Diễn đàn

Một số mô hình kinh tế báo chí truyền thông mới và gợi mở cho Việt Nam

21/06/2024 16:33

(LLCT) - Dựa trên nền tảng công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, Internet vạn vật,...), chuyển đổi số đang tạo ra không gian phát triển mới cho chính phủ số - kinh tế số - xã hội số… Cùng với sự phát triển của hệ sinh thái truyền thông số, báo chí ngày nay có những thuận lợi và thách thức trong việc đi tìm mô hình phát triển kinh tế mới. Bài viết phân tích một số mô hình kinh tế báo chí truyền thông mới và đề xuất một số gợi mở cho Việt Nam.

PGS, TS ĐẶNG THỊ THU HƯƠNG
Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn,
Đại học Quốc gia Hà Nội

baochi-1.jpg
Ảnh minh họa: IT

1. Các mô hình kinh tế báo chí truyền thông mới trong bối cảnh chuyển đổi số

Một là, mô hình kinh doanh trực tuyến

Netflix, được thành lập vào năm 1997, là ví dụ điển hình về một công ty thành công với mô hình kinh doanh số. Khi mới thành lập Netflix sử dụng công nghệ cho phép người dùng chọn ra danh sách bộ đĩa DVD mà họ muốn xem trên trang Netflix.com, sau đó công ty sẽ gửi từng đĩa DVD về cho khách hàng, để người dùng có thể giữ phim mà không phải lo lắng về phí trễ hạn. Netflix mang lại trải nghiệm thuận tiện hơn, tuy nhiên về cơ bản thì vẫn khá giống với các cửa hàng cho thuê phim.

Từ năm 1999, Netflix chính thức phát triển dịch vụ đăng ký trả phí, cung cấp dịch vụ xem video trực tuyến từ Mỹ với nội dung đa dạng gồm phim đa lĩnh vực và các chương trình truyền hình, theo đó, Netflix cho phép người dùng chỉ cần chi trả một mức phí từ 30-40USD/tháng để xem lượng video tùy thích.

Tuy nhiên, phải đợi đến 2007, khi tận dụng nền tảng công nghệ lưu trữ đám mây, tạo ra không gian phim ảnh đa dạng và đặc sắc, quá trình chuyển đổi số của Netflix mới chính thức bắt đầu. Được xây dựng dựa trên hệ thống thuật toán và dữ liệu lớn người sử dụng, Netflix tạo nên giá trị khác biệt nhờ cung cấp dịch vụ trải nghiệm đặc biệt cho khách hàng, theo đó, người dùng tùy chọn xem trực tuyến video theo yêu cầu, bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu miễn là có kết nối Internet. Dựa trên dữ liệu lịch sử từ những lần xem phim trước đó của khách hàng, Netflix sẽ biết người dùng thích xem thể loại gì, nội dung gì để gợi ý đúng theo “khẩu vị” của họ. Chất lượng hình ảnh mượt mà, giao diện bắt mắt, dễ sử dụng, không quảng cáo, đồng thời cung cấp nhiều tính năng hữu dụng như tự động ghi nhớ mốc thời gian đang xem dở, có phụ đề, tự động phát tập phim tiếp theo,… Netflix ngày càng thể hiện sự thấu hiểu khách hàng, từ đó giữ chân người dùng ở lại lâu hơn trong thế giới của Netflix.

Xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2016, cho đến nay Netflix là ứng dụng phát trực tuyến phổ biến thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau FPT Play, trong đó 72% người dùng đánh giá “yêu thích” đối với các dịch vụ trên nền tảng này. Netflix cũng đã đăng ký trên Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài để tiến hành nộp thuế sau khi cổng thông tin này được Tổng cục Thuế công bố vào tháng 3-2022, và cũng đã nộp 7,8 tỷ đồng (số thuế đã được kê khai, nộp trực tiếp trên Cổng tại kỳ kê khai quý I/2022). Dự kiến Netflix sẽ sớm mở Văn phòng đại diện tại Việt Nam, nhằm thực hiện Nghị định số 71/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình khi Nghị định này có hiệu lực.

Năm 2022, Netflix đã nói lời tạm biệt với việc gửi DVD qua đường bưu điện, sau khi đã gửi đi hơn 5,2 tỷ chiếc đĩa DVD trong vòng 25 năm, và trở thành công ty kinh doanh số, cung cấp nội dung video kỹ thuật số phổ biến nhất trên Facebook, Website, app mobile, vượt qua cả Amazon, Hulu và Youtube.

Hai là, mô hình kinh doanh “phân mảnh”

Các nền tảng truyền thông mới như công cụ tìm kiếm (Google), dịch vụ thương mại điện tử (eBay) và/hoặc các trang mạng xã hội (Facebook) mang lại sự thay đổi diện mạo đáng kể cho lĩnh vực kinh tế báo chí truyền thông số. Kinh tế truyền thông trong môi trường số dường như là phép nghịch đảo của mô hình kinh tế đã tồn tại nhiều thập kỷ qua.

Các cơ quan báo chí truyền thông truyền thống thường chú trọng vào phía cung cấp thông tin (ví dụ: giá cả, danh mục sản phẩm,...) để tạo ra hiệu quả kinh tế và cắt giảm chi phí. Trong khi, các nền tảng kỹ thuật số, theo chiều ngược lại, ưu tiên tạo trải nghiệm người dùng tối ưu và xây dựng lượng khách hàng lớn.

Mô hình kinh doanh truyền thống gắn với những sản phẩm báo chí truyền thông vật lý, như tờ báo, tạp chí, đĩa CD, DVD. Trong khi, phương tiện truyền thông số gắn sản phẩm số với kênh truyền số, vì vậy, đưa sản phẩm tới công chúng một cách nhanh chóng và với chi phí thấp hơn nhiều.

Bên cạnh đó, nhóm công chúng đại chúng cũng đang được phân tách thành các nhóm nhỏ công chúng, có nhu cầu, thị hiếu khác nhau. Các sản phẩm truyền thông được tách lẻ, và các nhóm công chúng “phi đại chúng hóa” đang là hoạt động phổ biến trong nền kinh tế báo chí truyền thông số. Nếu trước đây, người hâm mộ âm nhạc phải bỏ tiền mua cả album, thì iTunes và Spotify cho phép người nghe mua/nghe từng bản nhạc riêng lẻ. Báo chí cũng trở nên phân mảnh, khi từng bài báo riêng lẻ được rao bán hoặc cung cấp miễn phí trên các trang web tin tức khác nhau. Ngay cả trên TV, “sự phân mảnh” cũng đã bắt đầu kể từ khi Netflix khuyến khích khán giả xem phim hay các video theo kiểu “gọi món”, còn các kênh truyền hình như HBO và RTL ra mắt tính năng cho phép công chúng trả phí riêng lẻ, tách biệt với dịch vụ đăng ký trả phí theo gói định kỳ.

Các nền tảng số phát triển mạnh mẽ đang dẫn đến sự phân mảnh cao độ, theo cách “cá thể hóa”. Các cơ quan báo chí truyền thông có thể dõi theo độc giả của mình trên các nền tảng khác nhau, đo lường mức tiêu thụ tin tức đa phương tiện (điện thoại thông minh, máy tính bảng,…) và cung cấp cho công chúng những thông tin được cá nhân hóa theo nhu cầu, sở thích của họ.

Ba là, mô hình kinh doanh đa nền tảng

Các cơ quan báo chí truyền thông ứng dụng công nghệ số để sản xuất và phân phối sản phẩm báo chí truyền thông trên tất cả nền tảng và thiết bị, và định hình phương thức kinh doanh mới - kinh doanh trên đa nền tảng. Các tờ báo hàng đầu trên thế giới đều “ưu tiên kênh kỹ thuật số” và điều chỉnh nội dung cho phù hợp với các nền tảng và định dạng kỹ thuật số cụ thể.

Bốn là, mô hình kinh doanh dựa trên việc bán “quyền tiếp cận” hơn là “quyền sở hữu”

Dịch vụ đám mây ngày một trở nên phổ biến, phí dịch vụ cho các gói lưu trữ với dung lượng không giới hạn ngày một giảm, và ngày càng có nhiều người tiêu dùng có thể truy cập vào nội dung đa phương tiện từ mọi thiết bị họ có.

Nếu trước đây, sự lựa chọn của người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn, vì nội dung (nguồn cung) thường bị giới hạn bởi không gian, thời gian, sự trở ngại về vị trí địa lý hay số lượng nguồn cung giới hạn, thì công nghệ hiện đại đã gần như xóa bỏ các rào cản đối với công chúng trong việc tiếp cận thông tin.

Một thập kỷ trước, người dùng thường tải nhạc hoặc phim để lưu trữ trên máy tính của họ. Ngày nay, công chúng thích “quyền tiếp cận” hơn là “quyền sở hữu” và muốn có quyền truy cập “ngay lập tức” tới nhiều nội dung nhất có thể.

Năm là, mô hình kinh doanh dữ liệu lớn

Các nền tảng kỹ thuật số khai thác sức mạnh của dữ liệu lớn (bao gồm dữ liệu khổng lồ về thông tin, dữ liệu về các cá nhân,… để sáng tạo nội dung và cá nhân hóa các dịch vụ. Dữ liệu lớn là nguồn lực quý giá của ngành báo chí truyền thông và chắc chắn sẽ trở thành một trong những giá trị của mô hình kinh doanh của nền kinh tế số.

Trong bối cảnh các mô hình kinh doanh hiện có ngày một kém hiệu quả, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của trực tuyến và các nền tảng di động, các cơ quan báo chí truyền thông đều phải tái cơ cấu về tổ chức và hoạt động, để thích ứng với logic phát triển kinh tế của môi trường truyền thông kỹ thuật số.

Trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão, các sản phẩm báo chí truyền thông gia tăng không giới hạn, thu hút sự chú ý của công chúng ngày càng trở nên khó khăn, thì việc cung cấp nhiều nội dung hơn sẽ không giúp các cơ quan báo chí truyền thông đạt được lợi thế cạnh tranh, mà quan trọng hơn, là sự chăm sóc và thấu hiểu khách hàng. Sự hiểu biết cụ thể, kỹ lưỡng về thói quen và nhu cầu của công chúng truyền thông cũng như xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với độc giả/ khán giả/ thính giả là chiến lược trọng tâm trong hoạt động chuyển đổi số của các cơ quan báo chí truyền thông để phát triển các mô hình kinh doanh mới.

2. Một số gợi mở cho Việt Nam

Việt Nam là một trong những nước phát triển Internet mạnh mẽ nhất trong khu vực và trên thế giới. Ngày 22-9-2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”. Ngày 15-7-2013, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển Internet tại Việt Nam. Đây là cú hích quan trọng trong đổi mới tư duy quản lý, từ “quản lý tới đâu, (mở ra) phát triển tới đó”, đến tư duy “phát triển tới đâu, quản lý tới đó”, và kết lại là “quản lý thúc đẩy phát triển”.

Trên thế giới, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2015, phổ biến từ năm 2017, thì ở Việt Nam, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2018.

Ngày 12-8-2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 999/QĐ-TTg về “Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ” tạo cơ sở cho các cấp quản lý xây dựng các khung pháp lý và chính sách hỗ trợ cho việc đẩy mạnh kinh tế chia sẻ - là một mô hình kinh tế xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ.

Ngày 27-9-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, trong đó nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP và trên 30% GDP vào năm 2030, với năng suất lao động tăng trên 7%/năm, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2045 trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dẫn đầu châu Á. Ngày 03-6-2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới ban hành chương trình/ chiến lược về chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 06-4-2023. Đây là cơ sở quan trọng không chỉ nâng cao nhận thức cho các cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu các cơ quan báo chí về chuyển đổi số, mà còn chỉ rõ những định hướng lớn để báo chí đổi mới công nghệ, phát triển thị trường công chúng truyền thông đọc, nghe, xem, nhằm bảo đảm mục tiêu, định hướng thông tin của Đảng và Nhà nước. Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí ra đời, Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí cũng được ban hành, giúp các cơ quan báo chí xác định được vị trí của đơn vị mình trong quá trình chuyển đổi số, từ đó xây dựng lộ trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp để chuyển đổi số hiệu quả.

Việt Nam đang đứng trước các cơ hội và thách thức lớn trong tiến trình chuyển đổi số, và phát triển kinh tế báo chí truyền thông số, với những tiền đề quan trọng như tỷ lệ người sử dụng các nền tảng Internet tăng nhanh và chiếm tỷ lệ cao, các dịch vụ liên kết liên ngành và cấu trúc kết cấu hạ tầng ngày càng được cải thiện, và mức độ cạnh tranh cao về các dịch vụ Internet góp phần đa dạng hóa loại hình dịch vụ, sản phẩm.

Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu ngành công nghệ thông tin trong quý I/2024, đạt gần 36,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ; xuất khẩu sản phẩm CNTT đạt 31 tỷ USD, tăng 17%... Nếu như năm 2013, doanh thu toàn ngành CNTT của Việt Nam chỉ đạt gần 40 tỷ USD, trong đó công nghiệp phần mềm và nội dung số đạt hơn 2,7 tỷ USD, thì đến năm 2022, doanh thu đạt 148 tỷ USD, tăng gần 4 lần, trong đó ngành phần mềm và dịch vụ CNTT đạt khoảng 13 tỷ USD, tăng gần 5 lần.

Với dân số gần một trăm triệu người, tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động băng rộng 4G của Việt Nam hiện nay đã đạt 99,8% dân số (trong khi, những nước thu nhập cao cũng chỉ đạt tới 99,4%); hơn 143,3 triệu thuê bao di động, gần 70% dân số sử dụng Internet, 72% dân số sử dụng điện thoại thông minh tạo nền tảng kinh doanh đáng kể cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các nhà mạng viễn thông lớn như VNPT, Vinaphone, Mobifone, Viettel đều đã chính thức thương mại hóa mạng 5G, có tốc độ gấp 10 lần mạng 4G phù hợp với nhiều công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như thực tế ảo, Internet kết nối vạn vật, đem lại nhiều trải nghiệm thú vị cho người dùng.

Tuy nhiên, sự khác biệt về môi trường chính trị - xã hội nên không thể “bê” nguyên xi các lý thuyết của thế giới áp dụng vào việc điều hành, tổ chức, quản lý hoạt động kinh tế báo chí ở Việt Nam. Trong quá trình chuyển đổi số, bên cạnh việc hỗ trợ cho các cơ quan báo chí về quản trị tòa soạn điện tử (cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số); Phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần; hay hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí. Về những vấn đề này, cần chú ý một số nội dung:

Thứ nhất, cần nhận thức mới về vai trò lãnh đạo, quản lý báo chí và quản trị truyền thông trong bối cảnh toàn cầu hóa truyền thông đại chúng.

Toàn cầu hóa thúc đẩy sự giao lưu, chia sẻ thông tin, làm cho đời sống xã hội thể hiện xu thế nhất thể hóa, đa dạng hóa và phụ thuộc lẫn nhau. Nhưng đồng thời, toàn cầu hóa không chỉ là sự hợp tác, mà còn là quá trình cạnh tranh giữa các quốc gia, nhất là trong bối cảnh phát triển xã hội thông tin, mà mức độ cao hơn là “thời đại dữ liệu lớn”.

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, vấn đề an ninh mạng không chỉ dừng lại ở khía cạnh bảo mật, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, mà còn trở thành vấn đề an ninh quốc gia, và do đó, trở thành một lĩnh vực quan trọng trong quan hệ giữa các nước, là lĩnh vực vừa hợp tác vừa cạnh tranh giữa các chủ thể trong quan hệ quốc tế; đồng thời, vấn đề quản lý báo chí, quản trị truyền thông không chỉ dừng lại trong khuôn khổ quốc gia, mà còn được xem xét với nhiều bên liên quan trên phạm vi quốc tế.

Đảng lãnh đạo trực tiếp và toàn diện đối với báo chí là một nguyên tắc. Tuy nhiên, quan trọng nhất là Đảng nắm giữ vai trò cầm quyền bằng thể chế hóa đường lối, chính sách thành hiến pháp, pháp luật và cầm quyền theo pháp luật; đồng thời thông qua những cán bộ ưu tú, tổ chức đảng được bố trí trong các cơ quan nhà nước. Đảng cần tiếp tục xác lập và củng cố vai trò cầm quyền bằng uy tín chính trị, phát huy dân chủ rộng rãi để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước.

Thứ hai, rà soát và sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý báo chí và quản trị truyền thông

Trước sự phát triển nhanh chóng, toàn diện của hệ thống báo chí và công nghệ thông tin, nhiều nội dung trong các văn bản pháp lý về quản lý báo chí và quản trị truyền thông đã bị thực tiễn vượt qua, trở nên lạc hậu, thậm chí cản trở sự phát triển của báo chí. Chẳng hạn, một số văn bản quy định về vấn đề tài chính của các cơ quan báo chí chưa quan tâm đến việc xác định mô hình, từ đó, xây dựng cơ chế quản lý tài chính phù hợp, xác định mức thuế đối với báo chí như doanh nghiệp, trong khi hoạt động báo chí là hoạt động tư tưởng, văn hóa không thể áp dụng mức thuế chung mà không tính đến tính chất của các nhóm báo chí là tuyên truyền hay giải trí.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý đối với các doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh liên quan đến lĩnh vực Internet, viễn thông, báo chí, phát thanh, truyền hình tại Việt Nam; hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển, thúc đẩy cơ hạ tầng dịch vụ CNTT, tạo ra những đơn vị “tiên phong”, đủ mạnh để cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường mạng xã hội.

Thứ ba, Chính phủ cần nghiên cứu tổng thể về kinh tế báo chí trong bối cảnh truyền thông số, đồng thời, xây dựng các nền tảng số Việt Nam, để Việt Nam không bị lệ thuộc vào các nền tảng số của nước ngoài.

Các tập đoàn công nghệ xuyên quốc gia sở hữu dữ liệu của hàng tỷ người, với đầy đủ thông tin cá nhân, các mối quan hệ, thói quen, sở thích hay thậm chí là các hoạt động và địa điểm của từng cá nhân theo thời gian thực. Trong một xã hội kết nối số không biên giới đã và đang hình hành, phát triển sự dịch chuyển quyền lực số, theo nghĩa, ở một chừng mực nhất định, quyền lực không còn nằm hoàn toàn trong tay Chính phủ, mà một phần nào đó đã được chuyển sang các công ty hoặc các cá nhân có tầm ảnh hưởng, chẳng hạn như Google, Facebook, Twitter, Amazon và Apple... Tuy các nền tảng số vẫn cần thông tin từ báo chí, nhưng không thể phủ nhận thực tế là các công ty công nghệ không cần một báo, đài cụ thể nào cả. Điều này dẫn đến sự bất cân xứng về quyền lực, mà cán cân nghiêng về phía nền tảng số, khiến thị trường phát triển thiếu lành mạnh một cách đáng kể. Báo chí bị thiệt hại về kinh tế, và việc suy giảm hoạt động của báo chí cũng khiến cho xã hội thiệt thòi, bởi bản chất của hoạt động báo chí là cung cấp thông tin chính xác, khách quan cho công chúng toàn xã hội. Bởi vậy, cuộc đấu giữa nền tảng số và báo chí vừa là cuộc tranh luận về nguyên tắc kinh tế, vừa là cuộc đấu chính trị giữa các ngành đầy quyền lực.

Ngày 25-2-2021, Ôxtrâylia là quốc gia đầu tiên trên thế giới thông qua Luật đàm phán nội dung tin tức, được thiết kế để buộc các hãng công nghệ lớn trả tiền tin tức cho các nhà xuất bản. Dù vậy, Luật không nhắc tên cụ thể Facebook hay Google, và Australia chưa công bố thời điểm Luật bắt đầu có hiệu lực, cũng như Luật sẽ được xem xét trong vòng 1 năm từ khi bắt đầu. Ngày 1-6-2021, tập đoàn Nine Entertainment ra thông cáo báo chí về việc tập đoàn này đã đạt được thỏa thuận có giá trị hàng triệu AUD trong việc chia sẻ nội dung tin tức với Facebook và Google. Đây là tập đoàn truyền thông lớn thứ ba của Ôxtrâylia đạt được thỏa thuận với 2 “ông lớn” công nghệ sau News Corp và Seven West Media.

Thứ tư, cần phát huy vai trò chủ động sáng tạo của các cơ quan báo chí để tận dụng tối đa các chiều cạnh tích cực nhiều mặt, nhiều cấp độ của kinh tế thị trường.

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là môi trường có nhiều thuận lợi, nhưng cũng đầy thử thách đối với báo chí và những người làm báo. Nhằm gỡ khó cho bài toán kinh tế báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng tiêu chí để xác định các nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu, với quan điểm, nguyên tắc là những hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu thì Nhà nước sẽ bảo đảm về kinh phí, có thể bằng cơ chế đặt hàng, mua dịch vụ... để hỗ trợ cho các cơ quan báo chí.

Các cơ quan chủ quản và các cơ quan báo chí cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong quá trình đi tìm lời giải cho bài toán tự chủ. Truyền thông là một ngành kinh tế, các sản phẩm truyền thông là hàng hóa đặc biệt, và cơ quan truyền thông là doanh nghiệp đặc biệt. Các cơ quan báo chí cũng cần có tư duy chiến lược về xây dựng, phát triển thương hiệu, phát triển các lĩnh vực kinh doanh đa dạng để phát triển nguồn thu. Không chỉ có nguồn thu từ bán báo, bản quyền các sản phẩm báo chí, quảng cáo, trao đổi, mua bán bản quyền nội dung; mà cần gia tăng nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ như tổ chức sự kiện, hội nghị, triển lãm, các chương trình văn hóa nghệ thuật có bán vé, thu từ dịch vụ truyền thông và tư vấn, thu từ nội dung trả phí trực tuyến cho những nội dung chất lượng cao hoặc những dịch vụ đặc biệt….

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển đổi số và truyền thông kỹ thuật số, cần có nhận thức mới về quản lý báo chí và quản trị truyền thông để không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, đổi mới và nâng cao cả về nội dung lãnh đạo và phương thức lãnh đạo, nhằm đạt được hiệu quả lãnh đạo cao nhất và cũng để có những quyết sách phù hợp phát triển kinh tế báo chí truyền thông trong môi trường số.

_________________

Ngày nhận bài: 15-6-2024; Ngày bình duyệt: 17-6-2024; Ngày duyệt đăng: 20-6-2024.

Tài liệu tham khảo

  1. Đặng Thị Thu Hương: Quản lý báo chí và quản trị truyền thông trong bối cảnh truyền thông mạng xã hội. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2021.
  2. Küng, L.: Strategic management in the media: theory to practice, Thousand Oakes: Sage, 2008.
  3. Sathya Prakash, Elavarthi: Media Economics and Management, Routledge, 2022.
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một số mô hình kinh tế báo chí truyền thông mới và gợi mở cho Việt Nam
    POWERED BY