Đào tạo - Bồi dưỡng

Đóng góp của Viện Quyền con người vào sự phát triển của Học viện trong 30 năm (1994 - 2024)

27/09/2024 10:32

(LLCT) - Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển Viện Quyền con người đoàn kết một lòng thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Học viện trong thời kỳ đổi mới. Bài viết khái quát những đóng góp trên các mặt hoạt động của Viện từ ngày thành lập đến nay và những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của Viện trong thời gian tới nhằm góp phần quan trọng vào xây dựng, phát huy truyền thống vẻ vang 75 năm của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

PGS, TS TƯỜNG DUY KIÊN
Viện Quyền con người,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tập thể cán bộ, giảng viên Viện Quyền con người (Ảnh chụp năm 2021)

1. Mở đầu

Viện Quyền con người thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu quyền con người, được thành lập năm 1994; năm 1996, được đổi tên thành Viện Nghiên cứu quyền con người; năm 2018 được đổi tên là Viện Quyền con người.

Viện có chức năng, nhiệm vụ: Giáo dục, đào tạo về quyền con người trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện (cao cấp lý luận, thạc sĩ, tiến sĩ pháp luật về quyền con người); nghiên cứu lý luận và pháp luật về quyền con người; thực hiện các chương trình, đề án, dự án hợp tác nghiên cứu khoa học và tham gia giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, đào tạo trong nước, nước ngoài về quyền con người theo quy định của pháp luật và của Học viện…

2. Các đóng góp của Viện đối với sự phát triển của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Thứ nhất, đóng góp trên lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Theo chức năng, nhiệm vụ của Viện, Viện tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thuộc các hệ lớp về quyền con người căn cứ kế hoạch của Giám đốc Học viện. Từ năm 2017, môn học Lý luận và pháp luật về quyền con người chính thức được đưa vào chương trình giảng dạy cho các lớp cao cấp lý luận chính trị. Bên cạnh đó, pháp luật về quyền con người cũng được đưa vào giảng dạy tại các lớp bồi dưỡng theo chức danh.

Về đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành Pháp luật về quyền con người: Đào tạo cao học chuyên ngành Pháp luật về quyền con người thuộc ngành Luật học được bắt đầu từ năm 2015. Đến nay, Viện Quyền con người đã phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Học viện thực hiện tuyển sinh, đào tạo và đã có gần 500 học viên được nhận bằng thạc sĩ pháp luật về quyền con người.

Về đào tạo trình độ tiến sĩ: Từ năm 2021, Viện được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo thí điểm ngành Pháp luật về quyền con người trình độ tiến sĩ. Đến nay, đã mở được 3 khóa với trên 30 nghiên cứu sinh.

Ngoài các chương trình đào tạo, bồi dưỡng thực hiện theo kế hoạch của Giám đốc Học viện, nhiều cán bộ của Viện còn tham gia giảng dạy về quyền con người theo chương trình của Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ; phối hợp với các bộ/ ngành (như: Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) trong khuôn khổ Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, tổ chức tập huấn kiến thức về quyền con người ở các khu vực, tỉnh/thành phố; giảng dạy, báo cáo chuyên đề tại các cơ quan, đơn vị, địa phương tham gia các hội thảo quốc tế/quốc gia liên quan đến quyền con người; tham gia hướng dẫn, chấm luận văn/luận án trong và ngoài Học viện về các đề tài liên quan đến quyền con người.

Viện đã tích cực chỉ đạo việc đổi mới phương pháp dạy - học. 100% giảng viên của Viện đã áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực, phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Trong 5 năm qua, hầu hết các cán bộ giảng dạy và nghiên cứu của Viện đều được cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy tại các khóa dài hạn hoặc ngắn hạn ở trong hoặc ngoài nước. Viện luôn đề cao việc cán bộ, giảng viên tự học tập, tự nâng cao trình độ thông qua các hình thức học tập, do vậy năng lực và trình độ của cán bộ, giảng viên được nâng lên và thể hiện tốt qua các bài giảng, các sản phẩm nghiên cứu.

Thứ hai, đóng góp trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học

Xác định nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, Viện luôn chú trọng nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản, đồng thời triển khai nghiên cứu những vấn đề thực tiễn, cấp bách về quyền con người trong bối cảnh mới. Xây dựng, đề xuất và thực hiện kế hoạch khoa học theo hướng thiết thực; thu hút nhiều cán bộ tham gia và triển khai các hoạt động khoa học được phân cấp một cách hiệu quả. Hội đồng Khoa học của Viện đã tham mưu cho Lãnh đạo viện xây dựng chương trình hoạt động khoa học hằng năm và có chiến lược nghiên cứu khoa học dài hạn theo chức năng, nhiệm vụ.

Sau 30 năm xây dựng và trưởng thành, hoạt động khoa học của Viện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng cả về số lượng và chất lượng. Đến năm 2024, Viện đã triển khai hàng trăm đề tài các cấp (cấp cơ sở, cấp bộ và cấp nhà nước). Riêng trong 5 năm, từ năm 2019 đến 2024, Viện đã và đang triển khai 19 đề tài cấp cơ sở, 5 đề tài cấp bộ và 1 đề tài cấp nhà nước. Ngoài ra, Viện cũng tổ chức thành công nhiều hội thảo khoa học cấp cơ sở, cấp bộ, cấp quốc gia và quốc tế. Một số đề tài đã được nghiệm thu đạt loại xuất sắc và khá. Hầu hết kết quả nghiên cứu khoa học của Viện đều được xã hội hóa, phục vụ trực tiếp hoạt động giảng dạy cao cấp lý luận chính trị và sau đại học. Nhìn chung, các kết quả nghiên cứu đều có giá trị tham khảo cho công tác tư tưởng, lý luận của Đảng cũng như tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức xã hội về quyền con người ở Việt Nam. Hằng năm, Viện tổ chức cho cán bộ, giảng viên đi nghiên cứu, khảo sát tình hình thực hiện quyền con người ở các địa phương. Hoạt động nghiên cứu đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, giảng viên của Viện, phục vụ tốt công tác giảng dạy.

Cán bộ, giảng viên của Viện đã viết nhiều bài đăng báo, tạp chí uy tín trong nước (như: báo Nhân dân, Quân đội nhân dân; Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Lý luận chính trị, Tạp chí Lịch sử Đảng, Tạp chí Nhân quyền Việt Nam, Tạp chí Pháp luật về quyền con người, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật...), đồng thời đã có nhiều bài được đăng trên các tạp chí quốc tế. Cán bộ, giảng viên của Viện được mời báo cáo tại nhiều hội thảo khoa học quốc tế, quốc gia về quyền con người do các bộ, ban, ngành và tổ chức quốc tế tổ chức.

Thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tất cả cán bộ, giảng viên của Viện Quyền con người đều xác định đây là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, đã vận dụng sáng tạo, hiệu quả, đa dạng hóa các hình thức như giảng dạy lồng ghép, nghiên cứu khoa học; viết bài đăng trên các báo, tạp chí, tọa đàm, hội thảo, website Việt Nam thịnh vượng (http://thinhvuongvietnam.com); thực hiện các phóng sự, bình luận hoặc chia sẻ bài viết có nội dung đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các mạng xã hội. Một số giảng viên của Viện đã được mời tham gia, trao đổi, trả lời phỏng vấn trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Truyền hình Công an nhân dân...

Hưởng ứng cuộc thi chính luận theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW, năm 2022 và 2023, 100% cán bộ, giảng viên của Viện đã tham gia cuộc thi chính luận Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới với nhiều loại hình như bài viết tạp chí, bài báo; có 2 giảng viên của Viện đã được nhận giải B và C.

Cùng với công tác nghiên cứu phục vụ giảng dạy, đào tạo, Viện đặc biệt quan tâm chắt lọc kết quả nghiên cứu để xây dựng các báo cáo kiến nghị, tư vấn cho Đảng, Nhà nước về quyền con người. Đến nay, Viện đã có 3 báo cáo kiến nghị được gửi đến các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong đó 2 báo cáo kiến nghị góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII và 1 báo cáo kiến nghị về nội dung quyền con người trong Văn kiện Đại hội XIV của Đảng(1).

Thứ ba, đóng góp trên lĩnh vực hợp tác quốc tế

Nhận thức được quyền con người vừa là bộ môn khoa học, nhưng lại mang tính chính trị, nhạy cảm, phức tạp, Viện luôn quán triệt lấy quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quan điểm chỉ đạo của Giám đốc Học viện là cơ sở quan trọng cho mọi hoạt động đối ngoại của Viện.

Trên cơ sở đề cao nhiệm vụ chính trị, thông qua việc thiết lập quan hệ với các đối tác trong và ngoài nước, Viện luôn chủ động xây dựng và duy trì tốt các quan hệ hợp tác tin cậy với các đối tác quốc tế thông qua việc chủ động đề xuất nội dung hợp tác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, coi đó là một hướng đi quan trọng giúp tiếp cận nhanh tri thức về quyền con người và những vấn đề mới nảy sinh. Đây là một trong những yếu tố góp phần tạo nên thành công và tạo điểm nhấn về thế mạnh của Viện.

Trong 30 năm xây dựng và phát triển, ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Viện đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ và cho phép triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế với nhiều đối tác như: Cơ quan Hợp tác và phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA), Đại học New South Wales (Ôxtrâylia), Viện Quyền con người và Luật Nhân đạo (Đại học Lund, Thụy Điển), Viện Quyền con người Đan Mạch, Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), UNICEF, UNIFEM/UN Women, Quỹ bảo tồn thiên nhiên quốc tế, Bộ Tư pháp Đức, Đại sứ quán Thụy Sĩ, Đại sứ quán Hà Lan, Ủy ban Nhân quyền Ôxtrâylia...

Các chương trình hợp tác tập trung vào nghiên cứu các vấn đề có tính chất lý luận và thực tiễn trong đời sống quốc tế trên lĩnh vực quyền con người; cập nhật những vấn đề mới - mối quan tâm toàn cầu; trao đổi khoa học trên lĩnh vực quyền con người, giáo dục quyền con người, tìm hiểu những vấn đề còn nhiều tranh luận về quyền con người trong giới chuyên gia, học giả quốc tế và giữa các khu vực, nền văn hóa, thực tiễn, chính sách, pháp luật quốc gia và quốc tế, khu vực và toàn cầu.

Một số hoạt động hợp tác quốc tế đã giúp cho Viện nâng cao năng lực thông qua việc biên dịch các tài liệu, ấn phẩm của Liên hợp quốc về quyền con người. Các kết quả của chương trình hợp tác quốc tế hầu hết đã được xã hội hóa. Các ấn phẩm của Viện được xuất bản, hình thành một hệ thống các tài liệu rất cơ bản, giúp cho cán bộ, giảng viên của Viện nói riêng, người nghiên cứu nói chung có tài liệu tham khảo, nghiên cứu và hiểu sâu sắc hơn các quy định quốc tế về quyền con người. Các tài liệu còn có giá trị tốt góp phần cho việc nghiên cứu so sánh giữa pháp luật, chính sách của Việt Nam với các quy định quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia.

Một số chương trình nghiên cứu hợp tác còn đề xuất ý kiến trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, như đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung: Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013; các luật, bộ luật, kiến nghị xây dựng luật, như Luật Tiếp cận thông tin...

Từ năm 2017, được sự đồng ý của Giám đốc Học viện, Viện đã chủ động, tích cực trao đổi xây dựng quan hệ hợp tác với Đại sứ quán Ôxtrâylia và Ủy ban Quyền con người Ôxtrâylia về giáo dục quyền con người. Tại chuyến thăm và làm việc đầu năm 2019, Giám đốc Học viện và Chủ tịch Ủy ban quyền con người Ôxtrâylia đã ký Bản ghi nhớ về chương trình hợp tác 3 năm (2019 - 2021) hỗ trợ Việt Nam đưa nội dung giáo dục quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân(2) và hiện nay đang triển khai chương trình hợp tác 3 năm (2024 - 2026)(3).

Viện Quyền con người đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế chung của Học viện, như tham gia các đề tài, dự án hợp tác quốc tế của Học viện với các đối tác nước ngoài. Đặc biệt, Viện còn tham vào công tác chung của Nhà nước trên lĩnh vực đối thoại, hợp tác, đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người, tiếp các đoàn quốc tế đến tìm hiểu công tác nghiên cứu, giảng dạy quyền con người ở Việt Nam và các vấn đề có liên quan.

Viện đã có nhiều sáng kiến, chủ động tìm kiếm và thiết lập các quan hệ hợp tác quốc tế đem lại nhiều thành tựu có ý nghĩa vừa góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ của Viện, vừa tạo ra được hệ thống các tài liệu truyền thông về quyền con người. Tận dụng được các nguồn lực để tổ chức nhiều khóa đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về quyền con người cho cán bộ các cấp như: các đại biểu dân cử, viện kiểm sát, tòa án, giảng viên trong hệ thống Học viện và các trường chính trị tỉnh về chủ đề: Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và một số nước về quyền con người; Bảo đảm quyền con người trong hoạt động tố tụng hình sự; Quyền trẻ em; Bình đẳng giới; HIV/AIDS và quyền con người; Quyền tiếp cận thông tin; Quyền con người và vấn đề môi trường; Luật quốc tế về quyền con người và Luật Nhân đạo quốc tế, đặc biệt chương trình hợp tác với Ủy ban Quyền con người Ôxtrâylia hỗ trợ thực hiện Đề án về đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân…

Các hoạt động hợp tác quốc tế của Viện vừa đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn, tuân thủ đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Học viện, vừa tăng cường năng lực chuyên môn cho cán bộ, giảng viên của Viện, vừa quảng bá hình ảnh của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thành quả về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Thứ tư, đóng góp trong xuất bản Tạp chí Pháp luật về Quyền con người

Tạp chí Pháp luật về Quyền con người được xây dựng trên cơ sở Bản tin Nhân quyền ra số đầu vào tháng 1-2018 và xuất bản 3 tháng/ 1 kỳ. Đến nay, Tạp chí đã xuất bản được 37 số, trong đó có 33 số (bao gồm cả số chuyên đề) xuất bản bằng tiếng Việt; 4 số chuyên đề xuất bản bằng tiếng Anh.

Tạp chí công bố các kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn mới về quyền con người, tạo diễn đàn khoa học cho các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà quản lý trao đổi, thảo luận về các vấn đề lý luận, pháp luật về quyền con người, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về quyền con người; các vấn đề lý luận mới về quyền con người trong thế giới đương đại.

Tạp chí chuyên đề tiếng Anh là cơ sở quan trọng nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, nâng uy tín khoa học của Viện, góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc về quyền con người. Chất lượng của Tạp chí ngày càng được nâng cao. Từ năm 2020, Tạp chí đã được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận và tính điểm 0,5 cho mỗi bài được công bố trên Tạp chí.

Thứ năm, đóng góp trong tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân

Nhằm cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và thực hiện Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, Viện đã kiến nghị Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân (Quyết định số 1039/QĐ-TTg ngày 5-9-2017) và trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về giáo dục quyền con người (Chỉ thị số 34/TTg ngày 21-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào Chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân).

Thủ tướng Chính phủ giao Học viện là cơ quan chủ trì Đề án, phối hợp cùng các bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) trực tiếp triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án. Là cơ quan thường trực đề án, Viện làm nhiệm vụ tham mưu Giám đốc Học viện trong việc đôn đốc và phối hợp, hỗ trợ về nội dung cho các bộ, Viện trực tiếp tổ chức thực hiện và đã đạt được khối lượng lớn công việc, trong đó có việc triển khai các hoạt động về nghiên cứu khoa học; tổ chức các hội thảo khoa học, hội nghị về quyền con người. Đáng chú ý là Hội nghị toàn quốc về triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hội nghị Ban Điều hành Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Viện đã tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho 560 đại biểu là cán bộ của các bộ, ngành tham gia thực hiện Đề án, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, giảng viên, phóng viên, biên tập viên. Đồng thời, Viện đã sưu tầm và lựa chọn dịch một số tài liệu tiếng Anh sang tiếng Việt về nội dung và phương pháp giáo dục quyền con người trong các cấp học; xây dựng khung chương trình đào tạo sau đại học. Về biên soạn và xuất bản sách và tài liệu về quyền con người, đến nay, Viện đã biên soạn 19 cuốn sách và tài liệu tham khảo, trong đó có 7 sách chuyên khảo và 12 cuốn sách, tài liệu tham khảo về quyền con người, đã in được 11 cuốn sách.

Phấn đấu đạt mục tiêu của Đề án là 100% cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy về quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân được tập huấn, bồi dưỡng; hoàn thành việc biên soạn và đưa vào sử dụng sách giáo khoa, giáo trình, các tài liệu tham khảo về quyền con người phục vụ giảng dạy, đào tạo phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân; đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức giáo dục quyền con người cho người học(4).

3. Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

Là một đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, mọi hoạt động của Viện nằm trong tổng thể phát triển chung của cả Học viện, trong đó định hướng xây dựng và phát triển Viện bám sát các chủ trương, định hướng lớn về phát triển Học viện, thực hiện tốt đổi mới về nội dung chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy, thực hiện kỷ cương, kỷ luật; quản lý theo hướng thiết thực, với phương châm “Đột phá, sáng tạo, chất lượng, hiệu quả”. Đồng thời, với tư cách là một viện chuyên ngành về quyền con người, các hoạt động của Viện có sự lan tỏa rộng rãi không chỉ trong nước, mà còn ra quốc tế, do đó cần tiếp tục tham gia tích cực và có hiệu quả vào các hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về quyền con người, góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về quyền con người, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước để góp phần hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách về quyền con người và tham gia mặt trận đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc về quyền con người ở Việt Nam.

Nhiệm vụ xây dựng và phát triển Viện trong thời gian tới là:

Một là, về công tác đào tạo, bồi dưỡng

Nỗ lực thực hiện tốt nội dung, chương trình đào tạo các hệ lớp theo kế hoạch; chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ pháp luật về quyền con người.

Cán bộ, giảng viên của Viện tích cực thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường khả năng tương tác giữa giảng viên và học viên, lấy người học làm trung tâm, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học; đồng thời bảo đảm tính kỷ cương, kỷ luật, chất lượng, giúp học viên tiếp nhận tri thức lý luận một cách chủ động, sáng tạo, trên cơ sở đó góp phần tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người một cách hiệu quả trong lĩnh vực công tác của học viên.

Ngoài chương trình, đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch được giao, Viện tiếp tục tham gia phối hợp các bộ, ngành và địa phương bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Hai là, về công tác nghiên cứu khoa học

Chú trọng đề xuất, triển khai các đề tài theo hướng bám sát thực tiễn, kết hợp giữa nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn trong nước; dự báo xu hướng, phát triển các quan điểm, tư tưởng mới về quyền con người trong khu vực và thế giới, nhất là ở những nước phát triển và đang phát triển. Nghiên cứu phục vụ đào tạo; chắt lọc kết quả nghiên cứu để đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về quyền con người, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người gắn với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thứ ba, về hợp tác quốc tế

Tiếp tục duy trì và mở rộng thêm các đối tác phù hợp. Nắm vững quan điểm hợp tác quốc tế phục vụ nhiệm vụ đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu khoa học của Viện Quyền con người, đồng thời quảng bá những thành tựu trong thúc đẩy, bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.

Thứ tư, về phát triển Tạp chí Pháp luật về Quyền con người

Nghiên cứu phát triển Tạp chí Pháp luật về Quyền con người trở thành tạp chí có uy tín khoa học hàng đầu về quyền con người ở Việt Nam. Từng bước phát triển, đưa Tạp chí bản tiếng Anh tới đông đảo độc giả nước ngoài, phát triển tạp chí điện tử.

Thứ năm, về xây dựng đội ngũ cán bộ

Xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm các tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, phong cách làm việc; có trình độ chuyên môn sâu, có kinh nghiệm thực tiễn, khoa học và sáng tạo về phương pháp, kỹ năng giảng dạy, nghiên cứu, có tiềm năng trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học; khắc phục cơ bản tình trạng hẫng hụt cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học, bảo đảm sự phát triển liên tục và vững chắc giữa các thế hệ cán bộ, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Thứ sáu, thực hiện đề án, dự án về giáo dục quyền con người

Triển khai thực hiện giáo dục quyền con người không chỉ trong các cấp, bậc học mà tiến tới bồi dưỡng kiến thức về quyền con người trong toàn hệ thống chính trị.

Thứ bảy, tham gia hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ trong các hoạt động chung để thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền; đề xuất quan điểm, luận cứ khoa học cùng các bộ, ngành thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được phân công; tích cực đóng góp các ý kiến về báo cáo quốc gia theo cơ chế kiểm điểm định kỳ (UPR), các báo cáo quốc gia thực hiện các công ước quốc tế về quyền con người, tham gia cùng các đoàn công tác của Chính phủ bảo vệ báo cáo trong khuôn khổ Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế khác của Liên hợp quốc.

4. Kết luận

Phát huy kết quả đạt được trong chặng đường 30 năm góp phần vào sự phát triển chung của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, với những kinh nghiệm và phương hướng, nhiệm vụ trong sự định hướng phát triển chung của Học viện trong giai đoạn mới, tập thể cán bộ, giảng viên Viện Quyền con người tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng Viện trở thành viện chuyên ngành có uy tín cao trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác trong nước và quốc tế trên lĩnh vực quyền con người, đóng góp vào sự phát triển của Học viện.

_________________

Ngày nhận bài: 19-8-2024; Ngày bình duyệt: 26-8-2024; Ngày duyệt đăng: 05-9-2024.

(1) Báo cáo kiến nghị vận dụng phương pháp “Tiếp cận quyền con người trong hoạch định chính sách phát triển ở Việt Nam hiện nay”; Báo cáo bảo đảm quyền con người trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam….

(2) Kết quả hợp tác giai đoạn này là đã ra mắt phiên bản tiếng Việt RightsApp trên điện thoại thông minh, cho phép tra cứu bản dịch các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người; đào tạo được đội ngũ giảng viên nguồn về nội dung và phương pháp giáo dục quyền con người; đào tạo được 160 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cốt cán các cấp trong hệ thống giáo dục; lựa chọn và dịch một số tài liệu về giáo dục quyền con người từ tiếng Anh sang tiếng Việt.

(3) Chương trình hợp tác giai đoạn 2 tập trung vào tiếp tục đào tạo nội dung và phương pháp giáo dục quyền con người cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; nghiên cứu quyền của người cao tuổi.

(4) Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 5-9-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đóng góp của Viện Quyền con người vào sự phát triển của Học viện trong 30 năm (1994 - 2024)
    POWERED BY