(LLCT) - Học viện Chính trị khu vực III là đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bề dày lịch sử 75 năm hình thành và phát triển (1949 - 2024). Hành trình 75 năm từ Trường Đảng Liên khu V trong kháng chiến chống thực dân Pháp đến Học viện Chính trị khu vực III hiện nay, Học viện luôn thể hiện rõ bản sắc, vị thế, vai trò của Trường Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng nói chung và sự phát triển của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói riêng. Trong giai đoạn mới, Học viện Chính trị khu vực III nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xứng đáng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước khu vực miền Trung - Tây Nguyên; trung tâm nghiên cứu khoa học lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý.
PGS, TS ĐOÀN TRIỆU LONG
Học viện Chính trị khu vực III
1. Mở đầu
Học viện Chính trị khu vực III (Học viện III), tiền thân là Trường Đảng Liên khu V được thành lập năm 1949 có nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ khu vực Trung Bộ, đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong giai đoạn mới. Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển với nhiều tên gọi khác nhau (1949 - 2024)(1), Học viện III luôn giữ vững bản sắc, vị thế Trường Đảng đứng chân trên địa bàn khu vực các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên; có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp cách mạng và công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; tham mưu, tư vấn chính sách; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
2. Đóng góp của Học viện III vào sự phát triển của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Đóng góp của Học viện III vào sự phát triển của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thể hiện nổi bật trên các phương diện sau:
Thứ nhất, đóng góp vào công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trường Đảng là một trường học để đào tạo những chiến sĩ tiên tiến phấn đấu cho sự nghiệp của giai cấp vô sản... Các đồng chí phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta”(2), Học viện III luôn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn lý luận với thực tiễn; chú trọng rèn luyện tính đảng, tu dưỡng và nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng cho học viên các hệ lớp. Quán triệt Quyết định số 6589-QĐ/HVCTQG ngày 01-11-2018 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện III xác định phương châm hoạt động: Chủ động, tích cực đổi mới các mặt công tác; chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học và kiện toàn tổ chức của Học viện.
Giai đoạn từ năm 2020 đến nay (tháng 8-2024), Học viện III đã đào tạo, bồi dưỡng được 192 lớp/11.380 học viên, trong đó: Cao cấp lý luận chính trị, hệ tập trung 69 lớp/3.165 học viên, hệ không tập trung 80 lớp/5.234 học viên, hoàn chỉnh chương trình cao cấp lý luận chính trị, hệ không tập trung 6 lớp/397 học viên. Bồi dưỡng chức danh (tổ chức, kiểm tra, dân vận, văn phòng cấp ủy) 16 lớp/979 học viên; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức (đối tượng 3) 17 lớp/1.507 học viên. Phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đào tạo cao học, hệ không tập trung 4 lớp/98 học viên(3). Học viện III đã thường xuyên phối hợp với Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên mở lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý đương nhiệm thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy/Thành ủy quản lý (đối tượng ba) và cán bộ được quy hoạch các chức danh tương đương.
Quá trình đào tạo, bồi dưỡng và giáo dục lý luận chính trị ở Học viện III luôn quán triệt sâu sắc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”(4). Học viện III đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/ĐU của Đảng ủy; luôn đặc biệt coi trọng việc giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức cách mạng và rèn luyện tác phong chuẩn mực cho đội ngũ học viên; chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Học viện tăng cường tích hợp nội dung Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII, nội dung các nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng khóa XIII vào bài giảng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng và các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.
Đảng ủy Học viện III lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Phong trào thi đua ba tốt “Giảng dạy tốt, nghiên cứu tốt đối với giảng viên; học tập tốt, rèn luyện tốt đối với học viên; quản lý tốt, phục vụ tốt đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức”. Thực hiện nghiêm túc Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG ngày 26-10-2017 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị quyết chuyên đề số 04 -NQ/ĐU ngày 01-8-2024 của Đảng ủy Học viện về nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện văn hóa công sở tại Học viện III trong tình hình mới. Học viện III tổ chức Lễ phát động các hoạt động chào mừng kỷ niệm 75 năm Truyền thống Học viện (1949-2024); Lễ Phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn 2024; Lễ Khởi công xây dựng, tôn tạo Khu Lưu niệm Trường Đảng Khu V hướng tới kỷ niệm 75 năm Truyền thống Học viện tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Thứ hai, đóng góp vào công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn các vấn đề trong quá trình đổi mới và hội nhập ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện III có sự khởi sắc về quy mô, phương thức và chất lượng, góp phần tích cực nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, đấu tranh bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong giai đoạn 2017 - 2023, Học viện III đã thực hiện 157 đề tài khoa học các cấp, trong đó có 05 đề tài, dự án cấp nhà nước; 02 đề án cấp bộ trọng điểm; 01 dự án điều tra cơ bản cấp bộ; 04 đề tài cấp tỉnh phối hợp với các địa phương; 21 đề tài cấp bộ; 124 đề tài cấp cơ sở phân cấp và tự chủ. Học viện đã tổ chức và phối hợp với các đơn vị tổ chức được 179 cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học các cấp. Trong đó, 04 cuộc hội thảo cấp bộ; 54 cuộc hội thảo cấp cơ sở. Bên cạnh đó, các đơn vị nghiên cứu, giảng dạy của Học viện đã tổ chức 121 cuộc tọa đàm khoa học. Cán bộ khoa học của Học viện III công bố gần 1.000 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế; xuất bản được gần 100 đầu sách tham khảo, chuyên khảo(5).
Các kết quả nghiên cứu khoa học của Học viện luôn bảo đảm tính khoa học, tính đảng; góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; cung cấp luận cứ phục vụ quá trình hoạch định, thực thi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước trên địa bàn các tỉnh, thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Hoạt động nghiên cứu khoa học đã chứng minh vai trò hỗ trợ đắc lực cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng (nhất là với chương trình cao cấp lý luận chính trị); hỗ trợ cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của các đơn vị trực thuộc. Hoạt động nghiên cứu khoa học đã tạo môi trường thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học của Học viện, nhất là với cán bộ khoa học trẻ; tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng và nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác trong nghiên cứu khoa học với các đơn vị, địa phương trong khu vực cũng như các đối tác quốc tế. Năm 2018, với sự thành lập và đi vào hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa(6), công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông được đẩy mạnh, trở thành một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, có tính đặc thù của Học viện III so với các đơn vị khác trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Thứ ba, đóng góp trong xây dựng báo cáo kiến nghị, đề xuất chính sách phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo từ thực tiễn các tỉnh, thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên
Một trong những đóng góp nổi bật của Học viện III là xây dựng các báo cáo kiến nghị gửi Trung ương qua thực tiễn các tỉnh thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Từ năm 2017 đến nay, bên cạnh các báo cáo kiến nghị được chắt lọc từ các đề tài khoa học cấp bộ do Học viện thực hiện, có 04 báo cáo kiến nghị do Học viện III xây dựng đã được Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thông qua(7).
Học viện III đã chủ động đề xuất chủ đề các báo cáo kiến nghị phục vụ công tác xây dựng các dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng và đề xuất xây dựng 04 báo cáo đánh giá, tổng kết quá trình phát triển nhận thức, tư duy lý luận của Đảng qua 40 năm đổi mới phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại Học viện. Nội dung các báo cáo kiến nghị và báo cáo chắt lọc kết quả đề tài, hội thảo cơ bản đáp ứng yêu cầu về vận dụng kết quả nghiên cứu phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng ở Học viện. Các báo cáo kiến nghị của Học viện III đã góp phần cung cấp luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn cho Đảng, Nhà nước hoạch định chủ trương, chính sách phát triển đất nước; cho việc tham vấn chính sách ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Thứ tư, đóng góp trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới
Học viện III luôn xác định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, gắn liền với các hoạt động trên các lĩnh vực. Quán triệt Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị khóa XII “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện III đã triển khai nhiều hoạt động thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng và tuyên truyền, giáo dục.
Học viện III đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ phục vụ công tác này dưới các hình thức đề tài khoa học, tọa đàm, hội thảo khoa học, xây dựng các tuyến bài về bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Hoạt động nghiên cứu cung cấp các luận cứ khoa học cho việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được triển khai đến các đơn vị và toàn thể cán bộ, giảng viên của Học viện. Nổi bật là Hội thảo “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Ban Chỉ đạo 35 Học viện Chính trị khu vực III phối hợp Ban Chỉ đạo 35 Thành ủy Đà Nẵng phối hợp tổ chức ngày 26-10-2021.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nội dung triển khai thường xuyên trong hoạt động đầu khóa “Tuần lễ học viên” đối với các lớp hệ tập trung và không tập trung; được tích hợp trong các chuyên đề giảng dạy của chương trình cao cấp lý luận chính trị. Việc tích hợp các nội dung Nghị quyết số 35-NQ/TW vào bài giảng được các đơn vị giảng dạy chú trọng thực hiện, được xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Mô hình tổ chức và hoạt động của Đội công tác 35 trên không gian mạng thông qua Fanpage Những Ngọn lửa nhỏ, Group facebook “Những ngọn lửa nhỏ” (hơn 1.000 thành viên tham gia thường xuyên) và Cổng thông tin điện tử của Học viện đã được triển khai hoạt động khá hiệu quả. Từ năm 2019, Tạp chí Sinh hoạt lý luận mở chuyên mục “Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình mới” đăng tải nhiều bài viết có chất lượng cao của các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong và ngoài Học viện, là diễn đàn khoa học, chính trị tư tưởng có uy tín, thu hút sự tham gia, theo dõi của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cán bộ, giảng viên, học viên các hệ lớp của Học viện III luôn tích cực hưởng ứng, tham gia Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hằng năm do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phát động, coi đây là nhiệm vụ và sinh hoạt chính trị thường xuyên, quan trọng.
Ghi nhận những kết quả nổi bật trên các lĩnh vực hoạt động, Học viện III đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: năm 2001, Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2009); Chủ tịch nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh, năm học 2013 - 2014; Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua Chính phủ, năm 2014; được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, năm 2015; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tặng Bằng khen vì đã có thành tích điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 05 năm 2010-2015, năm 2018; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tặng danh hiệu thi đua cấp Bộ, năm 2018. Từ năm 2019 đến năm 2023, Học viện III đều đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, trong đó, năm 2019 và năm 2023, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tặng danh hiệu Cờ thi đua cấp Học viện.
3. Học viện III với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong thời kỳ mới
Học viện III với chức năng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên; nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý(8).
Trong những thập niên tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt, tác động đến quá trình xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, toàn diện đặt ra nhiều vấn đề mới cần được nghiên cứu, cung cấp các luận cứ khoa học, thực tiễn phục vụ hoạch định đường lối, chính sách, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI. Bối cảnh, yêu cầu của thời kỳ mới đòi hỏi Học viện III phải có bước chuyển mới để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giao.
Một là, Học viện III tập trung thực hiện tốt hai nhiệm vụ trọng tâm là công tác đào tạo, bồi dưỡng và công tác nghiên cứu khoa học. Đây là hai nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để khẳng định vai trò, vị thế, bản sắc Trường Đảng của Học viện III trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Đội ngũ cán bộ, giảng viên Học viện phát huy tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, tinh thần đổi mới, vượt mọi khó khăn, thách thức để không ngừng nâng cao chất lượng trong giảng dạy và hiệu quả trong nghiên cứu khoa học.
Hai là, tiến hành nghiên cứu, tổng kết quá trình 40 năm đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước từ thực tiễn các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên. Nội dung nghiên cứu, tổng kết tập trung vào các vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; vấn đề dân tộc, tôn giáo; vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo đảm quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại. Học viện chú trọng công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và khái quát, nâng lên tầm lý luận, đóng góp tích cực, hiệu quả việc chuẩn bị nội dung các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng.
Ba là, chủ động đề xuất, xây dựng các báo cáo kiến nghị, cung cấp những luận cứ khoa học từ thực tiễn các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên; tham mưu tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước trong hoạch định đường lối, chủ trương chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bốn là, tập trung triển khai hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ, củng cố, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; tăng cường đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ. Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của Học viện III, gắn với triển khai thực hiện các nội dung trong đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Cán bộ, giảng viên Học viện III luôn giữ vững vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng - lý luận; trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch.
Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ Học viện đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, có năng lực, phẩm chất, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên có lập trường chính trị vững vàng, phẩm chất tốt, lối sống lành mạnh, gương mẫu, trình độ chuyên môn cao, am hiểu thực tiễn, khát vọng cống hiến. Xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ, làm cho Đảng bộ Học viện, trước hết là Ban Thường vụ và tập thể lãnh đạo Học viện thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao.
4. Kết luận
Quá trình xây dựng và phát triển 75 năm của Học viện III (1949-2024) luôn thể hiện rõ bản sắc, vị thế của Trường Đảng ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Trong giai đoạn mới, Học viện III tăng cường “Đoàn kết - Trách nhiệm - Kỷ cương - Sáng tạo”, tập trung nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và sự phát triển của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 559 (9-2024)
Ngày nhận bài: 22-8-2024; Ngày bình duyệt: 26-8-2024; Ngày duyệt đăng: 05-9-2024.
(1) Trường Đảng Liên khu V (1949 - 1954); Trường Đảng Khu V (1961 - 1976); Trường Đảng Trung ương ở miền Trung và Tây Nguyên (1976 - 1982); Trường Nguyễn Ái Quốc III (1983 - 1993); Phân viện Đà Nẵng (1993 - 2005); Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III (2007 - 2014); Học viện Chính trị khu vực III (2014 đến nay).
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.95.
(3) Học viện Chính trị khu vực III: Báo cáo tổng kết 5 năm (2020-2024) công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian đến, ngày 07-5-2024.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Sđd, tr.208.
(5) Báo cáo số 236 -BC/HVCTKVIII của Học viện Chính trị khu vực III về hoạt động nghiên cứu khoa học giai đoạn 2017 - 2023.
(6) Quyết định số 1347-QĐ/HVCTKVIII ngày 31-7-2019 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, bộ máy, chế độ làm việc của Trung tâm Nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa.
(7) Năm 2021, Học viện đã xây dựng báo cáo kiến nghị: “Giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung và Tây Nguyên hiện nay” phục vụ cho kỳ họp năm 2021 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Năm 2022, Học viện III triển khai xây dựng 3 báo cáo kiến nghị: (1) “Giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ”; (2) “Giải pháp tăng cường liên kết vùng, phát huy vai trò của vùng Tây Nguyên trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; (3) “Giải pháp tăng cường liên kết vùng, phát huy vai trò của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050”. Học viện III đã tổ chức xây dựng báo cáo nghiên cứu kinh tế - xã hội địa phương: “Phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao và bền vững ở Tây Nguyên: Vấn đề, cơ hội và thách thức”. Năm 2023, Học viện III xây dựng báo cáo kiến nghị: “Phát triển kinh tế biển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
(8) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Quyết định số 6589-QĐ/HVCTQG ngày 01-11-2018 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị khu vực III, tr.1.