Thực tiễn

Cải cách thủ tục hành chính trong Đảng ở Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

14/10/2024 15:04

(LLCT) - Cải cách thủ tục hành chính trong Đảng là một nội dung quan trọng góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Trong thời gian qua, Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã chú trọng cải cách thủ tục hành chính và đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, xây dựng Đảng bộ Học viện trong sạch, vững mạnh. Bài viết làm rõ thực tiễn cải cách thủ tục hành chính ở Đảng bộ Học viện thời gian qua và đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ở Đảng bộ Học viện trong thời gian tới.

TS HÀ VĂN LUYẾN
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng tái đắc cử Bí thư Đảng ủy Học viện ...
Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020-2025 ra mắt Đại hội _ Ảnh: HCMA

1. Mở đầu

Cải cách thủ tục hành chính trong Đảng là một trong những giải pháp, nhiệm vụ quan trọng để đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Nội dung chủ yếu của cải cách thủ tục hành chính trong Đảng bao gồm cải cách thủ tục trong việc xây dựng và ban hành các văn kiện của cấp ủy các cấp; cải cách thủ tục trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với các cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội; cải cách các thủ tục trong công tác cán bộ; cải cách thủ tục trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Mục đích của cải cách thủ tục hành chính trong Đảng là khắc phục, loại bỏ những thủ tục rườm rà, bất hợp lý; xóa bỏ tình trạng hành chính hóa, tạo thuận lợi cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

2. Yêu cầu tất yếu phải cải cách thủ tục hành chính trong Đảng

Kết luận số 82-KL/TW ngày 16-8-2010 của Bộ Chính trị về cải cách thủ tục hành chính trong Đảng xác định “Cải cách thủ tục hành chính trong Đảng là nội dung quan trọng, là quá trình liên tục đặt trong tổng thể cải cách hành chính của hệ thống chính trị nhằm góp phần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội cũng như bản thân công tác xây dựng Đảng trong thời kỳ đổi mới”(1). Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17-11-2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới khẳng định “việc đổi mới phương thức lãnh đạo gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực cầm quyền, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, hiệu quả của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị và trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng”(2).

Thực hiện Kết luận số 82-KL/TW, công tác cải cách thủ tục hành chính trong Đảng đã đạt kết quả tích cực, các thủ tục hành chính ngày càng đầy đủ, chặt chẽ, được công khai, minh bạch; được rà soát, sửa đổi, bãi bỏ theo hướng đơn giản hóa, thuận tiện cho cán bộ, đảng viên, góp phần cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, cải cách thủ tục hành chính trong Đảng vẫn còn một số hạn chế, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “chưa khắc phục được tình trạng ban hành nhiều nghị quyết”(3). Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII tiếp tục nhấn mạnh: “chậm khắc phục tình trạng ban hành nhiều văn bản, một số văn bản còn chung chung, dàn trải, chậm bổ sung, sửa đổi, thay thế”(4).

Trong bài viết Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chỉ rõ: “cải cách hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc trong Đảng còn chậm; hội họp vẫn nhiều (…) cải cách hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc trong Đảng chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới”(5). Điều này đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng, nhất là cải cách thủ tục hành chính, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng bảo đảm đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, tiến vào kỷ nguyên mới. Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII chỉ rõ: “Hoàn thiện quy định về ban hành văn bản của Đảng bảo đảm khoa học, thực tiễn, hệ thống, chặt chẽ. Rà soát, phát hiện, khắc phục những nội dung còn chồng chéo, mâu thuẫn trong các văn bản của Đảng đã ban hành, hủy bỏ những văn bản không còn phù hợp”(6).

3. Thực tiễn cải cách thủ tục hành chính ở Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Đảng bộ Học viện Chính quốc gia Hồ Chí Minh là đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương. Đảng bộ Học viện gồm 35 đảng bộ, chi bộ cơ sở trực thuộc (8 đảng bộ, 27 chi bộ), với 1.830 đảng viên; ngoài ra, hằng năm, Đảng bộ Học viện còn quản lý hơn 3.000 đảng viên sinh hoạt đảng tạm thời là học viên các hệ lớp tại Học viện.

Khẳng định vai trò hạt nhân lãnh đạo toàn diện các nhiệm vụ của Học viện, những năm qua, Đảng bộ Học viện luôn chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo theo hướng tập trung, thống nhất, tăng cường quản lý hệ thống đi đôi với phát huy vai trò trách nhiệm của các đơn vị tại Trung tâm Học viện và các học viện trực thuộc(7) và đã đạt được những kết quả tích cực, trong đó có công tác cải cách thủ tục hành chính, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, xây dựng Đảng bộ Học viện trong sạch, vững mạnh.

Một là, việc xây dựng và ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo được chú trọng và có nhiều đổi mới

Quy trình xây dựng văn bản có nhiều đổi mới từ khâu lựa chọn nội dung, dự thảo, lấy ý kiến đến khâu ban hành theo hướng ngắn gọn, cụ thể, rõ việc, rõ trách nhiệm. Quy trình xây dựng các dự thảo văn bản được cải tiến theo hướng mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch, lấy ý kiến tham gia của các cơ quan chuyên môn, cấp ủy, do vậy đã bảo đảm chất lượng, phù hợp với thực tiễn và được chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc. Nội dung các văn bản “bảo đảm ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện; tập trung vào những lĩnh vực quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá, với phương châm hướng vào cơ sở, bảo đảm tính kịp thời, chất lượng, có tầm nhìn, sát thực tiễn và khả thi”(8). Văn bản do Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện ban hành xác định đúng thẩm quyền, thể thức và nội dung bảo đảm đúng quy định; rõ về nội dung lãnh đạo, chỉ đạo, thời gian hoàn thành, cơ quan chủ trì tham mưu, phối hợp thực hiện nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và hiệu quả công việc.

Từ năm 2010 đến nay, Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện đã ban hành: 82 nghị quyết; 3.243 quyết định; 187 kết luận (trong đó có 97 kết luận Mật); 42 hướng dẫn, 197 thông báo, 367 báo cáo (trong đó có 39 báo cáo Mật), 97 kế hoạch, 70 tờ trình, 1.598 công văn (trong đó có 23 công văn Mật), 05 chỉ thị, 06 quy chế, 11 chương trình, 07 chương trình hành động để thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo trong các hoạt động của Học viện.

Hai là, việc ban hành các quy định, quy trình nghiệp vụ công tác theo lĩnh vực được chú trọng, phát huy tốt vai trò hướng dẫn các đảng bộ, chi bộ trực thuộc, nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính, thời gian thực hiện, bảo đảm công khai, minh bạch.

Các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Học viện đã tiến hành rà soát, đánh giá chất lượng, hiệu lực thi hành của từng loại văn bản đã ban hành, trên cơ sở đó tổng hợp, báo cáo Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện ban hành văn bản xử lý theo quy định; đồng thời, đề xuất bổ sung những quy định mới, nhằm bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Học viện. Văn phòng Đảng ủy Học viện đã nghiên cứu, quy định rõ thời gian xử lý, giải quyết đối với từng loại kiến nghị, đề xuất, xin chủ trương, ý kiến của các đảng ủy, chi bộ trực thuộc. Các văn bản của đảng ủy, chi bộ trực thuộc xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện chỉ gửi một cơ quan trực tiếp có thẩm quyền tham mưu giải quyết.

Ba là, trong hoạt động lãnh đạo của Đảng ủy đối với Học viện, Ban Giám đốc Học viện thường xuyên báo cáo xin ý kiến Ban Thường vụ Đảng ủy theo Quy chế làm việc. Ngày 09-5-2024, Giám đốc Học viện đã ban hành Quyết định số 1867/QĐ-HVCTQG quy định trình ký các văn bản cần thông qua Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện, theo đó, Quyết định quy định rõ nguyên tắc áp dụng quy trình, các văn bản phải xin kiến của Ban Thường vụ Đảng ủy, trách nhiệm các đơn vị, đặc biệt là các bước quy trình xin ý kiến. Đảng bộ đã lãnh đạo Học viện cụ thể hóa và tổ chức thực hiện kịp thời chủ trương, quan điểm của Đảng về cải cách hành chính, chú trọng cải tiến chất lượng tham mưu, tổng hợp các văn bản, bảo đảm chất lượng cả về nội dung và hình thức, nâng cao chất lượng xây dựng văn bản; coi trọng công tác thẩm định văn bản trước khi trình xin ý kiến của Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy; đồng thời đổi mới phương pháp làm việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành.

Bốn là, các khâu trong công tác cán bộ được đổi mới, cụ thể hóa kịp thời, bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc, khách quan, đúng quy định.

Trên cơ sở quy định, hướng dẫn của Trung ương, của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Học viện đã chỉ đạo sử dụng thống nhất các mẫu biểu hồ sơ cán bộ, hồ sơ đảng viên theo mẫu của Trung ương, bảo đảm không phát sinh các mẫu biểu, hồ sơ khác ngoài quy định; hủy bỏ những mẫu biểu, hồ sơ không hợp lệ; cập nhật thường xuyên hệ thống danh mục các thủ tục hành chính trong công tác cán bộ, đảng viên; các thủ tục về bảo vệ chính trị nội bộ; cập nhật các quy định, thủ tục mới để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Điều này cho thấy, việc “thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính trong công tác tổ chức xây dựng Đảng theo đúng quy định, thời hạn, thẩm quyền; quy trình công tác đảng, nghiệp vụ đảng viên được thực hiện theo hướng khoa học; hoàn thiện quy trình, thủ tục kết nạp, quản lý đảng viên, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử và hoàn chỉnh hồ sơ, biểu mẫu công tác tổ chức xây dựng Đảng… góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả nhiệm vụ được giao”(9).

Năm là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng được chú trọng.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ đã chú trọng xây dựng và ban hành quy chế làm việc, các quy định, quy trình, trình tự thủ tục giải quyết các công việc trong công tác kiểm tra, giám sát theo hướng tinh gọn, đơn giản, dễ triển khai thực hiện, bảo đảm tính minh bạch, khách quan, dân chủ và khoa học, qua đó góp phần giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, ngăn chặn vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên. Điểm mới trong kiểm tra, giám sát ở Đảng bộ Học viện thời gian qua là nội dung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, đối tượng kiểm tra đa dạng; thành phần đoàn kiểm tra tinh gọn, quy định rõ, rút ngắn thời gian kiểm tra thực tế; kết luận kiểm tra, giám sát rõ ràng, cụ thể, xác định rõ trách nhiệm, bảo đảm tiến độ thực hiện.

Sáu là, đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ.

Xác định vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới, Ban Thường vụ Đảng ủy, Thường trực Đảng ủy chỉ đạo các đảng ủy trực thuộc và các cơ quan tham mưu, giúp việc đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động. Tập trung ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ thuật mật mã trong công tác văn thư để rút ngắn thời gian gửi, nhận văn bản, giảm giấy tờ hành chính. Việc xử lý văn bản đến và đi được thực hiện trong quy trình khép kín, các bước và thời gian thực hiện cụ thể; phân công cán bộ chủ trì tham mưu và phối hợp thực hiện nhiệm vụ; lãnh đạo đơn vị, cấp ủy theo dõi việc thực hiện kịp thời, thường xuyên, hạn chế đến mức thấp nhất ban hành văn bản giấy, sử dụng tài liệu giấy để tiết kiệm kinh phí...

Những kết quả nêu trên đã “khắc phục những thủ tục rườm rà, giảm bớt giấy tờ, giảm thời gian hội họp; đồng thời nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành văn bản”; “giúp cho Đảng bộ Học viện và đảng bộ, chi bộ trực thuộc giảm bớt được các công việc, tiết kiệm được thời gian để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của các đảng bộ, chi bộ và các đoàn thể, góp phần xây dựng Đảng bộ Học viện trong sạch, vững mạnh”(10).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cải cách thủ tục hành chính ở Đảng bộ Học viện vẫn còn một số hạn chế như: quy trình, thủ tục ban hành văn bản ở một số lĩnh vực còn chưa kịp thời, thiếu thống nhất; một số thủ tục hành chính chưa xác định rõ nội dung, yêu cầu trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo; việc cụ thể hóa các quy định của Trung ương vào điều kiện thực tiễn của Đảng bộ và từng đảng bộ, chi bộ trực thuộc còn chậm; công tác quản lý, khai thác hồ sơ đảng viên chưa được quan tâm cập nhật, bổ sung thường xuyên; “việc ứng dụng công nghệ mới vào tổ chức các hoạt động còn chậm”(11); công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện và tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện về cải cách thủ tục hành chính trong Đảng chưa thường xuyên. Những hạn chế, bất cập này cần sớm khắc phục trong thời gian tới.

4. Giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong Đảng ở Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu “xây dựng Đảng bộ Học viện đoàn kết, kỷ cương, gương mẫu, sáng tạo, hiệu quả; lãnh đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị”, một trong những giải pháp quan trọng là tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ Học viện, trong đó có công tác cải cách thủ tục hành chính. Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 đã chỉ rõ việc thực hiện “đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý theo hướng hiện đại”(12). Do vậy, trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, thống nhất một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng về cải cách hành chính trong Đảng, nhất là cải cách thủ tục hành chính.

Các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt và thực hiện có hiệu quả các văn bản của Trung ương về cải cách hành chính trong Đảng, nhất là Kết luận số 82-KL/TW ngày 16-8-2010 của Bộ Chính trị về cải cách thủ tục hành chính trong Đảng; Nghị quyết số 07-NQ/ĐUK ngày 31-8-2017 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương về đẩy mạnh cải cách hành chính trong công tác đảng của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương; Nghị quyết số 43-NQ/ĐU ngày 11-7-2024 về thúc đẩy chuyển đổi số tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cấp ủy, nhất là bí thư cấp ủy phải xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong công tác đảng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tại các đảng bộ, chi bộ mình quản lý, phụ trách, nhằm “tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính trong công tác đảng”(13).

Hai là, đổi mới quy trình, thủ tục hành chính trong tổ chức các cuộc họp, thẩm định và ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Học viện; đổi mới quy trình nghiệp vụ của các cơ quan tham mưu, giúp việc.

Hợp lý hóa, chuẩn hóa quy trình công tác về đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng bộ thông qua việc rà soát lại toàn bộ các quy trình, quy định đã ban hành; sửa đổi, bổ sung hoặc loại bỏ những thủ tục rườm rà, phức tạp, không cần thiết, “bảo đảm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, chuẩn hóa các quy trình thủ tục hành chính trong công tác đảng”(14); ban hành mới các quy trình, quy định còn thiếu trên các lĩnh vực công tác; các văn bản ban hành “phải ngắn gọn, rõ việc, có biện pháp và phân công thực hiện cụ thể; chỉ ban hành văn bản chỉ đạo khi thực sự cần thiết, tập trung vào việc hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá thực hiện”(15).

Thường xuyên tổ chức đánh giá sơ kết, tổng kết việc thực hiện các quy trình, quy định đã ban hành để kịp thời điều chỉnh, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành văn bản mới thay thế các quy trình, quy định không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn của Đảng bộ Học viện và các đảng bộ trực thuộc. Tăng cường vai trò, trách nhiệm và nâng cao năng lực của cơ quan chủ trì tham mưu, ban hành các thủ tục và các đơn vị có liên quan trong triển khai các quy trình được được chuẩn hóa. Phát huy vai trò, trách nhiệm của bí thư cấp ủy, tổ chức đảng trong tổ chức triển khai thực hiện.

Ba là, đẩy mạnh việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đảng để “rút ngắn thời gian gửi, nhận văn bản, giảm văn bản, giấy tờ hành chính trong các cơ quan, tổ chức đảng”(16).

Đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng số trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính như phần mềm quản lý văn bản đi - đến, phần mềm quản lý đảng viên; phần mềm quản lý đảng phí; phần mềm theo dõi, kiểm soát việc thực hiện các nghị quyết… nhằm “kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu dùng chung trong toàn bộ hệ thống Học viện”(17). Nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy, nhất là đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác đảng thông qua các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong việc tiếp cận công nghệ thông tin, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ đặt ra. Tăng cường “mở rộng hình thức họp trực tiếp kết hợp với trực tuyến; giảm hội họp không cần thiết”(18).

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính.

Tăng cường kiểm tra, giám sát và tổng kết việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, gắn với chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ Học viện và các đảng bộ, chi bộ trực thuộc. Việc kiểm tra, giám sát được tiến hành qua các hình thức: kiểm tra, giám sát thường xuyên, kiểm tra, giám sát theo chương trình, kế hoạch và kiểm tra bất thường, đột xuất, trong đó chú trọng kiểm tra, giám sát thường xuyên nhằm kịp thời uốn nắn, nhắc nhở các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Qua kiểm tra, giám sát, chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục, những ưu điểm cần phát huy; những tập thể, cá nhân làm không tốt có thể phải chuyển sang kiểm tra dấu hiệu vi phạm trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Thực hiện nghiêm việc “đưa nội dung thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong công tác đảng thành tiêu chí đánh giá, phân loại tổ chức đảng và đảng viên hằng năm”(19).

5. Kết luận

Cải cách thủ tục hành chính trong Đảng là nội dung, giải pháp quan trọng để đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng. Quán triệt các nghị quyết, chủ trương của Đảng, thời gian qua, công tác xây dựng và ban hành văn bản lãnh đạo của Đảng bộ Học viện từng bước được chuẩn hóa; các thủ tục hành chính được rà soát, sửa đổi theo hướng tinh gọn, đơn giản, dễ thực hiện; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách thủ tục hành chính của Đảng bộ Học viện được tăng cường... Những kết quả này giúp các cấp ủy giảm bớt đầu mối công việc, khâu trung gian để tối ưu hóa thời gian xử lý công việc, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động. Việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong Đảng của Đảng bộ Học viện đã góp phần quan trọng vào việc phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo Học viện hoàn thành xuất sắc nhiệm được Đảng và nhân dân giao.

_________________

Ngày nhận bài: 5-10-2024; Ngày bình duyệt: 7-10-2024; Ngày duyệt đăng: 14 -10-2024.

(1), (16) Bộ Chính trị: Kết luận số 82-KL/TW ngày 16-8-2010 về cải các thủ tục hành chính trong Đảng, Hà Nội, 2010, tr.1, 5.

(2), (4), (5), (6), (18) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.81-82, 82, 83, 103, 103.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Văn phòng Trung ương, Hà Nội, 2016, tr.197.

(7) Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 và các văn bản chỉ đạo, Nhà xuất bản Lý luận chính trị, Hà Nội, 2020, tr.29.

(8) Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ 2020-2025, Hà Nội, 2024, tr.22.

(9) Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Báo cáo số 154-BC/TW ngày 29-12-2023 về tổng kết thực hiện Kết luận số 82-KL/TW ngày 16-8-2010 của Bộ Chính trị khóa X về cải cách hành chính trong Đảng, Hà Nội, 2023, tr.6.

(10) Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Báo cáo số 154-BC/ĐU ngày 29-12-2024 về tổng kết thực hiện Kết luận số 12-KL/TW ngày 16-8-2010 của Bộ Chính trị khóa X về cải cách thủ tục hành chính trong Đảng, Hà Nội, 2023, tr.9.

(11), (12) Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 và các văn bản chỉ đạo, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2020, tr.22, 31.

(13), (14), (15), (19) Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương: Nghị quyết số 07-NQ/ĐUK ngày 31-8-2017 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương về đẩy mạnh cải cách hành chính trong công tác đảng của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, Hà Nội, 2017, tr.3, 3, 3, 5.

(17) Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Nghị quyết số 43-NQ/ĐU ngày 11-7-2024 về thúc đẩy chuyển đổi số tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội, 2024, tr.5.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cải cách thủ tục hành chính trong Đảng ở Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
    POWERED BY