóa. Bên cạnh những bài viết chính luận, các tỉnh ủy, thành ủy cũng chỉ đạo xây dựng các video clip, đồ họa, pano, áp phích, tờ rơi để phục vụ tốt hơn công tác tuyên truyền.

Nhiều địa phương như Đồng Tháp, Hậu Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau đã chủ động tổ chức cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đồng thời xây dựng các tin, bài, cung cấp luận cứ cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo các trường chính trị, sở khoa học và công nghệ triển khai nghiên cứu khoa học, góp phần tổng kết thực tiễn đổi mới của các địa phương, nhất là các mô hình hiệu quả trong xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Tổ chức các hội thảo, tọa đàm, hội nghị chuyên đề, thực hiện sơ kết, tổng kết việc tổ chức thực hiện nghị quyết của Trung ương và cấp tỉnh để làm rõ hơn những vấn đề đặt ra từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ chính trị, góp phần kiến nghị Trung ương bổ sung, phát triển đường lối, lý luận.

Bốn là, lãnh đạo thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Các tỉnh ủy, thành ủy đã lãnh đạo, tổ chức công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Thông qua đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, các tỉnh ủy, thành ủy đã xây dựng được những tuyến bài chất lượng, luận cứ đanh thép đấu tranh trực tiếp, trực diện với các quan điểm sai trái, thù địch. Tỉnh ủy một số tỉnh đã chỉ đạo thành lập các chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện truyền thông đại chúng để kịp thời nhận diện và đấu tranh hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long xây dựng chuyên mục “Góc nhìn đúng”, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hậu Giang có chuyên mục “Chống tin giả”, “Nhận diện đúng sai” hoạt động hiệu quả.

Đấu tranh trên không gian mạng được các tỉnh ủy, thành ủy chú trọng, có bước chuyển biến quan trọng. Các tỉnh, thành ủy chỉ đạo xây dựng các trang truyền thông trên mạng xã hội như Facebook, fanpage, blog, các kênh Youtube, Tiktok để chia sẻ tin bài, lan tỏa các thông tin tích cực, góp phần xây dựng môi trường tích cực, nhân văn trên không gian mạng, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, và kịp thời đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện phương thức, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch chống phá Đảng, chính quyền, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từ đó có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả. Xử lý nghiêm các trường hợp lan truyền tin giả, lợi dụng mạng xã hội để xâm phạm lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Năm là, các tỉnh ủy, thành ủy thường xuyên nắm bắt và chủ động định hướng dư luận xã hội

Các tỉnh ủy, thành ủy tiến hành họp giao ban trực tuyến định kỳ giữa ban tuyên giáo tỉnh ủy, huyện ủy và tương đương, ban chỉ đạo 35 các cấp với các ban, ngành có liên quan như sở thông tin truyền thông, các cơ quan báo chí, lực lượng vũ trang. Qua đó, nắm bắt thông tin, dư luận xã hội, đặc biệt là trên không gian mạng, liên quan đến các vấn đề dân tộc, tôn giáo, triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo. Trên cơ sở đó, thường trực tỉnh ủy, thành ủy kịp thời chỉ đạo, xử lý và định hướng thông tin kịp thời, hiệu quả.

Tuy vậy, việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của các tỉnh ủy, thành ủy vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn một số hạn chế. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, cấp ủy đảng chưa nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cho rằng đó là nhiệm vụ của lực lượng tuyên giáo. Kỹ năng, phương pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác với các quan điểm sai trái, thù địch chưa sắc bén, tính thuyết phục chưa cao, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đội ngũ tác chiến trên không gian mạng còn mỏng và chưa tinh nhuệ. Thiếu các chuyên gia để phản bác nhanh chóng, kịp thời các quan điểm sai trái, thù địch gắn với các sự kiện mới, phức tạp, nhất là những vấn đề về dân tộc, tôn giáo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Công tác giáo dục lý luận chính trị chậm cập nhật những vấn đề từ thực tiễn đặt ra, chậm đổi mới về phương pháp dạy, học. Vẫn còn tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị, việc học tập còn mang tính đối phó. Các hình thức tuyên truyền trên truyền thông thiếu chiều sâu, sức hấp dẫn, nhất là với học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên. Hiệu quả công tác sơ kết, tổng kết việc triển khai đường lối, nghị quyết của Đảng, cấp ủy chưa cao.

4. Một số giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của các tỉnh ủy, thành ủy vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Một là, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tín đồ các tôn giáo

Phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần là giải pháp quan trọng để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Để dân hiểu, dân tin, dân theo và để nền tảng tư tưởng của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của nhân dân thì cùng với việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, cần làm cho các giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được hiện thực hóa thông qua những thành tựu phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Niềm tin và sự đồng thuận của người dân chỉ được khẳng định, tăng cường khi chất lượng cuộc sống được nâng lên, an ninh, an toàn được bảo đảm. Cần thực hiện hiệu quả các chính sách đại đoàn kết dân tộc, bảo đảm quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, quyền bình đẳng giữa các dân tộc; thực hiện tốt chính sách xóa đói, giảm nghèo, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là dân tộc thiểu số như Khmer, Hoa, Chăm; phát huy dân chủ, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu v.v., qua đó góp phần phát triển bền vững các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Hai là, kiện toàn tổ chức, bộ máy thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Thường xuyên đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề, nâng cao trình độ, kiến thức cho thành viên ban chỉ đạo 35 các cấp, đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên. Tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm với các cơ quan chức năng, lực lượng nòng cốt để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, nhất là những nội dung liên quan đến vấn đề về dân tộc, tôn giáo. Tập hợp, phát huy vai trò của các nhà khoa học, các chuyên gia, các cá nhân tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân tham gia đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch. Chú trọng nâng cao chất lượng bài viết chính luận, bút chiến trong các lĩnh vực khác nhau góp phần đẩy mạnh hoạt động “xây” và “chống”. Tăng cường mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng, học viện, trường đại học, lực lượng vũ trang của Quân khu 9 để triển khai thực hiện nhiệm vụ tham mưu và tư vấn, bảo vệ và đấu tranh, tác chiến đúng định hướng, kịp thời, chính xác, thiết thực, an toàn và hiệu quả.

Ba là, phát huy vai trò nêu gương của cấp ủy, đảng viên trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Các cấp ủy viên, trước hết là ủy viên các tỉnh ủy, thành ủy vùng đồng bằng sông Cửu Long nêu gương trong học tập, nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng. Thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 02-4-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cấp ủy viên và đảng viên cần tích cực phát hiện, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, các hành vi không chuẩn mực ngay từ những biểu hiện nhỏ nhất, trong mọi mặt của đời sống xã hội. Thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, viên chức trong mỗi cơ quan, đơn vị, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ, giải quyết thỏa đáng các khiếu nại, tố cáo. Giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn trong quá trình công tác.

Bốn là, tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội

Với tính chất, vị trí, vai trò là tổ chức tập hợp rộng rãi quần chúng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở đồng bằng sông Cửu Long tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường đồng thuận xã hội. Điều này không những tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn tạo ra sức “đề kháng” chống lại âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch để bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và hạnh phúc của nhân dân.

Năm là, thực hiện tốt công tác dân vận nhằm phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo

Các tỉnh ủy, thành ủy xây dựng đội ngũ cốt cán là người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo. Thông qua đội ngũ này, thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, tăng cường tuyên truyền, giáo dục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phổ biến, tuyên truyền kết quả đạt được trong việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, những chuyển biến tích cực trong đời sống vùng đồng bào dân tộc, vùng có đông tín đồ các tôn giáo, qua đó thể hiện tính ưu việt của chế độ. Phối hợp với các cá nhân có uy tín, chức sắc, chức việc xây dựng các tài liệu bằng tiếng dân tộc, đăng tải, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách dân tộc, tôn giáo, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sáu là, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết sự lãnh đạo của các tỉnh ủy, thành ủy đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy thực hiện kiểm tra định kỳ, kiểm tra chuyên đề và xây dựng kế hoạch giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị khóa XII “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” trong Đảng bộ. Ban Chỉ đạo 35 các cấp quan tâm công tác giao ban, sơ kết, tổng kết, có hình thức thi đua, khen thưởng hợp lý đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cần tổng kết và nhân rộng mô hình, cách làm hay cũng như dự báo chính xác, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh từ thực tiễn.

5. Kết luận

Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các tỉnh ủy, thành ủy ở đồng bằng sông Cửu Long đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác này với nội dung và phương thức lãnh đạo phù hợp. Đã có nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả, có sức lan tỏa trong các tổ chức đảng và toàn xã hội. Trong thời gian tới, các tỉnh ủy, thành ủy cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nhận thức đến xây dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh mới.

_________________

Ngày nhận bài: 24-9-2024; Ngày bình duyệt:30-9-2024 ; Ngày duyệt đăng: 10-10-2024

(1) Ủy ban Dân tộc - Tổng cục Thống kê: Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2020, tr.135 - 136.

(2) Theo TS Phan Công Khanh: Những vấn đề đặt ra trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở Tây Nam Bộ, sách chuyên khảo: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, từ bình diện chung đến đặc thù khu vực Tây Nam Bộ, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2023.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các tỉnh ủy, thành ủy vùng đồng bằng sông Cửu Long lãnh đạo công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
    POWERED BY