Thực tiễn

Kinh tế báo chí trong phát triển kinh tế số nhìn từ bối cảnh Việt Nam

18/07/2024 09:46

(LLCT) - Kinh tế báo chí là một trong các chức năng, nhiệm vụ tự thân, khách quan của báo chí. Đây là vấn đề không mới. Tuy nhiên, kinh tế báo chí hay toàn bộ hoạt động báo chí phải đặt trong tổng thể ý thức hệ, thể chế chính trị, pháp lý, lợi ích giai cấp và các điều kiện khác của từng quốc gia, dân tộc. Trên thế giới, mỗi quốc gia có cách quản lý báo chí riêng. Có quốc gia nhà nước quản lý, có quốc gia do tư nhân quản lý, có quốc gia kết hợp cả hai. Vì vậy, mỗi quốc gia có một nền báo chí riêng, phù hợp với quốc gia đó. Từ quan điểm trên, bài viết góp phần làm rõ hơn về kinh tế báo chí, kinh tế báo chí truyền thống và kinh tế báo chí số, đặc biệt, làm rõ vấn đề này trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, có tính đến yếu tố quốc tế nhằm nâng cao nhận thức và hành động phù hợp cho hiện tại và thời gian tới.

PGS, TS ĐINH VĂN HƯỜNG
Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn,
Đại học quốc gia Hà Nội

Kinh tế báo chí số - Xu hướng tất yếu phát triển nền Báo chí hiện đại
Kinh tế báo chí là một trong các chức năng, nhiệm vụ tự thân, khách quan của báo chí_ Ảnh minh họa: consosukien.vn
  1. Phát triển kinh tế báo chí Việt Nam trong bối cảnh hiện nay

Kinh tế báo chí Việt Nam đặt trong tổng thể điều kiện, bối cảnh:

Một là, kinh tế báo chí gắn với ý thức hệ là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, là độc lập dân tộc gắn với CNXH. Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị, xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân. Việt Nam không có báo chí tư nhân và kinh tế báo chí tư nhân. Báo chí đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Báo chí tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết, tập hợp quần chúng, tạo đồng thuận trong xã hội; định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam; đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, là cầu nối giữa Việt Nam và thế giới. Sứ mệnh, tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ của báo chí cách mạng Việt Nam là vậy.

Hai là, kinh tế báo chí hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và trong khuôn khổ pháp luật. Đây là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Luật Báo chí năm 2016 đã có những quy định tương đối cụ thể, tạo hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế báo chí. Tại khoản 2 Điều 21, quy định: “Nguồn thu của cơ quan báo chí gồm: a) Nguồn thu do cơ quan chủ quản báo chí cấp; b) thu từ bán báo, bản quyền xem các sản phẩm báo chí, quảng cáo, trao đổi, mua bán bản quyền nội dung; c) Thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí, các đơn vị trực thuộc cơ quan báo chí; d) Nguồn thu từ tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước”. Cũng tại khoản 1 điều này, xác định: “cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu. Tạp chí khoa học hoạt động phù hợp với loại hình của cơ quan chủ quản” hoặc Điều 37 xác định “liên kết trong hoạt động báo chí”.

Tuy nhiên, qua gần 8 năm thực hiện, Luật Báo chí năm 2016 đã bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế, chưa theo kịp với sự phát triển nhanh, hiện đại và phong phú của báo chí hiện nay. Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông thì có ít nhất 27 nội dung trong Luật này cần được sửa đổi trong thời gian tới. Đối với kinh tế báo chí, mặc dù đã được quy định tại 2 điều luật nói trên (Điều 21 và 37) nhưng chưa có văn bản nào giải thích và hướng dẫn cụ thể, rõ ràng việc thực hiện. Đặc biệt, là các qui định về hoạt động kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết, sự nghiệp có thu, kinh tế báo chí và báo chí làm kinh tế, kinh tế báo chí số… dẫn đến các đơn vị báo chí và cơ quan liên quan gặp khó khăn, lúng túng trong hoạt động, thậm chí bị lợi dụng, lạm dụng để vi phạm.

Ngoài Luật Báo chí năm 2016, kinh tế báo chí còn liên quan tới các văn bản khác, như: Ngày 03-4-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 362/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025”. Tại Quyết định này, tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng về “Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân. Phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt, theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn…”, đồng thời xác định, “Nhà nước có cơ chế, chính sách tài chính, tạo điều kiện cần thiết cho báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động các nguồn lực cho phát triển nhưng phải bảo đảm tôn chỉ, mục đích, không chay theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí. Các cơ quan báo chí được giao quyền tự chủ tài chính. Nhà nước tập trung đầu tư ngân sách cho một số cơ quan báo chí chủ lực thực hiện cơ chế đặt hàng đối với một số cơ quan báo chí phục vụ các nhiệm vụ chính trị được xác định”. Nội dung cơ bản của Quyết định này là sắp xếp lại các cơ quan báo chí, tăng cường công tác quản lý, vấn đề tự chủ tài chính ở các cơ quan báo chí… vẫn đang trong quá trình thực hiện.

Ba là, kinh tế báo chí hoạt động hài hòa với các chức năng, nhiệm vụ khác, như: Thông tin; định hướng chính trị, tư tưởng; nâng cao dân trí và giải trí; giám sát và phản biện xã hội… Điều này giúp cho chúng ta ngày càng nhận thức rõ hơn rằng “trong thực tiễn phát triển báo chí, nếu chỉ chú ý đến chức năng kinh tế, nhằm tối đa hóa lợi nhuận, không chỉ sa vào xu hướng tầm thường hóa báo chí mà bản thân sự phát triển kinh tế báo chí cũng không được bền vững. Bởi lẽ kinh tế báo chí về bản chất là các hoạt động kinh tế dựa trên các hoạt động nghề nghiệp báo chí, các hoạt động kinh tế chỉ là các hoạt động kinh doanh thuần túy như hoạt động kinh doanh khác, không còn là kinh tế báo chí”(1).

Như vậy, kinh tế báo chí mặc dù rất quan trọng nhưng cũng chỉ là một trong các chức năng khác của báo chí nói trên.

Bốn là, kinh tế báo chí chịu ảnh hưởng, tác động chung với tình hình quốc tế, khu vực và trong nước. Lịch sử và thực tiễn báo chí cho thấy, khi môi trường quốc tế, khu vực, trong nước ổn định, kinh tế - xã hội phát triển, an ninh - quốc phòng được bảo đảm thì báo chí và kinh tế báo chí có nhiều thuận lợi, phát triển tốt. Ngược lại, khi địa chính trị căng thẳng, xung đột vũ trang, xung đột tôn giáo, sắc tộc, mặt trái của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thiên tai, dịch bệnh, thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng, lương thực, lạm phát gia tăng, kinh tế giảm sút, xã hội bất ổn… thì báo chí và kinh tế báo chí sẽ vô cùng khó khăn, thách thức. Đại dịch covid - 19 vừa qua cho đến xung đột Nga - Ucraina, Hamas - Ixrael… hiện nay là minh chứng sinh động, cho thấy sự tác động, ảnh hưởng tích cực, tiêu cực càng nhanh và rõ nét.

Nhìn rộng ra, ở các nước tư bản phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản… Báo chí và truyền thông cơ bản là tư nhân hóa, vận hành theo cơ chế thị trường tư bản đầy đủ, hình thành các tổ hợp, tập đoàn báo chí, truyền thông quốc gia, xuyên quốc gia và đa quốc gia. Ở đó, ngoài chức năng thông tin - truyền thông thì hoạt động kinh tế và giải trí được coi trọng, tạo thành 3 trụ cột: Thông tin - truyền thông - kinh tế - giải trí, thúc đẩy và bổ sung lẫn nhau, hình thành ngành công nghiệp truyền thông.

Đương nhiên, lợi ích của báo chí, truyền thông tư bản gắn liền với lợi ích của giai cấp, thể chế chính trị tư bản cầm quyền, với lợi ích của các ông chủ tập đoàn báo chí, truyền thông đó và ngược lại. Có thể nói, kinh tế báo chí tư bản đã đi sớm, đi nhanh, đạt nhiều thành tựu và dày dạn kinh nghiệm. Tất nhiên cũng có những hạn chế, mặt trái và khuyết tật của nó.

Như vậy, báo chí cách mạng Việt Nam, hoạt động báo chí và kinh tế báo chí Việt Nam không thể tách rời bối cảnh, điều kiện của đất nước là: Ý thức hệ, thể chế chính trị, luật pháp, kinh tế thị trường định hướng XHCN; hài hòa các chức năng, nhiệm vụ; chịu ảnh hưởng, tác động của tình hình thế giới, khu vực, trong nước và nhận thức đầy đủ bối cảnh đó sẽ giúp hiểu đúng, đề xuất được giải pháp, lối đi phù hợp, hành động đúng, hiệu quả trong bài toán phát triển kinh tế báo chí Việt Nam với nhiều thuận lợi, thời cơ nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức như hiện nay và thời gian tới.

2. Từ kinh tế báo chí truyền thống đến kinh tế báo chí số

Kinh tế báo chí truyền thống là kinh tế hoạt động dựa trên các loại hình báo chí truyền thống như: Báo in, phát thanh, truyền hình… Các hình thức kinh tế báo chí truyền thống là: Phát hành; bán báo; quảng cáo; rao vặt; cho thuê trụ sở; liên doanh, liên kết trong và ngoài nước; xuất, nhập khẩu; tư vấn, chỉ dẫn; dịch vụ; kinh doanh các sản phẩm báo chí; hợp tác với doanh nghiệp; tài trợ của các tổ chức và cá nhân; cấp phát từ ngân sách nhà nước; cơ chế đặt hàng từ nhà nước và các nguồn thu hợp pháp khác…

Quá trình này thể hiện trong suốt chiều dài phát triển của “lịch sử báo chí Việt Nam”(gần 160 năm kể từ năm 1865) và “Báo chí cách mạng Việt Nam” (gần 100 năm kể từ năm 1925). Trong tiến trình đó, kinh tế báo chí thực hành ở nhiều cấp độ, mức độ khác nhau, tùy theo tình hình cụ thể của đất nước. Có thể nhìn một cách tổng quan như sau:

Một là, về loại hình báo chí: Ra đời ở các thời điểm khác nhau. Báo in sớm nhất, tiếp đó là báo nói (phát thanh, năm 1945), báo hình (truyền hình, năm 1970) và báo điện tử (năm 1997). Ngoài ra còn có Thông tấn xã Việt Nam ra đời từ năm 1945. Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam có đủ các loại hình báo chí, hãng thông tấn như các nước trên thế giới. Mỗi loại hình báo chí có đặc điểm, ưu thế, hạn chế riêng. Có hợp tác, phối hợp và chia sẻ lẫn nhau. Theo đó, kinh tế báo chí cũng gắn với từng loại hình báo chí phù hợp, phát huy tiềm năng, thế mạnh và hạn chế rủi ro ở mỗi loại hình.

Hai là, về nhiệm vụ chính trị của báo chí. Báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành, bám sát và phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, đất nước và nhân dân ở từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Đó là góp phần thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1930); thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (năm 1945), nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi (năm 1954); thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh ở miền Nam, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (ngày 30 - 4 - 1975), “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, thống nhất đất nước. Báo chí tiếp tục đồng hành, sát cánh cùng đất nước trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (năm 1977) và biên giới phía Bắc (năm 1979), chống chọi với sự sụp đổ của hệ thống XHCN ở Đông Âu và Liên Xô (năm 1991), từng bước phá bỏ bao vây, cấm vận, mở rộng hợp tác quốc tế và tích cực ủng hộ sự nghiệp đổi mới (năm 1986). Có thể nói, báo chí cách mạng nước ta đã tập trung cao độ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, phát triển quan hệ quốc tế, góp phần giữ gìn hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển trên thế giới.

Trong thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và thời đại của đất nước, có phần đóng góp quan trọng, tích cực và hiệu quả của báo chí. Báo chí đã hoàn thành tốt sứ mệnh chính trị của mình. Tuy nhiên, về kinh tế báo chí, do điều kiện lịch sử khách quan và chủ quan nói trên, mặc dù có thực hiện ít nhiều nhưng chưa được quan tâm đúng mức, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh, chưa hiệu quả. Đất nước và báo chí hoạt động trong cơ chế kế hoạch hóa, bao cấp. Trong thời gian dài, đất nước vô cùng khó khăn, kinh tế khủng hoảng, nhiều vấn đề xã hội bức xúc, đời sống nhân dân nghèo khổ, lạc hậu. Trong bối cảnh chung đó, cơ sở vật chất, kỹ thuật của cơ quan báo chí cũng cũ kỹ, nghèo nàn; đời sống người làm báo gặp nhiều khó khăn như các thành phần khác trong xã hội thời kỳ đó.

Sự nghiệp đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo từ Đại hội VI (1986) đã thổi một luồng gió mới vào đời sống xã hội, trong đó có báo chí. Đất nước chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa, bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng XHCN. Báo chí cũng tự đổi mới và phát triển, vận hành theo cơ chế thị trường đó. Báo chí có nhiều khởi sắc trong hoạt động kinh tế. Hình thức làm kinh tế được mở ra đa dạng, phong phú, đạt kết quả đáng ghi nhận. Nhiều cơ quan báo chí như: Lao động, Tiền phong, Thanh niên, Tuổi trẻ, Công an nhân dân, Đại đoàn kết, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Đài Phát thành - truyền hình Bình Dương, Đài Phát thanh - truyền hình Vĩnh Long, báo Nghệ An, Vnexpress, VietNamNet, Dân trí... và các cơ quan báo chí trung ương, bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương khác đã có nguồn thu tốt do đổi mới phương thức làm báo, nâng cao chất lượng nội dung, hấp dẫn về hình thức, bám sát cuộc sống, đầu tư cơ sở vật chất, hướng tới công chúng báo chí và kết hợp các hình thức kinh tế báo chí truyền thống với từng bước chuyển đổi kinh doanh nội dung số, kinh tế báo chí số.

Không ít các cơ quan báo chí đã tự cân đối được tài chính, nộp ngân sách nhà nước và nộp tỷ lệ phần trăm cho cơ quan chủ quản. Đời sống vật chất, tinh thần của người làm báo được cải thiện và từng bước được nâng cao.

Ba là, về cơ chế, chính sách. Mặc dù từ năm 1986 chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tuy nhiên cơ chế, chính sách cho kinh tế báo chí khá đa dạng, phong phú. Đó là kết hợp, đan xen các cơ chế: Nhà nước cấp phát ngân sách, Nhà nước đặt hàng cho một số cơ quan báo chí, Nhà nước tập trung đầu tư cho một số cơ quan báo chí theo hướng truyền thông đa phương tiện chủ lực, đơn vị sự nghiệp có thu, tăng cường huy động các nguồn lực cho phát triển nhưng phải bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích của báo chí, quyền tự chủ tài chính... Các cơ chế, chính sách này tạo nhiều điều kiện tốt nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức, lúng túng trong thực tiễn hoạt động kinh tế báo chí.

Bức tranh kinh tế báo chí Việt Nam những năm gần đây cho thấy, mặc dù có nhiều cố gắng, nỗ lực và đạt được một số thành tựu quan trọng, tuy nhiên nguồn thu chưa ổn định, tăng trưởng thấp, khó khăn, ảnh hưởng đến phát triển bền vững và bứt phá của các cơ quan báo chí.

Hiện nay, kinh tế báo chí phải đối mặt với thách thức, khó khăn chưa từng có: Xung đột vũ trang, sắc tộc và tôn giáo, căng thẳng địa chính trị, khủng hoảng năng lượng, lương thực, lạm phát gia tăng, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, tăng trưởng chậm... tất cả đều ảnh hưởng, tác động đến kinh tế báo chí.

Có thể nói, kinh tế báo chí truyền thống đã tồn tại và vận hành trong thời gian dài, có nhiều ưu thế và thành quả đáng trân trọng. Tuy nhiên, cũng bộc lộ khó khăn, hạn chế, thách thức trong bối cảnh cạnh tranh giữa các loại hình báo chí, thị phần, công chúng, truyền thông xã hội, kinh doanh nội dung số trên các nền tảng số và hệ sinh thái truyền thông số nói chung. Vì vậy, kinh tế báo chí truyền thống sẽ phải tìm hướng đi mới, hình thức mới, hiện đại, phù hợp xu thế là kinh tế báo chí số trong bối cảnh phát triển kinh tế số hiện nay và thời gian tới.

Kinh tế báo chí số là kinh tế báo chí dựa trên các nền tảng số, ứng dụng công nghệ số, hệ sinh thái số như Web, App, mạng xã hội Facebook, Youtube, Zalo, Istagram, Tiktok; các thiết bị di động (điện thoại thông minh, máy tính bảng, đồng hồ đeo tay…); Internet và các nền tảng số khác. Nói cách khác, kinh tế báo chí số là kinh tế báo chí truyền thống được tiếp nối, phát triển và bổ sung kinh doanh nội dung số, mô hình tổ chức, phương thức hoạt động kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số. “Công nghệ số trên nền tảng phát triển của Internet và sản phẩm báo chí, truyền thông là sự sáng tạo của con người, là tài nguyên và nguồn lực chính để vận hành toàn bộ nền kinh tế báo chí và truyền thông số”(2).

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, “chuyển đổi số là sự phát triển tiếp theo của công nghệ thông tin với sự xuất hiện của một số công nghệ mang tính đột phá của Cách mạng công nghệ 4.0. Công nghệ thông tin là nói tới phần mềm, máy tính, thường là riêng lẻ, tự động hóa những việc đang được làm một cách thủ công. Chuyển đổi số là nói đến các công nghệ mới của cách mạng 4.0 như: Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, Internet vạn vật…”(3).

Từ tháng 5-1997, khi Việt Nam nối mạng Internet toàn cầu đã mở ra cơ hội cho vô số các dịch vụ và tiện ích xã hội. Sự xuất hiện của báo điện tử lúc bấy giờ vừa bổ sung loại hình báo chí mới, vừa thúc đẩy, hiện đại hóa, số hóa từng bước trong hoạt động báo chí, trong đó có kinh tế báo chí. Những lợi thế của báo điện tử và công nghệ số đã kéo theo sự chuyển đổi nhanh chóng, mạnh mẽ của phát thanh, truyền hình, báo điện tử, báo in trong việc xây dựng tòa soạn hội tụ đa phương tiện, đa nền tảng, với môi trường làm việc ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp. Đại dịch Covid -19 vừa qua gây nhiều thiệt hại nhưng cũng là một “cú hích” để thay đổi nhận thức và hành động trong lĩnh vực này.

Trong bối cảnh phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và cùng với Quyết định 348/QĐ-TTg ngày 06-5-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” càng tạo thời cơ và điều kiện để chuyển đổi số báo chí. Theo đó, phát triển kinh tế báo chí số là một nhu cầu thiết yếu, khách quan, cần thiết, góp phần mang lại nguồn lực phát triển cho hoạt động báo chí, nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn và đời sống của người làm báo.

“Hiện nay, một số cơ quan báo chí đã đi tiên phong trong chuyển đổi số với các công nghệ tiêu biểu là: Trí tuệ nhân tạo (AI), IOT, Cloud, Bigdata… những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng báo chí: cá nhân hóa nội dung; đa nền tảng; báo chí di động; báo chí xã hội; báo chí dữ liệu; báo chí sáng tạo; siêu tác phẩm báo chí. Một số cơ quan báo chí khá thành công, trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại như: Thông tấn xã Việt Nam; VOV, VTV, VietnamPlus, VietnamNet, Vnexpress, Zing… hoặc một số cơ quan báo chí địa phương như: Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tuyên Quang. Thanh Hóa, Bắc Ninh… Tuy nhiên, còn nhiều đơn vị báo chí, nhất là báo chí ngành, địa phương chậm chuyển đổi số vì nhiều lý do khác nhau, trong đó khó khăn nhất là hạ tầng kỹ thuật, kinh phí và nhân lực”(4).

Với tình hình đó, công việc chuyển đổi số trong kinh tế báo chí cũng ở các mức độ, cấp độ khác nhau. Kinh tế báo chí số đã đạt được những thành công nhất định, tuy nhiên nhìn tổng thể là chưa đồng đều, chưa mạnh, chưa hiệu quả và bền vững. Có nhiều lý do khách quan và chủ quan, như: Tư duy kinh tế báo chí được bao cấp quá dài nên tâm lý trông chờ, ỷ lại vẫn còn; chưa thích ứng, thích nghi kịp với chuyển đổi số, kinh tế báo chí số; chậm và ngại thay đổi mô hình tổ chức và phương thức hoạt động kinh tế trong môi trường số; phụ thuộc vào các nền tảng xuyên biên giới; hạ tầng kỹ thuật, kinh phí và nhân sự chưa đáp ứng; thu phí và bản quyền còn nhiều vấn đề; mặt trái của công nghệ số (tin giả, tin sai lệch, lừa đảo, chiếm dụng trái phép dữ liệu…); kiến thức và kinh nghiệm quản lý kinh tế báo chí còn yếu; kinh tế thế giới, trong nước gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, những năm qua nhiều cơ quan báo chí vẫn phải kết hợp, đan xen kinh tế báo chí truyền thống và kinh tế báo chí số để hỗ trợ, bổ sung cho nhau.

3. Kết luận

Kinh tế báo chí là một trong các chức năng, nhiệm vụ của báo chí, đặt trong tổng thể môi trường, điều kiện Việt Nam và có tính đến yếu tố quốc tế để có cái nhìn toàn diện, khách quan, khoa học về thuận lợi, khó khăn; thời cơ và thách thức nhằm tìm được lối đi phù hợp. Từ thực tiễn khẳng định, kinh tế báo chí truyền thống và kinh tế báo chí số có những tiềm năng, thế mạnh và khó khăn, hạn chế riêng. Vậy nên vẫn cần kết hợp, đan xen, bổ sung cho nhau. Kinh tế báo chí truyền thống đã tồn tại và vận hành từ lâu cho đến tận ngày nay, trong lúc kinh tế báo chí số còn tương đối mới, có thể bắt đầu từ năm 1997, khi có Internet cùng với sự xuất hiện thêm báo điện tử và công nghệ số là những điều kiện cơ bản để thúc đẩy, phát triển kinh tế báo chí số.

_________________

Ngày nhận bài: 10-6-2023; Ngày bình duyệt: 14-6-2024; Ngày duyệt đăng: 17-7-2024.

(1) Vũ Văn Hà: “Hài hòa chức năng kinh tế với các chức năng khác của báo chí trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Sách Báo chí - truyền thông, những vấn đề trọng yếu, tập 2, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội, 2020, tr.74.

(2), (3) Nguyễn Đức Tài: “Cách tiếp cận về kinh tế truyền thông số trong xu thế chuyển đổi số”. Sách Chuyển đổi số ở Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.117, 118.

(4) Báo cáo của Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông. Sách Chuyển đổi số Báo chí Việt Nam - Một số vấn đề về lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.21.

Tài liệu tham khảo

1. Luật Báo chí năm 2016.

2. Quyết định số 362/QĐ-TTg, ngày 03-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025”.

3. Quyết định số 348/QĐ-TTg, ngày 06-5-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

4. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam: Kỷ yếu Hội nghị Báo chí Toàn quốc, năm 2019 - 2024.

7. Dương Xuân Sơn - Đinh Văn Hường - Trần Quang: Cơ sở lý luận báo chí - truyền thông, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011 (tái bản lần thứ 4).

8. Đinh Văn Hường - Bùi Chí Trung: Một số vấn đề kinh tế báo chí in (sách chuyên khảo), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015.

9. Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội), Tạp chí Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông): Chuyển đổi số Báo chí Việt Nam - Một số vấn đề về lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế báo chí trong phát triển kinh tế số nhìn từ bối cảnh Việt Nam
    POWERED BY